Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Hai tham luận trong tọa đàm tiểu thuyết "Chân trời mùa hạ" - Hữu Phương

16-11-2011 01:29:39 PM

VanVN.Net - Ngày 14/11/2011 vừa qua, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam đã diễn ra cuộc tọa đàm văn học tiểu thuyết "Chân trời mùa hạ" của nhà văn Hữu Phương. Đây là cuốn sách đoạt Giải nhì cuộc thi tiểu thuyết của HNVVN 2007 - 2009. VanVN.Net xin đăng tải hai tham luận của nhà phê bình Đặng Hiển và nhà văn Tô Đức Chiêu đọc tại buổi tọa đàm.

 

Gái quê qua “Chân trời mùa hạ”

Tô Đức Chiêu

 

Những cô gái quê qua Chân trời mùa hạ của nhà văn Hữu Phương làm ta yêu say đắm không phải vì vóc dáng mượt mà hay da dẻ ngần trắng mà ở tâm hồn đôn hậu, chất phác, đậm nghĩa, đậm tình. Khác hẳn với những cô gái quê trong “Bến không chồng” của Dương Hướng hay những cô gái quê miền tây Nam bộ trong Lục bình trôi của Khúc Thụy Du, gái quê của Hữu Phương dẫn ta tới một chân trời khác, một hoàn cảnh khác, một mảnh đất dữ dội cũng khác, anh hùng cao thượng như mọi vùng quê Việt Nam nhưng mang bản sắc riêng không đâu có.

Quảng Bình, vùng lửa qua cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ với những Cự Nẫm, Cảnh Dương, Xuân Bồ, với Bãi Hà, Nhật Lệ …thì ai ai cũng biết, nhưng nhà văn Hữu Phương đã thành công dắt dẫn ta theo dõi cuộc đời của bao người con gái và cả những người cha, người anh dấn thân vào binh đao khói lửa vì sự nghiệp giải phóng miền nam thống nhất đát nước. Khi những người con trai ào ạt lên đường thì những người con gái bồn chồn, khấp khởi. Một thời ai đó nghĩ rằng, con gái khu bốn dễ dàng trao gửi, thì quả thật họ đã đơn giản lấy cái cá biệt thay cho bản tính phổ quát, đã lấy hiện tượng nói thay bản chất. Thực ra các cô gái miền trong khói lửa ấy, dễ gần, dễ quen, nhưng cao thượng hơn nhiều, và đặc biệt chỉ miền đất ấy, trong gia đoạn binh đao khói lửa ấy, lí chí mới càng vời vợi nâng những bước chân bay bổng nghìn trùng. Một người con gái như Cẩm, xinh đẹp, trẻ trung, rực rỡ, mà Thiện từng để ý theo đuổi nhưng chưa kịp thổ lộ, bỗng dưng vào phút giây thăng hoa, nghiêm cẩn tuyên bố  yêu Phong, một chiến sĩ vùng khác tới làm nhiệm vụ nơi đây vừa hi sinh. Sự vô lí xem ra có lí ở thời buổi con người tình cảm đậm đà nhưng lí chí và lí tưởng luôn luôn ở tầm cao vời vợi. Thời gian trôi đi Cẩm có đắn đo day dứt nhưng lại giải tỏa nỗi khát khao tuổi trẻ không phải bằng cách chạy theo người đàn ông lực lưỡng rực tình nào đó hay sống buông thả mà tìm đến nhà Phong, ở lại với người mẹ cô độc của Phong, chăm sóc bà và chia sẻ nỗi đơn chiếc của bà. Đời trớ trêu là Thiện đang ở đó. Thiện nhập ngũ nhưng chưa vào chiến trường và đang đóng quân ở vùng này. Riêng anh ở trong mái nhà tranh vách nát của bà mẹ Phong, đến bữa lấy xuất ăn về hai mẹ con cùng ăn, giờ đây có thêm Cẩm là ba. Máy bay Mĩ đánh bom Thiện và Cẩm cùng chung căn hầm. Chính Cẩm cũng biết trước đây Thiện theo đuổi mình và mình công khai nói rằng yêu Phong rõ ràng chỉ là yêu bóng. Giờ đây trong căn hầm chỉ có hai người. Tất cả đều bằng xương, bằng thịt và hai trái tim đều rực cháy, hai tâm hồn đều cồn cào xao động, song họ kìm nén, họ giữ vững ranh giới. Cuộc đời của Cẩm còn đi mãi về sau này, gian khổ, hi sinh, cao thượng.

Và Thiện theo đuổi Cẩm, yêu thương Cẩm, nhưng khi nghe Cẩm nói trước vong linh người đã khuất rõ ràng để ai đó gần đấy cùng nghe được và chính Thiện cũng nghe được: Anh Phong ơi, em nhận lời anh, em đồng ý…Thì Thiện tôn trọng coi Cẩm là gái đã có chồng … Ngày lên đường đến gần, Thiện không còn cách nào khác, vì để cho cha là ông giáo Duẩn yên lòng muốn con trai có vợ trước khi đi xa, đã đề nghị với bố hỏi Hòa cho mình. Họ nên vợ nên chồng. Đám cưới đông vui với một tút thuốc lá Tam đảo, hai lít rượu dâu, và một kilogram kẹo của xí nghiệp bánh kẹo địa phương. Nhưng cuộc đời Hòa buồn tủi đớn đau vì phần nào để bản năng chi phối tháng ngày. Khát vọng tuổi trẻ đốt cháy và đã không kìm nén nổi nỗi lòng, đã ngã mình chiều chuộng Sơn, người cùng làng, bạn của Thiện, cùng nhập ngũ với Thiện, nhưng đã tìm mọi cách trở về hậu phương với bao nhiêu chiến tích ngụy tạo. Hòa sa ngã và luôn luôn khát khao hoan lạc, đến mức trơ trẽn, tìm cách lôi kéo cả bố chồng, cha của Thiện là ông Duẩn vào cuộc, đẩy con người có tuổi, nghiêm chỉnh và đầy lòng tự trọng vào con đường khốn khó về sau.

Những người con gái trong Chân trời mùa hạ ở hoàn cảnh nào ta cũng thấy đáng yêu đáng quí mà Loan là một ví dụ.Loan có vẻ nhiều tuổi hơn Hoà và Cẩm tí chút, đã có chồng đang ở chiến trường xa là anh Minh. Tháng năm đợi chờ và khát khao mong đợi. Mỗi lần bị gã đực nào đó tấn công, chị cố chống cự, cố chống đỡ, nhưng vẫn là cách của người con gái vùng Quảng Bình, nghĩa là không đánh lại, không hô hoán, không ăn vạ, không làm xấu mặt cái người đã xàm xỡ với mình. Bị anh chàng Kháng bế bổng lên trong đôi tay như chão bện, tưởng như phải xuôi chiều chấp nhận mất rồi, chị ú ớ kêu trong ý nghĩ: Anh Minh ơi, mau về mà cứu lấy vợ anh, em không thể giữ được nữ rồi (trang 166), để sau đó, cái hôn đầu tiên của Kháng còn làm người chị nóng ran. Chị vừa mừng vừa tiếc khi nghĩ lại. Mừng vì thêm một lần thoát được ra khỏi cơn cám dỗ của thần tình ái vây bủa. Mấy năm qua chị đã thoát được không biết bao nhiêu lần và suýt quị ngã.

Nhân vật điển hình về sự đểu cáng trong tiểu thuyết là Sơn. Sơn cũng là người Đại Hòa, cùng thế hệ, cùng đi bộ đội, nhưng luôn luôn nghĩ về cá nhân mình. Cái thời người ta tự giác đề cao ý chí, đề cao lí tưởng, và những thứ đó hòa quyện nhuẫn nhuyễn trong cách sống, thì một mình Sơn không thế. Ngay khi chưa nhập ngũ, thấy Cầm quá đẹp, anh tìm cách theo đuổi và chiếm lĩnh. Anh ta tự nói với mình: Con bé có cơ thể đẹp thế không biết, cứ trắng lẳn đến mê hồn, mà nếu không có con đĩ Loan thì mình đã phẻ được con bé rồi. Vào bộ đội Sơn tìm mọi cách lui lại phía sau, nhân có ông Nghĩa bị thương nặng, còn mình chỉ như là sây sát, Sơn sung sướng được làm người áp tải thương binh tới bệnh xá, rồi phù phép, bằng mọi mưu kế, trở về làng với mác chiến trường và thương binh có hạng. Anh ta bắt đầu tìm cách tranh quyền tranh chức. May thay, tác giả đã không đi quá sâu vào cuộc đời và số phận của Sơn giữ cho mạch chủ đề tiểu thuyết đi đúng hướng.

Nhà văn Tô Đức Chiêu

Cuộc đời chìm nổi của Thiện và Cẩm là xương sống của tiểu thuyết và chiếm lĩnh bao cảm thông cùng  sự chia sẻ về nỗi đắng cay xót thương với người đọc. Như trên đã nói, Hòa vợ Thiện, con dâu ông Duẩn, nhà giáo nghiêm cẩn và đầy mặc cảm, cho dù chưa đi tới cùng của quan hệ con người nam và nữ, và không phải do ông gây ra, ông cũng nhất quyết không tha cho mình. Ông thấy có tội với đứa con đi xa. Ông quyết chết mà không để lại tung tích. Bằng mọi cách không kết quả, ông tìm đến bom Mĩ, nhưng lạ lùng thay, bom Mĩ tàn bạo giết chết bao người song cứ lảng tránh ông. Ông lang thang đến Đồng Hới, vồ được bom bi quả dứa  áp vào bụng, nó vẫn không chịu nổ. Thì ra loại bom này rơi xuống phải ngòi chạm đất mới nổ. Rồi ông được anh bộ đội cứu. Ông lang thang tới nông trường Lệ Giang. Ông được người dân nuôi. Ông dậy trẻ con học.Ông cố dấu  mình và nhận tên là Thiện. Học sinh ngày càng đông. Dân yêu mến ông.Trước nguy cơ bị lộ tung tích ông tìm cách kêt liễu cuộc đời. Người dân thiếc thương và chôn cất ông tử tế.

Nước non thống nhất, Thiện trở về làng, vợ thành vợ người ta, cha mất tích.Người con gái mình từng theo đuổi là Cẩm đã yêu bóng Phong. Rồi Cẩm đi TNXP, sau đó tổ chức cho đi học Liên Xô nhưng chị xin ở lại, cuối cùng là dừng chân công tác tại nông trường Lệ Giang. Ông Duẩn mất, Cẩm ở trên nông trương bộ biết sau có đến viếng nhưng chỉ biết tên ông là Thiện. Người chiến binh trở về, lắng nghe nhiều luồng thông tin khác nhau nhất quyết đi tìm cha, qua mọi nẻo đường, cuối cùng anh tới Lệ Giang và gặp Cẩm. Cả hai người đều đã qua những tháng ngày bồng bột với lí tưởng thăng hoa. Tình cũ xôn xao. Trái tim rộn rã. Nhưng giờ đây tình cảm của họ chín chắn hơn, đằm thắm mà không bồng bột, thực tế chứ không lơ lửng mây trời.

Cái đáng trân trọng của tiểu thuyết còn ở bối cảnh và ngôn ngữ Hữu Phương dựng lên. Tôi cho rằng nếu viết theo ngôn ngữ vùng châu thổ sông Hồng tiểu thuyết sẽ kém đi phần nào giá trị và Hữu Phương không còn nguyên vẹn là Hữu Phương nữa. Ở đây, từng đoạn tả cảnh, tả người, những câu đối thoại, những lời độc thoại, rất khu bốn và rất Quảng Bình. “Tổ cha mi” là câu chửi chỉ dành cho những tình thân gặp gỡ. Rồi: Răng, Mi, Rứa, Hỉ… tất tần tật đều xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ. Trang đối thoại giữa Sơn và cô gái ở bệnh xá tên là Suyền khá sinh động (Trang 209 – 210). Tác giả có những chữ khá đắt như: “Đêm ấy không có con đĩ Loan thì mình đã phẻ được con bé rồi” – Chữ “phẻ” ở đây làm tôi gấp sách lại ngẫm nghĩ, hay cậu mà léng phéng với con bé Hòa tau sẽ muối sương cậu – chữ “muối” làm người đọc gật đầu nhâm nhi tán thưởng. Nhưng mà, nhà văn Hữu Phương ơi, hơi tham đấy, như lợi dụng chữ nghĩa ấy mà, chẳng hạn: Loan gọi tên Minh là gọi một cách vô thức… - Tôi cho rằng gán từ vô thức vào mồm một cô gái quê, nhất là vào thời điểm cách nay cả nửa thế kỉ, xem ra tai cứ kềnh kệnh thế nào.

 

Con người trong "Chân trời mùa hạ" của Hữu Phương

Đặng Hiển

Tôi rất xúc động nhận được sách tặng của nhà văn Hữu Phương từ Quảng Bình gửi ra. Trước nhất xin phép được nói đôi dòng trữ tình ngoại đề trước khi đi vào phê bình cuốn sách. Năm 2008 tôi mới đến Quảng Bình lần đầu tiên. Quảng Bình là quê hương của thầy giáo Văn cấp 3 của tôi, thầy Lương Thanh Tường, người đã đưa tôi một h/s trong ban tú tài toán vào con đường văn học với giọng nói và những điệu hò dịu ngọt của thầy, người đã chịu nỗi đau mất mẹ vì bom đạn Mỹ trên quê hương ông. Quảng Bình còn là nơi một h/s lớp tôi chủ nhiệm 1960 - 1963 sau khi tốt nghiệp đại học, đã vào dạy ở Quảng Bình suốt những năm chiến tranh. Quảng Bình cũng là nơi quê hương của mẹ Suốt, người anh hùng mà tôi đã nhiều lần nói đến qua các bài giảng về thơ Tố Hữu cho học trò. Quảng Bình cũng là cái tên gọi thân thương tự hào trong bài ca nổi tiếng của Hoàng Vân "Quảng Bình quê ta ơi" mà tôi thường vẫn hát… Quảng Bình cũng là nơi lần đầu tiên tôi được gặp nhà văn Hữu Phương và nhà thơ Hoàng Vũ thuật.

Đọc Chân trời mùa hạ của Hữu Phương, điều thích thú nhất của tôi là được hiểu về Quảng Bình, về cuộc sống của nhân dân Quảng Bình trong thời kỳ chiến tranh ác liệt và đặc biệt con người Quảng Bình, con người ấy là con người Việt Nam cũng là con người nhân loại trong hoàn cảnh và điều kiện cụ thể đó.

Trước nhất, tác phẩm đã trả lời được câu hỏi vì sao Việt Nam có thể chiến thắng được đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh gần như hủy diệt trên mảnh đất hẹp Miền Trung. Câu trả lời bằng hình tượng là vì con người Việt Nam mà cụ thể ở đây là những con người Quảng Bình rất anh hùng đã vừa sản xuất vừa chiến đấu vừa chi viện cho tiền tuyến lớn Miền Nam. Sản xuất thì đang chống hạn đã phải lo chống úng ngoài trồng lúa, khoai, sắn còn phải lo kiếm các thức ăn phụ như hạt mít, hạt sót và cả các thứ rau quả có những cái tên rất lạ… Trong chiến đấu thì phải vừa trực tiếp bắn nhau với máy bay Mỹ (hợp đồng với bộ đội phòng không), vừa phải phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả chiến tranh phá hoại của địch. Cuộc sống của Quảng  Bình lúc đó dẫu chỉ là sống và sản­­­­­­­­­­- xuất bình thường cũng đã đòi hỏi lòng dũng cảm và sự kiên nhẫn. Sống trong hầm, ăn trong hầm và ngủ trong hầm và cả yêu trong hầm. Nhưng người Quảng Bình vẫn ra đồng cày cấy, trẻ em vẫn đến trường, người già, người trẻ vẫn ngày đêm đắp đường, sửa đường, làm cầu, các cô gái vẫn xắn quần quá gối để trong đêm tối làm cọc tiêu trắng cho xe bộ đội qua ngầm nhiều người đã hi sinh trong lúc lao động sản xuất, phục vụ chiến đấu và cả ngay khi đang ngủ trong hầm. Không mấy người là không mất người thân trong bom đạn.

Ăn thì không đủ no nhưng vẫn "Thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người”. Có vụ nào thất bát thì xin nợ lại, bù trả ở vụ sau chứ không xin miễn giảm. Học trò tốt nghiệp phổ thông, 1 số đi đại học để chuẩn bị cho tương lai, 1 số được đi đại học nhưng đã xin ở lại để sản xuất, phục vụ chiến đấu ở quê hương, và chờ đợi đi bộ đội, để vào Nam chiến đấu…

Một số sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường, bị thương đã xuất ngũ trở về nông trường, hợp tác xã như Cẩm sau khi không đi học đại học, xung phong đi thanh niên xung phong, phá bom nổ chậm, khi bị thương trở về được cử đi học ở Liên Xô, đã tình nguyện ở lại về nông trường lao động, sau được cử làm Phó giám đốc.

Những người con Quảng Bình tất thảy đều yêu nước, yêu quê hương trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, tình yêu ấy được thử thách, càng biểu hiện rõ rệt, ngay cả ở những người có nhiều mặt xấu như Sơn, cá nhân, cơ hội, đồi bại nhưng cũng đã đi bộ đội, phục vụ chiến đấu, khi xuất ngũ cũng tham gia cải tiến sản xuất (dù với động cơ mưu cầu địa vị). Độc đáo hơn, ngay cả 1 người tâm thần khủng hoảng, muốn tìm đến cái chết như ông giáo Duẩn, cũng vẫn căm thù giặc và khi có cơ hội đến, vẫn trực tiếp chiến đấu và lập được chiến công. Ngay cả người nhát sợ như ông Thảo, lúc đầu suốt ngày ở trong hầm, làm gì cũng quanh quẩn bên chiếc hầm nhưng sau cũng dũng cảm xông vào khỏi lửa cứu bàn ghế của trường học và hi sinh.

Nhà phê bình Đặng Hiển

Tác phẩm cũng có 1 số trang có chất thơ tả cảnh vật quê hương và lòng gắn bó với mảnh đất quê hương của con người. Nhưng giá như lòng yêu quê hương ấy được tả kỹ hơn như một quá trình hình thành ở con người, trong những điều kiện lịch sử và địa lý ấy, từ thưở bé thơ đến khi trưởng thành thì tác phẩm sẽ sâu sắc hơn, xúc động hơn.

Những con người ở đây trong hoàn cảnh chiến tranh ác biệt vẫn sống như những con người bình thường. Họ vẫn có cuộc đời riêng, những nhu cầu riêng, tình cảm riêng bình thường của con người như tình yêu, tình bạn, tình gia đình, hàng xóm, họ vẫn có đủ cả tính tốt lẫn tính xấu, những cái cao quý và cả những cái tầm thường của con người.

Trong một người bình thường thì cái tốt nhiều hơn cái xấu nhưng không phải không có một số ít người, ngược lại, ví dụ ông Vạc, một ông nông dân có thói tư lợi, gian dối, ông cày dối rồi lấy rơm rạ, cỏ lấp đi, ông có tính ăn cắp vặt, thậm chí giết trộm bò của hợp tác xã rồi giấu thịt xuống giếng. Ông hay hại người có khi không phải vì thù. Ví dụ thấy Cẩm và Thiện yêu nhau thì ông mách đường cho Sơn đến chỗ tán tỉnh Cẩm (ông không ngờ Sơn làm quá, đã hóa trang đeo mặt nạ định cưỡng bức Cẩm).

Hòa, vợ Thiện, xa chồng mấy năm đã dễ dàng rơi vào vòng tay của Sơn. Khi có thai lại tìm cách đổ vấy cho bố chồng; khi đi đẻ, đã khai tên bố đứa bé là Sơn, nhưng sau, bị cật vấn đã phản cung, vẫn đổ tội cho bố chồng vì hi vọng bảo vệ Sơn thì sau này y sẽ cưới mình làm vợ.

Đặc biệt Sơn là một kẻ cá nhân cực đoan, cơ hội, sảo quyệt. Anh ta phạm nhiều thứ tội chỉ trừ phản quốc. Nhưng với nhân cách ấy thì trước sau anh ta cũng là một kẻ phản bội. Đầu tiên anh ta đố kỵ với bạn (Thiện) đến mức phá tình yêu của bạn (theo kiểu không ăn thì đạp đổ). Cho nên biết Cẩm ra thăm mộ Phong vừa hi sinh, hắn đã mách cho Thiện đến “chứng kiến” để chia rẽ tình yêu và hôn nhân của hai người bạn học. Sơn là một người đồi bại, một gã Sở Khanh, một con yêu râu xanh. Hắn trùm mặt nạ ra chỗ vắng định cưỡng bức người yêu của bạn, người mà anh ta thầm yêu, nhưng không được đáp lại. Ở nhà dân chỉ mấy tháng, hắn đã tán tỉnh cô con gái lớn của bà chủ và ngủ với cô ta mà không hề nghĩ đến hậu quả cũng chẳng nhớ nhung gì cô ta. Nhưng khi ra tiền phương biết binh trạm trưởng chính là bố cô ta thì hắn đưa thư, tự giới thiệu và được binh trạm trưởng coi như con rể tương lai. Khi trạm trưởng bị thương, hắn đã lấy cắp giấy chứng thương rồi bắt tình với cô quân y sĩ để cô ghi chấn thương giả và lấy cho cái dấu để y được xuất ngũ với tiêu chuẩn thương binh. Khi xuất ngũ về làng, thấy vợ bạn trẻ đẹp, anh ta tán tỉnh và ngủ với cô ta. Khi cô có thai hắn sợ  ảnh hưởng đến đường tiến thân nên khuyên cô ta phá thai. Khi không phá thai được, cô đã đổ vấy cho bố chồng vì trước đó Sơn lừa cô, hứa sau này hết chiến tranh sẽ cưới cô và nhận đứa bé là con. Cũng vì lí do đó, sinh con về, cô đã phản cung. Còn Sơn thì cứ lờ đi. Khi bị chị Loan, Phó bí thư chi bộ cật vấn, hắn chối bay và được vô can vì không có chứng cứ. Ngay cả chiếc mặt nạ làm bằng ống quần hắn để quên ở nhà, có người bắt được, hắn cững chối bay, bảo rằng đó có thể là chiếc mũ chống muỗi của ai đó. Thế là hắn lên chức Bí thư Đảng ủy và đã trả thù chị Loan, người tố cáo bằng cách cách chức Phó Bí thư chi bộ của chị và điều về coi kho.

Những con người tốt trong tác phẩm cũng có những chỗ yếu, những phút yếu vì họ là con người.

Như ông Duẩn, một thầy giáo tiểu học mô phạm, vì tình thương con mà đã rơi vào bẫy của cô con dâu hư.

Hay như chị Loan, lấy người chồng mà mình không yêu, được 7 ngày thì chồng đi bộ đội, chị khao khát tình yêu, khao khát đàn ông, nhưng chị vẫn nén lòng, cự tuyệt tay xã đội trưởng đẹp trai…Nhưng đến sau chiến tranh, khi gặp lại Thiện một chàng trai làng quen thân kém chị mấy tuổi thường vẫn coi nhau như chị em, chị đã cùng Thiện uống rượu, rồi trong cơn say của cả hai người, đã chủ động ân ái với anh.

Những người tốt trong tác phẩm không căng cứng mà rất người. Ông Niệm, Bí thư Đảng ủy, rất nghiêm túc trong công việc nhưng cũng đa cảm trong tình riêng. Ngày xưa ông yêu bà Thảo, nhưng khi bà đã có mấy mặt con với ông Thảo, còn ông thì góa bụa, ông vẫn thầm yêu bà, đến khi ông Thảo hi sinh, mặc dù đang là Bí thư Đảng ủy, chỉ hơn một năm sau, ông đã tỏ tình với bà. Có kẻ dọa sẽ làm ông mất chức Bí thư vì quan hệ yêu đương ấy, ông nói chức Bí thư Đảng ủy chỉ là chuyện vặt. Không phải ông không coi trọng chức vụ Đảng giao mà ông nghĩ dù làm chức vụ gì cũng chỉ là trách nhiệm phục vụ dân thôi.

Nhân vật tích cực trong truyện có nhiều người như Phong, Cẩm, Thiện… Phong là một thanh niên có học, đã đi học công binh 4 năm ở Liên Xô, khi về tuyến lửa đã dũng cảm phá bom nổ chậm và hi sinh. Anh yêu Cẩm và đã để lại một lá thư tỏ tình với Cẩm.

Cẩm là một cô nữ sinh đã tốt nghiệp PT, được tuyển chọn đi học Đại học nhưng đã ở nhà lao động và phục vụ chiến đấu. Mặc dù yêu Thiện nhưng cô vẫn có cảm tình với Phong, chiến sĩ phá bom. Khi anh hi sinh, cô đã xót thương anh đến mức hứa hôn với linh hồn anh. Không may, do âm mưu của Sơn, Thiện đã nghe thấy lời cô nói với hương hồn Phong trước mồ, anh tự ái và từ hôn, cô rất đau khổ nhưng cô còn xót thương Phong nhiều hơn nên đã tự nguyện đến nhà mẹ Phong để chăm sóc mẹ thay cho đứa con duy nhất đã hi sinh, cho đến ngày mẹ mất. Tình cờ nhà mẹ Phong lại chính là nhà Thiện ở trong thời gian đóng quân. Mẹ Phong rất yêu quý cô và chính vì yêu quý, mẹ muốn tác thành cho cô với Thiện. Mẹ bắt hai người ngủ chung hầm nhưng khi mẹ đã ngủ, Cẩm lại sang hầm mẹ và giữa Thiện Cẩm trước sau vẫn không có chuyện gì…

Khi về thăm quê, cô đã có ý tránh gặp Thiện, phần vì tình cảm trong lòng không thúc giục cô, phần vì cô hiểu Thiện cũng đang có tâm trạng nên để Thiện dịu lòng với những tình cảm mới.

Một nhân vật tích cực nữa là Thiện, Thiện cũng như Cẩm, Thiện là học sinh tốt nghiệp cấp 3 được chuyển đi học Đại học nhưng ở nhà để sản xuất, chiến đấu. Khi nghe lời Cẩm hứa hôn với linh hồn Phong trước mộ Phong, vì lòng tự trọng, anh đã từ hôn với Cẩm và để chiều lòng bố, anh đã cưới vội cô Hòa, một cô gái trẻ đẹp nhưng anh chưa hiểu gì về cô ta.

Hậu quả thế nào, chúng ta đã biết, nhưng mặc dù không có tình yêu thật sự với vợ, anh đã cầm lòng khi gặp lại Cẩm ở nhà mẹ Phong, anh đã giữ mình để không xúc phạm đến tình cảm với vợ và phẩm chất con người và cũng là giữ cho Cẩm.

Trong những ngày hoạt động, trong vùng địch hậu Bình Trị Thiên, anh đã kiên trì làm tốt công tác cơ sở, vượt qua nhiều nguy hiểm, khó khăn.

Khi bị thương, phục viên, anh đã về tham gia sản xuất ở quê hương.

Khi biết Hòa có con với ai đó, anh đã định tha thứ. Khi nghe tin đồn về quan hệ của Hòa với bố, anh không tin. Trước sự tráo trở của Sơn và sự độ lượng của Thiện, Hòa đã tự thú tất cả.

Cuối cùng, Thiện và Sơn đã thanh toán với nhau bằng một trận tay bo“quyết đấu” Chính lòng căm thù đã cho anh sức mạnh, buộc Sơn phải bỏ chạy và không may gặp tai nạn. Khi đó, anh lại ân hận, và một lần nữa ta lại chứng kiến lòng nhân hậu, độ lượng của anh.

Rất tiếc, nhân vật Thiện chưa được tác giả dành cho một dung lượng thích đáng ở tác phẩm. Phần hoạt động của anh ở vùng sau lưng địch còn sơ sài, chung chung, phần tâm trạng của Thiện khi gặp lại Cẩm ở nhà mẹ Phong cũng chưa sâu, phần tâm trạng bi kịch của Thiện của trở lại quê hương cũng chưa kỹ. Cả với Cẩm cũng có phần như vậy. Nhiều đoạn tâm lí nhân vật chưa xứng với sự kiện, giữa cái chung và cái riêng cũng có những đoạn chưa thật gắn kết. Có thể nó tác giả chưa đạt được đầy đủ cái gọi là “biện chứng pháp” của tâm hồn.

Kết cấu của tác phẩm cũng còn nhược điểm: Phần Thiện trở về ở đầu tác phẩm bị cắt đoạn quá lâu, dung lượng dành cho Sơn và Thiện trong tác phẩm không cân xứng, ngoài ra cảnh kết thúc có hậu theo kiểu ở hiền gặp lành, thiện ác đối đầu chung hữu báo (Sơn bị tai nạn chết, Thiện được Lý -  em gái Cẩm -yêu), hơi nghiêng về truyền thống, thiếu sự sáng tạo hiện đại.

Mặc dù có một số hạn chế trên nhưng với những nỗ lực vừa phản ánh trung thực hiện thực vừa vượt ra ngoài thi pháp sử thi nhất là trên phương diện miêu tả con người và đạt được những thành công nhất định mà bằng chứng rõ rệt nhất là sức hấp dẫn, sức thuyết phục của tác phẩm, Hữu Phương đã có đóng góp đáng quý vào sự đổi mới văn học. Sự hiểu biết đúng đắn và khá sâu sắc về cuộc sống và con người Quảng Bình, độ chín trong nghề viết của tác giả là nguyên nhân chính của những thành công ấy. Xin chúc mừng tác giả và mong tác phẩm sẽ được tác giả nhuận sắc cho toàn bích hơn trong lần tái bản tới

Ngày 10 tháng 10 Năm 2011

 

           

 

 

 

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn