CÁCH ĐÂY 4 NĂM NHÀ VĂN BÙI NGỌC TẤN ĐÃ VĨNH BIỆT THẾ GIAN SAU KHI HOÀN THÀNH CUỐN HỒI KÝ CUỐI CÙNG CỦA ĐỜI MÌNH
Vẫn mấy bậc cầu thang gỗ tối om dẫn lên tầng hai. Cửa buồng nhà văn khép hờ, nhưng tôi vẫn gọi: “Bác Tấn ơi, bác có nhà không, mở cửa cho em với!”. Trong nhà có tiếng vọng ra “Ai đến chơi đấy”. “Em Việt Chiến ở Hà Nội xuống thăm bác đây”.
Rồi người con trai của bác mời tôi vào, thì ra lúc ấy người thân đang chăm sóc nhà văn trên giường bệnh ở buồng trong. Thấy bạn văn đến chơi, Bùi Ngọc Tấn mừng lắm, ông đòi ra nhà ngoài, tiếp bạn quên cả trọng bệnh. Ông tự tay pha trà mời khách. Khi biết tôi muốn chụp bức ảnh kỷ niệm,ông cười ý nhị: “Đây là những tấm ảnh cuối cùng em chụp anh đấy, anh vào giai đoạn cuối rồi, may mà cuốn hồi ký sau cùng “Thời biến đổi gien vừa viết xong”.
Tôi còn nhớ mãi lần đầu tiên khi tôi cùng một số nhà văn Hà Nội tới thăm nhà văn Bùi Ngọc Tấn mấy năm trước đây, ông cười hớn hở, giọng hài hước bảo tôi: “Thằng Việt Chiến vào đứng cạnh đây chụp với anh một cái, hai thằng mình đều đã phải nếm mùi khổ ải ở nơi “địa ngục trần gian” rồi nhỉ! Còn mấy cậu “văn chương giang hồ” này có muốn vào đấy để viết văn, làm thơ hay hơn thì cứ phải chịu khó đến hầu rượu bọn mình nhé!”.
Ngắm nhà văn đang trải lòng mình với đám hậu sinh, tôi thấy dường như Bùi Ngọc Tấn trẻ hơn cái tuổi gần 80 của ông. Với những người văn khí phách như ông, có thể bất hạnh sẽ lấy đi nhiều thứ nhưng không thể làm cho nguồn mạch văn chương vơi cạn được và qua những trải nhiệm đớn đau, người văn lại như được bồi đắp thêm nghị lực sống, nghị lực viết. Bởi thế, khi suy nghĩ về nghề văn, Bùi Ngọc Tấn chỉ có một tâm sự thật ngắn: “Viết văn quả đáng sợ. Đã bỏ được hơn 20 năm rồi lại viết trở lại. Nên thấy ai bỏ hẳn được, phục là tài” .
Những năm qua, nhiều tác phẩm của nhà văn Bùi Ngọc Tấn được các nhà xuất bản trong nước in đều đều và 2 cuốn tiểu thuyết được nước ngoài dịch cũng kha khá. Cuốn tiểu thuyết mới nhất Biển và chim bói cá của ông cũng vừa được phát hành với số lượng tương đối lớn, nhưng nhà văn cho biết, số tiền nhuận bút nhận từ xuất bản trong nước chỉ có 30 triệu đồng, còn nhuận bút sách dịch từ một nhà xuất bản ở Paris (Pháp) mới chỉ nhận được có 1000 USD tiền tạm ứng.
Ông ngậm ngùi: “Không ăn thua gì đâu! Viết gần chục năm mới được cuốn tiểu thuyết, các nhà văn chúng ta đem hết tim óc ra viết, rồi chỉ đưa “cổ” ra cho các “đầu nậu” sách họ “cứa” thôi. Cuốn tiểu thuyết “Chuyện kể năm 2000” của mình in ở Anh, mình không được đồng nào, mà các nhà văn Việt Nam được dịch in ở Anh như: Hồ Xuân Hương, Vũ Trọng Phụng... đều thế cả, vì sách bên ấy chỉ đưa vào bán ở các trường đại học chứ không đưa ra các hiệu sách. Vậy, được dịch là tốt lắm rồi, thân phận nhược tiểu của mình nó thế đấy!”.
Hôm ấy, nhà văn Bùi Ngọc Tấn chỉ cho tôi xem bức ảnh cuối cùng đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp với ông như một kỷ niệm khá thiêng liêng và sâu sắc sau thời gian nhà văn gặp hoạn nạn. Nhưng hai tháng sau, vào hồi 6 giờ 15 ngày 18.12, nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã qua đời, thọ 81 tuổi. Tôi cũng không ngờ, cách đó 2 tháng, nhà văn trông vẫn còn rắn rỏi là thế mà nay ông đã đi về một thế giới khác:
Hồi ký ông đã viết xong
Giờ ông đi với vô cùng tháng năm
Khổ đau gửi lại trần gian
Viết đến hơi thở lầm than cuối cùng
(ảnh nhà văn Bùi Ngọc Tấn ngồi với Nguyễn Việt Chiến sáng ngày 15-10-2014)