Đầu xuân năm mới chúc BÌNH AN/ Chúc luôn TUỔI TRẺ chúc AN KHANG /Chúc sang năm mới nhiều TÀI LỘC/ Công thành danh toại chúc VINH QUANG…
Gửi thư    Bản in

Đọc tập THƠ TÌNH SÔNG CỬU LONG nghĩ về những miệt yêu

Nhà thơ Trần Quốc Toàn - 23-07-2011 08:37:06 AM

VanVN.Net - Sau các tập Thơ tình Sài Gòn, Thơ tình Hà Nội, Thơ tình xứ Huế, Thơ tình cao nguyên và Thơ tình duyên hải miền Trung, Nhà xuất bản (NXB) Trẻ và Công ty truyền thông Sơn Ca ra tiếp tập thứ 6: Thơ tình sông Cửu Long. Hôm nay, 23/7/2011, 84 đồng tác giả của tập thơ tình này đã họp mặt tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, chào đón sản phẩm thơ ca của một vùng đất của mình...

1. Có cách yêu riêng của người ở mỗi vùng đất không? Tôi hỏi câu này với tác giả bài Chuyện tình chim cồng cộc - Võ Tấn Cường, người đang sống, yêu và làm  thơ  tại một  thành phố ven sông Tiền và  được  trả  lời: “Tôi  nghĩ,  nhìn  ở góc độ lý luận văn học, có thể có cách yêu riêng, mang đặc trưng riêng của tính cách con người ở mỗi vùng đất. Cách yêu theo kiểu hình tượng chim cồng cộc thật quyết liệt, dữ dội và mê đắm. Những tình yêu đích thực thường như vậy. Chân thành, say đắm và thủy chung mãi mãi…”. Cũng vẫn câu hỏi ấy, một người có trách nhiệm chuyên môn, gắn bó với không chỉ một miệt Cửu Long mà với cả 6 miệt thơ, 6 tập thơ - nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có câu trả lời: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc xuất bản các tập thơ chuyên đề về một đề tài, một vùng đất. Vì chỉ từ một mảnh đất cụ thể nào đó, nhà thơ mới có cảm xúc, kỷ niệm, địa danh, phương ngữ, có tình nhân, một dạng nàng thơ dễ thương nhất… mới có thi liệu cho những bài thơ tình. Nhân đây cho tôi gửi  lời chúc mừng thân thiết nhất đến các bạn thơ có mặt  tại Long Xuyên. Chúng ta có Ngày thơ Việt Nam chung, bắt đầu cho một năm thơ từ rằm tháng giêng hàng năm; tại Long Xuyên, ngày 23/7/2011 bắt đầu cho một tuần trăng thơ của vùng đất thân thương ấy. Mong các bạn có thêm những bài thơ hay để trăng sáng mãi mỗi tuần trăng. Xin gửi từ Hà Nội một lẵng hoa mừng. Với riêng anh Chính Sơn Ca, người đỡ đầu cả 6  tập thơ của 6 miền đất, cho tôi bày tỏ sự kính trọng trước một tình yêu thơ trong sáng và vững bền, một sự ưu ái của một bạn đọc lớn dành cho thơ”. 

Còn đây là ý kiến một đồng tác giả của tập thơ, Nguyễn Thị Việt Hà, tác giả một bài…thất tình trong tập:“Tình yêu là cung bậc kỳ diệu nhất trong cảm xúc con người, cách yêu có lẽ không khác nhưng biểu hiện sẽ khác ở những con người sống ở những vùng đất khác nhau. Thơ tình duyên hải miền Trung đằm thắm, dịu dàng, nhiều hy sinh, chịu đựng, mất mát nhưng vẫn ngời hy vọng hệt như tính cách của người miền Trung gian lao mà kiên cường. Còn tình yêu của vùng đất đồng bằng sông Cửu Long  nhiệt thành, lãng tử, sôi nổi, thẳng thắn, quyết liệt  nhưng  không  hề  kém sự lãng mạn, tinh tế, sâu sắc, nồng nàn mà bản chất tình yêu vốn có và thể hiện đúng với bản chất con  người vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Rồi Việt Hà lạc đề: “Không biết con số 84 tác giả là hạn định của tập thơ hay chỉ là sự dừng lại tự nhiên của công việc. Tôi thấy thiếu vắng Hồ Thanh Ngân tài hoa lận đận, giờ lưu lạc tận Trần Văn Tời, Cà Mau, an phận là một thầy giáo dạy Giáo dục công dân; BT Áo Tím (Nguyễn Tị Be Tư); thầy giáo, nhà  thơ già Nguyễn Duy Vinh, Hoàng Anh Việt (Cà  Mau);  Hữu Nhân (Đồng  Táp); Nhật Hồng, Phương Huy (Cần Tơ)... và tôi tiếc cho các anh chị, các bạn thơ của mình”. Người viết bài này cũng  tiếc, giá như có thêm Nguyễn Ngọc Tư (Cà Mau), người làm thơ tình trẻ nhất, vì mới in thơ từ năm ngoái, sau khi đã là mẹ của hai đứa con, thì hay biết mấy!” 

Nhà thơ Hữu Thỉnh soạn thư gửi các tác giả tập Thơ tình đồng bằng sông Cửu Long

2. Thơ khó bán, thế mà Sơn Ca đầu tư để ra liên tục trong 3 năm 6 món văn hóa phẩm khó bán! Tôi đem thắc mắc này hỏi nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, Chủ tịch Hội  Văn Nghệ An Giang và được giải  thích: “Là một người làm thơ, yêu thơ, quản lý văn  học nghệ thuật địa phương, tôi rất quý trọng và kính nể các anh ở Công ty Sơn Ca. Công  ty kinh doanh ngành nghề không dính gì đến văn học nghệ thuật, các anh lãnh đạo công  ty cũng không phải nhà văn, nhà thơ; chỉ vì lòng yêu thích thơ văn mà các anh đã bỏ ra một số tiền lớn để xuất bản các tuyển tập thơ và truyện ngắn từng khu vực. Các anh biết chọn một ban biên tập rất nghiêm túc và cho ra đời những ấn phẩm đẹp, trang trọng. Khi  sách phát hành, các anh còn tổ chức họp mặt tác giả, giới thiệu tác phẩm rất chu đáo. Chuẩn bị cho buổi họp mặt các nhà thơ đồng tác giả của Thơ tình sông Cửu Long, các anh đã cho nhân viên đi tiền trạm, chọn lựa địa điểm tốt nhất. Điều đó đã nói lên tâm huyết và tấm lòng của các anh đối với văn nghệ sĩ chúng ta. Tôi tin rằng tủ sách Sơn Ca sẽ phát triển ngày một đa dạng và chất lượng hơn, góp phần làm phong phú  nền văn học nước nhà. Lâu lắm rồi khu vực đồng bằng sông Cửu Long mới có được một tuyển tập thơ tình đông đủ anh chị em thi hữu như vậy! Tôi rất  lấy làm tiếc khi vắng mặt một số (dù là ít) người làm thơ tên tuổi của khu vực”. Về việc này, nhà thơ Vũ Hồng, ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, người được hội “cắm” tại miệt yêu này thì phát biểu: “Bản thân tôi rất thích có nhiều tủ sách như thế này cho đồng bằng sông Cửu Long nói  riêng và của cả nước nói chung. Tôi nhớ cách nay hai năm, tủ sách Sơn Ca đã in Bufet truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long. Tôi  là một trong những người chọn bài cho tập  sách này. Chọn thôi chứ không biên tập. Ngày Sơn Ca cho ra mắt tập sách này là một ngày vui tại thành phố Cần Tơ, tôi bận việc gia đình nên không đến được. Là một người viết, tôi xin cảm ơn Sơn Ca đã làm được những việc mà anh chị em sáng tác chúng tôi chưa làm được. Và cũng hy vọng chiếc cầu nối này là mãi mãi…”.

3. Mãi mãi hay không, cần nhìn vào chất lượng các tập thơ. Tôi đã đọc nhiều lần 84 bài thơ trong bản thảo chính thức của Thơ tình sông Cửu Long và ghi lại được không ít câu hay, bài hay. Yêu là tiếc nuối chút gì dân dã đang mất đi: Bao giấc chiêm bao thoáng em ngày xanh/ Tóc thơm nửa chừng thức giấc/ Ngày nào xuân vàng mật/ Nao nao hoa đỏ trên cành (Hồ  Trường). Yêu là nhìn ra tình quê trong tình nhân: Dòng sông thì rộng mênh mông/ Áo em lại thắt eo hông làm gì/ Khen ai khéo chiết đường ly/ Để cho tà áo thầm thì lời quê/ Diệu kỳ tà áo đam mê/ Cho xuồng ba lá xuôi về bến mơ (Áo bà ba). Yêu là lo lắng: Miết rồi Mặt trời có còn mọc sớm/ nếu một ngày anh chẳng còn em! (Lê Chí). Yêu là đắng cay: Không biết tự bao giờ/ Em đã thành góa phụ/ Trong ngôi nhà luôn có anh (Song Hảo). Yêu là chịu đựng: Người đàn bà trở thành đàn ông trong ngôi nhà có đàn ông/ Chèo thuyền đàng lái/ Con mèo nhỏ nhe nanh hổ cái/ Vồ khuyết  vầng trăng (Trần Thị Ngọc Hồng) và khi không được yêu  thì như chim cồng cộc (không phải uyên và ương, không phải loan và phượng: Treo dốc ngược đầu cành cây cao/ Chim cồng cộc tiếc thương bạn tình/ Quên đói khát/ Quên tiếng hót/ Quên sự sống/ Tìm bóng hình thương yêu ký ức ảo ảnh đáy nước... (Võ Tấn Cường)

Trong tập Thơ tình sông Cửu Long, người miệt yêu này đã yêu hết mình! Và điều ấy  làm nên chất lượng cho một tập thơ tình.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn