THƠ, NHỮNG VẤN ĐỀ HÔM NAY
Nhà thơ Vũ Quần Phương
Còn việc khái quát bối cảnh ấy và đề xuất biện pháp giải quyết, đó cũng là đích đến của hội thảo này, xin được trông cậy vào trí tuệ của toàn thể các bạn ngồi đây. Cuộc hội thảo của chúng ta nằm trong khuôn khổ Ngày Thơ 2018, lãnh đạo Hội mong nghe nhiều ý kiến nên xin các bạn nói ngắn gọn, thiết thực. Một người có thể nói nhiều lần nên mỗi diễn giả chỉ nêu một vài vấn đề, nhường các bạn khác nói tiếp.
1- Từ tòng cổ đến nay, chưa bao giờ người mê thơ ở nước ta lại đông như bây giờ. Số người được tôn vinh là nhà thơ ước tính tới hàng chục vạn, tập trung trong các hội như Hội nhà văn của cả nước, của các tỉnh và đông hơn là trong các câu lạc bộ. Riêng câu lạc bộ thơ mang tên Việt Nam đã có tới một vạn thành viên. Lại còn trùng trùng lớp lớp các CLB cấp tỉnh thành, quận huyện, xã phường, tổ nhóm… rồi CLB thơ của các ngành nghề , các trường học, các lứa tuổi, các giới tính, các thể thơ... Các tập thơ được xuất bản nhiều chưa từng có. hàng năm, trong cả nước, dễ đến ba bốn nghìn tập. Thơ đã thành một thú chơi tinh thần tao nhã, rất đáng trân trọng và cổ vũ của toàn xã hội. Đã có yêu cầu xin quốc hội tự phong nước ta là Thi quốc và phong thơ lục bát, thể thơ làm nên Truyện Kiều và được nhiều nhà thơ trong các CLB ưa dùng là Quốc thi. Mặt khác, thể thơ nhiều niêm luật trói buộc của thơ Đường, cũng được nhiều nhà thơ không chuyên hào hứng vận dụng. Cách đây hơn ba chục năm, khi chưa ban hành quốc sách Đổi mới, tôi đã kinh ngạc và thầm phục cụ Lạc Nam khi đến thăm lớp cụ hướng dẫn làm Thơ cổ truyền, trong đó có cả lục bát và Đường thi, ở phố Hàng Bè Hà Nội. Cụ Lạc Nam viết thành sách giáo trình, tôi đã vui mừng viết Lời giới thiệu. Nhưng gần đây khi thấy tuyển tập thơ của các nhà thơ không chuyên Việt Nam đương thời viết theo luật thơ Đường, lấy tên là Thắp sáng Đường thi ngụ ý người phương Bắc khai sinh thơ Đường huy hoàng là thế nhưng lại để nó tắt ngóm cả nghìn năm, nay nhờ phong trào CLB thơ nước ta mà Đường thi được thắp sáng trở lại, thì tôi lại thấy lo lo. Quả thật, rất khó để so sánh thơ luật Đường của chúng ta hôm nay với thơ Đường thời Lý Bạch, Đỗ Phủ...So thế cũng e thiên hạ nghĩ mình là người không sợ súng. Nhưng thôi, tôi không dám sa đà vào những tiểu tiết ấy. Điều muốn được xin ý kiến các bạn là việc cắt nghĩa nghịch lý này: Làm thơ đã thành niềm say mê của cả cộng đồng nhưng việc đọc thơ sao lại im ắng quá. Hầu hết các nhà xuất bản không đầu tư vào việc in thơ, bán thơ. Nhà thơ phải tự bỏ tiền in thơ, tự bán lấy thơ mà số đông là không biết bán và không bán được. Gửi hiệu sách, hiệu sách từ chối. Chỉ có đem tặng thì lại bị câu ca dân gian chắn lối: Gặp nhau tay bắt mặt mừng Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ. Các tiết mục hàì thường chọn nhà thơ làm nhân vật gây cười mà đặc trưng là ngớ ngẩn, túng tiền và ít tắm rửa. Sách giáo khoa trung học cũng tỏ ra lúng túng khi chọn thơ đương thời vào giảng dậy. Vậy thơ chúng ta đang đi lên hay đi xuống? Có người trả lời: thơ đang mở rộng nhưng càng rộng lại càng tầm thường. Cũng có người lạc quan với số lượng nhà thơ và khối lượng xuất bản phẩm. Còn người bi quan thì lắc đầu: thấp quá, thấp về cảm hứng, thấp cả về văn hóa. Bản thân tôi có lần được hỏi, chỉ dám viết chạy bút: thơ ta chưa thấy đi lên mà cũng không ai muốn tin nó xuống. Thơ đang đi ngang. Hôm nay khẩn thiết xin các bạn cho một lời đánh giá thiết thực để chúng ta xác định được thực chất của nền thơ chúng ta, phân định rạch ròi thành tựu và những gì cần phải vượt.
2- Về phê bình lý luận thơ. Chuyện này cũng nhiều lý thú. Các thày ở trường bồi dưỡng viết văn thường có nhận xét nghe vui, nhưng không biết có là thật không: Năm đầu vào học nhiều em chọn bộ môn thơ. Năm thứ hai một số chuyển sang văn xuôi. Năm cuối xem chừng gần hết cả lớp đều muốn trở thành nhà phê bình. Không biết có phải vì tâm lý ấy mà các nhà phê bình thơ và các bài phê bình thơ cứ phát triển đều đặn. Giọng điệu phê bình chung là biểu dương, ca ngợi, có khi ca ngợi đến hêt lời. Thi hữu thi huynh đôi bên đều vui chỉ có bạn đọc là hoang mang, rồi nghi ngờ, rồi tự bảo vệ mình là không đọc nữa. Thế là cả phê bình thơ lẫn thơ đều mất khách. Lỗi của bạn đọc, đúng là thiếu kiên nhẫn. Nhưng chúng ta, trong nghề, thì nên tiên trách kỷ. Vả lại mình không lo cho mình thì ai lo.
Liên quan đến chất lượng bình giá thơ ca còn là các giải thưởng thơ và chất lượng kết nạp hội viên thơ.
Chưa có thời kì nào văn học nghệ thuật nhiều giải thưởng như thời kỳ này. Thơ cũng vậy. Đủ các loại giải: giải hàng năm của Hội, giải định kỳ của nhà nước, giải theo tuổi nghề, theo địa phương, theo đề tài, theo các cuộc thi nhiều cấp bậc... Ai chưa được giải dù cả đời theo đuổi văn chương thì được giải công lao của sự kiên trì. Đấy là thiện ý của các nhà quản lý thi đua sản xuất văn chương: không muốn để sót một ai, cũng phù hợp với thời cuộc đang cơn mến yêu thành tích lại còn tăng cường đoàn kết, gắn bó cộng đồng nhưng cũng có tác dụng không mong muốn là sức hấp dẫn của văn chương được giải ngày càng hao hụt và sức thuyết phục của giải cũng mòn dần. Nguyên nhân không phải do nhiều giải mà là sự công bằng chính xác trong xét giải. Đã đến lúc phải tìm ra quy chế mới trong bình chọn, trong cấu tạo những ban giám khảo có tài năng nhận ra giá trị đích thực của thơ, tìm ra thơ hay để tặng giải và chỉ tặng giải cho thơ hay. Phẩm chất giám khảo tạo nên uy tín giải thưởng và ngược lại.
Về kêt nạp hội viên. Hôi ta qua 60 nắm phát triển, có khoảng một ngàn hội viên. Trong đợt kết nạp vừa qua sự thẩm định cũng đã chặt chẽ hơn. Tuy nhiên có tới ba chục năm nay nới rộng kết nạp, bây giờ muốn nâng tiêu chí chắc cũng cần thời gian. Chúng ta không vội được. Vội là làm mất công bằng. Điều băn khuăn ở đây là đừng bỏ sót những bạn viết hay. Tôi xin nêu vài trường hợp mà tôi được biết, ngẫu nhiên thôi, như bạn viết trẻ khiếm thi Việt Anh (Hà Nội) và vài cây bút viết đã lâu, nay đã vào tuổi hưu, lịch lãm chuyện đời, bút pháp khá chắc, như các anh Nguyễn Hạnh Hiếu (Thái Bình), Tân Quảng (Bắc Giang). Chưa phải ai được kết nạp cũng là đích đáng cả thì ai đích đáng nên sớm kết nạp họ. Đấy là nghĩa tình đồng nghiệp và là trách nhiêm rất khả thi.
Thẩm định có tác động nhiều nhất đến bạn đọc chính là thẩm định của biên tập viên các tòa báo, các nhà xuất bản, và cả trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cơ chế thị trường đòi hỏi các cơ sở xuất bản tăng khối lượng sản phẩm để tăng lợi nhuận. Điều đó quả có thúc đẩy khâu biên tập bao dung hơn với chất lượng tác phẩm. Đây cũng là nguyên nhân khá quan trọng làm thơ mất độc giả, báo chí mất bạn đọc. Luật pháp cấm ấn hành tác phẩm xấu chứ không cấm tác phẩm dở. Quyền viết dở là của mọi người chứ không thể dành riêng cho các nhà thơ nổi tiếng. Số tập thơ hay cố nhiên phải lọt thỏm và rất khó tìm trong đống ấn phẩm khổng lồ hàng ngàn tập mỗi năm kia là tất yếu. Không thể kêu gọi các doanh nhân giảm lợi nhuận để cứu nền thơ chúng ta. Nhưng kinh nghiêm về định giá sách văn chương của nhiều nước có thể giúp chúng ta tìm ra cơ chế thích hợp. Có điều quyền hạn hành chính cho việc này vượt qua chức năng Hội nhà văn VN.
3-Mối tương quan họat động thơ giữa hai cực đại chúng và nâng cao.
Về cực đại chúng. Như trên đã nói, từ quốc sách Đổi mới, số người làm thơ, in thơ, tham dự các sinh hoạt thơ tăng đột biến, Hội nhà văn VN đã cấy được một ngày hội văn chương vào hệ thống lễ hội truyền thống, được nhân dân cả nước chấp nhận từ 15 năm nay rồi. Đó là một thành tựu văn hóa, có tác động tốt trong xây dựng phẩm chất xã hội, nhân cách con người Đó cũng là những biểu hiện của nâng cao dân trí, của công tác cán bộ trong tiến trình xây dựng nhà nước cách mạng. Chúng ta trân trọng, tự hào nhưng cũng thấy ngay rằng đó mới là thành tựu bước đầu, còn lẫn vào đó những đích nhìn thiển cận, làm hụt đi những động lực bền vững làm nền tảng để xây dựng nền văn chương dân tộc phong phú và có tầm cao đúng như khát vọng của chúng ta. Chúng ta đã có được một màng lưới câu lạc bộ rộng lớn đến phát thèm như thế này đối với nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia giàu có. Nhưng chúng ta đã tìm ra phương cách hoạt động thỏa đáng cho nó chưa. Sao thơ làm ra nhiều, in nhiều mà lại không có người đọc kể cả ta, ta cũng ít đọc. Đọc cha ông, đọc người thiên hạ và đọc lẫn nhau. Không tự nguyện làm độc giả thì làm tác giả sao được. Thế nào là yêu tiếng Việt, thế nào là tình cảm dân tộc, thế nào là tư tưởng của cha ông. Không tìm vào đó, không làm giàu mình lên được, tiến sẽ chậm, rất chậm, có khi còn thui chột. Đọc, với chúng ta, không phải chỉ là thưởng thức, dù biết thưởng thức caí hay cái đẹp của thơ đã là một thành tựu, một hạnh phúc lớn lắm rồi. Mà đọc còn là khám phá. Hình như các anh các chị các bạn thân yêu, chúng ta khám phá còn ít quá, còn lười quá. Hôm nay đứng thưa với các anh các chị điều này tôi đã ở vào chặng tuổi biết quyến luyến với cuộc đời, biết thấm lặng hơn để nếm cái vị đời trên miệng, để nâng niu những nỗi đời đang có trên tay. Đừng sa đà vào những ồn ào danh hiệu, những óng ánh ngỡ là thơ mà rất không thơ. Đời người ngắn lắm, đời cho thơ càng ngắn hơn. Cứ rối lên với oản chuối, hương đèn, vàng mã thì còn đâu tĩnh tâm mà tìm đến Phật.
Về cực nâng cao. Mấy từ này có thể chưa nói hết ý về một phía hoạt động của nền thơ đang phát triển rộng rãi của chúng ta. Tôi muốn nói đến những tác giả tác phẩm có tính chuyên nghiệp, những thành tựu có sức đại diện cho tiến trình văn chương đất nước, những tên tuổi tiêu biểu cho những trào lưu, những khuynh hướng văn học làm nên văn học sử nước nhà. Chúng ta trân trọng với lao động sáng taọ của mọi người cầm bút. Nhưng đánh giá hoặc giới thiệu thành tựu văn chương của đất nước với bạn đọc thế giới chúng ta cần tìm tới những tác phẩm tác giả ở khu vực này. Tính chuyên nghiệp, tính hàn lâm của họ được quyết định chỉ do phẩm chất tác phẩm, không phải do các yếu tố thuộc tổ chức như lĩnh lương từ một cơ quan văn chương, hay là thành viên một hội đoàn nghệ thuật. Họ buộc phải là người dẫn đầu, phải tiên phong trong sáng tạo, phải đại diện cho dân tộc đóng góp vào văn chương nhân loại, làm nên văn chương nhân loại. Họ có thể là em bé tuổi lên mười từ một góc sân làng quê mà góp phần vào khoảng trời văn chương nhân loại. Họ có thể là một nhà chính trị chuyên nghiệp, thơ chỉ là hoạt động nghiệp dư trong lúc tội tù nhưng thơ họ lại thể hiện được khát vọng của dân nước họ, lên được khuôn mặt tinh thần của thời đại họ. Nhưng thường gặp hơn, họ là những người dành cả đời mình cho văn chương. Với thơ, thường được bắt đầu ngay từ tuổi trẻ, thành công thơ vốn dễ đến khi hồn người đang độ tươi non, dù rằng có khi thành tựu cao nhất lại thuộc về giai đoạn mắt đã thấy tám cõi, lòng đủ tích chứa chiêm nghiệm từ sách vở trăm đời và nóng hổi vơi vui buồn thế sự thời đang sống. Họ gắn với gốc rễ dân tộc nhưng phải đi trên hàng ngang cùng nhân loại. Không có nhân nhượng ở đây. Nhân nhượng là tự loại. Tôi nghĩ HỘI nhà văn VN có trách nhiệm chủ chốt trong công việc nặng nề và vinh dự này. Đánh giá thành tưụ của Hội là bắt đầu từ khâu này. Hội có trách nhiệm với mọi hình thái sáng tác văn chương, sinh hoạt văn chương, nhưng then chốt là nhiệm vụ này.
Hiện nay theo quan sát có tính cá nhân, tôi thấy ranh giới giữa hai cực sáng tác đại chúng và nâng cao đang mờ nhòe. Nhiều tác phẩm của người viết trong phong trào được công chúng thơ tìm đọc, trong khi không ít những tác giả là hội viên, thậm chí từng có bài viết hết lời khen ngợi, laị nằm ngoài sự quan tâm của bạn đọc. Chúng ta nhìn lại xem: chú bé Trần Đăng Khoa nổi tiếng ở tuổi nhi đồng, thơ Việt Phương, thơ Bút Tre hồi ấy, thơ Bảo Sinh bây giờ... được biết đến, được nhận ra vị riêng khi tác giả của nó chưa hoặc không là hội viên. Quả thật mấy vị đó, tôi biết, không có ý định tham gia Hội nhưng lại có ý chí dấn thân vào thơ. Ít năm nay có hiện tượng các người viết nghiệp dư, phần lớn là các vị đã về hưu, náo nức tham gia các Hội nhà văn quốc lập, tạo nên một không khí phấn đấu hơi xa văn chương, nhất là trong mùa kết nạp. Việc tìm ra hình thức sinh hoạt phù hợp và thiết thực cho hai khu vực người viết là việc cần làm của Hội nhà văn VN và các câu lạc bộ, các cơ quan văn hóa. Họ, những người viết ây, có cái chung, rất chung, ấy là quy luật của lao động sáng tạo nhưng cũng có những đặc thù. Và chính cái đặc thù ấy đòi hỏi phương pháp làm việc khác nhau và tạo nên đặc tính khác nhau của sản phẩm. Tham gia Hội nhà văn có thể để ghi nhận một dấu mốc nghề nghiệp chứ không bao giờ là cái đích của người cầm bút. Bạn đọc khi đọc văn có ai quan tâm tác giả là hội viên hay không đâu. Sự phấn khích vào Hội, xếp hàng hàng trăm đơn tham gia. Nhiệt tình ấy mừng ít, lo nhiều. Việc đầu tiên để làm văn chương là tìm hiểu về chính nó. Văn chương là gì? Thơ là gì? Ta làm nó hay nó làm ta? thì chúng ta lại chưa đủ công phu để trả lời thấu đáo. Có phải không các bạn. Ý kiến của các bạn sẽ tạo dựng những hướng mới, hiệu quả hơn, tầm vóc hơn, trong lao động thơ sáng tạo của chúng ta.
26-2-2018