Tác phẩm và dư luận

17/2
8:24 PM 2017

YẾU TỐ VÔ THỨC TRONG MỘT VÀI TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

NGUYỄN ĐỨC TOÀN-Yếu tố vô thức đã mở ra con đường lí tưởng dẫn vào địa hạt văn chương nhằm khám phá những gì thầm kín, bí ẩn nhất của bản thể người. Việc lựa chọn đưa vô thức vào sáng tác cũng đã tạo động lực thúc đẩy nhà văn đương đại tìm đến sự đổi mới bút pháp.

Phân tâm học ra đời đã chứng minh “cái tôi không phải là chủ nhân trong ngôi nhà của chính nó”, bởi lẽ, một bộ phận đáng kể những hành vi của con người thoát khỏi sự canh chừng của ý thức. Phạm trù vô thức gắn bó hơn cả với tên tuổi của vị bác sĩ người Áo, Sigmund Freud, thủy tổ của phân tâm học (psychoanalysis). Ông cho rằng, quá trình sáng tạo của nghệ sĩ cũng như cơ chế của một giấc mơ, chúng đều chứa đựng những miền tưởng tượng nhằm giải tỏa những ẩn ức, thỏa mãn những xung năng. 

Sau 1986, sự đổi thay trong đời sống xã hội, bầu không khí đổi mới, “cởi trói” trong đời sống văn học, sự giao lưu văn hóa, văn học, việc tiếp xúc với các lí thuyết văn học hiện đại trên thế giới… đã dẫn đến hiện tượng đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người và nhu cầu cách tân lối viết của các nhà văn Việt Nam. Từ đây, vô thức trở thành đối tượng khám phá và phương tiện kiến tạo tác phẩm một cách tự giác trong nhiều tác phẩm của họ.

Tiểu thuyết Việt Nam đương đại xuất hiện kiểu không - thời gian của cõi vô thức - nơi chập chờn kí ức, bất định suy tư, hoang hoải giấc mơ... Kiên (Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh) luôn sống với những kỉ niệm, từ quãng đời bình yên rực rỡ bên Phương cho đến những tháng ngày trải nghiệm chiến tranh. Hoa, Khánh (Người sông Mê - Châu Diên) cũng không ngừng trở về với quá khứ, thậm chí trở về với những tiền kiếp xa xưa. Ở thế giới tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, quãng đời tuổi thơ của Hoàn, những ngày ở thành cổ Quảng Trị của Thắng (Người đi vắng), mối tình với Kim của Khẩn (Ngồi)… đều là những miền ám ảnh của nhân vật. Khi nhà văn sử dụng kĩ thuật dòng ý thức, các sự kiện trong tác phẩm thường dàn trải, không có thắt nút, cao trào, mở nút; chúng chỉ là cái cớ, còn dòng ý thức, nhận thức, chiêm nghiệm của nhân vật hoặc của người kể chuyện mới là nội dung cơ bản. Kiên (Nỗi buồn chiến tranh) chìm sâu trong những cơn mơ, những hồi tưởng về quá khứ, một quá khứ đau thương và ngọt ngào. Cũng tạo dựng những suy tư đứt nối theo kí ức nhân vật nhưng tác giả Người sông Mê lại sử dụng yếu tố huyền ảo để làm cơ sở cho dòng nội cảm ở nhân vật được chảy trôi miên man, nửa mê nửa tỉnh cả khi họ còn sống hay đã chết. Dòng hồi ức ngẫu nhiên, tùy tiện cũng làm nên chân dung nhân vật chính trong các tiểu thuyết gần đây của Đoàn Minh Phượng. An Mi (Và khi tro bụi) luôn hiện diện qua những dòng độc thoại nội tâm đầy rối bời, mâu thuẫn. Chuỗi hồi ức, ảo giác, tưởng tượng đan xen, hòa quyện vào nhau làm cho ta có cảm giác cô lạc vào mê cung của những kỉ niệm, liên tưởng đứt đoạn, đổi hướng đang chảy miên man không thể sắp xếp được. Hồi ức về người chồng quá cố, về người cha nuôi, về những bức tường đá lạnh tuổi thơ, về những nốt nhạc, về chiến tranh… dường như cùng lúc sống lại với hiện tại đổ nát của An Mi. Những hồi tưởng bất định và bất tận như thế đã hé mở một hiện tại trống rỗng, đầy u ám của một người phụ nữ tuyệt vọng, không lối thoát. Ngoài những dòng hồi ức tự bạch, trong Và khi tro bụi ta còn bắt gặp những giấc mơ của An Mi - một dạng đặc biệt của hồi ức. Trong mơ, những cảm xúc, ấn tượng từ tầng sâu vô thức trở nên rõ nét. Anita hiện về trong giấc mơ của An Mi là một gương mặt mờ nhòe nhưng có lời nói, cử chỉ, hành động và có cả tâm trạng. Qua cuộc nói chuyện với linh hồn Anita, An Mi có thể thấy được sự cô độc, lạc loài, vô vọng của người đàn bà xấu số bị bỏ rơi, bị lãng quên. Giấc mơ ấy khiến cô chợt nhận ra thân phận của mình, cô khóc thương cho Anita cũng là khóc thương cho chính mình. Hồi ức về người cha nuôi là những kỉ niệm ngọt ngào xen lẫn cay đắng cũng giống như một giấc mơ lạ lùng… Tất cả không đem đến cho người đọc một hiện thực đáng tin nào hết nhưng dẫn dụ họ cùng suy ngẫm về ý nghĩa cuộc sống, về cái lạ lùng, đa đoan của thân phận người.  
 Như vậy, việc thâm nhập vào cõi vô thức đã mở ra con đường để các nhà văn lách sâu hơn nữa ngòi bút của mình vào đời sống bên trong của nhân vật, tìm thấy ở đó những trạng thái, những diễn biến tâm lí chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Nhân vật được giản lược những yếu tố liên quan đến tiểu sử, nhân dạng, hành động nhưng được làm “dày hóa” về phương diện tinh thần, nhờ đó mà hình tượng con người hiện lên đa chiều, gần bản chất người hơn. Nhân vật trong tiểu thuyết đương đại có hiện tượng nhiều con người cùng tồn tại như những mảnh, những phiến đoạn vừa mâu thuẫn, vừa bổ sung cho nhau. Dù cùng được xây dựng như những con người phức hợp, đa bình diện, được khám phá ở góc độ tâm linh, vô thức nhưng các nhân vật này không hề trùng lặp mà vẫn có sắc diện riêng. Thí dụ, nhân vật Kiên (Nỗi buồn chiến tranh) hiện thân là một người lính được nhìn nhận ở bình diện đời tư, được quan tâm ở bi kịch cá nhân với những vết thương tinh thần không thể lành miệng, và để làm nổi bật điều đó, Bảo Ninh để Kiên tự thể hiện mình qua dòng hồi ức nhiều đứt gãy, xáo trộn. Các nhân vật Khánh, Hoa trong tiểu thuyết của Châu Diên lại được xây dựng là những con người trẻ tuổi có đời sống tinh thần lành mạnh, khỏe khoắn, tuy vậy, họ cũng rơi vào tình trạng nhớ quên lẫn lộn khi tác giả để họ sống với nhiều kiếp qua việc sử dụng yếu tố siêu nhiên huyền ảo. Nhân vật của Nguyễn Bình Phương cũng mang bi kịch tinh thần như Kiên, cũng hiện lên trong nhập nhòa thực - ảo như nhân vật của Châu Diên nhưng họ sống gần với bản năng, chất chứa nhiều dục vọng và mang những tính cách “phân rã”, không xác định. Những đổi mới trong nghệ thuật xây dựng nhân vật ở các tiểu thuyết kể trên là hình thức phù hợp nhất để đưa đến cho người đọc những cảm quan mới về văn chương, và gần gũi hơn nữa là về cuộc sống, về con người.

Ngôn ngữ được coi là “yếu tố thứ nhất của văn học”. Với sự khám phá vào cõi vô thức, một mặt các nhà văn cố gắng tìm tới những hình thức ngôn từ phù hợp nhất nhằm biểu hiện được tầng sâu trong tâm lí con người, mặt khác cũng phải thấy rằng có những khi, từ ngữ hoặc câu văn bất chợt ùa tới theo dòng trôi của cảm xúc, tư tưởng nơi chủ thể sáng tạo. Nỗi buồn chiến tranh đem đến cho người đọc một áng văn đẹp, đậm chất trữ tình được tổ chức một cách khá tự do, không tuân theo logic, trật tự thông thường. Với một lối viết như buông lỏng mà chặt chẽ, Người sông Mê lại gây chú ý nhiều hơn ở kiểu câu liệt kê bất tận và kiểu diễn đạt nước đôi. Ở Thoạt kì thủy, những từ ngữ quen thuộc khi miêu tả về trăng không được lặp lại, thay vào đó là những hình dung rất lạ nhuốm màu kì quái, bí hiểm nhưng cũng đậm chất thơ. Cũng với cách thức triển khai lớp ngôn từ đứt nối, nhà văn đã khai thác và sử dụng thành công ngôn ngữ độc thoại ở dạng thức đặc biệt của nó, đó là chuỗi lời câm. Trong chuỗi lời câm, tác giả cũng sử dụng rất nhiều từ tượng thanh tượng hình, diễn tả những trạng thái khá đa dạng và có phần siêu thực, phi lí ở một kiểu nhân vật tàn khuyết về tâm lí. Mật độ các cuộc thoại trong Người sông Mê xuất hiện dày hơn. Sự không ăn khớp trong các cuộc thoại của Hoa và Khánh là do họ lẫn lộn giữa các kiếp sống. Đang nói với Hoa, Khánh lại gọi tên Hương, một tiền kiếp của Hoa. Đang là lời Khánh kể với Hoa về bố của Khánh lại lẫn sang lời kể của chính bố Khánh với Hoa. Đây là một thủ pháp để tác giả chuyển mạch truyện và trao điểm nhìn cho những nhân vật khác nhau để họ tự kể về đời mình. Những cuộc thoại trên mang hình thức là ngôn ngữ đối thoại nhưng thực chất nó là biến thể đặc biệt của độc thoại nội tâm. Khi xây dựng những đoạn đối thoại này, các nhà văn đã tô đậm cái ngẫu nhiên, tính bất quy tắc của đời sống, và nhất là đã diễn tả được những trạng thái tinh thần chứa đựng nhiều ám ảnh, ẩn ức khiến cho lời nói phát ra không đi theo logic thông thường. “Khoảng trắng” giữa các dòng thoại, vì vậy, cũng là khoảng trống trong tâm hồn con người.

Sự khám phá yếu tố vô thức không chỉ cho phép các nhà văn tìm tòi những hình thức ngôn từ phù hợp để diễn tả, dẫn đến việc sáng tạo những tổ hợp ngôn từ mới hay việc triển khai lớp ngôn từ có nhiều đứt nối mà còn thúc đẩy họ tìm đến những cách hành văn độc đáo. Xuất hiện khá nhiều trong tiểu thuyết đương đại là những câu văn không đi theo cú pháp truyền thống, hoặc những câu văn cực ngắn, hoặc câu văn rất dài. Kiểu câu văn ngắn vừa là kết quả của việc đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ của bạn đọc thời hiện đại với quỹ thời gian hạn hẹp trong sự tương thích với dung lượng thường là không dài của một tác phẩm, mặt khác, nó cũng là sản phẩm của việc cố gắng diễn tả chiều sâu vô thức. Nó phù hợp với việc thể hiện trạng thái tâm hồn luôn có sự xê dịch với những ý nghĩ, những cảm xúc đến bất chợt, có khi là lộn xộn, rối rắm. Trong dòng hồi ức đau khổ và liên tục đứt gãy, xáo trộn của Kiên (Nỗi buồn chiến tranh), những kỉ niệm, cảm xúc luôn luôn là một sự chảy trôi bất tận với những ngã rẽ bất chợt, không đầu không cuối. Việc chen vào những câu văn ngắn giữa điệp trùng những câu văn dài có tác dụng đặc tả được vết thương tâm hồn nơi Kiên. Châu Diên cũng sử dụng khá nhiều câu văn ngắn trong Người sông Mê và kiểu câu này thường gắn với nhân vật Khánh với những suy tưởng khi còn sống và cả khi đã chết. Không giống như Bảo Ninh viết câu văn ngắn với tính từ chỉ cảm giác và không có chủ ngữ đi kèm, câu văn ngắn của Châu Diên thường vẫn hiện diện đầy đủ cả thành phần chủ ngữ và vị ngữ xen kẽ với những câu khuyết thiếu một thành phần ngữ pháp. Câu văn ngắn khiến cho mạch văn trở nên gấp gáp. Kiểu câu này xuất hiện với mật độ đậm đặc trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương và trở thành một nét phong cách ngôn ngữ của tác giả. Ở nhiều tác phẩm của nhà văn này, hầu hết các câu chỉ có một mệnh đề, một thông báo, trong đó loại câu không có chủ ngữ chiếm ưu thế. Trong Thoạt kì thủy, kiểu câu này chiếm vị trí chủ đạo. Mỗi câu là một thực thể độc lập, mối quan hệ giữa các câu văn đứng cạnh nhau lỏng lẻo khiến cho mạch văn xô lệch, diễn tả một khung cảnh hỗn mang với những con người chìm sâu trong đời sống bản năng dục vọng tăm tối. Đặc biệt, câu văn trong những chuỗi lời câm của Tính bao giờ cũng ngắn và sắp xếp lộn xộn, phản ánh rất chính xác cái rối loạn, cái phi logic trong tâm lí người điên.

Bên cạnh dạng câu văn ngắn đang khá thịnh hành trong lối viết hiện nay lại có những câu văn rất dài như đã nói. Đây vừa là một sự “cố tình của bút pháp”, vừa là sản phẩm của những khoảnh khắc người nghệ sĩ ngôn từ buông lơi lí trí để ngọn bút siêu thăng vào miền vô thức. Những câu văn kéo dài miên man diễn tả dòng ý thức trôi nổi bất định của nhân vật và cũng là sự thả nổi cảm xúc nơi nhà văn. Bảo Ninh đã viết Nỗi buồn chiến tranh bằng niềm yêu thương, đau khổ, nhớ nhung, day dứt từ chính những trải nghiệm đời mình. Câu văn trong tác phẩm luôn đong đầy cảm xúc, chứa chan nỗi niềm, chảy đều đều, lặng lẽ giống như nỗi buồn dằng dặc của nhân vật chính. Có những câu văn trập trùng hình ảnh, các hình ảnh có vẻ ngẫu nhiên tùy tiện, nhảy cóc không theo một trật tự nào và cũng không biết khi nào dừng lại. Dường như Bảo Ninh đã bỏ quên cấu trúc ngữ pháp thông thường để câu văn trở thành những lớp sóng ngôn từ lột tả dòng kí ức miên man, lột tả tiếng nói của vô thức.

Có thể thấy rằng, khi khám phá vào thế giới tâm hồn con người, trong đó vô thức là một bình diện được chú ý khai thác, các nhà văn đã cố gắng tìm ra những hình thức nghệ thuật phù hợp nhất để khắc họa trên trang sách của mình những “tấm phim âm bản” của mỗi cá thể người. Những nỗ lực ấy góp phần củng cố niềm tin của độc giả về sức sống của tiểu thuyết hôm nay và vai trò của nhà văn trong việc khơi mở những vùng hiện thực mới.
Nguồn: Văn nghệ Quân đội

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *