Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Ba mươi phần trăm của một nửa đàn ông

Nguyễn Thị Mai (TGM số 933) - 11-05-2011 06:01:27 PM

VanVN.Net - Những ngày đầu tháng 4, nhà thơ Nguyễn Thị Mai lên cao nguyên bạt ngàn nắng gió, tham gia giảng dạy lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về HĐND, đại biểu HĐND và kỹ năng cần thiết cho các nữ ứng cử viên. Gần 300 (nữ) học viên tại 4 huyện: Đăk Mil, Đăc R'Lấp, Đăk Song và Cư Jut (tỉnh Đăk Nông) chia thành 8 lớp, đã say sưa học tập bằng tất cả niềm tin và hy vọng...

       

      Có một lĩnh vực phụ nữ còn thua thiệt  

    Ai cũng biết, phụ nữ có vai trò quan trọng với gia đình và xã hội khi “một nửa đàn ông là đàn bà”. Với gia đình:  “Nghìn tay nghìn việc không tên/ Mình em làm cõi bình yên nhẹ nhàng" (thơ Nguyễn Duy); với xã hội: “Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ/ Anh hùng, thi sĩ…hỏi còn đâu?” (M.Goorky). Thực tế, phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 50% dân số, 48% lực lượng lao động cả nước và 83% phái nữ đang tham gia mọi hoạt động kinh tế của xã hội. Chị em có thể làm được nhiều việc không thua kém gì nam giới, từ đá bóng đến nghiên cứu khoa học, từ lái xe ôm kiếm sống đến lãnh đạo quốc gia. Nhưng phụ nữ vẫn bị xã hội đối xử thiên lệch khiến họ thiệt thòi rõ nhất trong lĩnh vực chính trị mà minh chứng là tỉ lệ nữ tham gia Quốc hội (QH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) qua các nhiệm kỳ.

Nếu tính từ khi đất nước đổi mới đến nay, QH trải qua 5 khóa thì chưa có khóa nào tỉ lệ nữ đạt nổi 28%. Khóa hiện thời còn giảm hơn khóa trước và chỉ có 25,7%. Tính ra hơn 20 năm, nữ đại biểu QH chỉ tăng được gần 4% và tăng không bền vững. Với HĐND ở địa phương, tỉ lệ nữ còn khá thấp, không đạt yêu cầu đề ra. Hai nhiệm kỳ nay, từ tỉnh đến xã, nữ đại biểu chỉ đạt trên dưới 23%. Những con số đáng buồn trên đã “góp phần” vào 60% chỉ tiêu không đạt được của Chiến lược quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ 10 năm qua. Vậy nên 30% là cái đích mà Trung ương và địa phương đang phấn đấu tích cực để phụ nữ đạt được trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII  bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011 - 2016 ngày 22/5/2011 này. Cũng vì đích đó mà cả hệ thống Hội phụ nữ và Cơ quan bình đẳng giới, từ Ủy ban quốc gia đến các Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, các đoàn thể và các tổ chức có liên quan… ngoài việc tích cực tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các diễn đàn chính trị và ra các văn bản chỉ đạo sát sao, còn tập trung vào hoạt động tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cần thiết cho các nữ ứng cử viên.

Tập trình bày Chương trình hành động trước cử tri

     Đắk Nông -  tất cả cho mục tiêu 30%

Đăk Nông – một trong những tỉnh khó khăn nhất nước với 8 huyện - thị, khoảng 490 ngàn dân. Chỉ tính HĐND 3 cấp, Đăk Nông cũng có hàng trăm nữ ứng cử viên trong danh sách hiệp thương lần 2.

Một ngày đầu tháng 4, chúng tôi lên Đăk Nông tổ chức 8 lớp tập huấn. Hành trang mang theo có niềm tin yêu và trách nhiệm với con số 30% của cao nguyên bạt ngàn nắng gió. 8 lớp tổ chức tại 4 huyện:  Đăk Mil, Đăk R’Lấp, Đăk Song và Cư Jút với gần 300 học viên.

Lớp tập huấn dành cho chị em lần đầu ứng cử nên toàn là nữ và tuổi đời còn khá trẻ. Phần lớn các chị từ 25 đến 40. Tất cả đều được đề cử chứ không ai tự ứng cử. Mở đầu mỗi lớp đều có cuộc trao đổi làm quen để nghe những nữ ứng cử viên nói gì. Đại đa số họ mong muốn hiểu biết về HĐND và đại biểu HĐND, muốn được trang bị kỹ năng cần thiết cho công việc và mong được tự tin hơn khi tiếp xúc cử tri. Duy nhất một chị mong đạt được 30% nữ đại biểu HĐND (rất có tinh thần trách nhiệm về giới). Ngoài ra không một ai nói và tin rằng họ tham gia tập huấn để trúng cử đại biểu. May sao, những mong muốn của các chị đều có trong nội dung chương trình. Đó là cung cấp kiến thức về HĐND và đại biểu HĐND; cho thấy phụ nữ tham gia chính trị sẽ có những cơ hội và thách thức gì; Hướng dẫn những kỹ năng cần thiết như: Xây dựng Chương trình hành động, thu thập thông tin để lựa chọn vấn đề quan trọng, tiếp xúc, lắng nghe và trả lời câu hỏi của cử tri, lập kế hoạch thời gian, vận động bầu cử qua các phương tiện thông tin đại chúng… Đặc biệt, chương trình dành nhiều thời gian cho hoạt động thực hành. Mỗi chị sẽ phải viết Chương trình hành động cho riêng mình, sau đó đóng vai trình bày trước cử tri. Các học viên khác sẽ đóng vai cử tri để phát vấn và nghe trả lời. Tất cả phải nghiêm túc như thật từ ăn mặc, chào hỏi đến nói năng, ghi chép... Có chị nhập vai say sưa đến mức tưởng mình đang phát vấn đại biểu HĐND thật nên “vác” tất cả những điều bức xúc của địa phương ra hỏi gay gắt. Ví dụ: Tại sao chính sách vay vốn dành cho người nghèo được áp dụng khắp mà một số gia đình ở xã chúng tôi không được vay? Tại sao chính sách đền bù tiền lấy đất ở chỗ chúng tôi lại rẻ hơn một số vùng khác?... Ứng cử viên giờ mới ra tranh cử lần đầu, đã thành đại biểu chính thức đâu nên trả lời chưa thỏa đáng liền bị “cử tri” “tấn công” cho phát hoảng. Thế là hóa căng thẳng. Khi nhớ ra đây chỉ là thực hành đóng vai thì cả lớp phá lên cười. Vui thật.

Cứ 4 ngày một lớp. Hết huyện này chúng tôi đến huyện khác. Tuy khác nhau ở con người và địa điểm nhưng thật giống nhau những gương mặt hồ hởi và sự nghiêm túc trong lĩnh hội kiến thức. Chính nhờ tinh thần nhiệt tình học tập và lòng quyết tâm đạt mục tiêu trúng cử của các chị mà giảng viên chúng tôi vượt qua được nhiều khó khăn. Thật vậy. Ngày ngày đứng lớp hai buổi, mỗi buổi gần 4 tiếng đồng hồ và mỗi người đứng liền tù tì 8 ngày. Cứ sáng ôm tài liệu đến lớp, trưa ăn ngoài quán rồi về ngủ hội trường cùng học viên (may mà giảng viên cũng là nữ), chiều tối lại ra quán ăn rồi mới về phòng nghỉ. Không cố gắng thì trụ sao nổi. Còn nhớ ở Đăk R’Lấp, chúng tôi được ở nhờ gian phòng của một cơ quan huyện. Cái phòng chắc xây từ thời bao cấp nên mọi sự đều “ buồn cười”. Cả dãy có một phòng toa lét bên ngoài hành lang. Cả phòng chúng tôi ở có đúng một lỗ cắm điện. Xem ti vi thì thôi đun nước, sạc pin di động thì thôi dùng vi tính, khi người này cắm máy làm việc thì người kia botay.com. Phòng thì kín như bưng mà chỉ có một chiếc quạt trần lại hỏng. Nếu mở cửa sổ để thở thì mọi loài côn trùng đều xông vào “ăn thịt” cô giáo. Một tối vừa nóng vừa mất nước. Chúng tôi xách xô mò đi khắp khu nhà trên đồi để tìm nguồn nước mà không có đành quay về lấy tạm nước trong cái bình nước lọc bỏ quên đã bị mạng nhện chăng trong góc phòng để dùng. Cái bình còn khoảng 4 gáo nước nên mỗi người chỉ được dùng một gáo còn một gáo để dự trữ sáng mai rửa mặt lên lớp. Cả một ngày đứng giảng, đi lại dưới trời nắng trưa, bụi bặm, mồ hôi nhơm nhớp, tối đến chỉ có gáo nước rửa mặt, hỏi không vì mục tiêu 30% và những người phụ nữ trên cao nguyên này thì vì ai?

Tập tiếp xúc cử tri

Vâng, những người phụ nữ thân yêu ấy, họ ngang bằng nhau từ Phó Giám đốc Bệnh viện huyện đến nữ nông dân làm rẫy, từ người bà có 5 cháu nội ngoại đến chị ngoài 20 tuổi chưa có gia đình, từ Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện đến hội viên phụ nữ thôn, không phân biệt người Kinh hay đồng bào dân tộc, không cứ bên lương hay bên giáo. Có chị đến lớp đang bụng mang dạ chửa, có chị con vừa được ba tháng, sữa mẹ còn chảy đầm đầm ngực áo, có chị dắt theo cả con đến lớp…mỗi người mỗi cảnh nhưng đều giống nhau tinh thần quyết tâm cho sự tiến bộ của mình. Tinh thần ấy còn rõ hơn khi vào bài tập thực hành. Nhiều chị đã thức khuya trăn trở viết bản Chương trình hành động để sáng ra đọc cho chồng nghe trước khi mang đến lớp. Có chị xin được đóng vai lại lần nữa trước lớp để tự tin hơn khi đi tiếp xúc cử tri. Có chị đã mang kiến thức vừa hiểu về HĐND để đóng góp cho Ủy ban bầu cử của xã khi họ làm chưa chuẩn. Và rất nhiều ý kiến muốn lớp tập huấn kéo dài thêm thời gian để được trang bị nhiều kiến thức hơn nữa. Vui và cảm động thật sự. Ngày bế mạc lớp, một chị tên là H’Biết – hội viên phụ nữ xã Đăk Ndrót gặp chúng tôi tâm sự: “Mới đầu em tưởng được đề cử ra thì sẽ trúng đại biểu thôi. Trúng thì làm như cán bộ hội phụ nữ, có gì mà phải học. Nhưng tập huấn xong em thấy đại biểu HĐND quan trọng lắm. Khó trúng cử lắm, nhất định em phải cố gắng nhiều hơn nữa”. Một chị người dân tộc Mơ - nông ở Đăk Song nói thật lòng: “Nếu không có lớp học này thì em không biết thế nào là bản Chương trình hành động”. Còn chị Nguyễn Thị Kim, một người theo đạo Thiên Chúa ở thị trấn Đăk Mil thì chia sẻ: “Em tưởng họ đề cử em cho đủ thành phần rồi họ gạch. Nhưng đi học lớp này em mới hiểu em được bình đẳng, dân chủ như tất cả mọi người, có đức có tài là được giới thiệu.”  

 

      Lời kết

Khi bế mạc lớp, những giảng viên được tất cả các chị xin số điện thoại “Để thông báo khi em trúng cử”. Bây giờ thì hiệp thương lần thứ ba đã xong. Trong số trên 30%  nữ ứng cử viên vào vòng hai ở Đăk Nông, đã nhiều người không còn trong danh sách và khi bầu sẽ còn nhiều chị không trúng cử. Nhưng chúng tôi vẫn vui vì các chị đều có niềm tin và hy vọng. 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Nhà văn đọc sách  

“Chiều muộn”- Sự gửi gắm, sẻ chia và tri kỷ...

VanVN. Net -  Trong tác phẩm “Nhà văn Việt Nam hiện đại” (NXB Hội nhà văn-2010), phần suy nghĩ về nghề văn, nhà văn Chu Thị Thơm đã viết:  “Văn chương là sự gửi gắm, chia sẻ hữu hiệu nhất. Ở ...