Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Những cơn mưa thơ

(Đọc Mưa không mùa của Trần Gia Thái – Nxb Hội Nhà văn, 2012)

Hoàng Nhuận Cầm - 05-03-2013 01:37:24 PM

VanVN.Net - Sau dư âm khá tốt đẹp của đồng nghiệp và bạn bè dành cho “Lời Nguyện Cầu Trước Lửa” – “Mưa Không Mùa” là tập thơ thứ hai của thi sĩ Trần Gia Thái. Cảm nhận đầu tiên của tôi là đã có một sự “đối trọng” giữa hai tập thơ này – một sự đối trọng hết sức tương thích để tạo nên một “xung lực mới” cho thơ của anh. Đó là sự đối trọng giữa lửa và nước, giữa chất thế sự và chất trữ tình, giữa giọng đắng chát và giọng ngọt ngào. Trần Gia Thái vẫn duy trì và vẫn giữ được sự “Ngơ ngác toàn thân”” khi đứng trước trang giấy trắng.

“Có nhiều lúc./Không biết đang làm gì./ Không muốn làm việc gì./ Định đi tìm cái gì./ Không tài nào nghĩ nổi./ Đành gọi là quên (Khoảng vắng)”

Cái mà nhà thơ tìm không thấy hoặc chưa thấy – nên “đành gọi là quên” – nhưng nếu hỏi nhà thơ quên gì thì như nhà thơ đã thú nhận cũng không nhớ nổi? Và cái điều trắc ẩn đó, chúng ta gọi là Thơ. Nó kỳ lạ và bí ẩn như tình yêu, tìm không thấy, gọi không đến – nhưng khi đã đến thì đuổi cũng không đi.

“Ôi câu thơ rút ruột./ Rỏ máu người làm thơ. / Viết ra thì tự đọc. / Ai tri âm bây giờ. / Viết ra thì tự đọc. / Người cần nghe không nghe. / Mặc nháo nhào tranh giật. / Thơ cứ rơi não nề. (Đã mang lấy nghiệp).”

Những câu thơ rút ruột, những câu thơ rỏ máu, những câu thơ không người nghe, những câu thơ tự đọc cho mình cứ âm thầm rơi xuống bốn mươi hai bài thơ để làm nên tập “Mưa Không Mùa”. Đây là những giọt mưa không rơi theo quy luật tự nhiên – những giọt mưa rơi xuống theo quy luật của tình cảm – để tạo nên những Cơn Mưa Thơ trả nợ cho đời – những cơn mưa khô mà thấm đẫm tình người.

ở khu vực đề tài quê hương, những bài thơ cảm động nhất và hay nhất – vẫn là những bài thơ tác giả nhắc tới làng quê thương yêu của mình. Một làng quê bình thường như bao làng quê khác, nhưng nó lại trở nên rất riêng tư, trở nên rất tâm trạng – khi nhà thơ của chúng ta đứng im như một nén nhang bên trẻ mục đồng, ngả mũ và cúi đầu:

“Đường về làng tôi qua chợ phiên là bãi tha ma. / Mỗi lần về quê tôi đều ngả mũ. / Bởi mỗi lần về lại có thêm ngôi mộ. / Cỏ héo nhàu mà chân nhang tươi nguyên. (Bóng làng).”

Nhà thơ cất tiếng gọi, một tiếng gọi làm lạnh buốt cả không gian lẫn thời gian:

“Trong đám tha hương lác đác mấy thằng./ Đem thân tro về gửi. / Bãi tha ma lại thêm mộ mới. / Trẻ chăn trâu nhìn tôi xa xôi. / Người cũ ơi người cũ trốn hết rồi. / Trốn ra khỏi cuộc đời lam lũ. / Lại thêm nữa những người sắp cũ. / Nhận phần mình trên bãi tha ma. (Bóng làng).”

Bìa tập thơ "Mưa không mùa" của Trần Gia Thái

Tiếng gọi thiêng liêng của thơ ca làm cho những người đã khuất của làng quê, vẫn sẽ mãi mãi còn đó trong tâm tưởng của những người đang sống. Đúng là lòng nhân ái không bao giờ chết, dù lòng nhân ai  đó có phải đứng cô độc ngay giữa bãi tha ma. Bóng làng hiện lên không chỉ với cây đa, giếng nước mà hiện lên bằng chính những bóng người:

“Chợt bay đến ngọn gió tươi phóng khoáng./ Và mùi hương trầm thoang thoảng./ Hình như Họ đang về./ Ơi những người thân thiết- chân quê. (Bóng làng)”.

Trần Gia Thái lại có thêm một bài thơ hay viết về người cha của mình. Nói là có thêm, vì anh đã có một bài thơ “Nhớ cha” nặng trĩu tâm khảm bạn đọc in ở tập thơ trước. Tôi đã đọc bài thơ đó và trộm nghĩ, có lẽ thế là hết, anh khó lòng mà viết thêm được điều gì nữa. ấy vậy mà, anh vẫn tiếp tục:

“Sinh trong bùn trong mưa. / Thác trong bùn trong mưa. / Mưa tiễn Cha ra đồng. / Mưa thấm lạnh thân khô. / Bùn in vào áO CHA những bông hoa đất. / Người nhà chùa rước phương trượng Phật. / Đoàn vãi già đội cầu. /  úng lụt lời tụng niệm. / Ai cũng tin Cha được về miền cực lạc bởi bao hạt nghĩa nhân. / Người gieo trên cánh đồng đời đã kết nụ đơm hoa. / Nhưng cha đâu cần thế phải không cha? / Nơi ấy phiêu bồng diệu vợi! /                   Người ở lại đây với đất./ Đất là chăn mùa đông là màn mùa hè chở che nâng giấc. (Cha và Đất)”.

ở khu vực đề tài tình yêu – Trần Gia Thái bỗng dưng như trẻ trung hơn trước, lãng mạn hơn trước và cũng phóng khoáng hơn trước.

“Thì cứ gọi một giờ là một phút./ Ngày đợi chờ sẽ vợi bớt xa xôi./ Cứ cho là mùa thu không về nữa./ Thì em ơi đông đã tới bên rồi! (Mùa thu không lại)”.

Phong cách ngỏ lời không giống ai, còn được cài đặt và lập trình trong rất nhiều bài thơ khác như: Nha Trang còn nhớ, Nơi không giờ, Lẻ tôi, Tản mạn, Lơ đãng, Nhặt trên bãi cát… tất cả đã tạo nên một sự duyên dáng, một nét văn hóa rất “đặc thù đặc sản” trong thơ tình yêu của Trần Gia Thái.

ở đề tài thân phận người làm thơ, chúng ta lại được biết rõ thêm một Trần Gia Thái khiêm nhường và nhiệt huyết, cay đắng và khổ sở với thơ ca như một kẻ tội đồ.

“Thôi đừng nói những lời xưa cũ. / Dàn đồng ca tấu mãi một bè trầm. / Nếu còn chút tâm tình xin lắng lại. / Chốn thương trường mua bán thế là xong./ Thôi chào nhé hỡi triền miên đêm trắng./ Tóc ai giờ đã trắng sương mai./ Thảng thốt qúa cả bàn tay cũng trắng./ Ai gọi ai chấm trắng phía chân trời. (Trắng)”.

Anh cũng hiểu rất rõ “Thơ như ảnh  như gương” – nhưng đã là thi sĩ, thì trước hết anh vẫn cứ phải là anh! Nhưng anh là ai, là ai? Ta là gạo? Ta là rượu hay ta là lửa? Nhà thơ đành phải nở một nụ cười không cần biện hộ:

“Oái oam là cái sự đời, muốn tốt không xong, muốn lành. / chẳng được, làm phúc phải tội, làm thiện mắc hình. / Này thì gió ơi, gạo ơi, rượu ơi, lửa ơi, ta ơi, nghỉ ngơi đi chơi. / lên trời một chuyến. (Ha! Ha! Hề! Hề!)”.

Bầu trời mà thi sĩ vừa nhắc tới chính là bầu trời của thi ca, bầu trời của sự sáng tạo. Để tới được nơi ấy, người nghệ sĩ phải cắn chặt răng lại, để vượt qua biết bao nhiêu oan trái, biết bao nhiêu “gập ghềnh thang bậc” của cuộc đời:  

“Lỡ hẹn với chân trời do hụt hơi. / Hay vì người đồng hành bỏ bạn.”

Với bốn mươi hai bài trong tập Mưa không mùa, Trần Gia Thái đã làm nên “Những cơn Mưa Thơ Trả Nợ Cho Đời”. Những cơn mưa thơ của anh đã rơi đúng địa chỉ – Nhưng chắc chắn nhà thơ vẫn chưa trả hết nợ, vẫn bị “trời phạt” cho tới hết cuộc đời:

Và vì thế, tôi tin tưởng là dù thế nào đi nữa, Trần Gia Thái vẫn sẽ tiếp tục làm thơ và… CÓ THƠ!

(Nguồn: Văn nghệ Số 8/2013)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn