THƯA LẠI VỚI NHÀ THƠ XUÂN DIỆU: GẦU GIAI HAY GẦU SÒNG?THẦN QUYỀN HAY NỮ QUYỀN?
TÁT NƯỚC
Đang cơn nắng cực chửa mưa tè
Rủ chị em ra tát nước khe
Lẽo đẽo chiếc gàu ba góc chụm
Lênh đênh một ruộng bốn bờ be
Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa
Nhấp nhổm bền ghềnh đít vắt ve
Mải việc làm ăn quên cả mệt
Dạng hang một lúc đã đầy phè.
Hồ Xuân Hương
Về bài thơ trên của nữ sĩ họ Hồ, nhà thơ Xuân Diệu đặt câu hỏi: "Đây là tát nước gàu sòng hay gàu giai?", rồi tự trả lời: " Tôi nghĩ đến cái gàu giai (giai là dây, gàu có buộc bốn sợi dây) hợp với thần của bài thơ hơn..."
Thần của bài thơ này thì theo Xuân Diệu là thái độ thách thức, thậm chí coi thường thần quyền, ông viết: "Trời ơi trời, sao không mưa tè đi?! Nghĩa là gọi ông trời là thằng ranh con trời, thằng nhãi trời".
Giải nghĩa như vậy Xuân Diệu cho là còn chưa rõ, chưa đủ, ông thêm: "... Hồ Xuân Hương dám cho in trên cái mũi ông trời cái mông vĩ đại của người đàn bà tát nước;" (trích Các nhà thơ cổ điển Việt Nam trang 415 và 418)
Về hai vấn đề trên xin được bàn lại như sau:
Người viết bài này không dám nói rằng chẳng có chuyện hạ bệ thần quyền, hạ bệ ông trời như Xuân Diệu đã chỉ dẫn, chỉ xin được phân tích để nhìn ra một thần thái khác của bài thơ TÁT NƯỚC. Thần thái đó là nhiệt tình đề cao nữ quyền, chống lại sự lấn lướt của nam quyền!
Hãy bắt đầu bằng hai chữ chị em trong câu thừa đề. Sao lại Rủ chị em ra tát nước khe? Vì sao chỉ có chị, em mà không có ông, có anh nào?
Thưa rằng, cái việc nắng mưa xưa nay vẫn là việc của ông anh nhà trời. Cái vị được treo ở nơi cao nhất trong bài thơ này, ở câu thứ nhất, câu phá đề, vậy mà ông anh ấy trêu ngươi, cứ khinh khỉnh, trịnh thượng đến vô trách nhiệm, chẳng chịu "cập thời vũ" , chẳng chịu mưa vào ruộng hạn, cứ đang khi nắng cực chửa mưa tè! Cứ làm mình làm mẩy như thế cho nên chị em phải dấn thân, cố mà nhấp nhổm, vắt ve cho nó ra nước chứ trông cậy ông ấy, biết bao giờ người mưa cho, bao giờ trời...tè !
Chị em muốn thay trời làm mưa. Nhưng dù nữ thay trời làm việc đó thì vẫn là nhân quyền thay thế thần quyền, vẫn là hạ bệ thần quyền chứ nào đã thấy việc so đo nữ quyền, nam quyền trong hai câu đề này?
Xin thưa! Thay trời là thay " ông trời" chứ xưa nay nào đã nghe ai gọi "bà trời"! Cho nên cái người làm mưa làm nắng bị thay thế kia phải là giống đực, một thứ giống đực có nam tính cao! Không phải vô ý khi thơì tiết nắng nôi làm cho người ta cực nhọc, mở đầu bài thơ được rút gọn thành nắng nôi cực nhọc để rồi tinh giản hơm nữa, chỉ còn hai chữ nắng cực. Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương dụng công chơi hai chữ này, để ai còn chưa tin là trong câu thơ thứ nhất ấy có giới tính cửa quyền đàn ông ẩn náu, thì cứ nói lái hai chữ nắng cực, cái thứ nam tính hơi lố kia sẽ hiển hiện tức thì! Và khi cái "công cụ" đặc trưng nam của ông trời nhờ nói lái mà được vạch ra thách thức, khi nam quyền hợm hĩnh xuất hiện lập tức nó bị tầm thường hóa: thì ra mưa cũng xoàng xĩnh, cũng chỉ là vén mây mà... tè xuống! Là cái việc nào phải chỉ đàn ông mới làm được!
Nói lái để kín đáo phô bày những đặc trưng tính dục là một biện pháp nghệ thuật Hồ Xuân Hương thường dùng, để ngay trong những đề tài cao đạo nhất thì những thú vui thông tục vẫn có chỗ. Ta hãy tạm dừng tay TÁT NƯỚC, để theo dòng nói lái của Xuân Hương trôi về đất Phật:
Cái kiếp tu hành nặng đá đeo
Vị gì một chút tẻo tèo teo
Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn lèo
(Kiếp tu hành)
Thử đặt câu trái gió cho nên phải lộn lèo bên câu đang khi nắng cực chửa mưa tè như treo hai vế đối mà coi. Chuyện nắng gió của trời đất sao mà gần gũi chuyện âm dương, đực cái, rất công bằng của con người ta.
Trở lại với bài TÁT NƯỚC, trong hai câu thực tiếp theo:
Lẽo đẽo chiếc gàu ba góc chụm
Lênh đênh một ruộng bốn bờ be
Chúng ta được nhìn từ xa, nắm lấy toàn cảnh một mặt ruộng rộng đến lênh đênh nhưng được xác định rành rõ, được bốn bờ be lại vuông vức như một bức tranh. Cái vuông vức tạo sự chắc chắn đủ để làm chân đế vững vàng đặng mà từ ba góc đất chụm lại ba cây sào treo một chiếc gàu sòng, đang như con lắc đồng hồ lẽo đẽo qua lại nhờ một lực đẩy nữ còn mờ khuất. Đến đây, cái câu hỏi đặt ra từ đầu bài đã được trả lời theo cách hiểu của người viết bài này: người thôn nữ tát nước gầu sòng. Hiểu là gàu sòng, cái nông cụ chống hạn kia mới được treo lên tâm điểm của bức tranh lao động đã có, và được dao động lẽo đẽo, bền bỉ, giằng dai. Một dao động đều, có độ bền nữ tính, một dao động sản sinh hiệu suất lao động, khác hẳn lối, tuỳ hứng vô ích, cọc cách giữa "nứng", với tè kia. Và quan trọng hơn, để đỡ gàu sòng ấy, ba góc chụm kia đã cắm sào, tạo thế kiềng ba chân để người thôn nữ có chỗ dựa vật chất, tự khẳng định tinh thần trọng nữ:
Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa
Nhấp nhổm bên ghềnh đít vắt ve
Xuống tới hai câu thực này, thôn nữ tự khẳng định mình bằng cách biến công việc tát nước rất nặng nhọc thành nhẹ nhàng, vui vẻ. Vui trong tiếng xì xòm giữ nhịp và đẹp nhờ nương theo công việc mà phô bày như múa vẻ đẹp cơ thể nữ giới. Vẻ đẹp được trông nghiêng, trông ngửa, được nhấp nhổm lên xuống để rồi người chiêm ngưỡng dừng lại ở hai chữ vắt ve kia. Có lẽ nó được rút gọn từ vắt vẻo ve vẩy, một uyển chuyển nhiều chiều. Thứ uyền chuyển khoẻ và thuần phác. Trong hai chữ vắt ve, chứ vắt lại còn hàm nghĩa lấy ra những giọt nước hiếm hoi, hợp với một bài thơ chống hạn. Một con người tự tin đến vắt ve như thế thì cái việc làm mưa tưởng là độc quyền của ai, họ có thể làm như chơi:
Mải việc làm ăn quên cả mệt
Dạng hang một lúc đã đầy phè
Đầy phè đâu chỉ là ruộng nước được làm đầy, ở đây dường như ai đó đã tự làm đầy, tự phè phỡn những khao khát khó nói ra của mình. Cho tới câu cuối, cảm hứng tự tin trong bài thơ còn được thể hiện thêm ở ngay cả sự chủ động trong sáng tạo từ của tác giả. Tra từ điển chỉ thấy chữ " dạng háng", nhưng nói theo sách thì chữ háng vì có thanh trắc mà thất niêm, Hồ Xuân Hương liền cắt đi một dấu sắc, tạo từ mới dạng hang. Làm vậy, niêm thì vẫn giữ được mà cái tư thế một con người dạng hang lừng lững như một toà tháp nữ quyền thì vẫn được bảo toàn.
Cái tòa nữ quyền chống nạnh, dạng hang trên mặt đất âm thách thức, thật là đăng đối với cái ngạo ngược vén mây tè xuống từ trời dương cao ngao kia!
" Toà thiên nhiên" ấy (mượn chữ của Nguyễn Du, một người cùng thời với Hồ Xuân Hương - Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên) chẳng bao giờ đổ, bởi vì người tạo ra nó, bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương, thì theo giai thoại vườn văn, ngay cả khi bà té ngã cũng chỉ là để, với hết sức cao, xoạc hết sức xa mà đo lường:
Giơ tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài
Đo để lượng sức mình TÁT NƯỚC tiếp sức cho dòng chảy nữ quyền.
TRẦN QUỐC TOÀN