Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI
   

Truyện ngắn: Chó đẻ, Tình nghĩa phu thê
Cập nhật: 10:39:00 11/1/2011

CHÓ ĐẺ

Sáng nay, thằng Tròn nói với ba nó:

                        -Ba, con Trung Kiên nhà mình sắp đẻ rồi?

                        -Chừng nào? Sao tụi bây không cho biết sớm?

                        -Dạ, khoảng vài ba ngày nữa. Tại bữa nào ba cũng họp hành liên miên về trễ, mà lại sỉn lút cán nên đâu có khi nào nói được…

         -Tụi mày cứ vậy không hà, đợi sát đít mới báo. Thôi, để tao tính!

Tròn là con thứ sáu của Ba Mãn. Ba Mãn là bí thư xã. Theo qui định của trên thì cán bộ có chức vụ như ba Mãn không được đẻ quá hai con, nhưng có lẽ ở vùng nông thôn này còn nhiều cây lá rậm rạp, ánh sáng nghiêm khắc của chủ trương chung chưa rọi tới hết từng chân cây, cỏ lá nên không chỉ Ba Mãn mà nhiều cán bộ thường thường bậc trung khác cũng đều đẻ con vượt kế hoạch. Thằng con đầu của Ba Mãn là thằng Gộc, tên khai sanh là Góc, nhưng tướng tá nó từ hồi mới đẻ đã xù xì, gồ ghề, nên trong nhà quen miệng gọi là Gộc, từ đó chết danh luôn. Từ ngày lấy vợ rồi vào làm việc ở ngân hàng huyện, Gộc ít về nhà. Không biết do nó quá bận bịu công tác, hay là ngán về cái xã nghèo chỉ có hơn mười sáu cái nhà tường, đường đi sình lầy bám bánh xe, nhậu toàn rượu đế với cóc ổi, bói cũng không tìm ra được chỗ bán bia. Tất nhiên, đó là chuyện của tám năm về trước, khi chưa có Khu Công nghiệp Tân Dung được thành lập; còn sau này, gia đình nào ở đây vốn từng nghèo rớt mùng tơi, cũng đều có tiền xài rủng rẻng nhờ nhận tiền đền bù đất đai. Xã đã nhanh chóng ngói hóa với hàng loạt các căn nhà 2, 3 tầng đồ sộ mọc lên, bảy tám căn biệt thự hạng sang chen chúc  nhau ở mặt tiền đường hướng ra quốc lộ, mà một trong số đó là nhà của Ba Mãn. Biệt thự của gia đình Ba Mãn lớn nhất xã, riêng phần nhà rộng đến 800 mét, được xây kiên cố 4 tầng, với một sân thượng có lan can dát đồng ánh lên màu vàng chóe mỗi sáng khi mặt trời mọc, lúc  những ánh nắng đầu tiên rọi vào. Nhưng đó chỉ mới là phần xây dựng nhà, chứ trong khuôn viên rộng hơn 2000 mét ấy, Ba Mãn còn rước thợ ở Sài Gòn về làm một hồ bơi 40 mét, lát gạch men màu xanh da trời đẹp mắt, gắn dàn đèn chìm để có thể bơi đêm, hệt như hồ bơi chính qui ở các trung tâm thể thao; phía trái là nhà để xe lợp tole với chiếc Innova màu đen nhánh được che bên trên bởi tấm bạt màu đỏ nhạt; phía phải biệt thự, Ba Mãn bày một chiếc bàn đá mặt vuông, có 6 ghế đá cố định, bên trên là mái lều hình vòm, tất cả được che bằng lá cọ kết lại-dĩ nhiên, công năng chính của nó là dùng để…gầy bàn nhậu cho sang đúng theo kiểu các đại gia ở Sài Gòn; cuối khuôn viên biệt thự, Ba Mãn cho đào một ao hơn 200 mét trồng sen, thả cá, giữa ao là nhà thủy tạ có cầu gỗ bắc ngang được sơn hai màu đỏ, vàng như trong phim Tàu. Sang trọng là vậy, nhưng dân trong xã ít ai tường tận, vì bao quanh khuôn viên biệt thự, Ba Mãn cho xây tường cao đến 3 mét, bên trên có chăng dây kẽm gai và miểng chai, uy nghi, kín đáo như một dinh thự thứ thiệt. Tất cả- theo như Ba Mãn từng nhiều lần trình bày với các anh bên ủy ban kiểm tra tỉnh ủy mỗi khi có đơn tố cáo nặc danh- đều là tài sản hợp pháp, có đầy đủ chứng cứ hợp pháp và các tài sản đó có được chủ yếu từ tiền Nhà nước đền bù phần đất đai bị trưng dụng vào khu công nghiệp Tân Dung. Kết quả xác minh của bên bảo vệ chính trị nội bộ cho thấy đúng như vậy, mà như vậy thì quá tốt, nói như lời một vị lãnh đạo trưởng đoàn kiểm tra, bởi làm Bí thư mà gia đình giàu có hợp pháp-điều đó chứng tỏ sự đúng đắn của việc đi theo Đảng, sự hài hòa của việc phục vụ Nhà nước và lợi ích cá nhân. Và điều đặc biệt hơn cả là chính sự giàu có đó sẽ khiến những kẻ xấu, có ý định xấu, ví dụ như muốn…đưa hối lộ chẳng hạn, sẽ chùn tay lại; người dân thì an tâm hơn khi nghĩ: “Ổng giàu như vậy, đâu có thèm ăn hối lộ làm gì!”. Tiếng lành đồn xa, nên nghe đâu nhiều khả năng nhiệm kỳ tới, Ba Mãn sẽ trúng thường vụ huyện ủy không chừng.

Kế Gộc là thằng Cạnh, con Xéo, con Nhọn, thằng Vuông…đều có nghề nghiệp ổn định, lập gia đình, ra ở riêng, có nhà cửa đàng hoàng, đứa nào cũng được Ba Mãn cho miếng đất, xây cho căn nhà bê tông ngon lành. Nhà cửa đề huề, con cái ổn định, đường công danh lên như diều gặp gió, nhưng những lúc trà dư tửu hậu với chiến hữu, lính tráng, Ba Mãn tiếc rẻ: “Mẹ, sao hồi đó ngu quá, đặt tên con toàn hình học không hà, giờ không sửa giấy khai sanh được, tên nghe quê thấy mẹ!”. Có lẽ để sửa sai cho chuyện đó nên sau này tên của bất kỳ gia súc nào trong nhà cũng được Ba Mãn đặt hết sức văn hoa, trang trọng, Trung Kiên hóa ra lại là tên của con chó cái sắp đẻ mà thằng Tròn đã nhắc Ba Mãn hồi sáng.

Trung Kiên được Ba Mãn mua cách nay nửa năm tại chợ chó Cầu Móng trong một chuyến đi họp dài ngày ở Sài Gòn. Hồi đó, nó còn nhỏ xíu, xác xơ lông và lốm đốm ghẻ, do ít được chăm sóc cẩn thận. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn có may mắn được về “làm con” trong gia đình này, Trung Kiên đã nhanh chóng thay da đổi thịt, lột xác thành một con chó quý tộc đúng kiểu. Mỗi sáng, Trung Kiên được chị Năm, người ở cho gia đình Ba Mãn, pha sẵn đĩa sữa Ông Thọ, sau đó là một miếng bít-tếch thịt bò nạc, mua ở quầy bà sáu mập đầu chợ. Bữa trưa của nó là một đĩa cơm trộn trứng chiên, thực đơn buổi chiều cũng tương tự, nhưng có thêm tô xí quách mua từ quán hủ tiếu ngoài quốc lộ 1. Chỉ riêng “tiền ăn” hàng ngày của con Trung Kiên đã gấp 4 lần tiền công nhật của chị Năm. Được chăm sóc kỹ lưỡng như vậy nên Trung Kiên sớm béo tốt, lông óng mượt, và…lọt ngay vào tầm săn bạn tình của mấy con chó đực nhà hàng xóm. Kết quả là từ ngày nó mang bụng lặc lè, đi đi, lại lại trong nhà, chị Năm và mấy người làm công đã phải: “Cực như…chó. Mẹ hồi, chăm nó như chăm trứng mỏng, còn hơn cả đàn bà đẻ nữa, đ.mẹ, kiếp sau mình đầu thai làm chó nhà giàu cho sướng thân!”-vừa hốt đống cứt mà con Trung Kiên mới xả ra, chị Năm vừa chửi xéo.

* * *

Buổi chiều hôm đó, Năm Lê, chủ tịch mặt trận tổ quốc xã đang ngồi lai rai với Hai Hùng, trưởng ban nông nghiệp xã thì chợt  điện thoại di động reo lên.

-A lô, ai vậy?

-Dạ em, Ân nè anh Năm

-Có gì mày nói lẹ đi rồi ra đây, tao đang ngồi với Hai Hùng ở làng nướng Hương Đêm nè…

-Em kẹt chờ lấy cái công văn trên mới gởi hồi trưa rồi ra ngay.

-Trên nào?

-Dạ, Ban xóa đói giảm nghèo huyện, mừng lắm, mình được phân bổ tới 19 chỉ tiêu hỗ trợ hộ nghèo ăn Tết, anh à. Khé khé, ấm ghê…

-Ấm mẹ gì, được bi nhiêu đâu, không thối lại, sức mấy mà có. Tưởng chuyện gì quan trọng!

-Dạ, còn chuyện này, em nghĩ anh cần biết sớm: con Trung Kiên nhà anh Ba sắp đẻ rồi…

-À, Ừm, vậy mày coi kết lẹ lẹ cái công văn đi rồi ra anh em mình tính gấp, gì chớ vụ đó không để lâu được…

Hai Hùng nháy mắt hỏi Năm Lê, ra dấu, ai vậy?. “Thằng Ân, văn thư ủy ban, nó nói con Trung Kiên nhà anh Ba nay mai sẽ đẻ. Tụi mình coi tới thăm chớ…”-Năm Lê thả giọng nhẹ hều. Hai Hùng cười cười: “May quá, con này đẻ thiệt đúng lúc. Hổm rày muốn ghé ảnh quá trời mà kiếm hổng ra lý do.”. Hai người nháy mắt nhìn nhau ra cái điều “bất chiến tự nhiên thành” và “tư tưởng lớn gặp nhau”, cụng ly đánh cốp một tiếng rồi mới ực một phát cạn ly. Uống xong, Năm Lê bóc điện thoại ra hào hứng gọi: “Ê, Bảy Phát hả? Phải Bảy Phát tàu cá hông? Tao, Năm Lê nè. Mày hú Chín Qùy chủ đất, Hai Tâm bán điện thoại, Bảy Qúi xe tải, Tám Nhơn máy cày…ra gấp làng nướng Hương Đêm nghen. Hả? Có việc quan trọng, thằng nào không ra kỳ này, coi như chuyện làm ăn của tụi nó bỏ đi. Ờ, tao nói vậy là biết rồi đó!”. Năm Lê kết thúc cú điện thoại, giọng chắc nịch.

* * *

Con Trung Kiên “vượt cạn” vào buổi khuya. Có tất cả sáu con chó con xinh xắn ra đời, nằm ngang bâu chặt lấy bầu vú nhỏ xíu nhưng dài lỏng thỏng của mẹ nó. Cuộc “vượt cạn” hết sức hoàn hảo và không gặp bất kỳ khó khăn nào, bởi thằng Tròn đã chặt chẽ tuân theo sự chỉ đạo kịp thời và sáng suốt của ba nó, là gọi điện thoại báo cho chú Út Hoàng, Trưởng trạm y tế xã; và ngay lập tức, chú Út Hoàng đã cử ngay bác sĩ Hạnh, phụ trách hộ sinh của trạm y tế đến theo dõi. Cả nhà đã căng mắt ra chờ đợi sự kiện trọng đại này từ chập choạng tối, nên bác sĩ Hạnh cũng một phen toát mồ hôi, làm đủ mọi thủ thuật y tế, kể cả chích một mũi thuốc khỏe để con Trung Kiên sanh cho dễ. Đến khi thấy cái đầu đỏ hỏn của con chó nhỏ từ từ chui ra, bác sĩ Hạnh mới thở phào nhẹ nhõm-“Nó mà có mệnh hệ nào là mình coi như…tiêu!”. Vợ Ba Mãn giúi vào tay cô phong bì hai trăm ngàn, gọi là bồi dưỡng công sức khó nhọc, nhưng cô kiên quyết từ chối: “Dạ, đây là việc nhỏ mà chị. Có làm được chuyện gì cho anh Ba là tụi em mừng rồi, đời nào dám cầm cái đó. Dạ…chỉ cần ảnh họp với bên ủy ban, ảnh nói một tiếng, chỉ đạo hỗ trợ vật chất thêm cho trạm là tụi em ơn biết để đâu cho hết…”. Khi bóng bác sĩ Hạnh vừa khuất sau cánh cổng, đám cháu ngoại, cháu nội của Ba Mãn ùa tới, đứa xoa đầu, đứa nắm chân mấy con chó mới đẻ, tíu tít tươi cười rôm rả, cả nhà vui như tết, khiến vợ Ba Mãn hối chị Năm bắt con gà nấu cháo ăn khuya cho vui nhà vui cửa.

Mà vui thiệt. Mới sáng bảnh mắt ra, nhà Ba Mãn đã phải mở cửa tiếp khách, dẫn đầu đoàn khách đầu tiên trong ngày, dĩ nhiên là Năm Lê và các chủ doanh nghiệp có máu mặt trú đóng trên địa bàn xã.

-Dạ, mấy anh em nghe con Trung Kiên đẻ nên tới thăm…

Năm Lê cười cười, mở lời giải thích lý do làm phiền gia đình Sếp vào buổi sáng sớm. Ba Mãn, vẫn gác một chân lên ghế salon, buông một câu hỏi bâng quơ:

-Gì mà đông quá, chỗ đâu ngồi cho hết bây?

Có vẻ đó là một câu hỏi tu từ nên không ai bảo ai, sau câu hỏi đó, mọi người đã nhìn quanh quất, tự tìm ra được chỗ ngồi của mình. Chờ mọi người yên chỗ, Ba Mãn hắng giọng ra sau nhà:

-Đứa nào dưới bếp, châm bình trà coi!

Một bình trà lập tức được mang lên, hệt như kẻ ăn người ở trong nhà đã chuẩn bị sẵn từ hồi nào. Nhưng bình trà mang lên cũng chỉ cho có lệ, bởi số khách quá đông nên quây quần bên cái bàn salon vỏn vẹn có vài người-chức sắc trong xã- là được cầm tách trà, số còn lại ngồi xa xa, mắt hướng về góc phòng, nơi con Trung Kiên đang nằm ổ với ánh mắt rất chi là ngoại giao. Thấy Năm Lê nháy mắt ra dấu, Hai Hùng cười hềnh hệch, xổ một tràng:

-Nói thiệt, trong đời em, chưa thấy con chó nào đẻ sáu đứa hết, toàn hai, hoặc bốn không hà! Bởi vậy con Trung Kiên đẻ sáu con là trong nhà phước đức lắm đó mới được. Mấy ông coi, lông tụi nó ngắn mà mướt rượt, có xoáy trên lưng giống như chó Phú Quốc kìa, mũi dài đưa ra đằng trước nữa, trời, tụi này mà lớn, bắt chuột bá cháy nghen! Anh Ba, nghe con Trung Kiên đẻ, em mừng quá, thôi thì hổng có gì, em…mang…cái này tới…gởi anh lấy thảo…

Lúng túng, Hai Hùng đặt chai X.O lên bàn, và do trước đó có lẽ sợ người nhận cũng như quan khách không thấy được giá trị của chai rượu nên Hai Hùng để nó trơ ra chớ không thèm gói giấy kiếng xanh xanh đỏ đỏ như mấy lần đi đám tiệc khác nữa. Phát súng đầu tiên đã nổ, cổng đã mở toang nên những người còn lại không khó khăn gì để nhập cuộc. Thì kia, Bảy Phát chủ tàu đánh cá rụt rè đặt lên bàn bộ vi cá mập, Tám Nhơn máy cày bày ra bộ tách và bình quý làm bằng thủ công của gốm sứ Minh Long, Hai Tâm điện thoại mang đến một màn hình ti vi mỏng dính kiểu tinh thể lỏng…Qùa nào cũng có trọng lượng riêng không ai kém cạnh ai. Nhưng…trong lúc mọi người đang làm cho xong những chuyện quan trọng nói trên thì bỗng nghe có tiếng la thất thanh ở góc phòng:

-Trời, cha mẹ ơi, quý tướng, quý tướng…

Mọi ánh mắt đổ dồn về nơi con chó cái đang nằm với bầy chó con. Chín Qùy chủ đất đang ngồi bệt dưới nền gạch men, miệng xuýt xoa:

-Thầy Tư nước lạnh ở Châu Đốc nói con chó nào mà có đốm đen trên đầu là “Vượng phát gia chủ”, tui nhất quyết phải nuôi con này mới được!

Chỉ tay vào con chó bé xíu, Chín Qùy năn nỉ:

-Anh chị Ba thương em thì để lại cho em con này. Qúy lắm, quý lắm, trên Sài Gòn cả mấy chục triệu cũng không mua nổi đâu. Dạ, giận em chịu chớ chị Ba để lại em đi, em gửi liền chục triệu…

Vừa nói, tay Chín Qùy móc trong túi quần ra gói giấy bọc kín, đưa cho vợ Ba Mãn. Qúa bất ngờ, vợ Ba Mãn lúng túng đưa mắt nhìn chồng:

-Ông…thấy sao?

Ba Mãn ho một tiếng, nghiêm giọng:

-Chó đẻ, tao định nuôi chớ không bán chác gì đâu. Bộ tụi mày tưởng nhà tao không đủ cơm nuôi hả?

Chín Qùy rối rít:

-Dạ, anh Ba, em đâu có ý đó. Tại em ham quá, em nghe thầy nói có nó trong nhà mới làm ăn được, chị Ba nói giúp em một tiếng…

Vợ Ba Mãn đưa mắt nhìn chồng lần thứ hai. Ba Mãn gật gù:

-Thiệt, hết nói tụi bay, nghe thầy bà gì cho mệt. Mà thôi, mày năn nỉ quá tao thấy không đành, có gì hai chị em bây bàn với nhau nghen…

Chín Qùy cười mãn nguyện. Mà không mãn nguyện sao được, bởi sau Chín Qùy, thì Bảy Qúi xe tải và thêm mấy người nữa được nước xúm lại năn nỉ vợ Ba Mãn bán mấy con chó con còn lại, dĩ nhiên là không con nào dưới giá chục triệu đồng.

Chừng đám đông giãn ra một chút, Ba Mãn mới lên tiếng:

-Tụi bây…à, anh em đến thăm thì tui cảm ơn. Thôi chớ tới rồi phải ngồi lại lai rai. Chị Năm ơi, chạy ra lộ lấy gấp cho tui cái gì về nhậu coi, kêu thằng Lai con bà sáu mang bia vô, nước đá luôn rồi tính sau…

Lần đầu tiên, Năm Lê dám phát biểu chặn ngang họng Sếp:

-Khỏi anh, tụi em chở theo cả xe bia ngoài kia kìa, thằng Ân văn thư nó còn kêu sẵn con heo sữa quay chỗ thằng Thanh ba Tàu, giòn lắm. Mồi màng cây nhà lá vườn, mình có cái gì chơi cái đó trước đi rồi hẵng tính nữa…

Thế là mấy anh em kéo nhau ra chỗ cái chòi lá cọ ngoài vườn.

* * *

Cuộc nhậu rôm rả, mà không rôm rả sao được khi ai cũng vui trong lòng vì đã đạt được mục đích riêng của mình, nên chẳng mấy chốc, chục thùng bia hết veo. Hai Hùng đang điện thoại kêu nhà hàng Hương Đêm mang bia vào thêm thì ngoài cổng nhà Ba Mãn có tiếng chuông gọi cửa. Hai Hùng lật đật bước ra: “Cha, bữa nay tụi này làm ăn ngon quá ta, mới điện thoại vừa xong, bia đã mang tới ngay, lẹ thiệt!”. Nhưng…cửa mở, ngoài cổng là hai người một già, một trẻ, mặt lạ hoắc. Hai Hùng hất hàm:

-Kiếm ai đây?

Người đàn ông già, rụt rè:

-Dạ…kiếm chú Ba bí thơ.

-Anh Ba đang bận tiếp khách, có chuyện gì cứ nói luôn với tui đi rồi tui báo cáo lại với ảnh sau!

-Dạ…kẹt gấp quá, nhà thằng Út ghẻ cách đây bảy tám căn có con vợ mới đẻ xong, bị băng huyết, phải tiếp máu mới mong cứu sống được. Mà nhà nó thì nghèo nhứt xóm này, không kiếm đâu ra ba triệu đồng chú ơi, nên…định tới trình bày với chú Ba bí thơ, nhờ chú giúp đỡ…

-Út ghẻ là ai? Thằng này hả? Nghèo sao hổng chịu nín mà đẻ làm chi cho mệt vậy? Thôi, chờ ở đây nghen…

-Dạ, chú làm ơn nói giùm qua là Chín Nếp, tổ phó an ninh ấp này, thằng Út ghẻ là con bà Mười Liên, Mẹ Việt Nam Anh Hùng, mà mỗi dịp lễ kỷ niệm, chú Ba bí thơ có mời lên nhận quà đó…

 Hai Hùng quày quả trở vô báo cáo với Sếp. Cả bàn nhậu lao xao. Năm Lê phát động:

-Thôi, tui nói vầy mấy ông coi được hông? Tụi mình của ít lòng nhiều, giúp người ta để đức cho con cháu, tui xung phong góp ba chục ngàn, anh em góp thêm tùy hỉ…

Cuộc quyên góp, nhờ sự phát động kịp thời của chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc xã nên diễn ra khá nhanh chóng, người năm chục, kẻ một trăm, kết thúc được một triệu bảy trăm ngàn đồng. Vẫn chưa đủ con số mà sản phụ đang cần. Ba Mãn khoát tay:

-Để anh đưa thêm ba trăm cho chẵn hai triệu.

Hai Hùng cười cười:

-Rồi, cứ coi như anh Ba đóng góp ba trăm, còn chuyện thực tế, cứ để em lo. Ba mươi giây là xong…

Người thanh niên tên Út ghẻ rạng rỡ hẳn nét mặt khi nghe Hai Hùng cho biết con số quyên góp được. Nhưng người tổ phó tổ an ninh già còn tần ngần:

-Chú ơi, đã thương thì thương cho trót, còn một triệu đồng nữa, biết lấy đâu ra?

Hai Hùng trừng mắt:

-Ông biết điều một chút đi. Tự dưng, kiếm đâu ra hai triệu, vậy mà giờ có rồi, còn đòi hỏi gì nữa? Mà nhờ ơn đức anh Ba chớ hổng phải tự dưng có đâu, người ta nể uy tín ảnh, người ta mới quyên góp giúp mấy người đó, đừng có được voi, đòi tiên…

Út ghẻ kéo tay ông già:

-Được rồi bác Chín, vậy là quá tốt rồi bác, mình về kiếm chỗ khác, bí quá thì để con đi mượn nóng thằng Cường xã hội đen ngoài đầu chợ cũng được…

-Một triệu, trả góp một ngày ba chục ngàn, mầy trả nổi hông?

-Thì phải rán vậy, mình về đi bác Chín

Cánh cửa đóng sập “rầm” một tiếng, mấy khoen sắt lâu ngày cạ vào nhau phát ra âm thanh chan chát, làm nổi da gà người nghe. Một già, một trẻ dìu nhau về. Cách cánh cổng sắt vài bước chân là con đường nhỏ cắt về nhà Út ghẻ. Con đường đất thịt, mấp mô từng mảng, hai bên cỏ dại mọc đầy, tưởng như dài ra đến tận chân trời…

 

TÌNH NGHĨA PHU THÊ (*)

-A di rị đa, tì ca lan đế, tì ca lan đa, dà dí nị dà na. Nam mô cam lồ vương bô tát, Nam mô cam lồ vương bồ tạt, sa sát na, sa bà la ta…

Tiếng đọc kinh đều đều khi trầm khi bổng của hai ông thầy tụng kinh ở chùa Phước Hoa được mời đến ban chiều cộng với tiếng gõ mõ lốc cốc giật cục từng đoạn, tiếng chuông buông thong thả sau một hồi dài đã làm cho không khí buổi khuya vốn ảm đạm, buồn tẻ, lại càng thêm ảm đạm hơn, nhất là dưới ánh đèn leo lét hiu hắt, và bên cạnh đó là chiếc quan tài sơn son thiếp vàng im lặng nằm trơ vơ trên hai thân đòn gỗ nhỏ. Không có ai ngồi cạnh quan tài vào giờ ấy. Hai giờ sáng.

Chồng được đưa về nhà vào lúc chập choạng tối. Khi xe cứu thương dừng trước nhà hụ còi từng đợt dài, dân trong xóm đã biết ngay có chuyện không hay và túa ra xem. Chồng nằm trên cáng, mắt dĩ nhiên nhắm nghiền, mặt anh ta bị biến dạng trông thật kinh khủng, nhất là phần mũi gần như vỡ nát, bên trên còn dính chút máu chưa kịp khô. Theo lời nhân viên y tế thì chiếc mũi đã bị phần cản trước của chiếc xe ô tô gây tai nạn kéo lê một đoạn dài nên mới mất hẳn phần xương và thịt bên trên. Còn theo lời người cảnh sát giao thông có mặt tại hiện trường vụ tai nạn thì ở khúc quanh đó xe cộ lưu thông không phải là quá nhanh, cũng không chiếc xe nào-nạn nhân hay kẻ gây tai nạn-vượt đèn đỏ, hoặc phóng quá tốc độ cho phép, dẫn đến tình trạng trên. Có vẻ như chiếc xe gắn máy của chồng đã loạng choạng rồi tự ngã vào phần đầu xe ô tô đang chạy cùng chiều phía trước.

“Chết trẻ quá!”-một người nào đó trong đám đông thốt lên. Mà thật ra nào phải là quá trẻ, chồng là một người đàn ông trung niên trạc bốn lăm, bốn sáu tuổi, thân hình cao to (cứ nhìn chiều dài chiếc quan tài thì biết) và có gương mặt khá điển trai-ấy là do tấm hình đặt phía trước quan tài-cho biết như vậy. Thế nên đám đông mới tiếc rẻ; nhưng…cái chết, làm sao biết được chúng đến lúc nào? Chồng làm việc tại một nhà xuất bản trong thành phố. Có lẽ hàng xóm vẫn quen nhìn người đàn ông trung niên sáng sáng tíu tít gọi con dậy để chở đi học, ăn mặc bỏ áo vào quần tề chỉnh. Nhiều cô trong xóm thỉnh thoảng đã phải thèm thuồng nhìn cảnh ấy và thầm ước ao mình được ở vào vị trí của người vợ. Vậy nên ai trong xóm cũng thầm thương cảm khi thấy vợ khóc ngất bên xác chồng, và mọi người không ai bảo ai đều tự thấy phải có chút trách nhiệm với người vợ trẻ này, họ cùng xúm vào, người dựng rạp che tấm bạt lớn bên trên để có chỗ cho khách đến dự đám tang, kẻ chạy đi mua nải chuối xanh về đặt lên ngực người chết… mọi người ai cũng đều tíu tít chuẩn bị. Quan tài được khiêng ngay về từ chùa Phước Hoa, loại gỗ rẻ tiền thôi, vì nghe đâu ở nhà định thiêu tại Bình Hưng Hòa chứ không chôn. Mà không chôn thì không cần phải chọn quan tài có loại gỗ tốt làm gì cho phí. Quan tài được đặt giữa nhà, bên trên là di ảnh chồng-một gương mặt buồn như chính đôi mắt sâu thẳm mà anh ta đang nhìn chằm chằm vào những người đi dự đám tang. Có điều hình như trong lúc tang gia bối rối, vội quá nên bình hoa đã được cắm ngược, có mấy cành khẳng khiu chổng lên trần nhà; trong nhà nghi ngút mùi nhang đám ma, mùi hoa quả…nói chung và cả mùi tử khí-một thứ mùi đặc trưng của đám tang. Hai dãy bàn dành cho khách đến đưa đám tang xếp xen kẽ chật cả con hẻm nhỏ, nhưng mọi người trong xóm hiểu chuyện nên không ai phàn nàn gì. Gần như mọi thứ có kiếng trong nhà đã được gỡ bỏ theo như lời của một bà lớn tuổi nhất trong nhà-hình như là kiêng cữ gì đó. Chồng nằm đó, mắt nhắm nghiền, mặt anh ta không vui, không buồn, bởi vết nứt khủng khiếp  trên mũi đã gây ấn tượng  lớn hơn hết so với tất cả những phần lành lặn còn lại của gương mặt. “Không ai ngờ nó chết thảm như vậy!”-Bạn nhậu thân nhất của chồng chép miệng. Hình như họ mới ngồi nhậu với nhau hồi chiều thì phải, nên trông lão ta có vẻ hối hận, vì nếu không nhậu, hẳn chồng sẽ chưa chết dưới bánh xe ô tô oan nghiệt kia. Bánh men bày lên bàn cùng bình trà sóng sánh thơm ngát, nhưng không ai buồn đụng vào, ngoại trừ đám trẻ con của bà bán cá hàng xóm. Chúng vừa ăn, vừa đùa nghịch khiến ba và má chúng, vốn không hay la rầy con, đã phải quát lên.

Càng về khuya tiếng chuông lẫn tiếng tụng kinh càng làm cho không gian thêm thê lương. Mọi người đều đã quá mệt nên đi ngủ cả, chỉ còn lại đám bạn nhậu của chồng vẫn ngồi đó, nhậu (lại nhậu!), buồn, có người ứa nước mắt, rên rỉ cho thằng bạn xấu số. Thỉnh thoảng, tiếng chạm ly lách cách lại vang lên, nhưng khẽ khàng chứ không “khí thế” như thường thấy trên bàn nhậu ngoài mấy quán nhậu. Thì đám tang mà, ai nỡ nào gây thêm sự ồn ào; vả chăng cũng không ai còn hồn vía nào nhậu bên cạnh xác chết. Trên bàn là mấy chai Vodka nằm lăn lóc đã cạn. Mồi là con khô mực xé vội mới mua ban tối bởi gia đình tang gia bối rối nên không ai nghĩ ra được phải mua gì để những người canh quan tài có thể lai rai thức khuya đỡ buồn. Bàn bên, một nhóm vài ông già đang ngồi đánh các-tê hút thuốc phả khói mù mịt. Đánh trong im lặng khác với những sòng bài vào các dịp Tết cổ truyền. Mọi người vừa chơi, vừa bàn tán về những phẩm chất, thói quen mà lúc sinh thời, chồng có được.

Gian nhà khá chật hẹp, chỉ  đơn giản một phòng khách, bếp và một phòng ngủ, lại nằm trong một con hẻm nhỏ nên chỉ riêng chiếc quan tài đã chiếm gần một nửa không gian chật hẹp của phòng ngoài. Hai bên quan tài là bàn thờ vong với bát hương cùng vài lá vàng mã, đĩa trái cây, bình hoa; trên đầu quan tài là hai chiếc đèn cầy lớn đang leo lét cháy. Thêm hai chiếc ghế làm nơi cho các thầy tụng ngồi tụng kinh là đã quá chật, khoảng không khác dành cho chiếc chiếu, nơi để những người thân trong nhà quỳ lạy khi cúng. Nhưng chồng chỉ có hai đứa con mà không có đứa cháu nào nên hẳn nghi lễ cúng sẽ rất buồn tẻ đây, vì quá ít người quỳ lạy cho xôm tụ. Thông thường đám tang nào cũng đầy những người là người với khăn trắng chít trên đầu, quỳ lạy xì xụp theo tiếng mõ tụng kinh; nhưng đám tang này lại khác.

Vợ trạc bốn mươi tuổi, mặt trái xoan, vóc người thon thả trong chiếc áo sô gai, khăn tang quấn quanh đầu. Mặt vợ lúc nào cũng buồn thê thảm và mắt cứ đỏ hoe, chực ngân ngấn nước, mỗi khi có người hỏi thăm về cái chết của chồng là đôi mắt ấy khẽ khàng tuôn hai dòng lệ, vợ vừa kể về nguyên nhân cái chết của chồng, vừa khóc rấm rứt. Khách đến viếng cứ tặc lưỡi: “Tội, hai vộ chồng thương nhau quá vậy mà giờ lại âm dương cách biệt. Coi cái cách con vợ khóc thằng chồng cũng đủ biết chúng nó thương nhau như thế nào…”. Nói là nói vậy, nhưng một số vị khách nam trẻ tuổi thỉnh thoảng cũng liếc nhìn khoảng thịt trắng lồ lộ nằm ép bên trong phần xẻ bên hông giữa áo và quần của góa phụ, rồi đưa mắt nhìn chiếc nốt ruồi nằm bên dưới môi bên phải của gương mặt-nơi gây ấn tượng lâu nhất cho bất kỳ ai lần đầu tiên tiếp xúc. Khi những tiếng chuông, mõ vang lên, hoặc khi có người đến thắp nhang và quỳ lạy người chết, cũng là lúc vợ phủ phục bên quan tài vừa lạy đáp trả, vừa khóc thê thảm. Những lúc khác, vợ bình tĩnh cắt đặt cho những người thân trong gia đình công việc tang gia như: đưa tiền cho thợ nấu ăn với lời dặn dò rất kỹ từng món, từng thức để mai tiếp khách đến đưa tang, kể cả món chay để mời các thầy tụng, rồi phong bì tiền dành cho thầy tụng kinh kèm theo quà là hộp bánh tây với hai chai nước tinh khiết, được cất cẩn thận trong túi xốp. Mấy thầy tụng tỏ ra hết sức hài lòng với sự chu đáo này.

Buổi sáng đưa tang, mới ba giờ khuya, mưa đã như trút nước, khiến khoảng sân nhỏ trở nên trơn trượt, suýt chút nữa làm cho mấy phu nhà đòn khiêng quan tài vấp té. Cơn mưa làm cho những người đến đi đưa tang giảm hơn so dự kiến, nên số khách ít ỏi ấy đã phải chia nhau lên cả ba xe cho xôm tụ, và cũng vì vậy, mỗi chiếc xe hơn 50 chỗ ngồi chỉ lèo tèo bảy, tám người, trống vắng, lạnh lẽo đến gai người. Khi chiếc quan tài được đưa vào lò thiêu cũng là lúc mọi người xoa tay, lục tục lên xe, ra về, chỉ để lại vợ ngồi canh chờ lấy chiếc bình đựng tro. Đám tang vậy là kết thúc.

***

            Buổi tối, phòng khách sạn lờ mờ ánh đèn ngủ vàng quạch, nên không rõ mặt của đôi nam nữ đang quấn lấy nhau trên chiếc giường nệm phủ drap trắng tinh, thơm phưng phức; chỉ nghe họ trò chuyện trong lúc làm tình. Giọng nữ phấn khích:

            -Tụi mình hay mà hổng bằng hên, anh à! Tự dưng ảnh bị xe đụng, chớ nếu không, em cũng chưa biết sẽ nói sao với ảnh về chuyện xin ly dị nữa…

     Giọng nam nạt ngang:

            -Thôi, đang vui đừng nhắc chuyện đó, xui lắm. Giờ tụi mình có nhau là được rồi…

      Có vẻ như anh ta cắt ngang câu chuyện bằng một nụ hôn dài, khiến người nữ không thể mở miệng được nữa; và họ lại tiếp tục làm cái chuyện mà họ vẫn đang làm nãy giờ. Trong bóng đêm, mặt người phụ nữ lờ mờ hiện ra một nốt ruồi đen không lẫn vào đâu được…

Phạm Thanh Trúc

Tin bài mới

1
2
3
4
5
6
7
Tin mới