Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn: "Mắt thần" - Tống Ngọc Hân

08-01-2015 10:00:16 AM

 

Tuấn mở cánh cửa kính lùa, bước vào phòng, sốt sắng hỏi vợ. Em đã sang chỗ bố chưa? Vỡ đường nước sông Đà rồi, các cụ sinh hoạt thế nào? Hằng nhướng mắt sau cặp kính cận nhìn chồng. Đã có lúc nào mà sang, các cụ, các cụ, anh cứ làm như là…Hằng đứng dậy, kéo Tuấn ra phòng khách.

Tiếng hai vợ chồng cười rúc rích. Sau khi tắt màn hình, Hằng hả dạ. Anh thấy chưa, lắp camera trong nhà là sáng kiến của em đấy. Nhất cử nhất động của bố chúng ta đều nắm chắc. Hễ có biểu hiện gì chúng ta vèo sang, việc gì phải dềnh dang qua lại? Mà anh thấy đấy, các cụ hơi bị tình củm nhá. Tuấn cười. Biết rồi, không phải kể công. Nhưng nếu thế này mãi thì có xâm phạm quyền riêng tư của bố không nhỉ? Hằng tớn môi lên. Ôi dào, ngót tám chục tuổi rồi, còn gì nữa mà riêng với tư. Cụ kia thì cũng thế. Mà tìm được cái bà chăm chỉ gọn gàng này về hầu hạ bố cũng là công của em đấy nhé. Con giai cưng mà chả được nước nôi gì. Tuấn nghe vợ kể công thì sướng râm ran trong dạ. Nhất là cái cảnh bố anh, ông cụ bảy mươi bảy tuổi và bà Thuận đang ríu rít chuyền tay nhau từng xô nước nhỏ đổ vào thùng lớn trong nhà bếp để dùng dè. Mới hôm nào, sau trận đột quỵ, cụ còn phải cậy người nâng nằm nâng dậy, bón từng thìa cháo nhỏ. Thế mà giờ này… Nước mắt Tuấn cứ chảy ra. Hằng nguýt chồng một cái nhưng rõ ràng là nét mặt cô cũng hân hoan phơi phới. Căn hộ mặt tiền phố cổ này là của bà chị gái ruột Hằng đã định cư ở nước ngoài để lại cho vợ chồng cô. Cơ hội ngàn năm có một phải biết tận dụng. Thế nhưng bố chồng cô dứt khoát không chịu bán căn hộ đã sập xệ vốn là nhà tập thể cơ quan cũ để về đây cùng con cháu. Thành ra một chốn đôi nơi, đi đi về về. Lúc cụ khỏe mạnh đã đành, khi trái nắng trở giời thì cực lắm. Biết thế nhưng vẫn phải chiều vì cũng chỉ có một mình cụ để chiều thôi mà.

Bà Thuận tay xách cái làn nhựa trĩu một bên, một tay khẽ khàng mở khóa. Cửa vừa mở thì ông Đặng đứng ngay phía trong, gắt khẽ. Bà đi sao mà lâu thế? Tôi tưởng bà lạc. Bà Thuận ngước nhìn đôi mắt mờ đục đã sau bốn lần mổ của ông Đặng mà thấy ân hận. Ông mò ra đây làm gì? Nhỡ ngã thì sao? Tôi gặp người đồng hương ngoài chợ mà. Mừng quá, hỏi thăm về nhà xem bọn trẻ thế nào. Ông Đặng khẽ đi vào. Bà Thuận theo sau. Ông Đặng nói thế cũng có lý. Hồi mới về đây, bà Thuận đi lạc mấy lần trong chính con ngõ nhỏ tí, hẹp vanh và lắm ngóc ngách này đến mấy lần. Mãi rồi mới quen đấy. Đứng trên ban công tầng ba, nhìn thấy chợ phường, ấy thế mà cắp làn ra chợ, lúc về phải định hướng mấy lần mới về đến nơi. Người ta thạo đường, cả đi cả về ba chục phút, bà Thuận phải mất hai giờ đồng hồ. Ông Đặng sốt ruột là phải.

Thấy bà lục đục trong bếp rõ lâu, ông Đặng hỏi. Bà mua gì mà nhiều thế? Bà Thuận nói vọng ra. Tôi mua ít trầu cau, vàng hương thôi mà. Chẳng phải ông nói ba hôm nữa là giỗ…. Ông Đặng thở dài. Đúng rồi, giỗ mẹ thằng Tuấn, chúng nó sẽ sắm sửa đầy đủ, đâu phải việc của bà. Bà Thuận không nói gì nữa, lặng lẽ lau chùi bếp và chuẩn bị bữa trưa. Lâu lâu không thấy bà nói, ông Đặng cất tiếng trước. Trưa nay bà cho tôi ăn gì? Bà Thuận nói nhỏ. Tôi đang nấu món ốc nhồi xáo với chuối tiêu, đậu phụ. Ông Đặng giật mình, vết sẹo chạy dài trên khuôn mặt như ửng đỏ lên. Bà Thuận cũng lấy làm chột dạ. Một lúc sau bà mới nói. Qua giỗ mẹ cậu Tuấn tôi xin về quê mấy ngày xem chúng nó gặt chưa, với lại ở riết đây ba tháng rồi, cũng nhớ nhà quá. Ông Đặng khẽ xoay cái ghế, mắt ông mờ quá, chỉ thoáng thoáng thấy một cái bóng trăng trắng trước mắt mình đang chuyển dộng. Ông ngạc nhiên. Ừ, tôi cũng đỡ rồi, bà về mấy ngày rồi lên luôn nhé. Bà Thuận mỉm cười. Được rồi, tôi đã chuẩn bị sẵn hai lọ ruốc đây rồi, ông ăn hết tôi lên là vừa.

Minh họa của Vũ Đình Tuấn

Ông Đặng lặng lẽ ăn. Ông ăn nhiều hơn mọi bữa. Hương vị của món ăn dân dã như kéo ông về một quá khứ quá xa. Khoảng bốn nhăm năm trước. Hình ảnh bát canh chuối bay thẳng vào mặt cô vợ trẻ cùng tiếng trì chiết: “Mày thương chồng thế à, nó vừa mới ốm dậy mà đã ăn tanh ăn tưởi sao?”. Tiếng cô gái nức nở “Dạ, con biết lỗi rồi ạ, tại nhà con nói là thèm ăn nên..”. “Hả, cái loại nhà quê dốt nát còn hay cãi, cút ngay cho khuất mắt!”. Bát canh chuối ốc chỉ là giọt nước tràn ly thôi. Cả cái ly đã đong đầy bức bối, uất ức vì rước phải cái giống không biết đẻ, năm năm rồi không đẻ thì còn nuôi báo cô đến bao giờ? Cái họ Phạm này tuyệt nòi hay sao?

Ông ăn thế thôi chả lạnh bụng. Bà Thuận bất ngờ lên tiếng làm ông Đặng dừng nhai. Có lẽ nào bà ấy nhận ra mình chăng? Tên thay đổi, khuôn mặt biến dạng. Thân hình tiều tụy. Và hơn thảy là gần năm chục năm đã qua. Mang tiếng là năm năm đầu gối tay ấp nhưng kì thực gần nhau được mấy lần? Ông đi xuyên từ kháng chiến chống Pháp sang chống Mỹ. Bị thương nặng thì mới giải ngũ. Số lần vợ chồng gần gũi nhau năm năm đếm chưa hết hai bàn tay. Vậy mà… Chắc bà ấy không thể nhận ra mình. Quả đất tròn thế nào không biết. Giữa biển người tứ xứ, con dâu ông lại dắt bà về đây để chăm sóc ông. Qua câu chuyện ông biết bà đã lấy chồng sau cái ngày bị mẹ ông đuổi đi vài năm và đẻ liền tù tì bốn đứa con, hai trai hai gái. Con cái trưởng thành đâu vào đấy hết. Chồng chết rồi. Nông nhàn thì ra thành phố làm ô sin kiếm thêm đồng ra đồng vào…

Bà Thuận dọn mâm đi. Vừa rửa bát vừa nghĩ. Mắt ông ấy mờ thế. Giọng nói của bà thì qua bao thăng trầm, mưa gió dãi dầu đã khàn, đục. Với lại, bà đã nói chệch tên làng, tên xóm, và lấy tên cháu nội làm tên mình, dễ gì ông ấy nhận ra. Không thể nhận ra. Hôm ấy, ngay sau khi nhận ra người chồng cũ ngày xưa đã từng bạc nhược, hèn nhát bỏ rơi mình, bà đã toan bỏ đi. Nhưng nhìn người cũ nửa nằm nửa ngồi trên giường, gắng gượng nuốt từng miếng cháo loãng để chống lại bệnh tật, cưỡng lại cái chết, bà đã không đành lòng đi. Ở lại, làm ô sin cho chồng cũ. Chớ trêu thay.

Ông Đặng dỏng tai nghe ngóng rồi thủ thỉ. Sắp mưa đấy, bà có phơi phóng gì thì cất đi nhé. Bà Thuận úp cái bát cuối cùng vào chạn thì đi ra, mở cửa sổ. Đúng là trời đang vần vũ mây đen. Làm sao ông biết là trời sắp mưa? Ông Đặng cười. Thì các khớp gối, khớp vai tôi đang đau bại ra đây. Ông đợi lát, tôi lấy dầu bóp cho ông. Thôi, bà nghỉ đi, vừa ăn no mà. Bà Thuận lại chột dạ. Sao ông ấy biết mình hôm nay cũng ăn nhiều? Hay là ông ấy biết mình cũng thích ăn chuối ốc? Chả có nhẽ lại thế…

Hằng kéo Tuấn sềnh sệch vào trước màn hình camera, giọng tức tối. Thật quá lắm rồi. Đây anh nhìn đi. Anh xem, mụ ta thật không biết mình là ai nữa. Cái loại khố rách áo ôm mới phải đi làm ô sin mà không biết thân, biết phận. Tuấn lùi xa cái màn hình được kết nối với camera gắn ở nhà bố đẻ. Trên màn hình là hình ảnh bà ô sin đang đứng sau bố anh, ông cụ ngồi trên ghế. Bà vừa bóp vai, bóp gáy ông, vừa kéo đầu ông sát vào ngực mình. Thế thì còn thể diện gì nữa. Tuấn thở hắt ra. Hay em chịu khó tìm người khác. Hằng cau mày. Tìm người giúp việc đâu có dễ, già rồi mà còn lẳng lơ. Để em cho mụ ta bài học. Vừa nói Hằng vừa mặc cái áo chống nắng. Tuấn dặn với theo vợ. Em cư xử tế nhị chút nhé, chả bố tủi thân.

Hằng đặt túi chôm chôm vào ngăn mát tủ lạnh. Ngồi trên ghế, đối diện với bố chồng. Cô hỏi nhỏ. Bà Thuận đi đâu hả bố? Ông Đặng nói rất tự nhiên. Bà ấy vừa ra ngoài, chắc mua quà về cho cháu. Mai bà ấy xin nghỉ về quê mấy ngày. Hằng đang tròn mắt ngạc nhiên thì ông rút ra từ túi áo ngực cái phong bì, đặt lên bàn và dặn con dâu. Mai bà ấy về, lát nữa con trả lương cho bà ấy, nhớ đưa cái phong bì này, nói là của con thưởng thêm cho bà ấy vì tận tụy với công việc. Hằng tuôn trào nỗi bức xúc. Bà ấy tận tụy với bố thật lòng hay có mưu đồ gì đây? Bố muốn thưởng cho bà ấy thì đưa vào tay bà ấy, sao phải cậy con? Ông Đặng buồn buồn. Bố đưa thì bà ấy sẽ không nhận. Bố sợ bà ấy biết sẽ tủi. Hằng ngạc nhiên. Bố sợ bà ấy biết gì? Ông Đặng bối rối, nói lảng. Chẳng gì cũng là đồng hương. Hằng thẳng thừng. Bố rời quê mấy chục năm rồi, anh em họ hàng cũng chả còn ai dưới tỉnh cả. Quê bố là ở đây, là Hà Nội. Đến lạ. Được rồi, con sẽ đưa. Bà ấy thích thì về luôn cũng được. Cái ngữ ấy, kiếm đâu chả được. Ông Đặng sững sờ. Ấy chết, sao con lại nói vậy?

Hằng chả nói chả rằng, đi vào buồng của hai vợ chồng cô ngày trước, khóa cửa lại. Còn một mình ông Đặng trên ghế. Nỗi buồn ào đến không có cách nào khuây khỏa. Đúng lúc ấy thì bà Thuận về. Bà tíu tít khoe ông đôi giày vải màu đỏ, chiếc váy ren màu vàng, cái mũ nồi màu xanh lá cây. Bà bốn con, tám đứa cháu. Đứa nào cũng có quà. Ông cũng thấy vui lây. Ông có hai đứa cháu. Đứa lớn du học Anh quốc, đứa bé mới mười hai tuổi cũng trong trường quốc tế, mỗi tuần chỉ về nhà hai ngày. Và họa hoằn lắm, ông nài nỉ nhiều lắm, bố mẹ chúng mới đưa nó về thăm ông. Về thăm ông, mắt nó dán vào máy tính bảng, cũng không chơi với ông phút nào. Nó về, chủ yếu để ông ngắm nó cho đỡ nhớ rồi nó lại đi. Có thế thôi.

Trước khi về, Hằng gọi bà Thuận vào. Hai người to nhỏ gì đó. Lúc trở ra, khuôn mặt bà kém tươi tỉnh, hai mắt hoe đỏ. Đợi Hằng đi khuất thì bà khóc. Khóc không thành tiếng nên ông Đặng không biết. Đến mặt bà ông còn không nhìn rõ thì làm sao ông nhìn thấy nước mắt bà. Hồi xưa, lúc bà ra khỏi nhà ông. Ông chỉ nói được một câu. Tôi chúc mình chóng tìm được hạnh phúc mới. Sau đó thì vội vàng khép cửa. Rồi cánh cửa lại mở ra, một số đồ cũ của bà được ai đó ném theo gót chân bà, lăn lông lốc. Trong đó có cái hộp kim chỉ đan bằng cói, có nắp đậy rất đẹp. Hồi ấy bà có khóc. Giờ này, bà ra khỏi nhà ông với tư cách hoàn toàn khác. Cô Hằng bảo. Bố tôi già rồi, chả làm ăn được gì nữa đâu mà bà phải giở cái chiêu mèo mả ấy ra để quyến rũ ông. Nếu bà thấy tôi nói sai thì bà có thể không lên nữa cũng được. Một tuần nữa mà bà không có mặt, tôi tìm người khác. Tôi tìm người hầu hạ cho bố tôi chứ không tìm nhân tình nhân ngãi cho ông… Lúc ấy bà im lặng. Cô Hằng có cái nét gì đó phảng phất giống mẹ chồng bà ngày xưa…

Tôi về đây, ông giữ gìn sức khỏe nhé. Ừ, bà về rồi chóng lên nhé. Ông quờ tay, tìm bàn tay bà, nắm chặt. Ông còn chủ động kéo đầu bà vào ngực mình, xiết chặt một cái. Bà vùng gỡ tay ông ra. Bà đặt chùm chìa khóa vào tay ông, xách túi đồ, thoăn thoắt ra cửa. Ông ngơ ngác nhìn theo.

Tuấn vò đầu bứt tai, ném cái điều khiển lên nệm xa lông. Đến thế là cùng. Còn ôm ấp nhau. Mẹ anh mất, vừa mới giỗ hết. Sao bố anh lại làm thế? Họ cứ  như là nhân tình nhân ngãi với nhau không bằng. Nếu không có hệ thống camera, làm sao anh biết sự thật này. Nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà. Tiếng Hằng. Anh ơi, xem tiếp này. Ông Đặng nằm bệt trên giường. Ông không ăn uống gì cả. Thi thoảng ông đi ra cửa, chạm tay vào cái nắm đấm rồi lại đi vào. Cái bóng người cha già cô đơn di chuyển mò mẫm một mình trong căn nhà cũ khiến lòng Tuấn nhói đau. Tuấn bảo vợ. Em gọi bà ấy lên đi. Nếu cứ thế này, bố kiệt sức mất. Em không có số điện thoại, cũng chẳng biết bà ấy ở đâu. Có thể bố biết. Không đời nào cả, kệ bố. Nếu hai người có tình ý với nhau thật, thế nào bà ta cũng mò lên. Kìa anh… Tuấn lại nhìn lên màn hình. Bố anh đang đứng trước quyển lịch treo trên tường, tay run run xé một lúc hai tờ lịch. Tờ của hôm nay và ngày mai. Hôm nay là hạn cuối rồi. Bà ấy chưa lên. Tuấn đổ kềnh xuống nệm ghế, ôm đầu.

Bà Thuận đi nằm sớm. Đứa con trai út khẽ nói với theo. Nhà mình có thiếu gì nữa đâu, mẹ đừng lên Hà Nội nữa nhé. Con thấy mẹ dạo này sao ý. Bà Thuận khẽ đáp. Ừ, mẹ ở nhà thôi. Ở nhà chơi với các cháu. Trên giường, bà nằm quay vào trong, khẽ nén tiếng thở dài. Một lúc, bà ngồi dậy, xỏ dép đi ra ngoài, cất tiếng gọi. Hậu ơi. Cô con dâu út, làm giáo viên tiểu học, trạc tuổi ba lăm, Ở ngoài sân chạy vào. Con gọi cho mẹ vào cái số này. Số ai hả mẹ? Ừ, cứ gọi đi mà. Reng reng reng. A lô, tôi đây. Ừ, ông ăn cơm chưa? Hả, ông lại ốm à? Không, à có, à tôi chưa lên ngay được. Tôi sẽ lên. Mấy hôm nữa. Ừ, ông ngủ đi. Cô giáo viên đứng ngây người. Bà Thuận ngồi phịch xuống ghế. Những giọt nước mắt lăn xuống, tỏa ra, chìm vào những nếp nhăn. Con dâu bà thắc mắc. Mẹ bảo trông trẻ con cơ mà. Bà Thuận lắc đầu. Một ông già con ạ, ông ấy là thương binh, lại bị tai biến…

Ông Đặng ôm khư khư cái hộp điện thoại bàn trong lòng. Thế ra bà có ghi lại số điện thoại. Mà mình thật lẩm cẩm. Chính mình đọc cho bà ấy ghi vào tờ lịch để trong ví tiền, lúc bà ấy mới đến đây còn gì. Để đi chợ có lạc còn biết đường gọi về để ông cho người đi đón chứ. Người đâu mà người. Vẫn cái tính ương bướng, gan lỳ như ngày xưa. Cả tuần mới gọi. Làm người ta ăn không được, nuốt không trôi. Ngủ không ra ngủ, thức không ra thức. Cứ cái đà này, có khéo bà ấy nhận ra mình mất. Mà nhận ra rồi thì sẽ không thương mình nữa. Ai thương được cái giống bội bạc, hèn nhát chứ? Mình sẽ không để bà ấy nhận ra đâu. Ngày xưa mình là Đang cơ mà. Sau cái lần làm lại chứng minh thư, con Hằng khai thế nào mà cán bộ ghi thành Đặng, cả nhà quen mồm trêu ông Đặng. Vừa rồi bảo làm lại nhưng chưa kịp làm thì đổ bệnh.

Tuấn thì thào bên tai vợ. Mai mình đưa con về thăm bố nhé. Ông bị làm sao ấy, cứ suốt ngày ôm khư khư cái điện thoại bàn. Thì tình yêu gọi mà. Dạo này anh “chếch” camera đều ghê nhỉ? Mai em có hẹn với tụi bạn công ty cũ rồi. Anh cứ đưa con về trước. Tối em về nhé. Tuấn có vẻ không vui nhưng không phản ứng gì cả. Cứ tần ngần nghĩ đến cái dáng còm cõi của bố.

Bà Thuận xếp vào làn nhựa hai chục trứng gà nhà đẻ đã cuộn giấy báo từng quả một cẩn thận. Chục na mới vừa núng tay, bọc lá chuối khô. Một nải chuối ngự mới hua vàng. Cân đỗ đen…Những thứ quà quê bán đầy Hà Nội, nhưng người quê tận tay mang đi mới quý chứ. Không biết bà sốt sắng lên luôn thế này có khiến ông nghi ngờ? Ông mà nhận ra bà, liệu ông có khinh bà không? Khinh quá đi chứ. Già rồi mà còn tham việc, đi làm thêm làm nếm. Còn con Hằng, con dâu ông. Nó hỗn thật đấy, nhưng bà không thèm chấp. Vì ông, lương hưu đại tá, nó tưởng bà muốn xơ múi, lợi dụng túi tiền ông. Chứ nếu nó biết bà thật lòng thương bố nó, thì đời nào nó dám nói thế. Mình mà chấp nó, chẳng hóa mình bằng nó. Còn việc đi làm thêm. Có xấu xa gì đâu cái việc làm ô sin. Cái bà vợ ông cựu chủ tịch xã nhà bà đây, muốn đi cho khuây khỏa mà ngượng vì cái danh của chồng mà chả dám. Vô danh tiểu tốt, hóa lại hay. Có hơn trăm cây số, đường tốt, ngồi xe chưa đầy ba tiếng là tới nơi rồi. Mẹ lại đi à, sắp tết đến nơi rồi? Nghe thằng út hỏi, bà mỉm cười. Thì mẹ đi chuyến này, về tết là vừa.

 Anh lấy thêm một cái bát, một đôi đũa nữa đi. Hôm nay nhà mình có khách hả bố? Không phải khách. Hôm nay bà ấy lên. Tuấn nghe bố nói thế thì mừng rỡ, vội vàng đứng dậy lấy thêm một cái bát một đôi đũa và sang bàn ngồi đợi. Thằng bé đói quá bưng bát là ăn luôn. Reng reng reng. Ông Đặng lập cập đi đến bên cái điện thoại bàn, nhấc tổ hợp lên nghe. Mặt ông xịu xuống. Bà ấy nhỡ xe, thôi bố con mình ăn trước. Tuấn đã trổ hết tài nấu nướng mà bố anh chỉ ăn được độ hai thìa cơm chan muôi canh cua rau dút. Cái điệu bộ đứng ngồi nhấp nhổm của bố làm Tuấn chạnh buồn, nhớ đến mẹ. Nhưng anh không dám nói gì cả. Hình như ngay cả khi bố con anh trở về ngôi nhà này thì bố anh vẫn cô đơn, vẫn trống vắng. Anh bất lực trước khoảng trống trong lòng bố anh rồi. Thôi, bà ấy lên cũng tốt. Cứ cho là hai ông bà có tình cảm với nhau đi nữa, thì cũng chẳng ảnh hưởng tới ai. Làng xóm láng giềng cũng chả ai biết đấy là đâu. Họ mạc thì thăm khi mười họa mới thăm nhau. Lúc ấy, ô sin vẫn là ô sin cơ mà. Cứ để các cụ tự do, cho thoải mái cái suy nghĩ.

Anh phóng bạt mạng thế vỡ hết trứng gà của tôi chứ? Anh xe ôm chạy chậm lại. Bà đi thăm con dâu đẻ à? Không, tôi có ông anh trai trên này. Anh xe ôm lại tít nhanh theo thói quen. Bà Thuận để hẳn cái làn nhựa lên đùi mà vẫn xót xa. Na, chuối, trứng, toàn những thứ phải nhẹ nhàng cả…Gớm tôi còn sốt ruột bằng mấy anh ấy chứ, nhưng mà anh cứ chậm lại cho tôi nhờ. Bà bỗng thấy bâng khuâng. Mới có chục ngày mà đằng đẵng như thể mấy vụ ngô. Lâu đến thế là lâu. Thế mới gọi là thời gian chứ. Ấy thế, lúc cần trôi nhanh, nó vèo một cái cũng hết gần năm mươi năm, gần hết đời người. Rời nhà ông ấy mới có hăm ba tuổi đầu. Giờ tóc đã hoa râm. Lần này, ông ấy có nhận ra cũng mặc kệ ông ấy. Mình cứ chối. Cùng quá là nói cái cô Lài ngày xưa chết rồi là xong. Còn ông, ông có thay tên, thay lốt, đổi dạng thì cũng không thay được cái nụ cười hơi lệch một bên ấy đâu. Vừa kiêu kỳ, hấp dẫn, vừa đáng ghét, đáng giận thế nào ấy. Này anh, quá chục mét rồi. Anh xe ôm dừng lại, bà leo xuống, đưa tiền đã chuẩn bị sẵn, suýt nữa còn quên trả mũ bảo hiểm. Bà tất tưởi đi vào ngõ. Thi thoảng lại nghiêng người tránh một cái xe máy ở trong đi ra. Cái con mẹ bán bún riêu cua ở đoạn ngõ phình ra thấy bà thì xởi lởi. U về quê mới lên hả u? Có quà không u? Bà nhón cho nó một quả na rồi thoăn thoắt đi vào. Lách qua cửa sắt chỉ ngoắc cái khóa lấy lệ, bà bước vào khu tập thể, rẽ vào nhà 03, leo lên cầu thang. Tầng hai đây rồi, căn hộ số 4, nơi trông ra cái sân bóng chuyền của cơ quan, đầu giờ chiều, vắng tanh. Bà gõ cửa bằng cán cái quạt giấy. Có tiếng dép lê ra.

Bà Thuận la lối. Sao có chục ngày mà ông gầy sọm đi thế hả? Bà kiểm tra lọ ruốc cá. Hầu như còn nguyên. Lọ ruốc thịt thì mới vơi một tý. Ông hóm hỉnh. Tôi dành bụng để ăn quà quê của bà mà. Bà vừa bóc na, vừa đưa mắt quan sát toàn bộ gian phòng. Thấy cái điện thoại không để đúng chỗ. Đầu giường có mấy tờ lịch. Ghế đòn thì mỗi chỗ một chiếc. Bà biết, vợ chồng cái con nhà Tuấn vừa ở đây về. Na ngọt lắm, ông nhớ nhằn hột ra. Gớm, sắp xuống lỗ rồi bà còn phải dạy tôi ăn quả bỏ hạt. Thì tôi dặn không thừa đâu…Bà biết mình lỡ lời dừng lại. Ông thì không dừng, lại cố tình khơi gợi. Ngày xưa tôi có anh bạn ăn na toàn nuốt cả hạt, vì nhằn ra sốt ruột lắm. Đã là cái tính nết thì khó mà sửa được bà ạ. Chỉ có người bảo thủ thì mới không chịu sửa cái tính xấu. Có chứ, cái xấu thì sửa, còn cái tốt phải giữ. Bà nhìn ông tủm tỉm cười. Ông chìa tay như đứa trẻ háu ăn trước mặt bà. Trong khi chờ đợi, ông còn đặt tay lên đùi bà.

Thật quá quắt, chứng nào tật nấy. Hằng gầm lên. Từ ngày thuê ô sin hầu hạ bố. Thay vì hằng đêm trước giờ ngủ, hai vợ chồng xem một bộ phim hành động Mỹ thì giờ đây, họ xem phim tâm lý qua hệ thống camera. Nhân vật chính của bộ phim dài tập này là một ông đại tá nghỉ hưu và một bà ô sin quê mùa. Họ phải lòng nhau từ lúc nào không biết, cứ quấn lấy nhau như sam. Mỗi ngày mỗi say đắm. Ông đại tá phục hồi bệnh nhanh đến nỗi các giáo sư ở viện tim phải sửng sốt. Vì ở độ tuổi ông, đó là điều kì diệu. Tuấn mừng ra mặt. Chỉ có Hằng là tức tối. Đàn bà vốn lo xa. Người ta bảo lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Lửa rơm là lửa mau tàn. Tuấn bảo thế. Nhưng Hằng thì không biết bao giờ nó mới tàn. Chỉ sợ chuyện này lọt ra ngoài, vợ chồng cô mặt mũi nào với đồng nghiệp, con cái. Bố chồng cô còn là trưởng họ, trưởng tộc nữa chứ.

Ngày gì mà có người mang hoa tươi đến nhà ta thế này? Bà Thuận ôm bó hoa vào nhà, ngạc nhiên nhìn ông hỏi. Ông cười cười. Ngày phụ nữ Việt Nam. Bà Thuận càng lấy làm lạ. Sao ngày phụ nữ lại tặng hoa ông? Tặng bà chứ tặng gì tôi? Tặng tôi ấy à? Ai tặng hoa tôi chứ? Thế bà nghĩ ông hàng xóm nhà này tặng hoa cho bà chắc? Bà Thuận đỏ mặt. Ông Đặng lấy ra từ dưới gối một chiếc áo bà ba may bằng lụa tím, đưa cho bà. Quà của bà đây nữa này. Bà ngần ngại một lát rồi đặt lẵng hoa xuống bàn, cầm lấy chiếc áo ướm vào người. Giọng bà như lạc đi. Sao ông lại tặng áo cho tôi? Vì bà tốt với tôi. Bà Thuận cười nhạt. Ở đâu ra cái người đa tình thế, quyến luyến cả ô sin. Mà cũng ở đâu ra cái người vô tình thế, không nhận ra vợ cũ. Hay là nhân lúc này mình nói thật. Mà không được. Rồi con cái, cháu chắt hai bên khinh cho. Còn vong linh của những người đã khuất nữa chứ. Ông nhà bà mất cả chục năm nay đã đành. Bà ấy mới vừa đoạn tang. Ông Đặng cố mở to mắt mà không thấy gì rõ ngoài một khối tim tím trước mặt mình. Đúng là bà ấy đã không thể nhận ra ông. Người đâu mà mau quên. Mà thôi, quên còn tốt hơn là nhớ. Nhận ra nhau trong lúc này, chẳng phải bẽ bàng lắm hay sao?

Bà Thuận diện chiếc áo vào. Thật vừa vặn. Thế mới tài cho thợ may, may hồ vóng mà lại vừa được. Bà ôm bó hoa đứng trước cửa nhà. Bó hoa này là bà mua để tặng ông nhân ngày ông mổ mắt lần thứ năm, chữa căn bệnh đục thủy tinh thể. Các con ông đang đưa ông từ bệnh viện trở về. Không biết kết quả thế nào. Vừa hay, tiếng chuông ngân lên. Bà vội đặt bó hoa xuống bàn, ra mở cửa. Ông được con dâu và con trai dìu vào nhà. Thấy mọi thứ tinh tươm gọn gàng, các con ông có vẻ hài lòng. Chúng nói, sáng mai, bác sỹ sẽ đến tận nhà để mở băng che mắt. Lúc ấy kết quả thế nào mới biết. Khi các con ông về cả rồi. Ông Đặng nói khẽ. Tôi có cảm giác là ca mổ lần này thành công bà ạ. Tôi sẽ đón xuân bằng ánh sáng. Lúc ấy tôi mặc sức mà ngắm bà, các con và các cháu. Ơ hay, sao lại ngắm tôi? Bà Thuận đâm lo. Không biết khi nhìn thấy bà, ông có sốc không nhỉ? Chi bằng là gợi ý trước cho ông còn chuẩn bị tinh thần. Bà bảo. Trước khi mở băng che mắt, tôi đố ông một việc. Bà đố gì cứ đố đi. Tôi đố ông, tôi đang mặc áo màu gì? Bà mặc áo tôi tặng, nó màu tím. Tôi đố ông, năm nay cả tuổi đẻ, tôi bao nhiêu? Bà sáu tám. Ông giỏi thật đấy. Thế tôi đố ông gọi đúng tên cúng cơm của tôi. Thế ra bà không phải tên Thuận? Không, Thuận là cháu nội lớn nhất của tôi, ở làng có tục gọi thế. Để tôi đoán nhé. Hồng. Không phải. Lan. Không đúng rồi. Huệ. Càng không đúng. Bà thất vọng bước ra phía cửa, đứng dựa vào đó, khóc. Vẫn biết, có đứng gần thì ông vẫn không thấy nước mắt của bà, và bà vốn khóc không thành tiếng. Ông không nhận ra bà thật rồi.

Lài ơi…mình lại khóc đấy à?

Ông…ông vừa gọi em sao!

Không gọi mình thì gọi ai?

Sao đến bây giờ mới gọi tên người ta?

Thì bây giờ mình mới cho tôi gọi mà. Tôi đã nhận ra mình kể từ khi mình cất tiếng chào tôi!

Em cũng nhận ra mình ngay hôm ấy!

Bà Lài chạy đến, lao vào, ôm chầm lấy ông. Ông nghẹn ngào ôm chặt lấy bà.

Tuấn kéo vạt áo lau nước mắt, giơ điều khiển, tắt đi cái bộ phim tâm lý từ camera. Hằng cũng thế. Cô ngồi dậy, bước lại tủ, mở khóa, lấy ra cái phong bì. “Tiền bố thưởng cho bà ấy đây, hôm ấy, em tức quá nên không đưa. Giờ phải làm thế nào?”. Tuấn sụt sịt bảo vợ. “Mai chúng ta đến, anh sẽ xin bố mẹ. Còn một việc nữa phải làm ngay em ạ..”. Hằng gật đầu. “Vâng, em sẽ cho người đến tháo hết cái đám mắt thần ấy đi. Năm nay vợ chồng mình sẽ đưa con về nhà ăn tết cùng bố”.

(Nguồn: Báo Văn nghệ số 1+2/2015)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn