Tác phẩm chọn lọc

3/12
9:39 AM 2016

CHA CON THẾ LỮ- NGUYỄN ĐÌNH NGHI HAY LÀ “CHA VÀ CON VÀ…THÁNH ĐƯỜNG SÂN KHẤU

NGUYỄN THỊ MINH THÁI-Một-Mẹ cho con trai Thế Lữ tâm hồn đa cảm-Thế Lữ, tên thật Nguyễn Thứ Lễ, là kết quả mối tình lãng mạn giữa cha ông-một ký ga xe lửa “Tây học”, người làng Phù Đổng-TiênDu, Bắc Ninh, với mẹ ông, một thiếu nữ ngoan đạo người Hải Phòng theo Thiên Chúa giáo.

                                                               Nhà thơ Thế Lữ

Nhưng cuộc tình này bỗng thành trái ngang. Người thiếu nữ không được gia đình chàng kí ga công nhận.Thế Lữ còn ẵm ngửa, đã bị dứt khỏi vú mẹ, từ Hải Phòng, được bế lên theo cha làm chân kí ga ở Lạng Sơn, ở với bà nội và u, vợ chính thất của cha (mẹ ông đành cam phận lẽ mọn).

Cầm tinh con Dê, sinh năm Đinh Mùi 1907, bà nội gọi Thế Lữ, cháu nội đích tôn, là “con Dê núi”, bởi suốt ngày cậu Gầy (tên cúng cơm của Thế Lữ) chạy nhảy lêu lổng chơi bời theo đám trẻ con, hiếm khi nào chịu ngồi yên một chỗ. Tính cách ham chơi, hoang dại, lại mơ mộng buồn sầu từ bé của cậu Gầy-Thế Lữ, có lẽ  bắt nguồn từ cả một thời ấu thơ vắng bóng mẹ đẻ, cứ thế trôi qua trong cái xứ Lạng heo hút xa ngái, toàn núi núi non non, đầy những chuyện ma quỷ hoang đường, săn bắn tàn bạo, giết hổ, giết gấu, rồi chuyện Tây xử bắn nghĩa quân Đề Thám, lính khố xanh khố đỏ bắn giết tù nhân…đã in dấu thật đậm trong tâm hồn non dại của Thế Lữ.

 Thế là xứ Lạng, nơi “mây nước cây rừng/nước non thanh sạch cách chừng phồn hoa”(thơ Thế Lữ) đã tự nhiên mà thành cả một-thế-giới- ấn-tượng-nguyên-sơ, khơi nguồn cho cái Đẹp trong các sáng tác về sau, nhất là các thi phẩm, khi Thế Lữ đã thành niên trong văn chương nghệ thuật, ngay từ bước khởi nghiệp “Thơ Mới”. Về cái xứ Lạng này, nhà phê bình văn học Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam” đã có nhận xét thật ngộ: “Nơi sinh: Thế Lữ lấy làm lạ thấy người nhà nói là Thái Hà Ấp Hà Nội, còn thi sĩ cứ tưởng là Lạng Sơn, nơi đã ở từ năm còn bé đến 11 tuổi”…

Nhưng việc hình thành một tâm hồn đa cảm đủ sức đưa đẩy ông vào chốn đoạn trường văn nghệ, lại dường như bắt đầu từ cảnh sầu thương cứ lặp đi lặp lại mãi trong thời thơ ấu của Thế Lữ, cho đến năm 11 tuổi: Mẹ đẻ Gầy chỉ được mỗi năm một đôi bận, từ Phòng (Hải Phòng) ngược lên xứ Lạng thăm con đôi ba bữa ngắn ngủi, rồi lại dứt áo biệt Gầy về lại Phòng, trong chứa chan nước mắt nhớ thương. Ga tàu cách nhà non cây số, Gầy đưa tiễn, mẹ ngoái nhìn Gầy rồi bước vội lên tàu. Tàu thở hổn hển lăn bánh. Gầy nhớ mẹ quặn thắt cả lòng, chỉ biết phủ phục xuống đường tàu, vuốt ve sắt lạnh, thổn thức nghe tiếng còi tàu xa biền biệt, đem mẹ xuống tuốt luốt mãi Hải Phòng, chẳng biết bao giờ mẹ mới quay trở lại với Gầy?

 Sau này, khi thành “kí giả kịch trường” của Tạp chí Sân khấu đóng đô tòa soạn ở 51 Trần Hưng Đạo Hà Nội, có trụ sở thứ 2 ở TP HCM, 152/2 đường Nguyễn Trãi, năm1979, tôi được TBT Lưu Trọng Lư, sau đó là TBT Xuân Trình, biệt phái vào Sài Gòn ghi chép hồi ký cho cụ Thế Lữ, cựu chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Kể về thời bé dại ấy, ông còn rưng rưng nước mắt, nhớ không sót một ly. Lúc đó, ông đã qua tuổi thất thập xưa nay hiếm, người bé nhỏ ốm yếu, tóc trắng như cước, trên khuôn mặt hằn nếp nhăn tuổi tác, đôi mắt ông vẫn còn tinh anh, nhưng giọng nói đã run rẩy thì thào. Song, trí nhớ ông thật siêu việt, ông vẫn không thôi nhung nhớ xứ Lạng và trầm ngâm bảo tôi rằng, chủ đề chính của đời ông thời bé dại cho đến năm 11 tuổi là xa cách nhớ thương biền biệt người mẹ đẻ ở mãi dưới Hải Phòng. Ông hoài nhớ trong nghẹn ngào: cái lần đầu tiên mẹ đi khỏi, bà nội không cho Gầy đi tiễn, Gầy nằm bẹp trên phản gỗ, buồn rũ, vùng vằng bảo:“chả cần mẹ lên, lên rồi lại về, chán lắm!”(Gầy nói thế cốt để vừa lòng bà nội và u). Bà nội cười cười: “Ơ thằng Gầy khóc kìa!”.“Không!”- Gầy gắt lên. Bà lại cười nhẹ: “Thế cái gì ở trên mắt đấy?”- “Nước ở má chảy đấy, không phải ở mắt đâu!”- Gầy cãi.

                    

                                                          Nhà viết kịch, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi

Mẹ về Phòng,Gầy thấy xứ Lạng heo hút,quá chừng trống vắng.

Kể chuyện đời mình, chính Thế Lữ tự nghiệm sinh rằng nếu không có tình thương nhớ trong cách xa biền biệt ấy của mẹ con ông, không có cái xứ Lạng rợn người hiu hắt, vắng bóng mẹ suốt thời thơ ấu của ông, và mãi về sau, ông được mẹ đón về ở cùng tại Hải Phòng, chăm sóc, yêu chiều, thuận thảo tạo mọi điều kiện cho ông lên Hà Nội kinh kỳ để thỏa chí tang bồng văn nghệ, như tự bạch rất đỗi mơ màng của ông trong “Cây đàn muôn điệu”: Tôi chỉ là một khách tình si/Ham vẻ đẹp muôn hình muôn vẻ/ Mượn lấy bút nàng Ly Tao tôi vẽ/Mượn cây đàn ngàn phím tôi ca,thì sẽ chẳng bao giờ có một Thế Lữ với tài năng muôn mặt như khối vuông Rubic, phát sáng nhiều phương diện văn nghệ: từ thơ, đến văn xuôi, báo chí, hội họa, diễn viên kịch và đạo diễn sân khấu… và để cuối chót, ông đã tự tổng hòa thành người-sân-khấu, với biệt danh “Thế Lữ của sân khấu”, như tên bài viết đầu tiên của tôi về ông, đăng trên Tạp chí sân khấu số 6 năm 1977, nhân dịp Thế Lữ tròn tuổi 70 (1907-1977)…

Nhưng ông bố kí ga xa cách, lạnh lùng của Thế Lữ cũng để lại ở tâm hồn ông dấu ấn khắc nghiệt mà về sau, khi Thế Lữ làm cha, sinh con Nguyễn Đình Nghi, người duy nhất trong các con ông nối nghiệp cha, được ông đích thân giáo dưỡng, truyền nghề đạo diễn, Thế Lữ mới hiểu hết tình cha, trong lưng vốn tình cảm mà ông có được từ thuở ngây thơ xứ Lạng.

Cha Gầy đúng là xa cách, không thân mật với con trai, bởi cha làm sếp ga xe lửa tuyến Lạng Sơn-Thanh Hóa, theo tàu đi quanh năm suốt tháng, hiếm khi ở nhà. Gầy lắm tội, mỗi lần về nhà, cha nghe bà kể tội, liền lấy roi đánh. Gầy sợ đòn lắm, bởi cậu ham chơi, chẳng màng ăn uống, người gầy nhẳng, toàn da bọc xương. Với cha, Gầy như không có tình, chỉ thấy hãi sợ. Quan hệ cha con thưa thớt, sượng sùng. Nhưng Gầy nhớ mồn một dáng người cha tầm thước, ăn mặc bao giờ cũng chỉnh chiện, lịch thiệp, dù quần áo ta: áo dài là ủi phẳng phiu, ngoài khoác áo the, khăn đóng, tóc búi tó củ hành, để râu mép. Chữ Tây cha Gầy cũng thông mà chữ Ta cũng thạo. Được cha dắt đến nhiệm sở chơi, Gầy tròn xoe mắt nghe cha nói tiếng Tây làu làu. Cha Gầy lại viết chữ Nho rất đẹp, như rồng bay, phượng múa, tự tay viết Tam tự kinh cho Gầy học. Thú vui khiến cha Gầy dễ chịu nhất là về đến nhà, ngả lưng xuống võng đọc sách, sách Ta lẫn sách Tây,Tàu đều đọc thông cả. Bạn bè đến chơi đàm đạo vui vẻ, cha Gầy cao hứng nói cười sang sảng… Những kí ức xa vời về người cha nghiêm ngặt cứ thế đổ về ào ạt trong ông lão Thế Lữ đã ngoài bảy mươi…

 Và ông ngậm ngùi tiếp: Tôi chỉ thương mẹ đẻ nhất, sau đến bà nội và u. Song, dù ít gắn bó với cha, tôi vẫn là con trai cả của ông và dường như tôi sau này cũng giông giống cha tôi trong đời tình ái.

 

Hai.Thế Lữ-Song Kim “Hai thỏi vàng hiếm hoi quý giá”

 

 Tôi đã ngỏ lời xin lấy Song Kim làm vợ, khi tôi đã có gia đình, và cuốn Song Kim vào sống chung cả cuộc đời sân khấu mấy chục năm của tôi. Tôi yêu Song Kim trong tình sân khấu sâu đậm, cho đến sau ngày giải phóng, năm 1979, tôi phải xa lìa Song Kim, vào TP HCM ở với bà cả, cũng  để bù đắp bao năm xa cách, kể từ khi bà ấy cùng 3 người con xuống tàu đi Nam năm 1954. ( Thế Lữ lấy vợ từ năm 17 tuổi, có 4 người con: Nghi-Tâm-Học-Tùng.Với bà Song Kim không có con). Năm 1947, Thế Lữ đưa theo con trai cả Nguyễn Đình Nghi và người vợ nghệ sĩ Song Kim lên chiến khu Việt Bắc theo cụ Hồ kháng chiến chống Pháp, bằng công cụ văn nghệ, cũng chính là tình yêu, là tài năng duy nhất mà ông có: đó là kịch nghệ, với cương vị đạo diễn, phụ trách đoàn kịch Chiến Thắng của Thủ đô gió ngàn.

Là người rất đa tình, đa cảm, ông già Thế Lữ mặt sáng bừng nhớ lại mối tình nghệ sĩ giữa ông và bà Song Kim. Thưở ấy, những năm 30 của thế kỉ 20, kịch Tây du nhập vào Việt Nam theo nhiều ngả đường “Việt hóa”. Lúc ấy, Thế Lữ đã thành danh ở môi trường văn chương, báo chí  Hà Nội, mà vẫn chưa thỏa chí tang bồng văn nghệ. Ông đã buông bỏ hết cả Thơ Mới, truyện ngắn lãng mạn kiểu Tự Lực Văn Đoàn (ông có chân trong văn đoàn này), tiểu thuyết trinh thám “đường rừng”…và các chuyên mục báo chí mà ông “giữ gôn”, để đến với kịch nghệ, một cõi bờ mới lạ chưa ai khai phá ở Việt Nam, vốn là loại hình nghệ thuật biểu diễn sân khấu chuyên nghiệp,  lấy diễn viên sắm vai kịch làm trung tâm, dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn. Thế Lữ đã vào nghề đạo diễn trong hoàn cảnh Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp nên không được qua trường lớp đào tạo chính quy nào về kịch nghệ, ông chỉ có duy nhất con đường: tự học, tự đọc, tự hành nghề kịch. Ông không tự gọi mình là “đạo diễn”, chỉ khiêm tốn nhận mình là “nhà dàn cảnh”. Có điều ở ông rất khác người: ông đã làm kịch bằng con mắt và tấm lòng của nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà mỹ thuật, và nhà bình luận văn chương tinh tế. Bấy nhiêu của nả tự thân ấy của tài năng Thế Lữ đã khiến ông cho ra đời rất mát tay những ban kịch của ông: Tinh Hoa, Thế Lữ, Anh Vũ…và tập hợp được rất nhiều khuôn mặt nhà văn, nhà thơ, kí giả, những thiếu nữ, thiếu phụ, nam thanh nữ tú yêu kịch…đã tình nguyện và mê say đến với ban kịch của ông, để được lên sân khấu diễn kịch.

Thế Lữ quả là người từng trải, có con mắt xanh.Trong quá trình  dàn cảnh cho các vở diễn thuộc các ban kịch của mình, buộc phải tìm kiếm diễn viên, ông đã tình cờ phát hiện một tài năng diễn kịch, chính là Song Kim, sau đã thành mối tình sân khấu sâu sắc nhất của ông, không chỉ với tư cách người chồng, mà lớn hơn, với tư cách đạo diễn với diễn viên kịch của mình. Sau này con trai ông, NSND Nguyễn Đình Nghi cả đời cũng đã chỉ có một mối tình như thế: ông là thày-đạo-diễn dạy trò-diễn-viên Mỹ Dung và sau khi ra trường sân khấu, Mỹ Dung thành vợ Nguyễn Đình Nghi. Chồng tuổi Rồng, sinh 1928, vợ tuổi Rắn, sinh 1941. Tôi “tức cảnh sinh tình”, viết bài “Vợ chồng Rồng Rắn lên mây”, về đôi vợ chồng thành danh trên sân khấu, đúng như cặp đôi sân khấu của người cha Thế Lữ và mẹ kế Song Kim.

Trở lại với mối tình của Thế Lữ-Song Kim.

Thuở ấy, người Pháp không có ý định mở trường đào tạo nghề sân khấu cho người Việt, nên các công đoạn hình thành một vở kịch đều được nhóm họp và thực hiện theo cách “tài tử”, chơi chơi, nên người Hà Nội bấy giờ gọi cách đó là “chơi kịch”. Nghĩa là kịch không được coi là nghề nghiêm chỉnh. Người ta lấy kịch làm chơi nên sự thưởng thức của công chúng cũng như sự diễn kịch của diễn viên đều chăng chớ tùy tiện và ấu trĩ.

Kịch được diễn chỉ nhằm mục đích từ thiện, cứu trợ lũ lụt, hỏa hoạn, đói kém, chứ không vì mục đích nghệ thuật. Thế Lữ trăn trở day dứt trước tình cảnh kém cỏi thua thiệt ấy của thể loại kịch. Ông quyết định làm một cuộc cải cách diện mạo sân khấu kịch, đưa kịch về đúng bản chất nghệ thuật biểu diễn, cắt đứt với lối diễn kịch từ thiện của nghệ sĩ “chơi kịch” và lối xem làm phúc của công chúng kịch bấy giờ!

 Ông tâm sự: “Cái tiếng “chơi kịch” bị ta hiểu theo một nghĩa tai hại là chuyện chơi bời. Không! Đây không phải là nghề chơi, với người làm nghề, cũng như người thưởng thức. Nghề kịch là nghề sáng tạo, đổ mồ hôi sôi nước mắt. Ở đó là kim cương, châu ngọc, đúc nên từ cõi sống giàu tâm linh tình cảm con người!”

Trong tâm thế cách tân đầy tinh thần đổi mới ấy, ông đã tìm ra một nhan sắc và một tấm lòng “vị sân khấu”, khi ông xem vở “Ghen” của Đoàn Phú Tứ, bất ngờ gặp cô Nghĩa, (tên thật của Song Kim là Phạm Thị Nghĩa, Song Kim là tên Thế Lữ đặt, khi cô lên sân khấu chính thức diễn kịch). Theo hồi ký Phạm Duy, Nghĩa là cô của Thái Thanh, Phạm Đình Chương, Thái Hằng. Cô Nghĩa từng học trường nữ học Ác măng Rút xô (Armand Rousseau). Năm 20 tuổi Nghĩa đã là cô giáo, chơi rất thân với mấy bạn gái, đều thích sân khấu, mơ thành diễn viên kịch và đều được mời vào ban kịch Tinh Hoa của Thế Lữ: Khánh Vân, Minh Trâm, Lan Bình (sau là vợ nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát). Cô Nghĩa thích theo bạn xuống tận Hải Phòng xem kịch của Thế Lữ và cái tư thái xem kịch, lòng yêu kịch mê mệt, và cái dung nhan rất sân khấu của cô đã lọt vào mắt xanh Thế Lữ, khiến ông tiên cảm đây là tài năng diễn kịch chưa phát lộ. Và ông thấy mình như phải lòng người thiếu nữ mê kịch này. Năm 1938, Thế Lữ viết thư nhờ cô Lan Bình chuyển cho Nghĩa, mời vào vai cô Mão trong vở “Gái không chồng” (kịch bản Đoàn Phú Tứ) do ông đạo diễn ở Hải Phòng và sắm một vai trong đó. Vở gây tiếng vang lớn khi diễn ở Nhà hát Lớn Hải Phòng năm 1938.

Sau vai kịch đầu đời rất thành công, cô Nghĩa được Thế Lữ đặt nghệ danh sân khấu Song Kim, vào tiếp hai vai kịch hết sức đặc sắc, dưới sự dàn tập của đạo diễn Thế Lữ. Song Kim lúc này đã đủ quyết tâm dứt gia đình và dứt đứt cả những thành kiến xã hội bấy giờ với nghề “con hát” để dốc lòng làm sân khấu một cách chuyên nghiệp. Sau đó, Song Kim sắm tiếp vai chính trong hai vở “Sau cuộc khiêu vũ” và “Ông ký Cóp”. Rồi không thể biết ngọn lửa tình cháy lên từ lúc nào giữa người dạo diễn lịch thiệp tài hoa, kỹ tính, cẩn trọng và quyết đoán với cô thiếu nữ Hà Đông yêu kịch? Chủi biết vào một ngày đẹp trời, trong một bộ cánh rất lịch sự, Thế Lữ mang một bó hoa tím đến gõ cửa nhà Song Kim cuối năm 1938, đề nghị nhã nhặn “xin được kết hợp với em, hai thành một trong cuộc đời này”.Thế mà người thiếu nữ Hà Đông ấy còn vui tươi và ngây thơ hỏi lại: “Để làm gì hả anh?. Và được Thế Lữ đáp trả tha thiết, ngọt ngào: “Để cùng sẻ chia, an ủi cho bây giờ cho mai sau, và cho sân khấu đến hết cuộc đời này”. Ông đã nói, đã làm như thế với bà suốt nửa thế kỷ và đã nhớ nhung bà cho đến khi về cõi!

Cho nên, làm kịch với Thế Lữ, bao giờ Song Kim  cũng vững tâm vào vai kịch được Thế Lữ lựa chọn cho mình. Nếu phân vai cho cô hoặc cho bất kỳ ai, Thế Lữ cũng tính toán thật chính xác, không một lần nhầm lẫn. Ông biết rõ diễn viên có thể đóng vai hợp với sở trường, hoặc những vai cao hơn cái “tạng” vốn có của mình. Ông gọi đó là những vai tính cách, trái hẳn với sở trường, bởi chính bản thân ông chứa đựng hài hòa hai nghề nghiệp trái ngược: Thế Lữ-đạo diễn và Thế Lữ-diễn viên.

Trong vở “Lọ Vàng”, Song Kim được Thế Lữ phân vai Vú Nhè, đã từ ngạc nhiên đến sửng sốt, từ chối nhiều lần, cho mình không thể đảm đương nổi vai một vú già nhà quê, khác quá xa cái tuổi ngoài 20 của người thị thành. Vả lại hình dáng bất lợi của một vú già nhà quê trên sân khấu khiến Song Kim không thú vị. Nhưng kết quả thật trái với mặc cảm của nữ diễn viên trẻ. Sau vai Phán Bà làm Thế Lữ rất hài lòng, Vú Nhè là vai kịch xuất sắc, gây ấn tượng mạnh và biểu lộ sáng rõ tài nghệ diễn xuất độc đáo của Song Kim. Song Kim đã thật sự học được ở Thế Lữ lối diến kịch tả chân, lấy sự chân thực làm đầu trong vai kịch. Thế Lữ cho đóng kịch là sống chí thiết với vai kịch chứ không phải làm trò giả vờ. Câu trách móc mà Thế Lữ coi là nặng lời nhất với diễn viên kịch của ông là: “Đóng vai thế người ta bảo là giả đấy”. Để có được sự thật nghệ thuật của vai diễn và đạt tới chủ nghĩa hiện thực tả chân trên sân khấu, Thế Lữ đi sâu vào cuộc sống, để quan sát, trắc nghiệm và tinh lọc lấy cái thần của sự vật và con người, để đưa lên sân khấu trong xử lý vở diễn và vai diễn. Cần đánh tổ tôm trên sân khấu, Thế Lữ đề nghị Song Kim học đánh tổ tôm, học lấy cái thần của điệu bộ chơi bài đem lên sân khấu. Đóng vai ông Ký Cóp, Thế Lữ cùng Vi Huyền Đắc đích thân xuống tận Tràng Kênh, Hải Phòng nghiên cứu hình dong một ông bạn quen mà Đắc cả quyết đấy là người có vẻ ngoài của Ký Cóp trăm phần trăm! Ghi lấy dáng dấp cử chỉ của người đó, Thế Lữ mài sắc đặc điểm ấy với diễn xuất điêu luyện. Học từ Thế Lữ, Song Kim có cách phát âm sân khấu đẹp và truyền cảm sâu sắc, bởi Thế Lữ nghiêm ngặt yêu cầu một”nghệ thuật thốt lời” rõ ràng mạch lạc, tròn vành rõ chữ khi nói lời kịch trên sân khấu. Diễn viên buộc phải hiểu thấu đáo ý ẩn, ý chìm của ngôn ngữ kịch và phải có tai thẩm âm của người sành nhạc. Mỗi chữ là một hạt ngọc không được để rơi rụng.Đối thoại của diễn viên phải từ đường biên sân khấu lọt thấu tận tai người khán giả ở hàng ghế cuối cùng trong khán phòng.

Không chỉ mình Song Kim được tạo tác từ Thế Lữ, với những vai kịch muôn màu: nào gái nhảy, bà vú già nhà quê, bà tư sản kếch xù, bà mẹ nhân hậu…, nhiều thế hệ diễn viên sau hòa bình do chính ông đào tạo và trưởng thành: Tuệ Minh, Thùy Chi, Trần Phương, Thu Hà, Giáng Hương, Chu Văn Thức, Mạnh Linh, Trần Tiến, Lệ Thanh…

 Đặc biệt nhất, là con trai cả của ông: đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi. Tuy không phải mẹ đẻ Nguyễn Đình Nghi và không có mụn con nào với Thế Lữ, nhưng sự sát cánh cùng Thế Lữ tạo dựng sự nghiệp diễn xuất cho mình, sự nghiệp đạo diễn cho cả chồng lẫn con riêng của chồng, cặp đôi NSND Song Kim- Thế Lữ đã được bạn bè sân khấu quý trọng gọi tên xứng đáng là “hai thỏi vàng quý giá của sân khấu” hiện đại Việt Nam.

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *