Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Nhớ Thế Mạc

“Cùng mây trắng vẩn vơ non Tản…”

Quốc Toản - 18-11-2011 10:53:29 AM

VanVN.Net - Nhà giáo, Nhà thơ Thế Mạc được mọi người biết đến từ những năm 1960 khi ông được giải thưởng thơ báo Văn nghệ. Mảnh đất Sơn Tây nơi ông sinh ra và lớn lên có mây trắng xứ Đoài và rả rích mạch ngầm đá ong. Ông sống lặng lẽ, có phần nhẫn nhịn, chịu đựng như chính những con người và cuộc sống nhọc nhằn đầy nắng gió nơi đây. Họ coi ông như một ẩn sỹ của vùng non Tản. Để rồi từ đó dựng lên một chân dung Thế Mạc.

Mấy năm cuối đời, ông không thể đi nhiều, viết nhiều bởi sức ông đã yếu vì tuổi cao, bệnh tật. Nhưng những gì ông đã làm cũng đủ gọi lên một cái tên quen thuộc trong làng thơ và trong lòng bè bạn. Thế Mạc đã ra hai tập thơ chính: HồNguồn. Hai tập thơ này được giải thưởng Nguyễn Trãi và giải thưởng của UBTQ các Hội LHVHNT Việt Nam. Năm 2003, ông cho ra mắt tập Thơ Thế Mạc, như để tổng kết toàn bộ quá trình sáng tác của ông. Phần cuối tập thơ là các bài viết của các nhà văn, nhà thơ: Ngô Quân Miện, Khuất Quang Thuỵ, Đỗ Lai Thuý, Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh vv… Thơ Thế Mạc gần gũi với quê hương và thường gắn với một địa danh, một con người cụ thể của vùng đất xứ Đoài. Nhưng qua thơ nó trở nên tâm linh, trầm lắng, nguồn cội và thiền hơn. Vì thế, ông đã tạo ra một phong cách riêng và làm đa dạng thêm hình thức thơ ca mà độc giả bây giờ mỗi ngày lại thêm “khó tính”. Tôi không muốn nhắc  nhiều về thơ của ông. Tôi muốn nói đến một Thế Mạc luôn quan tâm và dõi theo những bạn viết mà ông quen biết ở Sơn Tây. Những người đó sống nặng lòng với mảnh đất đá ong dày tầng văn hoá này. Bởi ông hiểu họ hơn ai hết. Đó là những con người chân quê lam lũ đó dấn thân vào con đường văn chương đầy vất vả cực nhọc. Như câu thơ ông viết:

“Đêm đêm dầm trong mực viết

 Như nhựa cây, như thời gian, như công việc…”

(Hạ điền).

Vào những năm 1990 của thế kỷ trước, Thế Mạc và một số bạn văn thơ nảy ra ý định thành lập Câu lạc bộ VHNT Sơn Tây, tập hợp các cây bút và những người yêu thơ đất Thành Sơn. Ông mò mẫm đến từng ngõ ngách, từng ngôi nhà mà ông biết ở đó có người đang viết văn, làm thơ. Có người yêu thích văn chương nhưng vì “miếng cơm manh áo” mà phải gác bút, đành ngậm ngùi lãng quên niềm đam mê cháy bỏng của mình. Việc đi tìm và phát hiện những người có năng khiếu văn chương của Thế Mạc thật gian nan vất vả nhưng cũng không kém phần thú vị. Chiếc xe đạp cà tàng được phân phối từ những năm 60 đó “cõng” ông rong ruổi khắp vùng non Tản. Hễ thấy có ai động tới “hơi văn” là Thế Mạc đến... Ông là cây cầu, là nhịp nối đối với những người từng là học trò cũ của ông như Nguyễn Lương Ngọc, Hà Nguyên Huyến, Quốc Toản, Đỗ Doãn Quát, Giang Thuý vv… Năm 1992, Câu lạc bộ VHNT Sơn Tây ra đời và đó xuất bản nhiều tập thơ: Sông Tích, Với Sơn Tây, Khoang Xanh điểm hẹn… Có thể nói, Câu lạc bộ là nơi tập hợp một lực lượng sáng tác đông đảo, nơi gặp gỡ, giao lưu trao đổi hết sức cần thiết cho các tác giả. Gần 20 năm đã trôi qua, nhiều người trong số họ đó có thơ  văn được đăng tải trên các báo, tạp chí của trung ương và điạ phương. Có người đó trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, hội viên CLB Văn Nghệ sỹ xứ Đoài. Nhiều tác giả đạt giải thưởng trong các cuộc thi thơ, bút ký, truyện ngắn. Nói thế để thấy, ngoài sự nỗ lực không biết mệt mỏi của người cầm bút, thì cũng phải kể đến cái “chất men” không thể thiếu lúc ban đầu, đó là Câu lạc bộ VHNT Sơn Tây. Và người có công vun đắp, chắp cánh, động viên khích lệ không ngoài ai khác là ông thầy của chúng tôi, Nhà giáo, nhà thơ Thế Mạc. Những lớp học trò của ông đang cố gắng làm được những điều mà ông mong mỏi:

“Mình chỉ mong một chiếc tổ của mình

Sáng ngày dậy vươn vai và tất bật

Ruộng dộc trời sấy khô nước mắt

Cánh lại sải ngôn từ gió biếc lung linh”

Cuộc sống xuề xoà, ít thấy ông gọn gàng và “sạch sẽ”. Có lẽ phong cách ấy làm mọi người dễ gần. Nhưng ông lại rất nghiêm túc khi rút ruột rút gan mình để cày sới trên từng trang giấy. Mấy năm gần cuối đời, ông đau yếu, không đi xa được. Khi có điều kiện, thỉnh thoảng các học trò cũ lại đến thăm ông và ông luôn coi họ là những người bạn. Ông bảo tuổi tác không quan trọng. Điều mà ông quan tâm là chuyện đời, chuyện chữ nghĩa. Cứ sống hết mình, yêu hết mình, đừng bao giờ giả dối sẽ có tác phẩm hay. Còn trẻ, còn đi. Còn đi, còn phải viết. Có lần tôi đến thăm, thấy ông hỏi đi hỏi lại những chuyện xưa cũ, hỏi tất cả những người cầm bút mà ông quen biết. Hỏi về những chuyến đi sáng tác mà ông không còn đủ sức để đi nữa, ông rất buồn. Rồi bỗng dưng ông nhắc đến nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc (hậu duệ của cụ Tản Đà). Ông tiếc thương Ngọc, một thi sỹ tài hoa bạc mệnh. Ông ngơ ngác nhìn về phía cuối con đường rồi lẩm nhẩm:

“Người nằm đây

Không biết đời hay mộng

Ngán, tiếc canh dài cốc ngửa chờ ai

Hồn chảy, suối tuôn tìm tri kỷ

Hai nghìn năm bình rượu vẫn chưa đầy”

(Thế Mạc)

Cứ mỗi lần ông hỏi, ông đọc thơ là một lần tôi thấy nhói lòng. Phải chăng ông đang đơn độc suy ngẫm về cuộc đời, về định mệnh, về “âm dương ngũ hành” mà ta vẫn thường bắt gặp trong thơ ông, nó cứ đau đáu với phận kiếp làm người:

“Đầu gối tay nghe tim mình nhịp gõ

 Mà không sao gõ nổi giấc mơ làng”.

Tôi im lặng ngắm ông mà bỗng sợ những câu thơ ông viết:

“Lời thì thầm mưa nắng chớp giông

Đáy nước sạch thơm xuôi xuôi bay hạc trắng”

Có lẽ Thế Mạc quá hiểu kiếp nhân sinh nơi cõi tạm, để rồi đúng vào “năm cùng tháng tận”, ông đó gửi lại đời những câu thơ đầy ám ảnh và xúc động, gửi lại xứ Đoài “cùng mây trắng vẩn vơ non Tản” nơi gió ngàn đã lặng, mà nhẹ gót thiên thu để đi vào cõi khác. 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhà văn đọc sách  

Huyền thoại tàu không số - một tác phẩm phi hư cấu đậm chất tiểu thuyết

VanVN.Net - Trong cuộc họp báo ra mắt cuốn sách, nhà văn Đình Kính xúc động nói về những nhân vật trong tập ký của mình: "Một con đường huyền thoại nhưng chỉ có  chưa đầy chục người được phong anh ...