Đầu xuân năm mới chúc BÌNH AN/ Chúc luôn TUỔI TRẺ chúc AN KHANG /Chúc sang năm mới nhiều TÀI LỘC/ Công thành danh toại chúc VINH QUANG…
Gửi thư    Bản in

Đừng võ đoán quy kết nhà văn

Nguyễn Chí Hoan (ghi) - 18-11-2011 10:05:43 AM

VanVN.Net - Xung quanh vụ việc Cty Phương Nam bị phạt hành chính vì tập truyện ngắn “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông” của Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phương Nam & Nxb Hội Nhà văn, 2011…

Hôm 8.11.2011 nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giám đốc, Tổng Biên tập (GĐ TBT) Nxb HNV đã triệu tập cuộc hội thảo nội bộ mở rộng để trưng tập ý kiến tái thẩm định tác phẩm “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông” của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên vừa đột ngột bị tịch thu trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh (TP HCM) theo một quyết định xử phạt hành chính của Thanh tra Sở Thông tin-Truyền thông Tp HCM (Sở TTTT) đối với Cty Phương Nam từ ngày 1.11.2011.

Phải nói rằng không ai trong số những người tham dự buổi hội thảo nói trên ở 65 Nguyễn Du cảm thấy bất ngờ với cuộc họp, bởi hầu hết vẫn còn cảm giác ngỡ ngàng bức bối trước sự kiện một tuần trước đó Phương Nam buộc phải nhận phạt và tập truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên bị thu hồi trong Tp. HCM.

Thực tế là hầu như toàn bộ giới truyền thông quan tâm đến văn học đã sửng sốt trước việc một quyết định khá nhạy cảm như  phán quyết và thu hồi (dù là trong phạm vi hành chính cụ thể của quyền tài phán) đối với một tác phẩm văn học lại diễn ra vừa đột ngột vừa chậm trễ như thế (gần nửa năm sau ngày sách được phát hành), một quyết định mà nhiều người quan sát nhận thấy là không dựa vào lý lẽ cụ thể nào của hội đồng thẩm định nào, và đáng ngại hơn, tác giả này còn bị “quy chụp” là đã “truyền bá lối sống đồi trụy, không hợp với thuần phong mỹ tục VN, vi phạm Điều 2, khoản 10 Luật Xuất bản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản”. 

Cuộc hội thảo ở 65 Nguyễn Du, bên cạnh Gđ. TBT Trung Trung Đỉnh, Phó Gđ, Phó TBT nhà thơ Trần Quang Quý cùng các nhà văn Tạ Duy Anh, Nguyễn Thị Anh Thư và các biên tập viên của Nxb, còn có các cộng tác viên và thủ trưởng cơ quan chủ quản (HNV) gồm: nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch LHVHNT VN, Chủ tịch HNV VN; ông Lý Bá Toàn - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản; nhà văn Nguyễn Khắc Trường - Chủ tịch Hội đồng văn xuôi HNV; nhà phê bình Ngô Thảo, và nhà văn Nguyễn Chí Hoan từ Ban LLPB Tuần báo Văn Nghệ HNV.

Chủ đề của cuộc hội thảo cho thấy thực chất của việc Công ty Phương Nam bị phạt chính ở chỗ phán quyết coi tập truyện “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông” của Nguyễn Vĩnh Nguyên là loại sách “truyền bá dâm ô đồi trụy”.

Nhà văn Tạ Duy Anh, người biên tập đầu tiên bản thảo tập truyện của Nguyễn Vĩnh Nguyên, phát biểu cho hay trong quá trình đọc biên tập cuốn này ông “không ấn tượng nhiều lắm, chỉ thấy sách viết sâu xa, lạ lùng, hơi quái”; Và “trong cuốn sách tác giả cũng đề cập đến sex. Đó là 1 mảng đời sống rất thực, và Nguyễn Vĩnh Nguyên sử dụng nó để làm công cụ thể hiện ý tưởng. Nhưng không phải là kích dục. Thậm chí còn "diệt dục", do cách viết hơi quá.” Nhà văn Tạ Duy Anh khẳng định về công việc biên tập của mình, của Nxb HNV, cũng như cụ thể với cuốn truyện ngắn này, rằng “hay dở còn tùy người đọc, song biên tập viên chúng tôi đã quán triệt: Không chống Đảng, Nhà nước, không phản động, không kích động chiến tranh, không tuyên truyền lối sống đồi trụy… Khi xảy ra vụ việc này, vừa rồi tôi đọc lại bảo thảo, thì thấy đây là một cuốn sách văn học có tìm tòi, có nỗ lực rất lớn, có bản lĩnh nhà văn. Đây là một cuốn sách rất đáng khích lệ và nếu phải bàn thì các nhà phê bình nên bàn về sự tự kìm chế của tác giả trong phương pháp viết, đôi khi nó dẫn đến tác dụng phụ, làm người đọc khó nhìn ra ý tưởng chính.”

Nhà phê bình dày dạn thực tiễn Ngô Thảo phát biểu nhấn mạnh việc “đánh giá một tác phẩm, chứ không phải chỉ là đọc - hiểu, cần đặt nó trong các quy phạm của loại hình”; và nhà phê bình dẫn đoạn văn coi như lời bạt trên bìa 4 của tập truyện: Cuốn sách này dành riêng cho những ai coi việc đọc như là một quá trình chủ động sáng tạo. Đi sâu trải nghiệm, thậm chí hướng đến xác lập tọa độ những cơn chấn động, đổ vỡ, phá hủy trong tinh thần con người đương thời bằng một thứ văn chương phức hợp, đôi khi cực đoan đến mức không khoan nhượng.

Ngô Thảo nhìn nhận một cách khách quan : “đây là một xu hướng của văn chương đương đại, cũng như thuật ngữ đang được dùng nhiều trong hội họa (hội họa suy tưởng), ta có thể gọi là Văn học suy tưởng.”

Theo ông, trong bối cảnh văn chương đó, tập truyện Nguyễn Vĩnh Nguyên cần được xem như một ngoại lệ, bởi đây chắc chắn không phải là loại văn chương giải trí nhẹ nhàng của số đông.

Nhận xét về đặc trưng của tập truyện ngắn này, Ngô Thảo cho rằng “Tính lý trí, tư duy triết học, nhìn cuộc đời dưới góc nhìn triết học khác với lối kể chuyện thông tục, khiến tác giả biến tất cả sự kiện đơn giản của đời sống thành các dữ kiện để giải thích, chứng minh cho những phát hiện về xã hội đương đại của mình. Đúng hay sai còn cần được thời gian xác nhận, nhưng tác động báo động của những truyện đó là đáng trân trọng, vì nó nghiêm túc. Và trong trường ngôn ngữ đậm màu triết lý đó, các sự vật được gọi đúng tên của nó không hề gây cảm xúc, cảm giác, gợi cảm, mà chỉ là để gợi nghĩ, gợi suy tưởng, buộc suy tư!

Và như thế, những buộc tội: kích dục, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục ở đây, xem ra không phù hợp!”

Tỏ ra am tường về công việc của những người làm quản lý, Ngô Thảo nhận xét văn học nghệ thuật nước nhà hiện nay đang có rất nhiều nét mới mẻ, nên mọi sự định giá là rất khó khăn. “Chúng ta ủng hộ những nhà quản lý làm công tác rất cần thiết của mình. Nhưng, nếu chỉ được trang bị những kiến thức, thước đo quá cũ, thì họ sẽ tự làm khổ mình trước tiên. Tâm trạng lo lắng, nghi ngờ, thậm chí hoảng hốt sẽ làm những người có tinh thần trách nhiệm mất ăn mất ngủ. Và trong trạng thái tinh thần đó dễ có những quyết định vội vàng.”

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường phát biểu những nhận xét trên tư cách một người sáng tác, cho rằng phần lớn các truyện trong tập truyện này khó gọi là hấp dẫn, nhưng, ông kết luận: “Dẫn tới phản động: không; đen tối: không; bêu xấu kích động: không; đồi trụy: không. Không hay, hơi khoe chữ, nhưng không sao. Nếu là tôi đọc duyệt, tôi vẫn sẽ cho in, chỉ có thay đổi vài từ cho đỡ thô. Cuốn sách này chưa đến mức phải làm dư luận chú ý quá, vì nếu thế thì làm cho nó thành quá cỡ.”

Nhà văn Nguyễn Chí Hoan cho rằng trước hết cần đọc kỹ tác phẩm và xem xét nó trên phương diện văn học – việc xem xét như vậy sẽ cho thấy tập truyện này của Nguyễn Vĩnh Nguyên không hề nhằm đến chuyện tình dục; cả về từ vựng, về hình ảnh ngụ ý, kết cấu trần thuật cũng như thủ pháp kể truyện ở đây đều có ý hướng triết luận rõ ràng, thậm chí là quá rõ để mà không nhận ra, ngay cả nếu chỉ đọc lướt; tuy nhiên do một số truyện trong tập này có vẻ như “thử nghiệm” nên có thể gây khó cho việc theo dõi của người đọc thông thường; mặt khác thì vài truyện cuối tập có biểu hiện “truyền thống” hơn trong lối kể và kết cấu, thuận chiều hơn để nắm bắt, và do đó cho thấy những nét lạ ở các truyện trước trở nên dễ hiểu, căn cứ trên cùng phong cách tác giả này; và qua đó có thể thấy việc quy kết những truyện này “truyền bá dâm ô đồi trụy” là một kết luận hết sức thiếu căn cứ.

Các nhà văn và biên tập viên của Nxb HNV đều phát biểu đồng thuận và hậu thuẫn những ý kiến đã nêu, đồng thời nghiêng về kêu gọi ủng hộ những người viết trẻ có tri thức, có ham muốn sáng tạo.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh tóm lược các phát biểu đã nêu và đưa ra một cố gắng cân bằng: “Tôi thấy nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên là một tác giả năng đọc, siêng năng viết, tôi rất trọng. Trong công việc viết anh cũng biểu hiện sự cố gắng tối đa, rất nghiêm túc, thậm chí quá nghiêm trọng nên những người đọc thông thường sẽ rất khó chịu và  dễ dẫn đến suy diễn lệch lạc... Tôi đọc cuốn sách này và thấy, nếu gọi đây là dâm ô trụy lạc thì đúng phải cần xem lại cách đọc văn chương của những người đọc quy kết vội vàng, thiếu thiện chí không chỉ đối với tác giả mà đối với cả giới sáng tác và cả với bạn đọc.Có thể mỗi người có cách cảm thụ và cách khen chê riêng biệt, thích hay không thích, nhưng cách đọc quy kết, “nâng quan điểm” thì quá xưa rồi, rất tệ hại và cần chấn chỉnh lại.”

Đại diện cho cơ quan chủ quản – HNV VN, nhà thơ Hữu Thỉnh trước hết hoan nghênh việc tổ chức buổi hội thảo này của Nxb HNV mà ông cho là thực sự tăng cường mối quan hệ cộng tác giữa những người làm chuyên môn với cơ quan quản lý. Nhìn nhận cách làm nghiêm túc, có trách nhiệm của những người tham gia buổi thảo luận, nhà thơ Hữu Thỉnh nói ông tin rằng những ý kiến vừa trình bày đã tạo đủ cơ sở cho một đánh giá tái thẩm định đối với tập truyện bị đặt lên bàn cân này; và Ban chấp hành HNV sẽ có kết luận phù hợp. Nhân đây, ông nhấn mạnh quan điểm đặc thù của công tác xuất bản của Hội: có những cuốn sách làm không vì lợi nhuận mà vì tác dụng kích thích sáng tạo, mở rộng quyền và không gian sáng tạo cho nhà văn, Nxb HNV dứt khoát làm.

Với tư cách cộng tác viên của Nxb HNV, Phó Cục trưởng Lý Bá Toàn trước hết đã nhận xét một cách cá nhân rằng bản thân ông đọc tập truyện này của Nguyễn Vĩnh Nguyên rất khó nhọc; và nếu có thể thì phải nói đây là những truyện “tra tấn” chứ chẳng hề có khả năng “kích động dâm ô”.

Tuy nhiên, ông Phó Cục trưởng Cục Xuất bản nhìn nhận việc Sở TT-TT TP HCM ra quyết định xử phạt Cty Phương Nam như đã nói trên là một việc đã rồi, trong thẩm quyền của Sở, và giờ đây khi đã có ý kiến phản bác chính thức của Nxb HNV thì “Chúng tôi sẽ có trách nhiệm làm rõ vấn đề thẩm định với Sở TT-TT TP Hồ Chí Minh.”

Đồng thời cũng với tư cách cộng tác viên ông Toàn khuyến nghị Nxb nên có phần Lời nói đầu để giúp độc giả nhận diện một cách thích hợp các vấn đề mỗi khi cho ấn hành tác phẩm nào thuộc diện khó đọc đối với bạn đọc trung bình. Theo ông, dù thế nào thì tác dụng định hướng từ người xuất bản là rất cần thiết.

GĐ TBT Trung Trung Đỉnh một lần nữa cám ơn những người tham dự hội thảo. Và nhà văn nhấn mạnh: “Tôi có thể kết luận cuộc họp hôm nay là rất kịp thời và hữu ích. Một tác phẩm văn học là cả một công trình sáng tạo của một nhà văn, không thể vì điều này điều nọ mà buộc tội nhà văn viết không đúng với cách đọc cách cảm thụ của người này, người kia.”

Nhà văn cũng khẳng định khi vụ việc này xảy ra ông đã rà soát lại các khâu thủ tục xuất bản theo luật định đối với cuốn “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông” của Nguyễn Vĩnh Nguyên; không có sai sót nào, ông nói, và tất cả các chứng từ cần thiết đều sẵn sàng nếu phải xem xét.

Điều quả quyết về tính nghiêm túc và đầy đủ về mặt pháp lý của quá trình biên tập và liên kết ấn hành tập truyện ngắn nói trên càng làm nổi bật những hồ nghi có căn cứ về thiếu sót thiếu khách quan trong việc thẩm định ấn bản văn học này – nếu như đã có một cuộc thẩm định nào đó về cuốn sách sau khi nó đã được xuất bản và phát hành hợp pháp, một cuộc thẩm định có giá trị hồi tố khó hiểu chưa hề được công bố cả về lý do lẫn về mặt hợp thức, hợp lý, hợp tình.

Sẽ thật đơn giản nếu đó chỉ là hậu quả từ một nhìn nhận vội vàng võ đoán nào đấy: thì giản đơn là phải quán triệt một tinh thần Đổi mới thậm chí đã được chế định hóa đối với văn học nghệ thuật nước ta trong thời kỳ mới, khiến đã không còn chỗ cho  căn bệnh quy kết võ đoán một thời.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Chùm truyện cười 2012

VanVN.Net – Nhân dịp xuân Nhâm Thìn 2012, dịch giả Lê Bá Thự muốn gửi tặng độc giả VanVN.Net chùm truyện cười, góp thêm niềm ui vào không khí Tết đang tràn về mỗi ngôi nhà, thay lời chúc một năm ...

Tư liệu  

Thơ mới Nhật Bản

VanVN.Net - Vì sao thơ Pháp được dịch nhiều ở Nhật Bản? Vì khi bắt đầu hiện đại hóa văn học Nhật Bản, nước Pháp và văn học Pháp là giấc mơ của các họa sĩ, nhà thơ, trí thức Nhật ...