Từ đời vào văn

22/10
8:55 AM 2016

MÙA CHIẾN DỊCH MÙA VĂN CHƯƠNG CỦA LÊ VĂN THẢO

Vanvn.net- Nhà văn Lê Văn Thảo ở TPHCM vừa qua đời, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Trần Thị Thắng về ông. TRẦN THỊ THẮNG-Ngày 14-10-1971, chuẩn bị vào mùa khô, bảy thành viên trong đoàn viết văn trẻ khóa bốn xuống đường về khu Sài Gòn –Gia Định gọi là I4, gồm Phan An, Phan Xuân Biên, tôi, Hà Phương, Hà Công Tài, Khuynh Diệp, Nguyễn Văn Sơn đã có mặt tại Ban tổ chức Thành ủy đóng tại Chô ( nước bạn).

                                                       Nhà văn Lê Văn Thảo

Mọi người lần lượt nhận công tác để mùa xuân tới là vào mùa chiến dịch ở vùng sâu, còn tôi bị sốt rét và áp se nên nhập viện. Một người phụ nữ lớn tuổi thi thoảng đứng ở đầu giường, khi tôi lên cơn sốt cao, đôi lúc bà nắm tay và nói những lời an ủi. Lúc tỉnh dậy tôi mới biết đó là “bà Năm Diêu” vợ Giám đốc sở Giáo dục Sài Gòn - Gia Định (Trưởng Tiểu ban Giáo dục Miền). Sau những cơn sốt thường mệt mỏi, nhưng mỗi lần gặp bà là bao chuyện vui lại tới, những câu chuyện tuy không đầu không đuôi đôi lúc làm tôi hơi ngượng vì bà coi tôi là đứa con tiêu biểu được đào tạo tại Hà Nội (con người của Chủ nghĩa xã hội).Tôi chơi đàn măng- đô- luyn nên có trai trên năm đầu ngón tay, bà nắm tay và khen: Ngoài đó đào tạo các con sâu rộng, má mong có ngày được ra miền Bắc. Ngày ấy được đi thăm miền Bắc Xã hội chủ nghĩa là ước mong của bao người cán bộ trong rừng. Gương mặt bà đẹp cùng phong cách quý phái, đôi lúc làm tôi yêu thêm con người Sài Gòn qua dáng dấp của bà. Rồi tôi hiểu thêm về một bà mẹ : Một mình nuôi 5 con lớn bé ăn học tại Sài Gòn khi chồng đi tập kết, sau đó ông trở lại miền Nam và ở trong chiến khu, tham gia kháng chiến. Cứ mùa xuân đến bà lại lo chồng cùng đồng đội tham gia chiến dịch, hết cực Nam lại lên miền Tây về Củ Chi. Xuân qua đi có được tin tức của chồng về bà mới thở phào được đôi chút. Nỗi cơ cực nuôi con, ngóng chồng, bị Việt nam Cộng hòa theo dõi, gây áp lực lên người phụ nữ trong nội đô, vậy mà bà một mình chèo chống . Một khi các con lớn theo học trong các trường đại học Sài Gòn, ông bà muốn tìm cho con một con đường như người cha đang bước. Và thế là cả nhà theo con đường bí mật vào chiến khu, bà luôn tự hào về hai đứa con là nhà văn Lê Văn Thảo, Lê Văn Duy ( là tên người con trai lớn nhất, anh là kỹ sư mỏ, trên đường đi công tác tại Yên Bái, anh đã bị lũ quấn trôi . Thương tiếc anh trai, Lê Văn Hằng đã lấy bút danh là Lê Văn Duy ). Các anh các chị sau khi từ thành vào rừng đều tập trung làm việc và học tập tại trường Nguyễn Văn Trỗi của R, sau này có em vượt Trường Sơn ra Bắc học. Nhân một lá thư Lê Văn Thảo gửi cho nhà thơ Bảo Định Giang: “ Cháu có hai đứa em học ngoài đó, nếu có thể cháu có đồng nhuận bút nào hai chú lãnh giùm cho hai em cháu sài đỡ. Đó là Dương Văn Đạt (giáo viên) và Dương Cẩm Thúy (học sinh) trường Nguyễn Văn Trỗi”.Trong một trận càn lớn ( càn Đông Dương, 1970), người con gái lớn của ông bà là Dương Lệ Chi vừa tròn hai tư tuổi đang, đưa học sinh của trường Nguyễn Văn Trỗi chạy càn gần Công Bông Chàm( Căm phu chia). Đoàn đi vào khu rừng có rải cây nhiệt đới ( loại cây “thám báo”, để máy bay hoặc pháo bầy định vị có Việt cộng mà truy kích hay bắn pháo). Khi các em vừa đi tới đó thì pháo bầy bắn phá ào ạt, Dương Lệ Chi lấy thân mình che chắn cho học sinh, chị đã hy sinh. Mấy ngày hôm sau đoàn giáo dục và các nhà báo lên thì đã được bộ đội đang làm công tác tử sỹ, Dương Lệ Chi được chôn cất long trọng. Hôm sau mấy anh em trong nhà lên mộ, họ đã khắc lên cây hai chữ Lệ Chi. Ba mươi năm sau, gia đình cùng anh em giáo dục trở lại lên thăm mộ, chữ theo cây lớn cùng tên người là Lệ Chi. Gia đình và anh em đã lấy mảng vỏ cây đó mang về để trong nhà. Trong tên các con cái của ông bà lấy họ mẹ ( họ Lê) từ trong thành khi mà cha đi kháng chiến vùng xa xôi, nên bút danh hoặc một số giấy tờ khác, các anh chị vẫn giữ họ mẹ, còn họ cha là họ Dương . Ngày 21-11-1971, tôi được đưa đi mổ áp se, cắt bã đậu trong ổ và khâu 7 mũi ( lúc đó mổ không tiêm thuốc giảm đau và cả không kháng sinh, nên đau và máu chảy ra nhiều), khi về gường bà Năm Diêu ngồi đợi và để dành cho tôi một chiếc bánh bông lang bày trên đĩa. Chúng tôi thăm hỏi nhau đôi ba câu thì cả bệnh viện bỗng sôi sục việc chuyển bệnh nhân, dụng cụ y tế, kho lương, kho dược ra khỏi Khum Mít khi tin tình báo sắp rải thảm B52. Lúc này Sài Gòn- Gia Định ( đóng ở Chô) đang có cuộc họp Bình Dã, tổng kết lại những mặt được và không được của công tác nội đô do đồng chí Nguyễn Văn Linh chủ trì thì có mật báo trên. Các cơ quan của Thành ủy lũ lượt trên những chiếc xe trâu, xe hon đa chuyển vùng. Bà con Căm phu chia lớp lớp người ra đi cùng gió bụi, mang gia đình, lương thực, gà lợn, chó má trên các phương tiện xe trâu, xe bò xe kéo tay, đi bộ, họ cứ cắt cánh đồng đi về hướng Nam. Tôi là bệnh nhân mới mổ ở lại cũng dược sỹ Nguyễn Thị Dung, con gái phố bà triệu Hà Nội, và y tá Tuyết, Việt kiều Nam Vang cùng bảo vệ Ba Rận, người Long Xuyên. Hai vợ chồng ông bà Năm Diêu chạy sang phòng tôi, bà biết tôi phải ở lại, khi hai chiếc xe hon đa đang chờ sẵn chở ông bà vượt ra khỏi khu báo động đỏ nguy kịch, bà nắm tay tôi và rưng rưng nước mắt. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được dòng nước mắt của bà má miền Nam thương cảm cho một người con gái miền Bắc xa quê hương vào chịu trận cùng đồng bào miền Nam. Giọt nước mắt ấy đôi lúc trong ác liệt đã đồng hành cùng tôi nhiều năm ở Củ Chi. Bà nắm tay tôi, cầu cho ở lại bình yên, bàn tay bà miết mãi trên bàn tay non trẻ của tôi và bà nó với chồng
- Có cách nào đưa T đi cùng chúng ta!
- Cháu vừa mổ, cần chăm sóc của bệnh viện!
Và rồi xe đưa hai người đi, tôi ngồi nhìn con đường đầy cát bụi, lòng tôi trống trải sợ sệt, vì đây lần đầu tiên tôi nhìn thấy một không khí di chuyển về miền sống của cả đội hình dân cư và Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Để lại miền chết cho bốn chúng tôi cùng bệnh viện với cái khoảng không tĩnh lặng như miền đất đang dần đi tới vùng hủy diệt, không tiếng trẻ con khóc, không tiếng chó sủa, gà tục tác, không tiếng xe máy, không cả bóng khói chiều vương trên khum. Chúng tôi xuống hầm chờ các đợt B52 rải thảm cùng chiếc bánh bông lang của bà mẹ miền Nam để lại. Chiều và đêm ấy không có B52 rải thảm, chúng ngồi nghe thấy cả tiếng lá rơi, tiếng gió thổi, tiếng hơi thở của ba cô gái ở bên nhau. Hết ngày hôm sau các cơ quan, dân lại trở về, tôi được chăm sóc tuyệt đối của bác sỹ Sơn ( giám đốc bệnh viện) khi có lời gửi gắm của vợ chồng ông bà Năm Diêu. Tết đầu tiên xa nhà, tôi cũng được vợ chồng ông bà mời xuống ăn tết 1971-1972 tại Sở giáo dục Sài Gòn –Gia Định cùng anh em giáo viên miền Bắc: nhà giáo Đặng Khắc Minh, Nguyễn Thị Bích Lộc, Nguyễn Khắc Hiền, Trần Hùng, Nguyễn Đức Hùng,, Nguyễn Chí Thanh,, Nguyễn Xuân Các, Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Đức Tiến.... Đó là cái tết đầu tiên xa nhà, sống trên đất bạn, tôi được ăn một cái tết đầy đủ về vật chất: Bánh chưng, dưa hành, giò chả, chè Hồng Đào, thuốc lá Điện Biên và một cây nến cháy lung linh, với giây phút cùng trầm mặc, để nhớ về miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, đang gánh chịu bom đạn. Sau này về Sài Gòn, đôi khi đi chợ Tân Định, tôi vẫn gặp bà ngoài chợ, người mẹ ấy vẫn vui vẻ mời tôi lại nhà chơi với một niềm tin như những ngày còn trong chiến khu. Tôi hiểu người mẹ miền Nam vẫn là những con người chung thủy với với niềm tin yêu khi họ đã đặt lòng mình vào cái gì đó. Nhà văn Lê Văn Thảo, anh thừa hưởng một sự giáo dục của cha mẹ là như vậy. Các em của anh sau này người thì theo sự nghiệp điện ảnh, người là giaó sư, thày giáo, người thì học kinh tế, làm giám đốc một nhà máy bánh kẹo lớn của miền Nam. Họ, tất cả hình thành từ một gia đình trí thức theo cách mạng. Ngay từ những ngày cuối năm 1972-1973, Diệp Minh Tuyền cùng Lê Văn Thảo xuống chiến trường Sài Gòn - Gia Định ( ở chiến trường thường xuống đường trước tết, lúc đó là đầu mùa khô, chúng tôi gọi: Mùa của chiến dịch thường đi xuyên suốt mùa xuân cho tới giáp mùa mưa lại trở về “ nghỉ quân” là mùa viết của các nhà văn).Cái thói quen này hình như thường lặp đi lặp lại đối với Lê Văn Thảo. Trong những sáng tác của anh một số tác phẩm được viết vào tháng 5 như truỵện ngắn Bà Nội, còn đa số truỵện ngắn của anh ra đời vào tháng 7 giữa mùa mưa như: Đồng chí (7-1970), Đi thăm chồng (7- 1971), Kỷ niệm về người chiến sỹ (7-1971), Hai người lính (7- 1972),..Sau này các truyện ngắn anh thường viết vào mùa mưa ngay cả sau ngày hòa bình: Chiếc xe đạp (7-1993), Tìm chồng cho má ( 7-1996), Người đàn bà khóc ( 9-1994), con mèo (9-1996), Một ngày đẹp trời (9-1996). Nó gần như thành thông lệ, mùa mưa Lê Văn Thảo dành thời gian viết văn xuôi, mùa xuân, mùa của đi thực tế để viết, mùa tặng bạn đọc những tác phẩm đã viết của mình. Tôi được gặp và trọng hai anh vì dẫu sao cũng là lớp đàn anh, lại là người đã có các tác phẩm in nhiều trên báo, đài miền Bắc. Đã nghe đài đọc truyện ngắn Đêm Tháp Mười của Lê Văn Thảo ( viết 1969) trên đất Bắc: Đứa con ba tuổi bị cột vào xuồng cho người mẹ chở cán bộ đi công tác. Người cha chuẩn bị cho cuộc nổi dậy khi xuồng anh đầy súng và lựu đạn làm cho bao bạn đọc miền Bắc rưng rưng trước sự hy sinh của đồng bào Đồng Tháp Mười. Có được những truỵện ngắn như trên, Lê Văn Thảo đã từng là sinh viên năm thứ ba Đại học Sài Gòn rồi vào R, đi làm rẫy, xuống chiến trường để viết. Đầu tháng 5-1968, lúc đó đang là mùa xuân, Lê Văn Thảo cùng Lê Anh Xuân, Hồng Tân là những nhà văn trẻ xuống chiến trường vào chiến dịch Mậu Thân chuẩn bị đánh Sài Gòn đợt hai. Các anh bị giặc càn ở huyện Cần Đước, ngày 24-5, hôm đó Lê Anh Xuân , Hồng Tân hy sinh, Lê Văn Thảo là người ở lại chôn cất hai anh và đánh dấu lại để đồng đội ghi nhớ. Đó là mùa xuân đáng nhớ nhất trong cuộc đời của anh khi phải mai táng Lê Anh Xuân (nhà thơ), Hồng Tân ( nhà phê bình), các anh đi một mũi từ huyện Cần Đước- Long An chuẩn bị tấn công vào Sài Gòn. Trên cánh đồng đầy nước xình lầy và cỏ lác, hầm bí mật của họ là những chiếc lu lớn. Sau này mỗi lần nhắc đến hai anh, Lê Văn Thảo thường kể cho chúng tôi nghe với cái giọng đầy súc động. Những truyện ngắn của anh được đánh đổi bằng lòng đam mê đi và viết, chiến trường và cây bút là lẽ sống của các nhà văn thời đó. Sức lan tỏa của tryện ngắn đôi lúc không phải là sự hành văn bóng bẩy, mà là ở sự mộc mạc của ngôn ngữ, bên cạnh là cách dẫn truyện tự nhiên. Trong truyện ngắn Con mèo ( 9-1996) ngắn gọn, chỉ có hai nhân vật là cha và con, “tôi” là cha thích chó, con thích mèo và một lần cha vứt hai con mèo con ra đường và sau đó là cuộc đối thoại giữa cha và con về con mèo ngủ ở đâu, ăn ở đâu. Đôi lúc đi qua chỗ vứt bỏ con mèo “tôi” lại day dứt vì không biết chúng sống ra sao. Và hàng năm qua đi, nhưng chuyện con mèo bị bỏ rơi vẫn vang vọng lại trong tâm thức hai cha con. Gữa thời buổi đồng tiền ngự trị nhiều việc đến bất thường, chuyện Con mèo nhắc chúng ta lòng nhân ái, nếu không có nhân ái thì cuộc đời này chẳng còn gì để đáng nhớ. Đọc xong truyện Con mèo, chúng ta thấy sự ảnh hưởng lòng nhân ái của người mẹ đối với Lê Văn Thảo quả là lớn, và lòng nhân ái ấy sẽ được truyền sang cả người con trai yêu mèo, lo cho cuộc sống của mèo ra sao? khi chú mèo bị đẩy ra khỏi nhà. Truyện ngắn của Lê Văn Thảo trong cách hành văn tưởng đơn giản nhưng đầy tính ẩn dụ. Mỗi câu chữ thường có ảnh có ý có hình trong đó mà người đọc, đọc văn anh không cần mất công chắt lọc mới tìm thấy, đó là mặt mạnh làm nên truyện ngắn của Lê Văn Thảo. Anh cũng thành công nhiều ở lĩnh vưc tiểu thuyết . Cơn giông ( in lần đầu 2001) là tập tiểu thuyết được nhiều giải và cũng là ánh gương “lóng lánh” trong sự nghiệp sáng tác tiểu thuyết của Lê Văn Thảo. Từ một cậu bé quê nghèo Cà Mau, cậu bé Bằng được cách mạng soi dọi nhân ngày 30-4-1975, cậu bé ấy vào đời với một sự hồn nhiên, nhưng cũng là cơn giông cuộc đời ập đến: Lấy vợ bằng một sự thỏa thuận của những người khác, cũng những người khác đưa anh vào tù, vợ ly hôn, anh dùng tiền còn lại của vợ chồng mua chiếc ghe chạy trên sông Ông Trang. Nhân chở toán công an đi làm việc, người trưởng công an bị bắn chết, anh bị nghi án, lại vào tù, đánh một cô gái ăn cắp tiền của anh, tăng thêm hình phạt tù. Dẫu bị giông tố của thiên nhiên lẫn cuộc đời dội xuống, nhưng không nhấn chìm sức sống và lòng nhân ái của con người này, anh quan tâm đến ông già trăm tuổi từng vớt xác người trôi dạt trên sông. Những ông như ông Sáu Thiên về hưu vẫn lo chạy giấy tờ chứng nhận là người có công với với kháng chiến cho những bà con nghèo khổ. Đứa con riêng của vợ anh vẫn thương nhớ anh, con nuôi của bạn tù bị kiến cắn mù mắt, trước khi mất nhờ anh nuôi dùm và chữa mắt cho cháu, hai đứa trẻ song sinh, con một lái ghe chỉ biết trông đợi vào anh với hai trẻ nhỏ và một con chó... “Đời anh chỉ còn hai nơi, chiếc ghe và trại cải tạo, không còn chỗ nào khác để trở về” nhưng cuối cùng “anh đã có chỗ để yêu thương là hai đứa con gái, chỗ để trở về là trại tôm”( trích trong tiểu thuyết Cơn giông).Trong bối cảnh đời của nhân vật chỉ toàn lừa lọc, đâm chém, du côn, gái điếm, tù tội, đói khổ, bệnh tật chết chóc... vẫn còn một ánh sáng diệu kỳ được phát sáng sau bão giông của cuộc đời, của thiên nhiên. Ánh sáng nhân bản ấy làm nơi neo đậu mọi con người tạo nên một cuộc sống với vũ điệu riêng của nó. Qua tác phẩm nó cho chúng ta nhìn cuộc đời không chỉ toàn là đẹp, nhưng cũng không chỉ là xấu. Mấu chốt cơ bản của con người là phải luôn phấn đấu vươn lên trong mọi hoàn cảnh để chúng ta có một xã hội lương thiện. Mặt mạnh của tiểu thuyết này là anh rất am hiểu về sinh hoạt, tính cách của mỗi nhân vật ở phương Nam, cùng phong thái con người với cảnh quan, ngôn ngữ, tập tục, tín ngưỡng , tất cả làm nên một tiểu thuyết có sức nặng ký. Trong một đánh giá mới đây của nhà văn Hoài Anh: “ Lê Văn Thảo- người “nói thơ” bằng văn xuôi Nam Bộ (12-2006). Tôi rất đồng tình với đánh giá của ông, nhưng cũng muốn nói rõ thêm, trong truyện ngắn cũng như tiểu thuyết, nhà văn Lê Văn Thảo có hai đỉnh cao: Ông cá Hô (truyện ngắn, 1990), Cơn giông( tiểu thuyết, Giải B của Hội Nhà văn Việt Nam ( 2003), giải thưởng văn học Đông Nam Á ( 2006) 2001-2005). Chúng ta đọc thấy anh sử dụng ngôn ngữ Nam Bộ tự nhiên và ngắn gọn, nhất là lời thoại. Nhà văn không ý thức “nói thơ” bằng văn xuôi Nam Bộ, nhưng do dùng từ chuẩn xác trong thoại cũng như lời dẫn truyện cùng văn miêu tả, nên chúng ta tìm thấy chất thơ trong văn xuôi Nam bộ của anh. Hay như tôi đã nói trên: “ Mỗi câu chữ thường có ảnh, có ý, có hình trong đó” nên nó lấp lánh như bài dân ca Nam Bộ. Tôi mượn câu này làm lời kết cho bài viết, cũng là đánh gia chất văn của Lê Văn Thảo.

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *