Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Thơ nữ trẻ Tây Nguyên – nhìn từ ý thức phái tính

Hoàng Thụy Anh - 20-10-2011 01:22:03 PM

VanVN.Net - Thơ ca của từng miền mang đặc tính riêng, khu biệt bởi dấu ấn bản sắc văn hoá của chính nó. Tây Nguyên là vùng đất lưu giữ những giá trị văn hoá vật chất và phi vật chất. Sự bứt phá, vượt ngục của những cây bút tài hoa của Tây Nguyên: Văn Công Hùng, Phạm Quốc Ca, Hương Đình, Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thúy, Nguyễn Thị Thái, Tôn Nữ Ngọc Hoa, Tạ Văn Sĩ… đã tạo nên gương mặt Tây Nguyên, bản sắc Tây Nguyên trong dòng chảy thi ca Việt Nam.

Các nữ tác giả trẻ miền Trung và Tây Nguyên chụp ảnh lưu niệm với nhà thơ Hữu Thỉnh trước lán Nà Lừa

Tuy nhiên, ngoài những cây bút gạo cội, phải kể đến những gương mặt khá nổi bật của các cây bút trẻ trong những năm gần đây như: Miên Di, Lê Vi Thuỷ, Ngô Thị Thanh Vân, Hoàng Ngọc Mai, Hồng Thuỷ Tiên, Hoàng Thanh Hương, Y Việt Sa, H'trem Knul, Lê Thị Kim Sơn, Vũ Thu Huế… Nhìn tổng thể, số lượng các cây viết nữ chiếm vị trí áp đảo hơn so với các cây bút nam. Lực lượng tham gia Hội nghị những người viết văn trẻ được tổ chức trong tháng 9 vừa qua ở Tuyên Quang đã minh chứng điều đó: H'Trem Knul (Đắk Lắk), Lê Vi Thuỷ, Hoàng Thanh Hương, Ngô Thị Thanh Vân (Gia Lai), Hoàng Ngọc Mai, Y Việt Sa (Kon Tum). Điều này cho thấy một sức mạnh nội lực của tiếng nói nữ trẻ trong lĩnh vực thơ ca Tây Nguyên. Họ có những đóng góp thiết thực, thúc đẩy nền thơ ca Việt Nam phát triển, đa dạng và phong phú.

Cốt lõi của văn học nữ quyền là “tinh thần nữ giới”. Từ những đề tài thường nhật cho đến những đề tài liên quan đến vận mệnh xã hội, có tính chất thời sự đều được họ suy tư, chiêm nghiệm, soi chiếu qua lăng kính, cảm quan, cách nhìn nữ. Tố chất mềm mại, dịu dàng được đan cài với yếu tố mãnh liệt, nóng bỏng tạo nên thiên hướng cá tính nữ trong thơ. Soi chiếu từ góc nhìn nữ giới, các cây bút nữ trẻ Tây Nguyên vừa có những nét chung vừa có những nét riêng khi dấn thân bày tỏ tâm tư, bản ngã của mình trong thơ.

Mỗi một cá nhân đều có cách thám hiểm cái tôi - bản ngã bằng cơ chế quyền lực tự ý thức. Sự khác biệt về mặt sinh lý, kinh nghiệm, vô thức, các điều kiện kinh tế, xã hội, diễn ngôn thiết lập rào cản giữa tư duy và nếp cảm nghĩ giữa nam giới và nữ giới (Nguyễn Hưng Quốc). Và cũng nhờ đó mà cái tôi bộc lộ rõ rệt, mang khuynh hướng quyền uy tính nữ. Nhưng ở nữ giới, trí não, khí lực, xúc cảm cũng kiểm chứng, phân biệt ý hướng mà họ kiến tạo trong thơ. Sáng tác của họ biểu hiện/thừa nhận rõ rệt hành trình tìm bản ngã. Họ tìm đến cái tôi của chính mình, viết về chính mình, tung tẩy, chinh phục, thể hiện tự do bằng ý thức nữ/cái nhìn nữ.

Theo các nhà hiện sinh, con người phải “tự quyết”, tự làm chủ, tự ý thức, tự đảm nhận số mệnh của mình. Các nhà thơ nữ trẻ Tây Nguyên hướng đến thế giới “cái tôi đã nhìn và đã sống”, chứ không hướng vào thế giới của hư vô, tâm linh. Hay nói cách khác, họ khai thác “thế giới hiện tượng”, không trốn vào “thế giới duy nhiên”. Vì thế, đối tượng mà họ nói đến được làm rõ bằng nhiều góc nhìn.

Lê Vi Thuỷ không diễn giải, thể hiện cái tôi mà thiên về chiều sâu nhân văn của cái tôi. Những thân phận đời “courtisane” (gái gọi hạng sang), “người đàn bà trầm mình trên gối cỏ”, “người đàn bà ngồi trong chốn xa xăm”… lặng lẽ đi vào thơ chị một cách tự nhiên như cuộc đời vốn thế! Những hành ảnh đầy nhục tính không lây nhiễm, liên luỵ, ngược lại chúng khiến ta nhức nhối về cuộc sống hiện thời. Tiền bạc và quyền lực quyết định trò chơi thân-thể-đàn-bà. Sự chấp thuận xót đắng như nụ cười khan của người đàn bà trước “cuộc tình trong hoắc sâu thất lạc”. Nhưng đằng sau những hình ảnh ấy là một cái tôi đớn đau như tan rã vào giông tố của thân-phận-đời (Sẫm màu ú ớ - Lê Vi Thuỷ). Chuyến kiếm tìm bản ngã của Hồng Thuỷ Tiên, Ngô Thị Thanh Vân cũng xuất phát từ đối tượng - người đàn bà. Nhưng cái tôi của họ không soi vào cuộc đời người đàn bà như Lê Vi Thuỷ mà họ phát hiện mình qua phiên bản của người đàn bà khác. Sự ảnh chiếu của thân phận người đàn bà song trùng với thân phận họ trong tương lai: “Năm mươi năm sau nữa/ Thấy bóng mình ngồi trên bậc cửa trại tế bần ngày hôm nay/ Như một phiên bản!” (Phiên bản - Hồng Thuỷ Tiên). Hình ảnh người đàn bà ngồi ở bậc cửa của một trại tế bần không chạm bằng đường nét mà xoáy vào chiều sâu tâm hồn. Người đàn bà trở thành trung tâm xoay vần của quỹ thời gian: từ trẻ đến già, từ ngọn lửa tình yêu đam mê đến sự lụi tàn… Hồng Thuỷ Tiên vận vào mình, chị xem sự ảnh chiếu cuộc đời ấy cũng là định mệnh, là phiên bản của chính chị. Khi đối diện với gương soi, người đàn bà đang đối diện với một người lạ. Nhan sắc và sự tàn phai song hành cùng một mẫu số: thời gian. Ngô Thị Thanh Vân nhận ra hệ luỵ ấy khi chị cất lên tiếng nói thầm kín của “người đàn bà soi gương”. Đó cũng là tiếng nói của những tấm-lòng-trắc-ẩn: “Người đàn bà khóc/ chiếc nhẫn tụt khỏi ngón tay áp út tạo thành thanh âm/ lanh canh lanh canh lạnh buốt/ Tôi đứng sau cánh cửa/ chợt rùng mình/ Nghĩ. Ba mươi năm sau…” (Người đàn bà soi gương).

Như thế, Lê Vi Thuỷ, Hồng Thuỷ Tiên và Ngô Thị Thanh Vân đều có những nỗi niềm riêng trước thân phận chung của người đàn bà. Từ cái tâm vị tha, bao dung, đồng cảm, tiếng lòng của họ chạm vào tiếng lòng chung của những người đàn bà. Ngô Thị Thanh Vân còn lấy mình làm đối tượng để truy tìm bản ngã trong thì tương lai: “Bình yên trên đôi mắt thiên thần/ em nhìn em nhìn em/ gương nhìn em nhìn gương/ nụ cười người đàn bà trong thì tương lai vẫy gọi” (Soi). Chị hoá trang khuôn mặt của mình để tìm những khía cạnh khác, góc khuất khác mà chị chưa thể hiểu: “mỗi ngày/ em tự vẽ cho mình khuôn mặt mới/ khác em/ nguỵ trang hình hài cảm xúc/ trưng bày một manơcanh…// bôi, xoá, tẩy, rửa/ mong sự thanh trùng trả lại em hồn nhiên trong sáng/ hồn nhiên đã bỏ đi rồi// em lắc đầu. Cái lắc đầu cô độc/ ngày mai/ một mặt nạ khác/ đang chờ” (Hoá trang). Trò chơi này không bao giờ kết thúc. Bởi, trong bản thân chúng ta luôn có những hình nhân khác nhau. Trong từng thời khắc, mỗi hình nhân sẽ loé lên những dị biệt của bản ngã. Sự dấn thân kiếm tìm này tuy không có chừng mực, đích cuối nhưng nó cũng mở ra niềm khát khao được hiểu mình của chính tác giả. Hay nói như Lacan: mỗi người đều ở trong trạng thái/quá trình khát khao tự tìm chính mình. Các cây bút nữ trẻ Tây Nguyên đang tìm kiếm. Song con đường truy tìm bản thể chưa thật sự đậm nét, chưa có những tuyên ngôn dứt khoát. Ý thức phái tính còn khuôn mẫu, gò bó chưa cho phép họ nổi loạn, khẳng định bản ngã của mình. Sự mạnh bạo, tự tin như cách viết của Vi Thùy Linh chưa đạt tới:“Tôi là tôi/Một bản thể đầy mâu thuẫn/Tôi đã nhìn mình trong gương cả khi khóc khi cười/ Bất cứ lúc nào, trên sân khấu cuộc đời/ Tôi vẫn là diễn viên tồi/ Bởi tôi không bao giờ hoá trang để nhập vai người khác” (Tôi – Vi Thùy Linh).

Sự đồng cảm, chia sẻ với thân phận những người đàn bà trong các sáng tác nữ Tây Nguyên khá già dặn. Hình như họ đang đối thoại với chính bản thể thứ hai của mình chứ không đơn thuần chỉ là hình ảnh thực của cuộc sống. Họ viết và tâm sự bằng những tình cảm thật xuất phát từ đáy lòng của họ. Nhưng, ở mảng này, giọng điệu chưa đủ mạnh để họ tuyên ngôn sự làm chủ của chính phái mình như Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Ngô Thị Hạnh, Lữ Thị Mai, Trương Hồng Tú,... Họ đang bằng lòng với những áp đặt về giới, với những bổn phận mà không thể trốn tránh, không thể tranh đấu. Thơ của người viết trẻ nhưng sức trẻ chưa được đốt/cháy hết mình. Hoàng Thanh Hương cũng có một vài bài khá trội khi tuyên ngôn chính kiến, lập trường của phái mình. Chị không chấp nhận sự hiển nhiên mà người ta cho rằng đó là định mệnh luôn neo bám vào cuộc đời người đàn bà. Chị viết về những người đàn bà ở làng Cisjordanie không chỉ bằng sự cảm thông mà còn thể hiện sự bất bình trước sự cam chịu của họ. Cái cần thiết nhất là họ phải vượt qua sự yếu đuối, cân bằng lại giá trị của chính mình bằng cuộc chiến giải phóng. Không thể “chỉ biết khóc và trốn chạy”. Vì kết quả của giải pháp đó chỉ là sự bế tắc, nô lệ: “Đâu đó ở một nơi hẻo lánh của thế giới/ tình yêu là thứ vớ vẩn/ đàn ông là hoàng đế/ đàn bà giá trị không bằng dê cừu/ một lỗi nhỏ dẫu là sơ ý/ đồng nghĩa với những cơn cuồng nộ/ và cái chết…/ đàn bà chỉ biết khóc và chạy trốn” (Đừng chỉ biết khóc và trốn chạy). Những ý tưởng thơ như thế này chưa phải là thế mạnh của đội ngũ thơ nữ trẻ Tây Nguyên.

Nổi bật trong các sáng tác của các cây bút nữ trẻ Tây Nguyên là đề tài tình yêu. Họ dành nhiều tình cảm, trăn trở, suy nghĩ về người mình yêu. Ở cái độ trẻ (dưới 35 tuổi), chưa thể khẳng định hoàn toàn những chứng nghiệm thực tế của họ là xác đáng. Bởi họ chứng nghiệm, trải nghiệm tình yêu bằng tư duy trẻ, bằng những lần vấp ngã, bằng sự cô đơn của chính mình. Ngô Thị Thanh Vân trải lòng mình bằng độ đam mê, khát vọng bỏng thiết. Khi “rơi” vào nhau, hoà nhập với người mình yêu, vũ trụ này là của hai người: “khi ta rơi vào nhau/ vũ trụ ngập tràn bí ẩn/ lời thì thầm như sóng thần ập tới/ nhẹ nhàng. Chìm cả nhân gian” (Rơi). Tình cảm đầu đời vẫn còn ám ảnh Hoàng Ngọc Mai: “Lặng nhìn/ cánh phượng hồng hoe/ Mải mê/ tiếng dội/ Dàn ve thổi buồn/ Tìm ai/ cạn vết/ lối mòn/ Chờ ai/ chờ cả/ héo hon tuổi hồn/ Biết mình/ bằng kẻ trống không/ Đành thôi/ bỏ mặc/ niềm mong bến người/ Cúi lòng/ nhặt cánh phượng rơi/ Sắt se/ phượng thắt/ vào nôi tim chờ” (Phượng buồn). Hình ảnh, tứ thơ không nặng nhưng nặng ở cái tình của chị. Hồng Thuỷ Tiên không than thân, buồn tiếc mỏi mòn như Hoàng Ngọc Mai, chị rất mạnh mẽ, căng mình ra để đón nhận những nỗi đau tình, đón nhận mũi tên từ phía anh dẫu nó sẽ làm chị đau đớn. Sức mạnh của con phượng hoàng trong em vẫn không ngừng chống chọi, bởi chỉ có như thế, nó mới nếm trải được các sắc thái của nhựa tình: “Vết thương lại rỉ máu thêm một lần khi bàn tay anh khẽ chạm/ Đông hoen lửa vệt tro tàn/ Con phượng hoàng trong em cất cánh/ Lảo đảo mũi tên bắn/ Nước mắt đóng băng dưới mấy tầng trời/ Vùi chôn không định hạn/ Thương yêu & thù hận…// Khi anh giương cánh cung/ Em lại chọn anh/ Để một lần mình được rồ dại? (Cần nhau để trút dần hơi thở)…

Tình yêu thường song hành với bản năng tính dục (sex). Không phải trong thơ có sex, thơ mới hay. Nhưng nếu sex thái quá, thơ dễ gây phản cảm, bị phê phán. Yếu tố sex đặt dấu ấn nổi loạn, sự tự do bản ngã của bản năng tính nữ. Ở đó, họ chủ động, nếm trải bằng ý thức phái tính của mình. Sex là một trong những yếu tố tăng thêm chất nữ tính trong thơ. Thơ nữ trẻ Tây Nguyên đang rụt rè với mọi cửa ngõ của sex. Hay nói cách khác, cơn lốc tình dục chưa tác động nhiều đến sáng tác của các cây bút nữ trẻ Tây Nguyên. Sự táo bạo trong cách thể hiện tình yêu như thơ Vi Thuỳ Linh, Lưu MêLan, Phương Lan, Lynh Bacardy,… thì chưa có. Trong số các tác giả có thơ hơi hướm sex thì cách viết của Lê Vi Thuỷ ấn tượng hơn hẳn các tác giả khác. Chị chú ý nhiều đến cách thức thể hiện của từng con chữ. Vì thế, người đọc có thể  thấy những vi mạch khát khao nhục tính trong thơ chị như nhảy múa theo từng điệu nhạc của cơ thể: “Hoan hỉ đi qua/ tấm thân trần truồng phả từng hơi nóng vào mặt kính/ từ trên cao nước va đập xuống ngón chân/ mổ vỏ ra ngoài/ nhún nhẩy cấu trúc zích zắc” (Đừng nhìn sâu vào mắt em – Lê Vi Thuỷ). Pha vào một chút men tính dục, thơ chị vừa có sự đam mê, cuồng nhiệt, vừa có sự nhẹ nhàng, hấp dẫn. Chị tránh được sự thái quá trong cách diễn đạt sex. Thơ Ngô Thị Thanh Vân cũng có vài thi ảnh khơi gợi. Chất sex được lồng một cách tinh tế bằng những lời thơ đằm thắm, bay bổng và lãng mạn:

anh đánh thức em bằng nụ hôn dịu êm

vòng tay riết chặt như còn tiếc nuối phút giây êm đềm ngây ngất

lại một ngày để yêu thương dỗi hờn nhung nhớ

lại một ngày mới để sống cho những khát khao dẫu nhỏ bé bình thường

(Đánh thức)

Sự bùng nổ, bạo liệt trong cách biểu hiện tình yêu của thơ phái đẹp trẻ Tây Nguyên chưa tạo được cú shock đối với độc giả. Trong tình yêu và sự dâng hiến còn dè dặt, ý và lời không thoát ra được một cách tự nhiên như dòng chảy cuộc sống vốn thế. Mức độ dấn thân, tiếng nói tuyên chiến của các cây bút nữ trẻ Tây Nguyên chưa được tận quyết. Những áp lực giới tính vẫn ăn sâu vào suy nghĩ của họ. Cái tôi chưa thoát khỏi những ràng buộc. Còn quá ít những cái tôi dữ dội, táo bạo, đột phá như: “Em muốn delete tình yêu/ Tuỳ anh có hiểu hay không hiểu vì sao em làm thế/ Con rắn trong em trườn qua xác chết, trườn qua hết thảy mọi định kiến/ Con rắn ngóc đầu nguyền rủa dòng máu đỏ/ Em vẫn yêu thương đến nhu nhược vì anh// Em muốn format kỷ niệm/ Tuổi trẻ chẳng cần nương tựa vào đâu/ Con ngựa sáu chân uốn cong mình trốn chạy/ Vẫn là nỗi bất an phía trước – lưỡi dao ngước nhìn em, rình rập hiểm nguy// Em muốn và em không muốn/ Những điều đó cũng chẳng hề hấn gì với thế giới đang quay” (Em muốn – Ngô Thị Hạnh).

Khát vọng quê hương, về mẹ, “giấc mơ đồng thoại” song hành với chất Tây Nguyên luôn đau đáu, ám ảnh, thường trực trong tâm hồn của các cây bút nữ trẻ Tây Nguyên. Ngôn từ đậm “đặc sản” Tây Nguyên. Các giá trị văn hoá đều được lẩy vào trong thơ: đàn goong, đàn tơ-rưng, đàn klông-pút, chiêng cồng, gùi, ché chum,… Đặc điểm này khiến tiếng nói trong thơ của họ khác với thơ của các miền khác. Y Việt Sa đứng từ vị thế của người xa quê, có thể nói là quên cả “ngày về” để cất lên những tâm tư, suy nghĩ về núi rừng, con người Tây Nguyên (Vết thương phố xá). Hoàng Thanh Hương cũng thế! Vẫn nhớ khôn nguôi (Với những vùng đất tôi qua). Những tên đất, tên làng, hoạt động thân thuộc của người quê như ăn sâu vào trong tâm khảm nhà thơ. Lê Thị Kim Sơn bâng khuâng thơ thẩn bước tìm về ầu ơ. Hoàng Ngọc Mai lấy yếu tố tự nhiên “nắng hồng vỡ môi”, “căng lồng ngực Ba Zan” (Ngày mới trên buôn em) làm nền cho sự bung vỡ của ngày mới. Nhờ đó, cuộc sống Tây Nguyên thêm phần lôi cuốn, đầy sức sống. H'Trem Knul nhớ đến những lần mẹ gội đầu, sưởi tóc. Mái tóc dài như từng lớp trầm tích năm tháng khổ đau, vất vả của mẹ:

Con nhớ quá, mái tóc dài của mẹ

Không thẳng mượt mà cháy xù lên vì nắng

(Bài thơ của con khi nhớ mẹ)

H'Trem Knul còn lấy bảy ngày uống rượu cần làm cảm hứng sáng tạo cho bài thơ “Tiệc rượu” của mình. Bài thơ không mới về đề tài nhưng mới ở cách kết thúc. Chị đang làm nhiệm vụ lưu truyền nét đẹp văn hóa ấy. Việc được uống rượu cần, được say như thế luôn là nỗi khát, nỗi thèm muốn của mỗi một con người Tây Nguyên. Lúc ấy, con người có thể cởi bỏ những vướng bận và xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn. Đó là giá trị văn hoá cần được bảo vệ và lưu truyền. Lời thơ giản dị, tình cảm chân thành như cái tình của chị dành cho giá trị văn hóa của Tây Nguyên. Nhấp chút rượu là nhấp chút tình Tây Nguyên trong đó.

Những thi ảnh: khúc hát đồng dao, trò chơi con trẻ, cưỡi trâu, tắm ao… cũng chan chứa biết bao nhiêu cảm xúc! Các thi ảnh ấy là những biểu-tượng-tuổi-thơ, ám ảnh, thường trực, trở đi trở lại. Trong đó, kiểu “giấc mơ đồng thoại” được đa số các nhà thơ trẻ tận dụng: Tôi mơ – Lê Thị Kim Sơn; Ngày ru – Lê Vi Thuỷ; Đăk Glei chiều mơ – Hoàng Ngọc Mai… Nhưng mơ đến độ say mèm dưới ánh trăng thì chỉ có Hoàng Thanh Hương: “Ôi những đêm mùa khô/ ôm đàn hát dưới trăng/ bài hát có con đường nghiêng bóng tre/ tiếng trẻ i ơi gọi nhau lùa trâu về xóm/ tiếng mưa ngân trong vườn quả chín/ tiếng ru thầm thì bên bếp lửa đêm sương// Ôi những đêm mùa khô/ say mèm dưới trăng/ ta mơ…” (Giấc mơ lộng lẫy). Giấc mơ đẹp của tuổi thơ như đưa chúng ta đến miền cổ tích, thoát khỏi những âm bản nhưng nhức cuộc sống hiện tồn.

Viết về tính chất đồng tộc, ngôn từ của các nhà thơ hầu hết đều ít có sự đánh đố. Mạch thơ và mạch tình cảm song hành tuôn chảy tự nhiên như thác Yaly, thác Krông Kma, thác Thuỷ Tiên… Giọng điệu và ngôn từ chưa tạo được dấu ấn, nét riêng. Tiếng thơ truyền thống còn nhiều, chưa có sự thoát xác, đổi mới. Chỉ thơ của Lê Vi Thủy Hoàng Thanh Hương, Hồng Thủy Tiên, Ngô Thị Thanh Vân là có chiều hướng cách tân, hậu hiện đại cả về nội dung lẫn hình thức. “Khúc giao mùa” của Lê Vi Thủy là một ví dụ. Chị gõ “khúc giao mùa” bằng những nốt nhạc lạ, mới: Biển Hồ thì “rong rêu khóe mắt”, chiều “tồng ngồng” trong đôi mắt xuân, “đói nghèo lọc cọc” của vùng đất bazan đỏ in lên cả thân hình hàng thông xanh, phố khỏa thân để cơn mưa len vào ngực, Pleiku “bung vàng hoa dại”….  

Từ góc nhìn của người xa quê, các cây bút nữ trẻ Tây Nguyên vừa thể hiện nỗi nhớ, tình yêu khôn nguôi của mình vừa bày biện những giá trị văn hóa truyền thống của Tây Nguyên. Đối với họ, dẫu con người ta có những giây phút quên đi, giá trị ấy vẫn tồn tại mãi mãi. Tiếng thơ của họ chưa có nhiều đổi mới nhưng dẫu sao đó cũng là tiếng thơ chân thành, sâu lắng, hết lòng với quê hương, đất nước. Ở chặng hành trình này, họ đã tìm thấy cái tôi của mình trong sự hoà nhập với cộng đồng. Đó là những cái tôi nặng tình cảm, hết mình vì quê hương.

Như vậy, hành trình tìm bản ngã khá đa dạng. Thơ của họ đã mở ra các góc nhìn, từng biểu hiện khác nhau của tính cách nữ: Lê Vi Thuỷ sắc nét, lạnh lùng mà nhân ái; Hồng Thuỷ Tiên tinh tế, đầy ưu lo; Ngô Thị Thanh Vân trăn trở, suy tư; Hoàng Thanh Hương vừa mạnh mẽ vừa xót đau, H'Trem Knul tràn đầy cảm xúc cội nguồn; Hoàng Ngọc Mai với cái tôi kiếm tìm, nuối tiếc; Y Việt Sa giản dị, đằm thắm…  Các nhà thơ nữ tìm để hiểu mình, thể hiện cảm xúc của mình, suy nghĩ của mình. Những trải nghiệm từ cuộc sống đều được họ đưa vào thơ, nhìn bằng tâm thế trẻ. Họ trung thành với cái tôi của mình, bày tỏ những gì mà họ quan tâm, yêu mến. Vì thế, đôi khi sự cất dấu mạch cảm xúc còn vụng, khá lộ. Phần nhiều, họ chỉ chăm chút cho khoảng trời riêng tư của mình, ít quan tâm đến những biến động của thời thế. Mà việc quan tâm đến xã hội, đến cuộc sống hiện sinh cũng là cách để chúng ta thể hiện cái tôi, chính kiến của mình. Nếu có thì cũng lác đác một vài bài thể nghiệm: “Trường Sa/ Người hát đi!/ Những ánh mắt đang hướng về lấp lánh/ Những trái tim rộn ràng đáy ngực/ Những nghẹn ngào đứt đoạn lời ca/ “không xa đâu Trường Sa…”” (Trường Sa – Hoàng Thanh Hương). Dẫu sao đó cũng là tín hiệu đáng mừng cho dòng văn học mang tính thời sự. Vấn đề cuộc sống hiện tại luôn cần đến sự nhạy cảm và tài hoa của mỗi nhà thơ.

Trong sáng tác, người viết phải chịu trách nhiệm với chính mình ngay từ sản phẩm đầu tiên. Có ý thức trách nhiệm với sản phẩm của mình thì nhà thơ mới khẳng định được tiếng nói của mình. Đối với các nhà thơ nữ trẻ, yếu tố họ tự có là sức trẻ. Vậy, hãy tận dụng sức trẻ, sự mạnh mẽ của bản ngã, lòng nhiệt huyết để tạo ra những dấu ấn/phong cách riêng cho mình. Nhìn vào những cái được và chưa được, đội ngũ thơ phái đẹp Tây Nguyên chưa có những cú hích, bước đột phá, sự bùng nổ về giọng điệu, sắc thái để tạo ra một dòng thủy lưu riêng biệt của Tây Nguyên. Lẽ ra, ở một vùng đất giàu có, tiềm tàng và bí ẩn của văn hóa sẽ có những cây bút chói sáng làm nên vũ điệu Tây Nguyên. Hy vọng, trong bản nhạc thơ của mọi miền đất nước, những cây bút nữ trẻ Tây Nguyên sẽ tấu lên được giai điệu riêng của xứ sở mình. Những gì họ đang có và đang đi, ít nhiều cũng đã gây sự chú ý đối với bạn đọc khắp cả nước.

Đồng Hới, ngày 28-9-2011

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn