Tìm tòi thể nghiệm

6/11
9:47 AM 2016

HƯỚNG TỚI MỘT THỊ TRƯỜNG BÌNH ĐẲNG CHO CÁC LOẠI HÌNH VĂN HỌC- PHỎNG VẤN PGS.TS NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP

Vừa qua Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề: Thị trường văn học và Văn học thị trường: Lí luận và thực tiễn.

                                                         PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp

Có thể thấy rằng, diễn đàn này đã đặt ra những mối quan tâm của cộng đồng về văn chương Việt Nam trong cơ chế thị trường, về thị trường văn học, văn học mạng. Tại Hội thảo, những khả năng và thách thức, những thế mạnh và hạn chế, những động thái của tương lai từ thị trường văn học và văn học thị trường đã được khơi gợi, phân tích và nhìn nhận một cách thoả đáng, để lại nhiều dư âm. PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học đã trả lời phỏng vấn về các vấn đề xung quanh Hội thảo này.
 
PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, với tư cách là Viện trưởng Viện Văn học, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo Thị trường văn học và Văn học thị trường: Lí luận và thực tiễn, xin ông cho biết mục đích của hội thảo quy mô này là gì?
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp: Văn học Việt Nam đương đại đang hình thành một thị trường văn học sôi động và phức tạp, đòi hỏi giới nghiên cứu cần có những phân tích, lí giải một cách khách quan, khoa học cả trên phương diện thực tiễn và li luận. Trước đây, vào năm 2008 Hội đồng Lí luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội thảo Văn học, nghệ thuật trong cơ chế thị trường và năm 2009, Viện Văn học cũng đã thực hiện một đề tài cấp Bộ mang tên Tác động của kinh tế thị trường đến văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Năm 2016, nhân dịp tổng kết 30 năm đổi mới văn học, chúng tôi muốn tiếp tục đưa ra cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn nhằm phân tích, đánh giá tình hình phát triển thị trường văn học và văn học thị trường. Đây là li do chính để Viện Văn học tổ chức Hội thảo khoa học này.

PV: Vâng! Và tôi hình dung rằng, Hội thảo sẽ tập trung vào những vấn đề quan trọng cả ở phương diện lí luận và thực tiễn của Thị trường văn học và Văn học thị trường. Thị trường văn học có thể được hiểu là không gian văn học đương đại từ góc nhìn có tính thương mại, còn Văn học thị trường là một bộ phận, một dòng, một loại hình văn học? Nhân đây xin ông nói rõ hơn về chủ điểm của Hội thảo lần này?
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp: Anh hiểu như thế cũng không sai, nhưng theo tôi còn khá sơ giản. Thực ra, nếu thị trường văn học đã là một thực tế thì cái gọi là “văn học thị trường” mà hội thảo đề cập đến về bản chất vẫn là một quy ước/ tên gọi quen thuộc chứ chưa phải là một khái niệm khoa học chặt chẽ. Về đại thể, trong cái nhìn của nhiều người, nó được hiểu như là văn học trong cơ chế thị trường, văn học giải trí, văn học thương mại hay có khi được hiểu là văn học đại chúng, văn học bình dân… Trên thế giới, văn học đại chúng (mass literature) là một thuật ngữ đã được thừa nhận, được bàn luận nhiều, và được hiểu như là một bộ phận của văn hóa đại chúng (popular culture). Văn học đại chúng có cơ sở lịch sử, văn hóa, xã hội và nền tảng triết học của nó. Hiện nay, Viện Văn học đang tiến hành một đề tài cấp Bộ về văn học đại chúng ở Việt Nam do tôi chủ trì. Trong khi chúng ta đang chờ đợi những nghiên cứu sâu về văn học đại chúng thì việc tìm hiểu, thảo luận về cái gọi là văn học thị trường như cách hiểu của nhiều người, thiết nghĩ là công việc cần thiết, có ý nghĩa thời sự. Xuất phát từ định hướng như thế, hội thảo tập trung vào những nội dung chính như sau: Thứ nhất, tìm hiểu những vấn đề li luận chung về văn học thị trường, quan niệm văn học thị trường, mối quan hệ tương tác giữa văn học và thị trường; văn học thị trường với văn học đại chúng, văn học mạng, văn học giải trí; tương quan giữa văn học thị trường với văn học đặc tuyển. Thứ hai, quá trình hình thành và phát triển thị trường văn học ở các nền văn học trên thế giới; tác động của kinh tế thị trường đến đời sống văn chương; những biến chuyển của đời sống văn hóa và văn học Việt Nam trong cơ chế thị trường. Thứ ba, đánh giá thực trạng và các xu hướng phát triển của văn học thị trường ở Việt Nam, vấn đề chất lượng và giá trị của các tác phẩm, vấn đề thị hiếu và nhu cầu của người đọc đối với văn học thị trường. Thứ tư, những khả năng và hạn chế của văn học thị trường nói riêng và văn học nói chung trong nền kinh tế thị trường, những thách thức đối với nhà quản lí, giới sáng tác và phê bình. Thứ năm, giải pháp phát triển văn học Việt Nam trong kinh tế thị trường, những cơ chế, chính sách đối với thị trường văn học và văn học thị trường. Nhiều vấn đề khác cũng đã được nêu lên, được trao đổi ngay tại diễn đàn. Chẳng hạn, vấn đề tiếp nhận tác phẩm ngôn tình ở Việt Nam, văn học mạng, sự đối sánh thị trường văn học Việt Nam với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga,… những vấn đề thuộc về chiến lược tự sự, tự sự đa phương tiện, các giới hạn của thực tiễn sáng tác văn học đương đại, vấn đề kinh tế học trong kinh doanh hàng hoá văn học,… Tôi nghĩ, hội thảo đã thực sự có được những luận bàn hữu ích về vấn đề chúng ta đang nói đến: thị trường văn học và văn học thị trường.   

PV: Cảm ơn ông đã nhắc lại một cách chi tiết những chủ điểm của Hội thảo. Trong tư cách là một nhà nghiên cứu, xin ông cho biết quan điểm của mình về Thị trường văn học và Văn học thị trường?
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp: Thực ra, trong bản chất, khái niệm – thuật ngữ Thị trường văn học chính là không gian thương mại của văn học (như anh nói), đặt văn học trong bối cảnh kinh tế thị trường, xem văn học như là một hàng hoá, một sản phẩm có tính thương mại. Với cách hiểu như thế, chúng ta phải tham chiếu tất cả các thành tố tham gia vào chuỗi vận động của mặt hàng này. Phải kể đến xuất bản, phân phối, các lực lượng và dịch vụ trung gian, cơ chế, chính sách, luật xuất bản, thiết chế văn hoá, lịch sử, quốc gia, thời đại, thị hiếu của độc giả,… Nghĩa là, bất cứ thành tố nào có liên quan đến sự vận hành của chuỗi cung - cầu mặt hàng văn học đều trở thành đối tượng của các nghiên cứu tại hội thảo này. Còn khái niệm Văn học thị trường như tôi đã nói ở trên, chưa phải là một thuật ngữ khoa học chặt chẽ. Nhưng chúng ta có thể sử dụng nó để định danh (một cách tương đối) về một khuynh hướng văn học, một bộ phận văn học đã và đang hình thành ngày càng mạnh mẽ trong đời sống văn học đương đại. Văn học thị trường, hiểu một cách ngắn gọn là văn học hướng đến những lợi ích thương mại, đặt lợi ích thương mại và chức năng giải trí làm tiêu chí hàng đầu. Nhưng, cũng ngay tại Hội thảo lần này, một số nhà nghiên cứu, nhà quản li kinh doanh sách văn học cho rằng, văn học hiện đại đương nhiên là văn học thị trường. Một số nhà nghiên cứu trung đại còn chỉ ra rằng, văn học trung đại cũng có những loại hình tác phẩm được buôn bán, không chỉ là biếu tặng hay thù tạc. Mặt khác, sau nhiều tranh luận, giới nghiên cứu đã nhận thấy, dù tinh tuyển hay thị trường (tạm định danh như thế) một khi trở thành hàng hóa, được đem ra để mua bán thì đều phải tính đến cái “lợi”, và “lợi” sẽ trở thành yếu tố quy định và điều tiết thị trường văn học. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải xây dựng được một cơ chế thị trường với đúng nghĩa là thị trường. Chỉ đến lúc đó, văn học mới đủ điều kiện phát triển đa dạng và hình thành sân chơi bình đẳng cho các loại hình văn học, và bản thân thị trường văn học cũng sẽ bình đẳng với các thị trường khác. Tất nhiên, ở đây chúng ta chưa bàn đến loại sách do nhà nước đặt hàng vì mục tiêu coi trọng hiệu quả xã hội hơn so với hiệu quả kinh tế.
 
PV: Dường như, khi vạch ra những chủ điểm này cũng như chính tên gọi của Hội thảo, ban tổ chức đã có một chút hình dung về sự đối lập giữa văn học thị trường và văn học đặc tuyển. Chúng ta có thể nói về một thị trường văn học đặc tuyển, về giá trị thương mại của văn học đặc tuyển không, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp: Ồ, một câu hỏi khá lí thú. Tôi tin rằng, anh đã suy nghĩ nhiều trước khi đặt ra câu hỏi này. Chúng ta buộc phải chấp nhận tính tương đối của khái niệm, thuật ngữ. Rõ ràng, giữa khái niệm, thuật ngữ và thực tiễn luôn thường trực những vênh lệch nhất định. Văn học đặc tuyển hiểu như là những tác phẩm tinh hoa, hàm chứa giá trị nghệ thuật cao, nhưng, như đã nói, rất có thể lại trở thành một thứ mặt hàng ế ẩm, ít lợi nhuận, doanh thu kém,… Dù như thế, vẫn có thể nói về sự tồn tại của thị trường văn học đặc tuyển được, nhưng có lẽ đó là câu chuyện không mấy sáng sủa, nhất là với những nhà kinh doanh ở nước ta hiện nay. Ở đây, vấn đề không đơn giản chỉ là lợi nhuận kinh tế hay những làn sóng văn chương có tính thời vụ. Những tác phẩm văn học đặc tuyển, có thể nhất thời chưa có được sự quan tâm thoả đáng từ cộng đồng, nhưng đó lại chính là tài sản – di sản mà chúng ta có để nói về tương lai của văn học. Tôi tin rằng, những tác phẩm kinh điển, những tác phẩm có giá trị sẽ tồn tại lâu dài với lịch sử nhân loại, dù lúc này, lúc khác, trong những tình huống khác nhau nó bị sao nhãng, ít được quan tâm và không phải là thứ hàng hoá ăn khách. Thế nhưng, trong tư cách là một người quản li Công ti văn hoá truyền thông Nhã Nam, anh Nguyễn Nhật Anh lại chia sẻ tại diễn đàn rằng, đối với xuất bản thế giới, đa phần những tác phẩm kinh điển đều là những tác phẩm bán chạy, trừ tác phẩm của F. Kafka. Từ quan sát của mình tôi nhận thấy, đối với những nhà xuất bản lừng danh thế giới, bản thân tác phẩm kinh điển đã là một thứ hàng hoá đảm bảo cho chiến lược kinh doanh của họ. Vì thương hiệu của sản phẩm chắc chắn sẽ gắn liền với thương hiệu mà nhà xuất bản hướng tới. Tôi chỉ muốn lưu ý thêm một điều, không vì sự yếu kém của văn học mà chúng ta đổ lỗi cho thị trường. Thị trường, cũng như bất cứ phương diện nào của đời sống, đều có mặt phải (tích cực) và mặt trái (tiêu cực). Vấn đề là chúng ta phải biết thích ứng với mặt tích cực và tránh được mặt tiêu cực. Việt Nam mới làm quen với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, còn ở các quốc gia phát triển, khi kinh tế thị trường đã xuất hiện vài ba trăm năm, tại sao văn học của họ vẫn xuất hiện nhiều tác phẩm văn học tinh hoa, nhiều văn tài đoạt giải Nobel? Tôi nghĩ, đây mới là điều chúng ta phải tìm cách li giải một cách thẳng thắn và cởi mở. 

PV: Khi tìm hiểu về vấn đề văn học thị trường, tôi luôn cảm thấy ở đó ẩn chứa một sự kì thị hay xem thường từ phía chủ thể đánh giá. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp: Sự kì thị hay xem thường văn học thị trường một phần xuất phát từ tâm lí “trọng nông ức thương”, thái độ kì thị buôn bán ở xứ ta (Sĩ – Nông – Công – Thương), coi những người làm thương nghiệp là kẻ “gian”, chuyên lừa lọc… Tôi cho rằng như thế là không công bằng, không khách quan, nhất là khi chúng ta xem đó là đối tượng nghiên cứu. Hơn nữa, chữ “tín” cũng luôn được đề cao trong làm ăn buôn bán kia mà. Cái cách mà những người nghiên cứu có thái độ xem thường văn học thị trường cũng không khác gì các nhà kinh doanh, nhà buôn khi họ nhận ra nguy cơ thua lỗ từ việc kinh doanh dòng văn học tinh hoa, đặc tuyển (hay như anh Nguyễn Nhật Anh đã nói, xuất bản nghiêm túc khá thiếu hi vọng đối với các nhà xuất bản). Vấn đề ở đây chính là các đối tượng đó được nhìn nhận, đánh giá từ góc độ nào, hướng đến mục đích gì? Anh thấy đấy, nếu xem xét từ góc độ doanh thu, những tác phẩm văn học mà ta tạm gọi là văn học thị trường đang ăn đứt dòng văn học đặc tuyển. Nhưng, vấn đề là chắc gì những tác phẩm có doanh thu lớn, số lượng in nhiều hiện nay đã tồn tại lâu trong lòng công chúng. Nghĩ đến điều này, tôi chợt nhớ đến sự hóm hỉnh của Albert Einstein: “Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, con cá đó sẽ dành cả cuộc đời còn lại để tin rằng nó là một đứa ngu đần”.

PV: Xin ông chia sẻ thêm một chút về tương quan giữa thị trường văn học, văn học thị trường và những chuyển biến của đời sống văn hoá, xã hội Việt Nam trong cơ chế thị trường?Phải chăng văn học thị trường là khái niệm hướng tới sáng tác của các tác giả trẻ? Nhân Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX sắp diễn ra, ông đánh giá như thế nào về văn học trẻ và thị trường văn học Việt Nam?
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp: Như chúng ta biết, sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước tiến hành đổi mới, xã hội Việt Nam có nhiều chuyển biến, đặc biệt là quá trình hình thành cơ chế thị trường, sự phát triển của các thành phần kinh tế - văn hoá - xã hội,… tuy nhiên, có thể thấy, cơ chế thị trường chính là yếu tố quan trọng nhất tác động đến sự chuyển hoá của đời sống xã hội Việt Nam. Cũng từ đó, thị trường văn học, văn học thị trường xuất hiện và phát triển mạnh mẽ. Dĩ nhiên, không phải đến bây giờ chúng ta mới có văn học thị trường hay thị trường văn học. Chắc anh còn nhớ, từ đầu thế k? XX, cụ Tản Đà đã từng than vãn: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo!”… Song, phải đến cái thời chúng ta đang sống hiện nay, văn học mới thực sự chịu sự chi phối mạnh mẽ của cơ chế thị trường và buộc phải tuân thủ những yêu cầu “tàn nhẫn” của thị trường. Hãy điểm qua một vài ví dụ: thơ ế ẩm, tác phẩm kinh điển - tinh hoa rất ít người đọc, trong khi ngôn tình, đam mĩ, truyện teen, văn học mạng phát triển rầm rộ,… Nhìn vào sự nhân bản các ấn phẩm của Trang Hạ, Trần Thu Trang, Keng, Gào, Kawi Hồng Phương, Hồng Sakura, Di Li, Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Ngọc Thạch, Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao,… chúng ta mới thấy rõ tác động to lớn của kinh tế thị trường, của truyền thông đối với văn chương đương đại như thế nào. Thực trạng đó góp phần li giải vì sao chúng ta phải tiếp tục thảo luận về văn học thị trường và thị trường văn học.
Thực ra cái gọi văn học thị trường không chỉ dành cho các cây bút trẻ, vì những ai đề cao yếu tố thương mại, giải trí đều nhận thấy họ trong dòng mạch văn học này. Nhưng đúng là lớp trẻ chiếm tỉ lệ áp đảo. Điều đó không có gì lạ vì những tác giả trẻ có điều kiện hơn thế hệ đi trước về phương diện truyền thông, công nghệ. Bây giờ, người trẻ viết văn luôn đi cùng với việc quảng bá, giới thiệu, đăng tải, phát hành trên mạng Internet. Độc giả biết đến những tác giả trẻ qua môi trường Internet trước khi xuất hiện trên sách giấy. Tôi nghĩ rằng, đó là đặc thù của thế hệ, của thời đại. Tuy nhiên, không nên vơ đũa cả nắm vì tôi biết có những cây bút trẻ không hẳn thiên về câu khách, đáp ứng thị hiếu của công chúng mà họ có ý thức đột phá, từng bước khẳng định bản lĩnh sáng tạo của mình. Đó là con đường hướng tới các giá trị tinh hoa. Mà sao phải lo lắng nhỉ? Sáng tạo tinh hoa mà thu được nhiều tiền vẫn thích hơn là tinh hoa mà ít tiền chứ! 

PV: Quả thực, số lượng ấn bản cùng với số lượng sách được bán ra của các tác giả vừa nêu là con số đáng thèm muốn của tất cả các nhà văn, kể cả các nhà văn danh tiếng ở Việt Nam. Nếu xét từ góc độ doanh thu, rõ ràng các tác giả, tác phẩm này đã rất thành công. Nhưng, từ góc độ giá trị nghệ thuật thì sao? Ông có thể bình luận thêm đôi chút được không?
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp: Như câu hỏi mà anh đặt ra, có thể thấy rằng, từ những góc độ khác nhau chúng ta sẽ thu được những kết quả khác nhau về cùng một đối tượng. Theo quan sát của cá nhân tôi (và chắc nhiều người cũng nhận thấy), chất lượng nghệ thuật của văn học thị trường chưa cao. Xu hướng chủ yếu vẫn là khai thác những câu chuyện đời sống tương đối dễ dãi, chạy theo thị hiếu công chúng, nhất là tâm li giới trẻ. Song, nhân nói về các nhà văn trẻ, tôi nghĩ, chúng ta đang có một thế hệ 8X, 9X thực tài và năng động. Họ đem đến cho văn học nhiều hi vọng. Tôi muốn nói đến những gương mặt Vi Thuỳ Linh, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Linh Lê, Nguyễn Phong Việt, Trần Việt Anh,… Tất nhiên, tôi không dám chắc tất cả sẽ thành công, tất cả đều là giá trị, nhưng ít ra, trong thị trường văn học hiện nay, người ta có thể hài lòng bỏ tiền mua tác phẩm của họ.

PV: Giá trị nghệ thuật chưa cao, nhưng độc giả lại thích và có lượng phát hành lớn, doanh thu cao,… Ông lí giải điều này thế nào?
PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp: Đó chính là hình ảnh và mặt trái của cơ chế thị trường. Trong cơ chế này, chất lượng nghệ thuật chưa hẳn là nhân tố trọng tâm, là nguyên nhân quyết định sự thành công của một sản phẩm hay một thương vụ. Từ góc độ một người nghiên cứu, tôi cho rằng, sự phát triển của văn học thị trường phải được xem như là một chiến lược tạo dựng giá trị, tạo dựng thương hiệu, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Như thế, văn học là hàng hoá, sản phẩm trong chuỗi cung - cầu, đáp ứng lợi ích cho các bên tham gia. Một vấn đề nữa, ở ngay trong chuỗi cung - cầu này cần phải đặc biệt chú ý đến nhu cầu, thị hiếu của người đọc - khách hàng. Trong nền kinh tế thị trường, trong đời sống hiện đại với nhiều áp lực, không nhiều người đọc có nhu cầu tiếp cận các tác phẩm kinh điển với những mã thẩm mĩ cao siêu, phức tạp, họ cần một thứ gì đó để có thể thư giãn, tiêu khiển, giảm áp lực công việc, nhanh, ngắn gọn,… Nhạc thị trường, văn học thị trường, các hình thức giải trí có phần dễ dãi xuất hiện từ/trong những đòi hỏi như thế.

PV: Vậy, theo ông, thế mạnh và hạn chế của văn học thị trường là gì?
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp: Từ quan sát của bản thân, tôi nhận thấy văn học thị trường có thế mạnh ở truyền thông, gắn với truyền thông, là sản phẩm của truyền thông. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, bộ phận văn học này đang tiếp cận công chúng một cách rộng rãi hơn, bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Dòng văn học này cũng đem lại lợi nhuận cho các bên tham gia,… Còn về hạn chế, có lẽ hạn chế lớn nhất của văn học thị trường chính là chất lượng nghệ thuật. Từ câu chuyện của văn học thị trường, nhìn rộng ra đời sống văn học và văn hóa, có thể khẳng định, không chỉ văn học thị trường mới tuân thủ cơ chế này mà tất cả buộc phải vận hành trong cỗ máy khổng lồ cơ chế thị trường. Về đại thể, có thể nói thế mạnh của văn học thị trường là hạn chế của văn học tinh hoa và ngược lại.

PV: Xin ông cho biết những thách thức đối với nhà quản lí, giới sáng tác và nghiên cứu, phê bình trước thực trạng của thị trường văn học và văn học thị trường ở Việt Nam?
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp: Việc quản li văn nghệ tất nhiên phải căn cứ vào các quy định của pháp luật, chủ trương, chính sách phát triển văn hóa văn nghệ của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, điều cần nói là các nhà quản li không nên rơi vào tình trạng cứng nhắc, máy móc mà cần linh hoạt, hỗ trợ và tạo dựng một không gian tinh thần lành mạnh, khuyến khích nhà văn, nghệ sĩ sáng tạo. Hơn ai hết, người làm công tác quản lí văn học cần ý thức rõ cơ chế thị trường và quy luật của nghệ thuật, của các hình thái tinh thần, thẩm mĩ,… Đối với người sáng tác, tôi nghĩ, cần nâng cao hơn nữa ý thức nghề nghiệp, ý thức công dân, bản lĩnh trí thức, khát vọng cống hiến… Có lẽ, mô hình phát triển hài hoà giữa tính thị trường và tính nghệ thuật sẽ là một thách thức, đồng thời là một hướng đi thoả đáng cho văn học trong cơ chế thị trường. Đối với người làm nghiên cứu, phê bình, cần bám sát hơn nữa đời sống văn học, kịp thời đánh giá, thẩm định các tác phẩm, hiện tượng văn học. Nhà nghiên cứu, phê bình phải thực sự trở thành lực lượng thẩm định tinh tường, định hướng thẩm mĩ cho công chúng. Không những thế, chính lực lượng nghiên cứu, phê bình còn tạo cảm hứng, tác động ngược trở lại đối với người sáng tác, người quản li văn hoá, văn nghệ. Tất cả những vấn đề này vừa là thách thức, vừa mở ra những không gian phát triển mới, bảo đảm cho sự phát triển đa dạng của văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.

PV: Vâng! Hi vọng thời gian tới, trong đời sống văn học của chúng ta sẽ có những tác phẩm đặc tuyển với số lượng phát hành cao để hướng tới một thị trường bình đẳng cho các loại hình văn học và ở đó có sự hài hòa giữa tính thị trường và tính nghệ thuật. Xin cám ơn PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp về cuộc trò chuyện!
 
 (Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Quân đội)

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *