MA VĂN KHÁNG, NGƯỜI KHÔNG CHỈ MANG NỢ VỚI NÚI RỪNG
Nhà văiÖt nam Ma Văn Kháng (nguồn: Internet)
Đồng bạc trắng hoa xoè, Mưa mùa hạ, Vùng biên ải, Gặp gỡ ở La pán tẩn, Trăng non,... chỉ cần nghe đến những cái tên ấy, người ta cũng đã phần nào thấy được chất dân tộc thiểu số và miền núi ở lão nhà văn này. Tuy nhiên, nếu ngẫm kỹ, ông không chỉ mang nợ có thế, mà còn…
*
Nhà văn Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh ngày 01/12/1936 ở phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Tuổi thiếu thời Ma Văn Kháng là một thiếu sinh quân và có sang Trung Quốc học tập một thời gian. Đến năm 27 tuổi (1963), ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi ra trường, thầy giáo trẻ Đinh Trọng Đoàn xin lên miền núi dạy học và đã sống và gắn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số hơn 20 năm. Mãi sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, 1976, ông mới chuyển về sống và làm việc tại Hà Nội.
Để mọi người hiểu rõ căn nguyên một người Kinh lại mang họ người Tày, nhà văn Ma Văn Kháng cho hay: Tôi tham gia quân đội từ tuổi thiếu niên. Năm 1963, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi lên dạy học ở tỉnh Lào Cai, sống và gắn bó với đồng bào dân tộc miền núi hơn 20 năm... Ngày ấy, tôi quen anh Ma Văn Nho, Phó chủ tịch huyện Bảo Thắng, Lào Cai. Anh Nho cũng là người Kinh, quê ở Hạ Hòa, Phú Thọ. Hai anh em cùng đi cơ sở, thực hiện ba cùng với nhân dân, vận động họ tăng gia sản xuất, đóng thuế, đi dân công, xóa mù chữ, vệ sinh phòng dịch bệnh... Tôi kết nghĩa anh em với anh và chuyển sang họ Ma. Từ đó Ma Văn Kháng là tên dùng hàng ngày trong công tác. Ký học bạ cho học sinh, tôi cũng lấy tên này. Sau này, viết văn thì dùng luôn, chứ không phải viết văn rồi mới đặt ra...(1)
Nhà văn Ma Văn Kháng đã từng kinh qua nhiều cương vị công tác khác nhau như: Hiệu trưởng cấp III, thư kí cho Bí thư Tỉnh uỷ, Phó Tổng biên tập báo Lao Cai, Tổng biên tập, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Lao động, Uỷ viên Ban chấp hành, Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội NVVN. Làm quản lý đối với ông là công việc không thể từ chối được khi tổ chức phân công. Nhưng trong sâu thẳm con người, có lẽ quan trường không phải là chốn tiến thân của ông. Vì thế đến giờ, nhắc đến Ma Văn Kháng nhiều người dường như chỉ biết ông là nhà văn chuyên viết về đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.
Không chỉ những tác phẩm viết về mảng đề này từ khi còn trẻ, mà với những tác phẩm từ trước và sau thời kỳ đổi mới như: Mưa mùa hạ (1982), Mùa lá rụng trong vườn (1985), Côi cút giữa cảnh đời (1989) …ông được đánh giá là cây bút góp phần khuấy động văn đàn Việt Nam hiện đại. Cần nhớ rằng, những năm 80, dưới con mắt của những người có đầu óc bảo thủ, không chấp nhận đổi mới thì Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn hay Côi cút giữa cảnh đời của ông đều bị xem là những cuốn sách có vấn đề về mặt tư tưởng. Nhiều lần chúng đã được đem lên bàn mổ xẻ làm nóng không chỉ nghị trường Hội NVVN và Viện Văn học, nơi được xem là kinh viện nhất, cũng đồng nghĩa với bảo hoàng hơn vua thời bấy giờ, mà còn tỏa lan ra cả nghị trường của cơ quan quản lý văn hóa- văn nghệ, các trường học, giới quan chức địa phương. Dường như chúng đã hành ông, khiến lúc ấy nhiều người nghĩ rằng Ma Văn Kháng có nguy cơ sẽ phải gác bút.
Nào ngờ, ông lại càng viết hăng hơn, như chính lời tâm sự: … có vẻ đẹp nào mà không cần thử thách! Nhân cách chỉ tỏa sáng trong những cảnh huống tưởng như không thể chịu được. Người phụ nữ càng đẹp trong sầu thương...(2) Và quả thật, chính những tác phẩm ấy đã làm nên tên tuổi của một nhà văn lớn. Cũng là dễ hiểu, ngay từ Mưa mùa hạ với bút pháp lúc bình dị, thản nhiên, khi dữ dội, khốc liệt, Ma Văn Kháng đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình yêu con người, yêu cuộc sống, tình yêu quê hương đất nước.
Ma Văn Kháng là một trong số ít các nhà văn Việt Nam viết khoẻ, viết đều, trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào. Gia tài văn chương của ông cho đến hết năm 2013 có khoảng 200 truyện ngắn, 17 cuốn tiểu thuyết, một cuốn hồi ký, một tập bút ký- tiểu luận phê bình. Trong số này, có nhiều cuốn viết về đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: Xa phủ (1969), Bài ca trăng sáng (1972), Góc rừng xinh xắn (1972), Người con trai họ Hạng (1972), Mùa mận hậu (1972), Cái móng ngựa (1973),... và các tiểu thuyết như: Gió rừng (1976), Đồng bạc trắng hoa xòe (1978), Mưa mùa hạ (1982), Vùng biên ải (1983), Đám cưới không có giấy giá thú (1989), Côi cút giữa cảnh đời (1989),...
Gần đây nhất trong hai năm từ năm 2010- 2011, ông vừa cho ra mắt độc giả liên tiếp ba cuốn tiểu thuyết Một mình một ngựa, Bóng đêm và Bến bờ. Và năm 2013 ông có tiểu thuyết Chuyện của Lý.
Với lưng vốn tác phẩm văn chương khá đồ sộ như vậy, nhà văn Ma Văn Kháng đã từng được nhậnnhiều giải thưởng quan trọng như: Giải thưởng loại B của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1986 cho tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn; Giải thưởng của Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam 1995 cho tập truyện ngắn Trăng soi sân nhỏ. Giải thưởng Văn học ASEAN; Giải thưởng Nhà nước về Văn học- Nghệ thuật, năm 2001; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, năm 2012 cho các tác phẩm Truyện ngắn chọn lọc, Mưa mùa hạ, Côi cút giữa cảnh đời, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn.
Có người bảo tiểu thuyết Chuyện của Lý là cuốn sách cuối cùng của lão nhà văn này. Nói là vậy, ai dám chắc được với niềm đam mê văn chương, sức lao động bền bỉ, dẻo dai và nghiêm túc, biết đâu sang năm con Ngựa này ông vẫn còn tiếp tục cho ra lò những cuốn sách mà ông tâm đắc từ lâu đang được gấp rút hoàn thành đúng vào dịp bát tuần của vị đại lão nhà văn. Vẫn biết rằng cái kết của tiểu thuyết Chuyện của Lý khi Lý 17 tuổi, đẹp rạng rỡ như trăng rằm, như sự khép lại của một sự nghiệp văn chương thấm đẫm tình người, lẽ đời, mà không phải ai cũng có được như ông.
So với các nhà văn đàn anh người dân tộc thiểu số như Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Cầm Biêu,…và các đàn anh dân tộc Kinh như hai cụ Nguyễn Tuân và Tô Hoài, điểm xuất phát đến với văn chương của Ma Văn Kháng cao hơn, khi ông là sinh viên Ngữ- Văn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có truyện ngắn đầu tay Phố cụt đăng trên báo Văn nghệ năm 1961. Đấy là một lợi thế rất đáng kể trên con đường văn nghiệp của ông sau này. Cũng như hai cụ Nguyễn Tuân và Tô Hoài, ông không phải là người dân tộc thiểu số, nên dễ mắc nghiện bản sắc văn hóa của đồng bào cũng là điều dễ hiểu.
Còn so với các thế hệ các nhà văn đi sau là người dân tộc thiểu số như Y Phương,
Mai Liễu, Dương Thuấn, Cao Duy Sơn, Inrasara,...thì thầy giáo trẻ Đinh Trọng Đoàn lại có lợi thế so sánh ở bề dày kinh nghiệm với thời gian tuổi trẻ ông từng ba cùng hơn 20 năm với đồng bào các dân tộc thiểu số.
*
Nhà văn Ma Văn Kháng kém các nhà văn cùng thời là tướng tá trong quân đội chừng vài dăm tuổi. Có những người từng trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước từ cuối những năm 40 đến 1975 như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hồ Phương, Hữu Mai,… còn Ma Văn Kháng là người dường như ở rất xa hai cuộc chiến ấy. Điều ấy đối với người cầm bút viết văn chưa hẳn đã là sự thiệt hòi, mà có khi lại là một lợi thế. Bởi lẽ, trong văn chương không phải bất cứ ai hùa theo số đông cũng có thể viết nên những tác phẩm hay, mà nhiều khi còn ngược lại.
Trong hầu hết tác phẩm của Ma Văn Kháng, chúng ta không hề thấy tiếng ùng oàng của đạn cối, trọng pháo; ánh lửa bập bùng của bom chùm, bom vây của địch bắn xối xả, thả dồn dập như vãi mạ xuống những mục tiêu mà chúng cần hủy diệt; cũng không có tiếng máy bay phản lực gầm rú, rít lên như muốn xé toang bầu trời vàng ệch đầy khói bom; và đâu đó tiếng la ó kêu cứu của những người lính trận ở cả hai phía vừa trúng đạn đang cần được trợ giúp ngay,… Tóm lại sức nóng hầm hập của chiến tranh không trực tiếp phả táp lên từng trang văn của Ma Văn Kháng như những đồng nghiệp cùng trang lứa mặc áo lính. Có lẽ vì thế mà những sáng tác của ông trước năm 1975, thời ấy chưa được mọi người chú ý, đánh giá đúng giá trị tư tưởng và nghệ thuật của chúng.
Thực ra điều ấy cũng không đến mức quá khó hiểu. Bởi lẽ, thời ấy, ưu tiên số một vẫn là những trang viết về chiến tranh từ mặt trận gửi về, nói như nhà thơ Tố Hữu: Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận, theo lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc quyết Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào. Nếu xét theo khía cạnh này, nhà văn Ma Văn Kháng như người đã đi lạc lên núi rừng Tây Bắc, trong khi hầu hết mọi người nô nức ra trận, tiến vào Nam như đi trẩy hội. Đúng như không khí mà nhà thơ Chính Hữu đã cảm được nhậntrong bài thơ Đường ra mặt trận: Những buổi vui sao, cả nước lên đường/ Xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục/ Xóm dưới làng trên, con trai con gái/ Xôi nắm cơm đùm, ríu rít theo nhau/ Súng nhỏ súng to, chiến trường chật chội/ Tiếng cười hăm hở, đầy sông đầy cầu/ Bộ đội dân quân, trùng trùng điệp điệp/ Chào nhau không kịp nhớ mặt/ Dô hò nón vẫy theo/ Hàng ngũ ta đi dài như tiếng hát…, thậm chí còn đến mức như nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết: Đường ra trận mùa này đẹp lắm (Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây), thì thầy giáo trẻ Đinh Trọng Đoàn như bị dẫn dụ theo cuộc sống con người và cảnh sắc của núi rừng Tây Bắc.
Nhà văn Ma Văn Kháng từng chia sẻ: Tôi yêu cái đẹp trữ tình trong thể bi hùng, trong sự dang dở trên con đường hoàn thiện một vẻ đẹp thực sự nhân tính. Nhân vật Pao trong tiểu thuyết Vùng biên ải của tôi chiến thắng sau bao khổ ải đau đớn và tan nát. Nam, Trọng hai nhân vật trong tiểu thuyết Mưa mùa hạ thì một chết trong khi đang ấp ủ bao dự định tốt đẹp, còn Trọng thì hy sinh trong một lần cứu đê, giữa bao ai oán, day dứt. Ông Thuần trong tiểu thuyết Chó Bi đời lưu lạc là câu chuyện về một kẻ sống ngạo nghễ trong đau thương oan trái. Các nhân vật như bà nội và bé Duy trong Côi cút giữa cảnh đời là những con người ánh lên bao vẻ đẹp cao thượng trong những khúc đoạn sầu thương giữa cuộc đời. Thiêm trong Gặp gỡ ở La Pan Tẩn mang thương tích oan ức sau bao năm tháng tận tụy với nghề thầy. Cũng vậy, đoạn đời của thầy giáo Tự trong Đám
cưới không có giấy giá thú, là một vở bi kịch dai dẳng và thê thiết,... (3)
Chiến tranh rồi cũng qua đi. Vấn đề con người luôn là một hằng số bất biến trong toàn bộ tiến trình lịch sử loài người. Chiến tranh đặt con người trước cái sống và cái chết, dù ở phía bên nào. Còn trong hòa bình, con người lại cần phải sống như thế nào. Đây là vấn đề luôn nhức buốt đối với tất cả chúng ta. Đối với sáng tác văn chương, vấn đề cốt lõi không nằm ở đề tài chiến tranh hay hòa bình, nông thôn hay thành thị, miền núi hay miền xuôi,…mà suy cho cùng vẫn là vấn đề con người. Nhà văn, qua trải nghiệm cá nhân, nắm bắt, khai thác và thể hiện điều ấy như thế nào mới là vấn đề đáng lưu tâm. Điều khác biệt là đối với những nhà văn lớn, họ luôn biết cách biến rủi thành may, biến khó khăn thành cơ hội, biến cái không hấp dẫn và cần thiết đối với số đông người đời, thành niềm đam mê và hữu dụng cho riêng mình, để cho ra đời những tác phẩm thật sự có giá trị cả về tư tưởng và nghệ thuật, gây xúc động, làm ám ảnh tâm trí người đọc, mà những người khác không thể làm được. Nhà văn Ma Văn Kháng tâm sự: Tỉnh lẻ rất tình cảm, rất gắn bó, như một phần cơ thể mình vậy,... Mảnh đất Lào Cai mang lại cho tôi vốn sống về dân tộc rất lớn, thậm chí còn là nguồn để bè bạn hỏi mỗi khi cần cho sáng tác. May mắn là tôi được sống lăn lóc như một người bình thường, có thể ở mãi với nghề giáo, viết mãi cũng sẽ thành nhà văn, nhưng cái nhãn quan sẽ không như một nhà văn chuyên nghiệp... Chính những vùng đất tôi đã sống và đã đi qua, những con người hiền hậu, trong trẻo, hồn nhiên, giàu tình cảm đã thôi thúc tôi viết nên Đồng bạc trắng hoa xoè, Mưa mùa hạ, Vùng biên ải,… (4)
Dường như cái ồn ào của đám đông, bất luận là sự ồn ào ấy mang tính xã hội rộng lớn, như các phong trào sản xuất và chiến đấu ở cả hai miền Nam- Bắc trong những năm tháng đánh Mỹ, hay là sự ồn ào mang tính chất hội hè của địa phương, cơ quan, đoàn thể,… sau này, đều không mấy hợp với tạng người tính trầm như nhà văn Ma Văn Kháng. Hoặc có thể do sự xô đẩy của số phận và lịch sử mà khiến ông không thể nào hùa theo được sự ồn ào ấy. Bởi lẽ, năm 1963, thầy giáo trẻ Đinh Trọng Đoàn, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ- Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, trong lúc hầu hết mọi người cùng học đều đổ xô về thành phố, chí ít là về các tỉnh miền xuôi để dạy học, còn một người Hà Nội xịn như Đinh Trọng Đoàn lại khoác ba lô, xung phong ngược lên tỉnh miền núi Lào Cai để dạy học. Đấy là thời điểm trước một năm giặc Mỹ thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc từ cái gọi là Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, ngày 5/8/1964, cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ trên cả hai miền Nam - Bắc. Dẫu biết rằng, việc phát triển giáo dục ở các tỉnh miền núi phía Bắc lúc bấy giờ cũng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, sau nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Như vậy xem ra cơ hội cho chàng thanh niên Đinh Trọng Đoàn Nam tiến theo đoàn quân ra trận dường như không còn.
Nhìn theo xu hướng chung về thời cuộc lúc ấy, có không ít người cho rằng thầy Đinh Trọng Đoàn là người không gặp may, như con tàu đi chệch đường ray của lịch sử dân tộc, hay chí ít là của đại bộ phận thanh niên thời ấy. Nhưng biết đâu, trong cái rủi lại có cái may, khiến nhà văn Ma Văn Kháng trở thành người một mình một ngựa giống như hình tượng Bí thư Tỉnh ủy trong tác phẩm cùng tên của ông.
Bí thư tỉnh ủy một mình một ngựa đi đến các vùng thổ ty phong kiến thuyết phục đồng bào theo chính phủ Trung ương để chống lại bọn thực dân xâm lược và quan lại tay sai phong kiến. Ông một mình xông pha trong cuộc đối đầu với kẻ thù thời kỳ cách mạng còn trong trứng nước. Rồi cũng chính ông lại một mình đương đầu với khó khăn trong xây dựng. Một mình một ngựa, lúc thì oai phong lẫm liệt, khi lại đơn thương độc mã. Những ai có ý thức về giá trị của mình đều phải chấp nhận thân phận như thế.
Dù có ngậm ngùi, nhưng đấy là cái ngậm ngùi của người từng trải vật lộn với bao sóng gió cuộc đời, cái ngậm ngùi của người biết quá rõ sự không hoàn thiện hoàn mỹ của quá khứ, nhưng đó lại chính là một phần không thể tách rời khỏi ký ức trong con người hiện đại. Nó chính ánh hào quang của một thời bi hùng hắt trên con người hiện tại.
*
Với hơn 50 năm cầm bút, nhà văn Ma Văn Kháng là một trong những người từng trải nghiệm qua nhiều thăng trầm của cuộc đời và lịch sử dân tộc. Ông cũng đã từng vượt qua các lối rẽ bất ngờ của cuộc sống cá nhân và đã để lại cho đời một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao về đủ các thể loại như: truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký- tiểu luận phê bình, hồi ký.
Nhưng có lẽ điều đáng quý hơn nữa là ông luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm quí báu về nghề viết với các đồng nghiệp văn chương, nhất là các nhà văn trẻ: Trong sáng tác văn chương, kinh nghiệm luôn mang ý nghĩa cá nhân. Không có chuyện cầm tay chỉ việc. Thành ra, có thể nói nghề văn là nghề tự đào tạo. Không có chuyện sản xuất cơ giới, sản phẩm ra hành loạt trong sáng tác văn chương. Nghề văn nghiệt ngã ở chỗ, sáng tác bao giờ cũng chỉ là độc bản... Không hiểu các nghề khác thế nào, riêng nghề văn mà tôi theo đuổi thì đó là một nghề cần học hỏi suốt đời. Học nghề mải mê, không biết mệt, nếu anh còn muốn tiếp tục sống với cái nghề vất vả cực nhọc và tràn đầy niềm vui này... (5)
Điều ông nói được thể hiện qua lời một nhân vật trong truyện ngắn Trăng soi sân nhỏ: Văn chương là chuyện đời thông qua việc đào bới bản thể mình ở chiều sâu tâm hồn, chứ đâu phải là đi hớt lấy cái váng bọt nổi trên mặt của ngoại vật. Bởi lẽ theo ông: Con người không hướng về cái ác, cái xấu… Rằng con người đã đẹp lên, đã tốt lên, chẳng còn xấu xa nữa; trong khi về căn bản con người vẫn đang trong vòng luẩn quẩn, chưa hoàn thiện, ích kỷ, tà dục, độc địa và vẫn tham lam... (6)
Chính vì lẽ đó mà các nhà văn các cây viết trẻ cần phải lưu tâm: Nếu muốn viết tốt, trước tiên phải viết một cách vô thức, không nên ý thức quá lớn lao và rõ ràng, vì như thế sẽ rất khó viết, thậm chí không viết được. Phải viết bằng bản năng trước và không sợ hãi bất cứ điều gì, không tính toán thì mới có thể cầm bút sáng tác tốt... Nói theo ngôn ngữ của Ki-tô giáo thì Nhà văn là đấng tự hữu, hằng hữu- nghĩa là nhà văn bẩm sinh mà có, hằng có chứ không phải ai tạo ra.
Với tư cách là nhà văn, ông đã làm được nhiều điều mà các nhà văn khác không phải ai cũng làm được. Còn với tư cách một trụ cột gia đình, nhà văn Ma Văn Kháng đã làm hết sức mình, thậm chí là quá sức để có được một gia đình ấm no, hạnh phúc và ông tạm thỏa mãn với những gì mình đã làm. Những kỷ niệm của ông buồn có mà vui cũng có, nhỏ có mà lớn cũng có. Chỉ biết rằng ông sinh ra như một người chỉ để làm việc và cống hiến cho đời những hoa thơm trái ngọt. Chính nhà văn đã từng tâm sự: Thế hệ tôi là những người dốc hết sức mình không dè giữ. Giờ thì chẳng mơ mộng gì nhiều, tuy vậy, với công việc sáng tác thì vẫn chưa thể rời xa được (7).
Và thế là nhà văn Ma Văn Kháng không chỉ trả xong món nợ với núi rừng, mà ông đã mang nó trong suốt hơn 20 năm, một cách khá sòng phẳng, và quan trọng hơn là món nợ với con người và cuộc đời ông đã trả được một phần đáng kể, như lời của Lý, nhân vật chính trong tiểu thuyết Chuyện của Lý đã nói: Em là Lý đây. Em đã được sống trong lòng cuộc sống của Phong Sa với đủ cả các cung bậc buồn vui, đau khổ và sung sướng. Em là con đẻ của cuộc đời. Là con của người đời, em đang can đảm bước vào đời đây… Chính điều ấy đã đưa ông đến đỉnh cao vinh quang của văn chương Việt đương đại./.
……………….
Tham khảo:
(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7). antgcn.cand.com.vn; giaitri.vnexpress.net;tonvinhvanhoadoc.
vn;nhabaond.wordpress.com; thethaovanhoa.vn; vannghequandoi.com.vn;cinet.gov.vn; tienphong.vn.