Nắng nhạt dần, ngày còn lại tấc gang/ Ai đuổi theo mặt trời được mãi?/ Thì cứ để em xa/ Nếu ngày mai trở lại/ Anh sẽ đón em về từ phía mặt trời lên. (Đừng đuổi theo mặt trời – Vương Duyệt)
Gửi thư    Bản in

Về các khuynh hướng phát triển trường ca Việt

Hà Quảng - 06-09-2011 09:52:24 AM

VanVN.Net - Trường ca, cũng như nhiều thể tài khác trong văn chương, theo quan niệm của M. Bakhtin  là những khái niệm “không bao giờ bị đông cứng”, bởi vậy, để dễ tìm hiểu những đặc điểm trong sự phát triển của trường ca đương đại, nên xem đó là một thể loại văn chương đang biến chuyển và còn chưa định hình…

Trong hai cuộc kháng chiến, tiếp tục truyền thống cổ điển cũng như thời trước Cách mạng, thể loại này nở rộ. Đặc tính nổi bật, cũng là sự gặp gỡ của trường ca các thời kỳ mà nhiều nhà lý luận lưu ý , là cái khung đại tự sự của chúng: ở trường ca cổ điển là sự  hướng đến “tinh thần cao cả” của cộng đồng, còn  trường ca  hiện đại gắn với “cảm hứng sử thi” về các chiến công hào hùng của dân tộc.

Đến thời kỳ đương đại, có ý kiến cho rằng trường ca  hiện nay phát triển  theo hướng trữ tình hoá, loại trường ca  tự sự  không còn nữa vì đã có tiểu thuyết và điện ảnh làm thay việc kể chuyện, phản ánh hiện thực; “cách nhìn sử thi của trường ca ngày càng nhạt hoá”, trường ca “đang phát triển trong trạng thái  phản sử thi”, nhà thơ  viết trường ca “để nhận diện chính mình”(1).

Theo chúng tôi, đối chiếu các trường ca  tiêu biểu hiện đại cũng như đương đại, do sự tác động của hoàn cảnh xã hội, những sự kiện hào hùng  xuất hiện dày đặc trong đời sống cộng đồng ảnh hưởng trực tiếp vào văn chương,  khuynh hướng trường ca kết hợp hai yếu tố  tự sự và trữ tình (trong đó tự sự là chủ đạo) vẫn là một dòng chảy liên tục phát triển, một phía khác có xuất hiện nhiều tác phẩm theo khuynh hướng cách tân mà yêú tố trữ tình là chủ đạo.

Có thể kể tên một số tác phẩm tiêu biểu thuộc loại thứ nhất: Bài ca chim chơ rao- Thu Bồn, Theo chân Bác - Tố Hữu , Con đường của những vì sao - Nguyễn Trọng Tạo, Trường ca Hàm Rồng - Từ Nguyên Tĩnh... Các trường ca này dụng công  khắc họa vẻ đẹp tính cách các  nhân vật, trên cái sườn tự sự. Đó là Bác Hồ (Theo chân Bác), hai cán bộ Hùng và Rin (Bài ca chim chơ rao), hai chiến sĩ Mùa và La, 10 cô gái Đồng Lộc (Con đường của những vì sao). Trong các chương khúc rất nhiều mảng tự sự diễn tả bối cảnh cách mạng và chiến đấu của hai cuộc kháng chiến  làm nền cho hành trạng các nhân vật, đan xen bên cạnh những suy cảm trữ tình của tác giả.

Loại thứ hai là các trường ca Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh, Những người đi tới  biển - Thanh Thảo, Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm, Trầm tích - Hoàng Trần Cương, Trường ca Sư đoàn - Nguyễn Đức Mậu... Các trường ca này chủ yếu thể hiện những suy tưởng, những cảm xúc của chủ thể trữ tình, yếu tố tự sự được giảm xuống thứ yếu, chỉ còn đọng lại trong một vài chi tiết  có tính liên tưởng. Sự khác biệt này ta có thể tìm thấy qua lời tự thổ lộ cuả  hai  tác giả tiêu biểu cho các phong cách.

Nguyễn Trọng Tạo cho rằng: “Tôi đã kết cấu trường ca đan xen tự sự và trữ tình.[...] Những  cô gái trong trường ca này là thanh niên xung phong tham gia chiến đấu ngay dưới mưa bom bão đạn quân thù,và chàng trai là người lính lái xe chở đạn vào chiến trường, qua hai nhân vật này tôi muốn làm hiện lên thân phận và tâm trạng của người công dân  trong cuộc chiến tranh vệ quôc” (Tựa - Con đường của những vì sao). Còn Trần Anh Thái: “...tôi trung thành với khát vọng trên đường tìm kiếm cõi thẳm sâu chân thực trong chính bản thân mình…” (phát biểu ở Hội thảo về Trường ca của Trần Anh Thái -  những chỗ in đậm HQ nhấn mạnh)

Phân chia như vậy là sát với sự phân hoá, sự đổi mới của trường ca hiện đại trong bối cảnh xã hội Việt Nam nơi những hiện thực lớn lao luôn tạo tiền đề trực tiếp cho nội dung tác phẩm. Hiện tình văn chương Việt Nam luôn là sự đan chéo, có phân hoá, có hội nhập với những nét đặc thù, nếu chỉ quan sát một số hiện tượng đổi thay, dựa vào một lý thuyết nào đó rồi khái quát lên mà không thấy sự tiếp nối, đan xen thì e khi đi sâu tìm hiểu đặc điểm nội dung cũng như các biểu trưng nghệ thuật sẽ khiên cưỡng. Vì rằng: đường biên thể loại giữa trường ca tự sự và trường ca trữ tình  trong văn chương Việt trước kia cũng như hiện nay có thể vạch ra được thông qua  sự phản ánh con người trong cái nhìn đa diện, cũng như sự thể hiện hiện thực cuộc sống qua các đặc trưng nghệ thuật của chúng rất khác nhau.

Về đặc điểm nghệ thuật của hai loại trường ca hiện hành, chúng tôi thấy chưa có sự phân biệt nào khả dĩ chính xác  hơn ý kiến của Hêghen khi ông bàn về trường ca trữ tình và tự sự sử thi - một thể tài rất gần với trường ca tự sự. Ông cho rằng  “...nội dung của trường ca trữ tình  không phải là đối tượng trong sự vận động hiện thực, mà là sự vận động bên trong của tư duy nhà thơ, [...] nó phải nhào nặn một cách nghệ thuật sự vận động của thời gian dưới những hình thức khác nhau.”(2). Còn  tự sự sử thi (trường ca tự sự) với đặc điểm có nhân vật phát triển trên cái sườn tự sự,  biểu trưng nghệ thuật là “trình bày diễn biến của chúng theo sự triển khai chủ yếu về mặt không gian”(3) (những chỗ in đậm H.Q nhấn mạnh). Hay nói một cách khác trường ca trữ tình  nổi bật ở chiều sâu tâm lý, tầm cao triết lý với  các xúc cảm  thăng hoa từ những chấn động lịch sử lớn lao, nó thuộc loại nghệ thuật vận động thời gian  có sự thể hiện hình thức qua giọng điệu phong phú và hài hoà ngôn từ... Trường ca tự sự  thuộc loại nghệ thuật triển khai chủ yếu về mặt không gian, nổi bật chung là tính hoành tráng lịch sử của các sự kiện, cùng bối cảnh hoạt động và tâm lý nhân vật.

Đối chiếu một số trường ca tiêu biểu gần đây (đương đại)  ta sẽ có những minh chứng cụ thể về sự phát triển của các  loại trường ca . Về loại  trường ca trữ tình  có thể nhắc đến Nhịp điệu châu thổ - Nguyễn Quang Thiều, Người cùng thời - Mai Văn Phấn, Metro - Thanh Thảo, Đổ bóng xuống mặt trời và Ngày đang mở sáng – Trần Anh Thái..., trong các trường ca này tâm lý được đẩy lên đến cao trào, tạo nên giọng điệu chính của trường ca. Cái làm nên khác biệt của loại trường ca này là sự phá vỡ những nguyên tắc cấu trúc của trường ca tự sự truyền thống, cấu trúc trong các trường ca dựa hoàn toàn vào cảm xúc, lấy cảm xúc làm mạch chủ đạo, mạch sự kiện chỉ nảy sinh nhờ liên tưởng như lời nhận xét “không bám vào những sự kiện chính sử, mạnh ở yếu tố trữ tình” (Chu Văn Sơn).

Tuy nhiên bên cạnh loại trường ca tự sự vẫn phát triển đều đặn. Xin kể mấy trường ca đầu thế kỷ này.

- Trường ca Tướng Giáp - Người anh cả của toàn quân của Hoàng Bình Trọng, có rất nhiều chất tự sự men theo cuộc đời vị tướng. Khảo sát  bố cục các chương ta đã thấy nổi lên chất tự sự khá rõ: Chương I là chương nói về cái nôi sinh ra thiên tài Võ Nguyên Giáp và sự gặp gỡ giữa Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Chương II viết về sự thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chương III, giặc Pháp mở trận càn về thôn An Xá bắt cụ Võ Quang Nghiêm - bố của Đại tướng. Chương IV: Tướng Giáp trong chiến dịch phản công 1950-1953 v.v... Nhiều chi tiết tác giả kể rất thực, rất bình thường nhưng  lại rất hoành tráng, mang được tư thế hiên ngang của dân tộc trong lòng nhân loai. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng ở trường ca này tác giả “...đã tạo dựng cả một chiến trường ngổn ngang và bề bộn [...] Hoàng Bình Trọng bám sát từng chi tiết có thật trong cuộc đời chỉ huy trận mạc của vị tướng thiên tài [..]  là cái giấy thông hành để dân tộc ta có thể hiên ngang đi vào cõi mênh mông bát ngát của xứ người ”

-  Trường ca Trường Sơn - Nguyễn Anh Nông, là một minh chứng khác cho loại trường ca mà yếu tố tự sự (nổi bật) bên cạnh yếu tố trữ tình. Trong trường ca này ngoài sự bộc lộ tâm trạng của chủ thể, đối tượng khách quan được tác giả chú ý nhiều là các lớp công dân đủ loại từ các cô gái, các chàng trai, các cụ già, từ các trẻ vị thành niên đến những người cha từng trải, từ các nhà thơ đến các vị tư lệnh..., một thế hệ con người đến Trường Sơn bám trụ sống và chết với cung đường “miệng khát, họng rát, mắt chói, bụng đói, miệng ói/ hằng đêm mê sảng” đảm bảo giao thông huyết mạch, tạo cơ sở  thắng lợi cho cuộc kháng chiến. Bối cảnh không gian Trường Sơn rất được chú ý, với điểm nhìn trần thuật ở ngôi thứ ba, từ những cây cầu “xoạc chân đứng đỡ đoàn xe/ tấm thân lấm láp xù xì”, những rừng cây, những cung đường “đêm đêm ánh lửa bập bùng/ kỷ niệm chồng kỷ niệm”, cho đến những muông thú muôn loài   đều  được chú ý thể hiện,  phối hợp  tạo dựng một thế trận hùng vĩ , một bối cảnh sức mạnh  đầy tính huyền thoại của cộng đồng.

- Trường ca Ngã ba Đồng Lộc - Nguyễn Ngọc Phú, nổi bật  các yếu tố sử thi ở nhiều chương. Chương Hồi ức  hoa mua giới thiệu tuổi thơ những người con gái… Chương áo xanh, Nón trắng kể cuộc sống kiên cường dưới bom đạn ...nơi chỉ toàn đá sỏi /Tóc con gái hoe vàng khét nắng/ Chỉ tiếng cuời trong trẻo cả trong mơ, …Sương gội ban đêm/ Khói gội ban ngày/ Bầu ngực nở không còn vú ngọc/ Nằm ép mình xuống chai sạn đất đai.

Chương Đồng Lộc hè 1968 kể về diễn biến các chiến công cụ thể của tập thể TNXP ở Đồng Lộc từ các anh Nhỏ, anh Lý, anh Ân, cho đến sự hy sinh của 10 cô gái... Hiện thực mang tính chất anh hùng ca “áo thanh niên xung phong/ Vắt qua mưa qua nắng,/ Túi áo may chéo nghiêng/ Đựng cả trời bom đạn”..

- Trường ca “Chiến tranh, chín khúc tưởng niệm” của Nguyễn Thái Sơn. Bắt nguồn từ cảm hứng sử thi, trường ca  thể hiện những chấn động lịch sử của dân tộc. Bên cạnh hình tượng người lính được khắc họa như là nhân vật trung tâm, thì hình tượng người phụ nữ cũng được nhà thơ dành nhiều tâm huyết. “Bằng tình cảm, vốn sống và trí tưởng tượng độc đáo, Nguyễn Thái Sơn đã phản ánh số phận người phụ nữ trong chiến tranh, cực nhọc thể chất, đau đớn về tinh thần, anh hùng quả cảm trong đấu tranh với những bi kịch nội tâm và đời sống tâm linh sâu sắc, làm nên sức ám ảnh mạnh mẽ và dai dẳng trong lòng bạn đọc”, “Hình tượng người đàn bà không chỉ đóng vai trò là nhân vật trung tâm khá điển hình, sinh động mà còn tham gia vào cấu trúc tác phẩm”(4).

Cần lưu ý các trường ca loại này chất “tự sự” hiện lên không bằng một câu chuyện liền mạch mà là những bức tranh, những khúc đoạn kể về người và việc, những mảnh ghép tự sự. Nhân vật bao gồm những tập thể và những cá nhân khác nhau hiện lên ở nhiều chương, đoạn. Những yếu tố “diễn biến triển khai chủ yếu về mặt không gian” theo cách nói của Hêghen hay là sự phản ánh “hiện thực khách quan” theo cách nghĩ thông thường được thể hiện đậm đặc, khá thành công,  tạo giọng điệu tự sự chung của tác phẩm.

Chúng tôi  lưu ý sự phát triển song hành hai khuynh hướng trường ca  Việt, trường ca trữ tình và trường ca tự sự, không nhằm nêu bật giá trị hơn kém, mặc dầu trong thực tế thời gian qua  các tác phẩm viết theo hướng trữ tình hoá có thể có những tác phẩm nổi trội ở các tác giả đã thành danh, nhưng từ đó để nói rằng loại viết theo khuynh hướng thứ nhất - khuynh hướng tự sự - không còn thì e chưa đạt lý (ngay cả thơ đương đại, tính truyện cũng rất được đề cao, huống hồ trường ca). Sự phong phú của thể loại trường ca, dàn “đại pháo” trong nền Thơ Việt, bao gồm hai khuynh hướng sẽ cổ suý cho một sự phát triển đa dạng các phong cách sáng tác; các tác giả  tìm gặp và phát triển được cá tính sáng tạo của mình ở từng loại. Các khuynh hướng này không loại trừ lẫn nhau mà chỉ bổ trợ, kích thích, làm cho nền thơ ca đương đại thêm đa dạng. Lịch sử phát triển trường ca có nhiều thay đổi theo thời gian tuy nhiên dù là theo hướng nào thì trường ca  với tư cách một thể loại tổng hợp trữ tình - tự sự hoành tráng, vẫn chiếm được vị trí nhất định trong thơ ca đương đại, là thể loại mà bất cứ nhà thơ  nào cũng đều muốn thử sức.

Tháng 07-2011

_______

(1) Diêu Lan Phương -Trường ca từ 2000 đến nay: xoá bỏ khoảng cách sử thi để gần gũi hơn với đời sống – Văn nghệ Trẻ, số 10, 6- 3- 2011.

(2), (3)  Hêghen- Mỹ học, những văn bản chọn lọc - Nxb KHXH Hà Nội 1996, các tr176, tr191.

(4) Lê Khánh Mai - Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhà văn đọc sách  

Vẻ đẹp quyền uy và bí ẩn của đàn bà lúng túng trước ngòi bút Sương Nguyệt Minh

VanVN.Net - Nếu đàn ông không bắt đầu "cảm nhận" đàn bà bằng thị giác, hoặc giả chỉ có bóng đêm thì sự cân bằng sẽ xuất hiện. Khi ấy khe ngực sâu, hay cái mông gợi cảm trở nên vô ...