Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Sự non yếu về giáo dục trí tưởng tượng

05-06-2014 09:23:01 AM

Văn nghệ thiếu nhi là vùng đất thiêng nuôi giữ và phát triển trí tưởng tượng, ký ức văn hoá và khát vọng nhân văn cho thế hệ trẻ, góp phần quan trọng cho sự hình thành nhân cách, bản lĩnh và ký ức. Nếu chúng ta không biết hành động quyết liệt và thiết thực để duy trì và phát triển vùng đất thiêng này thì quỷ dữ từ thị trường giải trí sẽ chiếm lĩnh và huỷ hoại nó. Hậu quả là các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau sẽ bị thiệt thòi, vì thiếu đi nhiều dinh dưỡng về trí tưởng tượng sáng tạo mang cảm hứng nhân văn…

Trí tưởng tượng có thể được coi là động lực lớn nhất của sự phát triển văn minh, văn hoá nhân loại.

Không ít ý kiến đã cho rằng - trí tưởng tượng nghệ thuật, là một trong những thành tố rất quan trọng, để hình thành nhân cách thiếu nhi…

 

Vai trò của trí tưởng tượng lớn như vậy, thế nhưng, một trong những vấn đề bất cập của giáo dục toàn cầu vẫn sự thiên về giáo dục kỹ năng mà chưa quan tâm đứng mức đến giáo dục trí tưởng tượng. Trong hội thảo quốc tế về cải cách giáo dục, học giả Marc Fumaroli đã đọc bài tham luận có tên “Văn học lộ trình dẫn đến con người”, bày tỏ thái độ lo lắng trước xu hướng phát triển và giáo dục thiên về tạo ra những nhân cách thực dụng, thiếu những phẩm chất để bảo đảm cho con người, nhất là thế hệ trẻ có cuộc sống tâm tư sâu kín, và biết cách hưởng thụ tinh tế những giá trị của cuộc sống và văn hóa trong thời gian rảnh rỗi. Ông cho rằng, văn học giúp con người “rèn luyện óc tinh tế tao nhã, thái độ mơ mộng lãng mạn, để đối trọng lại với tính chuẩn xác khoa học (thời Pascan gọi là “óc hình học”) và tinh thần thực dụng”.

Yves Bonne Joy, ông hoàng của thi ca Pháp, coi thi ca là một hình thức đặc biệt của hiểu biết bên cạnh các chân lý dựa vào khái niệm. Thi ca và thi sĩ còn được coi như một nguồn năng lượng đầy tính cách tân. Với trực giác bén nhạy và diễn ngôn phá cách, thi sĩ và thi ca được coi như một quyền năng tinh thần đầy tính chất táo bạo, giúp con người vượt lên những quyền uy của những lý thuyết đã xác lập để phê phán các tư tưởng, các lý thuyết đang ngự trị, tìm kiếm cái mới. Trí tưởng tượng năng động trong thơ ca được coi là một động lực của những sáng tạo, phát minh trong khoa học, và một hình thức nổi loạn của trí tuệ. Nhưng thơ ca chỉ phát huy được sức mạnh sáng tạo và nổi loạn của nó, khi nó được nhập tâm trở thành cảm xúc của con người, nhất là trẻ em. Yves Bonne Joy coi việc học thuộc lòng các bài thơ hay, là một cách nhập tâm hữu hiệu, giúp học sinh hòa đồng với khoảnh khắc sáng tạo của nhà thơ. Những bài thơ nhập tâm giúp các em giác ngộ chân lý thơ ca hơn tất cả những bài diễn giải tác phẩm thơ thành các mệnh đề lý luận.

Những bộ phim hoạt hình, giả tưởng của Hollywood hiện là những siêu phẩm thể hiện một trí tưởng tượng tuyệt vời của các nhà làm phim, cuốn hút bao thế hệ trẻ thơ trên phạm vi toàn cầu. Thế nhưng, người Mỹ đã chê trách Hollywood đang cướp đi trí tưởng tượng của các em khi luôn luôn tưởng tượng thay các khán giả nhỏ tuổi. Hầu hết các em bé đã xem các phim chuyển thể từ tác phẩm văn học, rồi thấy không cần đọc tác phẩm nữa. Và đó là cái cách các em mất đi trí tưởng tượng phong phú khi tiếp xúc với tác phẩm văn chương. Theo Yves Bonne Joy, hình ảnh trên truyện tranh, phim ảnh, truyền hình cũng bổ ích cho tâm trí trẻ thơ khi nó không tràn ngập, lấn át ngôn ngữ và làm thay ngôn ngữ. Khi hình ảnh xuất hiện liên miên không ngừng nghỉ, với những thủ pháp gây ấn tượng thị giác và thính giác trói chặt các em vào màn ảnh nhỏ thì nó sẽ “bẻ gãy sự bay bổng của trí tưởng tượng là yếu tố góp phần bảo đảm sự sống cho ngôn từ, giúp cho ngôn ngữ luôn luôn hiện diện và linh hoạt”.

Cần thấy hết vai trò quan trọng của văn học, nghệ thuật trong việc giáo dưỡng trí tưởng tượng. Trí tưởng tượng thi ca sẽ giúp chuyển giao những giá trị nhân văn truyền thống và tạo cho con người những năng lực cách tân.

 

Thực trạng văn học, nghệ thuật dành cho thiếu nhi hiện nay

Trước đây, văn học thiếu nhi đã ghi dấu ấn rất sâu trong sự hình thành ký ức và nhân cách của nhiều thế hệ, nhất là các thế hệ chống Pháp và chống Mỹ. Thế nhưng, đến nay văn học thiếu nhi của ta hầu như không còn đi được vào chiều sâu tâm hồn lớp trẻ nữa. Các nhà văn cũng giảm hứng thú viết cho các em. Trong tổng số hơn 300 hội viên Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh, chỉ có khoảng 20 người theo đuổi con đường văn học thiếu nhi, mà đa số họ đều đã bước vào độ tuổi ngũ, lục tuần. Nhà văn Lê Phương Liên nói: “Các nhà văn thế hệ đi trước dù viết cho người lớn thường cũng ít nhất một lần cầm bút viết cho thiếu nhi. Quan tâm đến các em và viết cho các em dường như đã trở thành một hoạt động có liên quan, và là hoạt động mang tính toàn diện trong sự sáng tạo của mỗi nhà văn. Nhưng nhà văn trẻ hôm nay thì không như vậy”.

Truyện tranh là một thể loại nghệ thuật đã phát triển đến mức được coi như Nghệ thuật thứ 9 sau Nghệ thuật Design. Tại thị trường Việt Nam, truyện  tranh cũng khá phát triển, với sự gợi hứng của bộ truyện tranh Doremon từ hai thập kỷ trước. Nhiều cuốn truyện tranh đẹp về danh nhân lịch sử và văn hoá Việt Nam, về các truyện cổ tích Việt Nam, đã được NXB Kim Đồng cho ra đời, được độc giả yêu thích, có tính giáo dục cao. Gần đây, các truyện tranh mang phong cách Manga của Nhật Bản ra đời rất hút khách. Nổi bật nhất là truyện tranh Đất Rồng của nhóm nghệ sỹ Đinh Việt Phương và công ty 3D Art đã thu hút hàng vạn người xem trên mạng và đã đoạt giải Ba cuộc thi quốc tế về truyện tranh do Nhật Bản tổ chức năm 2014. Trong khi truyện tranh phát triển như vậy thì sân khấu thiếu nhi lại rất mờ nhạt, nếu không muốn nói là không có. Hầu như chỉ có Nhà hát Tuổi trẻ ở Hà Nội và một số nhà hát ở Tp. Hồ Chí Minh làm các chương trình có tính tạp kỹ, ca nhạc nhân dịp 1-6, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán… Hầu như không có các vở diễn cho thiếu nhi có tính nghệ thuật cao, có sức sống lâu dài, diễn thường xuyên.

Điện ảnh cho thiếu nhi thì luôn luôn thăng trầm bất trắc. Bà Bitte Eskilson - Giám đốc phát hành Viện phim Thụy Điển cho biết: “Khi tôi vào khách sạn nước sở tại, việc đầu tiên tôi làm là bật ti vi để xem đất nước này dành cho trẻ em các chương trình gì. Đó là con đường ngắn nhất để hiểu biết về nền văn hóa của nước đó”. Điện ảnh cho thiếu nhi ở Việt Nam cũng đã từng phát triển khá bề thế với những tác phẩm đi vào xã hội, đoạt giải cao tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế, nhưng hiện nay hầu như không có phim truyện nghệ thuật nào làm cho thiếu nhi. Theo các cuộc điều tra dư luận, các phim hoạt hình Việt Nam chiếu ở rạp và trên màn ảnh nhỏ đều được các khán giả nhỏ tuổi thích thú. Thế nhưng từ nhiều năm nay Hãng phim Hoạt hình Việt Nam luôn luôn ở trong tình trạng sống dở chết dở, bỏ thì thương vương thì tội, mỗi năm chỉ sản xuất 5 phim ngắn, mỗi phim 10 phút. Trong danh mục các doanh nghiệp công ích, không có Hãng phim Hoạt hình Việt nam, điều đó chứng tỏ rằng phim hoạt hình chỉ được coi là một thứ hàng hoá ngang hàng với các thứ hàng ngoại nhập. Gần đây Hãng phim này bắt đầu trang bị thêm nhiều máy móc hiện đại, nâng cấp về công nghệ, mở rộng thị trường, nhưng vẫn khó khăn về vốn sản xuất và hị hạn chế bởi tư duy tầm ngắn, chưa hướng tới xây dựng các tác phẩm mở rộng trí tưởng tượng cho các em. Bộ phim Những đứa con của Rồng do Hãng phim Hội điện ảnh VN sản xuất rất công phu và có giá trị nghệ thuật, nhưng sau lần chiếu ra mắt dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, phim không được phát hành rộng rãi. Vô cùng lãng phí cả về kinh phí sản xuất lẫn hiệu quả văn hoá xã hội mà bộ phim có thể đưa tới cho khán giả.

Phim hoạt hình với chuỗi hình ảnh năng động gây ấn tượng kiểu quảng cáo có tác động rất mạnh vào việc hình thành tiềm thức văn hoá của các em. Đành rằng, những người hùng, những rôbốt, những con người của nền kỹ thuật cao chinh phục không gian, diệt trừ  ác quỷ bằng những phương tiện hiện đại cũng có thể tác động tích cực đến trí tưởng tượng và mơ ước của các em. Nhưng nếu bên cạnh những hình ảnh đó, các em không được tiếp thu những hình ảnh của con người, cỏ cây, sinh vật, truyền thuyết và biểu tượng gần gũi quanh mình, không được sống trong không gian hoạt hình mang tâm hồn và phong thái của văn hoá Việt Nam thì sớm muộn trí tưởng tượng và mơ ước của các em cũng bị mất cầu nối với thực tại. Các em sẽ yêu những chú chó Nhật, mèo Tây và rôbốt Mỹ mà ngày ngày các em thấy trên phim hơn những con chim, con gà, con vịt, cái cây trong vườn nhà. Đó là chưa kể ngày ngày, trên tivi chiếu những bộ phim hoạt hình đầy bạo lực lôi cuốn mãnh liệt sự say mê của các khán giả nhỏ tuổi mà gia đình các em không thể kiểm soát được nội dung, cũng không thể dễ dàng bứt các em ra khỏi sức hút của các phim thị trường này.

Vậy mà, cho đến giữa thập kỷ này, trong một năm chúng ta chỉ có 50 phút phim hoạt hình để chọi với hàng vạn phút phim hoạt hình ngoại nhập. Chỉ nhìn qua sự chênh lệch về số lượng đó đã thấy trẻ em chúng ta đang sống trong thế giới hình ảnh nào, đang hình thành nhân cách theo sự hướng dẫn nhào nặn của ai. Đó không chỉ là hậu quả của một tầm nhìn ngắn trong văn hoá, mà còn bộc lộ một trách nhiệm chưa đầy đủ trước tương lai.

 

Giải pháp chấn hưng văn nghệ thiếu nhi

Với các lĩnh vực như văn học, sân khấu và âm nhạc, cần đầu tư nhiều hơn cho các giải thưởng có tầm, các trại sáng tác dài hạn, các dự án, các cuộc thi quy mô có tầm quốc gia và quốc tế, tạo nên sự phân biệt trong xã hội về giá trị nghệ thuật và giá trị thị trường để tạo vị thế cho các tác phẩm nghệ thuật đích thực. Các chương trình sân khấu học đường, điện ảnh học đường cần được tiếp tục theo hướng mới, phù hợp hơn với chiến lược chung.

Với những lĩnh vực đang có đà phát triển nhưng còn phiến diện hoặc thiếu các điều kiện cần thiết cho nhảy vọt như truyện tranh, điện ảnh, cần mạnh dạn đầu tư để sản xuất những bộ truyện tranh hấp dẫn, ăn khách và có giá trị nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lấy chất liệu từ huyền sử, lịch sử và văn hoá Việt Nam như truyện Đất Rồng, xây dựng nhưng bộ phim hoạt hình lớn theo kiểu Hollywood để bổ sung cho thế giới hình ảnh của các em những hình ảnh xúc động, ấn tượng của Việt Nam bên cạnh những hình ảnh tưởng tượng mang tính toàn nhân loại. Tại sao chúng ta đầu tư hàng chục tỷ để sản xuất phim truyện, mà không thể đầu tư tương tự cho việc sản xuất phim truyền hình chiếu rạp, trong khi các hoạ sỹ tạo hình kỹ thuật số của Việt Nam đã có trình độ làm thuê cho nhiều công ty quốc tế? Chúng ta cũng đầu tư hàng triệu USD mỗi năm để sản xuất 100 phim truyện truyền hình (chưa kể phim của các Đài Truyền hình địa phương) phát sóng phục vụ người lớn, tại sao không thể chi ra một nửa số tiền đó để sản xuất 50 phim hoạt hình phát sóng phục vụ các em?

Tại sao các nước có những bộ phim dài tập về lịch sử và văn hoá của họ mà chúng ta lại không nghĩ đến chuyện sáng tác cho các em những bộ phim như vậy? Một bộ phim hoạt hình dài nhiều tập về các truyền thuyết dựng nước và giữ nước của dân tộc ta như Đài THVN đang triển khai là một dự án đúng tầm, đúng hướng. Nhưng trong khi nhà Đài chỉ cần bỏ ra 70 USD là có 10 phút phim ngoại phát sóng, thì để sản xuất 10 phút phim Việt Nam phải mất từ 8.000-10.000 USD. Đó là bài toán kinh tế có sức ngáng trở các dự án sáng tác của nghệ sỹ Việt Nam.

 

(Nguồn: Văn nghệ số 22/2014)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn