Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Vì sao nhà văn Trung Trung Đỉnh “Lạc rừng”?

Nhà thơ Văn Công Hùng - 14-06-2011 02:32:00 PM

VanVN.Net - Làm vợ nhà văn nhà thơ đương nhiên là... khổ rồi, nhưng làm vợ Trung Trung Đỉnh thì... khổ hơn gấp bội. Ấy là bởi cái tính thích xê dịch của ông, mà toàn kiểu xê dịch không biết bao giờ về. Chính là bà vợ “Đỉnh” phát hiện ra điều này: rằng là đàn ông nhiều chuyện, tức lắm mồm hơn đàn bà. Chứ không ư? Đàn bà mà rỗi thì tất nhiên là đàn đúm, là chuyện vặt, hết giá cả, thời trang, đến... nói xấu chồng là cùng, và đến giờ là về. Còn đàn ông, nhất là bạn của “Đỉnh của bà” (chắc cũng là các... nhà văn), chỉ cần 2 người với chai rượu là có thể thâu đêm suốt sáng chuyện trên trời dưới biển, và lúc ấy thì... nhà là cái đinh... Ngày này qua tháng khác, chuyện không bao giờ cạn, gặp nhau là có chuyện...

Nhà văn Trung Trung Đỉnh

Khoảng đầu năm 1982, tôi khi đó là một sinh viên văn khoa mới ra trường được trên năm, công tác tại phòng văn nghệ Ty Văn hoá thông tin Gia Lai - Kon Tum, được giao nhiệm vụ đón nhà văn Trung Trung Đỉnh từ Hà Nội vào và giúp việc ông trong việc xuất bản một số Tạp chí Văn nghệ và tổ chức một trại sáng tác văn học cho anh em sáng tác đang sinh sống tại tỉnh Gia Lai - Kon Tum (cũ). Tiếng là chủ nhà, nhưng tôi lại được ông khách là Trung Trung Đỉnh kéo đi khắp nơi, khắp các cơ quan trong tỉnh như về nhà ông. Hồi ấy lấy được cái quyết định mở trại, rồi cái quyết định của ủy ban tỉnh điều động anh em là CBCNV đi dự trại là cả một kỳ công. Tôi nhớ chính tôi và anh Đỉnh đèo nhau trên một cái xe đạp long sòng sọc mà anh Đỉnh mượn ở đâu đó (tôi làm gì đã có xe đạp) đi tìm bác Lê Văn Thành là ủy viên thư ký ủy ban tỉnh (hồi ấy UB đang còn có chức này), để bác ký cho cái quyết định. Tìm khắp nơi không thấy, mãi sau có người mách bác đang tăng gia cùng anh em. Ra đến nơi thấy ông ủy viên thư ký ủy ban tỉnh quần xắn móng lợn đang cùng anh chị em văn phòng uỷ ban cuốc đất trồng... khoai lang ở phía sau cơ quan. Bác vui vẻ dừng cuốc, phủi tay kê quyết định lên đùi ký, xong quấn một điếu thuốc lá cuộn, rít lòi nõ rồi lại cật lực cuốc. (Hồi ấy nhiệm vụ cao cả nhất của tất cả cán bộ công chức nhà nước là tìm đất trống để... trồng khoai, củ để độn với gạo, ngọn luộc làm thức ăn, còn dây và lá thì... nuôi lợn. Lợn được trang trọng kính cẩn nuôi ngay trong... nhà tắm nếu không có chỗ làm chuồng, trước hè nếu như chỗ ấy có thể quây được để thả “ngài”vào. Có nhà “hoàn cảnh” quá còn nuôi thả trong nhà như nuôi... chó... Thực ra không phải người nuôi heo mà chính là... heo nuôi người như giai thoại về một vị giáo sư nuôi heo trên tầng bốn bị lập biên bản phạt tội mất vệ sinh, ông đề nghị sửa lại là “heo nuôi giáo sư trên tầng bốn” rồi mới ký và đóng phạt). Chúng tôi vòng lại vào tìm văn thư đóng dấu, bị hạch là sao không có số, không có ngày và bản thảo của chuyên viên đâu. Khổ, 2 ông, một ông nhà văn, một ông sinh viên mới ra trường, đâu có hiểu thủ tục văn bản nó thế nào. Chúng tôi tự thảo công văn rồi đánh máy vào giấy “tăng xin”, chứ nếu cứ chờ bộ máy thời ấy thì đến bao giờ? Giải thích mãi không xong, ông Đỉnh nổi đoá lên, quát um văn phòng ủy ban làm chị em không hiểu cái gã lôi thôi lếch thếch này là người như thế nào. Thôi thì đóng cho y cho rồi. Thế là có quyết định và cái trại năm ấy được mở trong hoàn cảnh như thế. Tất nhiên là tôi bị kiểm điểm vì có người trong văn phòng UB gọi điện về cho ông phó Ty phụ trách tôi, và ông truy ra ngay người vừa dám quát tháo um xùm giữa cơ quan công quyền. Ông Đỉnh là khách và vì thế mà mình tôi chịu trận lôi đình của ông phó Ty thích phô trương quyền lực này... Cứ thế, tôi trở thành đàn em của Trung Trung Đỉnh. Con người này lạ lắm: Tây Nguyên, mà cụ thể là Gia Lai, trở thành một phần máu thịt, nên suốt ngày cứ nhăm nhăm có điều kiện là vọt vào. Mà cái thời bao cấp, đi có dễ dàng gì? Trung Trung Đỉnh xây dựng "căn cứ cách mạng" khá vững chắc ở Gia Lai để mỗi khi vào chả cơm bưng nước rót thì cũng ngày 2 bữa, có chỗ ngủ, đi đâu thì đi, chứ mấy cơ quan liên quan đến nghề nghiệp, lẽ ra phải đón ông thì đều... nghèo. Mà ông thú nhất là xuống làng ông hoạ sĩ Xu Man ngủ đêm ở đó. Đấy là ngôi làng người Bahnar rất đẹp cách thành phố Pleiku khoảng bốn mươi cây số. Tôi còn mấy cái ảnh chụp Trung Trung Đỉnh cởi trần phô bộ ngực lép kẹp đang uống rượu cùng dân làng tại nhà Xu Man, trông cứ nhoá nhoà nhoà, chả phân biệt ông nào người Kinh từ Hà Nội vào, ông nào là dân làng. Xuống làng là ông nói tiếng Bahnar với dân làng, chả biết có ai hiểu ai nói gì không nhưng thấy tất cả cứ móm mém cười phớ lớ. Rồi ông Đỉnh hát, cứ là “Tang hang du kích tang hang” rồi “ưk kơ tưk ưk kơ tưk”. Rồi xoang. Không chỉ xoang ở làng, ngay cả trên phố, trong các nhà hàng sang trọng, ông cũng... xoang. Vừa xoang vừa hát tiếng Bahnar. Hồi ông Xu Man mất đúng vào 29 tết năm rồi, chúng tôi không kịp báo cho Trung Trung Đỉnh vì ngày mai là mùng một tết, mấy anh em tập trung vào lo. Ông nhắn tin và điện thoại vào... chửi. Trung Trung Đỉnh hay đánh đu với cánh viết trẻ mà tài năng như Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Quang Lập, Bảo Ninh, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Việt Hà... nói chuyện với nhau, họ hay gọi nhà văn lớn tuổi hơn này mỗi từ "Đỉnh". Có lần Phạm Xuân Nguyên gọi tôi, thông báo: “Đỉnh” sắp vào Tây Nguyên làm phim. Và chúng tôi nói chuyện với nhau qua điện thoại cứ Đỉnh thế này Đỉnh thế kia. Hồi trước ngay khi vừa có tin Lạc rừng "ăn giải", cũng Nguyên điện vào thông báo, cũng Đỉnh thế nọ, Đỉnh thế ấy.  Thì cũng bình thường, năm nào Đỉnh chả vào đến vài ba lần. Có hồi đạo diễn Hồng Chương muốn làm một cái phim tài liệu về nhà văn cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa. Anh Đỉnh băn khoăn: muốn xuống An Khê, nơi ngày xưa chiến đấu tưng bừng ở đấy, nhưng chả quen ai vì đồng đội cũ tứ tán hết rồi. Mà phim thì cần cảnh quay “Đỉnh” trở lại chiến trường xưa làm người dẫn chuyện. “Đỉnh” ngày xưa nguyên là lính địa phương khu tám. Đúng ra anh là quân chủ lực, nhưng rồi do rất nhiều lý do đến tức cười thời chiến tranh mà anh lính trẻ Phạm Trung Đỉnh, quê Hải Phòng trở thành lính địa phương Gia Lai. Và từ những ngày lăn lộn để chiến đấu và cả để tồn tại ấy mà anh trở thành nhà văn Trung Trung Đỉnh của Tây Nguyên, mặc dù sau đó anh về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội sau khi học Nguyễn Du khoá 1, rồi là phó tổng biên tập báo Văn Nghệ, và giờ là phó giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Thì cái tiểu thuyết “Lạc rừng” được giải thưởng quốc gia chả có một anh lính lạc đơn vị là nhân vật chính đấy là gì. Đấy chính là hình bóng của Trung Trung Đỉnh ngày đầu vào chiến trường, về Tây Nguyên. Hồi ấy tôi và Đoàn Minh Phụng, Tổng biên tập Báo Gia Lai, cũng là một “chú em” của Trung Trung Đỉnh từ hồi trong chiến tranh, đưa anh xuống An Khê và chuyến đi khá mỹ mãn, vừa hoàn thành cảnh quay vừa gặp lại bao nhiêu bạn bè chiến hữu thời chiến tranh, nhất là những người dân đã từng là cơ sở nuôi giấu Trung Trung Đỉnh và Đoàn Minh Phụng ở làng Đê Chê Gang. Mỗi lần vào đến Gia Lai, rồi xuống làng, trông “Đỉnh” cứ hớn hở đến tội nghiệp. Mà chuyện mỗi lần “Đỉnh” xin cơ quan để đi cũng "bản sắc Tây Nguyên" lắm. Ấy là khi sếp (nhà văn Nguyễn Trí Huân, tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội thời cả hai anh còn đang ở VNQĐ) hỏi là ông định đi mấy ngày thì cấp dưới hỏi lại: Anh muốn tôi nói dối hay nói thật. Nói dối thì tôi đi một tuần, còn nói thật thì... làm sao mà tôi biết được là bao giờ mình về?... Trung Trung Đỉnh là nhà văn có công rất lớn với Tây Nguyên. Từ sau năm 1975 đến nay, anh là người viết về Tây Nguyên thành công nhất. “Đêm nguyệt thực”, “Đêm trắng”, “Lạc rừng”, “Chớp trên đỉnh Kon Từng”, “Hơ Noanh - chị tôi”... là những tác phẩm để đời của anh về Tây Nguyên. Ngoài ra anh còn có công rất lớn trong việc phát hiện và thúc đẩy phong trào sáng tác ở 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Bản thân tôi thì ngoài việc được anh cho chơi ra, anh còn có công phát hiện ra khả năng... không viết được truyện ngắn của tôi. Thời đầu mới lên Tây Nguyên, tôi rất thích và rất hăng viết truyện ngắn. Cũng in một hai cái ở văn nghệ địa phương, nhưng Trung Trung Đỉnh đọc rồi cứ thở dài, mãi sau anh mới nói: chú chuyên tâm làm thơ đi, đấy là cách tốt nhất chú đóng góp cho nền văn xuôi nước nhà khỏi... dở và tụt hậu! Tôi nghe theo và làm thơ từ bấy đến nay, ai có trả tiền tỉ cũng không bao giờ viết truyện ngắn nữa.  

Nhà văn Trung Trung Đỉnh và tác giả

So với thời Nguyên Ngọc viết “Đất nước đứng lên”, Trung Trung Đỉnh có một kênh mới để tiếp cận Tây Nguyên. Từ những ngày đói khổ và máu lửa của chiến tranh, anh đã tiếp nhận được ở Tây Nguyên một tầng văn hoá khả dĩ để anh hoà nhập một cách tỉnh táo khi bước vào địa hạt văn chương. Nhân vật của anh không ngô ngọng nhưng cũng không lạnh lùng cao đạo. Nó chính là cuộc đời thật đang diễn ra ở mảnh đất này, là những éo le, mà qua đó con người bộc lộ hết mình một cách nhân bản vị tha nhất. Và nhà văn có vốn sống, vốn hiểu biết sâu sắc về Tây Nguyên này kể lại nó bằng văn tài, bằng dấu ấn những ngày chiến tranh vào sống ra chết với mảnh đất này. Anh đã từng bị trói vào cột và suýt bị bắn, mà người chuẩn bị bắn là... anh em du kích Bahnar. Một đêm tết của năm Mậu Thân 68, anh đã từng chui vào một cái cống ở ngay phường Hội Phú cửa ngõ thành phố Pleiku (bây giờ là trung tâm thành phố), sau đó rút ra bằng cách ngậm tẩu đeo gùi đóng khố theo đồng bào đi chợ... Những điều trên anh Đỉnh chả kể với tôi mà do một bạn chiến đấu cũ, anh Tử Dược kể cho tôi trong những cuộc nhậu ôn lịch sử chiến tranh (anh Tử Dược vừa mất vì bị ung thư gan, di chứng những ngày ở rừng dưới tầm dioxin). Trong các nhà văn xuôi viết về cuộc chiến tranh ở Tây Nguyên như Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thuỵ, Bảo Ninh... và bây giờ là Thu Loan, Đỗ Tiến Thuỵ..., thì Trung Trung Đỉnh là người mang đậm dấu ấn văn hoá bản địa Tây Nguyên nhất. Có lẽ vì thế mà “Lạc rừng” ngay từ khi ra đời đã xôn xao dư luận, và nó nghiễm nhiên được nhận giải cao nhất của Hội Nhà văn năm ấy, đánh dấu một cái mốc trên con đường đeo đuổi nghiệp văn chương của Trung Trung Đỉnh...

Từ ngày sang báo Văn nghệ, rồi giờ là Nhà xuất bản Hội Nhà văn, những chuyến “về nguồn” của Trung Trung Đỉnh thưa hẳn. Mới đây anh nhắn cho tôi: “Nhớ Tây Nguyên quá”. Tôi hiểu nỗi nhớ ấy. Trong nhà anh là một thế giới Tây Nguyên thu nhỏ với tranh, ảnh, gùi, ná, cung tên, khố áo... trên sân thượng là một cây cà đắng anh “rước” từ một làng Tây Nguyên nào đó về. Tất nhiên về đấy thì nó... không đắng nữa, và nghe đâu chỉ ra nhõn một quả. Nghe một bạn văn ở Tây Nguyên ra kể thì ai đến ông cũng trịnh trọng mời lên xem cây cà ấy, rồi trịnh trọng lấy giấy gói lại, đợi đến đúng hôm anh nhà văn này ra thì ông mới làm lễ... thu hoạch.

Thì thế mới “Lạc rừng”. Hôm nào có điều kiện, lại vào đi anh Đỉnh, bây giờ khác xa ngày xưa rồi, cái thời đói khổ ấy...

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhà văn đọc sách  

Ấm áp Ngọn Lửa thơ

Trong đội ngũ đông đảo các nhà thơ đương đại, Trương Minh Phố xuất hiện trong làng văn chương nói chung và Thơ nói riêng, khá muộn. Mãi đến năm 2005 anh mới có một số bài được đăng trên các ...

Tư liệu  

Việt Nam với chiến lược biển (1)

VanVN.Net - (Trích phát biểu của ông Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Diễn đàn Kinh tế Biển Việt Nam 2011 - Nha Trang ngày 08 tháng 6 năm 2011)…