Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Chùm ba truyện ngắn của Ma Văn Kháng

12-07-2011 02:24:27 PM

VanVN.Net - Bạn sẽ đồng ý ngay với chúng tôi, không thể đặt tiêu đề chung cho chùm truyện này. Mỗi truyện không chỉ có một tư tưởng nghệ thuật cách xa nhau, đến cách kể câu chuyện cũng xa nhau lắm. Có mảnh đạn găm trong đầu một cậu học trò, một ông thầy biến tương lai sán lạn của họ thành tâm thần điên đảo; nhưng hình như còn những mảnh đạn khác găm vào tâm não cuộc đời và chính nó làm náo loạn hơn thế? Có ông tổ trưởng dân phố chức bé, bé nhất trong hệ thống quan lộ nhưng biết cách trị dân và nhất là biết tự nghiêm khắc và nghiêm khắc ngay cả với ông tướng – tổ viên, nên đã xây dựng được một tổ dân phố đẹp và bình an, gợi ra cái điều muốn nói đầy minh triết. Nhưng cái truyện “Có con sáo sậu” mới lạ lùng. Chị tôi đẹp, ai cũng mê chị nhưng rồi đã 37 cái xuân xanh vẫn chưa có nổi mảnh tình, đơn giản vì chị không đi tìm cái đẹp hình thức, khổ chưa! Có thể bạn đã đọc ở đâu đó, nhưng nhà văn khi xếp ba truyện này gần nhau và gửi cho vanvn.net, chùm truyện tương tác tạo nên sự bùng nổ cảm xúc mà như nằm ngoài mỗi truyện, xin đọc thử xem.

Nhà văn Ma Văn Kháng

 

MẢNH ĐẠN

Thằng điên lại đến!

Nó đến và đứng trước hai cánh cổng sắt của tòa biệt thự hai tầng mới xây, mặt tiền ốp đá hoa rửa, kiến trúc tân kỳ, đông cứng trong không gian một khối hình đường bệ và lạ mắt. Đối diện với tòa biệt thự, thằng điên ba mươi tuổi nọ, cũng đông cứng một hình khối choắt chéo, gai góc và tiêu điều. Lùng nhùng trong bộ quần áo kẻ sọc màu pin đèn, trang phục của nhà tù hoặc bệnh viện, đã cũ nát, bẩn thỉu, nó giống như một thứ đồ phế thải. Nó là cái nhân dạng đã bị loại bỏ, sau một cuộc giao đấu cật lực và kéo dài. Nó chỉ còn lại sự cay uất, liều lĩnh và chút năng lượng dự phòng thỉnh thoảng bất chợt phóng xuất, thăng hoa, thể hiện rõ rệt nhất ở đôi mắt nhỏ tinh quái trên gương mặt bọ ngựa đen nhèm và hai cánh tay gầy sắt nhằng nhằng đường gân. Hai cánh tay ấy đang là hai thanh truyền lực và ra sức rung giật hai cánh cổng sắt tòa nhà.

- Thằng Lộc đâu! Mở cửa cho tao vào!

Vừa rung giật vừa gào cả chục lượt hai câu đó, tới lúc dáng chừng chán miệng, nó mới lại bắt sang câu thứ hai, nhưng vẫn tiết tấu dồn gấp và giai điệu hung hãn ấy.

- Con Liễu đâu! Mở cửa cho tao vào!

Lộc là anh trai nó. Liễu là chị dâu nó.

Dường như đã lường trước được rằng sẽ có một ngày nào đó, thằng em bất trị của họ sẽ giở chứng, sẽ đến quấy phá, nên khi xây cất tòa nhà, vợ chồng Lộc - Liễu đã đầu tư không ít công của cho việc phòng bị, ngăn ngừa. Họ quan tâm nhiều nhất đến cái cổng. Thoạt đầu, được sao chép ở đâu đó, nó chỉ là một đường cong parabon thanh mảnh với hai cánh cửa sắt uốn lượn, chạm trổ các hình nét kỷ hà, thơ mộng, tuy không kém phần chắc chắn. Tiếp đến, họ phá bỏ cái vòm cong cách điệu nọ, xây cổng hình vuông và cửa sắt di động trên một hệ thống bánh xe lăn. Vẫn thấy chưa ổn. Lần thứ ba, họ phá bỏ tất, làm lại từ móng nền. Và cái cổng cuối cùng được định hình như hiện thời. Hai trụ bê-tông cắm sâu xuống một mét đất, to bằng thân cột điện cao thế, gắn kết với một cái đốc mái, cũng bê-tông, cốt sắt, cắm đinh nhọn, tạo nên một bộ khung bền vững, để gắn hai cánh cửa bịt lá thép dày năm ly, quét hắn ín, nặng nề, kiên cố như cánh cổng nhà tù. Cánh cổng ấy hợp với vòng tường vi bao quanh, cao vót, đã cắm mảnh chai lại còn chằng dây thép gai sin sít và lùng nhùng, tạo thành một hệ thống bảo vệ vô cùng cẩn mật và an toàn.

Mỗi sáng đi làm, đã thành thói quen, bao giờ vợ chồng Lộc - Liễu cũng đẩy bà mẹ già vào nhà, khóa trái lại, rồi ra cổng, khóa tiếp bên trong, đoạn rung cổng thử, kiểm tra thật kỹ lưỡng, cảm thấy thật yên lòng, mới lên xe máy đèo nhau đi.

Tuy nhiên, sức điên dại là sức phi thường, ngoài thông lệ. Cửa sắt nặng trịch, khóa then chặt cứng như thế, mà dưới bàn tay thằng điên, cũng phải rung cành cành.

Nghe cánh cổng rung cùng với tiếng thằng điên rít rống liên hồi, bà mẹ bảy mươi ba tuổi ngồi trong nhà, không nỡ giấu mình và không thể cầm lòng được. Bà cụ đành mở hai cánh cửa sổ, nhìn ra cổng, mếu máo:

- Con ơi, con! Con đừng làm thế, mệt lắm, con ơi!

Nghe tiếng bà cụ, thấy cánh cửa sổ mở, như được thể, thằng điên lập tức bíu cổng, nhoài lên:

- Tiên sư con mẹ già! Ra mở cổng ngay, không tao nã pháo vào vỡ tan cái nhà này bây giờ!

Khổ! Đặt cái mặt héo úa vào giữa hai vệt chấn song, bà cụ lại sụt sịt:

- Con ơi, con vào bệnh viện đi! Con đừng làm thế, khổ thân con!

- Mở cửa ra! Mở ngay, không tao đặt bộc phá!

- Mẹ không có chìa khóa cổng. Mẹ chỉ có chìa khóa nhà trong này thôi. Con ơi, con về đi!

- Tao đếm đến ba, không mở tao sẽ phát hỏa. Một!

- Ối con ơi!

- Hai! Chỉ còn mấy giây sống nữa thôi, mụ già. Hãy quỳ xuống cầu nguyện đi!

- Ối, con ơi! Ối các bác hàng xóm ơi! Các bác ra khuyên bảo cháu giúp tôi mới!

Nghe tiếng bà cụ kêu cứu, các tòa biệt thự xung quanh đang im lìm như chết mới he hé cửa, động đậy. Ngõ nhỏ này toàn các biệt thự kiểu cách, sang trọng, khác hẳn các ngõ xóm toàn dân nghèo lầm lụi, sặc mùi xú uế. Ở đây nhà nào cũng kín cổng cao tường. Vừa riêng rẽ vừa tụ lại thành một quần thể riêng biệt, xa cách và khinh khỉnh. Đàn bà con gái ở đây mặc váy, đi ô, nõn nà, yểu điệu như diễn viên, tài tử. Đàn ông ở đây trẻ cũng như già, thảy đều phúng phính, phương phi, quan dạng từ cách đi đứng đến điệu bộ, nói năng. Kẻ giàu có là kẻ khôn ngoan. Hé cửa nhìn ra không có nghĩa là họ định sắn tay cứu giúp bà cụ. Ai dại gì mà dây vào thằng khùng, chẳng phải đầu lại phải tai. Họ chỉ ngại nó phát hỏa thật, giật bộc phá thật. Thằng cố cùng, ai mà lường được! Nhưng may quá, thằng liều này nó chỉ đánh võ mồm. Nhận ra điều đó, mọi người liền thở phào và lấy làm thích lắm, vì vừa thoát nạn, lại được xem thằng điên nổi máu phá phách nhà người khác.

Bỏ cánh cổng, thằng điên bắt đầu chuyển sang giai đoạn ném gạch đá vào nhà Lộc - Liễu. Thật không khác gì nã pháo! Rồi đúng như trình tự chiến thuật chiến tranh cổ điển, sau khi phi pháo oanh tạc là bộ binh xông lên. Bộ binh chính là cái thân xác loẻo khoẻo xương xẩu của nó. Nó cầm gậy đập nát riềm thủy tinh sắc nhọn, rồi bẩy mớ dây thép gai leo lên. Rồi chẳng hiểu nó có phép thần thông quảng đại gì mà nhoáy cái, nó đã lọt vào sân với tiếng hô đắc thắng “Xung phong... sát!”

Bấy giờ đám đàn ông đàn bà láng giềng mới mở cửa, lò dò bước ra, mon men đến trước hai cánh cổng tòa biệt thự nọ, ngó qua lỗ khóa vào nhà: họ xem.

Trong nhà, cửa mở toang. Thằng điên cầm đoạn côn gỗ, tay chống nạnh, mắt quăng quắc. Dưới sân nhà, bà cụ mẹ nó, ngồi ôm đầu, rên rỉ:

- Ối con ơi, con đừng nên thế, con ơi.

Thằng điên giậm chân, gầm:

- Mụ già câm ngay! Tao không thích nghe điệu nhạc bi lụy ấy.

- Con ơi, con đừng phẫn thế. Đời người ngắn lắm. Con nên tỉnh lại đi. Con đừng để cái u sầu nó tích tụ trong người con.

- Thôi! Chán tai lắm rồi. Mọi sự thông thái đều nằm ở sự vật và hành động! Đưa tiền đây!

- Con ơi, anh mày chỉ đưa tiền chợ hàng ngày cho mẹ thôi.

- Lũ ngẫu tượng đười ươi mặc áo vì dân vì nước khốn nạn đang vây quanh bàn tiệc thịt người, hãy liệu hồn!

- Con ơi, con đừng uống rượu.

- Không uống rượu thì uống cái gì, hả mụ phù thủy?

- Sao con gọi mẹ thế, hả con?

- Mụ là tên vú già của bầy tỉ phú đỏ, chuyên ăn xương uống máu nhân dân. Mụ là con sen, con hầu của bọn vô lương, bầy khủng long thế kỷ.

Không hiểu hết ý tứ những lời thằng con điên dại rủa xả, bà cụ tủi phận, co ro:

- Con ơi, con đừng buồn. Nó phản con cũng là vì hoàn cảnh. Hơn nữa, bố mẹ nó chết bom. Nó phải nuôi một đàn em.

Thằng điên thõng tay đánh soạt, bật cười ha ha:

- Khi chân trời xa đã trở thành thực tại. Ta gặp lại bản ngã của ta. Thế giới này đã xẻ làm đôi. Vết nứt xuyên qua trái tim thi sĩ. Ta là thi sĩ của gió mây cao cả. Ha! Nôn tiền ra đây!

Bà cụ chỉ kịp ôm mặt kêu: ối giời và những kẻ thừa cơ được thỏa trí tò mò xem vở bi hài kịch hiện đại đang ghé mắt, nghển cổ cò ở ngoài cổng, bỗng giật bắn mình, bạt vía, chạy dạt đi. Choang! Choang! Xoảng! Xoảng! Đoản côn gỗ trong tay thằng điên văng, đập vào cái giường, đập vào mặt tủ kính. Vào bộ ly, đám bình, lọ, tượng. Vào các đồ kỷ niệm bằng sứ, bằng bạc, bằng đồng, bằng gỗ. Bị cơn hoang tưởng cấp tính chế ngự, thằng điên nghĩ mình là hiệp sĩ vung gươm giữa trận tiền, vừa tả xung hữu đột, vừa cất tiếng ca khoái trá:

Khắp gầm trời không có ai tội nghiệp

Hơn các người, hỡi các thánh các thần

Các người nghèo nàn

Sống bởi đồ thừa cúng

Bởi khói hương thừa.(*) 

Ngoài cổng, sạch sanh không còn một mống khán giả. Trong nhà, giữa tan tành đổ vỡ, bà cụ ôm đầu rên rỉ: "Ối con ơi, bây giờ mẹ biết nói thế nào với vợ chồng nó, con ơi".

Lộc năm mươi nhăm, trán trợt, cổ rụt, bụng xệ, lỗ mũi rộng, miệng dẩu, tướng khỉ. Liễu kém chồng hơn hai chục tuổi, mặt đầy đặn, cân đối cả tam đình, ngũ nhạc, vẻ hiền thê, nếu không có cặp môi dưới dày hơn trên và hai cái vú to căng, biểu hiện tình dục mãnh liệt hơn người.

Tay bóp cằm, răng nghiến chặt, nhìn theo bà mẹ đang lê cái chân đau, đưa chổi quét vụn mảnh gương vỡ tung tóe trên sàn nhà, Lộc rít:

- Cụ lại mở cổng cho nó vào hả? Cụ giết tôi!

Bà cụ nghển lại, mặt bán diện, gầy rốc rác:

- Tôi nào có mở cổng cho nó. Mà tôi có chìa khóa cổng đâu!

- Thế thì tại sao? Tại sao nó vào được?

- Nó vào cách chi, làm sao tôi biết được!

- Thế nó lấy đi bao nhiêu?

- Có năm nghìn anh đưa tiền chợ hôm nay thôi.

Vò riềm tóc quanh đầu, Lộc nhăn nhó:

- Cụ ơi, cụ đừng có thương xót nó vô nguyên tắc thế!

Dệch từng bước ngượng ngập trở về cái phản, bà cụ rên:

- Nó còn cầm côn khảo vào đầu gối tôi đây này. Khổ, nó thiếu, nó đói.

- Thiếu, đói gì! Nó là thằng phá hoại! Nó là thằng du côn, là thằng lưu manh, là kẻ cướp!

Phanh hai vạt áo blu-dông, Lộc gay gắt. Bà cụ chấm kẽ mắt:

- Khổ, nó là út ít. Nó chịu nhiều thiệt thòi, thua kém.

Lộc vằng người, bất thần như chạm nọc:

- Cụ còn đòi tôi thế nào nữa? Đón từ trại thương binh nặng về. Đưa vào bệnh viện sang nhất nước. Có chế độ bồi dưỡng đặc biệt. Thuốc Âu Mỹ đắt mấy cũng không tiếc. Rồi tiền bạc, quần áo, đồ dùng. Cung đốn hàng tháng còn có thiếu gì không? Mà tôi nợ nần gì nó?

- Khổ! Nó mấy năm phải đi bộ đội. Nó bị mảnh đạn vào đầu.

- Cả triệu người đi bộ đội. Cả chục vạn người bị thương, chứ riêng gì nó?

- Tám tuổi, bố nó đã chết. Nó không được bố dạy bảo, kèm cặp. Tôi là đàn bà quê mùa.

- Thế thì tôi hơn gì nó. Mười hai tuổi tôi đi thoát ly. Tôi được hương hỏa mả dài gì ở cái gia đình này? Người ta đi bộ đội về thì thành anh hùng, dũng sĩ. Còn nó... Còn nó thành thằng điên! Mà điên gì nó! Báo cho cụ biết, từ hôm nay tôi coi nó như một phần tử lưu manh côn đồ, lớp cặn bã xã hội, tôi không có nể nang tình nghĩa gì nữa...

Thấy Lộc to tiếng, đám đàn ông đàn bà hiếu sự hàng xóm lập tức kéo sang. Được dịp, Lộc càng cao giọng phân trần, kể khổ. Đám người vây quanh nghe Lộc, gật đầu, chép miệng: Hóa ra bác Lộc quyền cao chức trọng, đi nước ngoài như đi chợ, vợ đẹp, nhà lầu mà có sướng đâu. Thật là tạo vật đố toàn. Ông trời chả cho ai sung sướng trọn vẹn cả là vậy. Chả ai sung sướng cả. Đời là vậy. Chao ôi, nếu cần tìm dẫn chứng thêm để chứng minh cho chân lý phổ biến trên thì có thế lấy ngay ở ngõ phố toàn biệt thự cao sang này. Ông tướng B. sau ba mươi năm chinh chiến, rất chịu khó thu nhặt chiến lợi phẩm và tận dụng nước sông công lính, có được sản nghiệp hơn năm trăm cây, một đêm bị thằng con lêu lổng cuỗm sạch rồi biến mất. Ông thứ trưởng T. mới được đề bạt, có cô vợ diễn viên trẻ măng, nào ngờ suýt chết vì đòn ghen của bà vợ cả răng đen. Ông K. giám đốc công ty B.N có cả tài khoản gần nửa tỷ Mỹ kim gửi ngân hàng quốc ngoại có hai thằng con trai thì  nghiện ma túy cả hai. Kẻ bị lừa. Người bị trấn. Không thì lại bị chính người trong nhà bòn rút, chia sẻ, tàn hại. Lại có anh vừa vênh vang nhà cao cửa rộng chưa đầy tháng trời đã bị đồng nghiệp làm phản tố cáo, bị tóm gáy vào nghỉ mát ở nhà đá. Lắm ông về già tưởng có thể ung dung tận hưởng của cải một đời trộm cắp, thì trời buộc miệng không cho ăn, vì ốm đau suy nhược lắt lay đến tội. Ấy thế, thoát khỏi đòn trả thù của người đời thì lại bị trời hành, bị số kiếp bó buộc, không sao xoay chuyển lại được, trớ trêu quá!

Đứng giữa chúng sinh cùng cảnh ngộ, Lộc bị kích ứng, càng cao giọng gay gắt:

- Vẫn biết rằng nó là cái tai ách của gia đình tôi phải gánh, nhưng các bác xem, làm sao mà tôi chịu đựng nổi. Cứ vài ngày lại một vụ đập phá như thế này. Mà đã hết đâu. Nó phá phách, gây gổ, trộm cắp ở tận đẩu tận đâu, người ta cũng kéo đến đây nhè đầu tôi ăn vạ, đòi đền bồi. Đấy, tuần trước nó cầm mái chèo chém vỡ đầu một ông thuyền chài, vợ ông ấy dìu chồng ôm đầu bông băng đỏ loét đến đây, tôi lại phải chi cho người ta hơn một chỉ mới yên. Cụ thấy tôi có nói sai tẹo nào không? Cụ nói cho bà con hàng xóm nghe đi.

Bà cụ ứa nước mắt:

- Tội là do tôi, các bác ạ. Con dại cái mang. Nó điên khùng, rồ dại, hư hỏng là do tôi không dạy nó.

Lừ mắt lườm mẹ,  Lộc ngoắt người, đánh tay:

- Sao hồi đi bộ đội, nó không chết mẹ nó đi cho xong.

Bà cụ khóc òa:

- Ối con ơi, sao mày không chết hồi đi bộ đội, con ơi!

Quay lại, mắt tím lịm, Lộc tàn nhẫn:

- Tôi nói thật đấy. Chết toàn đứa tốt. Sống toàn loại không điên khùng dại ngộ thì cũng vô tích sự!

Bà cụ ngửa mặt lên trời, hờ thảm thương:

- Ối con ơi, sao mày không chết hồi ấy, hả Tự ơi!

Tự ơi, sao con không chết ngoài mặt trận, hả con? Ở ngoài mặt trận nhiều người chết lắm cơ mà. Có người chưa kịp ghi tên vào đơn vị đã chết. Có người chưa kịp tham gia một trận đánh nào đã chết. Chết vì bom đạn, vì đói khát, vì thú dữ ăn thịt, vì sốt rét ác tính. Chết gì thì cũng được mang danh thơm liệt sĩ. Liệt sĩ thì danh giá cho mẹ già. Mẹ già được phát bằng Tổ quốc ghi công. Được tiền tuất hàng tháng. Riêng tháng Bảy thế nào cũng được đại biểu Ủy ban, Phòng thương binh xã hội đến úy lạo, tặng cái khăn mặt, gói chè hương. Vợ chồng Lộc - Liễu cũng được tiếng thơm lây. Em là liệt sĩ được ưu tiên nhiều thứ lắm!

Thế mà tại sao Tự lại không chết? Giặc tan lại lù lù dẫn thân xác về. Mà nào có ra thân xác. Gầy gòm, hôi hám, chỉ còn một nửa phần hồn phần xác là quen, còn thì lạ lẫm lắm! Lạ lẫm, vì xưa có bao giờ như thế. Đặt cái ba-lô rách xuống đất là ngồi phứa lên trên, lục cái điếu làm bằng ống pháo hút re re, nhe hàm răng xỉn như răng người chết, ngộ độc, thở khói phù phù. Con ơi, bố mày xưa phát ho phát hen vì thuốc lá thuốc lào đấy. Bỏ đi. Hút vào, ỉa ra khói, lại bệnh tật nữa. Bà cụ giật cái điếu. Nó giằng lại, cười khì khì: "Mẹ kiếm cho con ít rượu đổ vào điếu, hút mới khoái!".

Giữa sống chết thì sống bao giờ cũng khó khăn hơn và gây phiền cho mọi người xung quanh hơn. Đằng này Tự lại sống dở. Mười bảy tuổi tình nguyện đi bộ đội. Lấy máu viết đơn mới được đi. Anh hùng thật, nhưng đã thành người đâu. Học vấn dở dang lớp chín. Tính nết chưa ra người lớn. Như cái thứ bán thành phẩm, khi trở về, cũng vẫn là cái của dở dở ương ương như thế. Nhưng dở dở ương ương thì cũng vẫn phải ăn. Vẫn phải ăn, cũng có nghĩa là phải làm. Nhưng làm gì được? Nghề ngỗng không. Chữ nghĩa quên sạch. Sức đã bạc, động tay động chân là thở phì phò như ông già. Cũng chẳng còn thói quen cần cù nữa. Thôi đành tìm việc thổ mộc đơn giản để có đồng lương lần hồi vậy. Nhưng, xúc đất ở công trường đào hồ thủy lợi được một tuần thì Tự đùng đùng bỏ về. Bỏ về vì vỗ ngực ta đây là chiến sĩ Trường Sơn và đánh trật xương vai ông đội trưởng, chỉ vì ông này dám phê bình Tự là kỷ luật lao động kém. Từ đó, làm ở đâu cũng chỉ được vài ngày là người ta lại xin kiếu, vì đã lười, dốt, lại hay gây gổ. Lạ là gầy còm, yếu ốm vậy, mà rất hay gây sự đánh người. Ai lại dám cầm cả cái xẻng mà nện vào đầu người ta! Lẽ ra phải ra tòa, nhưng vì xét là thương binh, bị chấn thương sọ não, nên chỉ sa thải và bắt bồi thường tiền.

"Mày quá đáng lắm rồi đấy! Liệu mà tu tỉnh đi". Sau lần nhận Tự từ trại thương binh, rồi đưa vào viện điều trị về, Lộc chỉ mặt thằng em, cảnh tỉnh và đón bà cụ lên ở với mình. Tự ở một mình. Ở một mình chứng nào tật ấy càng tha hồ ngựa quen đường cũ. Rượu uống tràn. Một mình làm vua, làm giặc trong nhà. Bán hết cái bàn, cái tủ đến cái nhà, rồi đi lang thang, ngủ bờ ngủ bụi, mái hiên, gầm cầu. Bà cụ xót xa cho con quá, đánh chắp tay vái tứ phương. Một ông cán bộ bảo: Đó là một thế hệ mất phương hướng sau chiến tranh. Một bác sĩ nói: Cậu ta bị mất một cái gì lớn lắm nên hụt hẫng, mất thăng bằng. Thêm nữa, tình dục bị dồn nén không được thỏa mãn. Một thầy bói phán: Cậu này bị ma ám. Nhìn cái ấn đường biết còn gặp tai biến đấy, cụ ạ. Thế là, hết thuốc Tây lại lá lẩu đông y; cuối cùng bà cụ đi các đền miếu chùa chiền, lập đàn, dâng sớ, đốt hình nhân, đội bát nhang giải cứu cho linh hồn Tự.

Kết cục đâu vẫn hoàn đấy. Vẫn như mọi hôm, trẻ con nó lại réo gọi: "Bà ơi, chú Tự chú í đang diễn thuyết ở ngã ba Bà Triệu - Hàm Long kia kìa". Bà cụ vội tất tưởi chạy đến. Tự đang đứng giữa vòng trong vòng ngoài những người là người. Áo quần như giẻ lót nồi. Mặt vừa vêu vao, u uẩn vừa ma mãnh. Con ơi, con tỉnh hay mê? Bà cụ gọi. Tự chỉ tay:

- Bớ Cao Trân, mi đặt điều dối gạt, bất chấp thị phi. Dù mi chạy đến tận chân trời ta cũng bắt được mi.

Tự nói gì mà như đọc tích cổ nước Tầu vậy. Bà cụ ngơ ngác chưa kịp hiểu thì Tự đã xắn tay áo, mặt trắng bệch, sợ hãi và yếu đuối, rên rỉ:

- Bốn bề là lính thủy Mỹ, ta đành từ biệt pháo vậy, pháo ơi! Phải đặt bộc phá. Phá pháo thân yêu của ta, ta xót xa lắm chứ. Nhưng pháo ơi, người có hiểu rằng ta còn chịu sự xót xa, cay đắng hơn thế nhiều không? "Đồng chí Tự, tôi phân công đồng chí mở đường máu". Thằng Doãn nói thế. Nó lừa tôi, để tôi biến thành ma, để tôi thu hút hỏa lực của bọn Mỹ, cho nó rút an toàn. Bớ Cao Trân! Thế giới này không câm nín với người cần mẫn. Cứ bước đi, ta sẽ tới thiên đường!

Toét! Toét! Hai bóng áo vàng huýt còi chạy vụt tới. Yêu cầu bà con giải tán. Không nghe luận điệu địch. Anh kia tên gì? Ở đâu đến? Bà cụ gào: Con tôi đấy, các anh ơi. Mọi người ồn ào. Đúng là thằng tâm thần, trí óc lộn tùng phèo, ký ức sai lệch, đầu Ngô mình Sở, như trẻ nhỏ trong cơn kích động...

Lê cái chân đau sang nhà hàng xóm, bà cụ âu sầu, rỉ rả:

- Bác ơi, ông bác sĩ hỏi tôi, tôi bảo: nhà tôi cả bên nội lẫn bên ngoại, ba bốn đời ghi trong gia phả, không có ai mắc chứng điên dại cả. Còn thằng này, hồi chưa đi bộ đội, nó ngoan lắm, nết na thùy mị như con gái chứ! Mười sáu, mười bảy tuổi không biết la cà hàng quán, không biết nói tục, đi đâu cũng núp sau lưng mẹ. Mà học giỏi lắm. Các thầy giáo, cô giáo đều quý mến! Nhất là ông giáo Đức dạy sử, thấy cháu học một biết mười, còn nhận cháu làm em nuôi cơ mà. Hôm trước khi đi bộ đội, nó còn gói ghém sách vở, bảo tôi giữ gìn cẩn thận để về sẽ học tiếp: "Con sẽ thành nhà sử học, nhà toán học, hay nhà vật lý. Con sẽ nuôi mẹ đàng hoàng, sẽ đem vinh dự, sung sướng về cho mẹ". Ý nói là chê trách thằng anh nó giàu có mà bủn xỉn với mẹ đấy, các bác ạ.

Hết mạch chuyện, bà cụ lại gõ cửa nhà khác. Lại phân trần vân vi và thêm lời xin lỗi vì làm ồn ĩ, phiền hà đến bà con xung quanh. Thôi, cũng là vì hoàn cảnh, chứ ai muốn con mình nó thế, hả bác? Bệnh trạng gì mà khổ cho người, khổ cho mình thế. Tôi đến thăm cháu ở quân y viện. Ông bác sĩ giỏi nhất khoa này nói: Cụ ơi, cụ thử hình dung thế này nhé. Nhà có năm người. Giả dụ thế. Cả năm người đều sưng phổi, sốt rét. Nhưng vẫn có thể là yên tĩnh. Vậy mà khu phố đông một vạn dân, chỉ cần một người mắc bệnh tâm thần là đủ hỗn loạn rồi. Đó, bệnh này nó phiền phức là vậy. Nhưng, ác cái bệnh này là do cái gì sinh ra, thì chưa ai hiểu cho hết ngọn ngành cả. Nó đâu như cái dạ dày, khúc ruột mà chiếu điện, mà mổ phanh ra để xem tận mắt được.

Hàng xóm ở đây toàn những kẻ hiểu biết cả, nên thông cảm lắm, nhưng cũng thóc mách tinh quái lắm.

- Cụ ạ! - Họ nói. - Tôi nghe chú ấy nói, thấy trong cái giả có cái thật đấy. Chú ấy khôn ra trò. Đọc cả thơ của ông Gớt thi sĩ vĩ đại người Đức đấy chứ. Vậy đâu có phải loại đần ngu không biết gì?

Bà cụ gật đầu:

- Cái đó thì cũng có.

- Bây giờ cách chữa chạy tốt nhất là để cho chú ấy nói ra hết, cụ ạ.

Bà cụ ngây mặt, rồi lắc đầu:

- Nhưng mà tôi biết làm thế nào bây giờ? Tôi chỉ biết thương nó thôi. Tôi nhớ nó lắm. Khổ, hồi chưa đi bộ đội, cháu ngoan lắm, nết na thùy mị như con gái ấy chứ. Mà học giỏi lắm. Thấy cháu học một biết mười, ông giáo Đức dạy sử quý lắm, còn nhận làm em nuôi kết nghĩa cơ mà. Ông giáo Đức người cũ kỹ, ăn mặc xuềnh xoàng, nhưng giỏi giang, trực tính lắm. Có bận thấy ông lãnh đạo tỉnh, thành phố nói sai, còn dám đứng lên cự lại cơ mà. Đấy, nhắc đến ông giáo Đức là lại nhớ đến con.

Lấy khăn tay, bà cụ lau đôi mắt ướt nhoèn.

Tự đến là hạch tiền, là phá phách. Nhưng, nước mắt có bao giờ chảy ngược. Tự không đến thì bà cụ lại nhớ, lại buồn, lại thương, lại lo, đến mức suốt ngày bà cụ vơ vẩn vào ra, chốc chốc lại ngó ra cổng: Quái, cái thằng này mấy hôm nay nó đi đâu, ở đâu?

Nửa tháng qua. Rồi ba tuần qua. Hôm nay, đang định bụng lân la ra phố để hỏi trẻ nhỏ xem có thấy Tự ở đâu không, thì nhác thấy bóng người ở ngoài cổng.

Tim đập dồn, thập thễnh chạy ra, bà cụ vừa định reo, vội ngậm miệng, lùi lại ngỡ ngàng:

- Chào cụ ạ.

- Ơ ơ... bác. Chào bác. Bác hỏi ai ạ?

Bà cụ líu lưỡi.

Đứng trước cánh cổng không phải là Tự. Mà là một ông lão đội mũ lá cọ, vành to bằng cái nia, mặc áo bà ba màu dâu tây rộng thùng thình, vai đeo tay nải nâu, thoạt trông như người nhà Phật đi hành hương. Nhìn kỹ thì thấy không phải. Vì còn có bộ râu mới nuôi rối rít, ngồ ngộ, và mặt còn nhiều trắc ẩn, lại bí hiểm cổ quái, lập dị khác thường. Nhìn kỹ nữa thì lại thấy có nét nhang nhác quen thân. Cái khuôn mặt hình thuẫn cổ sơ, cái sống mũi gẫy, cái khuôn miệng móm thụt vào và nhất là hai con mắt trẻ như đặt lầm chỗ, đúng là những hình nét đã được lưu giữ trong trí nhớ bà cụ, nhưng thời gian khiến chúng trở nên nhòa mờ đi ít nhiều rồi, nên bây giờ ngờ ngợ lắm.

- Cụ không nhận ra tôi rồi! - Người nọ vừa theo bà cụ đi vào nhà, vừa nói thầm trong chòm râu, rồi thoát một hơi thở dài khi ngồi xuống chiếc đôn, đoạn đặt cái tay nải lên đùi, lôi ra một chiếc cặp da đen, ngẩng lên, đột ngột và tự nhiên:

- Chú Tự có nhà không, cụ?

Chiếc cặp da đen đã sờn các đường riềm. Thêm một hình sắc quen thuộc nữa. Bà cụ lập cập rót nước. Và khi đặt chén nước trước mặt người khách, thì ký ức đã lần giở đến nếp nhăn cuối cùng, bà cụ liền như buột miệng:

- Thầy giáo Đức!

Chỉ chờ có thế, người khách liền ngửa cái mắt trũng lên trời, vuốt râu cười hơ hơ:

- Thưa cụ, cụ còn tinh tường lắm. Cháu chính là thầy giáo Đức dạy sử ở trường cấp ba Lao Cai năm nào đấy. Cháu là anh kết nghĩa với em Tự, con cụ. Còn nhớ hôm đến uống rượu ở nhà cụ, cụ thịt con ếch hai ki-lô.

Bà cụ nhăn trán cố nhớ xem đã có lần nào thịt con ếch hai ki-lô đãi ông giáo không, thì ông giáo đã đặt tay vào khóa cặp, vai so lại, mặt ngây ngây:

- Thế đây, ta đã đi qua bao bão tố để từ anh hùng trở nên triết nhân. Thưa cụ, chắc là cụ thấy đường đột vì sự có mặt của cháu trong căn nhà này. Nhưng, xin cụ cứ yên lòng. Cái gì cũng có nguyên ủy của nó. Giống như vũ trụ. Thoạt đầu là cái hỗn mang. Rồi cái tiên thiên. Cái Thái cực. Thái cực sinh lưỡng nghi. Lưỡng nghi sinh tứ tượng... Cứ thế, nhất biến thiên. Thiên biến vạn. Vạn biến ức. Ức biến thành hằng hà sa số!

Se sẽ ngồi xuống, không kịp chen vào lời thăm hỏi, bà cụ  liền bị chìm vào đám chữ nghĩa mỗi lúc một mù mịt, rối rắm của ông thầy. Đến mức lúc sau bà cụ phải sợ hãi, kêu thầm: hay đây là một thầy Đức giả? Thầy Đức xưa coi Tự như môn đệ, sáng láng lắm, chứ đâu tù mù, hỗn độn, lòng dạ không yên hòa thế này!

Ngưng mạch nói chỉ là để nuốt hơi, thầy Đức vừa mở nắp cặp, vừa tiếp, giọng lại chuyển thành nghề ngà:

- Hà, sở dĩ biết địa chỉ của em Tự là bởi vì sau hơn mười năm xa nhau, hai thầy trò chúng tôi cùng đi bộ đội, rồi lại kỳ ngộ nhau ở nhà thương điên. Hà! Tôi phải phát đơn kiện cái sự lạm dụng, dùng sai danh từ này! Sao lại điên? Điên là gì? Là phải trái bất phân! Thế thì tại sao tôi và em Tự lại vào nhà thương điên để họ bắt tắm nước nóng, tập thư giãn và uống Aminadin được? Không, tử vi tôi và Tự giống nhau. Thái dương cư ngọ, tức là có sự chiếu sáng rực rỡ. Cự môn ở cung quan, mà quan đóng ở đầu, tức là bị mang tiếng thị phi thôi. Không có khoản điên loạn ở đây! Vấn đề là họ không hiểu lịch sử xã hội là do tự nhiên quyết định. Chiến tranh, con người lăn xả vào chém giết nhau, đâu có phải vì lòng tham. Mà là do thời gian đó vũ trụ gặp bốn chu kỳ: tháng cận điểm, năm xuân phân, tháng trường trọng lực và chu kỳ vết đen trên mặt trời.

- Mời thầy xơi nước ạ.

Bà cụ cố chen lời. Nhưng nhấc chén nước lên, người nọ lại đặt xuống khay, ngất ngưởng:

- Thế nên tôi có ba lời khuyên với em Tự. Một là, giả vờ ngậm Aminadin thôi, chứ không uống, vì ta còn giữ sức để làm việc cho đời. Hai là, trời không sắp bến sắp thuyền cho em, bắt em phải biết cay biết đắng. Ba là, ta được duyên trời cho, nhìn xa được một thế kỷ. Mong em hãy giữ sự quân bình. Còn đây...

Rút từ trong chiếc cặp da đen sờn rách ra một tập giấy lớn, ông thầy nhìn bà cụ chằng chằng:

- Bây giờ tôi xin hỏi cụ: Vũ trụ quan của cụ là gì? Nhân sinh quan của cụ là gì? Hơ hơ... Tôi hỏi thế để tôi giải đáp. Tôi có thể trình bày với cụ hai vấn đề trên: hai năm liền, hoặc hai tháng, hoặc hai giờ, thậm chí... hai giây. Thưa cụ, điều đó tôi có ghi chép hết ở trong tập giấy này. Đây là công trình tôi và Tự đã cùng nhau bàn bạc, nay tôi chấp bút đã xong, tôi đưa đến để Tự đọc góp ý. Công trình có tên là Hướng về Ân Đức Bà Chúa Thượng Ngàn. Trong này có Đạo, có Pháp, có Nhân sinh quan là: liệu cơm gắp mắm, có phương châm của thời đại bao gồm các phương lược giúp đời cứu nước. Dạ, xin cụ đừng giật mình trước giao thừa chó sủa!

Lại nhấc chén nước, hai mắt trắng dã, thầy bật tiếng cười lạnh tanh:

- Xin cụ đừng giật mình trước giao thừa chó sủa!

Bà cụ co người, rét run. Trời ơi! Chả lẽ thầy giáo Đức cũng có một mảnh đạn trong đầu? Mảnh đạn ở đâu mà lắm thế! Rồi cụ rên khe khẽ: “Thầy ơi, thầy có biết em Tự  em ý giờ ở đâu không, thầy?” 

Giờ này con ở đâu, Tự ơi?

Lòng dạ con đã yên ổn hay con lại đang lang thang đây đó như thầy giáo Đức, nghêu ngao hết chuyện này sang chuyện khác, rõ ý thiện tâm thành mà cứ như ăn nói quàng xiên, vô nghĩa.

Chết thôi! Đến nhà thầy giáo Đức thông sáng hơn người mà cũng thế a? Nhất biến thiên. Thiên biến vạn. Nếu cứ như thế thật thì sợ quá. Thì hóa ra đời người sống ngắn ngủi mà lắm đớn đau, oan khiên. Khổ! Đời người được bao lăm, khôn ngoan còn chẳng ăn ai, một chín một mười tranh cạnh còn khó, huống là những quái trạng, cô hồn, tiên thiên hậu thiên bất túc. Lúc này đây, ai cũng chẳng mang nổi mình, còn ai lo được cho ai, nữa là thiên hạ xưa nay vốn quen phù thịnh chứ có ai phù suy. Vậy nên con ơi, nhiễu tâm thì thiệt mình, khổ mình thôi, con ạ. Đời gập ghềnh vốn chỉ ưa với kẻ cứng rắn,  là thế, nhưng con ơi, chả lẽ chỉ vì vậy mà lại khuyên con gạt nước mắt, bỏ ước nguyện, nhịn nhục cho qua ngày!

Bị hình ảnh thầy giáo Đức ám ảnh, bà cụ ngày đêm sốt ruột sốt gan lo sợ cho số phận Tự. Nhất là mấy hôm sau, có tin người ta vớt được xác một ông già mặc áo bà ba, đeo tay nải, ở con mương nước thải gần ngõ phố này. Không hiểu là ông cụ tự vẫn, hay đi vơ vẩn ngã xuống nước lúc tâm thần mê loạn.

Giờ này con ở đâu, Tự ơi? Ngày đêm bà cụ mong ngóng Tự trở về. Và rốt cục Tự đã trở về! Tự đã trở về trong nỗi nhớ mong của mẹ, sau gần tháng trời thầy giáo Đức đến thăm không gặp.

Đó là một trưa mùa xuân.

Điều kỳ lạ là lần này khác hẳn mọi lần trước. Không có tiếng giật cửa. Không có tiếng réo gọi. Không có lời chửi càn ngông ngạo. Không có cảnh đập phá, và sự việc xẩy ra rồi mà mãi một lúc sau bà cụ mới được biết. Vì mãi sau mới nghe tiếng ai nhang nhác tiếng Tự đối đáp chát chúa ở trên gác hai. Chạy ra sân, bà cụ kinh hoàng. Phép lạ siêu thường gì mà Tự lọt qua được hàng dây kẽm gai đã được Lộc gia cố và leo lên được gác trên. Bà cụ run hết cả chân tay vì cùng lúc ấy nghe tiếng tru khiếp đảm của vợ Lộc:

- Ối bà con ơi, cứu tôi với!

Lúc ấy, như đã định liệu trước, hai cánh cổng liền bị đẩy mạnh, mở toang. Lộc dắt xe máy vào, theo sau là mấy người công an.

Trong buồng  ngủ trên gác hai chỉ có Liễu và Tự. Tự áo quần rách nát, mặt gầy lộ cốt có mấy vết cào rớm máu, miệng trễ, hai bên mép nhớt dãi nhểu nhệt lòng thòng, như đang lên cơn dại. Vợ Lộc, một bên dải váy ngủ đỏ lòe đứt thõng, da thịt nồng nỗng, tay ôm cái gối tròn thế thủ, mắt đỏ gắt, vừa thấy Lộc cầm chiếc gậy xồng xộc đi vào, liền tru tréo:

- Ối, anh Lộc! Nó định cưỡng hiếp em! Thằng khốn nạn!

Lộc dừng lại, trán nhẫy bóng, bụng phập phồng, trỏ gậy vào mặt em trai, thở hồng hộc:

- Thằng khốn! Điên gì mày!

Tự ôm mặt, ngửa lên trần nhà, người rúm lại tựa như bị một cơn đau thắt siết ngang ngực gầy.

- Đồ du thủ du thực! Thằng mất dạy! - Lộc nhe răng gầm ghè. - Tao không thể ngờ mày có thể đểu giả đến như thế! Lần này thì tao không thể tha thứ cho mày được. Điên gì mày!

Dứt lời, Lộc vung gậy nhằm đầu Tự phang đòn chí tử. Tự buông tay, tỉnh hẳn và nhanh dẻo như vượn, vươn tay đỡ được đầu chiếc gậy vừa giáng xuống. Trạng thái phi thường xuất hiện. Tự nín hơi phóng xuất nội lực dự trữ, giật mạnh chiếc gậy và co chân đạp mạnh vào bụng Lộc, rồi phắt ra cửa,  nhảy từ tầng hai xuống  mảnh  sân trước nhà, dộng đầu gậy xuống sân, thét lớn:

- Tao không điên! Tao không điên! Bớ tên Cao Trân kia!

- Bắt lấy nó hộ tôi! Bắt lấy nó, các đồng chí ơi!

- Ừ, bắt lấy nó! Nó! Nó đấy!

Chỉ mặt anh trai, gào mấy hơi ngắn, Tự như phi thân tót lên bờ tường vi.

Lộc từ tầng hai lệch đệch chạy xuống, ôm mặt hổn hển và lắp bắp:

- Thằng điên ! Thằng khốn nạn! 

Tối hôm ấy bà cụ sang hàng xóm xin ngủ nhờ. Hôm sau bà cụ bắt đầu đi rong phố. Chỗ nào có dăm bảy người là đứng lại, mặt ngơ ngẩn, chả ai hỏi cũng cao rao:

- Ngày nó đi bộ đội, nó dắt người yêu của nó đến nhà thằng anh nó. Nó bảo: “Anh Lộc ơi, ở nhà, anh trông nom cô ấy hộ em nhé!”. Cô ấy tức thị là vợ thằng anh nó bây giờ đấy, các bác ạ.

Người nghe ngơ ngác hỏi: "Cụ kể chuyện ai đấy?" Thì bà cụ bỏ đi, tay ôm mặt, hờ: "Ối con ơi, sao mày không chết ngoài mặt trận, để bây giờ dở dương thế này, con ơi..."

 

TỔ TRƯỞNG DÂN PHỐ

Khi gia đình tôi dọn đến ngõ 555 trên đường phố T.D.H. thì ở đây đã có tổ dân phố rồi và giữ trách nhiệm tổ trưởng tổ dân phố này là một người đàn ông tên Bân. Ông Bân cũng là người đầu tiên ở ngõ này tiếp xúc với tôi và nhờ ông tôi được làm quen dần với không khí sinh hoạt cùng là những cư dân sinh sống đã lâu ở đây.

Còn nhớ, sáng ấy tôi vừa chở chuyến đồ đoàn đầu tiên đến, đang loay hoay xếp dọn cái bàn nước ở gian giữa căn nhà thì chợt nghe tiếng ngón tay gõ cộc cộc vào cánh cổng; ngoảnh ra tôi chưa kịp cất tiếng mời thì đã thấy lập sập bước lên con đường sỏi cuội qua sân nhà tôi một người đàn ông trạc năm mươi tuổi, người sắt seo, mặt lưỡi cầy với hai con mắt ti hí lấp láy sáng và một cặp môi dầy đỏ quết trầu. Sùm sụp chiếc mũ cối xanh, quai kéo khít cái cằm nhọn, người đàn ông này mặc một cái áo bộ đội bốn túi đã sờn cũ và quàng qua vai là một cái xa cốt giả da đỏ quạch - một kiểu túi công tác của cán bộ từ hồi kháng chiến chống Pháp, tới nay chẳng còn thấy ai dùng.

- Thế nào, hôm nay dọn đến ở chính thức rồi chứ!

Sau khi trỏ ngực mình, tự giới thiệu tên tuổi chức vụ là Bân, tổ trưởng tổ 50, người đàn ông chủ động bắt chuyện với tôi bằng một giọng nói vang rền, khoẻ khoắn và đầy tự tin. Ông nói ông biết gia đình tôi hôm qua đã làm lễ nhập trạch, ông khen tôi chọn đúng ngày cát khánh và làm lễ đúng cung cách, chứ không như mấy ông bà tai to mặt lớn ở ngõ này, chẳng biết lệ cổ, chỉ cậy tiền tổ chức ăn mừng tân gia om xòm tốn phí thôi. Tôi ở lâu rồi khác biết, đám các ông này tiếng thế cũng không ít ông cậy quyền, lắm khi đi con đường trái nước ngược gió lắm. Phô hàm răng hạt bầu đều tăm tắp, nhưng vàng khè, ông cười, tiếp:

- Đấy, cái bếp trong nhà mình đâu có phải đơn thuần chỉ là nơi nấu ăn. Nó còn là nơi trú ngụ của ông thần thổ địa, ông thần coi sóc việc bếp núc và gia đình. Thế nên, nhập trạch quan trọng đầu tiên là phải đem tới mấy ông đầu rau và phải nhóm cái bếp lên. Cải tiến thì cũng phải có cái bếp dầu chứ!

Nhìn tôi, thấy tôi bắt chuyện, chăm chú nghe, ông như chợt nhớ ra điều gì, liền hạ giọng và vỗ bộp vai tôi, vẻ rất thân mật:

- Tôi nói thế bằng cóc vái giời, bằng gà đá vách. Ông nhà báo đừng bảo tôi dậy khôn ông nhé!

Đang lúc mới vào chuyện và tôi còn đang súc ấm pha trà thì đã nghe thấy tiếng trẻ con láo nháo ở ngoài cổng. Có một đứa giọng nghe có vẻ suồng sã, cất tiếng gọi rõ to:

- Đại tá Bân ơi! Bà Trình bột đang cãi nhau với ông Thêm sẹo kia kìa!

Gọi rồi, đám trẻ kéo nhau đi hết. Và ông Bân, con người thì bé tiếng nói thì to, cũng như bị lũ trẻ hút theo, tạm biệt tôi đi luôn, để lại cho tôi một thoáng ngẩn ngơ.

Đại tá Bân! Sao lại có thể gọi như thế? Vì cách gọi này thường chỉ thấy dùng trong những lúc thi hành công vụ hay lễ lạt, họp hành long trọng thôi. Đã thế lại là lũ trẻ và cách gọi thì mang đậm màu sắc bỡn cợt! Hay là ông Bân có quan hệ vốn rất thân mật với đám trẻ và trước đây, hồi còn đương chức ông đã từng mang hàm sĩ quan cao cấp này! Thắc mắc vẩn vơ cứ tăng dần. Nên đã có lần tôi ướm hỏi bà vợ thì được bà cho biết: chính bà cũng có lần hỏi cô Trình bột - một người đàn bà đẹp lẳng lơ bán hàng nước ở đầu ngõ - thì thấy cô cười phá lên, rồi đáp như quát: “Ông ấy là tướng! Tướng phường tuồng, chứ đại tá đã là cái mẹ gì!”

Một trò đùa tai ác, rõ ràng là như thế rồi! Vì cứ hình dong mà xét thì ông Bân làm sao hồi đương chức lại có được cái hàm lớn như vậy. Các ông đại tá tôi đã gặp, ông nào ông ấy thẩy đều hồng hào, to béo đĩnh đạc. Chứ có đâu hóp hép còi cọc, từ mặt mũi, vóc dáng tới trang phục cứ như một nhân vật biếm hoạ, trông vừa ngộ vừa bần hèn như thế! Bần hèn lắm! Vì mặt ông đã hẹp, lại thêm cái mũi gồ trên làn da xàm xạm, lại lỗ chỗ mấy nốt rỗ huê. Ông không có tướng làm quan!

Một trò đùa tai quái, rõ ràng là như thế rồi, nhưng cũng không phải là lạ lẫm gì. Xưa rầy, cái trò phong tước hiệu cho nhau, đặt phụ danh giễu nhại nhau đâu có phải là xa lạ trong đời sống nhân gian.

Nói thế để thấy rằng trong chuyện này chớ có nên khinh thường mồm miệng trẻ con. Nếu xưa đã có câu nói: Mồm người già có thuốc thì nay nên hiểu: miệng trẻ không phải hoàn toàn vô tư đâu. Chính chúng đã là tác giả các phụ danh rất chính xác của các thầy giáo cô giáo ở nhà trường và các bậc huynh trưởng ở khu dân cư đấy chứ đâu. Và ở trường hợp ông Bân, phong cho ông chức đại tá, phải công nhận là chúng tinh quái. Tinh quái lắm! Tinh quái vì chúng nhìn ra cái oai phong, cái khí chất quyết đoán của kẻ làm quan, ở sau cái vỏ xuềnh xoàng, kém cỏi của ông Bân. Chúng cảm nhận được cái vẻ lẫm liệt, cái khí phách hơn người và cả chút ngông ngạo, ngang tàng khác người của ông, trong vóc hình, diện mạo, trong cách ăn mặc và nhất là trong giọng nói của ông.

Giọng nói của ông Bân lạ lắm! Còn thô mộc nguyên sơ, chưa chau chuốt, sang trọng, nhưng giọng ông đúng là rất vang trầm, sang sảng, đầy khí lực. Nó là giọng của kẻ có uy, có quyền, và nhất là có mùi vị hãnh tiến!

- Cái bếp than hun khói ai để giữa đường thế, chị Trình? Thôi thế thì đúng là chị không muốn cho em trắng đùi như chị rồi còn gì!

- Đồng ý là không ai nuôi chó một nhà gà một sân. Nhưng xin ông Ngôn nhớ cho đây là chốn đô hội. Và đã có quy định rồi. Yêu cầu nhốt mấy con tô tô, ki ki, lu lu lại cho!

- Này các cháu. Tự do của ta phải dừng lại ở điểm khởi đầu tự do của người khác. Vậy hãy tự hỏi xem, các cháu chơi bóng lúc mọi người đang ngủ trưa thì là đúng hay là sai!

- Làm trai không ai muốn hèn cả. Nhưng chú mắc vòng nghiện ngập thì chú là hèn đại nhân đấy, chú Biên ạ.

- Hôm nay là ngày Tết độc lập. Yêu cầu nhà các ông Ban, ông Dinh, bà Khâu treo cờ Tổ Quốc. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Vì ai ta có đời độc lập sung sướng này, ta phải biết chứ!

- Ôi giời ôi, hay dở nhục vinh đậy nắp quan tài mới biết. Khôn ngoan đến cửa quan mới biết. Đừng có mà lên mặt. Rồi đến cửa nhà l. bẩy vía còn ba đấy!

Ông Bân toang toang ra lệnh. Ông Bân ồn ào tranh cãi, đối đáp. Ông Bân gay gắt phê phán, chê bai. Ông Bân to tiếng cả khi mình nói mình nghe. Tuy vậy, lúc nào lời nói của ông cũng có uy, vì nó có nguồn gốc, có xuất xứ, có ngọn ngành, lại thêm tí văn hoa dân dã nữa. Ông là người ưa nghĩa lý. Vả lại, tính ông thẳng mực tầu không sợ đau lòng gỗ. Và, dù thế nào cũng phải công nhận ông là người sốt sắng với công việc. Vô cùng sốt sắng với một tinh thần gần như vô tư, không mảy may vụ lợi. Trong ông lúc nào cũng như có máu mê của người say chân lý, có chút ngạo nghễ của kẻ đang lâng lâng trong ánh hào quang tự kỷ từ xa xôi đâu đó rọi về. Háo hức với công việc như một kẻ bị kích thích bởi lòng nghĩa hiệp và tinh thần trọng danh dự, một kẻ tự coi mình là người có đẳng cấp cao trong nhân quần, trong khi ông chỉ là một anh thanh niên xung phong về hưu non, giờ đây sống nhờ vợ là một công nhân ở Công ty vệ sinh môi trường.

Có được một người sốt sắng với việc chung như thế lúc này thật là một may mắn lớn cho cái ngõ này. Ngõ này tiếng thế cũng phức tạp. Phức tạp không phải chỉ vì có ca ve, gái điếm, chủ đề, bảo kê, nghiện hút, côn đồ lưu manh, những kẻ có tiền án tiền sự, hoặc đã từng mắc trọng tội, lĩnh án tù hai mươi năm, ba mươi năm. Giờ đây có ngõ phố nào mà chẳng có người như cô Trình bột lẳng lơ, đanh đá, gái bao của mấy anh doanh nghiệp, như lão Thêm sẹo, trùm móc túi, cậy cửa, đột vòm và đang bị theo dõi với tội danh chuyển vận, tàng trữ trái phép hêrôin.

Ngõ này phức tạp còn vì là nơi cư ngụ khi hưu trí của nhiều ông lớn bà lớn. Bộ trưởng, Thứ trưởng, Tổng giám đốc, có. Chủ tịch tỉnh, phó chủ tịch tỉnh, có. Tướng một sao như ông Xùng, có. Thói cậy quyền vì đồng hoá cá nhân mình với chức vụ, thêm tệ công thần khiến lắm vị trong bọn họ chẳng còn biết nể sợ kỷ cương phép tắc gì. Chứ đại tá Bân với cái giọng dư thừa khí lực, quê mùa với họ đã là cái thá gì! Ngõ cấm, họ cứ cho ô tô riêng đi bừa vào. Sửa nhà, làm tắc cống cả ngõ. Bảo họ, họ cứ lờ đi mà chẳng ai dám làm gì! Những chuyện như thế có thể kể cả ngày!

Tôi đi công tác vắng một tuần về thì đã thấy ngõ xóm rì rầm chuyện ông Xùng, tướng về hưu ngang nhiên cho ô tô chở vật liệu vào ngõ cấm và đang chữa lại công trình phụ lấn ra đất chung. Vợ tôi kể: Công an phường nghe dân phản ánh, đã điện mời ông ấy ra đồn nói chuyện, nhưng ông ấy không thèm trả lời. Rồi bảo, ông Bân đang có ý tìm tôi. Có lẽ ông muốn nhà báo lên tiếng trong vụ này!

Tôi chưa kịp hỏi thêm, thì hình như không thể lấn ná hơn, chiều ấy ông Bân đã đến thẳng nhà ông tướng Xùng.

Nhà ông tướng Xùng đang phá phần công trình phụ để nới ra phần đất lấn thêm. Đám thợ được thuê phá toàn những tay búa, tay xà beng trần trùng trục đô con lực sĩ, thấy bóng ông tổ trưởng sùm sụp mũ cối xanh, xắc cốt đỏ như bức tranh hài hước, lập tức như được dịp giải lao, cười ngả ngốn:

- Kính chào ngài đại tá ạ. Nhưng mà thưa ngài, ngài đến nhà này thì ngài cũng chưa phải là to nhất đâu nhá!

Cương nhu cần đúng lúc, ông Bân lập tức nghiêm nét mặt:

- Vấn đề không phải là to hay bé. Mà tôi đến đây là để làm việc với ông chủ thuê các chú.

- Há! Nghe ghê răng nhỉ!

Đôi bên đang lời qua tiếng lại thì nghe thấy một tiếng e hèm rõ to. Rồi bệ vệ bước ra một người to béo mỡ màng, tóc trắng bông, da đỏ au, mắt sáng rỡ, kiểu người đại thọ, cả đời sung sướng.

- Ông nào ra oai cóc tía muốn gặp tôi thế!

Nghe câu đánh tiếng đầy vẻ khinh nhờn, biết ngay đây là ông tướng Xùng, bao nhiêu sĩ khí như bay biến hết, ông Bân liền gập người xuống, lí nhí:

- Em không dám chào thủ trưởng ạ...

Đám thợ lảng đi, cười à à. Ha ha… đúng là khôn ngoan đến cửa quan mới biết nhé!

- Anh là…

- Dạ, con là Bân tổ trưởng dân phố. Con có tí việc muốn nói với ông.

- Thế thì mời anh.

Khom lưng như khúm núm, theo tay ông tướng chỉ, ông Bân bước vào phòng khách nhà ông tướng. Phòng khách nhà ông tướng rộng thênh và sang trọng quá. Lọt thỏm giữa một bên là một ông hổ nhồi vàng xuộm, một bên là chú gấu ngựa nhồi đen trũi, cả hai đều nhe nanh rất dữ tợn, ông tổ trưởng bỗng thấy mình trở nên nhỏ bé, cô độc quá, nên vừa ngồi vào chiếc ghế bành, ông đã lập cập chắp hai tay:

- Thưa ông, người làm quan nhất tự cách trùng. Tiếng là tổ trưởng dân phố nhưng con thật có lỗi vì hôm nay mới đến thăm ông được.

- Cám ơn.

- Dạ, xin ông đừng cám ơn con. Vì đó là bổn phận của con ạ.

Thấy ông tướng im im, ông Bân đã lấy lại được chút ít bình tĩnh. Ông hơi nghển lên, và giọng đã cao lên một nấc:

- Nói có ngọn đèn kia làm chứng, con không phải khoe khoang. Nội trong ngõ này, con đã hiểu ít ra là hoàn cảnh của chín mươi chín phần trăm bà con. Như gia đình ông Biền thương binh bị nhiễm chất độc da cam ở cạnh nhà ông đấy. Bẩy mươi tuổi rồi mà vẫn phải nuôi mẹ già mù loà. Con cái ba đứa không công ăn việc làm. Bản thân thì bị bệnh tiểu đường vừa phải tháo khớp chân. Thật không hiểu dưới gầm trời này còn có ai khổ hơn không? Hoặc như...

- Ờ ờ...

Miệng ậm ờ, tay nhấc chén trà, mặt ông tướng Xùng trong giây lát lồ lộ vẻ dửng dưng khinh khỉnh. Hất hàm, ông bảo ông tổ trưởng uống nước đi, thái độ hết sức điềm nhiên, kẻ cả, tưởng như đã trấn áp được kẻ hèn mọn dưới quyền mình. Nhưng lần này thì ông tướng nhầm. Thì ra, đúng là khôn ngoan đến cửa quan mới biết. Ông Bân có sợ sệt thì chỉ là sợ sệt bề ngoài thôi. Con người ta là vậy. Nó có cái vỏ bên ngoài và cái ruột bên trong. Ông Bân là người ngoài mềm nhưng trong cứng. Hoặc nói đúng hơn là, mềm yếu chỉ là chốc lát thoáng qua. Dưới cái vẻ yểu nhược, khom nịnh của ông là một ý chí rắn rỏi, quyết liệt.

Thành ra, ông tướng Xùng vừa đặt tách trà xuống bàn, thì ông tổ trưởng dân phố liền đổi lại thế ngồi cho ngay ngắn, rồi chíp chíp môi và chủ động:

- Ông ạ, sách có câu: có chí làm quan, có gan làm giàu. Nhưng theo con, làm gì thì cũng phải: Người trông cây hạnh người chơi. Ta trồng cây đức để đời về sau.

Ngắt giọng, nhưng không để ông tướng Xùng kịp đoán định đối phó, ông Bân đã lại tiếp tục, giọng ráo riết hơn:

- Thưa ông, ông đã nghe thì ông cho con nói nốt. Về mọi mặt, con chỉ là đứa thảo dân, con xin quỳ gối chắp tay kính phục ông. Nhưng lưỡi con vốn dài hơn tay, xin phép ông, hôm nay con đến đây để chê ông một điều.

- Chê tôi?

- Vâng, thưa ông, sách cũng có câu: quân hùng thì tướng mạnh, vậy mà ông lại không biết dùng quân.

- Cái gì! Anh định nói cái gì?

- Con xin lỗi ông. Vậy thì con xin nói thế này vậy: Ông mải bận bịu công to việc nhớn, không để ý đến việc nhỏ nên đã bị quân nó lừa.

- Ta bị lừa!

- Thưa ông, đó là vì ông thuê phải đám thợ đã hỗn hào lại chưa làm xã đã học ăn bớt. Ông xem, tình nghĩa xóm giềng là cái mây quây cái rế. Thế mà họ bỉ mặt ông, họ dám làm trái lệnh ông, để thiên hạ chê trách. Thật là con dại cái mang chưa!

Câu nói cuối cùng của ông Bân bị ngắt quãng vì cái đập tay xuống bàn và một tiếng gầm nho nhỏ của ông tướng. Hơi chồm dậy, mặt đỏ tía, ông tướng chỉ thẳng tay vào mặt ông tổ trưởng, chành miệng, quát:

- Này, anh tưởng anh định nói gì mà tôi không biết hả?

- Ơ!

- Nói cho anh biết: giở trò xỏ xiên ra với tôi là không được đâu!

- Ơ!

Há hốc mồm, ông Bân hơi giật mình, bật ngửa ra phía sau. Rõ ràng là ông đã có ý đổ thừa lỗi cho đám thợ, để mở lối thoát cho ông tướng đỡ mất sĩ diện. Thế mà ông ta lại cố tình không hiểu, đánh chết cái nết không chừa, lại ỷ thế ta đây lấn át người. Hai tay nắm chặt, những nốt rỗ huê trên mặt đỏ tía lên, ông Bân nghiến chặt hai hàm răng:

- Thế thì tôi cũng nói để ông biết. Tự do của ông phải dừng lại ở chỗ khởi đầu tự do của người khác. Để mãi mãi là con người tự do, con người tốt đẹp thì phải biết sống cân bằng giữa lợi ích cá nhân và cộng đồng.

- A! Định dậy đĩ vén váy, hả!

Mặt hầm hầm, ông tướng đứng vụt dậy, há miệng quát to. Cũng chẳng vừa, kẻ tám lạng, người nửa cân, ông Bân cũng đứng phắt lên, nghiến răng gầm  ghè:

- Ông Xùng, ông đã nói tục thì tôi cũng xin nói theo. Ông là tướng bị về hưu vì tội tham ô. Ông là tướng đi ỉa. Các cụ xưa có câu: Tướng mất sĩ như đĩ mất váy. ở đây có thể hiểu là sĩ diện là danh dự, ông có hiểu không?

Quan trẩy rồi, thợ cũng tếch nốt. Mưu toan lấn chiếm đất công của ông tướng thất bại. Lão Thêm sẹo nghe chuyện cười hề hề: Biết tay ăn mặn thì chừa nhé. Các ông to bà lớn trong ngõ gật gù: Tay Bân trông lớ ngớ thế mà dám mó dái ngựa, vuốt râu hùm, dám vào tận hang bắt cọp, khá thật!

Ông Bân đã tay không vào hang bắt cọp. Ông Bân là dũng sĩ chống cường quyền, tham nhũng. Ông Bân đại diện cho công lý, cho lẽ công bằng. Uy tín ông Bân lên tới đỉnh điểm. Mặt mũi ông nở nang, phớn phở. Những nốt rỗ trên mặt ông lúc đỏ tía lúc trắng bệch. Giọng ông rạn vỡ, cao vổng. Bồng bềnh như đang ở trong giấc mơ kỳ ảo, ông là nhân vật của những câu chuyện được thêu dệt thoang thoảng vị giai thoại hoang đường.

Kỳ bầu tổ trưởng năm mới, ông Bân lại một lần nữa đắc cử. Cả cô Trình bột, kẻ đã có lần chửi vỗ mặt ông là được chức tổ trưởng như chó có váy lĩnh, lại bới xấu ông, bảo bố ông là sĩ quan nguỵ nhảy dù xuống Điện Biên phủ năm 1954, nay ông phải vờ hăng say công tác để đãi công chuộc tội, cũng nói: em xin bầu bác Bân cả hai tay. Em xin bầu bác đại tá làm tổ trưởng mãn đời!

Ông Bân sẽ được bà co bầu  làm tổ trưởng mãn đời, suốt đời! Vì chẳng có thể tìm được ai mẫn cán, tận tuỵ việc dân việc nước như ông. Vì chẳng như chức chủ tịch, giám đốc, có ma nào tranh giành với ông ở chức vụ này, ở công việc này. Công việc đầu sai, trăm thứ bà rằn, lương phạn không, bổng lộc không. Quyền thì rơm vạ thì đá. Vạ đá thật chứ còn gì. Thì đấy, tuần lễ sau ngày ông dằn mặt đốp chát ông với ông tướng về hưu nọ, một đêm đang đi tuần cùng công an rình bắt một bọn tiêm chích ở nhà Thêm sẹo, đầu ông đã ăn một cồ đá củ đậu, toé máu, phải đi bệnh viện cấp cứu khâu năm mũi đấy thôi.

Ông Bân tổ trưởng bị nhận đòn trả thù! Nhưng từ bệnh viện về, ông lại đi thoăn thoắt, cười rổn rảng, nói oang oang. Hề hấn gì, ông biết thừa thằng nào con nào giở trò ném đá giấu tay rồi. Ông nói và cười ngất: “Hê hê... hảo hán không có kẻ thù sao gọi là hảo hán!” Rồi trợn hai con mắt ti hí đỏ sặc, vuốt hai mép nhoe nhoét quết trầu, ông sừng sộ: “Này, ví dù đấy có là tướng thì đây cũng là tá nhé, kém gì!”

Đã là hảo hán tất phải có kẻ thù! Câu nói bất hủ thời Trung Quốc tao loạn phát ra từ miệng ông Bân được cô Trình bột và ông Thêm sẹo vỗ tay reo: Chí phải! Chí phải! Còn câu nói sau biểu hiện cái đắc chí nôm na, thô giản của ông tổ trưởng, được giới quyền chức tức các ông to bà lớn đón nhận với cái cười tủm tỉm: Thằng này thế mà khá! Lại khiến tôi ngất ngư, ngờ ngợ thế nào.

Nhận biết về người tổ trưởng dân phố này ở trong tôi còn đang mập mờ, thấp thoáng đôi điều nghi ngại thì đùng cái ập tới một sự việc bất ngờ. Bất ngờ quá! Vì vừa mới vào cuộc họp tổ dân phố đầu tháng này để bàn việc bầu cử Hội đồng nhân dân thành phố, thì đột ngột ông Bân đứng lên xin từ nhiệm chức vụ tổ trưởng, rồi ngay lập tức, bỏ trách nhiệm điều khiển cuộc họp ra về.

Ô hay, một người đang hăng say mê man với công việc như thế sao bỗng dưng lại xin từ chức! Chuyện thật hay đùa đây? Chuyện thật trăm phần rồi. Ông Bân chẳng những xin từ chức, kiên quyết xin từ chức mà còn bỏ việc ngay sau đó.

Sự việc quả tình gây nên một xáo động bất thường. Cả tổ dân phố ai cũng ngác ngơ lo ngại. Ông bí thư, ông chủ tịch phường vội vã đến tận nhà ông hỏi han và vận động ông Bân nhận lại công việc.

Không! Ông Bân như một chính nhân quân tử, đã nói là làm. Ông Bân không nao núng suy suyển và cũng chẳng một lời giải thích việc xin nghỉ việc của mình. Vì sao ông lại xin nghỉ công việc mà ông đang say sưa, hết lòng? Tù mù tít mít hết. Đến cả vợ ông cũng chẳng hay biết gì! Tổ dân phố mất tổ trưởng như rắn mất đầu, công việc bề trễ, bỏ đấy. Vì ông chủ tịch phường triệu tập dân họp lại ba bốn cuộc liền để bầu nhưng chẳng ai chịu nhận cho. Vì ai được bầu thì cũng thấy mình không xứng đáng, chẳng bao giờ có thể làm được việc như ông Bân. Vì chẳng ai dại gì mà giơ vai ra đón nhận cái công việc cơm nhà vác tù và hàng tổng này!

Nửa năm sau, tôi đến chơi với ông Bân. Trò chuyện với nhau thân mật tới mức có thể cởi mở bí mật lòng nhau, hỏi lý do vì sao ông kiên quyết xin thôi chức tổ trưởng dân phố, ông mới móc túi, đưa cho tôi xem ba bốn tờ giấy xé từ vở học sinh ra. Tờ nào cũng có một giòng chữ mực tím, nét chữ học trò nhưng nghiêm ngắn: “Ông Bân điên! Đại tá rởm!” “Ông Bân tạ đái! Ông Bân hâm!” Tôi sững sờ cả người. Cha! Lũ trẻ đã phong chức đại tá cho ông nay lại chính chúng hạ bệ ông. Chúng hạ bệ ông có lẽ là do ông nhiều lần quát tháo, phê bình chúng nghịch ngợm tếu táo và cấm chúng đá bóng ban trưa ở sân chơi. Nhưng phải chăng là  bọn trẻ  đã bị  người lớn kích động và ông tướng Xùng có dính vào sự việc bỉ ổi này? Hay chính là bọn trẻ tự động. Chúng đã tấn phong ông, thì chúng có quyền truất chức ông?

Thôi, chẳng cần tra soát làm gì nữa. Việc ông Bân từ chức dẫu sao cũng đã xẩy ra rồi. Và con người ta là thế đấy. Không chết sông chết bể lại chết ở vũng trâu đầm! Chết vì vũng trâu đầm? Thế đấy, vì cơn cớ gì mà ông Bân nao núng? Chắc chắn không phải là do oai vọng của ông tướng Xùng, cũng chẳng phải là những cồ đá ném trộm ông hôm nào. Nghĩ đi nghĩ lại mới thấy Kác Mác đúng. Ông tổ của chủ nghĩa Cộng sản, nhà triết học và kinh tế học lỗi lạc này nói: Chẳng phải chỉ là nhãn hiệu hàng hoá mới lừa người mà nhãn hiệu quyền lực nhiều khi cũng đánh lừa cả người mang nó nữa. Vì nghĩ cho cùng, ông Bân cũng như rất nhiều người chúng ta thường sống và làm việc trong cơn hào hứng đến điên rồ dưới ánh hào quang của một vinh dự được ban phát một cách hào phóng và miễn phí! Còn bây giờ khi vinh dự nọ, hư vinh nọ đã bị tước đoạt mất thì cội nguồn hứng khởi cũng bị triệt tiêu luôn. Ông Bân hơn mọi người ở chỗ, ông trung thành với cảm xúc của mình. Ông Bân là con người thành thật với chính mình! Bây giờ, ông là con người yểu nhược, bấy bớt vô cùng!

 

 

CÓ CON SÁO SẬU

Đã đẹp lại duyên dáng, lại cực kỳ thính nhạy, ấy là bà chị gái tên Liêm của tôi. “Mày xem thế này có dở hơi không - Để xớt cả nước uống từ cái cốc nhỏ ra cằm, chị Liêm tôi hổn hển kể: Sáng nay tao đi mua một đôi dép nhựa. Vừa vào đến cửa hàng, con bé bán dép đã đứng lên đon đả, rồi xán đến, rờ vai, cầm tay và cuối cùng là  nức lên từng hồi: Chị ơi, chị bao nhiêu tuổi rồi, chị ở đâu, sao chị đẹp thế! Yên chí, rồi tao sẽ mua. Tao nói thế với ngụ ý rằng: Mày không phải nịnh! Thế nhưng con bé cứ dính lấy tao như keo Con voi, rồi ngất ngư như bị tao bắt mất hồn. Và sau rốt là khi tao  đã chọn được một đôi vừa ý, thì hớn hở gói buộc, ấn vào tay tao, hỏi đến giá thì nhất quyết: Em quý chị, em biếu chị mà!” 

Đó là một trong không ít chuyện chị Liêm tôi thường gặp và kể lại cho tôi nghe.

Chị Liêm tôi đẹp. Đẹp đến mức đàn bà con gái cũng si mê. Đẹp đến mức có một gã đàn ông ở đâu lạc đến ngõ này, vừa nhìn thấy chị tôi đã đờ đẫn như bị thôi miên, quên cả thở. Đẹp mê hồn. Đẹp đến mức gây ra sức ám thị. Đến mức đàn ông trong ngõ nhỏ nhà tôi dành thì giờ cho giấc mơ về chị có lẽ còn nhiều hơn cả ăn uống, ngủ nghê.

Mặt hình trái đào. Lông mày như hai cánh nhạn. Nhãn cầu sáng bóng. Ngực nở. Eo thon. Hoàn hảo đến từng milimét. Thân hình hồng hào sung túc như chứa đựng ngọc ngà. Tiếng nói đầm ấm, thanh trong. Ngôn ngữ biến hoá linh hoạt. Duyên dáng mà tự nhiên. Dáng đi như hạc bay. Phong tư vô cùng lộng lẫy cao quý. Hỏi trong ngõ này từ người già đến em nhỏ, có ai mà không muốn làm thân với chị tôi? Được chị hỏi một câu, được ánh mắt chị âu yếm vờn vỡ, đàn ông có anh sung sướng đến nín thở. Còn các bà hàng quà ngồi ở đầu ngõ, được chị chiếu cố tới, nghĩa là được chị tôi ăn mở hàng thì nhà hàng ấy cứ như được hưởng phúc lộc cả một ngày dài. Ấy thế! Hàng bún ốc đang vắng tanh, vắng ngắt, nhưng chị Liêm tôi vừa tới kéo cái ghế ngồi xuống cạnh nồi canh riêu, lập tức người lớn, trẻ con ở đâu ùn ùn kéo đến ngồi quanh, đến mức bà nhà hàng bốc bún bán không kịp. Chị tôi là thanh nam châm tạo ra từ trường!

Thành ra, mỗi sáng khi chị tôi đeo cái ví đi đến cơ quan bưu điện, nơi chị tôi giữ chân nhân viên hành chính xoàng xĩnh là lúc cái ngõ hàng quà nổi dậy khúc nhạc mời chào í om. Hàng bún ốc. Hàng bún bung. Hàng bánh cuốn. Hàng phở. Hàng xôi chè. Hàng bánh bao... Bao nhiêu hàng là bấy nhiêu lời mời chào inh ỏi, thịnh tình. Chà! Bụng đâu mà ăn cho hết từng ấy hàng quà. Được lòng đất thì mất lòng đò. Vậy thì thế này, bác ơi, em sờ tay vào hàng bác, là bác được khước rồi đấy, bác ạ. Đến thế tưởng là cùng mà cũng chưa hết. Sau tết ta, ngày mai mở cửa hàng, đêm hôm nay đã có chủ hàng tìm đến chị tôi, dúi tiền cho chị tôi, để sớm mai chị tôi ra mua mở hàng hộ, cho họ lấy may mắn cả năm trời! 

Chị Liêm tôi đem cái may mắn, là cái tốt lành ban tặng cho đời sống hôm nay. Chị Liêm tôi là cái đẹp siêu thường, cái đẹp tuyệt sắc. Tuy nhiên như ta thường thấy đấy, ở đời mọi thứ đều mong manh trong giới hạn, quá trung hậu thì thành hôn ngu, quá nhu mì thì thành nhu nhược, vượt ra khỏi đường mức thông lệ, thường khi con người lại tạo ra một bản chất khác với cái mình đang có. Vả chăng, đàn bà đẹp thường vậy, chị Liêm tôi đẹp nhưng tinh quái và đành hanh vô cùng! 

Có một ả nạ dòng thường gánh rau đến bán trong ngõ. Hôm ấy ả bán xu hào. Ngã giá sáu trăm đồng một củ. Nhưng móc túi chỉ còn có tờ giấy năm trăm, chị tôi đưa ả nọ và hẹn ngày mai trả nốt. Ả nọ không nghe. Thương lượng một hồi, ả nọ vẫn khăng khăng. Thế là chị Liêm tôi tru tréo ầm ĩ lên, mắng ả nọ là đồ chắc lép, rồi cao rao yêu cầu bà con trong ngõ từ nay không mua rau của ả này. Lời yêu cầu hoá thành mệnh lệnh. Ả nọ từ đó cấm có dám vác mặt đến ngõ này. 

Hôm ấy tôi đi làm về đã thấy chị đang đôi co với người phụ nữ đi thu tiền nước.

- Tôi hỏi chị, yêu cầu chị trả lời đây - Chị tôi dằn - Nhà tôi chỉ có tôi và em tôi, hai người, cớ làm sao tháng này vọt lên những một trăm năm mươi ngàn đồng tiền nước là thế nào!

Chị chàng nhà máy nước có khuôn mặt nùng nục và thân hình đô lực sĩ, trông đã thấy là kẻ quen thói lấy thịt đè người. Lừ lừ cặp mắt rắn, chị chàng đáp rằng, tôi biết đâu đấy, hoá đơn thế thì tôi thu thế!

- Vô lý thế thì chị cũng phải biết chứ - Chị tôi rành rẽ - Một mét khối nước là một ngàn năm trăm đồng. Một khối là một nghìn lít, tương đương với hai mươi nhăm gánh. Tính thế hoá ra tôi và con em tôi một ngày dùng tới ba khối nước, tức là bẩy mươi nhăm gánh. Ôi trời, tưng ấy nước có đổ đi cũng không có sức!

- Tôi không có thì giờ lý sự với chị. Tôi hỏi: chị có nộp tiền nước không?

- Tôi không nộp!

- Tôi hỏi lại một lần nữa: chị có nộp không?

- Tôi không nộp. Tôi phải gặp ông giám đốc Nhà máy nước nhà chị đã.

- Này, đừng có cậy mình đẹp mà dở trò ngang ngược với con này là không xong đâu.

- Thế chị định đánh tôi chắc?

- Đi với bụt mặc áo cà sa. Đi với ma...

Chị chàng nhà máy nước đỏ rừ mặt uất tức, nhe răng, xắn tay áo. Có vẻ chị chàng định chơi bài vũ lực. Chị tôi lập tức cũng xắn quần, tuốt ống tay áo, mắm môi mắm lợi:

- Để tao cởi đồng hồ rồi tao nói chuyện với mày. Đẹp xấu thì can gì mà mày đưa ra để giễu tao, hả?

- A, tiên sư con này, bà không ngờ mày đẹp mà quái tởm thế!

- Tao quái tởm để dậy mày bài học lễ độ ngay bây giờ đây!

Hàng xóm xô lại can, kéo hai người ra hai phía. Cuộc chiến mới chỉ bắt đầu, nhưng tóc chị Liêm tôi đã rối bù và má chị chàng nọ đã có vết móng tay cào.

- Bà mà không nể mặt bà con trong ngõ thì mặt mày hôm nay là mặt quỷ, con ạ.

- Bà mà không vướng cái đồng hồ này thì hôm nay mày thành bã, con ạ.

Chị chàng nọ nhổ bọt phì phịt, hùng hổ. Chị tôi vừa đeo lại đồng hồ vừa nghiến răng rít. Đàn bà đã xô xát là cào mặt, dứt tóc nhau. Và sau cuộc đấu lực tốc chiến thế nào cũng là cuộc khẩu chiến trường kỳ. Khẩu chiến là sở trường của đàn bà. Đành là vậy, nhưng thật không ngờ chị tôi lại tỏ ra xuất sắc trong sở trường giới tính này. Đáp trả lại lời lẽ chua cay tợn tạo của chị chàng nhà máy nước, chị tôi cũng ngoa ngoắt, ác độc không kém. Bên tám lạng, bên nửa cân. Móc máy cao tằng tổ khảo nhau chán chê thì rủa sả đến kiếp phận của nhau. Riêng về chị chàng nọ thì sau khi gọi chị tôi là yêu tinh thần nữ rồi văng vào mặt chị tôi đủ các món dơ bẩn ở cõi đời, ả liền nhẩy chồm chồm và xỉa vào mặt chị tôi, rằng chị tôi là con đàn bà vô phúc, rồi có chó nó đến nó rước chị tôi làm vợ, rằng chị tôi suốt đời cô quả cho mà xem! 

Độc địa đến thế là cùng! Và cứ tưởng chị chàng kia thế nào cũng bị đáp trả bằng lời nguyền rủa đích đáng, nào ngờ chị  Liêm tôi lại chống tay lên háng, ngửa khuôn mặt trái đào đỏ hừng, bật cười ha ha:

- Này, Có l. thì khắc có chồng. Có con sáo sậu thì có lồng sơn son. Rồi tao sẽ gửi thiếp mời rước mày đến ăn cưới tao nhé!

Và xung quanh cùng lúc mọi người cùng à à bật cười theo.

Mồm chị chàng nhà máy nước thiêng thật! Đẹp đẽ, duyên dáng, thông minh, làm si mê bao đàn ông, đàn bà thế mà hoá ra chị Liêm tôi cao số. Qua tuổi ba mươi chị tôi vẫn chưa lấy chồng, thậm chí chưa có đến một mảnh tình. Nhưng mà chả lẽ chị chàng nọ là con mụ phù thuỷ tiên tri? Hay cái đẹp là tài sản chung, là cái vưu vật của vạn kiếp, nên ông trời nhất quyết không chịu cho nó thuộc về sở hữu của một riêng ai? Hay vì tạo hoá đã cho chị Liêm tôi  quá nhiều rồi và bây giờ phải bớt xén cái phần chị được hưởng đi, để đảm bảo lẽ công bằng? Hay số phận chị không phải từ ngoài đưa đến mà là từ bên trong chị, từ bản nhiên chị bước ra? Chị đẹp nhưng đáo để quá. Chị sinh ra cho sự viên mãn tột cùng. Cái gì chị cũng đòi hỏi đến nơi đến chốn, cũng yêu sách nó ở mức tuyệt đối toàn thiện toàn mỹ trong khi  con người ta  nói chung chỉ thích sự ôn hoà vừa phải. Hay chính là ước nguyện của lũ đàn ông si tình ở trong ngõ này đã biến thành một năng lượng vật chất có sức ngăn cản liên tục gây chướng ngại? “Cô Liêm mà đi lấy chồng thì ngõ này buồn đến chết mất thôi!” Ngõ có bao nhiêu đàn ông thì tôi chắc có bấy nhiêu kẻ nói câu ấy trong cõi lòng thầm kín của mình.

Nhưng mà cuối cùng thì sự sống tự nhiên vẫn thể hiện tính quy luật không thể cưỡng lại của nó. Sự sống tự nhiên là đàn ông đàn bà phải sống ghép đôi, phải tham gia vào vòng sinh hoá. Sự sống tự nhiên thắng tất cả các lý do nhân tạo, từ lời nguyền của chị chàng nhà máy nước tới ước vọng của đám đàn ông. Sự sống tự nhiên là chị Liêm tôi lấy chồng. 

Năm ba mươi bẩy tuổi chị Liêm tôi mới lấy chồng. Ba mươi bẩy tuổi chị tôi là con sáo sậu đã có lồng sơn son. Ba mươi bẩy tuổi tức là cách cái buổi xô xát với chị chàng nhà máy nước nọ đã chín năm trời, nên chị tôi cũng đã khuây quên lời hẹn gửi thiếp mời. Mà nếu có nhớ thì chị tôi cũng chẳng gửi,  vì đơn giản là chị tôi có đặt thiếp mời, có viết thiếp đâu mà gửi.

Ấy thế, thiếp mời không có là vì chị Liêm tôi chủ trương không cưới hỏi, chưa đăng ký vội. Vì vẫn là xinh đẹp đấy, nhưng chị Liêm tôi lấy lí do đã quá thì lỡ lứa, nhanh chậm không có ý nghĩa gì. Còn phía bên kia là một người đàn ông năm mươi ba tuổi, đã qua một lần hôn nhân, nay còn rất tráng kiện vì vốn là trọng tài bóng đá và nghe nói gia sản  kếch xù, có đến cả bạc tỷ trong tay, mê mẩn chị tôi bao nhiêu, ông lại biết chiều lòng vợ chưa cưới bấy nhiêu.

Hai người được một bà nạ dòng môi giới. Gặp nhau rồi thoả thuận các điều kiện. Chị Liêm tôi bảo: “Chậm thì chậm cả đời rồi, để gần gụi nhau dăm bữa nửa tháng rồi mới chính thức cưới hỏi cũng có chậm thêm là bao.” Đàn bà đẹp thường hay vớ phải anh đàn ông không xứng làm chồng. Đã thế cuộc ghép đôi lại quá chóng vánh, diễn ra trong có hai tuần, mang vẻ khinh suất, bất cẩn, thậm chí phiêu lưu mạo hiểm, khiến sự quan ngại chẳng còn là của riêng bất cứ ai! Từ trong thâm tâm, hiển nhiên là ba mẹ tôi không muốn có cuộc hôn nhân này. Còn tôi, trong tình chị em gái như cái nhân sâm, việc gì mà tôi phải giấu giếm thái độ. Và kết quả là thấy tôi khăng khăng một mực ngăn cản và quyết liệt phản đối, chị Liêm tôi liền nổi cơn giận dữ: “Tao cũng mót lấy chồng lắm chứ mày tưởng!” Nhận cơn giận dữ của chị, tôi câm lặng và phập phồng lo sợ. Với một người cá tính khác thường như chị Liêm tôi, dính vào việc chung thân đại sự, không phập phồng lo sợ làm sao được!

Nỗi lo của tôi đã thành sự thật!

Mới đến ở nhà ông trọng tài bóng đá tuổi năm mươi ba, giàu có bạc tỷ được hai hôm, chị Liêm tôi đã xồng xộc trở về, và cái ngõ lập tức xôn xao hết cả lên: Cô Liêm bỏ chồng rồi, con chim sáo sậu phá lồng bay về tổ cũ rồi!

- Có chuyện gì thế chị?

- Trước hết mày cứ yên tâm đi. Lão ấy chưa hề được động đến người tao đâu!

- Nhưng mà...

- Nhưng mà cái con khỉ ! Nhà lão treo toàn ảnh đàn bà cởi truồng. Lại có cả một con đầm bằng cao su. Lão chuyên nghề dụ dỗ đàn bà con gái nhẹ dạ chụp ảnh khoả thân. Trọng tài bóng đá cóc khô gì đâu, quân lừa bịp!

- Thế sao...

- Kể mày nghe.Tao hỏi thử lão một câu: Thế cái vòng cung trắng trước cửa khung thành là cái gì vậy? Lão cũng ú ớ cóc trả lời được. Trọng tài gì đâu! Nó là thằng buôn bất động sản đại lưu manh. Nó khoe:Anh vừa trúng quả. Một căn nhà vừa mua tám trăm năm mươi triệu, hôm kia có thằng Hải quan đến trả chín trăm tám mươi triệu. Hôm qua có thằng Thuế vụ đến xin mua một tỷ hai trăm triệu. Còn hôm nay, một thằng làm nghề tự do ôm một tỷ năm trăm bốn mươi triệu đến, đòi mua bằng được để cho một con bồ nhí. Chỉ mấy ngày mà lão vớ được mấy trăm triệu. Khiếp quá!

- Chị buồn cười thật đấy.

- Buồn cười cái gì?

- Thuận mua vừa bán thì có gì là xấu.

- Nhưng mà lão bủn xỉn ki bo không chịu được. Đưa tiền cho con ôsin đi chợ về, bắt nó trả lại từng tờ hai trăm một. Lão có một bà chị mắc bệnh hiểm, gầy đói, xác xơ như một mụ ăn mày, thế mà đến xin lão mấy trăm để mua thuốc, lão cũng không thí cho một xu. Chưa hết đâu. Lão còn có cái thói tệ là rất thích nói xấu sau lưng người ta! Chu cha! Mở mồm là lão chửi, lão chê, hết người này sang người khác. Đến thủ trưởng của lão vốn là một ông tướng hai sao, lão cũng bới ra, móc máy từ cái tính sợ vợ, đến thói trăng hoa gái gú của ông ta.

- Đứng ngoài mà suy xét thì chắc gì đã đúng. Mà bà ơi, lấy ai cốt nhất người ta yêu quý mình là được. Vả lại, bây giờ...

- Bây giờ tao đã già rồi chứ gì?

Bị vặc lại, mặt đỏ bừng, tôi ngắc ngứ:

- Già thì chưa, nhưng trẻ thì cũng không còn trẻ nữa. Mà ông ta trông cũng đàng hoàng như ai đấy chứ. Một vừa hai phải thôi. Con người ta về bản chất không đi tìm kiếm cái hoàn hảo đâu, cái gì cũng đòi hỏi tuyệt đối là thế nào!

-  À, đó là ý kiến của riêng mày!

- Chẳng phải của riêng em đâu. Thế gian này người ta thế cả. Mà cũng chẳng bao giờ có cái toàn thiện toàn mỹ, không tì vết đâu!

Tôi nói, ngừng lại rồi lại tiếp tục triển khai ý tưởng của mình về tính tương đối trong cuộc sống và biết rằng, chẳng làm sao có thể lay chuyển được chị tôi đâu. Chị gái tôi, con người của một phương trình đã lập sẵn, một nhan sắc tuyệt hảo, kẻ tôn thờ những chuẩn mực tối đa, không thoả hiệp, không dở chừng, không khoan nhượng. Quả nhiên, tôi vừa dứt lời, thì chị tôi từ từ đứng dậy, với hai bàn tay nắm chặt, và cặp mắt bỗng đỏ sặc lên như một vết thương đau:

- Thôi được! Mày cứ sống theo cách nghĩ của mày. Còn tao, không đi tìm cái mẽ bề ngoài. Tao đi tìm người tao xúc động, tao ngưỡng mộ tuyệt đối. Suốt đời tao, tao sẽ cất công đi tìm, tìm bằng được đấy, mày đừng có đứng ngoài mà thọc gậy bánh xe!

Không thể ngờ được, vừa dứt lời, bà chị xinh đẹp của tôi liền ôm mặt ngồi sụp xuống đất, bật khóc nức nở và hờ trời, rằng tôi thật độc ác, tôi chỉ muốn đẩy bà đi lấy chồng cho nhẹ nợ, rằng, thế gian này sao mà chật hẹp thế, kiếm tìm suốt mấy chục năm rồi chẳng được một thằng đàn ông ra hồn người.

Không thể ngờ lúc ấy nghe thấy ồn ĩ ở nhà tôi, bà con hàng xóm kéo đến, thoáng cái đã chật ních căn buồng ngoài. “A! Cô Liêm đã về. Lâu lắm mới được thấy cô đấy! ” Hoan hỉ không kém các ông là các bà hàng quà. Các bà cười khanh khách: “Em ơi, mày đi lấy chồng làm hàng chị ế xưng ế xỉa ra rồi đây này!” Trong sầu thương, chị Liêm tôi càng đẹp hơn bao giờ, đẹp đến mức siêu thường, tuyệt hảo...


Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

NSND Sỹ Tiến – Ánh sáng bất tận của cuộc đời sân khấu

VanVN.Net - Làm sao viết đủ về Sỹ Tiến (1916 - 1982), người mà số vở diễn bằng số năm của ngành nghệ thuật mà ông tận hiến suốt cuộc đời, trong vai trò ông tổ Cải lương miền Bắc. Sự ...

Nhà văn đọc sách  

Cảnh Trà – đôi dép vẹt mòn thời xuôi ngược

VanVN.Net - Bây giờ nhà thơ Cảnh Trà có lẽ không còn “xuôi ngược” được nữa, bởi tuổi cao (nhà thơ sinh năm 1937 tại làng Ngang, Khánh Sơn, Nam Đàn, Nghệ An) và căn bệnh thấp khớp làm tê liệt ...

Tư liệu  

Việt Nam với chiến lược biển (1)

VanVN.Net - (Trích phát biểu của ông Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Diễn đàn Kinh tế Biển Việt Nam 2011 - Nha Trang ngày 08 tháng 6 năm 2011)…