Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Những bài học của lòng mẹ

Nguyễn Chơn Chất - 29-06-2011 09:03:04 AM

VanVN.Net - Một người mẹ bình dị, bao dung, nhẫn nại hi sinh như bao người mẹ thương con khác. Người mẹ ấy còn dạy các con mình những bài học từ thực tế đời sống gần gũi mà vô cùng sâu sắc, để sau này con trở thành những giáo viên giỏi. Biết bao nhiêu giọt mồ hôi, nước mắt đổ xuống cho con thành người. Đến khi con thành đạt, mẹ đã ra người thiên cổ… 28/6 – ngày Gia đình Việt Nam, mời bạn đọc cùng vanvn.net nghe những người con kể về mẹ của mình…

 

Mẹ và 3 chị em ngày ấy...

1. Cô giáo (chị Hai) Nguyễn Thị Việt Hà - giáo viên trường THCS Lê Hồng Phong, thị Trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau - tự hào: “Nhà không chỉ có 3 chị em là thầy, cô giáo đâu. Mà là 6 người, chồng Việt Hà, chồng Việt Hằng, vợ út Bảo Trung cũng là giáo viên”. Hỏi kĩ hơn mới biết, để có được một mái ấm gia đình “trí thức toàn tòng” như thế, mấy chị em đã phải vã mồ hôi, nhiều khi phải đổ máu để giúp nhau. Đấy là một gia đình đã có lúc tan vỡ, đã trôi dạt Bắc Nam, Nam Bắc, xuôi ngược, nguợc xuôi… mấy lần. Ba chìm bảy nổi tới mức người chị Hai phải “tóm tắt” để người viết bài này dễ hình dung hơn. Năm 1978 ba cưới mẹ sau đó được điều động vào Nam, đến tỉnh Minh Hải. 1987 ba và mẹ ly dị. Mẹ mang 3 chị em mình về Bắc Giang sinh sống. 1992  nhà nghèo, không ruộng đất, đời sống quá khó khăn, mẹ bán nhà ở Bắc Giang vào vùng kinh tế mới ở Madaguil, Đạ Huoai, Lâm Đồng với hi vọng cuộc sống sẽ đỡ khó nhọc hơn. Mẹ tiếp tục đi đốn củi, bẻ măng và làm thuê cho ba con ăn học tại trường cấp II, III Đạ Huoai, Lâm Đồng. Đầu năm 2004 mẹ bán đất ở Lâm Đồng xuống Cà Mau ở chung với Việt Hà. Mẹ bán tạp hóa nhỏ tại nhà. Giữa năm 2004 mẹ bị ung thư thận giai đoạn cuối, Hằng nghỉ dạy không lương đưa mẹ về Bắc Giang chữa bệnh…”

cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà, nhận giải Nhất cuộc thi “Nét bút tri ân" lần thứ 2

Chị Hai Việt Hà nói về mẹ như thế, cô ba Việt Hằng lại nói về chị mình “Chị Việt Hà bán kem, lắc kem, bán sinh tố, làm cỏ mướn… khi chị ấy đã là Hiệu trưởng. Tiền lương của chị ấy không đủ để chi tiêu mọi thứ cho tất cả mọi người. Chị Hai vất vả nhiều nhưng nghị lực và niềm hy vọng thì lớn hơn hết mọi thứ”.

Còn đây là đóng góp của cậu Út Trung theo hồi ức của người chị Hai “Chị chẳng có tiền đóng học phí nên nghỉ học… Chị đi làm ở xưởng mây Lam Sơn đến tối về không thấy em đâu cả. Hằng cũng đi rẫy mới về nên không biết em đi đâu. Chị và Hằng đi tìm mãi nhà bà Sau, nhà ông Minh Xù, nhà dì Hòa… Cứ tưởng em ham chơi theo chúng bạn nên giận lắm. Mãi đến hơn 8 giờ tối em mới về, người lấm lem bùn đất, chân tay sứt sát, em đưa chị 70.000đ bảo: “Út đưa chị đóng học phí. Út đi đào ao cho người ta 2 ngày được tiền đấy, không phải đi ăn cắp đâu.” Một đứa trẻ ngoan như thế, tưởng đã hư vì sớm rời trường lớp “Út học xong lớp 12 chị mang Út xuống Cà Mau. Chị mới ra trường, Hằng đang học ở CĐSP Đà Lạt, chị chẳng có tiền cho Út đi học nên bắt Út vào làm cho Công ty Thủy Hải Sản Cadovimec… Út cũng chịu… Út làm ca đêm vất vả gầy nhẵng… Rồi út theo bạn theo bè biết nhậu nhẹt, đánh bài, biết cãi chị… Chị bỏ dạy ra công ty mang út về dùng chổi đánht… Út không khóc mà nín thinh xách ba lô đòi bỏ về Lâm Đồng… Chị khóa trái cửa đập vỡ chiếc vòng mã não đeo ở tay, mảnh vỡ cứa vào tay máu chảy đỏ cả cánh tay chị… Út hốt  hoảng, út khóc, út hối hận và út đi học CĐSP Mỹ thuật”. Nhưng rồi mẹ mất, Út Trung muốn trường thành sớm, muốn bỏ học ra đời kiếm tiền, bao bọc hai chị “Út bỏ học đi làm lơ xe trên Sài Gòn… Chị đi tìm út… Tìm cả thầy Thái Văn Long – giám đốc Sở GD tỉnh Cà Mau, xin thầy vài cái chữ để ngăn quyết định đuối học của trường. Út về học tiếp nhưng đôi mắt u uẩn, út ít cười, ít nói… Chị lặn lội từ Phú Tân lên Cà Mau thăm út hàng tuần… Chị Hằng phải dạy thêm để có tiền cùng chị nuôi út… Thế rồi út cũng mau chóng vượt qua để học thật giỏi”.

Cả ba chị em đều đã thành giáo viên, và, như đã nói trên kia, ba chị em đã cùng những người bạn đời của họ biến mái tranh nghèo thành mái ấm gia đình chất lượng cao, một nhà có tới 6 thầy cô giáo. Nhà ấy đang gieo mầm học vấn ở vùng đất mũi của tổ quốc.

3 chị em cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà hôm nay...

2. Đúng ra nhà ấy có tới 7 người thầy, vì thân mẫu của họ, bà Nguyễn Thị Liêm sinh thời, không chỉ lo kiếm ăn, mà còn lo tìm ra những bài học cho các con mình. Cô giáo Việt Hằng nhớ lại: “Mẹ mình đẹp, nết na, tinh tế. Học hết trung học, năm 18 tuổi mẹ xung phong đi bộ đội, làm y tá trong một trung đoàn bộ binh đóng ở Vĩnh Phú. Chữ mẹ đẹp, ngay ngắn. Chưa một lần mẹ nói những điều không hay về ba… Chúng mình vẫn viết thư cho ba hàng tháng trong suốt 7 năm khi chuyển từ Cà Mau ra Bắc Giang; thời gian ấy, thỉnh thoảng mẹ mang quà ba gởi về. Mãi sau này khi chuyển nhà từ Bắc Giang đến Lâm Đồng bọn mình vô tình thấy xấp thư gởi cho ba của bọn mình còn nguyên trong góc tủ; mới biết, những con búp bê, những cuốn truyện cổ tích mẹ mua nhưng mẹ nói ba gởi về. Mẹ xây dựng hình bóng một người ba đức độ, yêu con nhưng bận việc chứ chẳng phải là một người phụ bạc… Mẹ mình là người bao dung như thế đấy. Nhưng nghiêm khắc lắm, mẹ treo ở góc phải của nhà, một nơi rất dễ nhìn thấy, gần nơi cửa sổ, cạnh bàn học của ba chị em một ngọn roi mây nhẵn bóng, trắng ngà, dài chừng một mét. Sau này khi chuyển nhà đi vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng mẹ bỏ lại nhiều thứ nhưng cây roi thì vẫn mang theo. Mẹ chẳng mấy khi đánh chúng mình bằng cây roi ấy nhưng không hiểu sao cả ba chị em đều rất sợ cây roi… Khi chị Hà xuống Cà Mau học rồi ra trường mang mình và út Trung theo, mẹ lại một lần nữa chuyển nhà, mẹ vẫn mang theo cây roi mây… Mẹ mất, bọn mình cũng hóa tro cây roi ấy”. Cô giáo Việt Hà kể thêm: “Mẹ có cách dạy con cái rất riêng, sâu sắc và sinh động nhờ mẹ sâu sắc, nhạy cảm, giỏi ca hát, văn thơ và cũng như bao nhiêu người mẹ khác biết con mình cần điều gì... Mẹ chuẩn bị chu toàn cho chuyến ra đi của mẹ, mẹ để lại đầy đủ nghị lực và sức sống cho những đứa con. Có một lần bị điểm kém, ngay chiều ấy mẹ bảo mình đi cắt cỏ, dù nhà mình chẳng có trâu, bò gì cả nhưng vì sợ mẹ, mình vẫn đi cắt cỏ. Đầy gánh mang về, mẹ lại bảo tìm rau lợn. Tìm đầy rổ rau lợn mẹ vẫn chưa hài lòng... Lúc ấy mình đã khóc òa rồi và giận mẹ ghê gớm, bài học thì nhiều mà mẹ bắt làm những việc không cần thiết... Tối hôm ấy cả nhà ăn cơm trễ vì phải đợi mình rửa rổ rau lợn, băm rau lợn, nấu cám lợn... Mẹ không cho Việt Hằng làm giúp, bắt phải tự làm... Đến khi tối mịt, tay phồng rộp, mình vừa ăn cơm vừa khóc, dỗi mẹ lắm nhưng không dám nói. Đêm ấy, học bài, viết văn, làm toán, xong thì khuya lắm, hai em đi ngủ cả. Mẹ mới bảo: Làm ruộng sướng hay đi học sướng? Mình bảo: Con thích học thôi. Mẹ giở cuốn sổ ra chỉ vào điểm kém môn văn (thầy Nguyễn Xuân Sáu, giáo viên dạy Văn lớp 6 trường THCS Việt Yên, chấm điểm 4) và bảo: Con học như thế này tương lai chỉ có thể làm những việc như chiều nay mẹ bắt làm...”

Người mẹ ấy sẵn sàng chấn lấm tay bùn để các con mình thôi chân bùn tay lấm, kịp bước vào thời kinh tế trí thức cùng với chúng bạn. Nhà ấy, ba chị em mà những bảy thầy cô giáo!

(Nguồn Thế giới mới 940)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Vi Thuỳ Linh – Tôi hẳn nhiên thừa nữ tính!

VanVN.Net - Chúng tôi bắt đầu cuộc phỏng vấn với một thoả thuận nho nhỏ: sẽ chỉ nói chuyện về Linh - Đàn bà, còn nhà thơ Vi Thuỳ Linh - đừng "động" đến cô ấy! Nhưng khi vào chuyện, cuối ...

Nhà văn đọc sách  

Cảnh Trà – đôi dép vẹt mòn thời xuôi ngược

VanVN.Net - Bây giờ nhà thơ Cảnh Trà có lẽ không còn “xuôi ngược” được nữa, bởi tuổi cao (nhà thơ sinh năm 1937 tại làng Ngang, Khánh Sơn, Nam Đàn, Nghệ An) và căn bệnh thấp khớp làm tê liệt ...

Tư liệu  

Việt Nam với chiến lược biển (1)

VanVN.Net - (Trích phát biểu của ông Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Diễn đàn Kinh tế Biển Việt Nam 2011 - Nha Trang ngày 08 tháng 6 năm 2011)…