Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Bàn tròn văn học: Các nhà văn Hoa Kỳ thuyết trình về chủ đề Lịch sử và Trí tưởng tượng

Bài: Phong Lan; Ảnh: Đỗ Hiếu - 06-06-2012 03:07:57 PM

VanVN.Net – Sáng 6/6/2012, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội), buổi làm việc thứ hai của các nhà văn Hoa Kỳ và nhà văn Việt Nam đã diễn ra khá sôi nổi. Chủ đề của buổi tọa đàm là Lịch sử và Trí tưởng tượng – một đề tài rất thú vị, có rất nhiều điều để trao đổi, tranh luận. Đến dự có các nhà văn, nhà thơ, nhà LLPB Việt Nam; những tác giả trẻ và bạn đọc quan tâm đến vấn đề này.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chủ trì buổi tọa đàm phát biểu đề dẫn: “Quan điểm về vấn đề sáng tạo hiện nay đang được bàn đến rất rộng nhưng có thể có sự đồng nhất giữa các nhà văn Việt Nam và Mỹ nhưng trên nền tảng, đặc điểm văn hóa giữa hai quốc gia sẽ tạo nên những vấn đề khác biệt. Ở Việt Nam trong vài năm qua có những cuộc trao đổi nóng bỏng về những cuốn sách viết về đề tài lịch sử. Trong buổi tọa đàm này, các nhà văn Mỹ sẽ nói về những vấn đề Lịch sử và Trí tưởng tượng để chúng ta cùng trao đổi…”

Christopher Merrill đáp lại: “Chúng ta đã cùng nhau đi cùng một cuộc hành trình khá thú vị, và hôm nay sẽ tiếp tục hành trình đó. Người ta cho rằng người Mỹ không có cảm quan về lịch sử, luôn hướng về phía trước mà không ngoảnh lại phía sau nhưng trong lịch sử văn học Mỹ các nhà thơ, nhà văn Mỹ luôn lấy cảm hứng từ quá khứ để sáng tạo. Cụ thể là tác phẩm “Chữ A màu đỏ”, cuốn sách viết về thời kỳ tiền cách mạng Mỹ. Chúng tôi đến đây hy vọng sẽ chia sẻ với các nhà văn Việt Nam về quan điểm văn chương để tìm ra những điểm chung và cùng phát triển.

Nhà thơ Eleni Sikelianos trình bày bài viết về lịch sử và trí tưởng tượng, chị nói về ba nhà thơ Mỹ đã sử dụng nguồn nguyên liệu sáng tác được gọi là tư liệu lịch sử, về cách thức chúng ta vượt qua chính mình và sáng tạo trên cơ sở lịch sử. Có những điều không có trong lịch sử nhưng chúng ta cảm thấy được. Một nhà thơ đã nói: “Tôi không tạo nên thế giới nhưng tôi cảm thấy thế giới”. Chúng tôi cảm thấy nhưng điều diễn tiến trong lịch sử cũng không giống cách nhìn, cách cảm. Tôi xin nói về một nhà thơ vốn được đào tạo để trở thành luật sư. Trong quá trình sáng tác, ông ta đã có thời gian tìm kiếm và tích lũy tư liệu rất công phu, ông đã viết tập thơ “Thú nhận” với những câu chuyện chỉ xảy ra với con người. Một tác phẩm khác có tên “Lò thiêu người” được sáng tác sau khi ông nghiên cứu các bản án đã xử, trong đó sử dụng ngôn ngữ của bản án để viết nên tác phẩm. Thậm chí ông còn làm thơ dưới ngôn ngữ của ngành tài chính hay sổ sách khác. Có những bài thơ viết về những vật cụ thể, nhỏ bé như chiếc cúc áo. Một nhà thơ khác sống cùng thời với ông, bà ta sống ở vùng nông thôn Mỹ, bà có những bất mãn với lịch sử và xã hội. Tác phẩm của bà có tên: “Hồ lớn” được viết sau khi bà đi một tuần vòng quanh hồ cùng người chồng của mình, trên hành trình một tuần đó bà đã đọc khoảng 200 cuốn sách thời kỳ thực dân Châu Âu viết về hồ đó, trong đó có nhiều văn bản có giá trị địa lý, vì thế bà có mối quan tâm sâu sắc hơn với vấn đề lịch sử. Bà làm việc rất nghiêm túc với những tài liệu lịch sử và địa lý để có thể làm được những bài thơ rất ngắn. Một nhà thơ khác, hiện sống cùng thời đại chúng ta, cách làm việc của cô ấy là làm việc với những tài liệu lịch sử gắn với thời hiện đại. Trong quá trình sáng tác bà đã đến nhà tù cùng nhiếp ảnh gia, họ cùng đến nhà tù đó trong nhiều năm để viết về những người tù.”

Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan hỏi nhà thơ Eleni Sikelianos: “Xin hỏi nhà thơ, thuật ngữ “thơ lịch sử” có trở thành trường phái không? Hiện còn tồn tại không? Sử dụng tư liệu lịch sử để sáng tác thì nhà thơ nhận được phản ứng như thế nào từ phía các nhà lịch sử? Và giá trị của những bài thơ đó được đánh giá thế nào?”

Nhà thơ Eleni Sikelianos trả lời: “Các nhà hiện đại chủ nghĩa rất quan tâm đến việc ghi chép lại những tội ác của thời đại họ sống. Thật khó nói về những phản ứng của giới khác về thể loại thơ này…”

Nhà thơ Christopher Merrill nói thêm: “Có sử gia nói rằng muốn biết lịch sử nước Mỹ thì hãy đọc thơ chứ đừng đọc lịch sử. Cũng có nhiều ý kiến đánh giá cao về thể loại thơ này, vì muốn biết được sự thật lịch sử thì phải nghe được tiếng nói từ những con người đi trên đường phố. Lịch sử không phải do các chính khách hay tướng quân mà do những con người bình thường xung quanh chúng ta tạo ra.”

Nhà thơ Amy Quan Barry cho biết: “Dòng thơ này rất đương đại. Bên cạnh dòng thơ mang tính lịch sử còn có dòng thơ mang tính chính trị, dòng thơ này thường bị cười giễu ở Mỹ vì người đọc cho rằng nó là thơ tuyên truyền, mang tính giáo điều. Tôi xin kể câu chuyện về kinh nghiệm cá nhân khi được mời làm giám khảo trong một cuộc thi về thơ chính trị, sau cuộc chấm thi đó, tôi đã nhận ra mình là nhà thơ chính trị. Thơ mang tính lịch sử chính là thơ có tính đương đại. Tôi vẫn viết thành bài thơ từ một mẩu tin nghe trên đài phát thanh hay xem TV. Dù là thơ tư liệu hay thơ chính trị thì nhà thơ vẫn luôn phải là người có trách nhiệm và khơi gợi được điều gì từ những câu chuyện thực tế.” Ngay sau đó nhà thơ Amy Quan đọc bài thơ viết về Irac và tổng thống Obama.

 

Nhà văn Thùy Dương chia sẻ: “Trong tất cả những cuốn tiểu thuyết của tôi, những vấn đề lịch sử đều trở đi trở lại. Theo tôi nhìn nhận, lịch sử mà chúng ta biết luôn có hai phần: phần sáng tỏ và phần còn ẩn giấu. Thiên chức của nhà văn là viết về phần còn ẩn giấu.”

 

Nhà văn Văn Chinh: “Khi tiếp xúc với những nhà thơ Mỹ, tôi mới nhận thấy hóa ra thơ chính trị ở Mỹ cũng không được coi trọng. Điều quan trọng là lịch sử tâm trạng, lịch sử tâm lí, lịch sử nhân tính phải được thể hiện nhiều hơn trong thơ. Tôi xin dẫn trường hợp nhà thơ Nguyễn Trãi, thơ ông là những ngày tháng người Việt sống cách nay 500 năm…”

Nhà thơ Eleni Sikelianos đồng tình: “Các nhà thơ hãy tự tìm ra chính mình. Điều này không dễ dàng, nhất là khi biến những tư liệu lịch sử thành thơ. Và một cách để thành công là chúng ta…đừng đọc thơ tình nữa.”

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đọc ba bài thơ “Kí ức tháng 3”, “Linh hồn những con bò”, “Những cánh bướm”, nhà thơ Christopher Merrill đọc bản dịch sang tiếng Anh.

 

Nhà văn Lã Thanh Tùng hỏi: “Chủ nghĩa “cuồng hiện thực” hiện nay ở Mỹ có vai trò gì và phát triển như thế nào?”

Nhà thơ Eleni Sikelianos trả lời: “Đây là lối viết mà người sáng tác sử dụng những chi tiết hết sức nhỏ bé trong đời sống.”

 

Nhà văn Nguyễn Tiến Hóa hỏi: “khuynh hướng cổ điển, khuynh hướng cách tân và khuynh hướng hòa trộn hiện nay ở Mỹ như thế nào?”

 

Jane Mead: “Có sự khác biệt giữa lối viết truyền thống và lối viết tiên phong và cũng có lối hòa trộn giữa hai lối đó, hiện chưa có tên gọi chính thức, có người gọi là thơ ca tỉnh lược, vì vậy chúng ta cùng phải chờ đợi cho nó phát triển. Ở Mỹ có rất nhiều phương phá khác nhau: thơ ý niệm su hướng tiến tới thơ hình thức.”

Eleni Sikelianos bổ sung: “Tập thơ lai ghép Mỹ được xuất bản cách đây chừng hai năm, người chủ biên có mục đích phản ánh được những tác giả đi theo hai lối viết cùng lúc.”

Nhà thơ Christopher Merrill nói thêm: “Ở đâu cũng có nhiều phương pháp để chúng ta viết, có nhiều cách đi đến hình thành một tác phẩm. Chúng tôi có hàng trăm cuộc hội thảo hội nghị với hàng nghìn nhà thơ, nhà phê bình để bàn về đâu là ranh giới giữa các thể thức đó.”

 

Nhà văn Nhã Thuyên: “Mối quan hệ của thơ và chính trị. Tôi muốn biết nhiều hơn về ba nhà thơ mà Eleni đề cập. Tư liệu được làm nên tác phẩm của họ nhận được những phản ứng như thế nào của chính quyền, của người đọc? Các nhà thơ phản kháng hiện nay bận tâm nhiều hơn đến vấn đề phản ứng trực tiếp thay vì làm những bài thơ chính trị...”

Eleni: “Mọi thơ ca dù nhỏ hay lớn đều có vấn đề chính trị. Tôi muốn nói về đời sống cộng đồng và mối quan tâm của họ chỉ trong cộng đồng đó. Trong trường hợp cụ thể của một trong ba nhà thơ vừa đề cập, đó là người Do Thái sang Nga sống, vì thế ông quan tâm đến lò thiều người. Mối quan tâm lớn nhất của ông ta là con người bình thường nói chung. Đó là lý do tại sao các tác phẩm của ông viết về những con người bình thường với cuộc sống bình thường của họ... ”

 

Nhà văn Thiên Sơn hỏi: “Ở Mỹ, phản ứng của các nhà nghiên cứu lịch sử đối với một nhân vật lịch sử xấu được làm đẹp lên, và ngược lại, như thế nào?”

 

Amy Quan trả lời: “Xin kể về kinh nghiệm cá nhân của nhà văn: ở Mỹ có nhiều cuốn sách về chiến tranh Việt Nam, phản ánh cách nghĩ của lính Mỹ trở về từ chiến trường Việt Nam. Thật sự có quá ít cuốn sách viết về phản ứng của Bắc Việt. Khi đến Việt Nam, tôi gặp bà Phan Thị Bích Hằng và những câu chuyện về bà thực sự cuốn hút tôi, hiện tôi đang viết về bà ấy dựa trên cuộc đời thực của Phan Thị Bích Hằng. Vấn đề đặt ra là tôi viết sự thật và hư cấu bao nhiêu % về bà ấy. Không có quy định nào về việc này. Một nhà văn được quyền viết về những điều người đó cảm thấy, suy nghĩ chứ không chịu bất kỳ sự áp đặt từ phía nào, còn tác phẩm thành công hay không phụ thuộc vào người đọc đánh giá. Tương tự như khi anh xem cuốn phim về nhân vật lịch sử, thành công của phim tùy thuộc vào thái độ của người tiếp nhận chứ không phải người sáng tác. Châm ngôn Mỹ có câu: hãy nói ra sự thật nhưng là sự thật cong queo.”

Nhà thơ Eleni: “Sự thật luôn bị con người bóp méo, dù đó là sử gia hay thi sĩ. Người quan sát đã thay đổi kết quả quan sát để giúp chúng ta hiểu được bề ngoài và bên trong của vật được quan sát. Thi sĩ Dante đã nói: Chúng ta chỉ nhìn thấy phần rất nhỏ trong chính chúng ta chứ chưa nói đến nhìn người khác. Nghệ sĩ nên trung thực nhất với những gì thuộc về mình.”

Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan: “Loại nhân vật mà nhà văn Thiên Sơn đề cập giống như các nhà lập quốc ở Mỹ. Nếu như vậy, có những vinh quang của quá khứ đối với một số đặc thù văn hóa, người viết tránh động chạm đến. Trong câu hỏi của Thiên Sơn hàm ý: có những vấn đề trong quá khứ, liệu các nhà thơ Mỹ có dám “đi trái chiều” để sáng tác hay không?”

Nhà thơ Amy Quan: “Ở Mỹ cũng có quan niệm đối với các lãnh tụ, thủ lĩnh thì phải có đời sống riêng ko được động đến, như Chúa Jesu chẳng hạn. Cách đây 8 năm có một họa sĩ Đan Mạch vẽ tranh châm biếm Mohamed, từ đó khiến các nghệ sĩ đưa đến tranh luận: Chúng ta nên đối xử với các nhân vật vĩ đại như thế nào? Quan điểm của riêng tôi: Đã là nghệ sĩ, phải viết về các nhân vật theo cách mình muốn, đó là việc của nghệ sĩ, còn chấp nhận hay không là việc của công chúng”

Eleni: “Một nghệ sĩ Nga nói: nếu chúng ta đánh rơi sự thật về quá khứ thì cũng đánh rơi sự thật về chính mình. Cách hiểu về một tác nghệ thuật là hiểu theo đúng người nghệ sĩ chứ không phải là hiểu theo những quy định...”

Buổi tọa đàm kết thúc vào lúc 12h00. Cuộc thảo luận, trao đổi thành công có phần góp sức rất quan trọng của nhà văn Đặng Thân trong vai trò cầu nối ngôn ngữ giữa các nhà văn hai nước.

Chiều nay, lúc 14h00, buổi làm việc thứ ba của các nhà văn Mỹ tại Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tiếp tục. VanVN.Net sẽ cập nhật đầy đủ đến bạn đọc.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc…

VanVN.Net - Dường như cả cuộc đời ông muốn níu lại bất kỳ ai trên thế gian này để nhắn gửi. Có ai cưỡi ngựa về Kinh bắc…? Câu thơ giản dị mà giằu biểu tượng là thế của thi sỹ ...

Nhà văn đọc sách  

Một cánh đồng chữ nghĩa mênh mang

VanVN.Net - Nối tiếp những tập truyện ngắn gây ấn tượng cho độc giả của tác giả trẻ miền sông nước An Giang trù phú đã xuất bản trước, ở tiểu thuyết đầu tay Lần đầu thấy trăng, Võ Diệu Thanh ...