HỮU THỈNH: NGƯỜI CHÈO LÁI CON THUYỀN VĂN CHƯƠNG VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI
Nhà thơ Hữu Thỉnh
Thế nhưng, ở cả hai lĩnh vực này ông đều đạt đến đỉnh cao của vinh quang và cũng không thiếu cay đắng. Lúc nào nhà thơ Hữu Thỉnh cũng ở trong tư thế của một người luôn bận công việc, nhưng rất đàng hoàng, đĩnh đạc đến mức trở thành một ông già đẹp giai, khiến không ít người trong độ tuổi thất thập như ông lấy làm ghen tị.
*
Nói đến thơ ca thời kỳ chống Mỹ, nhiều người thường nghĩ rằng đấy là một thế hệ nhà thơ- chiến sĩ trẻ trung và hùng hậu. Có lẽ chỉ có cuộc kháng chiến lớn lao ấy của dân tộc mới có thể sản sinh ra được một đội ngũ đông đảo các nhà thơ vừa có tâm, vừa có tài đến thế. Nhà thơ Hữu Thỉnh không chỉ là một người trong đoàn quân ấy, mà cùng với cuộc chiến và thời gian, ông đã trở thành một cánh chim đầu đàn của dòng thi ca chống Mỹ nói riêng và thi ca cách mạng nói chung.
Nhà thơ Hữu Thỉnh sinh ngày 15/2/1942 với tên khai sinh là Nguyễn Hữu Thỉnh. Ông quê ở làng Phú Vinh, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ hòa bình lập lại (1954) ông Hữu Thỉnh mới được đi học. Năm 1963, vừa tốt nghiệp phổ thông, ông vào bộ đội, làm lính của Trung đoàn 202, binh chủng Tăng- Thiết giáp. Sau thời gian huấn luyện, ông vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Sau năm 1975, ông được cử đi học tại trường viết văn Nguyễn Du, khóa I. Từ năm 1982, ông đã kinh qua nhiều cương vị công tác như: Biên tập viên rồi Trưởng ban thơ và làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội từ năm 1986. Sau đó, năm 1990, nhà thơ Hữu Thỉnh chuyển sang làm Tổng biên tập Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) các khoá III, IV, V, Đại biểu Quốc hội khoá X, XI. Từ năm 2.000 ông là bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch HNVVN. Đến nay đã sang nhiệm kỳ kỳ thứ 4, ông vẫn được tín nhiệm làm trọng trách này kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du,...
Thực ra, nói nhà thơ Hữu Thỉnh là cánh chim đầu đàn của thi ca chống Mỹ cũng đúng, nhưng chưa trọn nghĩa. Bởi lẽ sự nghiệp thơ ca của ông được nuôi dưỡng và nảy mầm từ cuộc kháng chiến thần thánh ấy của dân tộc. Dù quãng thời gian trong quân ngũ là vô cùng quan trọng trong việc hình thành phong cách thơ của ông, nhưng gần 40 năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông vẫn tiếp tục làm thơ và có thể coi giai đoạn sáng tác thơ sau này của ông kể cả khi đã ra ngoài quân ngũ cũng quan trọng không kém. Nó đã tạo nên một sự hoàn thiện đáng kể đối với phong cách thi ca của nhà thơ Hữu Thỉnh. Nhìn vào thời gian xuất hiện các tác phẩm của ông, chúng ta có thể thấy phần lớn các tác phẩm thơ của ông được hoàn thành và xuất bản sau 1975, kể cả tập thơ đầu tay Âm vang chiến hào của ông cũng được xuất bản vào năm 1976. Trong tập này có hai bài thơ mà ông đã đoạt giải A cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ năm 1975- 1976 là Chuyến đò đêm giáp ranh và Sức bền của đất. Điều thú vị là cả hai bài thơ trên chính là hồn cốt của hai trường ca cùng tên mà mãi sau 24 năm ông mới kịp hoàn thành.
Tiếp sau đó là các tập thơ Đường tới thành phố (Trường ca- 1979); Khi bé Hoa ra đời (Thơ thiếu nhi); Thư mùa đông (1994); Trường ca Biển (1994); Thơ Hữu Thỉnh (tuyển thơ- 1998); Sức bền của đất (2004); Thương lượng với thời gian (2005)…
Trước khi đoạt giải A cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ, nhà thơ Hữu Thỉnh đã đoạt giải C ở cuộc thi thơ của báo này vào năm 1972- 1973. Đến năm 1980, ông nhận Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam với trường ca Đường tới thành phố và năm 1994 với Trường ca biển; năm 1995 với tập thơ Thư mùa đông; Giải xuất sắc của Bộ Quốc phòng; năm 1999 ông nhận Giải thưởng Văn học ASEAN. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã được nhậnGiải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật, năm 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh, năm 2012 với hai tập thơ Trường ca biển và Thương lượng với thời gian
*
Một nhà thơ nổi tiếng, một chính khách sang trọng như nhà thơ Hữu Thỉnh, dù có khen bao người, cũng như người ta khen ông bao nhiêu cũng chưa đủ, nhưng chỉ thêm một nửa lời chê là thừa. Nhiều người bảo rằng ông là người của công việc, của phong trào văn chương nước nhà. Điều ấy chắc chắn là không cần bàn cãi. Đã vì phong trào thì khác nào người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Nhưng với ông dường như điều ấy không quan trọng, miễn là được lo cho sự nghiệp phát triển văn chương nước nhà thời hậu chiến.
Ông thích làm vì nhiều lẽ. Trước hết vì say công việc. Công việc như là thành lũy cuối cùng để ông trú ngụ. Bởi lẽ, ở đời chẳng ai có thể suốt ngày, suốt tháng, suốt năm làm thơ. Với ông không làm thơ, thì chẳng biết làm gì, ngoài công việc xã hội, mà cụ thể ở đây là quản lý, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam và sau này còn kiêm cả Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học- Nghệ thuật. Thành ra cứ làm mãi đâm say lúc nào, mà chính ông cũng không hay biết. Không làm việc coi như không được sống. Công việc Hội đối với ông còn hơn cả cơm ăn, nước uống, khí giời để hít thở. Chả thế mà có người bảo, nhiều hôm vì mải mê giải quyết công việc mà nhà thơ Hữu Thỉnh quên cả ăn cơm. Tôi nghiệm ra rằng, khi người ta có nhiều tâm huyết với một việc nào đấy hay có những nỗi niềm trăn trở mà nhiều khi không biết san sẻ cùng ai, thì diệu kế nhất là cứ lao vào mà làm, làm ngày, làm đêm, như thế còn thấy thú vị hơn, chứ nói nhiều phỏng có ích gì. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã có lý khi nói nửa đùa, nửa thật, đại ý rằng: Hữu Thỉnh nhiều việc, bận bịu vất vả thế, nhưng không cho Thỉnh làm việc là Thỉnh chết luôn.
Tiếp đến, ông Chủ tịch Hữu Thỉnh làm việc còn vì trách nhiệm mà hơn một nghìn (1014) anh em văn sĩ tin yêu, gửi gắm vì sự đổi mới của nền văn chương hiện đại Việt Nam, ngay từ những ngày đầu của thời kỳ đổi mới (1986- 1987). Không làm sao được với một người côi cút, lam lũ từ tấm bé, lại có hai người anh đều liệt sĩ, nên ông hiểu hơn ai hết việc cần có những tấm lòng sẻ chia, cộng cảm với văn nhân, những đồng chí đồng đội cùng chung chiến hào đánh giặc thưở nào. Ông cố gắng bằng tất cả sức lực, trí tuệ lẫn tình cảm của mình để có thể đem đến càng nhiều niềm vui cho anh em văn nghệ càng tốt.
Hơn ai hết, nhà thơ Hữu Thỉnh là người luôn trăn trở với việc đổi mới thơ Việt đương đại, coi đấy là một trọng trách tự thân và tự nhiên, một nghĩa vụ cao cả của người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã từng chia sẻ: Tôi cứ hình dung bạn đọc thơ bây giờ như khung thành các đội bóng đá siêu hạng, lọt bàn là khó lắm. Một nhà thơ Xô viết nói: Truyền thống ưu việt nhất (của thơ) là truyền thống của sự cách tân.
Trong thơ, tôi thích chữ hay hơn chữ mới. Có những bài thơ được gọi là mới nhưng chưa hay, ngược lại đã được công nhận là hay tất phải có cái gì đó thực sự mới. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương hay và không chịu cũ. Đổi mới để hay, và đổi mới để làm sáng rõ hơn bản sắc. Thơ trẻ giống nhau quá. Lời phàn nàn ấy ta nghe từ phía những người sành thơ và từ những bạn đọc bình thường. Những đóng góp giống nhau là làm nghèo cho sự đóng góp. Tôi yêu những hồn thơ độc đáo, độc đáo một cách hồn nhiên, chứ không phải lập dị. Thơ chấp nhận nhiều vẻ đẹp khác nhau, nhiều kiểu hay khác nhau nên cũng rất khác nhau những lời bàn về nó (1).
*
Đối với không ít vị tiền nhiệm, nhiều khi chức Chủ tịch Hội Nhà văn dường như chỉ làm cho vui hay làm vì trách nhiệm trên giao, hoặc làm vì chức danh trót đã được mặc định theo tư duy nhiệm kỳ. Nhưng đến lượt nhà thơ Hữu Thỉnh thì khác. Ông lăn lộn với việc mở các trại sáng tác thường niên; xin kinh phí đầu tư; tài trợ cho sáng tác; mở hội thảo về văn chương ở trung ương cũng như nhiều địa phương, vùng miền; cấp kinh phí cho các đoàn nhà văn đi xâm nhập thực tế ở các địa phương khắp từ Nam chí Bắc; tham gia các đề tài cấp Hội, ngành và cấp trung ương; chủ trì Ngày thơ Việt Nam hàng năm vào dịp Nguyên Tiêu, Rằm tháng Giêng; làm Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận - Phê bình văn học Trung ương; lo kinh phí đón các đoàn nhà văn quốc tế và khu vực ASEAN tới Việt Nam giao lưu và hội thảo; lo kinh phí cho nhà văn Việt Nam ra nước ngoài giao lưu với các nhà văn quốc tế; làm chủ tịch Hội đồng Chung khảo các cuộc thi tiểu thuyết, thơ, truyện ngắn, ký,… định kỳ và các cuộc xét thưởng văn chương hàng năm của Hội NVVN và Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNTVN; Chủ tịch Hội đồng xét kết nạp hội viên mới của Hội NVVN,... Với ngần ấy đầu công việc đủ thấy ông bận đến nhường nào.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Ngọc Trai, nguyên Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ,
đã có lý khi trong một lần tôi đến thăm tại nhà riêng, bà tâm sự đại ý rằng, Dù nói thế nào đi chăng nữa thì nhà thơ Hữu Thỉnh trong cương vị là Chủ tịch Hội Nhà văn VN cũng đã làm được nhiều việc mà những người trước không hoặc chưa làm được. Chẳng hạn như mãi đến thời kỳ ông Hữu Thỉnh làm Phó Tổng Thư ký, rồi Tổng Thư ký, Chủ tịch Hội, cùng với tập thể Ban Chấp hành, với trách nhiệm và uy tín cá nhân, ông Hữu Thỉnh đã khôi phục lại được uy tín và danh dự cho một loạt các nhà văn trước đây đã từng mắc sai lầm trong vụ Nhân văn Giai phẩm và đề nghị Nhà nước trao tặng và truy tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật cho các nhà văn như một sự ghi nhận và đánh giá đúng công lao và sự đóng góp của họ cho nền văn học- nghệ thuật nước nhà, trong đó có nhạc sĩ Văn Cao (Giải thưởng Hồ Chí Minh, đợt I, năm 1996), các nhà thơ Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Quán, Quang Dũng, Lê Đạt (Giải thưởng Nhà nước, năm 2001), nhà thơ Hữu Loan (Giải thưởng Nhà nước, năm 2012).
Phải nói rằng lúc ấy là một thời điểm khá nhạy cảm, nên việc tôn vinh thơ Nguyễn Việt Chiến là hết sức khó khăn. Chỉ có nhà thơ Hữu Thỉnh, trong cương vị Chủ tịch Hội đương nhiệm, người có đủ dũng cảm, bản lĩnh và tấm lòng sẻ chia với đồng nghiệp, còn với những người khác chưa chắc đã dám làm như vậy, vì sợ liên lụy đến trách nhiệm cá nhân. Điều này đã làm cho cả văn giới tâm phục, khẩu phục ông.
Nhiều người cho rằng đây là một việc làm thấu tình, đạt lý và là một sự thật không ai có thể phủ nhận được; là thái độ ứng xử đẹp, đầy tình nhân ái và tính nhân văn của người đứng đầu Hội với các đồng nghiệp văn chương.
*
Nhưng thật trớ trêu là sự đời không phải lúc nào cũng chiều theo ước vọng của con người, nhất là đối với những người đứng mũi chịu sào như ông Hữu Thỉnh, nên càng làm việc ông càng lắm thị phi. Từ cuối những năm 80, nhà thơ đã linh cảm được điều ấy: …Mỗi lần sau đám tang/ Lòng ai cũng héo/ Dạ ai cũng sầu/ Tôi cứ tưởng không ai còn xấu nữa/ Tôi cứ tưởng tốt với nhau bao nhiêu cũng còn chưa đủ/ Nhưng không phải, trời ơi, cuốc kêu không phải thế/ Giếng nước than lắm kẻ chao chân/ Khu vườn than có những con sên ngấp nghé lên trời/ Qua mùa hoa thì bướm cũng bay đi/ Tôi ngồi buồn như lá sen rách… (Nghe tiếng cuốc kêu).
Mặc! Còn lạ gì thói đời, càng nhiều thị phi, ông càng ra sức làm vượt qua những sự thị phi ấy. Nhưng càng làm nhiều, càng lắm thị phi. Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ bám riết lấy ông như một căn số, làm sao ông có thể cưỡng lại được. Nhưng vì công việc chung, vì sự tồn tại và phát triển của Hội, nhà thơ Hữu Thỉnh vẫn làm.
Có người nghĩ rằng nhà thơ Hữu Thỉnh là người thích đám đông. Nhưng suy cho cùng đám đông ở đây không phải là ai khác ngoài hơn một nghìn hội viên Hội NVVN và cũng khoảng ngần ấy hội viên các hội như: Sân khấu, Điện ảnh, Âm nhạc, Kiến trúc, Điêu khắc, Múa,…trong Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. Đấy là nơi hội tụ của hầu hết giới văn nghệ sĩ nước nhà trong nhiều thập kỷ nay. Đối với những người thờ chữ nhàn thì điều tối kỵ nhất là hội họp và tiếp khách. Còn với ông, hội họp và tiếp khách như một phần tất yếu của cuộc sống. Ông tất bật với hội họp. Họp ngày, họp đêm. Ngày nghỉ họp. Ở Trung ương họp. Đi xuống địa phương cũng họp. Vào Nam họp. Ra Bắc cũng để họp. Nhưng càng hội họp và tiếp khách nhiều ông càng như khỏe ra và phong độ hơn. Thế mới lạ chứ!
Những việc hiếu đễ như thăm viếng các nhà văn lão thành khi ốm đau, lâm nạn, soạn và đọc điếu văn cho người quá cố, rồi đến tận những vùng quê nghèo đói, những nơi có thiên tai bão lũ để thăm văn hữu, thăm cả thân nhân những nhà văn quá cố như một sự tri ân của hậu thế đối với tiền nhân văn nghiệp,... Chủ tịch Hữu Thỉnh đều rất quan tâm.
Hai bài điều văn viết cho hai nhà thơ quá cố ở hai thời điểm khác nhau, nhưng tôi cho rằng đấy là hai trong số những bài diễn ngôn hay nhất, vừa hào sảng, vừa sang trọng mà ấm áp tình người khôn xiết. Nhà thơ Hữu Thỉnh vừa ngồi trên ô tô vào tận xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa (quê của nhà thơ Hữu Loan), ông vừa viết điếu văn để kip đọc trước đám tang của nhà thơ đàn anh quá cố: Ông ra đi nhẹ nhõm và mãn nguyện như vừa chở xong một chuyến xe đá. Những người như ông không bao giờ coi cái chết là trút xong một món nợ đời mà chính là bước sang một thế giới khác, sinh sinh hóa hóa vô thường… Ông là nhà thơ hai lần đặc sắc. Đặc sắc ở hồn quê và đặc sặc trong khí phách… Hữu Loan là nhà thơ đi tiên phong trong việc đổi mới thơ trong kháng chiến chống Pháp, tài hoa rất mực mà cốt cách đến điều… Hữu Loan là sở hữu tinh thần hôm qua, hôm nay và mai sau của chúng ta. Những gì mà ông đã để lại sẽ còn mãi mãi với quê hương và đất nước và sẽ được các thế hệ đời sau nhớ mãi. Nhớ mãi nhà thơ chiến sĩ, nhớ mãi một nghị lực, một tấm gương hiếm có, vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt để giữ trọn sự cao khiết của hồn thơ. Hình ảnh thi nhân chở đá xây đời từ sự thật đầm đìa mồ hôi đã thành biểu tượng cao lộng… Hữu Loan là một trong những người có cá tính sáng tạo độc đáo trong nền thơ đương đại của Việt Nam.
Còn trước đấy, với thi sĩ đa tình Kinh Bắc, nhà thơ Hoàng Cầm, dù điều kiện có thuận lợi hơn về mặt thời gian và không gian, nhưng viết về Hoàng Cầm để giới văn nghệ xứ Kinh kỳ tâm phục khẩu phục, đâu phải là chuyện đơn giản. Vậy mà nhà thơ Hữu Thỉnh đã làm cho những người đến viếng nhà thơ Hoàng Cầm nước mắt rơi lả chả: Như những ngọn gió tìm tới cây sáo để thốt lên lời ca, Hoàng Cầm đã tìm đến văn chương, đặc biệt là thơ để bày tỏ những nặng lòng với cuộc sống, với đất Việt, hồn Việt. Và qua thơ ông đã tạo nên những cơn địa chấn trong trái tim con người… Độc đáo mà tự nhiên, là mình và cũng là tất cả, Hoàng Cầm đã bật nảy những dây đàn căng trong mỗi con người, hòa điệu mà đắm say, một lần và mãi mãi. Giờ đây, nhớ lại tất cả chúng ta cảm thấy bàng hoàng, cảm thấy đã mất đi một cái gì đó thân thiết mà ấm áp không bao giờ lặp lại… Vì tất cả những gì đã cống hiến cho đất nước, cho thơ ca dân tộc, giờ đây, ông được quyền yên nghỉ. Phía sau ông, sông Đuống vẫn nghiêng nghiêng đưa thơ ông về với biển lớn… Nhà thơ Hoàng Cầm đã ra đi, để lại cho thế hệ sau một công trình thơ văn lớn (2).
Hai con người, hai bản tính, hai thế thịnh suy đắp đổi, người thâm trầm tinh tế, kẻ hào sảng, quyết liệt nhưng đều là nhà thơ. Hai đời thơ, kẻ ít, người nhiều, nhưng đều hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp (Bên kia sông Đuống- Hoàng Cầm), trước lúc đi xa, lại gặp được một hồn thơ lớn như nhà thơ Hữu Thỉnh cộng cảm, sẻ chia thổi bùng lên lần cuối bằng một thứ men đời chan chứa tình người, như nối dài thêm đôi cánh thiên thần của thi ca, một sứ giả mang thông điệp của cái Đẹp đến cho con người. Có thể nói ngoài nhà thơ Hữu Thỉnh ra không ai có thể viết được những áng văn vừa hào sảng, vừa sang trọng, mà thấm đẫm sự sẻ chia với các bậc đàn anh và cũng là sự sẻ chia với chính mình đến như vậy.
Trước hết, cần phải thấy rằng những việc nhà thơ Hữu Thỉnh làm như một nghĩa cử cao đẹp của người đứng đầu Hội nghề nghiệp văn chương. Nhưng cũng cần phải thấy nếu không có một tình yêu con người từ trong sâu thẳm trái tim ông, chắc chắn khó có thể làm được như vậy. Những món quà ông mang đến cho mọi người có thể là không nhiều về giá trị vật chất, nhưng tấm lòng của ông đối với họ thì chẳng ai có thể đo đếm được. Đấy là cái mà mọi người cần ở ông. Vậy thì hà cớ gì ông không lao vào công việc. Vả lại, nhìn ở một góc độ khác, ông làm những việc ấy chính là ông cũng đang cần mọi người đồng cảm, sẻ chia, tiếp thêm cho ông nghị lực, đặng làm cho công việc của Hội mà ông đang đảm trách hanh thông, hoạnh phát hơn.
*
Có thể vì thế, nhìn bề ngoài, không ít người bảo rằng, ông Hữu Thỉnh làm gì còn thời gian để dốc bầu tâm sự với nàng thơ vốn rất đỏng đảnh và kiêu sa là vậy. Thế mà ông vẫn làm, càng bận, ông càng làm nhiều, làm hay hơn.
Minh chứng cho điều này, Thương lượng với thời gian (3), tập thơ gần đây nhất của nhà thơ Hữu Thỉnh, dù rằng nó đã ra đời cách đây khá lâu (2005), nhưng là một trong hai tập thơ của ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, đợt IV, năm 2012. Xung quanh tập thơ này có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng phần lớn vẫn cho rằng đây là một tập thơ rất đáng đọc vì chính ở đây, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp và nhận ra một ông Hữu Thỉnh đang tự đổi mới mình về khía cạnh thi pháp thơ.
Thương lượng với thời gian chỉ trên dưới 100 trang, được chia làm ba phần. Ngoài thơ ra, tập sách còn có Lời chú của tác giả với những thông tin rất đáng chú ý: Tập sách nhỏ này tập hợp những bài thơ tôi làm rải rác trong vòng hơn mười năm qua... Trong quá trình xuất bản, tác giả đã xem lại và sửa chữa theo góc nhìn của nhận thức mới... Trong các trường hợp sửa chữa, xin được lấy văn bản trong tập sách này là chính thức (4) ...
Có thể nói đây là một trường hợp hy hữu, mà tập thơ cần phải có Lời chú giải của tác giả. Chắc chắn sự cẩn trọng của nhà thơ Hữu Thỉnh là không thừa và thể hiện rõ ông là người rất tôn trọng độc giả và cũng là người có trách nhiệm với thơ ca và với chính mình. Ngay cả việc chia tập thơ ra làm ba phần đã thể hiện rõ ý đồ của tác giả.
Đọc kỹ những bài thơ ở phần một của Thượng lượng với thời gian, chúng ta sẽ không quá khó để nhận ra một Hữu Thỉnh khác về cách cảm, cách nghĩ cùng với ngôn ngữ và hình thức thể hiện. Phần một là mảng thơ biểu hiện tâm sự cá nhân trước thời cuộc, mà người ta quen gọi là thơ thế sự. Đáng lưu ý là mảng đề tài này xuất hiện nhiều hơn ở Thượng lượng với thời gian, so với các tập thơ trước của ông.
Để diễn tả những cung bậc khác nhau của tâm sự cá nhân, nhà thơ nhận thấy không thể dùng hình thức biểu cảm quen thuộc trước đây nữa, cũng như không thể nương nhờ vào hệ hình thẩm mỹ truyền thống để diễn tả những ý tưởng, quan niệm mới của chủ thể sáng tạo, cũng như những hình ảnh mới của đối tượng thi ca. Ở đây dường như không còn đất cho cách nói giản dị, đôn hậu và hào sảng, cũng không thể thủ thỉ, nhỏ nhẹ như khi tâm sự với tình nhân được. Sự ý thức về thời gian và thời cuộc là rường cột không cho phép nhà thơ kề cà, mải mê réo rắt như lúc xuân thì, mà cần phải có cách thể hiện riêng.
Sang thế kỷ mới, ấy cũng là lúc người ta cần phải có cách nhìn mới trước cuộc sống và cả trong thi ca với bao đổi thay nhiều khi trái chiều, cùng sự trớ trêu khiến người ta không thể nào hình dung trước được: Sang thế kỷ với con tàu quá rộng/ Hoa hồng sang, gai nhọn cũng sang/ Tay vun cây và bão dập mùa màng/ Sông ôm sóng cả bên bồi bên lở/ Thương cảm, phản thùng, khoan dung, thớ lợ/ Vé trên tay thanh thản bước lên tàu/ Kẻ chậm chân có thể là mây nõn/ Mải ngu ngơ với chim mới ra ràng/ Kẻ chậm chân có thể là ông nữa/ Trái tim cồng kềnh thơ phú đa mang (Sang thế kỷ).
Đất trời đổi thay, lòng người cuộn sóng, âu cũng là lẽ thường. Chỉ có điều, người nghệ sĩ thường nhạy cảm hơn trước những cơn ba đào của lịch sử. Sang thế kỷ mới là: ...Va quệt và xây xát/ Nhân tình lầm lũi đi (Thấy).
Ngay cả ở chốn thâm nghiêm của cõi tu hành, nơi ít biến đổi nhất thì trước những biến động của lịch sử, thời cuộc cũng chẳng thể nào ngồi yên mãi được. Ở vào cái thời mà: Thu hết mọi tiếng chuông thành một sắc áo vàng/ Cõi thiện xa xăm câu kinh vượt dốc
/ Bao nhiêu kỳ quan che không kín những gì lầm lạc/ Mây vừa đi vừa ngoái lại trông người (Ngẫu cảm).
Sự chân thành, trung thực là một phẩm chất không thể thiếu đối với người nghệ sĩ, nên không một ai có thể ngay lập tức vứt bỏ nó đi, nhưng lại cũng không thể nào giữ nguyên cách nghĩ cùng với sự phản ánh nó vào trong tác phẩm thơ trong khi thời cuộc đã đổi khác. Cái khó không phải ở sự thay đổi mà là thay đổi như thế nào: Tôi như cây biết giấu lá vào đâu/ Giữa gió bụi cõi người/ Nếu giấu lá thì còn đâu bóng mát/ Bóng mát mà che không nổi chính tôi… (Bóng mát).
Dẫu biết rằng nhà thơ luôn cố níu lấy những điều tốt đẹp ấy dành cho con người, cho cuộc đời, nhưng cuộc sống luôn biến đổi không ngừng: ... Mặc ai xô dạt mỗi ngày/ Múc đau lòng giếng vẫn đầy sao hôm (Những người đi lại phía tôi).
Ở phần một của tập thơ ta thấy ngày càng thưa vắng hơn cách nói giản dị, thủ thỉ, mạch thơ không còn bồng bềnh, dào dạt và hào sảng như những gì vốn là thế mạnh và đã tạo nên một giọng thơ riêng của nhà thơ Hữu Thỉnh hàng chục năm về trước. Trong phần này, giọng thơ vần vè, câu thơ nà nuột đã được thay bằng cách nói đầy suy tưởng, trăn trở, chiêm nghiệm, đôi khi chát chúa, nhói đau là những điều ta rất ít thấy ở những tập thơ trước của ông: ...Tôi cố lách qua cặn lắng của đời mình/ Dưới đáy cốc của hy vọng (Cặn lắng).
Cách gọi thẳng tên và bản chất sự vật, hiện tượng vốn là một cái gì đó còn khá xa lạ với thơ Việt truyền thống, nhưng thơ Việt hiện đại lại không cho phép mãi giam mình trong cái “cũi” chật chội của cách nói truyền thống. Dù muốn hay không nó buộc phải dung nạp thêm những cách nói mới trên nền của những cái truyền thống đã được kiểm chứng qua thời gian và không gian.
Thơ nỗ lực làm mới mình trước hết là ở góc nhìn của nhận thức mới rồi mới đến giọng điệu, ngôn từ của thơ, tức là ở khía cạnh thi pháp, trên cơ sở của nội dung, phạm vi đề tài, đối tượng, cái được phản ánh quy định. Qua Thượng lượng với thời gian nhà thơ Hữu Thỉnh đã cho ta thấy sự nỗ lực cá nhân theo cách riêng của mình trong dòng chảy thơ Việt hiện đại. Bài thơ Thương lượng với thời gian là sự thể hiện rõ nhất điều này: Buổi sáng lo kiếm sống/ Buổi chiều tìm công danh/ Buổi tối đem trí khôn ra mài rũa/ Tỉnh thức/ Những hàng cây bật khóc.
Đổi mới thi pháp thơ là biểu hiện cuối cùng của sự đổi mới về quan điểm thẩm mỹ. Với các nhà thơ thuộc thế hệ chống Mỹ, phần lớn cái Anh hùng, cái Cao cả thường đồng nghĩa với cái Đẹp. Vì thế cả một thế hệ nhà thơ giai đoạn này ra sức ngợi ca cái Anh hùng, cái Cao cả được nảy sinh từ hào khí của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mỹ của dân tộc ta, như là ca ngợi cái Đẹp. Dường như đối với thế hệ các nhà thơ giai đoạn này, cái buồn, cái xấu, những tâm sự cá nhân,... vô tình bị đuổi ra khỏi quan niệm thẩm mỹ của họ. Vì thế, thời ấy các nhà thơ rất ít quan tâm và phản ánh nó như là một phần của cái Đẹp hoặc chí ít cũng phản ánh nó trên quan điểm, tinh thần của cái Đẹp. Thậm chí ở đâu đó, với một số người còn cho đấy là điều húy kỵ, kiêng khem (taboo custom). Ai viết về những cái ấy, rất dễ bị quy cho là tư tưởng có vấn đề.
Có nhìn nhận như thế mới thấy được sự nỗ lực của một người đã từng xuất bản gần chục tập thơ và trường ca; đã từng nổi tiếng từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đã từng làm thơ hơn bốn mươi năm,...mà vẫn còn ý thức được cần phải đổi mới thi pháp với tư cách là hình thức cuối cùng của quan điểm thẩm mỹ và như là một cứu cánh của thơ
Việt hiện đại, nhà thơ Hữu Thỉnh là người hiểu rất rõ điều ấy.
*
Có thể thấy, ở phần hai và ba của tập này, nhà thơ Hữu Thỉnh vẫn bám chặt vào mạch nguồn dân tộc, đặc biệt là giai đoạn thơ ca chống Mỹ, cứu nước để rồi dứt khoát đổi mới về thi pháp như ta đã thấy ở phần một. Hơn ai hết, nhà thơ Hữu Thỉnh luôn ý thức rõ ràng và dứt khoát rằng, nếu tự mình không đổi mới về thi pháp thơ, thì không chỉ là tụt hậu, mà hơn thế thơ không thể nào đến với công chúng bạn đọc hôm nay, nó hay hay dở, sống hay chết chẳng ai quan tâm, cũng đồng nghĩa với việc thơ viết ra chẳng để làm gì.
Tuy nhiên ở phần hai có một bài mà nhà thơ Hữu Thỉnh viết tặng nhà thơ Chính Hữu, người đồng chí, đồng đội của ông cùng ở Nhà số 4, phố Lý Nam Đế, hiện là trụ sở của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, khá xúc động và hay, vì nó được thể hiện bằng một cách nói mới, như là sự báo hiệu hướng đến sự đổi mới thi pháp của ông: Ông là khách quen của những buổi chiều/ Bạn thân cùng im lặng/ Ông chỉ mong tạo ra nhiều khoảng trống/ Khoảng trống dịu dàng quà tặng của mùa thu .../ Thế kỷ sóng to/ Ông lặn qua tận đáy/ Lấy khoan dung làm chiếc phao bơi/ Khiến cay đắng cũng nhuốm màu tha thứ.../ Cây vẫn đây mà năm đã qua/ Xuân lại đến giúp Ông làm gậy chống (Gửi người bộ hành lặng lẽ)
Giản dị, hồn hậu và pha chút hào sảng, nhưng vẫn đầy ắp sự chiêm nghiệm suy tư trong Thế kỷ sóng to, nhưng một người như Chính Hữu vẫn có thể lặn qua tận đáy. Bởi lẽ ông luôn biết Lấy khoan dung làm chiếc phao bơi. Điều đó còn có cả sự hàm ơn người đồng chí, người anh đã đem đến cho mình một bài học quý giá về lối sống và lẽ sống ở đời. Có lẽ một trong số những người hiểu về tính cách lặng lẽ của Chính Hữu nhất là người đồng chí, người đàn em, nhà thơ Hữu Thỉnh. Người Hữu trước hiểu người Hữu sau đến mức bài thơ Gửi người bộ hành lặng lẽ trở thành một trong những bài thơ hay nhất của nhà thơ Hữu Thỉnh trong tập Thương lượng với thời gian. Đấy cũng là nét mới về thi pháp của nhà thơ Hữu Thỉnh trong mảng thơ về đề tài thế sự của ông.
...............................
Tham khảo
(1). Hữu Thỉnh: Đổi mới để hay, để làm sáng rõ bản sắc. Nguồn: Văn nghệ, số (17/1/1987)
(2) Nguồn: nguyentrongtao.info/tag/hữu-thỉnh
(3). Hữu Thỉnh. Thương lượng với thời gian, thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2005
(4). http://thunguyetvn.com