Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Bạn bè một thuở

Lê Hoài Lương - 26-12-2011 03:47:11 PM

VanVN.Net - Họ chơi với nhau từ thuở đầu tập tành câu chữ những năm tám mươi thế kỷ trước. Khác nhau ít nhiều về tuổi tác, công việc, hoàn cảnh, nhưng họ giống nhau, gắn với nhau bởi niềm yêu văn chương, và mộng văn chương. Một người đã cầm súng trong kháng chiến, một người mới ra trường, một lang thang kiếm sống bằng cơ bắp. Đầu những năm chín mươi, cả ba đều trình  làng những tác phẩm đầu tiên như những niềm hy vọng cho đất văn chương Bình Định. Ba người đó là Văn Trọng Hùng, Mai Thìn, Quang Vĩnh Khương. Hai mươi năm rồi, giờ xem họ đi tới đâu trên đường đam mê và dâng tặng ấy…

*“Trăm năm một giấc mơ buồn”:

Đây là câu thơ của Quang Vĩnh Khương trong bài thơ không đề, chỉ có lời đề tặng: “tặng anh Văn Trọng Hùng”. Chắc là đồng cảm đôi điều nào đó mà Khương tặng cho “anh bảy Hùng”- cách gọi thân tình như anh em cho tới khi không gọi nữa-, viết đúng về cái đa cảm đa tình và cũng nhiều “lên bờ xuống ruộng” của chính Khương. Bài thơ in trong tập “Tạ ơn nỗi buồn”, 1991.

                  “Trăm năm một giấc mơ buồn/

                  Cứ âm âm vọng hồi chuông nguyện cầu/

                  Buồn vui em ở nơi đâu/

                  Sao không tìm thấy trong màu khói hương/

                  Bước đi ngoài nắng trong sương/

                  Mơ mơ tỉnh tỉnh nẻo đường nhân sinh/

                  Trên vai là cái gánh tình/

                  Trong tim là nỗi một mình bơ vơ/

                  Em đừng vò chín khúc tơ/

                  Mà lan huệ rũ bên bờ thời gian/

                  Em đừng buông thở tiếng đàn/

                  Mà nhàu nét mặt cũ càng gương trong/

                  Em đừng đánh sóng trong lòng/

                  Mà tan nát những chờ mong thuở nào”.

 

Nói đồng cảm đôi điều là đồng cảm với cái giọng thơ đa cảm đa tình, cách sống lụy tình của Văn Trọng Hùng, chứ thực ra ‘‘ông anh’’ này của Khương đang là một cán bộ đầy tiềm năng của ngành văn hóa, vốn thuộc làu và tuân thủ ‘‘ba khoan’’ trên núi, giờ anh đã có ‘‘chị bảy’’, thêm chuyện quan trường lắm nẻo. Nhưng Khương tặng cũng không nhầm địa chỉ, Văn Trọng Hùng là kẻ đa mang, mê truyện Tàu, mê chất ‘‘quân tử Tàu’’, lại mê văn chương, anh này có làm ông gì thì căn cốt vẫn là một thứ nghệ sĩ. Thực ra, mọi thứ thời này trong veo. Trong như, làm ‘‘lao động phổ thông’’ năm đồng ba cắc gì đó, Khương cũng sống được với bạn thơ cùng tuổi Mai Thìn, mới xin được hợp đồng với tỉnh đoàn, tháng mấy chục đồng, hai thằng tá túc nhờ nhà ông anh Thìn có biên chế, cơm thì tùy nghi, ai kiếm được thì mời nhau.

Từ phải sang: Văn Trọng Hùng, Mai Thìn, Lê Hoài Lương, Vũ Ngọc Liễn

Cái chính là thơ, tất cả cho thơ, vì thơ! Chắc chẳng đâu trên đất nước này, bạn bè văn chương mỗi khi làm được bài thơ mới coi như một sự kiện, người đọc, người góp ý khen chê, rồi mừng cho nhau, mời nhau. Giờ ngẫm lại, cái đất văn chương Bình Định cũng nhiều lúc ‘‘chập cheng’’ với không khí thi ca tập thể kiểu đó.

Cùng năm Khương in ‘‘Tạ ơn nỗi buồn’’, 1991, Văn Trọng Hùng có ‘‘Dạo khúc nhân tình’’, Mai Thìn in ‘‘Cổ tích tình yêu’’. Ngay năm tiếp theo, 1992, hai ‘‘thằng em’’ Khương, Thìn in chung tập ‘‘Hai mảnh yêu thương’’, là từ ‘‘sáng kiến’’ của Khương. Hình như cuối cùng, một phần khoản tiền in tập thơ chung này, Khương được nhà in xóa nợ, thôi kệ, anh giám đốc cũng dân chữ nghĩa nghĩ cách bù vào, xem như ủng hộ bọn chỉ có tài sản chính là… thơ, chứ biết đòi đến bao giờ.

Khương nợ cũng nhiều mà cho cũng lắm. Không riêng tập in chung với Mai Thìn đâu. Có những cuốn sách của vài văn nhân Bình Định xuất hiện nhờ đôi vai khuân vác của Khương, cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Khương lấm láp, hào hiệp và tài hoa. Như thơ anh. Còn chính anh, thi sĩ họ Quang cũng kịp cho in tập thơ thứ ba cho riêng mình ‘‘Tự bạch của đàn ông’’, 1997. Hiện anh còn để lại một vài truyện ngắn, và cẩu thả gửi lại đâu đó cả trăm bài thơ chưa kịp gom thành tập, rồi tếch ra ngoài cuộc chơi khi chưa tới tuổi bốn mươi. Có vẻ chàng thi sĩ này đã biết trước, ‘‘chạy’’ sớm lúc nào hay lúc nấy khi anh linh cảm:

 

                 ‘Một mai biển gọi là sông/

                  Sông tên là suối suối không còn gì/

                  Một mai trên những lối đi/

                  Cây thành cỏ dại rậm rì dưới chân/

                  Một mai đồi núi lở dần/

                  Dặm xa thiên lý tầng tầng cát bay/

                  Một mai chớ dại cầm tay/

                  Tay lành lạnh thép, thép đầy trong tim…’’,

để rồi, ‘‘…thơ tình quên tuốt lời thề dưới trăng’’, và tới một dự báo, một tiên cảm đáng sợ ‘‘Rồi kia sám hối muộn mằn/ Chúng sinh thập loại ăn năn khóc gì?’’.

 

*“Muộn nhi thi nộ nhi kịch”:

So với Mai Thìn, Quang Vĩnh Khương, Văn Trọng Hùng là anh cả không chỉ lớn hơn cả chục tuổi, mà còn là anh từ vị thế xã hội. Lúc chơi với nhau, Văn thi sĩ đã là phó giám đốc Sở Văn hóa. Ưu thế và cũng là yếu điểm của anh này là mê văn chương, yêu mến người làm văn chương vô điều kiện. Nhà anh luôn là địa chỉ tin cậy của bạn văn, cả tâm giao lẫn đôi chút ‘‘trời ơi đất hỡi’’. Cái thời xị rượu mía chua nồng mùi cồn cũng là sang này, bằng uy tín xã hội của mình, nếu ở nhà Văn Trọng Hùng có thể mua nợ vô tư cho cuộc thơ dang dở- mà không khí rượu thơ thời này hăng đến độ chỉ kết thúc khi mọi người đã thực ‘‘siêu thoát’’. Cũng có lúc dở khóc dở cười. Nhà anh gần ga Quy Nhơn, trước ga có quán cháo gà bán suốt đêm của bà Sáu. Anh thường rủ bạn văn ra đây ăn khuya, có lúc bí cũng khất nợ ‘‘cô Sáu’’, chờ mấy ngày nữa tới lương. Những lần này cậu ‘‘em anh Hùng’’ cũng quen mặt đến độ, lúc hẻo quá, Khương cứ vô tư cùng bạn ăn khuya rồi bảo ‘‘anh Hùng dặn cứ ghi nợ cho ảnh’’. Bà Sáu nào dám nghi ‘‘chú Hùng cán bộ’’, chờ đến nhiều tháng mới rụt rè nhắc thì mới tá hỏa mọi chuyện. Rồi cũng trả nợ cho bà cháo gà. Rồi cũng hai lần xách cặp đi hỏi vợ cho thằng em không còn cha, có vui vẻ đề huề, có ê chề đôi chút. Rồi nghĩ cách lôi nó từ ‘‘thảo lư’’ trên quê xuống, kiếm việc cho làm, lo việc học cho tương lai….

Cuối cùng, chút bảo bọc nghĩa hiệp cũng không giữ được Khương, cuộc quăng quật khốc liệt và bản năng đã tách chàng ra khỏi vòng tay bè bạn, Khương kịp đến thăm, chào biệt từng người hôm trước để ngày sau đột ngột đi xa.

Văn Trọng Hùng là người nặng tình. Và cũng là một tâm hồn dễ tổn thương trước những nóng lạnh nhân tình, thế sự. Cái khó chính ở chỗ, anh vừa quan chức làng nhàng, lại thường trực trong máu cái lãng đãng nghệ sĩ, đôi khi, để làm trọn vai phải thật cố gắng và hy sinh. Là hy sinh chuyện thơ kịch ít nhiều, kiểu hãm bớt mình lại, vì từng bị những “đồng chí ta” giật mình xét nét từng “chiếc lá rơi” trong tập thơ đầu tay, 1991. Lúc này, nếu không có những “bảo lãnh” của nhà thơ biên tập chính Ý Nhi, và Nhà xuất bản Văn Học, chắc cũng gay go. Tập thơ “Dạo khúc nhân tình” hồi đó nghe nói bán hết veo, lãi ròng đến hai chỉ vàng!

Làm thơ có lãi, vậy là cứ làm tới. Và, theo thời gian, độ chín của ý tưởng và ngôn từ, cách thể hiện càng tốt hơn cùng các tập: “Bóng trúc”- 2001, “Đối ảnh”- 2006, và giờ đang hoàn tất bản thảo rất có nét: “Hầu chuyện tiền nhân”. Cũng suốt thời gian này, Văn Trọng Hùng đã viết nhiều vở kịch cho sân khấu truyền thống được dàn dựng nhiều nơi, đoạt nhiều giải thưởng và đã in thành tập kịch “Đi tìm chân chúa”- 2004 khá bề thế.

Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn tặng anh câu đối: “Hảo dã Văn Trọng Hùng, muộn nhi thi nộ nhi kịch/ Truy tùy cổ nhân chí, tiến tận chức thoái tận tâm”. Là một lời khen mà cũng là nhắn gửi: “Khá lắm, Văn Trọng Hùng, buồn thì làm thơ, giận thì viết kịch. Học theo cái chí của người xưa, tiến thì làm tròn chức trách, về thì giữ trọn cái tâm”. Chuyện chức trách khó bàn cho rốt, riêng thơ kịch, câu đối tặng có phần khơi gạn được cái chất văn chương họ Văn.

Điểm riêng dễ nhận thấy là dù thơ tình, thơ tự sự, thế sự…, không bài thơ nào của anh không được lập tứ từ nỗi niềm, từ chiêm nghiệm về nhân thế, về những nỗi buồn cụ thể. Một Nguyệt Cô với tiếng khóc oan khiên dội thấu từ ngàn xưa đến giờ: “Nguyệt Cô ơi phút mơ màng/ Ta nghe tiếng khóc của nàng đâu đây/ Giật mình ngọc đã trao tay…”(Nguyệt Cô). Thêm mấy oan khiên: “Ta chỉ thương đứa bé kia/ chưa biết mặt cha/ chưa biết tình yêu/ chưa biết lòng chung thủy/ Sao/ phải hóa đá cùng nàng?(Trước hòn vọng phu), hoặc: “Ở Côn Sơn đêm ấy vẫn lặng yên/ Nguyễn Trãi chong đèn đọc sách/ Về khuya mưa như trút nước/ Lê Lợi đến thăm/ Nguyễn Trãi đã đi nằm!” (Đêm ấy ở Côn Sơn). Bối cảnh của cuộc thăm nhau này là cõi âm, khi Nguyễn Trãi đã được minh oan mấy chục năm sau vụ án Lệ Chi viên!

Cũng vậy, với kịch, anh viết về Đào Duy Từ trước khi mất đã cầm tay Chúa Sãi mà trăn trối, rằng một đời đi tìm chân chúa, khi gặp được chẳng còn mấy thời gian để cống hiến và khuyên “đừng câu chấp những điều nhỏ nhặt” để dụng nhân tài (Đi tìm chân chúa). Hoặc “bắt” Tiết giao phải trả ngọc, hoàn lại kiếp người cho Nguyệt Cô (Tiết Giao trả ngọc). Hoặc chỉ rõ Lưu Bang và Hạng Vũ, Hàn Tín ai là bậc anh hùng đúng nghĩa- cuộc nhìn ra muộn màng của Hàn, Hạng cũng từ âm phủ! (Luận anh hùng)… Nhiều, những ví dụ từ thơ đến kịch lấy chuyện xưa nói lên nỗi buồn, sự phẫn nộ, những bài học muôn thuở để suy nghiệm về cuộc sống hôm nay…, và cách khai thác, cách xử lý nguồn vốn quý này dần tạo nên một nét riêng, một phong cách Văn Trọng Hùng.

 

*Đồng quê ngân khúc hát:

Trong ba người bạn, Mai Thìn “lành” nhất, từ người đến thơ. Nếu Quang Vĩnh Khương luôn “quẫy cựa như sóng”, góc cạnh và tài hoa,  Văn Trọng Hùng nhiều nỗi niềm, buồn, giận chuyện xưa nay nhân thế, thì Mai Thìn thật trong trẻo một niềm yêu. Anh là người sống có trách nhiệm với công việc, với bạn bè, người thân. Một cán bộ công chức tròn vai. Và nhất là, một nhà thơ luôn biết trân trọng, yêu thương. Điểm qua tên mấy tập thơ của Thìn: “Cổ tích tình yêu”, 1991; “Hai mảnh yêu thương” (với Quang Vĩnh Khương, 1992), “Đồng quê”, 1999; “Khúc sơn ca”, 2005; “Lặng lẽ xanh”, 2007, những tên sách đã nói được ít nhiều thơ và người.

Trừ đề tài tình yêu như mọi thi sĩ, Mai Thìn viết chủ yếu hai mảng: đồng quê và chiến tranh. Mảng chiến tranh trước chỉ là những quan sát trên quê hương mình, một Bình Định với những đụng độ khốc liệt. Sau này có dịp đi đây đi đó, mỗi lần được hòa mình trên những vùng đất đau thương và anh hùng của đất nước, chắc rằng anh viết được một điều gì đó, dù người ta đã viết nhiều. Ví dụ, đây là viết trong ngày khánh thành tháp chuông kỷ niệm 35 năm Thành cổ Quảng Trị:

“tiếng mẹ gọi các anh về ăn cháo gọi các anh về gội nước lá xông xoa lên mặt mặn nồng 35 năm xanh ngắt chênh chao như tiếng gọi đò/ dòng Thạch Hãn xuôi bo o ng… o o ng… bờ bãi lơ phơ ngô lất phất lục bình. Hạt phù sa nằm lại hạt phù sa đầu sinh ngui ngút gọi tiếng chuông cõi vắng.” (Tiếng chuông trong thành cổ).

Bây giờ, hàng năm, thấy nhiều trang viết về chiến tranh như một kiểu “mùa vụ”. Mai Thìn không viết về chiến tranh mà là sự biết ơn, tưởng vọng xương máu người lớp trước cho cuộc sống hôm nay anh đang sống. Cũng cảm xúc này, sự hàm ơn này khi đứng trước mười nghìn ngôi mộ ở Nghĩa trang Trường Sơn:

                  “32 năm vẫn lơi rơi/

                  nhang cứ đỏ lên trời nhoe nhớ/

                  …mặt trận…tháng ngày…quê hương xứ sở tuổi tên…/

                  câu ngắn câu dài.//

 

                  từng khổ/

                  chậm rãi từng khổ/

                  những ngôi mộ vắt dòng/

                  10 nghìn câu thơ/

                  10 nghìn ô chữ/

                  khảm lên trời/

                  bài thơ bất tử”

                                    (Ở Nghĩa trang Trường Sơn).

Rất khó nói những lạ và mới của anh từ các hình ảnh thơ: tiếng mẹ gọi các anh về ăn cháo, gội nước lá xông, những ngôi mộ như những dòng thơ, câu thơ, vầng trăng chết… là tìm tòi, là kỹ thuật- đó là sản phẩm của sự “lên đồng” giữa hiện thực và tâm cảm mà ý thức không can dự vào. Những hình ảnh thơ này cứ trôi miên man trong không khí thơ toàn bài. Không khí thơ, đó là điều quan trọng!

Đề tài đồng quê có bối cảnh cụ thể là những làng quê Bình Định với phong hóa riêng, và thật nhiều địa danh ùa vào thơ như một niềm yêu thương, hãnh diện. Ít thấy ai hãnh diện kể, tả về quê mình như Mai Thìn. Thậm chí anh còn tỉ mỉ sưu tầm, ghi chép thành cuốn “Văn hóa dân gian xã Nhơn Thành”, 2004. Tất nhiên, với thơ trên hết vẫn là làng quê chung, một cánh đồng ngàn năm cha ông cấy trồng, gìn giữ và bồi đắp thành vóc dáng. Tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người được chuyển tải một cách hồn hậu, trong trẻo và kiên trì. Một sự kiên trì đáng ngạc nhiên. Tất cả dựa vào cảm xúc xâu chuỗi hình ảnh thơ ngày mỗi tinh hơn, khơi gợi hơn nhờ ngôn ngữ chắt lọc và biết kiềm chế hơn, một tiến trình tự làm mới mình ngay trên những chất liệu quen thuộc. Đó là một cuộc tự vượt không ồn ào. Và liên tục.

Không chói sáng ngay tức khắc, Mai Thìn cày sâu cuốc bẫm trên những thửa ruộng quen và dần vụ sau sum xuê hơn vụ trước: bên cạnh những ồn ào thời tiết, những tìm tòi kỹ thuật, giống mới…, anh đơn giản chỉ là một nông dân khao khát mùa vàng thuần khiết trên cánh đồng thơ quen thuộc.

Và trên những cánh đồng, những mùa màng Mai Thìn gieo trồng luôn có tiếng hót no ấm hạnh phúc của những “khúc sơn ca”… Cũng như đã có nhiều đồng vọng từ các khúc hát của cánh đồng thơ anh.

 

*Còn chăng chút tình này:

Trong bài thơ dài “Đối khúc mùa thu” Quang Vĩnh Khương viết: “Tôi là chiếc xe ngựa cà tàng cực nhọc lao trong đêm chở gió và cỏ và cỗ quan tài chưa bỏ xác”. Cái xe ngựa cà tàng chở gió và cỏ ấy đã dừng mười năm nay, tất nhiên rồi, cỗ quan tài trên xe đã làm việc cần thiết của nó. Chỉ còn hai người bạn thơ thuở khổ nghèo và hăm hở, hồn nhiên trên từng trang viết: Văn Trọng Hùng, Mai Thìn đã và đang đi tiếp chặng đường đa mang và khổ lụy, hành trang nay đã dày nặng thêm nhiều.

Về người bạn thơ tài hoa đoản mệnh dù đã đi xa, mỗi lần ngồi lại các anh luôn nhắc tới một thời sống động chuyền nhau những tờ thơ viết tay tàn đêm. Nhắc tới sự chia sớt từ ký gạo đến đôi giày, thuở thơ và gạo nặng như nhau. Cũng hai người còn lại này đang nhờ gom những tờ thơ lăn lóc của Khương, ngót trăm bài, sắp tới vận động in cho Khương tập tiếp theo, “cho kịp bạn bè”.

Giờ chắc không đâu còn không khí bừng bừng thơ, san sẻ miếng ăn vì thơ, đọc và bình thơ hăm hở. Như ba người, rất khác nhau về hoàn cảnh, tính cách, công việc mà thành thân thiết vì thơ, cho thơ. Rốt ráo đó là cái tình thơ. Cũng lạ, mới đây thôi, giờ kể lại cứ bắt đầu bằng “hồi đó…” như chuyện đời xưa.

(Nguồn: Báo Văn nghệ)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn