Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn: “Nghiệp” - Trần Nguyên Ý Anh

19-04-2014 09:13:07 AM

VanVN.Net - Thằng Lặt đang nằm vạ. Nó nằm sóng soài dưới đất, miệng thì khóc – khóc thiệt lớn. Hai tay hai chân đập bành bạch như người ta tập bơi. Nó nằm vạ vì chưa có gì ăn - nó đói.

Thằng Lượm ngồi dựa lưng vô vách, mắt ngóng ra con đường nằm giữa hai hàng mả đá. Nó không thèm ngó tới thằng em đã quen thói ăn vạ. Con Rơi, con Rớt đang ra sức kỳ cọ mấy củ khoai vẫn còn nguyên đất cát mà hai đứa vừa đi moi về. Con Rơi bắc cái xoong móp méo chỉ còn một bên quai, trong đó lỏng chỏng chừng chục củ khoai vừa bằng ngón chân cái lên cái lò bằng một miếng tôn khoanh lại. Con Rớt lấy mấy nhánh cây khô gác thêm vô đống tro vẫn còn un khói. Nó chổng khu thổi. Lửa gặp cành khô, bùng cháy. Mồ hôi rịn ra trên trán và trên môi, nó lấy tay quệt ngang một cái. Một vệt lọ đen nhèm bện qua gò má trông tức cười. Thằng Lặt đang khóc, ngó thấy mặt chị nó như thằng hề, nó nín liền và ngồi bật dậy:

- Mặt hề! Ê, mặt hề! Chị Ba mặt hề!

Rồi không biết nghĩ sao, nó lại nằm xuống, khóc tiếp. Khu nghĩa địa vắng tanh. Nắng đã tắt dần, chỉ còn những vệt yếu ớt đọng lại trên mấy tàu lá đủng đỉnh. Mấy chục dãy mộ thẳng hàng tăm tắp. Đây là khu “Nhị tì Quảng Đông”. Người Hoa có nhiều Bang Hội và mỗi Bang Hội đều có nơi sinh hoạt, chôn cất riêng. Mấy mẹ con chị Út Chầu đã nương náu ở đây hơn một năm rồi. Út Chầu không phải là tên. Người ta thấy chị thường đi hát chầu cho các Miễu, Đình để tế lễ vậy thì cứ kêu Út Chầu cho tiện. Người nghèo khó, có khi cả đời chưa được nhắc tên. Làm nghề gì, người ta đặt tên đó: Hai xe lôi, Tư cá biển, Tám nước đá… tên gì cũng được, cần gì đẹp, miễn có tiền, có ăn là đủ. Giờ nầy, chị Út vẫn chưa về. Hôm qua, chị đi hát cho đám cúng Đình Thanh Lệ. Buổi sáng, chị lấy cái áo nghề ra. Đó là một cái áo Lễ đã cũ. Mấy hột châu giả đính quanh mắt con phụng đã mất gần hết. Viền áo bằng tua chỉ vàng cũng cũ. Chỗ còn chỗ mất, mới ngó qua tưởng bị cá chốt rỉa. Chị đem cái áo ra phơi trên cái mả bằng đá mài của ông chủ tiệm vải vừa mới chết tháng rồi. Nắng đẫm chiếu trên màu vàng của áo, phản chiếu mấy hột châu giả và mấy đường viền kim tuyến khiến cái áo đẹp hơn lúc để trong nhà. Buổi trưa, chị ngồi may lại mấy chỗ sứt chỉ. Chị ngắm nghía nó bằng cả tấm lòng như cô dâu mới đang ngắm cái áo cưới của mình. Thằng Lặt tới gần chị: “Má đi hát hả má? Ngày mai, má nhớ đem bánh về cho út nghe!”. Nó là vua nhõng nhẽo lại vừa là vua nói ngọt. Hễ thấy chị sửa soạn cái áo là nó biết chị đi hát và có đủ thứ bánh trái đem về. Chị Út ôm nó, hun một cái vô cái mặt như mặt mèo của nó.

- Thơm hông má? - Nó ngây thơ hỏi.

- Thơm! Thơm lắm! Út cưng của má mà hổng thơm sao được!

- Cưng! Cưng! Má chỉ cưng mầy thôi! Còn tụi tao má đâu có cưng!

Thằng Lượm vừa cột dây vô cây trúc dài nối với cọng kẽm cong lại làm móc, vừa trề môi chọc nó: “Bữa nay, tao đi móc me keo, tao hổng cho mầy đâu. Để má về mầy ăn đồ của má!”. Thằng Lặt xụ mặt xuống. Nó biết anh nó không nói chơi đâu. Nó ưa ăn trái me keo mà mùa nầy me keo chín nhiều lắm. Chỉ tại nó ưa lấn lướt anh nó. Nó thường giành mấy trái chuối lớn hơn và bánh cũng nhiều hơn. Bây giờ, thằng Lượm đã ra “tuyên ngôn” như vậy, nó biết nó thua rồi. Nó lại hạ giọng: “Anh cho út ăn với đi, mai má đem bánh về, út cho anh nhiều nhiều!”. Thằng Lượm liếc nó một cái: “Mầy là vua nói láo! Ai tin mầy!”. Chị Út lườm thằng Lượm một cái: “Con là anh mà ăn nói với em vậy sao? Phải nhường nhịn nó chớ!” Thằng Lượm biết má nó luôn luôn binh vực cái thằng út khỉ đột nầy. Nó nín thinh. Chị Út ra đi từ chiều. Nồi cơm chị đã nấu sẵn. Chị vét mấy nhúm gạo cuối cùng cũng tròm trèm hai lon sữa bò. Mấy miếng dưa mắm đậy trong cái thố nhỏ mua lúc chị vừa sanh con Rớt cũng còn đó. Chị lấy mấy đồng bạc đưa cho con Rơi: “Sáng mai mua đỡ lít gạo nấu cơm cho em. Ghé quán bà Sáu mua thiếu thêm hủ chao, nói chiều về má trả. Qua rẫy kiếm đọt khoai luộc chấm chao. Còn tối, nhớ đóng cửa cẩn thận, nhớ đắp mền cho em”. Con Rơi dạ dạ! Nó nhìn theo cái bóng nhỏ liêu xiêu của má nó mà lòng buồn rười rượi. Buổi chiều, khu nghĩa địa vắng tanh. Chiều tím một màu ngăn ngắt nhưng mấy đứa nhỏ không thấy sợ. Cái nghèo, cái khổ đã làm tụi nó cứng cỏi hơn.

Đang ngồi dựa vách rầu rầu, thằng Lượm bỗng đứng dậy reo lên:

- Má về! Má về rồi!

- Đâu, đâu? Má đâu? Thằng Lặt lồm cồm ngồi dậy. Nó nhướng cặp mắt còn tèm lem nước mắt và ghèn về phía con đường nhỏ. Chị út hai tay khệ nệ hai giỏ đầy những đồ ăn đồ cúng bước như chạy vô nhà. Chị biết mấy đứa con trông mình lắm. Chưa kịp để đồ lên cái bàn đã long chân, thằng Lặt đã nhào tới:

- Của Út! Của Út! Nó vừa nói vừa chụp lấy cái bánh ít, tay kia chụp thêm trái quít rồi chạy ra ngồi phịch xuống đất dựa lưng vô vách mở cái bánh ít ăn ngon lành. Thằng Lượm ngó một lượt quan sát, nó thấy nào bánh ít, bánh tét, nào xôi, nào chè rồi còn quít và chuối nữa. Nó mừng thầm trong bụng. Bữa nay sao có nhiều thứ vậy cà! Chị Út tháo cái túi vải, lấy cái áo nghề ra máng vô cái móc áo duy nhất trong nhà. Chị đem treo ngoài hàng ba hong gió. Cái áo ít khi giặt vì càng giặt nhiều nó càng cũ và mau rách. Con Rơi, con Rớt đang ngồi rửa mấy củ khoai nhỏ xíu bằng ngón tay út còn sót lại cũng lật đật vô nhà. Con Rơi mở xoong bỏ thêm mấy củ khoai mới rửa vô. Con Rớt lại chụm thêm củi. Chị Út biết nhà đã không còn gạo để nấu buổi chiều. Hai đứa con gái lại đi mót khoai bên rẫy ông Tư Tô rồi. Ông Tư cũng nghèo, nhưng khi dỡ khoai, ông thường chừa lại cho mấy đứa nhỏ bên nầy một ít. Chị lấy mấy bọc chè trôi nước ra biểu con Rơi:

- Con lấy chén sớt chè ra cho em. Lấy dĩa đựng xôi nữa!

Rồi chị bước ra hàng ba ôm lấy thằng Lặt hun mấy cái vô mặt nó. Nước mắt trên mặt nó mằn mặn môi chị. Chị nhìn nó hỏi:

- Con khóc dữ lắm sao mà mặt mày tèm lem tuốc luốc vậy?

- Ai biểu má đi lâu quá con đói bụng!

Chị Út nghe nghèn nghẹn ở ngực. Chị ôm nó vào lòng:

- Má đi hát kiếm tiền mới mua gạo được. Mai mốt con hổng được khóc nữa nghe! Con khóc hoài má buồn lắm. Chị lột trái quít cho nó rồi đem vỏ quít xỏ vô cọng dây chì treo toòng teng trên giàn bếp. Mấy đứa nhỏ xúm lại mỗi đứa một chén chè một cục xôi. Con Rơi bưng một chén đưa tận tay chị:

- Má ăn đi! Con cũng nấu khoai rồi. Bữa nay còn có mấy bụi nữa thôi. Ông Tư nói dọn đất lại rồi mới trồng nữa.

- Con đem qua cho ông Tư hai cái bánh ít đi! Ông cho má con mình hoài, có thì phải cho lại người ta.

Con Rơi dạ một tiếng rồi lấy hai cái bánh ít chạy qua rẫy ông Tư. Chị Út ngồi trầm ngâm nhìn mấy đứa con vui mừng vì được ăn những thứ người ta cho. Những thứ mà đám con nít con nhà khá giả coi chẳng ra gì hết. Vậy mà con chị đã mừng hơn lượm được vàng. Chị biết tụi nó đói mà. Đói, nhưng không được làm gì bậy bạ. Chị thường dạy tụi nó “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Thằng Lượm có lần tụm năm tụm ba với tụi nhỏ xóm giếng đi ăn cắp khoai. Lần đó, nó hí hửng đem về một bọc khoai, củ nào củ nấy to bằng bắp tay, tưởng là má sẽ mừng. Đâu ngờ, đã bị một trận đòn nhừ tử. Chị vừa đánh nó vừa khóc: “Ai biểu con làm vậy? Má có dạy con đâu? Nhà nghèo phải ráng làm, không có cùng lắm thì xin người ta, sao con lại ăn cắp? Người ta trồng cũng tưới, cũng lo, cực khổ lắm mới được mấy củ khoai lớn như vậy, tụi con lấy rồi còn gì người ta bán”. Thật ra, không phải vì ăn cắp mấy củ khoai mà thằng Lượm lại bị đòn nhừ tử và chị Út lại khóc lóc khổ sở như vậy. Chị khóc vì nỗi đớn đau tủi nhục mà chị đã mang trong lòng từ mấy năm nay không quên được. Năm đó, chị vừa mới sanh thằng Lặt được mấy tháng. Anh Út chuyên bốc hàng cho mấy xe tải chở hàng từ Sài Gòn về. Con Rơi năm đó tám tuổi và chị là người đi hát cúng Đình. Cái nghề được má truyền lại. Những lúc không hát, chị tranh thủ nấu xôi đi bán kiếm tiền phụ thêm. Anh Út là người chồng tốt. Nghề vác mướn không kiếm được bao nhiêu. Nhà vẫn thiếu trước, hụt sau. Lần đó, chị Út bịnh, thằng Lặt thiếu sữa khóc tối ngày. Chị Út nằm đó, mặt xanh xao, môi khô vọp. Con Rơi, con Rớt ngồi ở ngạch cửa, bụng đói meo mà ba nó vẫn chưa về. Thằng Lượm khóc lóc một hồi rồi lăn ra đất ngủ. Thằng Lặt đói sữa, lại khóc. Chị ráng ngồi dậy ẵm con rồi vạch áo đưa bầu vú đã teo lại vì mất sữa vào miệng con. Thằng Lặt ngậm lấy vú mẹ. Cái miệng háu ăn của nó bú chùn chụt và khi phát hiện không có giọt sữa nào vào miệng, nó nhả vú ra rồi khóc thét lên. Chị Út giàn giụa nước mắt. Con Rơi đứng dậy lấy cái tô đá “Con đi xin nước cơm nghe má!”. Nó đi và lát sau trở về với nửa tô nước cơm còn bốc khói. Nó lấy cái chén múc ra mấy muỗng rồi bưng lại má. Chị Út biểu “Con vét coi còn chút đường nào hông, quậy cho ngọt ngọt em mới uống”. Thằng Lặt uống được bụng nước cơm và nằm ngủ say liền. Đôi môi đỏ chót của nó thỉnh thoảng chúm chúm như đang thèm sữa lắm. Mấy mẹ con đang trông, đang chờ thì thằng Bảnh nhà hàng xóm đã hớt hơ hớt hải báo tin:

- Thím Út ơi! Chú Út té trên xe xuống, bây giờ chở vô nhà thương rồi!

Chị Út nghe một luồng ớn lạnh chạy dọc sống lưng rồi mắt chị hoa lên, ngực nặng như một tảng đá đè lên, hai chân mềm rũ ra. Con Rơi, con Rớt òa khóc. Cuối cùng, chị cũng mặc thêm được cái áo, lấy khăn trùm đầu rồi ẵm thằng Lặt lên. Chị bước thấp bước cao ra tới đầu xóm. Ông Năm xe lôi đã đưa dùm chị đi. Con Rơi, con Rớt nhìn theo nước mắt đầm đìa.

Anh Út nằm trong phòng cấp cứu, đầu quấn băng, máu ướt đẫm cái áo thun đã ố vàng. Chị Út ùa vào rồi đứng chết trân nhìn chồng. Cuối cùng, chị ngồi xuống nền gạch lạnh ngắt của bệnh viện và khóc nức nở. Anh Út mở đôi mắt yếu ớt nhìn chị: “Tôi không sống nổi đâu, xin lỗi má con Rơi, ráng nuôi con…”. Anh ngừng lại một lát rồi gắng gượng: “Tôi có lỗi… tôi định ăp cắp đồ của ông chủ, nhưng lúc xe chạy tôi quýnh quáng nhảy xuống và té… Tôi không đành lòng để má nó khổ…”. Anh chỉ nói được bấy nhiêu rồi lại hôn mê. Tối đến, anh chết. Không ai biết tại sao anh té từ trên xe xuống, chỉ có chị mới biết được sự thật. Người chủ xe tải cho chị một ít tiền, lối xóm phụ chôn cất. Chị lây lất được ba năm nữa thì khu ở cũ bị giải tỏa. Nhà đang ở là nhà mướn, vậy là chị xin vô nhị tì Quảng Đông nầy ở tạm. Người coi nhị tì thấy hoàn cảnh mẹ con chị quá khổ nên cho ở nhờ. Vả lại, cũng đâu ai tranh giành cái đất của người chết và mẹ con chị đã sống với những cái mả đẹp đẽ nầy được hơn một năm. Tụi con Rơi, con Rớt, thằng Lượm, thằng Lặt cũng được ăn theo người chết. Người ta đến cúng và bỏ lại mấy thứ bánh trái rẻ tiền. Tụi nó nhờ vậy cũng có cái ăn. Chị Út đi làm công cho mấy nhà giàu trong chợ. Nhưng cái nghiệp hát chầu vẫn đeo bám hoài không dứt. Chị nhớ rõ từng ngày cúng của mỗi ngôi đình cái miễu. Xa có gần có. Những lúc rảnh rỗi, chị đem áo ra phơi và may lại những chỗ bị sứt chỉ. Cái áo đã trở thành linh vật. Nó như một người bạn thân đã theo chị suốt mấy chục năm hành nghề, từ lúc mới lên mười tuổi. Rồi chị lại đi hát. Tiếng trống chầu, tiếng kèn, tiếng nhạc đã làm chị quên đi cái nghèo và nỗi cô đơn của mình. Thỉnh thoảng, chị lại đóng một vài vai trong lớp tuồng hát bội ngày xưa mà má chị đã diễn. Một vài ngôi đình ở quê vào các dịp lễ cúng, người dân còn thích coi hát bội. Chị lại sắm vai Thần Nữ, Lưu Kim Đính. Hát lớp thôi chứ không đủ tuồng. Có khi một mình chị đóng hai vai, vừa làm chồng, vừa làm vợ. Người coi cũng thấy lạ và lại tức cười. Vậy là chị được thưởng. Nhờ vậy, chị nuôi được con, tuy không đứa nào được đi học.

Thằng Lặt ăn xong trái quít, nó ưỡn cái bụng nổi đầy gân xanh ra rồi đi tới đi lui:

- Út chưa no, Út ăn bánh tét nữa!

- Mầy thì chừng nào mới no. Ăn cho cố, bữa nào bể bụng ra như cái tu-na bể, cho đáng! - Thằng Lượm ngó nó bằng nửa con mắt.

- Thôi đi! Con thì tối ngày chỉ biết chọc em. Nó chưa no thì để nó ăn.

Rồi chị lần trong túi lấy ra mấy tờ giấy bạc. Chị biểu con Rơi đi mua gạo về nấu cơm. Ăn ba cái đồ ngọt này chút nữa lại đói.

*

Con Rơi đi men theo đám rẫy, trên tay nó là bó lá để nấu nước xông. Nó chợt nhớ trong rẫy nhà ông Tư có trồng rau cần dày lá. Như vậy là đủ rồi: lá sả, lá khuynh diệp, lá bưởi và lá rau cần. Đủ một nồi nước xông cho má. Chị Út bị cảm mấy ngày rồi không bớt. Mấy viên thuốc nó chạy đi mua cũng không thấm thía vào đâu. Chắc tại bị cảm mà trúng nước mưa trúng nắng. Ông Tư cho má con chị mượn một góc đất, chị đã dọn và trồng đủ loại rau. Có đất, chỉ cần ra chút công là có ăn, khỏi phải mua mà không chừng còn bán được. Con Rơi, con Rớt với thằng Lượm ghi tên học lớp xóa mù chữ. Ba chị em: con chị mười ba, thằng em tám tuổi cùng ngồi chung một lớp. Tối nào, ba đứa cũng ngồi chùm nhum mà học. Chị Út vui lắm! Đời chị cũng đâu biết chữ. Chị học bài hát bằng cách nghe rồi học thuộc lòng. Được cái, người không biết chữ thường mau nhớ và lại nhớ dai. Bây giờ, thấy con được đi học, chị mừng lắm.

Nồi nước xông nấu rồi, con Rơi bưng để lên giường và lấy cái mền cho má. Chị Út cởi áo, trùm mền kín lại và mở nắp nồi. Hơi nước nóng xông lên thơm phức mùi lá sả, lá rau cần làm chị thấy dễ chịu. Chị phải ráng cho mau hết bịnh để còn đi hát đám cúng Đình Long Thanh sắp tới. Thằng Lặt thấy má bịnh cũng không đi chơi. Nó nằm lăn ra đất, mở cuốn vần của anh chị ra coi hình.

Chị Út lại đem áo ra phơi. Đã hơn mười ngày rồi chị vẫn chưa hết bịnh. Con Rơi thấy chị phơi áo, biết má lại đi hát, nó cản:

- Má còn bịnh, thôi đừng đi má ơi! Để con đi trả lời người ta!

- Hổng được đâu con. Đình này người ta cúng kỹ lắm. Với lại, má cũng quen cúng mỗi năm rồi, không thất hứa được đâu, lỡ dở công chuyện người ta buồn mình.

Chị nói thì nói vậy. Chị có thể từ chối. Nhưng không hiểu sao trong lòng chị vẫn thấy nhớ tiếng trống, tiếng kèn, tiếng nhạc tưng bừng của những buổi tế! Lúc bưng mâm ngũ quả xoay tròn, múa theo điệu nhạc, chị thấy mình không còn là con mẹ nhà nghèo một nách bốn con, kiếm ăn từng bữa. Chị thấy mình đã thoát cái kiếp con người tủi cực và đã trở thành một người cõi khác. Hồn chị lâng lâng theo tiếng trống, tiếng kèn và chị cũng tìm lãng quên trong đó.

*

Chị Út lại đi. Lần này thì gạo đã đầy hũ. Chị đã kho cho mấy đứa nhỏ mớ cá ngon lành. Thằng Lượm, thằng Lặt còn được mỗi đứa mấy đồng bạc lẻ. Con Rơi cũng lấy làm lạ. Dường như có một cái gì khang khác ở chị mà nó không nghĩ ra. Đám cúng này chị phải ở luôn ba ngày. Đây là một trong những ngôi Đình xưa nhất và lớn nhất ở tỉnh. Lúc ra tới nửa đường, chị quay lại dặn: “Nhớ qua rẫy hái một ít rau về chấm cá kho, tối nhớ đắp mền cho em!”. Thằng Lặt đứng dựa cửa nhìn theo. Nó chợt la lên: “Má ơi! Má quên chưa hun Út cưng của má!”. Rồi nó chạy bổ tới chị. Chị út ngồi xuống ôm lấy nó và hun chùn chụt lên cái mặt hề của nó.

Đã hai ngày trôi qua. Đám cúng Đình Long Thanh năm nay có sự tài trợ của một Việt kiều mới về thăm quê. Người ta không sợ thiếu tiền, cứ thả sức mà làm lớn. Chị Út nhận được lời hứa của ông trưởng ban tổ chức: “Cô ráng hát hay. Năm nay chắc được bộn đó. Tôi sẽ nói với ông Việt kiều cho cô thêm một ít tiền nuôi con”. Chị mừng thầm. Những lúc không phải làm lễ, chị nằm nghỉ trong một góc bếp, chỗ người ta chất đồ ăn thức uống. Chị nghe mình mẩy uể oải lắm, dường như không còn sức nữa. Nhưng còn một tối nữa thôi. Đêm nay dành riêng cho cô bác ở gần tới cúng và xin lộc. Chị phải hát tuồng để phục vụ. Khán giả chỉ toàn những ông bà già và mấy đứa con nít. Còn đám thanh niên, tụi nó kéo nhau ra tụ điểm hát karaoke và coi văn nghệ. Buổi chiều, chị ngồi dậm mặt – đêm nay, chị hát lớp Dương Quý Phi. Đây là lớp tuồng tâm đắc nhất của chị. Ngay từ mười lăm tuổi, chị đã khóc khi má chị diễn lớp này. Khán giả đã đông đủ, chật kín sân đình. Năm nay, vì có Việt kiều tài trợ, người ta tới dự đông hơn. Đồng tiền có sức mạnh của nó. Người ta cúng nhiều và ăn cũng nhiều. Đêm nay đông vì lớp Dương Quý Phi là lớp nhiều người ưa thích. Đang ngồi kẻ lại mi mắt, chị Út nghe đầu mình nhức quá! Nhức kinh khủng! Chị lại muốn ói. Chị hỏi xin người phục vụ một ly trà nóng và lấy thêm một viên thuốc cảm ra uống. Chị lại tiếp tục.

Đã xong lớp đầu, chị thấy mồ hôi vã ra như tắm. Tay chân bủn rủn. Nhưng lớp cuối cùng không lâu, chị hớp thêm một hớp nước và tiếng trống lại nổi lên. Tiếng vỗ tay rầm rập vang lên. Chị lại tự tin bước ra sân khấu: “Chúa Thượng ơi! Đây là bầu độc dược để tạ tình chúa thượng. Thần thiếp ra đi nhưng vẫn kính yêu người. Cõi dương trần nỗi hận khôn nguôi. Người hãy vì thiếp bảo an long thể. Hãy giữ xã tắc giang sơn vững bền trong dâu bể. Hồn thiếp linh thiêng sẽ ở mãi bên người…”. Chị cầm lấy bầu độc dược và uống một hơi. Bầu rượu rơi xuống nền gạch tàu đánh “xoảng” một cái. Chị từ từ quỵ xuống và nằm dang tay trên sân khấu. Tiếng vỗ tay vỡ ra trong đêm hội. Mấy bà kéo khăn lau nước mắt. Mấy ông hô lớn lên: Hay quá! Đêm nay Út Chầu diễn hay quá! Tiếng vỗ tay kéo dài… Chị Út vẫn không ngồi dậy. Chị đã ra đi. Chị thấy mình bay trong bầu trời tĩnh lặng. Chị nhìn thấy mọi người vỗ tay la ó và cái đám đông kia bỗng nhốn nháo tán loạn lên. Chị vẫn bay và nhìn thấy má chị trong một đám mây đang dang tay đón chị.

 

(Nguồn: Văn nghệ số 14/2014)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn