Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Tản văn: "Cánh đồng qua khung cửa sổ" - Nguyễn Hải Yến

09-01-2015 08:06:37 AM
Phòng làm vệc của mình trên tầng ba, cửa lớn cửa nhỏ, trong song ngoài kính, rèm xanh kéo kín cả ngày. Phòng chiếu, máy đa năng chớp nháy, quạt trần ù ù, càng quạt càng nồng. Ngồi triền miên, tai ung, mắt mỏi, chân cứng, lưng đơ, đầu óc ì ạch đóng khung, xếp thành nếp. Mỗi lần muốn tư duy gì, khỏi cần nghĩ, bấm nút, lật trang. Ngày hôm nay giống ngày hôm qua, giống ngày hôm qua nữa. Chẳng mấy khi đổi thay. Mà cũng đổi thay làm gì khi công việc được lập trình, máy móc làm chủ, con người thành công cụ. Rồi bỗng đến một ngày, sau khi kết thúc công việc, tắt đèn, ngồi chìm nghỉm trong bóng tối, lặng như tờ, chợt giật mình tự hỏi: Tại sao mình chưa biến thành cỗ máy người?

Câu hỏi nối dài qua một đêm không ngủ đến tận sáng hôm sau, khi mở cánh cửa tầng ba ngoài kính trong song, kéo rèm buổi sáng ăn mày chút nắng héo cuối mùa rớt lại, chợt ồ lên vì nhận ra rằng: Mình vẫn còn là người bởi phòng máy này còn có một khung cửa sổ!

Đó là khung cửa sổ nhìn ra cánh đồng!

Ảnh: Hoàng Long

Một năm, hơn ba trăm ngày - mưa cũng như nắng, việc đầu tiên của mình khi bước vào phòng là mở khung cửa ấy ra. Mưa - để nước quất vào mặt cho tỉnh cơn mê cơm áo gạo tiền. Nắng - để bình minh mơn man trong tóc và gió rúc rích trong tầm tay kéo ra khoảnh đồng bốn mùa đa sắc, đa hình - cánh đồng của ngày hôm nay và là cả cánh đồng của ngày xưa đã ngủ quên đâu đó trong kí ức.

Này đây, gần nhất là đầm nước tròn, mùa đông trong thăm thẳm, nhìn rõ cả đám rong đuôi chó lả lướt, uốn lượn, bá cổ kề vai, vểnh mặt nhìn thẳng lên tầng ba, thách thức: Có giỏi xắn quần lội xuống đây, vớt chúng tớ lên, băm nhỏ, nấu cám lợn như ngày xưa? Rồi lại quay sang nhau hỉ hả: Chả sợ! Thách kẹo cũng không dám! Váy dạ, tất bông, khăn len kín mít thế kia mà. Ngày xưa cả ngày chân đất, quần cộc hững cộc hờ, áo vá chằng vá đụp mới dám. Mà bọn lợn bây giờ cũng lên hàng quý tộc, ăn ngày dăm bữa bằng thức ăn đặc chủng, còn lâu mới thèm ăn bọn mình nhỉ ? Cứ sống khỏe đê! Rồi lại uốn éo, lả lướt vũ điệu của loài dong, không thèm liếc lại tầng ba một liếc, ngụ ý an ủi rằng: Đằng ấy cứ thế kia, chúng tớ cứ thế này. Hai ta hai phương trời, nước sông không phạm nước giếng. Mình tức lộn ruột mà chẳng dám lội ra giữa đầm, lôi chúng nó lên, vằm cho một trận. Như xưa.

Mùa hè, vẫn cái đầm tròn lấp lóa nắng, chói mắt trong cái dịu dàng với cả một trời mây trắng thẩn thơ trong lòng nước. Hoa cúc dại nở kín ven bờ. Năm cánh trắng tinh khôi. Nhị vàng li ti rực lên như mặt trời. Hàng ngàn, hàng vạn bông hoa đồng đội rập rờn chung cảm xúc. Sáng nao nức, trẻ trung trong gió mơn man và nắng hồng đậm bắt đầu nồng nhưng chưa gắt. Trưa uể oải rũ vai, gục đầu vào nhau tránh cái nắng xiên thẳng, xiên chéo phũ phàng chẳng thương hoa tiếc ngọc. Buổi chiều hồi lại, lại nao nức, dịu dàng nhưng cứng cáp và đằm thắm hơn. Ong bướm ríu rít tìm hoa, tôm tép búng mình lách tách. Thi thoảng còn bắt gặp cả một chú rắn mòng dạo chơi ngang đầm, vẽ một đường ngoằn nghoèo trên mặt nước phẳng. Đầm nước bình yên mà chẳng lúc nào không sôi động.

Cách một bờ mương là ruộng rau muống cạn, hình tam giác, có cạnh huyền kéo dài như một mũi tên ra tận mép đầm. Chắc đây là chân ruộng gót, còn thừa sau khi đã chia lô. Một năm ba mùa xuân, hạ, thu, cứ mở cửa ra là thấy cái nón ngả màu vàng lúi húi. Người phụ nữ ngày nào cũng như ngày nào, tay đeo xà cạp, chân trần, quần xắn đến đầu gối, nhặt cỏ, rắc phân đầu này, hái rau đầu kia với đôi quang gánh tre lên nước bóng loáng và bó bẹ chuối, nắm lạt để bó rau. Nhà chị ngay cạnh con đường bê tông nhỏ bên bờ đầm, một mẹ, một con - ngôi nhà bé tí xíu, lợp ngói với giàn hoa tím bò ngang trên mái. Gánh rau bao giờ cũng thế, vừa về đặt trước mảnh sân gạch nhỏ là đã có người đến hỏi mua. Hàng xóm láng giềng làm bữa, người đi làm đồng về rẽ ngang, người cơ quan mình sai trẻ con vào lấy hộ. Còn dặn nhờ bác nhặt rửa luôn cho, cô chúng cháu về chỉ việc nấu.

Cuối thu, rau muống cùn lại, ngọn ngắn, lá dầy lên, nhọn như lá lúa, bé và giòn. Ăn cứng nhẳng nhưng lại đẹp ở mùa hoa. Hoa muống trắng tím nở bung buổi sáng, bạt ngàn trên ruộng cạn, lung linh hình chuông, ngửa mặt xinh đón nắng vàng. Lại ước ao bé lại, đi hái hoa rau muống về chơi. Như ngày xưa.

Con đường mòn men theo xóm nhỏ, ranh giới chừng hai bước chân, ngăn xóm thôn với khu lăng mộ. Người sống quây quần bên người chết. Không khoảng cách, chẳng xa xôi. Lũ trẻ con ngày ngày vào sân lăng chơi đồ hàng, người lớn vác ghế ra hóng gió. Khói bếp quẩn quanh. Thế giới người chết cũng tím khói chiều, chỉ có điều không sôi động, ồn ào mà trầm tư, hoài niệm xa xôi. Sáng hè, những cây đại trắng, đại đỏ bung hoa, nắng xuyên qua tán cây thành vệt, đẹp mơ màng trong bình yên tĩnh lặng. Cuối đông, bụi hoa trạng nguyên bừng lên sắc đỏ, giục giã người sống về những khát vọng công danh.

Tầng ba, 365 ngày của năm kéo rèm kín mít. Ngoài cửa sổ, cánh đồng bốn mùa lúc thong dong, lúc đầy nhóc gió, lúc phơ phất, lúc oàm oạp mưa, lúc vàng óng hanh hao, lúc hừng hực nắng. Ngồi đây để nhắc mình rằng : Đã có một thời  mình có một cánh đồng tuổi thơ của riêng mình như thế.

Cánh đồng của mười mấy năm tuổi thơ. Không đủ khả năng làm nông dân thực thụ như lũ bạn, không dám cưỡi trâu hò hét dọc triền đê, không gánh được gánh cỏ ngập đầu, chỉ còn hở ra nón trắng mà hai chân vẫn dẻo như múa, không biết cấy, chỉ biết gặt, sợ đỉa, sợ nước mình chỉ dám làm nông dân nửa mùa. Bởi vậy chỉ thích đồng màu mùa đông.

Ngày ấy, làm gì có lúc cả cánh đồng nâu xỉn gốc rạ cắt ngang cây để mặc cho gió hút, buồn thê lương trong chiều xám như giờ. Chỉ vài hôm sau gặt, rạ đã bốc hết lên bờ ruộng, bờ mương, đã về đến đường thôn, ngõ xóm phơi phóng đằng rạ để chất đống, thay mái lợp nhà, chuẩn bị tết đến sầm sập sau lưng. Đất ruộng cuốc lật lên, đánh luống, lại dập dây khoai, lại bổ hốc cà. Sau nửa ngày đi học, cả cánh đồng mênh mông hút tầm mắt là của riêng tụi mình. Mỗi đứa một nùn rơm nghi ngút khói, thi thoảng thổi, hơ tay cho đỡ tím, mặt bớt tái, răng bớt lập cập va vào nhau vì gió đồng hun hút thốc ngược lên từ đôi chân trần lấm lem, nhem nhuốc đất, từ cái quần vá hàng chục mảnh, từ tấm áo mỏng manh lớp chị chồng lớp em và từ cả mái đầu trần không khăn, chẳng mũ, nghểnh mặt lên để đón gió trời. Mình vẫn còn nhớ cô bạn gái tên Quyên, ong óng dáng người, tóc dài ngang lưng lúc nào cũng thơm mùi bồ kết bay xòa theo chiều gió. Tóc dài ấy, dáng người ấy mọi người bảo số nhàn. Chẳng biết bây giờ người bạn gái số nhàn ấy phiêu bạt nơi đâu. Có một khung cửa sổ nào như mình để ngày ngày ngóng nắng, trông mưa, để chiến đấu, cầm cự kéo dài thời gian cho khỏi biến thành cỗ máy người ?

Nhưng thôi. Mình có khung cửa sổ của mình, chắc nó cũng có khoảng trời riêng của nó, kiểu gì cũng sẽ gặp nhau giữa cánh đồng bị úp chụp bởi màu trời xám xịt, chao nghiêng đôi cánh diều hâu. Mỗi đứa một cái rổ sề to vật để hái ngọn khoai. Đồng mênh mông, bạt ngàn khoai lang xanh búng. Chịu khó đi vài luống là đầy rổ. Bữa cơm đồng màu nhà nào cũng xanh mướt rau khoai. Lá nấu suông với mắm mèn để dành góc chạn, với nước hến đục lờ, ngọt lịm, ngọn luộc chấm mắm cáy, mắm tỏi, xào tỏi...Gần ba tháng trời chúng mình lê la hái rau khoai khắp cánh đồng, biết ruộng nhà ai chưa cấm ngọn, mai xuống cho kịp vụ, ruộng nhà ai chuột dũi, lở bờ để còn gọi người lớn ra cho kịp.

Ruộng xa trồng khoai, còn ruộng gần trồng rau, trồng cà. Để ăn, để cho là chính. Chẳng bán buôn, lờ lãi gì. Nhà này có ăn bắp cải mai qua mà chặt nhé! Bà Bể đi qua gọi với mẹ mình. Vâng! Cháu xin! Ăn mãi rau khoai chán rồi bà ạ! Cà chua nhà cháu chín rồi, bà lấy về mà ăn! Cứ thế, trên đường về ghé vào nhà này xin một nắm mùi ta - thân tím, lá nhỏ, thơm nức mũi, xin ruộng bên đây mấy nhánh hành củ tròn trắng nõn, nhổ vài cây rau diếp lá xanh, cứng mà giòn, với mấy quả cà chua ruộng nhà chín đỏ là được bữa cơm chiều thơm thảo.

 Đi về qua bãi trồng ngô. Ngước mắt nhìn thân cây cao quá đầu người, mười bắp đến cuối mùa còn nguyên cả mười. Nhà nghèo, đứt bữa nhưng chẳng đứa nào trộm vặt vì biết rằng ngày thu hoạch, mỗi đứa trẻ trong làng sẽ được phần riêng một bắp. Để rồi cùng nhau nổi lửa giữa xám sẫm trời đông, nướng cùng nhau, chia nhau từng hạt, dặn nhau ăn dè để chiều còn phần mấy đứa bạn nhà xa.

Tối nay, ngồi bên lề đường với con, ăn bắp ngô nướng trên than hồng, nhìn phố xá ồn ào, đèn xe lấp lóa, chợt nghẹn lòng, ước một lần được trở về khoảng đồng xưa, để được chìa tay xin bạn từng hạt ngô nướng vội cháy xém trong xám sẫm đồng chiều.

 

 

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn