Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Thơ trong tập “Màu tự do của đất” - Trần Quang Quý

27-09-2012 01:11:54 PM

VanVN.Net – Nhà thơ Trần Quang Quý sinh năm: 1955 tại làng Hạ Bì, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh  Phú Thọ. Anh tốt nghiệp khóa II Trường Viết văn Nguyễn Du, trải qua nhiều năm làm báo với những thăng trầm nghề nghiệp, hiện anh đang công tác tại NXB Hội Nhà văn Việt Nam. Trần Quang Quý quan niệm: “Tác phẩm văn học chỉ có giá trị khi nó ở trong lòng bạn đọc. Con đường văn chương cực gian nan, dễ huyễn hoặc và phụ thuộc vào tài năng, sức lao động… mà nếu không thức ngộ được thì có khi cả cuộc đời chỉ là bản nháp.”. Miệt mài sáng tạo với một thái độ dấn thân, nhập cuộc quyết liệt, anh đã có nhiều tập thơ hay dành cho bạn đọc (trong đó có “Giấc mơ hình chiếc thớt” được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004). “Màu tự do của đất” – tập thơ ra mắt bạn đọc quý II/2012 của Trần Quang Quý đã được nhiều bạn đọc đón nhận, cảm nhận và chia sẻ. VanVN.Net trân trọng giới thiệu 6 bài rút từ tập thơ này…

Bìa tập thơ Màu tự do của đất


Mầu tự do của đất

 

Những ngọn khói cay mùi rơm rạ dắt tôi về cánh đồng lồng lộng sao đêm

tôi hít thở mầu tự do của đất

ngọn khói buộc thân phận nông dân vào cây cột tâm thức làng

và mái đình cong câu ngược tầm nhìn

những ngõ xóm ngủ hiền trên ngõ

mỗi buổi sáng một ban mai mọc trong họ tiếng hạt nảy mầm…

 

Còn vẳng lên bầy châu chấu bò quanh ký ức quê làng

nức thơm mùa hái gặt

củ khoai lùi bong ra cơn đói

dẫn ngược con đường in dấu vết thuở ông bà mở đất

những giần sàng gạn lấy nhân sinh

 

Liềm hái thèm ngày thôi gặt gió sương

người nông dân thèm tự do được giải phóng mình khỏi nhọc nhằn cơ bắp

và tự do đầu tiên lại là tự do không thoát ly bùn đất

tự do của mồ hôi

tự do neo đời mình vào cánh đồng sương gió

 

Trong trùng điệp bóng quê, trong trùng điệp gót người xa khuất

sợi tóc làng rụng xuống ca dao

áo rách áo lành bọc được bao nhiêu nhân nghĩa

chiếc áo làng tôi, chiếc áo đã vị bùn

ai cởi cho ta mùi khói cơm thơm?

26/10/2010

 

Đồng loại

- Tặng LTĐ -

 

Trong mắt rắn, dĩ nhiên rồi ta cũng loài rắn

ngôn ngữ của trườn bò

bóng tối phục binh trong bình minh nọc độc

quen lẩn khuất rập rình và tiến thân lươn lẹo

những già cỗi cũ mèm rồi có thể lột da

chỉ tính rắn không lột được cùng lốt rắn

 

Trong mắt bầy khuyển kia, làm sao khác ta cũng thành đồng loại

những cơn tru hoang (tiếng người hóa dại)

ngày thấp thỏm quạ kêu, đêm chập chờn cú rúc

những con mắt gài quanh bờ giậu

lách nhách cắn bóng đêm hay tự sủa phận mình

có cái chết trong bầm dập vết răng đồng loại

có bước chân côi cút lẻ bầy

 

Trong mắt chim ta cũng loài chim

cũng giống chim đi trên hai chân, nhưng khác chim người lại biết bò

và (nói nhỏ) thua chim không thể bay lên

suốt đời níu nhau mặt đất

 

Ta là ai? Câu hỏi đã xưa rồi

và điều đó chỉ riêng ta biết

ta là cả muôn loài, duy một điều khác biệt

ta vẫn phải suốt đời mang gương mặt là ta!

2/12/2006 – 23/2/2007

 

Nhà thơ Trần Quang Quý

 

Sơn Tây

 

Này mây trắng Ba Vì gọi ngàn tuổi bay

này thành quách đá ong dẫn lối về phế hoang chiều cổ đại…

 

Tôi vào Sơn Tây bằng cổ thành xưa rỉ máu, bằng trung du cuộn đỏ

lúng liếng Xứ Đoài những nàng răng đen hạt nhót đang cười duyên

các nàng liếc tôi bằng sâu thẳm bầu trời thị giác

bằng cả những phía sau mi cong

 

Áo lụa dệt mềm mắt tôi, khăn nhung mỏ quạ buộc tôi bằng sợi xúc cảm

các nàng cổ nhân rồi. Tôi cứ sống thời các nàng mười tám tuổi

mê mẩn yếm đào cầu ao khoả gió

rúc ríc chợ quê, bánh tẻ thơm ngang vai trần sương nõn

tôi đi qua ngàn năm để đỏng đảnh một chiều váy ngắn

Tích Giang vỗ lõm bình minh thành cổ

nhoẻn miệng cười lúng liếng nhân gian

 

Tôi cưỡi mây trắng bay điệp điệp sông Hồng

bay phiêu du bằng dân dã hồn làng

có cánh diều làm nghiêng cả một vòm trời lãng mạn

có bầu trời tự do thúc ngựa hí những khát dâng trong ngực

có trái tim già dắt trái tim non đi vấp váp trên con đường nhân bản

nối đời này đời nọ gió lành Sơn Tây

 

Kìa mây kìa mây dẫn tôi non Tản, dẫn qua sông Đà, tôi về Thanh Thuỷ

sông ngàn tuổi đương giai

những triền bãi nằm dài liu riu ngủ sau mê mệt cường dâng mùa lũ

mía ngọt ngô lùi khói sương đơm nhớ

sông hổn hển kể ngày những nàng thôn nữ ra bến quê giặt yếm

khỏa những nụ cười duyên

giặt cái dịu dàng, giặt phồn thực

các nàng giặt tôi, kì cọ tôi bằng chiều quê cổ điển

bằng cổ tích Ba Vì, bằng cả bây giờ quần jean, tóc hấp

 

Tôi đi qua Sơn Tây, chưa qua hết những buổi chiều mây trắng

đá ong nằm rỗ mặt thời gian

có một vòm trời răng đen hạt nhót

mỉm tôi

môi chiều

Mộc Châu, 31/8/2010

 

Mặt ghế

 

Chiếc ghế mang ngôn ngữ một rừng cây

trăm năm rừng cây cùng cất giọng trong thẳm sâu vân gỗ

có cái đầu luôn khát tự do

lại có tự do tự gông cùm trên ghế

 

Tôi gặp đó đây những gương mặt mộng du quyền lực

những cái đầu nhỏ hơn vương miện

bài hát về tự do dài rộng thiên nhiên

thiên nhiên mãi tươi xanh

có giai điệu của trời, có tiếng gầm mãnh thú

chiếc ghế chứng nhân, một sàn diễn của vòng quay thế sự

 

Còn trên ghế những mặt đời sấp ngửa

những khao khát vang xa, những dòng sông lấp vùi quá khứ

những ngôn từ chưa mọc râu, những bào thai thời cuộc chết yểu

những thai nghén vô sinh, những thứ sinh đã vội lỗi mùa

sự vinh danh có thể ngắn hơn một đời cây

và nỗi buồn, có thể dài hơn sau đời ghế…

 

Tiếng ghế xô. Tiếng đại ngàn cuộn dâng mùa lũ!

một bóng cây đổ rỗng bóng rừng

thiên nhiên vẫn chảy trong từng thớ gỗ

lạ chưa kìa, mặt ghế hư vô…

6/3/2008

 

Mặt đất

 

Đất xa ta từ tầng sâu ý thức

và gần ta ngay dưới bàn chân

đất cùng ta mùa màng, đón ta về vô tận

 

Tôi thấy lớp lớp dấu chân xếp đầy thế gian

cao hơn mọi quả núi

những dấu chân thăm thẳm vô hình

xếp chặt cả những ngăn kí ức, những ngăn ảo ảnh

chúng bước tiếp vào trang sử còn đang viết dở, vào tương lai chưa kịp hình dung

 

Khi bước trên cánh đồng tôi sợ mình làm vỡ những giọt sương

có thể giọt sương kia là nước mắt của tổ tiên

những giọt từ tầng tầng siêu thoát

những giọt mồ hôi đắng mặn

gửi lại trên mỗi cánh hoa, mỗi ngọn cỏ non tơ

giọt của những kiếp người

chưng cất!

 

Khi tôi bước trên đường, có thể là một con đường nhỏ

cũng vời vợi bóng người

mỗi con đường đều có một số phận

và lịch sử con đường, máu tứa những bàn chân

 

Bạn có hình dung, chính gương mặt con người trải thành đất đai núi sông

mỗi bước đi xin nhớ nhỏ nhoi này

có thể bóng xưa đang quằn quại dưới bàn chân bạn

cũng có thể chỉ là vô nghĩa giọt sương

26/5/07 - 13/9/08

Từ trái sang, các nhà thơ: Đặng Huy Giang, Trần Quang Quý, Quang Hoài, Đặng Quang Vượng ở cao nguyên đá Đồng Văn

 

Tiếng đá

 

Có một chủng tộc đá túa ra bao vây chân người

có lời đá ngậm im miệng đá

chỉ gió trời hiểu được mang rì rầm đá cô đơn hát cùng mây ngàn

đá lặn vào những gương mặt như vừa nứt ra từ chính đá lầm lũi

đá cởi trần gồng núi

tua tủa bầu nên cao nguyên

 

Những đứa trẻ khóc tiếng đá. Cười khù khì đá

những con đường gồ ghề xồng xộc chạy ra từ nguyên thủy

con đường dài hơn mọi kiếp phận

đá nâng tôi ngàn thước, cõng tôi vào mây

gió rít ngàn ngựa hoang lồng Mã Pì Lèng

Nho Quế chảy rượu trời đổ cơn say vào thảng thốt tinh sương

rót bình men thiên nhiên kỳ vĩ

tôi ngấm những giọt người vắt ra từ đá

ngấm nỗi niềm nảy hạt

 

Những bàn chân phong phanh nhấc từng bước hy vọng

bàn chân đánh vần từng ký tự đá trên con dốc dài lởm chởm số phận

bấm vào tư duy im phắc

bấm vào hồn núi cao, vào vóc dáng đền đài thế kỷ

bấm vào huyết bào chủng tộc đá đã dựng lên vương quốc đá phì nhiêu

đánh thức tự do búp tủa lên trời

 

Vẳng điệu khèn cất lên trong miên man cỏ sương

điệu khèn cũng chắt ra từ tầng tầng rễ đá

chắt tiếng người rót giữa mơ xanh

Đồng Văn, 30/4/2011

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc…

VanVN.Net - Dường như cả cuộc đời ông muốn níu lại bất kỳ ai trên thế gian này để nhắn gửi. Có ai cưỡi ngựa về Kinh bắc…? Câu thơ giản dị mà giằu biểu tượng là thế của thi sỹ ...