Thời sự văn học nghệ thuật

5/12
8:55 PM 2019

HỘI THẢO KHOA HỌC TOÀN QUỐC VỀ VAI TRÒ ĐỊNH HƯỚNG CỦA PHÊ BÌNH VHNT

Sáng nay 5.12, tại Vĩnh Phúc, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc “Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay”. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã đến dự hội thảo.

Hơn 70 tham luận đã được gửi đến cùng với đó là sự góp mặt của 250 đại biểu. Trong đó, nhiều tham luận có chất lượng tốt, tập trung phân tích thấu đáo thực trạng và đề xuất, kiến nghị những giải pháp khả thi để tiếp tục phát triển lĩnh vực phê bình văn học, nghệ thuật trong thời gian tới. Kết quả của Hội thảo sẽ là tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ, cập nhật tri thức và thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; là cơ sở để lãnh đạo các cấp, các ngành liên quan đến văn học, nghệ thuật tham khảo, ứng dụng trong thực tiễn; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư vấn của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng khẳng định, phê bình là một lĩnh vực, một bộ môn có vai trò rất quan trọng trong sự vận động, phát triển của văn nghệ nói riêng và đời sống xã hội nói chung. Có thể xem phê bình văn học, nghệ thuật là “cánh chim song đôi”, là người bạn đồng hành để thấu hiểu, đồng cảm, góp phần điều chỉnh, định hướng sáng tác. Đồng thời, phê bình cũng là cầu nối giữa sáng tạo và tiếp nhận, tác động sâu sắc đến sự lựa chọn thẩm mỹ của công chúng văn nghệ.

“Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng công tác phê bình văn học, nghệ thuật thời gian qua, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, so với thực tiễn sáng tác rất sôi động, đa dạng, phong phú, thậm chí phức tạp hiện nay, phê bình đang tỏ ra trầm lắng, chưa phát huy hết vai trò và sức mạnh của mình Sự thiếu hụt về đội ngũ, nhất là ở các lĩnh vực nghệ thuật như Âm nhạc, Múa, Điện ảnh, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh,… diễn ra từ nhiều năm qua, đã được chỉ ra nhưng các giải pháp khắc phục chưa thực sự hiệu quả. Ở một số diễn đàn, đã xuất hiện không ít những bài viết cảm tính, thiếu cơ sở khoa học, khen chê dễ dãi, thậm chí chịu tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, không những không định hướng được sáng tác và tiếp nhận mà còn làm tăng nguy cơ loạn chuẩn, loạn giá trị trong đời sống văn nghệ”, đồng chí Võ Văn Thưởng nêu.

Nhận định về những khó khăn công tác phê bình đang gặp phải, hầu hết các tham luận đều cho rằng: Phê bình hiện nay không những thiếu mà còn yếu, chủ yếu chỉ dừng lại ở mức bình luận. Phê bình có tính va chạm nên nếu phê bình không đúng ý của tác giả hay dư luận cũng sẽ đều sinh ra vấn đề. Nghiêm trọng hơn, một số người làm phê bình hiện nay cứ chỉ quẩn quanh phê bình để… nịnh, quảng cáo hay tập trung phê phán kịch liệt những tiêu cực để dậy sóng dư luận. Việc cho ra đời những tác phẩm phê bình hướng độc giả đến những giá trị chân – thiện – mỹ đang dần ít đi và là bài toán khiến những người làm chuyên môn đau đầu...

Trước thực trạng đó, nhiều nhà phê bình đã đề xuất các giải pháp nhằm khuyến khích hoạt động phê bình. Theo đó, cần cụ thể hóa các tiêu chí liên quan đến chế độ, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu phê bình, chính sách đãi ngộ, đào tạo,vinh danh các giải thưởng cho các công trình phê bình có giá trị thật sự. Đồng thời, các chính sách về lý luận, phê bình văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung cần được hoạch định chiến lược, chính sách hoạt động sao cho phù hợp, xây dựng tiêu chí chấm điểm các công trình bài bản, xếp giải, khen thưởng cho các công trình nghiên cứu, phê bình…

TUYÊN HÓA

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *