Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Người buông lưới dệt ánh sáng từ hố thẳm (1)

(Đọc Châu thổ - thơ tuyển của Nguyễn Quang Thiều)

Đặng Thân - 11-07-2012 01:18:57 PM

Không cần phải đọc Platon, Aristote, Kant, Hegel hay Karl Marx, không cần phải đọc Khổng Tử Lão Tử, không cần phải đọc Upanishads Bhagavad Gita, chúng ta chỉ cần đọc lại ngôn ngữ Việt Nam và nói lại tiếng Việt Nam và bỗng nhiên nhìn thấy rằng tất cả đạo lý triết lý cao siêu nhất của nhân loại đã nằm sẵn trong vài ba tiếng Việt đơn sơ như CON và CÁI, như CHAY, CHÁY, CHÀY, CHẢY, CHẠY và còn biết bao nhiêu điều đáng suy nghĩ khác mà chúng ta đã bỏ quên một cách ngu xuẩn.

- Thích Nguyên Tánh

 

 

Tôi biết nhiều người ghét thơ Nguyễn Quang Thiều.

Thậm chí, có những người còn căm thù.

Đã nhiều lúc, tôi muốn tìm hiểu tại sao, tại sao. Phải chăng chẳng qua vì ghen ăn tức ở, trâu buộc ghét trâu ăn…? Vì anh quá thành công? Vì anh quá nổi tiếng?... Nhưng rồi khi thấy trong những người căm ghét thơ anh cũng không ít người công thành danh toại, nhà lầu, xe hơi… như anh, thì ắt là tôi cứ phải nghĩ lại. Và linh cảm thấy rằng có nhiều nguyên nhân sâu xa hơn thế, quái lạ hơn thế, nhiều.

Tôi nhớ một lời dậy của cha tôi về thế thái, rằng “quen thì dạ, lạ thì áo quần”. Từ đó tôi cho rằng hình thức của mình khi tiếp xúc với tha nhân là một vấn đề rất dễ sinh sự. Từ đó tôi suy ra phải chăng thơ Nguyễn Quang Thiều đã gây dị ứng ghê gớm do “cách ăn mặc” kỳ quái nào đó.

Và, để bắt đầu cái sự “điều nghiên”, tôi đã đưa ra một trắc nghiệm đơn giản. Trong một số lần tiếp xúc khá nghiêm túc với đông người, tôi đã cố tình khoác lên mình một chiếc áo lưới, loại chỉ có các nghệ sỹ sân khấu mới đủ dũng cảm để mặc. Chiếc áo lưới có những cái lỗ to, rất thoáng. Phần lớn mọi người trông thấy tôi đều lảng đi. Số ít thiện cảm tỏ vẻ khó chịu lắm, hình như họ chửi nho nhỏ, nhưng chỉ đủ cho họ nghe với nhau. Đám quen thân thì cứ nhìn tôi cười hềnh hệch, đưa ra mấy câu nhận xét sáo mòn, nhạt nhẽo. Đến khi phải làm diễn giả trước mặt họ tôi hỏi tất cả là họ đến đây để nghe tôi nói hay là chỉ để nhìn và bình phẩm với những lời linh tinh, ngớ ngẩn về cái áo. Câu hỏi làm mọi người tạm lắng xuống, và tôi bắt đầu thuyết trình. Tôi nhận thấy mặc dù mình đã tung ra mấy chiêu hùng biện rất hấp dẫn nhưng phần đông mọi người vẫn chưa thể tập trung vào nghe. Phải tung ra mấy chiêu búa bổ nữa thì số người lắng nghe cũng chưa tới một phần ba. Tôi chợt nghĩ, muốn mọi người quên đi cái áo thì chắc rằng mình phải cho họ nhìn xuyên qua cái áo. Và tôi nói rằng, mọi người hãy quên cái áo này đi để tôi tiết lộ cho nghe một bí mật chưa từng công bố. Đó là trên ngực tôi đây có đủ 7 cái nốt ruồi, xếp đúng thành hình gầu sòng của chòm “Bắc Đẩu thất tinh” (tất nhiên, tôi đâu có bao giờ ngó ngàng đến ngực mình, người đầu tiên phát hiện ra là một phụ nữ). Quả thật, ngay lập tức mọi người quên ngay chiếc áo, cố nhìn xuyên qua để tìm xem sao Bắc Đẩu. Và sau đó là cả một cuộc thảo luận vô cùng sôi nổi, nghiêm túc về nốt ruồi, về sao Bắc Đẩu và thuật chiêm tinh cũng như tướng thuật. Lúc này, chiếc áo lưới đã thành hư không, và, nó như chưa hề tồn tại hay đã từng gây dị ứng trước bao con mắt nhân quần.

Tôi đã áp dụng bài học đó để đọc thơ Nguyễn Quang Thiều. Chiếc áo lưới cũng đã linh ứng thành chiếc chìa khóa của thơ anh. Trong mắt tôi, thơ Nguyễn Quang Thiều như một tấm lưới vô biên, không phải được dệt bằng sợi gai, sợi cước PA hay nylon sợi xe như người ta thường gặp; nó được dệt bằng ánh sáng, thứ ánh sáng của “hố thẳm”. Và anh đã tung chài khai mở:

[T]rong thế giới trong suốt, hay trong cõi hư vô làm ta có thể chết vì khiếp sợ lại hiện lên một phong cảnh đầy đủ nhất. Phong cảnh ấy, đối với tôi, nó là một cõi. Cái cõi ta vừa làm đầy nó vừa không chiếm lấy dù chỉ là một điểm nhỏ nhất, mà chỉ có trí tưởng tượng kỳ diệu mới có thể lờ mờ nhận ra.[1]

Hạng thiện trí thức đều yêu văn chương và tư tưởng. Nếu có ai như đó hỏi hãy nêu hai nhà thơ Việt cần đọc nhất trong 100 năm qua chắc rằng tôi, sau vài hồi cân nhắc cỡ trăm cái tên, sẽ bảo nên đọc Hàn Mặc Tử “vỗ cánh bay chín từng trời cao ngất”, và Nguyễn Quang Thiều. Tử thì ném tư tưởng vào vạc dầu cho thơ bốc hơi; Thiều thì lập kỷ lục Guinness thổi thơ ra thành thiên hình những bong bóng tư tưởng muôn sắc, ví dụ 1 là câu trên. Với người phàm, cả hai đều tôn thờ đường lối có định hướng “loạn thần kinh”, vì kẻ trước (đã chết trong tủi hủi) thì đẻ ra trường thơ loạn, còn người sau (đang sống vinh) thì làm loạn trường thơ. Cả hai đều đến từ và đi về “hố thẳm” (của những vô thức, giấc mơ, tâm tưởng, ẩn ức, bi ám…), để đẩy ngôn ngữ con người thành tiếng kêu trên đỉnh núi, khả dĩ làm “lạnh cả thái hư”.

Chàng trai trẻ mãi Nguyễn Quang Thiều mang trong mình sức mạnh của cả dòng sông Đáy xưa bên chốn quê nhà mà tung lưới. Bản thân những vẩy cá bám trên người đã lấp lánh như những huân chương[2]. Nào hãy cùng anh về với cội rễ ngày xưa, khi chàng trai bỗng thấy

Ngẩng mặt một vầng mây đỏ

Nổ vang tiếng sấm lưng trời

Cúi đầu một miền cỏ trắng

Nở xòe tám hướng bốn phương.

mà ghi lại trong bài “Lễ tạ”.

Điềm trời rạng rỡ! Xuất bước trường chinh là hành lễ; “lễ” là gốc con người anh. Cái gốc hiếu kính “ngẩng mặt” đó ngay lập tức đem đến danh vọng, tiếng tăm vang dội của một danh sỹ phương Nam “cộng sản nòi” (“mây đỏ” / tượng quẻ Ly), để rồi khiến hầu khắp phương Tây (“cỏ trắng” / tượng quẻ Đoài) phải “cúi đầu” quý phục, rồi sau đó là “tám hướng bốn phương” phải “nhiệt liệt chào mừng”. Quả là một hổ tướng bất hư truyền! Nhớ câu “mỹ nhân tự cổ như danh tướng” của người xưa mà, vận vào cho anh rằng: “danh tướng bạch đầu hứa mỹ nhân”.

Nguyễn Quang Thiều đã công bố 9 tập thơ và 1 tuyển tập, 15 tác phẩm văn xuôi, 3 cuốn sách dịch, hơn 500 bài báo… cùng với sự được trao tặng cỡ 20 giải thưởng khắp nơi. Xin điểm thêm vài nguồn tin về anh (thật khó mà kể ra cho đủ):

Trích hồ sơ “Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều” trên báo Nhà văn TPHCM:[3]

– Bắt đầu viết văn từ năm 1983, Nguyễn Quang Thiều là cây bút đa năng và sung sức, xuất hiện thường xuyên trên văn đàn, báo chí. Ông nhanh chóng nổi lên như một nhà thơ trẻ cách tân hàng đầu thế hệ mình. Bên cạnh thơ, Nguyễn Quang Thiều cũng ghi dấu ấn về văn xuôi, tiểu luận, dịch thuật và góp phần quan trọng quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới.

– Thơ và truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều đã được in thành sách và được giới thiệu trên các tạp chí và báo ở các nước như  Mỹ, Pháp, Úc, Ireland, Nhật, Hàn Quốc, Venezuela. Colombia, Na Uy, Thụy Điển, Malaysia, Thái Lan…

– Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 cho tập thơ Sự mất ngủ của lửa. Giải thưởng Final cho tập thơ The Women Carry River Water của The National Literary Translators Association of America năm 1998.

Trích “Tiểu sử & tác phẩm Nguyễn Quang Thiều” trên trang mạng Tiền Vệ:[4]

– Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia, và dịch giả, đã đoạt nhiều giải thưởng văn học ở Việt Nam. Thơ của ông đã được dịch và đăng trên rất nhiều tập san văn học trên thế giới. 

– Ông đã xuất bản 2 tiểu thuyết, 5 tập truyện ngắn, 3 tập truyện cho thiếu nhi, và 1 tập tiểu luận. Hai tập truyện ngắn của ông đã được dịch và xuất bản tại Pháp: La Fille Du Fleuve (1997), và La Petite Marchande De Vermaicelles (1998). Ông cũng tham gia vào lĩnh vực điện ảnh và sân khấu, và nhiều kịch bản của ông đã được dựng thành phim.

Chủ bút trang mạng này, nhà văn-nhạc sỹ Hoàng Ngọc-Tuấn[5], có kể về việc dàn dựng một nhạc kịch dựa trên tác phẩm thơ của Nguyễn Quang Thiều bên Sydney, chúng ta hãy nghe để thấy bản thể “không biên giới” của thơ ca:

Năm 2002, Nguyễn Quang Thiều gửi tặng đạo diễn Úc Bruce Keller tập thơ The Women Carry Water (Những người đàn bà gánh nước sông) của anh, do Martha Collins dịch và University of Massachusetts Press xuất bản năm 1997. Bruce Keller là người sáng lập đoàn kịch Citymoon cùng với Tạ Duy Bình, và ông là bạn thân của chúng tôi, đã hợp tác với chúng tôi để dàn dựng hơn 10 vở kịch, đặc biệt trong đó có vở nhạc kịch "Soft Silk, Rough Linen" […] Sau thành công của vở nhạc kịch "Soft Silk, Rough Linen", đạo diễn Bruce Keller nói rằng ông rất thích tập thơ của Thiều, đặc biệt là chùm thơ "Eleven Parts of Feeling" (Mười Một Khúc Cảm), và ông muốn dàn dựng chùm thơ này thành một vở nhạc kịch. Rủi ro thay, trong lúc đang lập dự án dàn dựng thì ông bất ngờ bị ung thư tuỵ tạng và qua đời năm 2003. Xúc động sâu sắc vì cái chết của nhà đạo diễn tài ba Bruce Keller, Tạ Duy Bình quyết định tiếp tục thực hiện dự án dàn dựng vở nhạc kịch "Eleven Parts of Feeling" (Mười Một Khúc Cảm) để vinh danh và tưởng niệm Bruce Keller. Tôi hoàn toàn đồng ý với Bình, vì tôi vô cùng yêu mến Bruce Keller, và tôi thấy chùm thơ "Mười Một Khúc Cảm" là một chùm thơ rất hay. [...]
Tạ Duy Bình đứng ra đạo diễn và chuyển thể kịch bản thành vũ điệu. Tôi chịu trách nhiệm phần âm nhạc, và đã phổ 11 bài thơ của Thiều (bản tiếng Anh) thành 11 chương nhạc kịch. Vở nhạc kịch "Eleven Parts of Feeling" đã được thực hiện trong vòng 6 tháng, và đã được công diễn tại Bankstown Town Hall Theatre vào đêm 25, 26 và 27 tháng Sáu, 2004.
Tôi đã phổ nhạc 11 bài thơ một cách đầy hứng thú và trân trọng. Đối với tôi, tôi trân trọng bất cứ một tác phẩm nào có giá trị nghệ thuật và có nội dung phù hợp với những phẩm tính cao quý của con người. Tôi không hề đánh giá một tác phẩm qua lý lịch của tác giả.

Vở diễn sân khấu này rất đặc biệt và thể hiện thành công rực rỡ các thủ pháp hậu hiện đại.[6] Thậm chí, còn chuyện “thơ cứu người” thế này nữa:

[H]ồi đầu thập niên 90, Thiều là nhà thơ cách tân hàng đầu ở miền Bắc. Tôi là người nghiên cứu văn học nghệ thuật, nên tôi muốn gặp Thiều để tìm hiểu về tình hình tư duy và sáng tác ở Việt Nam lúc ấy. […] Khi Thiều ra khỏi sân bay, tôi cùng nhóm bạn trẻ văn nghệ sĩ tỵ nạn của tạp chí Tập Họp đã chào đón Thiều, và tôi đã thương lượng với nhân viên của Bộ Ngoại Giao Úc để đưa Thiều về nhà vui chơi với anh em văn nghệ. Lúc ấy khoảng 9 giờ tối, chúng tôi chở Thiều trên xe hơi, khi qua một quãng đường vắng, Võ Quốc Linh, một người bạn thơ của tôi, hỏi Thiều: "Anh có biết chúng tôi sẽ chở anh đi đâu không?" Thiều đáp: "Không." Linh nói: "Chúng tôi chở anh đến một cánh đồng hoang và sẽ giết anh vì anh là Cộng Sản." Thiều giật mình: "Ấy! Nghe ghê quá!" Và chúng tôi cười ầm lên. Tôi nói: "Đáng lẽ chúng tôi phải giết anh, nhưng thơ của anh đã cứu anh đấy nhé." […] Chúng tôi cùng uống rượu và đọc thơ suốt đêm. Bây giờ chúng tôi còn giữ cuốn băng thu giọng Thiều đọc những bài thơ mới của anh.[7]

Trên văn bản là thế, còn trong một cuộc đàm đạo ngoài đời thì cũng chính Hoàng Ngọc-Tuấn có kể thêm là, ngay sau khi bị “dọa giết”, Nguyễn Quang Thiều còn nói cứng: dù có muốn giết tôi thì cũng phải cho tôi đọc thơ cái đã.

Bìa Thơ tuyển lần thứ nhất - Châu Thổ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

“Nguyễn Quang Thiều đọc thơ” là đã đủ làm một cái title cho một bài viết hoành tráng. Anh đã đọc thơ nhiều nơi trong nước. Anh đã đi đọc thơ nhiều lần bên Mỹ. Anh đã đọc thơ ở Úc châu. Anh đã đến đọc thơ ở Malaysia. Anh đã đọc thơ ở Colombia. Anh đã đọc thơ ở Hàn Quốc. Anh đã đọc thơ ở Tây Ban Nha. Anh đã đọc thơ ở Ái Nhĩ Lan… Anh đọc thơ cho ta nghe. Anh đọc thơ cho Tây nghe. Giọng anh đọc thơ có một lực hút kinh khủng, cũng như khi anh hùng biện vậy, chấn động lòng người ghê gớm. Một nhà thơ có tài hùng biện cho ngàn người run rẩy như anh quả thật là hy hữu. Cái tài ấy đủ cho nhà thơ tự tin nói ra rằng có thể chuyển nguy thành an trong mọi hiểm họa, đe dọa…

Giữa lúc tôi đang viết đây – dường như trời biển cũng dấy lòng mà hòa giọng trước một sức mạnh của ngôn từ, của thi ca – hiếm khi có hai cơn bão lớn mà “vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 10, cấp 11” đang cùng lúc hoành hành trên Biển Đông; các siêu bão này có tên quốc tế là Guchol và Talim…

Ôi, bây giờ tôi mới lại tiếp tục được vì điện vừa bị ngắt đột ngột suốt ba tiếng đồng hồ.(??)

Tuy nhiên, khi nghe anh hùng biện, tôi lại liên tưởng đến một đoạn cực hấp dẫn trong tiểu thuyết nổi danh (càng nổi tiếng sau 8 lần được dựng thành phim và nhạc kịch) có nhan đề Chữ A màu đỏ (The Scarlet Letter)[8] của nhà văn Mỹ danh tiếng thế kỷ XIX Nathaniel Hawthorne, mà nghi rằng ít ai để ý. Trong tác phẩm này có đoạn đức cha đẹp trai Arthur Dimmesdale – một nhà truyền giáo thực thụ của Thanh giáo đã có một bài nói tuyệt hay, tuyệt hùng biện trước dân chúng ở Boston thế kỷ XVII. Sau bài diễn thuyết nức nở lòng người đó, Hester Prynne – một phụ nữ trẻ đẹp thông minh và đầy quyết đoán đến bên ông và nói: Cha này, em thấy đằng sau hào quang lung linh của bài nói và những cái khoát tay cao nhã của Cha cứ ẩn hiện những nỗi đau nào đó rất là kinh khủng... Không ai muốn nhắc đến nỗi đau, nhưng chắc rằng đằng sau sự thành công “nổ vang tiếng sấm lưng trời” của “nhà truyền giáo” Nguyễn Quang Thiều có những nỗi niềm sâu thẳm.

Trong tiếng kèn “xung phong” của bài “Lễ tạ” cũng có những điềm thật day dứt, đó là khổ thơ đầu:

Con đường

Con đường

Con đường

Dắt ta về hồ nước cũ

Và khổ cuối:

Ra đi từ hồ nước cũ

Con đường

Con đường

Con đường

Chà chà… cái “hồ nước cũ”! Bài thơ này ắt hẳn đến với nhà thơ từ trong vô thức, vì chàng trai trẻ chưa hề đi mà sao đã mở đầu với việc “đi về” rồi sau đó mới nhớ về cái lúc “ra đi”. Có thể nói, Nguyễn Quang Thiều làm thơ như bị “giời xui”.

Chà chà cái… “hồ nước cũ”!!

Đó ắt chăng nạn thủ cựu? Đó phải niềm dục tống cựu nghinh tân, cho anh dấn thân trong sự nghiệp cách tân, đổi mới? Đó cũng là truyền thống sâu bền, nơi phát sinh mọi ngả đường hướng tới, có những con đường “đi” thì vòng vèo mà “về” thì thẳng tắp? Vẫn là vần luật đấy mà phá cách đấy; vẫn đời đấy mà điềm đấy; như cửa ngõ huyệt đạo cho mọi sinh tử thăng giáng hư thực vào ra…

Đó chăng là chính nơi anh sợ hãi: thâm hiểm, hôi thối, cố hương, bần cố, tù đọng, dập tắt, trì trụ… mà không thể nào dứt bỏ; nhưng cũng chính là nơi anh xuất phát; và, anh đã vượt qua sợ hãi: ngọn lửa nơi anh đã dũng cảm đương đầu đốt hồ nước ấy mà không hề kinh nó sẽ dập tắt mình, đun sôi nó lên cho nó được thăng hoa?

Đó ắt là “hố thẳm”… Vì thế, là nơi anh đã ra đi, đã từ bỏ, đã dứt níu… để rồi lại hiển hiện trở về sau khi đã “uống rượu cùng người dưới ba tấc đất” và “hầu chuyện cùng đấng trên bảy tầng trời”.[9] Cõi tâm linh u minh đầy niềm riêng ấy làm sao có ai vào được. Thi nhân ém mình trong hố thẳm, tối tăm, tối tăm lắm, tối tăm không chịu nổi… và trong cõi uyên mặc của huyền tẫn dần dần hiện ra những sợi tơ, những sợi tơ từ lung mung bỗng hóa lung linh trong cảm thức kỳ bí, bủa lưới hồn, khiến hồn thi đầy hưng phấn trong thiên la địa võng ánh sáng ngũ sắc rồi bùng nổ như chùm chùm pháo hoa. Hố thẳm đã ban cho tấm lưới vô song, nay vào tay người được hưởng phúc.

Trong thơ Nguyễn Quang Thiều hầu như luôn có ánh sáng, và nắng, là do vậy chăng? Chính vậy.

Bài thơ “Lễ tạ” chẵn 100 chữ, một con số khởi đầu mà đã viên mãn thành tựu.

 

Bài-thơ-trăm-chữ mở đầu cả tập làm cho tôi tò mò muốn biết luôn bài cuối thế nào, đó là bài thứ 144: “Cây Ánh Sáng”.

Con số là kinh ngạc – 3.947 chữ, cả một trường ca. Bước đoản thi khởi đầu nay đã tựu thành khi tràng thi ào tuôn như sông suối.

Tôi từng muốn giới thiệu trường-ca-Nguyễn-Quang-Thiều và trường-ca-Đỗ-Quyên trong một bài viết, nay nhân tiện mà chép ra đây một đoạn phát đoan đầy “tính phản đề”:[10]

[C]hẳng hiểu duyên nợ thế nào mà tôi lại phải viết tiếp về những ngôn từ của dòng “thơ[.] điên[.]”. Tức là muốn viết ra “thơ nặng” thì cũng phải có sức mạnh rất cơ bắp của người “thợ”, phải “điên nặng”; phải có “điện”, tức là năng lượng.

Thế giới này làm người ta điên hay đám người điên đã đẻ ra thế giới này??

Tôi đang viết về một thứ mà “Ông Hoàng” Xuân Diệu đã từng gọi là cái “ca-ca”.[11] Có lần nghe có người nhắc đến “trường ca” ông đã lồng lên: thơ ca là tinh hoa chắt lọc, làm gì có thứ thơ gọi là trường ca, có mà cái trường ca-ca!

Với ông, phải chăng trường ca đích thị là một thứ “cà trương”.

Nước ta có dùng nhiều từ “Ông Hoàng”. […] Hình như các “Ông Hoàng” đều thiêng, chả biết tại sao.

Nếu vậy thì Xuân Diệu chắc cũng có cái mồm thiêng. Vậy là ông đánh giá trường ca cao lắm đấy. Các bậc đạt đạo vẫn thường ví cả các bậc Phật/Thánh với “ca-ca” mà.[12]

Làm trường ca không dễ.

Viết về trường ca phải [dềnh] dàng. [… …]

Trường-ca-Đỗ-Quyên (anh đã viết đến 20 cái trường ca) đã là một thành công, vậy trường-ca-Nguyễn-Quang-Thiều thế nào? Tôi đã viết về Đỗ Quyên như cây cầu “long biên” nối hai bờ Maya, là Maya-kovsky (của trường ca bậc thang) và Maya-da đỏ (của hiện thực huyền ảo) – với những đặc tính mà nhà văn da đỏ Miguel Ángel Asturias (1899–1974) người Guatemala, Nobel văn chương 1967, là người khởi xướng. Đọc “Cây Ánh Sáng” của Nguyễn Quang Thiều, mới càng thấy anh y như người Mễ Tây Cơ, cả về gương mặt dáng hình lẫn chất sử thi huyền ảo da đỏ Aztec. Ấy nên, không phải ngẫu nhiên mà tôi định đưa chung một bài về hai nhà trường-ca Việt ấy. Xứ Mễ có một Nobel văn chương đích thực từng được Viện Hàn lâm Thụy Điển bầu cho cả 15/15 phiếu vào năm 1990, là nhà thơ da đỏ Octavio Paz (1914–1998). Chả hiểu sao khi đọc “Cây Ánh Sáng” tôi cứ linh cảm thấy một sợi dây nối với trường ca đặc sắc “Đá Mặt Trời” đưa danh Paz lên tầm quốc tế mà ông viết đúng năm anh sinh ra, 1957.

Trước hết, bản trường ca tiếng Tây Ban Nha này dài 3.859 chữ, suýt soát độ dài của “Cây Ánh Sáng”.

Khi nói về việc sáng tạo, chính Paz thổ lộ:

Mỗi bài thơ là một khó. Thường xuyên, dòng đầu là quà tặng, tôi không biết, của Giời hay của khả năng bí hiểm mà người ta gọi là hứng khởi. Thí dụ bài “Đá Mặt Trời” của tôi: Tôi viết ba muơi dòng đầu, như có một người nào đó âm thầm đọc cho tôi chép. Tôi ngạc nhiên thấy thơ cứ thế tuôn trào, chúng như ở thật xa, mà cũng như thật gần, như ở ngay trong lồng ngực. Bất thình lình, ngưng! Tôi đọc lại, thấy chẳng phải sửa chữa gì hết. Nhưng đó chỉ là đoạn mở. Và tôi chẳng làm sao tiếp tục. Vài ngày sau, tôi khởi sự tiếp, không phải theo kiểu thụ động, mà là cố đẩy những dòng về hướng này, hướng nọ, và tôi viết thêm được ba muơi, hoặc bốn mươi dòng nữa. Tôi ngưng. Vài ngày sau, lại trở lại với nó. Bằng cách dị mọ như vậy, tôi khám phá ra trọn giọng điệu của bài thơ, và nó hướng về đâu. Nó giống như một cách điểm lại đời mình, một sự tái sinh của kinh nghiệm, nỗi quan hoài, những thất bại, những ám ảnh của tôi. Tôi nhận ra tôi đang sống khúc cuối tuổi trẻ của mình, và bài thơ, cùng lúc, vừa là một tận cùng, vừa là một bắt đầu.[13]

Trời đất ạ, tôi đoan chắc có thể dùng đoạn trên của Paz để mô tả cái thế giới sáng tạo của Nguyễn Quang Thiều khi anh viết “Cây Ánh Sáng”, và những những bài khác.

Paz muốn nói gì với bài thơ này?

Chủ đề chính là thời gian. Paz cho chúng ta phiên bản tiêu cực của lịch sử con người, mơ hồ gợi nhớ tới Hesiod, bị mắc kẹt vào những chu kì bất tận của chiến tranh, tàn khốc, và bất công. Chính ngay cấu trúc của phiến Đá Mặt trời tái tạo cái phiên bản bi quan này về thời gian xoay vòng. Dòng cuối cùng của bài thơ tiếp tục với dòng đầu tiên của bài thơ: câu chuyện kể u ám sẽ phải lặp lại một lần nữa. Lối thoát duy nhất khỏi thời gian là do tình thương cung cấp, hoặc có lẽ do chính thơ. Cảnh tượng chính của bài thơ xảy ra trong việc thủ đô Madrid bị dội bom trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha năm 1937, khi đó một người con trai và một người con gái trút bỏ quần áo và làm tình để bảo vệ:

Phần chia của chúng ta về Vĩnh hằng,

Tỉ lệ của chúng ta về thời gian và thiên đàng,

Để chạm vào cội rễ của chúng ta và phục hồi,

Phục hồi di sản của chúng ta, đã bị đánh cắp

Bởi những tên trộm của cuộc sống bao thế kỉ trước đây…

Những dòng thơ nổi tiếng này biểu lộ một giấc mơ của Paz, siêu thoát thời gian, một giấc mơ bắt rễ sâu trong văn học phương Tây. Chắc chắn nó có mặt ở Nietzsche khi ông phát biểu rằng “mọi dục vọng vói đến vĩnh hằng.”[14]

Vậy “Cây Ánh Sáng” đến với chủ đề gì? Cũng vậy thôi: tất cả đều trần trụi trong tình yêu và xung đột [vĩnh hằng].

Khi mới xuất bản “Đá Mặt Trời”, Paz nhắc đến việc sao Kim xuất hiện hai lần mỗi ngày (sao Mai, sao Hôm), cái tính hai mặt sáng-tối / quỷ dữ-thiên thần này của sao Kim cũng là bản chất cốt tủy của vũ trụ, và ai cũng biết sao Kim (Venus) chính là Nữ Thần của tình yêu và cái đẹp. Đó là những chủ đề Paz đã thám hiểm, và tôi thấy “Cây Ánh Sáng” cũng thế, đầy phức tạp, gợi tình và đầy nhạc tính. Nó mở đầu với sự xuất hiện của Thần ái tình:

[T]hi sỹ trong thị xã bé bỏng bị trúng mũi tên của số phận bất trắc và ái tình, trái tim chàng nhiễm trùng sưng tấy

Chàng đã từng lấy trái tim mình đặt trên một chiếc khay ngọc trắng và im lặng ngắm nhìn

Trái tim chàng kia ư? giản dị làm sao, bí ẩn làm sao, trần trụi và đau đớn làm sao.

Tiếng đập lúc thì thầm sợ hãi, lúc rền vang như sấm, lúc muốn lao vút khỏi thân xác của chàng như một sao băng

Tình yêu, vừa làm ta khao khát vừa khiến ta muốn trốn chạy:

Nàng là ai? những người đàn bà đi qua cuộc đời chàng là ai? Nô lệ của chàng hay Nữ hoàng của chàng? Thánh thần hay Ma quỉ?

Những key-note vang lên dập dồn đầy hối thúc trong bài thơ: ôi sa mạc / tự do / ôi cái chết.

Tính hai mặt hiển hiện trong chính “chàng”, rõ nhất là ở phần “Ba”:

Chỉ có chàng đang ngồi trước một kẻ là chàng, kia những ngón tay thô, kia cặp môi dày luôn luôn nung trong lửa

Kia mái tóc rụng dần như lá cây mùa đông, kia bộ ria mép bạc, kia giọng nói khàn và sâu như đáy đại dương

Một kẻ là chàng ánh sáng và một kẻ là chàng bóng tối

Một kẻ ngập tràn ánh sáng và miệng chứa đầy ngôn ngữ minh tuệ

Một kẻ ngồi trên chiếc ghế hành hình ngập bóng tối tự trừng phạt mình, chỉ trái tim không ngơi nghỉ dội vang

Cả hai đối mặt nhau không phải một người ngoài gương và một người trong gương

Một ánh sáng là chiếc gương của bóng tối và một bóng tối là chiếc gương của ánh sáng.

Tất cả chỉ là một nhưng trong ánh sáng của Người, một đau đớn thân xác, một đau đớn tâm hồn 

Cả hai không còn con đường nào để lẩn trốn nhau, giờ đối mặt nhau, và đấy là con đường cứu rỗi

Nhiều người đã nhìn ra dung mạo của chính Nguyễn Quang Thiều. Đoạn này làm tôi nhớ khi loài người tạo ra con cừu nhân bản vô tính đầu tiên mang tên Dolly ở Scotland vào năm 1996, thi sỹ Nguyễn Quang Thiều đã lên TV làm cuộc song thoại giả tưởng giữa “Thiều thật” và “Thiều nhân bản”, và như tôi còn nhớ thì hôm đó “hai anh Thiều” đã nói rất hay, rất say sưa về thiện-ác / xấu-đẹp / đúng-sai.

“Độc thoại nội tâm” (internal monologue/ inner voice) là style quán xuyến trong “Cây Ánh Sáng”, cũng là “tổng phổ” cho nhạc tính mênh mông tràn thảo nguyên thơ Nguyễn Quang Thiều. Khác với nhiều bài khác, khi mà “độc thoại nội tâm” dẫn người ta đi khắp trong “hố thẳm”, “Cây Ánh Sáng” như vượt qua mọi cõi mà cho ta thấy rõ ngóc ngách mọi hình hài của chính tác giả hiện lên qua từng câu để phản ảnh từng ấy thứ tính: đầy phức tạp, gợi tình và đầy nhạc tính. Và những mạch nổi chìm của nội tâm không khỏi làm ta nhớ đến cuộc độc thoại nội tâm trên sân khấu kịch (soliloquy) đã đi vào kinh điển thế giới trong “Hamlet” của Shakespeare với cái suy tư của một người trí thức hướng về thiện mỹ trong tính hai mặt của thế gian bằng câu “To be or not to be”. Cụ thể hơn, “Cây Ánh Sáng” có nhiều những câu/đoạn không thể không làm ta liên tưởng tới “Hamlet” về mọi mặt: ý tưởng, mạch thơ (Shakespeare thường viết kịch thơ), giọng, phong cách, nhất là ngôn từ. Ví dụ này:

Chàng muốn ra đi khỏi thế gian này trong đêm tối khi tất cả còn đang say ngủ

Nhưng lần nào cũng vậy chàng không thể dời khỏi chiếc ghế hành hình lương tâm do chính chàng đặt trong căn phòng mà chàng tự nguyện ngồi vào đó đêm đêm

Khi chàng đủ can đảm đứng lên thì ban mai lại đến với chàng sớm hơn thần chết một bước chân

Hay là:

Ôi quyền lực và sự man rợ của bóng tối biến chàng thành côn trùng? thành con sói cô độc? thành đại bàng im lìm trên đỉnh núi lạnh? thành lạc đà và thành ngôi sao xanh?

Và đây nữa:

Hỡi Chúa trời, con quỳ dưới chân người, con gánh trên lưng con bóng tối khổng lồ

Đôi môi con run rẩy chạm vào những ngón chân Người giá lạnh nhưng những giọt máu chảy từ bàn tay bị đóng đinh của Người từng giọt, từng giọt rơi xuống ngực con rực sáng và nóng ấm vô tận

Cây thập giá nơi Người bị đóng đinh trong đêm sừng sững dựng lên Cây Ánh Sáng vĩ đại nhất trên thế gian này

Đến đây thì chúng ta biết được Cây Ánh Sáng thực ra là gì, từ đâu mà ra. Còn từ đâu nữa nếu không phải từ những nỗi đau khủng khiếp nhất của sự hi sinh, đức tin và tình yêu thương vĩ đại nhất, linh thiêng nhất.

Còn trong “Đá Mặt Trời” Paz thể hiện cái cảm quan về sự cô đơn khủng khiếp của con người, chỉ có thể vượt qua được bằng những cố gắng sẻ chia, ân ái, yêu thương và đức tin. Cuộc sống là thế, và khi được như thế nó sẽ trở nên trầm sâu, cuồng dại, giầu có, náo động và nhũn nhặn. Paz đã viết:

Un mundo nace cuando dos se besan

(Thế giới này được sinh ra khi hai người hôn nhau)

Và rồi, trường đoạn mô tả những hiệu ứng của của cái hôn ấy đã trở nên quyến rũ bậc nhất, khi mà tất cả được chuyển hóa, tất cả thành thiêng liêng và đọc xong ai cũng muốn cất lên đôi cánh tự do vượt qua mọi thứ luật pháp và tục lệ ác độc đang gông cùm con người. Xin được trích một chút:

… những bức tường vô hình,

những mặt nạ rữa nát chia rẽ người này

với người khác, chia rẽ trong chính con người đó,

tất cả vỡ vụn

trong khoảnh khắc kỳ vĩ ta chợt thấy

sự toàn thể mà ta đã đánh mất, sự hoang tàn

của kiếp người, và niềm vinh quang của cõi nhân sinh,

đang cùng sẻ chia bánh mỳ, mặt trời và cái chết,

cùng nỗi kinh ngạc, tưởng đã không còn, khi thấy mình đang sống

[… …][15] 

Quý vị có nhận ra sự tương đồng giữa họ, cả giọng lẫn tu từ, (“ôi, thật là Mễ”)? “Cây Ánh Sáng” có thể ngồi cùng với “Hamlet”, với “Đá Mặt Trời” ở tinh thần ấy. Có điều “Hamlet” thì vẫn dừng lại ở tính hai mặt, còn “Đá Mặt Trời” và “Cây Ánh Sáng” thì đã nhiều ít nhìn ra sự hòa điệu nào đó của vũ trụ, đã “nhún bước” về cõi Một. Tác giả kết:

Chàng quỳ xuống và ngước lên Cây ánh Sáng vĩ đại nhất đang toả mãi tán lá ban mai khổng lồ

Miệng chàng mở những cánh đồng hoa rực rỡ và giọng nói chàng cất lên

Hoà cùng giọng nói của côn trùng, của sói, của đại bàng, của lạc đà… trong cùng ngôn ngữ

Và lúc này dù chàng là côn trùng, là con sói cô đơn, là đại bàng, là lạc đà, là quỉ dữ…

Thì  tất cả đều đến được miền đất ngập tràn ánh sáng, tất cả được hoà làm một

Trong một ánh sáng ấy, một âm nhạc ấy, một ngôn ngữ ấy, trong một bầu trời ấy

Và Người đã biến chàng trở thành một chiếc lá nhỏ không bao giờ tàn úa

trên cành của tán lá ban mai kỳ vĩ trong vũ trụ ngập tràn.

Tôi phải nói thêm rằng trong “Cây Ánh Sáng” có những câu tưởng như vô tình, tưởng như tầm thường, nhưng không hiểu sao với tôi chúng thật là quyến rũ, thật ám ảnh:

Vẫn chiếc ghế ấy trong bóng tối chàng đau đớn nghĩ tới người đàn bà đau ốm với nỗi đau buồn lớn hơn toàn bộ đời sống của nàng

Hay là:

[Hay chàng] là ví dụ của lạc đà chất trên lưng không phải vàng bạc châu báu hay những túi nước ngọt mà là những bao tải cát để đi qua sa mạc cát

Câu này có vẻ dễ hiểu với những ý niệm cũ: chở củi về rừng, dã tràng xe cát; thế nhưng, nó thật là mới, nghe như tiếng lục lạc giữa thinh không đang truyền tải những niềm ý lạ.

Hoặc nữa:

Nhưng chàng đã đứng dậy như lạc đà với sức nặng khủng khiếp chỉ của một hạt cát trên lưng, nhẫn nại và kiêu hãnh bước đi

Hay chàng là một thi sỹ chân chính của xứ sở này không dối lừa mình, chàng là ví dụ của điên loạn đập cánh và sự dày vò như sóng bạc đầu của đại dương thanh sạch nhất thế gian

Đến đây, tôi lại càng khuyến cáo hãy đọc anh cùng với Hàn Mặc Tử. “Trường thơ loạn” là nơi trí tưởng tượng được kích thích bừng nở đến ngộp thở, cái mà cõi văn này thiếu thốn vô chừng như những đám người trong hang động thiếu ánh mặt trời.

Chỉ người có tâm thức ở sâu trong hố thẳm thì mới tích tụ được từng ấy lượng ánh sáng. Và khát khao ánh sáng. Còn bây giờ thì… tôi thấy không thể bỏ qua được cái dòng sau dấu “chấm hết” của “Cây Ánh Sáng”, vì nó hiện lên một thông điệp, một bản giải mã:

đêm ngày 02 tháng 09 năm 2003

Đó là ngày Quốc khánh. Đêm ấy ắt có bắn nhiều pháo hoa.

Tấm lưới ánh sáng của ngôn từ nay đã phủ khắp trời, từ nơi sáng tươi tới miền bi ám. Một trời pháo hoa – đó chính chân dung chữ Nguyễn Quang Thiều.

Nguyễn Quang Thiều – là một trong không nhiều nhà thơ đã và đang nới rộng không gian cho thơ Việt, đào xới sâu tâm thức Việt. Họ càng ngày càng đa dạng hơn trong những cuộc dấn thân cách tân văn học đầy kiêu hãnh, và không gì cản nổi.

Xưa, một thầy giáo trung học tôi có bảo chỉ cần đọc một câu là xong cả bộ trường thiên đại thi bất hủ Truyện Kiều. Chả ai tin! Thế là thầy đọc:

Trăm năm trong cõi người ta

Mua vui cũng được một vài trống canh.

Tuyệt! Chỉ cần dòng đầu và dòng cuối, xong. Mà quý vị nên nhớ cho đó là một thầy giáo dậy toán, tên Cát Tường. Nhớ “phép làm toán” của thầy nên tôi xin dừng lại ở đây. Vì tất cả các bài khác trong tập Châu thổ cuồn cuộn này đã được biết bao các giáo sư, các nhà phê bình, các nhà thơ bàn đến nát ra rồi còn đâu.

Thế nhưng vẫn còn lời này:

Khi Thánh Phê Rồ còn đang mải mê quăng lưới đánh cá ngài đã được gặp Đức Ki Tô. Đức Chúa đã bảo ngài thôi hãy theo ta rồi ta dậy cho cách đánh lưới người. Sau này Thánh Phê Rồ đã được trao chìa khóa “Golden Gate” của Nước Trời. Giờ đây người đánh lưới bằng ngôn từ ấy đang gác cửa “tháp ngà” một đại tộc thơ, không biết người đã gặp Đức Ki Tô? Thi sỹ đích thực – đó cũng ắt một Sứ Đồ.

4/5/ - 20/6/2012

 


[1] Nguyễn Quang Thiều, Châu thổ – “Trong căn phòng của một người bại liệt” (thay lời tựa).

[2] Ý thơ trong bài “Trên đại lộ”, sđd.

[3] Nguồn: http://nhavantphcm.com.vn/nguyen-quang-thieu-nha-tho.html

[4] Nguồn: http://www.tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=113

[5] Xem: Hoàng Ngọc-Tuấn, “Những suy nghĩ và mong ước sau một cuộc tranh luận”.

[6] Xem: http://www.google.com.vn/#hl=vi&sclient=psy-ab&q=%22eleven+parts+of+feeling%22&oq=%22eleven+parts+of+feeling%22&aq=f&aqi=&aql=&gs_l=serp.3...4034.6986.0.7249.2.2.0.0.0.0.1210.1210.7-1.1.0...0.0.ULeBpNyvgP0&pbx=1&bav=on.2,or.r_gc.r_pw.r_qf.,cf.osb&fp=5215a55c89ae93c7&biw=1360&bih=677

[7] Xem: Hoàng Ngọc-Tuấn, bđd.

[8] Xem: http://vi.wikipedia.org/wiki/Chữ_A_màu_đỏ   

[9] Ý thơ trong “Lễ tạ”.

[10] Xem: Đặng Thân, “Trường-Ca Ca…”.

[11] Theo Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa.

[12] Một tăng sĩ hỏi tổ Vân Môn: “Phật là gì?” Tổ đáp: “Que cứt khô.”

[13] Nguồn: http://www.tanvien.net/tg3/art_fiction.html

[14] Nguồn: “Nobel Prize Authors on Time”. Nobelprize.org – Nguyễn Tiến Văn dịch.

[15] Octavio Paz, “Đá Mặt Trời”.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Người đi về phía ánh trăng

VanVN.Net - Nhà thơ Lò Ngân Sủn là một thi nhân Việt Nam xuất sắc, tác giả của 14 tập thơ, 2 tập truyện ký, 10 tiểu luận nổi tiếng và hàng loạt bài thơ được phổ nhạc rộng rãi. Mãi ...