Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Tiểu thuyết “Ác mộng” của Ngô Ngọc Bội

Tác phẩm dự xét thưởng văn học viết về nông thôn, nông dân và nông nghiệp

20-05-2011 09:26:39 AM

VanVN.Net - Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về cải cách ruộng đất với cách của người trong cuộc. Khi còn là cán bộ kháng chiến, Ngô Ngọc Bội từng tham gia làm “đội” và do vậy, những oan khuất, những thái quá của các số phận và sự kiện được tái hiện khá trung thực nhưng không ác ý – không cố tình khơi lại làm nhức nhối hơn lịch sử. Với một cách nhìn dũng cảm và trung thực, tác giả “Ác mộng” giúp bạn đọc hôm nay bình tĩnh nhìn lại quá khứ trong hành trình về tương lai với mong muốn rằng, sau cái giá “học phí” đã trả bằng những sai lầm của tư tưởng nông dân trong quá khứ sẽ không có cơ trở lại…

Nhà văn Ngô Ngọc Bội

I

    Sau hai tháng sống chung học tập tổng kết đợt bốn Cải cách ruộng đất ở Phủ Lý, ngày cuối cùng biên chế thành đội công tác chuẩn bị xuống cơ sở, bạn bè cũ của Bảo chuyển sang đội mới, chỉ còn lại Lò Văn An. Anh vốn là cán bộ quân đội, cùng tuổi với Bảo – cái tuổi hai mươi tám sôi nổi trong kháng chiến chống Pháp, giờ lại lao vào trận đánh phong kiến - đợt cải cách ruộng đất cuối cùng “Chiến dịch Điện Biên Phủ ở đồng bằng”. An người dân tộc Thái ở Nghĩa Lộ, cái nơi “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Thàng, tứ Tấc”(1), nổi tiếng giàu có xưa nay ở vùng Tây Bắc. An tầm thước, da trắng, nét mặt đôn hậu, dáng dấp của con nhà “có bát ăn”. Bảo quê Phú Thọ. Quê Bảo có nhiều người sinh sống trên Nghĩa Lộ – Yên Bái. Cùng một dải đất nên An và Bảo dễ thân nhau. Trong đội, còn ba mươi nhăm anh em khác, Bảo chưa biết hết tên, đang chăm chú nhận mặt từng người. Trước tiên là mấy anh chị trong Ban chỉ huy Đội. Vũ Long đội trưởng, Long từ trong Nam tập kết ra, người thấp bé, da xám xịt, mặt choắt, môi dưới trề thâm sì, ướt át, răng thưa, tròn như răng hổ, ớm vàng, tiếng nói nặng, ề à, hay văng tục “đù mẹ”. Anh thường mặc bộ đồ xi-ta sẫm, áo may kiểu blu-dông, cổ luôn quấn múi dù màu lá, lổ đổ, to sụ. Đôi mi mắt lúc nào cũng mòng mọng như người ngủ quá nhiều. Khi nói, mặt không bao giờ ngẩng nhìn ai. Tiếp xúc qua Vũ Long, Bảo thấy ngài ngại, người ấy có tướng tàn bạo. Thứ hai là nữ đội phó Lê Thị Ngọc Chuẩn. Chuẩn khoảng hai mươi sáu tuổi, trưởng thành từ cốt cán Cải cách ruộng đất đợt một ở Thái Nguyên, xử tử địa chủ Nguyễn Thị Năm khắp nơi ai cũng biết tiếng. Chuẩn không xinh nhưng cũng ưa nhìn, do có nước da hồng tươi, mớ tóc dài và đôi mắt láo liên, khá lẳng lơ. Tiếng Chuẩn nói vang và ngọng líu, cố tật của người vùng hạ lưu sông Hồng ít học. Có lúc cởi mở Chuẩn cũng hay vui đùa tếu táo, nhưng bất thần lại nghiêm nghị do chợt nhớ ra cái chức đội phó của mình. Lúc đó Chuẩn thường hay kê đệm anh em về lập trường giai cấp. Gặp Chuẩn, Bảo lại nghĩ đến Nhỏ ở quê anh. Cách đây bốn tháng, Bảo từ Hoà Bình lẻn về quê xếp sắp cho vợ trốn. Hôm ấy Bảo cùng vợ đem mấy cân lạc mới thu hoạch sang thị xã bán lấy tiền ăn đường. Từ xa Bảo và vợ đã nhìn thấy Nhỏ  tong tả từ xóm dưới đi lên. Nét mặt vợ Bảo thất thần, vội nép vào luỹ tre. Nhỏ rẽ sang lối khác. Bảo hỏi vợ:

- Em sợ cô ta thế kia à?

- Sợ chứ!

- Bây giờ cô ta làm gì?

- Bí thư phụ nữ, phó ban công an xã, hồi cải cách nó ngồi ghế chánh án “Toà án nhân dân đặc biệt” tuyên bố xử tử bố em.

Chuyện ấy cách đây đã ba năm. Bảo lại nghĩ tiếp về mấy anh em trong đội. Người thứ ba trong Ban chỉ huy là Nông Văn Nhàu. Nhàu người dân tộc Tày vùng Đông Bắc. Anh cũng từ quân đội đi cải cách ruộng đất, chắc đã tham gia nhiều đợt nên mới được đề bạt đội phó. Văn hoá i tờ, mít đặc các thứ. Chỉ được cái dáng cao lớn, ngây ngô như ngựa gỗ. Dốt nát nhưng lại hám máu chỉ huy, tàn bạo pha màu hoang dã. Nhàu phụ trách phần quân sự, và nắm địa bàn. Người chỉ huy thứ tư Bảo rất dễ nhớ là Nguyễn Tuấn, chàng thanh niên ngoại thành Hà Nội, dáng cao thon, nhanh nhẹn, hoạt bát. Là lưu học sinh từ Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc về, bên mình luôn có chiếc đàn ghi-ta và cuốn sổ tay bìa cứng chép lăng nhăng đủ thứ thơ ca. Ngày họp mặt đầu tiên, theo yêu cầu của đội trưởng Vũ Long, Tuấn hướng dẫn cả đội hát bài Nông dân là quân chủ lực; Nông dân vùng lên v.v… Trước khi hát tập thể bao giờ Nguyễn Tuấn cũng đứng lên cầm càng. Mọi người cùng vỗ tay cho đúng nhịp điệu.

Hình như cả đội chỉ có Nguyễn Tuấn là người có học lại đã đi nhiều đợt cải cách nên thông thạo hơn cả. Do đó anh được phụ trách công tác toà án… Ngoài ra, Bảo cũng nắm dần những đặc điểm và tên tuổi anh em khác: Kinh cao kều, Nhân béo lùn, Cận nhỏ xíu, Thoa mặt đầy trứng cá, Chi điềm đạm, Tiềm lả lướt nhút nhát. Ông già Liễn cũng cán bộ tập kết, miệng còn mấy cái răng, khi cười chỉ trơ đôi lợi đỏ hỏn. Nhu héo hoắt như bị bệnh dạ dày kinh niên; cô Nhạc môi vừa to vừa dày nhưng đôn hậu như mẹ hiền, luôn quan tâm tới sức khoẻ của anh em…

Chiếc xe hơi đầu bọ hung còn sót lại từ thời tạm chiếm đưa anh em quay về hướng Hà Nội, nhưng lại quặt sang phía Văn Điển – Hà Đông. Nơi nào có cầu cống đều thấy công an đứng gác. Xe rẽ theo đường Hoà Bình, đến Trúc Sơn gần chỗ có pho tượng Phật ngồi uy nghi trên đồi, rồi quặt sang phía tay trái. Con đường liên xã gập ghềnh. Khoảng tám cây số xe dừng lại. ở đấy có một ngôi đình lớn, có đủ tả hữu mạc và văn chỉ. Cạnh đình một cây si cổ thụ cành lá sum suê, rễ phụ trùm gần kín mái ngói. Trước cửa, trên con đường liên xã, hai bên trồng đa, cây nào cũng khũng khoèo cằn cỗi do trâu bò cọ lưng, đánh sừng và trẻ con leo trèo. Rồi đến một cái ao rộng. Bên kia làng xóm cây cối um tùm liền với bãi tha ma, mộ xây, mộ đất nhấp nhô. Cuối bãi lại có một cây đa khá lớn. Xe đỗ, anh em toả xuống. Trên đường, bà con đi lại đông. Nhìn thấy đám người lạ, nét mặt đều ngơ ngác. Chó thả rông rất nhiều, thấy đám người lạ đều cong đuôi chạy, có cặp chó đang kéo dây sợ quá lao thục mạng mắc vào cọc rào, cuống cuồng rống lên ông ổng. Anh nào cũng liếc nhìn nhưng bấm bụng không dám cười.

Cả đội vào đình nghỉ ngơi. xe quay ra. Nguyễn Tuấn lại đứng lên cầm càng hát bài ánh sáng Hồ Chí Minh. Tắt lời hát, Nhàu mở xắc-cốt rút ra một sơ đồ can sáu tờ giấy phơi-đúp vẽ nguệch ngoạc bằng bút chì căng lên cột đình. Toàn đội chăm chú theo dõi: “Đây là xã Quảng Hà mà chúng ta chiếm lĩnh. Xã có bảy ngàn dân, hơn một ngàn sáu trăm hộ, mười sáu xóm lớn nhỏ; xóm Chợ, Thượng, Diếc, Sộp, Thịnh Đa, Đình, Tam Tỉnh, Mã Sơn, Mơ Trong, Mơ Ngoài – thường gọi là Đầm Mơ, một xóm công giáo Liên Trì, một nhà thờ họ, một chi khu tề ác, con sông Bùi chảy từ… Một chi bộ đảng có năm đảng viên…”

Toàn đội đang nghe Nhàu phổ biến khái quát về địa hình, chính trị, kinh tế, xã hội, chợt có ba cán bộ xã vẻ nhút nhát lấm lét ngoài cửa đình, Vũ Long vẫy tay ba người vào. Họ khẽ ghé mông xuống bậc xây ở gian cạnh. Bảo để ý ba người ấy: một anh trạc ngoài bốn mươi, thấp bé, nét mặt phong sương, mặc áo vét-tông màu gụ nhuộm lại, xổ gấu, dài tới gối. Anh thứ hai khoảng ngoài ba mươi, người nho nhã trắng trẻo, sơ mi trắng bỏ trong quần ka-ki, nét mặt sắc sảo lanh lợi. Anh thứ ba mặt còn búng ra sữa, chừng hăm hai, hăm ba. Tình hình địa bàn Nhàu đã phổ biến hết. Vũ Long quay ra gọi tên ba cán bộ xã, giọng xách mé:

- Nguyễn Văn Tịch!

- Dạ! – Người mặc áo vét-tông gụ đứng lên, hai tay vo vo chiếc mũ nồi tàng.

- Anh là bí thư chi bộ?

- Dạ!

- Anh trao lại sổ sách cho Đội!

Tịch khúm núm đưa cặp hồ sơ và một nắm tiền, chắc tiền quỹ.

- Thưa Đội, mọi thứ có đầy đủ trong hồ sơ ạ!

- Anh về chỗ!

Tịch lui ra.

- Hoàng Văn Bông!

Bông không lên tiếng và chưa thèm đứng dậy, Vũ Long nhắc lại, càng hách dịch:

- Ai là Hoàng Văn Bông?

- Có tôi!

- Anh là chủ tịch xã?

- Tôi là chủ tịch xã!

- Anh trao lại sổ sách và con dấu cho Đội!

Bông đưa một xấp hồ sơ lớn, bên trên đặt hộp mực và con dấu.

- Anh về chỗ! Ai là Nguyễn Văn Ngọc?

Ngọc đứng phắt dậy, ngay đuỗn, dáng quân sự:

- Có tôi!

- Anh lại gần đây!

Vũ Long đưa cho Ngọc tờ giấy trắng và cái bút:

- Xã anh có bao nhiêu vũ khí, anh khai trước Đội, và nộp ngay cho Đội. Đồng chí Nhàu!

- Có tôi!

Nhàu đứng thẳng, đợi lệnh.

- Anh giám sát Ngọc khai vũ khí và tiến hành thu ngay. Phải đối chiếu với sổ sách mà huyện đội đã kiểm tra.

- Rõ!

Nhàu đi về phía Ngọc. Mặt Ngọc tái nhợt, tay run lập cập trên tờ giấy, cắm mặt xuống bục gạch để kê khai. Xong, Nhàu đi luôn với Ngọc vào kho vũ khí. Bông và Tịch đang đứng nép vào góc đình. Thái độ của Vũ Long cố gắng trở lại mềm mỏng:

- Hai anh Bông, Tịch, yên trí về sinh hoạt với nông dân, lúc nào cần, Đội gọi. Từ giờ phút này, các việc thuộc về chính quyền, đoàn thể, chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội… gốc cây, ngọn cỏ đều do Đội phụ trách. Các anh thuộc “tổ chức cũ” nay đã hết quyền hạn. Các anh lui về!

Xóm Đình ở trung tâm xã, dân đông, nhà ngói nhiều, loáng thoáng có nhà tầng (chủ tịch Bông cũng ở đây) là nơi tập trung chính trị, kinh tế, văn hoá. Văn phòng Đội sẽ đặt tại đó. Cán bộ Đội ở xóm Đình có đội trưởng Vũ Long, Môn phụ trách tổ chức, Vũ Tiềm thống kê. Thịnh Đa có tên lý trưởng tề đầu sỏ, cũng là xóm đông dân thứ hai, do Nguyễn Tuấn phụ trách, cùng với Quy. Ngọc Chuẩn “tướng phá vây” phụ trách vùng Đầm Mơ nơi có con sông Bùi cửa ngõ ra vào hồi kháng chiến chống Pháp lại có hai phần tử “tổ chức cũ” là Tịch và Ngọc. Cùng với Chuẩn có Tần, Nhu, Nhạc… Nhàu. Số anh em còn lại đều được phân công về các xóm. Trước khi lên đường xuống cơ sở, Vũ Long nhắc lại lời của một đồng chí lãnh đạo cao cấp đến huấn thị cách đây mấy ngày tại cuộc tổng kết đợt bốn ở Phủ Lý trước hàng vạn người đi “chiến đấu” đợt năm: “Đợt năm cải cách ruộng đất là cuộc tổng tiến công đế quốc, phong kiến ở đồng bằng. Nơi ấy địch đã bố trí sẵn trận địa. Chi bộ của ta căn bản là của địch, hoặc bị địch lũng đoạn nghiêm trọng… Đây là chiến dịch Điện Biên Phủ!”

Vũ Long dứt lời, Nguyễn Tuấn lên cầm càng hát bài ánh sáng Hồ Chí Minh. Hát xong mọi người khoác ba-lô hăm hở lên đường.

***

Bảo quàng một quai ba-lô vào vai trái, thủng thẳng đi lên phía xóm Thượng. Quảng Hà đúng là khác quê anh nhiều. Nông thôn đồng bằng sống đông đúc. Nhà ngói san sát. Tường gạch bao quanh. Lối vào các ngõ đá phiến xanh lát chạy sâu hun hút, sạch tinh. ở đây người ta làm ăn có vẻ chăm chỉ và vất vả hơn quê Bảo. Phụ nữ người nào răng cũng đen nhức, quần xắn ngang gối, da săn sẻ lật đật ngược xuôi. Bảo đang đi chợt có tiếng gọi hấp tấp phía sau:

- Bảo ơi! Bảo ơi! (Bảo quay lại) Chờ tớ tí.

An khoác ba-lô chạy dấn lên phía Bảo. Bảo nhắc:

- Về Mã Sơn đi xuôi, sao lại lên đây làm gì?

- Biết rồi! Cho mình hỏi tí đã. Này, làm thế nào để ba cùng được? Minh là người miền núi, cày không biết, bừa cũng không, phong tục tập quán chưa rõ. Tối nay không khéo nhịn đói như chơi!

- An đi đợt này là đợt đầu à?

- Đợt đầu. Mình đang tổ chức huấn luyện, nhận được lệnh, đi liền. Ngô nghê chẳng biết gì cả.

- Về đấy thấy nhà nào bé nhất, rách nhất thì vào. Lúc đầu la cà hỏi chuyện làm ăn, rồi đến chuyện con cái… Cậu cứ  yên tâm, vùng này họ cũng đi đây đi đó nhiều. Cải cách đã sang đợt năm rồi, họ chẳng lạ gì đâu. Thấy anh “đội” đến, là hân hoan đón nhận ngay thôi…

Hai người còn đứng ngoài cổng chợ. Bà con qua lại lúng búng chào: “Anh Đội” Bảo thuyết phục An yên tâm quay xuống Mã Sơn. Anh còn dặn với: “Nếu hôm nay lúng túng thì sáng mai gặp nhau ở đây cùng trao đổi. Đừng để anh em trong đội nó thấy mình kém, nó khinh”.

Chương trình của Đội cho anh em “thăm nghèo hỏi khổ” ba ngày, sáng thứ tư tập trung tại Đình Cả (Đình Cả là ngôi đình lúc mới đến). Ba ngày lo quái gì. Bảo rất tự tin. Vì mười năm đi thoát ly anh chuyên bám cơ sở. Ngày nào chẳng sống với dân. Từ miền xuôi lên miền ngược, hết vùng tự do đến vùng giáp ranh, vận động thanh niên tòng quân, “hũ gạo kháng chiến”, “hội mẹ chiến sĩ”. Củng cố đoán thể, tăng gia sản xuất, đóng thuế nông nghiệp, đến chống địch càn, chống hạn, chống úng, chống đói, chống sâu, chống rét, chống di cư vào Nam… anh đều làm tốt. Chỉ có cái điều coi “tổ chức cũ” là phản động, làm cải cách ruộng đất không dựa vào “tổ chức cũ” thì lần đầu tiên anh mới nghe. Và người như bố vợ anh bị bắn trong đợt hai cải cách thì anh không tài nào hiểu nổi.

Thấy còn sớm, Bảo khoác ba-lô vào lượn chợ. Chợ Quảng không đúng phiên chỉ có mấy cái quán lèo tèo xiêu vẹo. Đôi ba hàng rau dưa, tôm tép vụn. Cái lò rèn hai ống bễ thở phì phò, tiếng đập búa “cùng kiệt! Cùng kiệt!”, xung quanh là những con dao, cái liềm, cái lưỡi hái đánh dở vứt chỏng trơ.

Bảo tạt lại gần chỗ anh thợ cắt tóc. Anh ta cũng trạc tuổi Bảo, dáng cao lớn, da trắng, nhưng mắt lại gián nhấm. Thấy Bảo, anh ta đứng dậy xun xoe:

- Mời “Anh Đội” cắt tóc ạ!

Bảo vuốt tóc gáy, thấy cũng đã dài, liền nhếch mép cười:

- Sao anh biết tôi là “Anh Đội”?

- Ối! Sao em lại không biết. Ôtô về từ lúc sáng. Chính “Anh Đội” ngồi ghế cuối chứ gì?

Bảo thấy anh chàng hay hay. Mà làm nghề cắt tóc thì anh nào cũng lắm chuyện. Đặt ba-lô, Bảo ngồi vào ghế. Anh thợ rũ cái khăn mốc hôi sì quàng vào cổ Bảo:

- Chúng em mong các anh mãi. Đợt này đợt cuối rồi. Qua bốn đợt, chúng em biết hết việc các anh làm. Hôm nay các anh xuống xóm “ba cùng” thăm nghèo hỏi khổ, bắt rễ xâu chuỗi chứ gì? Thế “Anh Đội” về xóm nào?

- Mình về xóm Thượng. Nhưng này, gọi mình là Bảo. Ngô Bảo, đừng gọi “Anh Đội” nghe nó ớn lắm!

- Ấy, xóm Thượng là xóm em đấy. Xóm nghèo nhất xã.

Bảo hỏi chen ngang, tiếng kéo tỉa tóc “tách tách” rất giòn:

- Thế tên anh là gì?

- Quy ạ. Hoàng Quy, hai mươi tám tuổi. Vợ em là Trịnh Thị Thược, hai mươi bảy tuổi, có bốn con, hai trai, hai gái. Nhà em có năm sào ruộng chẳng bõ làm. Chồng chuyên cắt tóc. Vợ vừa làm ruộng vừa chạy chợ. Rau cỏ nhì nhằng. Nhà em thuộc diện bần nông đấy.

Nếu không chặn ngang, Quy có thể kể khổ ngay lúc này:

- Xóm có bao nhiêu gia đình?

- Có một trăm ba mươi gia đình, năm trăm bảy mươi mốt khẩu. Hai mươi chín mẫu năm sào mười hai thước ruộng…

- Làm sao anh nắm được kỹ vậy?

- Làm thuế nông nghiệp mãi em còn lạ gì. Anh thấy xóm em có nghèo không? Cho nên phải sống đủ các nghề. Mười chín ngành nghề cả thảy: rèn, mộc, nề, hàng xay, hàng xáo, bắt lươn, bắt ếch, riu tôm, tát vũng, cắt tóc, bán thuốc ê, lang băm, thầy cúng, địa lý, dạy học, tướng số, bói toán, thêu ren, hàn nồi… Chúng em đi kiếm ăn khắp các chợ vùng quê.

Bảo hỏi tiếp có ý ngầm trêu chọc anh chàng bẻm mép:

- Thế địa chủ mấy? Phú nông mấy?

- Địa chủ chỉ có nhà bà Nguyễn Thị Đạo là chắc chắn. Nhà bà ta có bảy mẫu ruộng, ba dinh cơ. Gia đình giàu truyền thống. Địa chủ chỉ có thế thôi. Còn phú nông thì phải xét. Như ông Lang Khuê làm lang thuốc, có gần hai mẫu tư điền là người nhiều ruộng thứ hai ở xóm Thượng, nhưng gia đình lao động rất đông, đều là vợ con cả. Ông Giáo Độ ruộng có chín sào. Ông Thục có bảy sào, chuyên cho cấy rẽ, chồng làm máy khâu, vợ có gánh hàng tấm.

- Thế thì có gì là phú nông!

- Đã bảo em nghĩ mãi. Phú nông, địa chỉ, chết cái là phải đủ tỷ lệ. Địa chủ chiếm sáu phần trăm, như vậy xóm em phải có sáu phảy năm địa chủ. Không hiểu rồi nặn đâu ra…

Thật bất ngờ, anh chàng Quy lại nắm chính sách khá thế. Quy vẫn thao thao bất tuyệt.

- Cải cách ruộng đất các anh chia ra làm bốn bước. Bước một ba cùng thăm nghèo hỏi khổ, phát động quần chúng căm thù, tố khổ, quy định thành phần, tìm ác bá đầu sỏ. Nếu cần thì xử bắn thị uy trấn áp địch, phát động nông dân. Bước hai tiến hành tịch thu, trưng thu, trưng mua, lên phương án ăn chia. Bước ba cắm thẻ nhận ruộng, chia quả thực, xây dựng các tổ chức dân, chính, đảng, làm lễ đốt văn tự, xoá toàn bộ giai cấp địa chủ phong kiến bóc lột. Bước bốn “phúc tra” tìm địa chủ lọt lưới…

Bảo bật cười:

- Cậu có thể làm đội trưởng của chúng tôi được rồi đấy!

- Cái đợt “phúc tra” mới có nhiều tên mất mạng.

- Mình hỏi Quy nhá: thế xóm ta ai là người nghèo khổ nhất, đáng bắt rễ nhất?

- Xóm em thì ai cũng nghèo, ai cũng bắt rễ xâu chuỗi được tuốt. Chẳng có ai liên quan tề nguỵ gì cả. Nhưng bảo nghèo thì thật là nghèo, nhưng bảo rằng bị bóc lột, thì cũng không rõ. Chúng em ít ruộng, chủ yếu là sống bằng các nghề lặt vặt, nên cũng chẳng đến nỗi đói. Còn nghèo đói nhất, lành hiền nhất chính là anh Xuân Ngọ, con trai cụ Đồ Chắt ngày xưa, cụ đồ dạy cho cả làng biết chữ nho. Những lớp cha chú, chứ không phải lớp chúng em bây giờ. Cụ Đồ sinh hạ hai con, một trai một gái. Bà con gái lấy ông Chắt đẻ ra cô Chắt rồi qua đời. Cụ Đồ vài năm sau cũng khuất núi. Chú Xuân Ngọ lúc đó mới lên bốn tuổi. Bà Đồ bị đau mắt, mù. Anh Xuân Ngọ lớn lên người chẳng ra người. Mặt rỗ, mắt toét, môi dày, tai nghễnh ngãng. Hai mươi tuổi không có người lấy. Anh em dòng họ Xuân Ngọ bàn với “Hội đồng môn” của xóm lo việc nối dõi cho thầy. Ông Hoà Thống trưởng tràng, bằng lòng gả cô Lan mới mười sáu tuổi cho anh Xuân Ngọ. Lễ cưới vừa tổ chức khoảng ba tháng nay. Mọi chi tiêu đều do “Hội đồng môn” lo toan cả.

Tóc đã cắt xong từ lâu nhưng Quy vẫn cứ kéo hai vành tai của Bảo ra, luồn con dao lá lúa vào khoét đi khoét lại. Bảo cứ nơm nớp vì cái đôi mắt gián nhấm của Quy có thể khiến anh ta chọc thủng lá nhĩ Bảo. Nhưng tay nghề của Quy phải nói là tài hoa, khoét lỗ tai sướng tê mê cả người. Rồi anh lại luồn cái móc, cái que bằng đồng vào đào ngoáy. Bảo có cảm tưởng như Quy muốn khoan tai của mình ra để nghe những lời nói của “nhân dân” cho khách quan. Bảo chợt nảy ra ý nghi ngờ, về nhận định: “Địch đã bố trí sẵn trận địa, chi bộ của ta căn bản là của địch…”. Vậy Quy có phải cái bẫy địch gài sẵn chăng? Một sự cảnh giác, nhưng sự cảnh giác đầy chế giễu. Bảo vẫn cứ gợi chuyện, vì đây cũng là nguồn thông tin lớn.

- Thế đảng viên xóm Thượng có những ai?

- Không có ai! à, có Nguyễn Thành. Bộ đội phục viên về gần năm nay, giờ đang là phó chủ tịch uỷ ban xã. Gia đình anh ta ở nhờ trong nhà thờ họ Nguyễn. Gia đình ba đời bần cố, nghèo khổ, trong sạch.

- Cả xã hiện nay có mấy đảng viên, chắc anh cũng nắm được?

- Có sáu đảng viên: ông Tịch, ông Bông, ông Ngọc, chị Huệ, anh Thăng, anh Thành. Xã này đã có thời có năm mươi tư đảng viên. Em cũng là đảng viên cũ đấy chứ ạ! Khi địch chiếm đóng, người thì cầu an chạy dài, người thì đầu hàng đầu thú, tề nguỵ cũng có. Chỉ còn sót lại có bốn: Tịch, Bông, Ngọc, Huệ. Anh Thăng mới lấy vợ ở đây chuyển về sinh hoạt. Bốn vị kia bị mất đất, bay ra vùng Đầm Đa sống lưu vong. Chị Huệ làm kinh tế nuôi anh em, bị máy bay bắn cụt tay. Sau đó các vị ấy nắm được tình hình mới mon men về bám cơ sở. Lúc đầu thâm nhập từ xóm Đầm Mơ, sau lần lên Diếc, Sộp…

- Thế ba vị ấy, vị nào ghê gớm nhất?

- Ối chao, toàn là anh hùng hảo hán cả đấy. Mỗi người mỗi vẻ giống như Lưu, Quan, Trương trong Tam quốc. Vị Tịch thì ung dung tự tại, người có đức độ cao sâu, có mưu đồ chiến lược, có sức hấp dẫn cán bộ và quần chúng. Còn vị Bông chính là Quan Vân Trường, tiếc là hơi “bạch diện thư sinh” chứ không mặt đỏ râu dài. Nhưng mà trí lực tài ba, nhanh như cắt, xuất quỷ nhập thần. Chính anh Bông đã dẫn quân vào tận lòng địch phá bốt Hương Dũng, bắt sống Đội San. Có lúc ông ấy luồn vào vùng địch nằm hàng tháng trời mà chúng không biết. Những năm kháng chiến, ông Tịch đã vận động hàng trăm người đi dân công phục vụ chiến dịch Tây Bắc, Hoà Bình, Hà Nam Ninh.

- Thế còn “Trương Phi” Ngọc?

- Anh chàng này hét ra lửa. Mười chín tuổi đã phụ trách đường giao thông bí mật của huyện từ vùng tự do vào vùng địch. Nay phụ trách hàng trăm dân quân du kích, một tiếng hô là mọi người răm rắp.

- Thế còn “Triệu Tử Long”?

- Nguyễn Thành đó.

- Thế Châu Xương, Quan Bình, nhiều không?

- Cái loại Châu Xương, Quan Bình, Trần Bình, Chu Bột ở đây thì xe chở đấu đong.

- Ông lẫn sang cả Hán Sở tranh hùng rồi đấy! Thế còn Tào Tháo?

- Có thể là Tổng Hoàng, nhưng ông ta đã ngoài bảy mươi và đang liệt nửa người.

- Thôi nhá, bây giờ thì mình xin phép. Bao nhiêu tiền đấy?

- Ai lại lấy tiền “Anh Đội”! Anh về trước, tí nữa em cũng về. Nhà em mãi trong ngõ gần nhà thờ họ Nguyễn.

***

Đúng là “Thượng”, vì nó ở đầu xã. Cái ngõ lát đá phiến, đi vào giữa xóm thì chẽ làm đôi, một nhánh qua trước nhà thờ họ Nguyễn sang xã Hợp Đồng, một nhánh rẽ xuôi qua xóm Chợ, Diếc, rồi ra đồng. Bảo đảo hết một vòng quan sát cảnh trí rồi quay ra. Ngang đường gặp một cô gái khoảng hai mươi hai tuổi, xinh xắn, đi nhặt phân rơi về. Bảo khẽ khàng hỏi:

- Nhà anh Xuân Ngọ ở chỗ nào, chị nhỉ?

Cô ta quay lại, đi vài bước, giơ cái muỗng hót phân cán dài, chỉ ra phía đường lớn:

- Nhà cậu Ngọ bé bé ngay cạnh gốc bàng, mái rạ mới đấy anh ạ!

Bảo cảm ơn, quay ra. Nhà Xuân Ngọ lợp rạ, vách đất còn ướt, nhỏ xíu, tối om. Bảo lên tiếng hỏi: “Có ai ở nhà không ạ?” Chợt một em gái khoảng mười lăm tuổi, mặt đỏ lựng, lao vụt ra cửa như con chuột, biến mất. Đứng một lúc đỡ quáng. Bảo thấy một bà già ngồi co ro trên ổ rơm phía trong. Anh lên tiếng:

- Cụ có mạnh khoẻ không? Nhà ta đi đâu cả ạ?

Bà lão ngẩng mặt ngơ ngác. Anh nhận ra bà bị loà. Đây chính là bà Đồ Chắt, mà Quy đã giới thiệu.

- Ông nào hỏi nhà cháu. Có mẹ xã cháu ở ngoài ấy!

Bảo chợt nghĩ mẹ xã tức là cô lúc nãy, vợ Xuân Ngọ “vợ con gì mà bằng cái kẹo vừng”.

- Thế anh Xuân Ngọ đi đâu hả cụ?

- Cháu nó đi làm thuê, chắc cũng sắp về.

Nhà không có giường phản. Đầu này cũng một ổ rơm rải xuống đất. Bảo thả ba-lô ưỡn người, hai tay chống ra sau, chân duỗi thẳng. Mắt đảo một vòng: chẳng có gì; rồi đăm đăm nhìn ra phía đường cái. Trời chiều, ánh nắng xiên khoan đỏ ối. Một lúc, có người đàn bà trạc ngót ba mươi, cao lớn, da trắng, răng hô, mặc quần thâm còn nguyên nếp dây phơi, bước vào cửa. Chợt thấy Bảo, chị sững lại, vội chào: “Anh Đội!” rồi bước về phía bà Đồ.

- Bà! Cậu Xuân chưa về à, bà?

- Chắc cũng sắp về!

- Thế mợ ấy đâu?

- Vừa mới ở đây, chắc thấy có khách, sợ chạy đi rồi. Mẹ mày hôm nay mua được gì không?

- Mấy bó măng già cốc đế đại vương, mai chẳng biết có ai nhặt cho không!

Bà Đồ hạ giọng:

- Ông nào mới đến chả biết còn đấy không?

Chị kia thủ thỉ nhưng Bảo cũng vẫn nghe được:

- Anh Đội đấy! Anh Đội về làm cải cách ruộng đất, đến đây để thăm nghèo hỏi khổ. – Chị ta biết nói thế bà Đồ cũng chẳng hiểu gì, nên lảng chuyện – Con mua tấm bánh, bà ăn đi! Chết, có khách, nhà chẳng có đèn đóm giường chiếu gì. Cậu Xuân vẫn chưa về, mợ Lan dáng lại tếch về bà vãi rồi.

Bảo theo dõi câu chuyện giữa hai người, vội lên tiếng:

- Mời chị lại đằng này!

Chị ta quay ra chỗ Bảo, vớ cái chổi rơm kê ngồi.

- Chị là con gái bà cụ?

Chị chần chừ:

- Kể ra thì không phải, nhưng cứ coi như thế cũng được. Con gái bà Đồ đây lấy ông Chắt, đẻ ra cái Chắt rồi chết; em là vợ kế ông Chắt, coi bà Đồ cũng là mẹ.

- Nhà chị cũng ở cạnh đây?

- Nhà ông Chắt ngay cạnh đây. Nhà mẹ em ở ngoài Cống Cái. Bố mẹ em không có ruộng đất, xin ra Cống Cái ở trông nom nước cho làng, hàng vụ lấy lúa đầu mẫu. Ngày mùa mở quán bán hoa quả, nước chè tươi, trả bằng lúa lượm. Ngày thường cả nhà cua ốc, tát vũng, riu tôm kiếm ăn. Bố em chết từ lâu. Cống Cái cũng hỏng rồi. Mẹ em và em em bây giờ vẫn còn ở ngoài ấy.

Chị ta kể chuyện gãy gọn, rành mạch, nét mặt hồn hậu chất phác. Bảo hỏi tên. Chị nói tên là Lúa, Nguyễn Thị Lúa. Nhà nghèo, lớn lên chẳng ai lấy, lấy kế ông Chắt, kém ông những hai mươi tuổi. Khi ngồi trò chuyện Bảo cứ hỏi lảng ra lảng vào, có ý thẩm tra những điều Quy cung cấp, phần nhiều là chính xác.

Vừa tiếp chuyện Lúa vừa sốt ruột nhấp nhổm muốn đứng dậy. Đêm sập xuống, nhà chẳng có đèn đóm củi lửa gì. Lúa đứng lên xin phép về. Nhà lại vắng ngắt, tối om. Một lúc, Lúa lễ mễ bưng sang cái chõng tre đã gãy gần hết giát. Cái ấm, vài cái chén cóc gặm và cái đèn con không có thông phong, rồi đi xát gạo thổi cơm. Không khí túp lều ấm lên. Bảo theo Lúa vào bếp để tiếp tục hỏi chuyện. Hai tay Lúa tăm tắp đưa rạ, cời than đập vào một góc kiềng. Câu chuyện không dứt ra được…

Cơm vừa sôi thì Xuân Ngọ về. Xuân Ngọ không dám chào Bảo, chỉ ganh ganh nhìn rồi lúng túng hỏi mẹ.

- Nó không về à mẹ?

- Chiều nó vẫn ở đây, chắc thấy có khách lạ nên bỏ đi.

Xuân Ngọ lại hấp tấp quay ra, Lúa hỏi:

- Có khách, cậu không ở nhà à?

Ngọ lại lúng búng nói gì Bảo nghe không rõ.

Trông thấy Xuân Ngọ, Bảo thất vọng. Đúng như Hoàng Quy miêu tả: đầu to, trán hẹp, mắt toét, môi trề, hàm bạnh, tai vểnh, mũi hếch và tẹt… tiếng nói lúng búng như ngậm hạt thị. Trông anh ta y hệt mô hình “người vượn Bắc Kinh”. Bảo nhìn còn thấy tởm lợm, đừng nói tới cái cô Lan bé tí tẹo lao ra cửa như con chuột kia. Bảo nghĩ: “Tay này nghèo khổ chắc bởi ngu đần, đâu đã phải do bóc lột. Nhưng ta cứ ở đây. Ngu đần thì lành hiền, thấy ta ở đây chắc quần chúng yên tâm. Vì cải cách ruộng đất quần chúng sợ nhất đám cốt cán nói điêu nói bớt”.

***

Trải qua bốn năm liền phục vụ sáu khoá chỉnh đảng chỉnh huấn của tỉnh, nhồi nhét các thứ đường lối chính sách, quan điểm lập trường giai cấp và phân định thành phần, cộng với hai tháng tổng kết cải cách ruộng đất đợt bốn, đủ các thứ báo cáo điển hình tố khổ, phim ảnh, sân khấu gây căm thù, Bảo vẫn thấy mình quá tỉnh táo, quá cứng lòng, giống như một con đồng, mà không tài nào nhập được, mặc cho thầy phù thuỷ cao tay dùng đủ thứ phép thần chú, bắt quyết, lời sai, quát thét… Anh cứ trơ trơ. Nhưng để hoà nhập với không khí chung, Bảo cũng giả vờ rùng mình nghiêng vai, đầu lắc lư cố đắm mình vào cõi hư vô. Nhưng sau ba ngày “thăm nghèo hỏi khổ” anh vẫn thấy mình tỉnh như sáo. Cái nền tảng xã hội nông thôn Việt Nam ngàn đời, chỉ một thoáng anh đã nắm được ngọn ngành chính xác.

Sáng ngày thứ tư Bảo không đi thâm nhập nữa, ở nhà sơ bộ tập hợp tình hình và biên cho vợ lá thư báo địa điểm công tác, chiều đi phản ảnh.

Bảo ngồi trước cái bàn mộc ọp ẹp do Lúa mượn của ông Thục nhà bên, cho anh làm việc tạm. Anh giở sổ tay, phân tích từng người, từng gia đình đã tiếp xúc. Trước tiên xét những người có thể xếp hạng là rễ.

- Trịnh Xuân Ngọ, ba đời nghèo khổ lành hiền, cả xóm quý mến, nhưng đần độn và quá xấu mẽ. Ta cứ dựa cho quần chúng yên tâm. Nhưng không hy vọng thành cán bộ.

- Nguyễn Thị Thanh, ba đời nghèo khổ, chao chát gian manh, lại có vẻ lẳng lơ, nói năng không thật. Thấy ta tiếp xúc, thái độ quần chúng có vẻ băn khoăn. Đưa xuống là chuỗi.

- Nguyễn Thị Lúa, lý lịch ba đời trong sạch, nghèo khổ, nói năng rành mạch, tính tình nhẹ nhàng, thẳng thắn. Điều khiển họp xóm tối qua Xuân Ngọ không làm được, Lúa làm thay trôi chảy. Quần chúng đồng tình. Đề phòng ông chồng có thể nổi máu ghen.

- Nguyễn Thành, đúng như anh chàng Quy nói: Triệu Tử Long. Nhưng lại mắc cái gọi là “tổ chức cũ”, phải khéo léo sử dụng. Đấy mới là chỗ dựa “trí tuệ” của ta.

Cần tiến hành kiểm tra chéo!

Chợt có hai cô gái đang thập thò ngoài thềm. Phải nói đây là hai cô xinh nhất của xóm Thượng. Bảo ngẩng lên, cô đi đầu mặt đỏ bừng, miệng lí nhí chào:

- Chúng em chào Anh Đội!

Thấy các cô rụt rè, ngượng, Bảo vồn vã:

- Mời hai em vào trong nhà. Cứ mạnh bạo lên – Bảo pha trò – “Cùng máu đỏ da vàng” cả đấy mà!

Hai cô bước vào len lén ngồi ghé xuống mép chõng. Bảo đã biết tên cả hai cô. Cái gì chứ nắm tên những cô gái đẹp ở một nơi mới đến thì xưa nay Bảo  cũng có “năng khiếu”. Cô đi trước cầm cái đàn măng-đô-lin người đậm, da trắng hồng, đeo đôi khuyên vàng lúng liếng, mắt lá răm, đa tình, tên là Hảo, con gái út cụ Lang Khuê. Cô thứ hai da ngăm đen, tên là Thục, con ông phó Thục (phó may) ngay cạnh nhà Xuân Ngọ. Ngang đường mà gặp, tuy tỏ ra bẽn lẽn nhưng mắt cô liếc sắc như dao cạo. Hảo mạnh bạo lên tiếng tự giới thiệu:

- Em là Hảo, chắc Anh Đội chưa biết tên. Còn chị này tên là Thục chắc Anh Đội biết tên rồi.

Ba tiếng “biết tên rồi” Hảo nhấn mạnh, mắt lúng liếng, bất thần né sườn tránh cái bẹo của bạn. Hảo bật cười, hồ hởi:

- Tôi cũng biết tên cô em rồi đấy!

- Đố Anh Đội biết! (Thật là buồn cười, vừa tự giới thiệu, giờ lại còn đố).

- Là Hảo, còn gì nữa! Hảo có nghĩa là tốt, là tốt đẹp, người chẳng thua tên tí nào. Hôm qua họp xóm, em ngồi nấp sai cột nhà, có đúng không?

Không khí đã trở nên thân tình ấm áp. Hảo nói tiếp:

- Hôm qua Anh Đội hát hay quá. Chúng em đoán chắc thế nào Anh Đội cũng biết chơi đàn. Chúng em mới tập đàn nên chưa biết lên dây. Nhờ Anh Đội lên lại dây cái đàn này cho chúng em với!

Bảo vừa đỡ đàn vừa ý nhị cải chính:

- Hát tốt thôi chứ chưa hay đâu em ạ! Tốt, chữ nho là Hảo, Hảo thôi chứ chưa Mỹ đâu!

Hảo liếc mắt, bặm hờ một góc môi dưới.

Tám dây đàn còn đầy đủ, khoá đồng sáng loáng. Đàn măng-đô-lin dây kép, lên cho đều cũng phải tay “cao thủ” mới làm được. Khoảng mười lăm phút, Bảo chỉnh lại dây xong. Tự dưng tâm hồn anh hút luôn vào bản nhạc “Đàn chim Việt” có đầy đủ luyến láy, “ắc-cơ” nốt nốt phá cao bút. Bài hát gợi dây tâm hồn anh những năm 1946-1952. Thời trai trẻ đầy ước mơ vô tư khao khát xách ba-lô đi vào cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Bảo chơi di chơi lại điệp khúc khiến Thục và Hảo ngây ngất, nét mặt đần ra, đôi mắt lim dim. Tự nhiên Bảo vút lên lời với cung bậc cao nhất: “Chim gieo theo nhớ… chim ngân xa i i í í…”. Rồi Bảo chơi tiếp cả những bài quen thuộc: “Giọt mưa thu, Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi…” những bài lãng mạn đã từng khơi gợi tâm hồn anh… tới khi chỉnh huấn người ta kết luận đó là nhạc vàng, anh không dám chơi công khai nữa.

Hai cô gái càng say mê. Chắc chắn các cô không biết những bài nhạc ấy. Vì các cô mới lớn không có được cái thời bay bổng như anh. Bảo ngừng đàn, hai cô bừng tỉnh:

- Anh Đội chơi đàn hay quá!

- Anh chỉ chơi nghiệp dư thôi. Hai em có biết anh vừa chơi những bài gì không?

- Chúng em không biết. Chỉ thấy nó hay thôi!

- Đúng, tuổi các em không biết được. Đây là những bài các nhạc sĩ sáng tác từ trước cách mạng. Bây giờ thì cấm rồi, cho đấy là nhạc vàng: Thế bây giờ khi em hát bài gì để anh đệm xem có đúng không. Bài gì nào? (Hai cô đùn đẩy nhau) – Thôi được rồi: Trùng trùng say trong câu hát nhé? Tiến về Hà Nội ấy mà. Này hát theo nhạc nhá! “Sòn sòn si si la rê”. Hai ba.

Các cô nhẩm nho nhỏ rồi hát to dần. Hết bài Tiến về Hà Nội, Bảo chơi sang bài Quê em miền trung du, các cô hát theo liền. Thục vẻ thành thạo và hát hay hơn Hảo.

Đàn và hát dần dần hút được một số đông thanh thiếu nhi tụ tập đến. Bảo liền đứng lên hướng dẫn tiếp những bài anh vừa dạy họ tối hôm qua: “Nông dân là quân chủ lực, đội quân hùng hậu, không có nông dân thì kháng chiến không thể thành công…”.

Đã đến giờ đi phản ảnh, Bảo khất các em đến tối. Mọi người tản ra về. Riêng Thục lúng túng chần chừ. Bảo biết, Thục muốn nói với anh câu gì. Mọi người đã quay ra hết, đôi mắt Thục nhìn Bảo rân rấn ướt. Bảo lại gần đưa trả cho Thục cây đàn, khẽ vuốt má cô:

- Giờ em về nhá. Anh cũng đi họp đây.

Thục lúng túng:

- Bố em muốn mời Anh Đội lúc nào sang uống nước.

- Đừng gọi là Anh Đội, gọi anh là Bảo cho thân mật. Nói với thầy dịp này anh chưa sang được, thầy em cứ đi họp đều mà nghe chính sách. Bảo thầy em đừng có lo sợ gì. Bảy sào ruộng cho phát canh không thành địa chủ được đâu!

***

Cuộc phản ảnh đầu tiên của Đội sau ba ngày thăm nghèo hỏi khổ, ba mươi bảy cán bộ có mặt ở Đình Cả rất đúng giờ. Vũ Long ngồi giữa chủ trì, bên cạnh có Phạm Chi phụ trách văn phòng, ghi chép. Các thành viên giở sổ tay trước mặt. Các nhóm lần lượt báo cáo: Đầm Mơ, Mã Sơn, Liên Trì, Tam Tỉnh… Cuối cùng là xóm Thượng. Nói chung anh nào cũng tìm được cơ sở, đặt được ba-lô. Quần chúng tỏ ra khá nhạy bén, không bỡ ngỡ gì về công tác cải cách ruộng đất! Chưa có hiện tượng địch phản ứng. Cuối cùng văn phòng đội lấy danh sách các rễ, để qua thẩm tra, chuẩn bị tổ chức đại hội nông dân. Bảo báo cáo ba rễ: Trịnh Xuân Ngọ, Nguyễn Thị Lúa, Nguyễn Thành. Nghe Bảo nhắc đến Nguyễn Thành, Nhàu đội phó phụ trách địa bàn trừng mắt nhìn Bảo, hạch:

- Nguyễn Thành đảng viên, phó chủ tịch uỷ ban xã hả?

- Đúng đấy! Bộ đội phục viên gần một năm nay.

- “Tổ chức cũ”, đồng chí đã thẩm tra chưa?

- Cố nhiên mới về tôi cũng chưa đủ thời giờ kiểm tra thật sâu. Nhưng đây là một phần tử đáng tin cậy. Ba đời nghèo khổ, có văn hoá, đi bộ đội sáu năm.

- Anh đã biết những gì trong sáu tháng anh ta công tác trong uỷ ban xã?

- Cho tôi thẩm tra tiếp, rồi báo cáo sau!

Vũ Long đứng lên tóm tắt tình hình, đánh giá kết quả và phổ biến lịch công tác. Không may cho Bảo, hôm nay anh lại ngồi quá gần với Vũ Long. Hơi thở của Vũ Long rất thối. Khắm khẳn như cóc chết. Không nhẽ anh lại bỏ đi chỗ khác, mất lịch sự. Bảo cứ phải cứ gằm mặt xuống quay đi. Nhưng Vũ Long lại cứ ngả sang phía Bảo  phê phán gay gắt việc mới về xóm lại bắt rễ ngay vào “tổ chức cũ”. Thế là mất cảnh giác. Nó sẽ úm hết, khống chế quần chúng không thể nào ngóc lên được. Cuối cùng Vũ Long lại nhắc lại cái điều đồng chí lãnh đạo cao cấp đã huấn thị: “…Địch đã bố trí sẵn trận địa. Chi bộ của ta căn bản là của địch, hoặc bị địch lũng đoạn nghiêm trọng…”. Vậy thì chi bộ Quảng Hà, đảng viên Quảng Hà có anh dũng bằng gì đi nữa cũng vẫn ở trong cái gọi là bị địch lũng đoạn nghiêm trọng. Không! Chưa nên, vội đánh giá là của địch!

II

… Quê Bảo ở vùng trung du hẻo lánh. Nơi đó bạt ngàn đồi cọ, nương chè xen với bãi sông, đồng ruộng, xóm làng quần tụ trên những quả đồi, những khu phù sa mầu mỡ. ở đấy, xa quốc lộ, xa không khí thị thành. Quanh năm sống trong luỹ tre xanh, với những tập tục, giỗ tết, cưới xin, đình đám, hội hè. Bảo sinh ra trong một gia đình đông anh em, kinh tế vào bậc trung lưu. Lớn lên học ở trường tổng, được các thầy đồ dạy chữ nho từ Thanh, Nghệ ra, hoặc từ miền xuôi lên. Bảo có tâm hồn nghệ sĩ bẩm sinh, hồi còn bé say mê những ông hàng mã cắt giấy làm nhà táng, vẽ những bức tranh loè loẹt Võ Tòng đả hổ, Tu Vũ chăn dê, Long cuốn thuỷ, Long, ly, quy, phượng, Thông, mai, cúc, trúc… Rất khoái đám thợ kèn của ông Trùm Phòng. Nhưng anh chúa ghét những cái kèn dọc thổi ò e đinh tai, mà chỉ thích sáo, nhị. Bảo có thể thức suốt đêm chờ những lúc phường kèn dâng rượu, dâng hương trong đám ma, chơi bài Lưu thuỷ và múa nhịp Xênh tiền. Cả một thời niên thiếu Bảo loay hoay vẽ, rồi lại khoét sáo nứa, bịt bầu nhị bằng da ếch, kéo cò cưa, thổi toe toe suốt ngày.

Cách nhà Bảo một cái ao rộng, bên ấy là dinh cơ nhà ông Lê Đôn. Ông Lê Đôn là trưởng họ Lê, Khu nhà “chữ môn” “bốn xối đổ chung”, có nhà thờ, có tiền tế, bên tả là nhà khách, bên hữu là kho tàng nhà bếp và chuồng trại. Đều xây tường bít đốc lợp ngói nam. Họ Lê là họ “thủ trù”, có đầu tiên trên đất này. Bảo còn nhớ những ngày hội tiệc ở đình làng, thường có cánh “nhà tơ” (hát ở đình thường gọi là “nhà tơ” chứ không gọi là “cô đầu”) từ bên Yên Luật sang hát chầu. Khi bắt đầu vào tiệc hát một cô đầu cầm cái khăn bốn chóp giơ ngang mặt, cùng với ông chủ tế, đứng bên cạnh nhắc. Cô đầu thỉnh mời ông vải các họ về nghe hát, bao giờ cũng mời họ Lê trước: Tôi mời ông vải họ Lê, người về đình trung nghe hát, quan họ làng ta, tôi mời…, rồi mới mời sang các họ khác.

Gia đình ông Lê Đôn giàu có lâu đời. Lớn lên ông đi học đỗ bằng “Đíp-lôm”, cũng là người học vấn cao nhất làng này. Đỗ đạt xong, ông thịt bò thịt lợn khao làng ăn uống hai ba ngày liền. Đàn ông từ ẵm ngửa trở lên đều có phần. Khao vọng xong ông Đôn được bổ làm tổng sư tại tổng Phú. Ông dạy học chừng chục năm, có hàng mấy trăm học sinh. Thầy dạy tốt, thái độ khiêm nhường, đức độ cao thượng. Ngoài chương trình dạy quốc ngữ, thầy kết hợp cả Tây học, Nho học. Thầy đọc nhiều sách báo, khai thác những truyện cổ tích, thần thoại, ngụ ngôn mang kể vào giờ ngoại khoá, nhằm răn dạy về đạo làm người. Bảo lớn lên cũng học thầy Đôn. Ngoài sự ảnh hưởng của bố mẹ còn ảnh hưởng lớn nhất, có quyết định cho cả cuộc đời Bảo sau này chính là từ thầy Đôn.

Vào khoảng những năm 1935-1937 thầy Lê Đôn nghỉ dạy học về làm lý trưởng. Lại khao vọng, lại chức tước… Nhà thầy Đôn lúc nào cũng nườm nượp kẻ ăn người ở, khách khứa ra vào lui tới. Đỗ “Sơ học yếu lược”, xong Bảo chuyển sang học chữ nho. Bố Bảo hơn ông Lê Đôn tới bảy tuổi, hồi Pháp thuộc cùng là hàng chức sắc nên coi nhau như bằng vai. Nhà Bảo nghèo hơn nhưng sống nền nếp, nên trong làng ai cũng nể trọng. Ông Lê Đôn hai vợ. Bà cả sinh được ba người con. Cô con gái đầu tên là Mẫn, Lê Thị Mẫn, kém Bảo ba tuổi, sướng từ trong trứng sướng ra. Lên tám tuổi bà nội vẫn cõng đi chơi, đi ăn giỗ, ăn cưới. Bảo và Mẫn sống gần nhà nhau, lớn lên cứ dần dần thân. Mỗi lần thấy Bảo thổi sáo hoặc kéo nhị Mẫn lại dẫn em sang chơi, quấn quít nhau cả ngày. Có hôm bố Mẫn – thầy Lê Đôn - đi vắng, mẹ và mẹ dì đi làm đồng, bà nội lúi húi dưới bếp, Mẫn rủ Bảo chui qua hàng dậu duối đằng sau, lẻn vào nhà khách chơi. Ngôi nhà xây bít đốc lợp ngói, cửa bức bàn, song “Tam sơn”. Ba gian ngoài có sập gụ, tủ chè và cỗ tràng kỷ đen bóng. Bên này kê bộ xa-lông tàu mặt đá. Bên kia có giường Hồng Kông buông màn tuyn trắng mọng. Khách lạ đến thường chơi ở nhà này. Gian trong là một cái buồng rộng. Có bàn làm việc của thầy, còn là miên man những kệ sách: sách chữ nho, chữ quốc ngữ, chữ tây… Có những cuốn đóng gáy da, gáy vải dày gang tay. Nhìn những kệ sách Bảo mê mẩn, ngẩn ngơ. Biết Bảo thích vẽ, Mẫn lôi những sách có hình vẽ cho xem. Xem xong lại đâu để nguyên đó. Bảo cảm thấy cái buồng sách nhà thầy Đôn có cái gì bí hiểm, cao sang, lạ lẫm. Có lần thầy Đồ Thuận từ trong Huế ra dạy chữ nho, đã dành hàng nửa năm mượn sách nhà thầy Đôn về đọc. Thầy Đồ Thuận khen buồng sách không thiếu loại gì. Thầy ví đấy là một cái bảo tàng hay cái thư viện, ít ai có thể màng tới. Bảo ước mong bao giờ có đủ trình độ được khám phá cái buồng sách ấy ra thì vinh hạnh vô cùng. Một lần Mẫn tò mò bảo Bảo cầm con dao nhọn lưỡi rất mỏng luồn qua mạch xây bật hai viên gạch vuông lát nhà rất khít, ở trong góc buồng tối lên. Bảo sờ tay xuống: ôi chao! ở dưới đó là một cái hũ sành. Ở đấy có những cuộn giấy in bằng mực tím (in đất). Bảo vội vàng bỏ xuống. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng anh cũng cảm thấy có cái gì bí mật quan trọng lắm. Chắc đây là những tài liệu quí. Những người ở từ rất xa mang đến cho thầy. Anh bảo Mẫn đừng động vào những thứ đó của thầy.

Nhà thầy Lê Đôn lúc nào cũng đông khách. Khách gần khách xa. Có người mặc tây đi xe đạp đèo súng săn từ Vĩnh Yên, Việt Trì, Hà Nội lên, đều nói là bạn học cũ của thầy. Có người đội nón dứa, mặc áo sa, cưỡi ngựa, thường là thầy cai, thầy ký, thầy đề, hoặc ông chánh ông tổng quanh vùng. Trong đó có một ông gọi là ông Ký Ky (lúc đó ai làm ở bàn giấy người ta đều gọi là ký). Ông Ký Ky thực ra không làm bàn giấy mà chuyên đi vẽ truyền hình. Ông thọt một chân, người ta gọi là ông Ky Thọt. Đầu ông đội cái mũ phớt, vai đeo ống đựng giấy vẽ và bút mực, tay cầm can bằng song. Ông đi khắp nơi, khắp vùng, vẽ truyền thần cho những gia đình khá giả có ông già bà cả. Thầy Đôn có lần mời ông Ky Thọt về vẽ ảnh của ông cụ đã mất và hai bà mẹ đã già.

Ông Ky Thọt tựu lại nhà thầy Đôn vẽ ảnh có tới cả tháng. Xem ông vẽ tranh, Bảo vốn có “tâm hồn nghệ sĩ” càng mê mệt. Ngày nào đi học về Bảo cũng lảng sang, say sưa ngắm nhìn cho đến tối. Thấy Bảo vừa ngoan vừa hiền, mặt mũi lại khôi ngô tuấn tú, cả nhà thầy Đôn từ bà nội đến Mẫn đều rất quý mến, nên ông Ky Thọt cũng yêu mến theo. Ông cứ hay thủ thỉ hỏi chuyện. Bảo mạnh bạo đem cho ông xem những cái tranh Bảo vẽ. Ông chỉ ngắm nghía rồi tủm tỉm cười, chẳng bảo sao. Rồi ông Ky Thọt hướng dẫn Bảo kẻ ô vuông để truyền hình. Bảo làm theo trên những cái bản đồ Việt Nam, những danh nhân Ngô Quyền, Khúc Thừa Dụ, Lý Thường Kiệt in trong tập “Sử ký - địa dư giáo khoa thư” lớp sơ đẳng của anh trai. Chợt nhận ra cách kẻ ô vuông truyền hình sang giấy khác to nhỏ tuỳ ý là một phát hiện thần kỳ.

Thấy Bảo và Mẫn gần gũi quý mến nhau, bố mẹ Bảo đã có ý nhắm nhằm. Mặc dầu lúc đó Bảo mới mười bốn, Mẫn mới mười một. Bố Bảo cũng là người có học thức, giở sách xem tuổi lứa đôi. Bảo tuổi Rồng, Mẫn tuổi . Rồng và dê cũng có thể sống với nhau được. Rồng thì bay bổng, dê thì lũi cũi quanh vườn. Cũng không sao!

Hình như bố Bảo ngày xưa cũng có nhân ngãi nhân nghì với chị gái ông Lê Đôn. Khi bố Bảo ngỏ ý muốn xin Mẫn cho anh, bà ta hân hoan vui vẻ ra mặt. Chỉ trong vòng tuần lễ đã có hồi âm: gia đình thầy Đôn hoàn toàn đồng ý. Năm ấy là năm 1943, Bảo mười lăm Mẫn mười hai tuổi. Phong tục quê Bảo khi đã có lễ hỏi đôi bên được phép gọi song thân bằng thầy mẹ. Mặc dầu còn nhỏ, khi đã nhận lấy nhau thì đã biết ngượng hai người không dám chơi chung với nhau như trước nữa.

Từ năm bốn mươi ba trở đi, gia đình ông Lê Đôn dồn dập gặp những biến cố lớn. Hai năm liền hai bà mẹ chết. Những nhà giầu có cha già mẹ héo phải thịt vài ba trâu, năm bảy lợn làm ma hai ba ngày. Khách khứa, ăn mày khắp vùng kéo tới. Quan viên, đô tuỳ, bát âm, làng nước ăn uống rầm rập mỗi bữa hàng trăm mâm. Đám tang có ngàn người đi đưa. Đòn niễng, linh xa, nhà táng, minh tinh ,nhà chùa, đèn cù, phủ phất, câu đối, phan phướn… làm bằng giấy tàu, vải trắng rợp cả đường kéo dài hàng trăm mét. Năm bảy phường bát âm đưa tiễn. Sáo nhị, trống kèn, khách, lệnh rinh ran. Nhà nghỉ, nhà trạm đặt ngang đường. Mỗi đám tang như thế, ông Lê Đôn phải cầm đi vài ba mẫu ruộng để trang trải nợ nần. Rồi thuế “tương đương” đế quốc Pháp đánh theo luỹ tiến, rồi trồng lạc, trồng đay cho Nhật. Kinh tế gia đình ông Lê Đôn sa sút dần. Nội bộ trở nên lục đục. Ông chê bà cả không biết lo toan. Bà hai người làng khác, trẻ hơn, xinh hơn, được lòng chồng, dần dần nổi lên lấn quyền bà cả. Bà cả chán nản bỏ ra ở riêng. Ruộng đất, nương bãi ê hề bà không thèm ngó đến. Bà bỏ vào miền núi lang thang đi làm thuê sống cảnh chán đời. Mẫn ở với dì. Bà đối xử có phần cay nghiệt, bắt lao động và ăn uống thiếu thốn. Có lúc Mẫn phản ứng, bà dì ton hót với chồng. Mẫn lại bị một trận đòn. Nhưng ông chỉ doạ dẫm, đập roi mây đen đét xuống thềm gạch cho được lòng bà hai, chứ không bao giờ đánh đau.

Tình hình kinh tế đang sa sút, nội bộ đang rối ren thì nạn đói năm Ất Dậu ập tới, kinh tế gia đình ông Lê Đôn sụp đổ hoàn toàn. Lại bán ruộng bán rừng, vay nợ lãi trị giá hàng chục tạ thóc, bỗng Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông bỏ gia đình lại cho bà hai quản lý, đi thoát ly công tác. Bấy giờ Bảo mới vỡ lẽ thầy Lê Đôn – bố vợ anh hoạt động Việt Minh từ năm 1942. Người bắt mối chính là ông Ky Thọt, tên chính là Đặng Ngọc Ky. Cướp chính quyền xong, ông Ky lên làm chủ nhiệm huyện bộ Việt Minh; thầy Lê Đôn lên huyện uỷ công tác trong Ban tuyên huấn.

***

Cách mạng tháng Tám thành công, Bảo tham gia hoạt động thanh niên rồi dân quân du kích. Suốt đêm ngày họp hành ca hát, nhảy múa, rồi vác song gỗ đội mũ ca-lô ra Gò Gành lăn, lê, bò toài… Cũng dịp này anh yêu cô gái người cùng xóm. Tên cô là Xoa. Xoa nhỏ nhắn, đôi mắt lá răm ướt át, dáng uốn éo, tiếng nói điệu đà. Bảo yêu, nhưng không bao giờ nghĩ lấy làm vợ, vì cô đã có chồng. Chồng cô, con một gia đình giàu có, kém cô những bốn tuổi. Con trai một, được nuông chiều như hoàng tử. Lên sáu tuổi, gia đình đã nuôi gia sư hết năm này sang năm khác cho chàng quý tử học chữ nho. Chàng quý tử lúc nào mặt mũi cũng quắt queo, xanh dớt. Cưới vợ đã vài năm nhưng chàng quý tử vẫn ngủ chung với bố. Nhà chồng Xoa có hàng chục mẫu ruộng, đồi. Gia đình có một đàn con gái năm, sáu cô. Cô nào cũng xinh xẻo lẳng lơ. Đám con gái ấy đi làm đồng hay chặt cọ, hái sở, bao giờ cũng làm dậy lên cả một góc trời. Phấp phới những cánh áo trắng, áo màu, yếm đào, váy lụa, bao tượng xanh… xủng xoẻng dây xà tích. Đi tới đâu cũng vui đùa như phá những câu hát đối, hái ví nổi lên. Xoa về làm dâu cũng nhập vào không khí đó. Bảo và Xoa yêu nhau có phần đắm đuối nhưng thơ mộng. Gặp gỡ nhau trong những tối đình đám, văn nghệ, những đêm trăng nước lũ dạo thuyền kéo cá. Những buổi thả trâu ngồi trong bóng cọ trời lất phất mưa phùn. Tâm hồn ấy đã có lúc giúp cho Bảo nảy ra những câu thơ, những mẩu nhạc. Họ yêu nhau là yêu theo tâm hồn lứa tuổi, không bao giờ nghĩ sống với nhau lâu dài. Nhưng việc yêu đương ấy đã gây cho mẹ Bảo và mẹ chồng Xoa mâu thuẫn. Bố mẹ Bảo đòi cưới Mẫu cho anh nhưng Mẫu còn  nhỏ quá, mẹ Mẫn không bằng lòng.

***

Kháng chiến bùng nổ. Người ở dưới xuôi rầm rập gánh gồng, dắt bầu đoàn thê tử tản cư lên. Nơi hẻo lánh quê Bảo   phút chốc trở nên sôi động. Những quán nước làm bằng tranh, tre, nứa, lá mọc san sát suốt ven đường. Những tụ điểm buôn bán dần dần hình thành, Bảo ngơ ngác nhìn những cô gái tóc quăn, da trắng mọng, cổ đeo dây chuyền vàng, lưng đèo, tay xách, nhăn nhó bước trên những con đường đá cuội. Dân quân được lệnh đi phá thị xã, phá đồn điền Chủ Chè, phá đường Hai mươi bốn. Thanh niên bỏ dần khăn xếp, may quần phăng, áo sơ-mi bằng vải thô. Phụ nữ cạo răng trắng, bỏ dần cái váy “khâu dao” cố hữu, tập mặc quần vải vuông dấn nâu chít bùn có chân què. Đoàn Văn hoá kháng chiến về đóng quân. Có chuyện này chính là công của thầy Đôn. Ông làm việc ở Tuyên huấn huyện nên đã vận động Đoàn về ở và vận động thanh niên trong xã hưởng ứng. Thanh niên của những gia đình khá giả, có đôi chút học thức lập tức bị hút vào với Đoàn Văn hoá kháng chiến như nam châm hút sắt. Lần đầu tiên Bảo được tiếp xúc với đàn nhạc tây, với hội họa, được hưởng thụ những bản nhạc Suối mơ, Trương Chi, Đàn chim Việt… Bị kích thích bằng những bài hát Diệt phát-xít, Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam, Thanh niên, Lên đàng, Chiều trong chiến khu… miền u tối đã mở ra ánh sáng. Đoàn 3 kháng chiến tổ chức triển lãm, phát thanh, kẻ khẩu hiệu, diễn kịch nói. Rồi tổ chức mở lớp chính trị, nghệ thuật… Lần đầu tiên Bảo được giảng về “lịch sử tiến hóa nhân loại” và “Chủ nghĩa cộng sản văn minh”. Rồi học vẽ, học hát, học nhạc. Anh vẽ tranh cổ động, vẽ ảnh Cụ Hồ ủng hộ xã bán đấu giá trong ngày Thương binh liệt sĩ. Độc tấu sáo trúc bài Đàn chim Việt trong buổi biểu diễn ở đình làng. Rồi được giới thiệu vào nhóm nghiên cứu mác-xít của liên xã Nỗ Lực, phụ trách chính trị viên của đại đội du kích liên xã, và được tuyên truyền kết nạp Đảng. Lúc này Bảo mới vỡ lẽ Đảng Cộng sản Đông Dương vẫn còn và rút vào hoạt động bí mật. Bảo được kết nạp Đảng năm hai mươi tuổi và bố mẹ cưới Mẫn cho anh. Bảo đã tấp tểnh muốn đi thoát ly. Bố mẹ Bảo cưới Mẫn có ý muốn giữ chân anh lại, vì anh là một tay trèo cọ cừ khôi, có người chặt cọ mới có việc làm cho gia đình. Anh đi là mất một cái cần câu cơm quan trọng. Nhưng Mẫn vẫn chẳng giữ nổi anh, lúc đó Mẫn còn quá khờ khạo và vẫn chưa ra hình con gái. Cưới vợ, kết nạp Đảng xong, trong vòng bốn tháng là Bảo “bay” liền. Bay lên huyện hơn một năm, rồi lại bay luôn lên Đà Bắc. Đi xa cũng còn có ý để cho vợ kịp lớn. Trước ngày lên đường, anh an ủi vợ: Em yên tâm ở nhà chờ anh, dịp này anh đi công tác xa, chắc lâu mới về. Em ở nhà chịu khó học lấy những công việc làm ăn!”. Nói điều đó vì cưới về Mẫn chưa biết làm gì, mẹ Bảo phải dạy từ cách cắm cây mạ, đặt gồi lúa. Mẫn không nói gì, nét mặt chỉ rầu rầu. Sau khi kết nạp Đảng, Bảo không đi lại với Xoa nữa, cho nên Mẫn cũng yên tâm.

Đà Bắc nguyên là đất của tỉnh Hòa Bình thuộc Liên khu Ba. Vì Tây chiếm đóng lập phòng tuyến Sông Đà, từ Việt Trì, Trung Hà, Tu Vũ, Hòa Bình, Chợ Bờ, Suối Rút lên Tây Bắc. Huyện Đà bắc bị cách trở với tỉnh Hòa Bình nên được trả về Liên khu Mười, rồi Liên khu Việt Bắc. Khu chỉ đạo Đà Bắc, Bảo lưu lại phố Thanh Cù bốn ngày để mua sắm một số thứ cần dùng. Thanh Cù là phố mới mọc lên trong chiến tranh, nay nó được mệnh danh Thủ đô kháng chiến của Liên khu Mười, cách Vũ Én ba cây số. Phố Vũ Én chạy dài bên bờ sông Thao, xưa nay tấp nập bán buôn, nhà ngói san sát, trên bến dưới thuyền. Vũ Én chủ yếu là nơi giao lưu sản phẩm của vùng đồi: sơn, chè, trẩu, sở… Toàn quốc kháng chiến, không những Vũ Én sầm uất thêm mà còn mọc ra phố Thanh Cù. Đấy là vùng đồi, bạt ngàn những chè, và trẩu, sở trồng xen. Phần lớn người từ Hà Nội tản cư lên. Quanh vùng rải rác các cơ quan Trung ương và Liên khu Mười đóng. Một nửa làng Bưởi ngoại thành Hà Nội mở xưởng làm giấy dó quanh vùng Ao Châu cung cấp giấy cho kháng chiến. Thanh Cù còn là nơi giao lưu hàng hóa giữa vùng kháng chiến và vùng tề. Bộ đội đi chiến đấu trên Tây Bắc về cũng thường đóng quân nghỉ ngơi chỉnh huấn, luyện quân ở đây. Hình ảnh anh vệ quốc đoàn cưỡi ngựa hồng, đeo súng lục trở thành ước mơ của những cô gái quý phái một thời cũng ở đây. Văn nghệ sĩ Thủ đô đi kháng chiến thường hay lưu lại diễn kịch, hòa nhạc. Quán sách Sông Thao, hiệu ảnh Hoa Xuân, xưởng đàn Văn Châu xuất hiện. Quán trà Ninh Thái, thịt chó Đồng Quê, những Phở Giơi, Phở Đất… tiếng tăm lừng lẫy khắp nơi. Nhưng Thanh Cù chỉ hoạt động về ban đêm, ban ngày sợ máy bay. Quãng đường đồi khúc khuỷu dài vài cây số, ban đêm đèn dầu thắp sáng như sao.

Đoàn của Bảo sắm một ít giấy mực và mua đàn sáo đem lên Đà Bắc. Năm ngày trời leo núi, Bảo bắt đầu nếm mùi gian khổ. Tới nơi, Chợ Bờ, Suối Rút vừa giải phóng, huyện ủy Đà Bắc đang rối rít chia nhau chiến lợi phẩm. Sáu anh em đứng ra thành lập phòng thông tin, rồi một số xuống xã xây dựng cơ sở. Bảo phụ trách biên tập tờ “Mai Đà thông tin” in li-tô. Nhưng cái huyện miền núi rộng mênh mông, đường sá đi lại khó khăn, nên tờ “Mai Đà thông tin” thật ít tác dụng. Hơn thế giấy in thiếu nên chỉ ra được sáu số, mỗi số vài trăm tờ rồi chết ngóm.

Huyện ủy cho phòng thông tin được thành lập đội tuyên truyền lưu động, gồm các em người dân tộc địa phương từ mười hai đến mười lăm tuổi, do Bảo phụ trách. Chỉ trong một thời gian ngắn, các em người Tày từ Quy Đức, Đức Nhàn về, người Mán từ Toàn Sơn xuống, người Mường từ Hòa Bình, Thịnh Lang vào. Thế là bao nhiêu vốn liếng cóp nhặt được từ Cách mạng tháng Tám tới nay Bảo dạy cho các em tất cả. Cũng đàn hát, nhảy múa, diễn thuyết, đóng kịch…Huấn luyện một thời gian ngắn rồi cho các em đi hoạt động. Đi sâu lên vùng cao các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mèo… Đi đến bản nào cũng vận động làm vệ sinh, đem chuồng trâu ra khỏi nhà, ốm thì uống thuốc, uống nước đun sôi, đêm ngủ nằm màn… và các chính sách tăng gia sản xuất, đi dân công phục vụ kháng chiến.

Chiến dịch Biên giới thắng lợi, Tây rút khỏi Hòa Bình, đội tuyên truyền lưu động về tiếp quản cái thị xã nghèo nàn ấy, bà con hân hoan đón mừng. Bảo sốt rét nhiều, nước da màu nghệ, bụng báng số ba, lá lách sa xuống tầm rốn và chưa một lần về thăm Mẫn.

Sở thông tin Việt Bắc triệu tập, Bảo được phân công đi họp kết hợp về thăm nhà. Lúc này anh mới nhớ tới cô vợ bé tí tẹo của anh, sau hai năm như quả xanh dấm sẵn trên cành bây giờ chắc đã đến độ chín!

Thị xã Hòa Bình và cứ điểm Tu Vũ đã giải phóng, Bảo không phải leo Đá Bia, Tù Mù, Dốc Nghịt như hồi đến Đà Bắc, mà cứ đường Mười lăm về Hưng Hóa. Chỉ ba ngày cuốc bộ Bảo đã tới nhà, vào lúc chiều chiều. Mọi người hân hoan vui mừng. Mẫn đang chơi bên nhà thầy Đôn, nghe chồng về vội vã lách qua bờ ao. Nếu như lúc khác vắng vẻ, Bảo có thể ôm chầm lấy Mẫn, nhưng cả nhà đông vui, anh không dám. Mẫn đứng ngây, chằm chằm nhìn chồng, mặt bừng bừng đỏ, cũng không hỏi Bảo một lời. Nhìn thấy vợ, trong lòng Bảo quá hồ hởi mà không dám bộc lộ. Vợ anh đã thực sự trở thành cô gái nông thôn xinh đẹp: cổ cao, vai tròn, ngực nở, gương mặt trái xoan,lông mày cong vút… có nghĩa là Mẫn xinh hơn Xoa khá nhiều.

Ăn uống xong Bảo đi nằm trước. Giường của vợ anh căng màn mới. Cũng là người đầu tiên ở xóm này biết nằm màn. Mẫn cứ nấn ná làm đủ việc, quét nhà, cất dọn mâm bát. Bảo nằm chờ mà thấy người như sắp bốc cháy. Mẫn vẫn cứ  ra vẻ đàng hoàng, chần chừ đợi cho người nhà đi ngủ hết mới tắt đèn chui vào với chồng. Bảo ôm choàng Mẫn ghì nghiến vào lòng. Người Mẫm lập cập run, nóng như bếp lửa. Mẫn dụi đầu vào ngực anh:

- Cô Xoa hỏi thăm anh đấy!

- Bậy!

- Thật! Chúng em cùng sinh hoạt trong tổ phụ nữ. Em chủ động làm thân trước. Cô ấy trách anh, tại sao đi xa mà chả chào cô ấy được một lời. Cô ấy tâm sự với em là rất yêu anh. Nhưng bây giờ có em, cô ấy không dám yêu anh nữa. Cô ấy bảo đấy là kỷ niệm tuổi thơ có thể còn sống suốt cả cuộc đời.

- Văn chương thế kia! Có thật không?

- Dễ em thèm bịa.

- Từ ngày vào Đảng là anh chia tay, có dám yêu cô ấy nữa đâu. Đảng viên lăng nhăng, ai dám!

- Xoa bỏ nhà chồng về với bố mẹ rồi. Bố Xoa lại rập rình tìm nơi “thăm ván bán thuyền”. Có tin nhà ông Ký Kinh định xuất tiền trả của cho Xoa, để Xoa lấy lẽ anh Kính!

Mẫn nói tới đó làm Bảo nao nao buồn. Đấy chính là mối tình đầu của anh. Số phận Xoa cũng lận đận. Ông bố Xoa là người tham của, cứ nhăm nhăm gả bán cho những nơi giàu có, bất kể con có bằng lòng hay không. Biết chồng xúc động. Mẫn không kể nữa, cứ nằm yên thít như chú mèo con. Qua cơn xúc động, Bảo hỏi Mẫn:

- Thế còn chuyện em?

- Em chả có chuyện gì! Ngày đi làm, tối về đi họp, đêm ngủ một mình, thỉnh thoảng tham gia chuyển dân công. Từ ngày anh thoát ly, em đã đi hai đợt dân công dài. Mỗi đợt tới bốn, năm tháng.

- Thế không ai gần gũi nhênh nhang với em à?

- Ai dám nhênh nhang. Gái đã có chồng, chồng lại đi vắng.

Cũng có thể làng này không ai dám tán tỉnh Mẫn! Vì thanh niên làng này không ai dám sánh với anh. Gia đình bảo đông người, họ hàng đôi bên cao sang. Đấy là những cơ sở chủ yếu để giữ cho Mẫn an toàn.

- Thế thầy bây giờ ở đâu?

- Bố em chuyển về công tác ở Thanh Thủy.

- Mẹ?

- Vẫn đi lang thang. Giờ bà sống như người dở hơi, em khuyên giải cũng chẳng được!

- Thằng Vang, con Vọng?

- Vang đi học, Vọng còn nhỏ. Danh nghĩa là mẹ em nuôi nó, nhưng mẹ em đi suốt, nó vẫn ở với bố, với dì Đỉnh.

- Thế gia đình dì Đỉnh?

- Càng ngày càng sa sút nghèo đói. Có rừng, có ruộng đấy là mà không tài nào làm ra của cải. Giỗ tết nợ nần nhiều quá, lao động không có. Gia đình bố mẹ em rồi càng ngày càng gay.

***

Bảo ở nhà được ba ngày, đã phải đi. Anh qua sông Thao từ năm giờ sáng để tránh máy bay. Từ ngày thất bại ở biên giới giặc Pháp thường cho từng tốp Hen-cát đi sục sạo suốt ngày. Nhất là những dòng sông và đường quốc lộ. Chúng bắn cả thuyền bè trên sông, và những đàn trâu thả trên đồi. Tới cây số 3 lúc đó vào khoảng chín giờ, có tiếng máy bay Đa-cô-ta từ dưới xuôi lên. Động cơ kêu rất vang nặng nề. Nhìn lên đã thấy tám chiếc nối đuôi nhau. Bảo nghĩ: “Quân này vừa chết trên biên giới, giờ chắc lại đang chết trên Tây Bắc, nên cha con kéo nhau đi đông như thế!” Chợt chiếc đi đầu bổ nhào. Những vật đen sì từng chùm lao xuống loang loáng. Khói bốc lên rồi mới nghe tiếng nổ liên hồi: “Chết cha, nó thả bom dây xuống Vũ Én rồi!”. Bảo nép vào mô đất để mắt theo dõi. Lần lượt cả tám chiếc đều ném bom. Khói lửa mù mịt.

Dứt tiếng máy bay, Bảo lại tiếp tục đi. Tin Chính thức địch đánh Vũ Én, chết khoảng sáu trăm người, Vũ Én bị san bằng.

Sang Thái Nguyên, Bảo ngược đường số Hai lên Đoan Hùng, chờ tối đi đò dọc đến Bình Ca. “Bình Ca nơi đây sóng vỗ quanh nhà…” Một bài hát sáng tác sau chiến dịch Sông Lô năm 1947 miêu tả tâm trạng của một lính Âu Phi trong đội quân lê-dương Pháp ra hàng ta “… Mác-ti-ních quê ta ơi, nát tan điêu tàn, nhục vong quốc nô…” Men theo bờ sông Lô, Bảo để ý tìm vết tích chiến thắng Sông Lô, thỉnh thoảng còn những xác tàu chiến địch lập lờ dưới mặt sông. Tối thật mới được xuống đò. Chen chúc giữa người và những bồ chè khô. Suốt đêm va mông va vú với những cô đi buôn chuyến, ít ai ngủ được. Quãng sông hai mươi bảy cây số, trọn một đêm thì đến nơi.

Lại cuốc bộ. Cứ bốn giờ sáng theo đoàn buôn chuyến, lững thững đến chín giờ, khi trời quang mây, có máy bay hoạt động anh lại vào rừng trải bạt nằm nghỉ. Ba giờ chiều lại đi, cho tới khuya. Đói đâu ăn đấy, mệt đâu ngủ đấy. Đường kháng chiến chỗ nào cũng có hàng quán và hầm trú ẩn. “Dẫn rượu” như thế phải mất bốn ngày Bảo mới đến phố Giang Tiên, thuộc Thái Nguyên, địa điểm của Sở Thông tin Liên khu Việt Bắc đóng.

Tới Thái Nguyên không khí chiến thắng Biên giới diễn ra sôi nổi. Cán bộ khu nhiều anh súng sính chiếc áo sĩ quan Pháp màu cỏ úa, rộng thùng thình, nhằng nhịt những “túi bắt gà” và phéc-mơ-tuya. Những hộp thuốc lá “Ta-bo” mở ra thơm phức. Kẹo sô-cô-la, bơ, pho-mát… lần đầu tiên Bảo được thưởng thức. Những đoàn xe vận tải Mô-lô-tô-va cao lênh khênh mới cứng, bạt che kín mít rầm rập kéo về xuôi. Xe đi cả ban đêm lẫn ban ngày. Những đơn vị bộ đội quần áo ka-ki xanh lá cây còn nguyên nếp gấp. Đầu đội mũ có sao, chân đi giày vải, vai khoác tiểu liên uy nghiêm. Không còn cái cảnh “vệ túm” thuộc trung đoàn 48 bị Tây đuổi từ Sơn La về năm 1947 đóng lại ở quê anh, ốm đói, sốt rét, rách như tổ đỉa.

Cuộc họp với Sở Thông tin diễn ra thật đơn giản. Chỉ báo cáo tình hình xây dựng cơ sở từ khi có chủ trương tăng cường cán bộ cho các tỉnh vùng biên giới. Hiện chánh phó giám đốc còn đi phục vụ chiến dịch chưa về. Chờ một tháng nữa sẽ tổ chức hội nghị “Tổng kết chiến dịch tuyên truyền cho chiến thắng Biên giới”. Bảo ở lại dự hội nghị đó.

Thế là Bảo đã xa gia đình hai tháng. Khi về, cả nhà mừng, Mẫn tự nhiên ôm mặt khóc.

- Làm sao mà khóc, em?

- Tưởng hôm nay mộ anh là phải xanh cỏ rồi chứ!

- Sao mà chết được?

- Thế anh không nhớ sáng hôm anh đi Tây nó bỏ bom san phẳng phố Vũ Én à?

- Thế thì có chuyện gì liên quan tới anh?

- Ơ, buồn cười! Anh bảo đi một hai tuần thì về, thế mà kéo liền hai tháng. Bố cứ thở ngắn than dài: “Thằng ấy sang sông thế nào chả còn láng cháng ở Vũ Én, chắc là tan xác rồi!”

- Thế em có khấn anh không? Chết đã hai tháng mà vẫn không phát tang. Nhà này đối với tôi thế mà bạc bẽo.

Vợ anh bấm yêu anh:

- Bố nói thế, lúc đầu em lo cuống, khóc dấm dứt mấy đêm liền. Thế rồi em ngắt một lá trầu, lén vào Sơn Tình nhờ ông đồng Châu xem bói. Ông ấy tính lên tính xuống và đoán chắc chắn rằng: Anh ra đi ngày giờ tốt, không thể nào chết được, chắc anh đang bận gì đó chưa về. Em cũng không thấy nóng ruột nữa.

- Thế nếu chết thật thì bao giờ phát tang?

- Chết thèm vào…

Lần này Bảo may mắn được gặp bố vợ, thầy Lê Đôn cũng về thăm nhà. Giờ ông là phó bí thư huyện ủy. Hai cha con ngồi ăn với nhau ở gian nhà ngang. Như thường lệ, thầy Đôn ngồi góc trên, Bảo ngồi góc dưới. Thầy vốn người cao lớn, cổ to, ngực nở, da trắng. Tướng mạo của một người “đàn anh”. Hai năm nay Bảo mới gặp thầy. Da thầy đã hơi se tái, tóc muối tiêu. Thầy quý mến anh, trước hết vì anh rất yêu con gái thầy, sau vì anh thuộc lớp thanh niên tiên tiến nhất xã. Hai mươi tuổi đã là đảng viên lại dám xa gia đình lăn lộn nơi rừng thiêng nước độc. Cha con hàn huyên nhiều chuyện. Thật khuya vợ chồng Bảo mới đánh đuốc về nhà. Không ngờ đây là lần cuối cùng Bảo gặp thầy Đôn.

(Còn nữa)


(1) Mường Thanh ở Điện Biên Phủ, Mường Lò ở Nghĩa Lộ, Mường Thàng ở Hoà Bình, Mường Tấc ở Sơn La. Bốn nơi có cánh đồng rộng và lang Cun lớn nhất thuộc bốn tỉnh phía Tây Bắc.

Lên đầu trang

Tiêu đề

  • Lê Trang Long lúc 03-06-2011 08:34:00 PM

    He he, ông Bội ơi, tác giả Quốc ca phải hắt xì hơi khi ngó qua cái tiểu thuyết Ác Mộng. Mấy nốt nhạc đầu của bài "Tiến về Hà Nội" là "Ré ré sol sol la si" được ông Ao làng biến báo thành "Son son si si la rế...". Sửa đi ông Bội nhé.

    Trả lời
  • Trần Thanh Tiển lúc 25-11-2011 06:33:23 PM

    Cháu là Trần Thanh Tiển .Năm nay 27 tuổi cháu biết được ông qua tiểu thuyết Lá Non .Cháu đọc được là nhờ thư viện của trường cháu học hồi cấp hai.Kể từ đó cháu luôn tìm đọc các tiểu thuyết của ông nhưng tìm hoài trong các cửa hàng sách cũ nhưng không tìm được tác phẩm nào.Sau này cháu lên mạng tìm thì đọc được một số truyện ngắn.Cháu rất hâm mộ ông .

    Cháu mong cóm ột ngày nào đó gặp trực tiếp ông để thoải lòng ngưỡng mộ.

    Qua đây mong ban quản trị trang :http://vanvn.ne giúp cháu cho cháu xin địa chỉ và số điện thoại của ông.

    email của cháu là:sirtrantien@yahoo.com số đt:0903158977

    Trả lời

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn