THẾ GIỚI TƯỢNG TRƯNG TRONG THƠ BÍCH KHÊ
*
Vì là “một đỉnh núi lạ” nên ngay từ khi mới ra đời, thơ Bích Khê đã được đón nhận không như những nhà thơ khác. Người thích thì khen hết lời, người không ưa vì chưa hiểu thì chê cũng đủ mọi nhẽ. Ngay như Hoài Thanh trong cuốn Thi nhân Việt Nam phần giới thiệu về Bích Khê, sau khi mạnh dạn buông lời “những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam” về câu thơ: Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm? – Nàng là hương hay nhan sắc lên hương rồi lại bảo: nhiều bài thơ của Bích Khê tôi không đọc, hoặc chỉ đọc đôi ba bận, mà thơ người đọc vài lần thì coi như chưa đọc. Những người mê thơ Bích Khê coi ông là “thi sĩ thần linh”, họ ca ngợi ông có những câu thơ hay nhất Việt Nam. Ở Quảng Ngãi quê hương ông, người ta còn thành lập ra hội những người yêu thơ Bích Khê.
1.3. Xuất hiện trên thi đàn với những cách tân được coi là vượt lên trên những người đương thời. Thơ ông thường nói về cái bên trên của cuộc đời, nói về cõi mộng, cõi tâm linh. Gần đây, một số nhà thơ Việt Nam đương đại cũng sáng tác theo kiểu thơ này nhưng thực sự chưa ai đạt đến độ tâm linh, ảo mộng và trừu tượng như Bích Khê. Bích Khê là nhà thơ tượng trưng, nói đến thơ ông, người ta thường chú ý đến ba khía cạnh: vẽ tranh lõa thể bằng thơ; thơ của hương thơm và nhạc điệu; bút pháp siêu thực, tượng trưng. Bích Khê đã đưa người đọc đến những tầng bậc sâu thẳm của cảm nhận, đó không chỉ là mộng, là ảo mà còn là tiềm thức và ảo giác nữa. Vì vậy tìm hiểu thế giới tượng trưng trong thơ Bích Khê không chỉ để hiểu sâu hơn, đánh giá đúng hơn về thơ ông mà còn có được cơ hội hiểu đúng hơn về nhiều hiện tượng thơ ca khác trong nền văn học Việt Nam đương đại.mVì những lý do đó, chúng tôi mạnh dạn chọn Thế giới tượng trưng trong thơ Bích Khê làm đề tài luận văn của mình.
2.Lịch sử vấn đềBích Khê được biết đến như một thiên tài thơ ca có đóng góp lớn vào nền thi ca Việt Nam. Năm 1963, trong bài Nhạc và họa trong thơ Bích Khê, tác giả Đinh Cường đã chỉ ra: “Bích Khê đã phát ra một rung động mới mẻ và thường dùng những yếu tố tượng trựng để diễn tả những hình ảnh và ý tưởng khác lạ có đủ ma lực để gợi ra hay làm sáng tỏ đối tượng” [25,164]. 15/8/1966, Văn – một tập san văn học nghệ thuật xuất bản ở đô thị miền Nam trước 1975 – đã ra một số đặc biệt để tưởng niệm Bích Khê (số 64). Tập san này đã giới thiệu tám bài viết đặc sắc của các tác giả là nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học như: Đôi nét về cuộc đời Bích Khê của Quách Tấn; Bích Khê có khuynh hướng chính trị không; Nhân nhớ Bích Khê và thơ Bích Khê bàn về thơ tượng trưng của Tam Ích; Người em Bích Khê của Lê Thị Ngọc Sương..
Đến năm 1974, tạp chí Văn học số chuyên đề về Bích Khê ra ngày 20/11 có bài viết về Bích Khê: Dòng thơ, khoảng thơ và thời gian của Phạm Hoài Việt; Thế giới thơ tương trưng Bích Khê của Phạm Kim Thịnh và Tinh huyết của Bích Khê của Lê Huy Oanh, tác giả Lê Huy Oanh đã phát hiện thấy ở ông một tài năng sử dụng yếu tố tương trưng rất độc đáo, ám gợi.
Bích Khê còn xuất hiện trong các tuyển tập thơ như của Nguyễn Tấn Long, Thi ca Việt Nam hiện đại của Trần Tuấn Kiệt (1965), hay trong các tiểu luận phê bình như Ý Văn 1 của Tam Ích (1967), Thi nhân tiền chiến (quyển hạ 1969), Đời Bích Khê của Quách Tấn (1971)… Trong những bài viết này, các tác giả đều tập trung nghiên cứu đời và thơ Bích Khê, nhìn chung họ khẳng định Bích Khê là nhà thơ tượng trưng, “Nhà thơ của sáng tạo và cách tân, là người gieo hạt giống thơ cho mùa sau” (Trần Hoài Anh).Năm 1988, tập Thơ Bích Khê do Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình phát hành, di sản thơ ca của thi nhân đã có dịp đến với người đọc tương đối hoàn thiện và đầy đủ. Bên cạnh đó còn một số công trình khác có giá về việc nghiên cứu thơ Bích Khê như: Bích Khê, khuôn mặt độc đáo trong phong trào thơ mới (Lê Hồng Khánh, 1990), Bích Khê con chim yến của thời gian (Võ Tấn Cường, 1995), Bích Khê – sự thức nhận ngôn từ (Đỗ Lai Thúy, 1997)…Bài viết Bích Khê – sự thức nhận ngôn từ, in trong tập tiểu luận Mắt thơ 1 (2000) của Đỗ Lai Thúy cũng đề cập đến yếu tố tượng trưng trong thơ ông, bởi “những tiếng không lời”. Theo tác giả, “thơ lãng mạn đã phát hiện ra âm nhạc, bởi như nó quan niệm, thơ là câu chuyện của trái tim, thơ truyền cảm qua thơ – nhạc. Chỉ những nhà thơ tượng trưng mới chọn chất nhạc làm thức dậy được những bẩm tính cổ sơ và gõ vào những cánh cửa tâm linh của mỗi người? Nhưng âm nhạc mà thơ tượng trưng tìm kiếm không phải là thứ âm nhạc hùng hồn, sôi nổi, mà êm dịu, nhưng có sức rung động sâu xa. Nhạc điệu có đôi khi ta cảm thấy rõ rệt, tuy nó vẫn có: nó thấm dần vào lòng ta, len lấn, lê thê khiến ta bâng khuâng ngây ngất. Đó là thứ nhạc điệu làm cho độc giả đi vào cõi mộng. Thơ phát ra thứ âm nhạc này có giá trị như những câu thần chú” [90, 200].Năm 2005, Nhà xuất bản Văn học đã cho ra đời cuốn 70 năm đọc thơ Bích Khê sưu tầm 59 bài thơ và 16 bài viết của nhiều tác giả đọc thơ Bích Khê hơn 70 năm qua, để trân trọng và bảo tồn “một loại văn hóa có giá trị”. [10].Năm 2006, hội thảo về thơ Bích Khê được tổ chức tại Quảng Ngãi kỷ niện 60 năm ngày mất của thi nhân. Hội thảo đã gây được sự chú ý, thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu và các độc giả yêu thơ. Gần 300 đại biểu là lãnh đạo các tỉnh thành, các giáo sư, tiến sĩ, các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học, nhà báo của các tỉnh thành đã về dự. Đây là cuộc hội thảo đầu tiên về thơ Bích Khê được tổ chức khá quy mô, với trên 40 tham luận của các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu có tên tuổi trong cả nước. Các tham luận chính là: Đặc sắc thơ Bích Khê của nhà thơ Vũ Quần Phương, Tập thơ Tinh huyết của Bích Khê và gian đoạn phát triển thứ hai của thơ mới của nhà phê bình Lại Nguyên Ân; Bích Khê với ca trù của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha; Những đóng góp của Bích Khê vào nền thơ ca hiện đại Việt Nam của giáo sư Lê Hoài Nam v.v… đều nói lên cái hay, cái đẹp, sự độc đáo trong thơ Bích Khê, cũng như cuộc đời và sự nghiệp ông đã cống hiến hết mình vì thơ ca.
Trong các tham luận, có nhiều bài viết đề cập và phân tích những dạng thức khác nhau về yếu tố tượng trưng trong thơ Bích Khê như Ảnh hưởng của Baudelaire trong thơ Bích Khê của Nguyễn Thị Đỗ Quyên. Ở bài viết này tác giả chỉ ra những điểm tương đồng giữa Bích Khê và Baudelaire trong quan niệm thẩm mỹ: “Cái đẹp hiện diện ngay trong những cái hỗn độn xô bồ của cuộc sống”. Đặc biệt là Bích Khê đã ảnh hưởng và học tập Baudelaire “tính tượng trưng”, tức là đều chủ trương phản ánh thế giới bằng hình ảnh tượng trưng. Đó cũng là lí do khiến Bích Khê chọn yếu tố tượng trưng làm phương tiện biểu hiện đắc lực trong thơ của mình. Tác giả còn cho rằng tính tượng trưng trong thơ Bích Khê đều là những “mã hóa” đang cần những chìa khóa khơi gợi và giải mã [25, tập 1, 26]. Bài viết của Nguyễn Hồng Dũng, Edgar Poe, chủ nghĩa tượng trưng pháp và Bích Khê, cũng khẳng định thơ Bích Khê là “tiếng nói siêu nghĩa”, các từ được dùng trong cấu trúc thơ và bài thơ bao giờ cũng ứng với tâm trạng, có sức biểu hiện cao độ, nghĩa của một từ có thể gợi lên nghĩa của nhiều từ khác [25, tập 1, 42]. Trong bài viết Những đóng góp của Bích Khê vào nền thơ ca hiện đại của Việt Nam, giáo sư Lê Hoài Nam khẳng định Bích Khê là “một kẻ táo bạo trong nghệ thuật ngôn từ”, đã tạo ra được những hình ảnh mới mẻ đầy sức sống, mang nhiều tầng lớp ý nghĩa… Từ thế giới hữu hình trước mắt mà hình dung khám phá ra một thế giới huyền ảo khác bằng những so sánh, ẩn dụ táo bạo bất ngờ rất thú vị [25, tập 1, 66].
Bên cạnh đó còn một số bài viết đề cập đến những đối tượng cụ thể như vấn đề nhục cảm hay là thân thể con người, nhưng thực chất đây cũng là những biểu hiện của thế giới tượng trưng. Như bài viết Nhận diện Bích Khê của Lê Hồng Khánh, tác giả cũng đề cao cách viết về vấn đề nhục cảm của thi nhân được diễn tả bằng “những hình ảnh nước đôi” và với những “thủ pháp phù thủy” [25, tập 1, 81]. Còn Trần Thanh Hà với bài viết: Vẻ đẹp hội họa trong thơ Bích Khê cho rằng một số bài thơ có hình ảnh đẹp nhưng gợi nhục dục song lại khẳng định đó là sự tôn sùng ngợi ca cái đẹp “mỗi bài thơ là một mảng của đời là bức tranh riêng biệt để cùng tạo thành thế giới hình tượng đầy màu sắc trong thơ ông” [25, tập 1, 72]. Tác giả Lê Hoài Nam chỉ ra “những đóng góp của Bích Khê vào nền thơ ca hiện đại Việt Nam”, trong đó có quan niệm về cái “đẹp” rất mới mẻ và phức tạp: “trong lịch sử thơ ca Việt Nam, Bích Khê là người đầu tiên phơi bày và ngợi ca cái đẹp của cơ thể con người trong sự toàn vẹn của nó. Ông không tránh né nói đến, miêu tả những bộ phận kín đáo của người phụ nữ, công nhiên bộc lộ những rung động nhục dục” [25, tập 1, 63].
Bích Thu trong bài viết Đi vào cõi thơ Bích Khê cũng cho rằng “phô diễn vẻ đẹp con người với cái nhìn nhục thể” đồng thời cũng thấy được “người làm thơ nhân hóa với cái nhìn nhục cảm” khiến cho “thơ của thi nhân mê hoặc, ám ảnh, giăng mắc, buộc người đọc phải hơn một lần trở lại với thơ ông” [25, tập 2, 6].
Trần Đình Sử lại chỉ ra khá cụ thể về Ngôn ngữ thân thể trong thơ Bích Khê, tác giả cho rằng việc phân chia các bộ phận thân thể con người bằng ngôn ngữ cũng chính là phương tiện để xây dựng yếu tố tượng trưng. Ông còn viết “thân thể trong thơ Bích Khê thấm đượm hồn, cảm xúc thân thể đầy mỹ cảm” [25, tập 2, 24]. Tác giả Phạm Xuân Nguyên với bài viết Thi sĩ Bích Khê – thi sĩ thần linh – thơ lõa thể, cũng nói về hình ảnh, chân dung của Nàng Đẹp nhưng đó cũng chính là những hình ảnh, tượng trưng về thân thể con người [25, tập 1, 51].
Tác giả Lại Nguyên Ân với bài viết về Tập thơ Tinh huyết của Bích Khê và giai đoạn phát triển thứ hai của thơ mới, đã chỉ ra ở Tinh huyết có một số đặc điểm của chủ nghĩa hiện đại châu Âu, rõ nhất là những biểu hiện tượng trưng, siêu thực trong cách cảm nhận và thể hiện của nhà thơ đồng thời làm sáng tỏ qua một số hình ảnh nói về thân thể con người được láy đi láy lại [25, tập1, 123].
Tác giả Nguyễn Thành Thi có bài viết Những vần thơ tinh kết “hạt châu trong” đã chỉ ra nguyên nhân và cách thể hiện hình ảnh trong thơ Bích Khê: “với cái nhìn con người và thế giới mơn trớn, đắm say như vậy, thơ Bích Khê tạo tác cả một thế giới hình ảnh riêng”: tác giả còn chỉ ra: “hình ảnh trong thơ Bích Khê trước hết là hình ảnh tượng trưng siêu thực. Chúng có thể được xây dựng theo lối so sánh, ẩn dụ, lối “so sánh cụt”, “ẩn dụ cụt” khiến cho chúng thành kỳ dị độc đáo quyến rũ nhiều khi đẹp lộng lẫy… Hình ảnh trong thơ ông được xây dựng trên những liên tưởng “kép”, đứt đoạn, rất phức tạp, rất bất ngờ trong một trạng thái tinh thần dường như nửa tỉnh nửa mê sảng. Theo đó nhiều hình ảnh trở thành biểu tượng phức hợp đa nghĩa… và cũng theo đó tạo ra một thế giới hình ảnh thơ theo kiểu Bích Khê: thượng giới, trần gian và địa ngục đều đẹp, buồn và gợi nhục cảm như nhau [25, tập 2, 56-57]. Riêng tác giả Trịnh Hoàng Mai với bài viết: Một vì sao sớm tắt đã chỉ ra những hạn chế trong cách xây dựng hình tượng, trong kỹ thuật phô diễn còn chịu nhiều ảnh hưởng bên trời Âu. Nhưng đồng thời cũng không quên khẳng định những hình tượng đẹp đẽ hoành tráng trong tập thơ Tinh hoa, khẳng định tài năng của Bích Khê được thể hiện trong việc xây dựng những biểu tượng, tượng trưng được nhào nặn từ những hình ảnh cũ hay nói cách khác là lạ hóa những ẩn dụ cũ [25, tập 2, 46].
Năm 2006, kỉ niệm 90 năm sinh và 60 năm mất của thi nhân, trên Tạp chí Nghiên cứu văn học (số 4) cũng đăng năm bài viết về thơ Bích Khê. Năm bài viết này không phải hoàn toàn mới nhưng điều đó cho thấy vị trí Bích Khê và thơ Bích Khê không chỉ tồn tại trong một phạm vi hẹp mà thực sự đã trở về trong lòng quê hương và dân tộc. Trong số bài viết này, có bài Bích Khê và cách đánh giá của Hoài Thanh của Hoàng Thị Huế. Ngoài việc đề cập đến nguyên nhân vì sao Hoài Thanh lại có sự dè dặt trong cách đánh giá Bích Khê, tác giả còn rất đề cao quan niệm và sáng tác của trường thơ loạn nói chung và Bích Khê nói riêng “đã có những cách tân và thể hiện khá mới mẻ, tân kỳ từ cách sử dụng ngôn từ giàu nhạc tính, đến hình ảnh tượng trưng trong thơ” [101]. Đồng thời tác giả còn ca ngợi cách xây dựng hình ảnh thơ trong thơ Bích Khê là những biểu tượng mà lô gic thông thường của lý trí không sáng tạo ra được” [102]. Bên cạnh rất nhiều những công trình nghiên cứu khoa học về thơ Bích Khê được công bố trên các diễn đàn khoa học, các buổi hội thảo, còn có thể kể tới những luận văn khoa học, như khóa luận tốt nghiệp của Vương Hải Anh (2007) với đề tài Thơ trữ tình Bích Khê, trong đó cũng bàn về yếu tố tượng trưng với tư cách là một trong những phương thức thể hiện độc đáo của thơ Bích Khê. Đó là “nét độc đáo nổi bật ở hệ thống hình ảnh tượng trưng trong thơ Bích Khê là dung hợp rất nhiều ý nghĩa khác nhau thậm chí đối lập nhau, các lớp ý nghĩa này liên tục gia tăng và dịch chuyển, biến hóa ngay trong một văn bản, tương ứng với nhau trên dây truyền của ngữ nghĩa” [92].
Luận văn thạc sĩ khoa học của Nguyễn Thị Vân Anh (2009) với đề tài Thế giới biểu tượng trong thơ Bích Khê cũng đề cập đến những yếu tố tượng trưng và biểu tượng trùng phức với tư cách là một trong những yếu tố tạo nên tính độc đáo trong thơ ông được tác giả dẫn dụ “tượng trưng chia ra và kết lại với nhau, nó chứa đựng ý tưởng phân li và tái hợp, mọi yếu tố tượng trưng đều chứa đựng dấu hiệu bị đập vỡ. Ý nghĩa của hình ảnh tượng trưng bộc lộ ra trong cái vừa gãy vỡ, vừa là nối kết những phần của nó bị vỡ ra”.
Trên Internet có rất nhiều trang web với nhiều bài viết về Bích Khê, hay liên quan đến Bích Khê như Trang thơ Bích Khê – nơi gặp gỡ những người yêu thơ Bích Khê (bichkhe.org) có bài Tư duy nghệ thuật thơ Bích Khê nhìn từ các cấp độ hình tượng thơ; Bích Khê từ Tinh huyết thần dị đến Tinh hoa thần linh (2007) của Trần Thị Thu Hà… Trang thuykhe.free.fr cũng có một số bài như Thi pháp Bích Khê, Nhạc và họa trong thơ Bích Khê, Ảnh hưởng thơ pháp trong thơ mới và thơ Bích Khê, Hàn Mặc Tử (2009), Trang phongdiep.nef.default.asp? có bài Bích Khê và chủ nghĩa tượng trưng của Mai Bá Ấn và các trang evan.com.vn, NLĐ.com.vn, vietbao.vn… Trong số này có bài viết được cho rằng đã tạo nhiều cảm xúc cho người đọc, trích từ luận văn thạc sĩ của cô giáo Trần Thị Thu Hà: Tư duy nghệ thuật thơ Bích Khê – nhìn từ cấp độ hình tượng thơ với một cách nhìn mới lạ về một thế giới thơ đầy biến ảo mà vẫn hết sức dung dị và vô cùng thân thuộc. Đó là hình tượng cuộc đời “thơm như sữa lúa” với “muôn màu sắc khoái lạc” và “những hương thơm thanh khiết”, “con người chứa một trời thương” với tình yêu cuộc sống, tình yêu nghệ thuật, thi ca, “những rung động truyền thầm” với “đường kiến trúc nhịp nhàng theo điệu mới”, “những lời thơ lóng đẹp hạt châu trong”. Quả thật đó là những hình tượng thân thiết nhưng cũng rất mới lạ qua cách sử dụng một lớp ngôn từ và hình ảnh độc đáo…Với việc điểm qua những công trình, bài viết, liên quan đến thơ Bích Khê, chúng tôi thấy rằng viết về ông tuy ít nhưng hầu như thời nào cũng có. Có ý kiến thì đề cao khẳng định thơ ông và những cách tân về thơ, có ý kiến thì vẫn còn dè dặt, phân vân… mặc dù còn có nhiều cách tiếp cận không giống nhau như thế là do khác nhau về tâm lý, về thời đại… song nhìn chung, các tác giả đều khẳng định vẻ đẹp cuộc đời và thơ Bích Khê với những giá trị mới lạ, nó như là một “viên” ngọc quý… một loại di sản văn hóa có giá trị cần được trân trọng và bảo tồn” [24, 3]. Những công trình, những bài viết có đề cập đến tính tượng trưng trong thơ Bích Khê nhìn chung chưa lý giải một cách hệ thống về thế giới tượng trưng trong thơ ông. Trong điều kiện như vậy, chúng tôi cố gắng đưa ra một cách nghiên cứu tương đối có tính hệ thống về thế giới tượng trưng trong thơ Bích Khê, trên cơ sở tiếp thu các phát hiện đúng đắn của những công trình trước. Mong rằng luận văn sẽ đem lại cho những người yêu thơ Bích Khê một cái nhìn có hệ thống và toàn vẹn hơn về thế giới tượng trưng trong thơ ông cũng như thấy được vai trò của ông trong tiến trình vận động của Thơ mới 1932 – 1945.