Tuần Châu yên tĩnh, đúng như ông chủ mời gọi trên các poster: Thiên đường nghỉ dưỡng yên tĩnh; lại là đêm mùa Đông, sự sôi động của Hội nghị Quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam lắng xuống, cùng với hàng trăm sự mệt mỏi đường trường Hà Nội - Hạ Long. Yên tĩnh ngay cả khi chúng tôi tiến vào Lâu đài Trắng, nơi sẽ diễn ra Đêm thơ quốc tế.
Lâu đài Trắng chỉ bắt đầu sôi động khi các nghệ sỹ của Đoàn chèo Quảng Ninh xiêm áo rộn ràng ra múa hát chào mừng. Rồi độc tấu đàn nguyệt với giai điệu dọn giọng cho thơ, cho bài thơ vô đề của vua Lê Thánh Tông hơn 500 năm trước đã khắc trên vách đá ở Hạ Long được đọc bằng giọng nam trầm, được ngâm với giọng nữ kim thánh thót rồi tưng bừng xiêm áo múa phụ hoạ. Ngẫm nghĩ kỹ, thấy quả trong thơ còn có múa và cha ông xưa đã từng trình diễn thơ bằng nhiều chiêu thức độc đáo và thi vị: thơ ru con, thơ ngâm sổng, thơ hát xoan ghẹo, hát ví dặm, phường vải, thơ hát giao duyên, hát quan họ, thơ lẩy Kiều và cả thơ hát ca trù, cố nhiên.
NSUT Trần Thị Tuyết mà như MC Đỗ Trung Lai nói, bà là công thần của trình diễn thơ của Việt Nam đã trình bầy đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích trong Truyện Kiều. Chao ôi là giọng của người đang tuổi 79, sao lại còn có thể day dứt thấm thía, sau mỗi câu còn biết bao dư vị của sự ấm ức cứ nức nở lên trong cái nền giọng đài các đến thế. Tôi đoán các nhà thơ ngoại quốc cảm được trọn vẹn tâm trạng của Thuý Kiều khi ở lầu Ngưng Bích, dù họ không hiểu lời thơ. Vâng, ngâm thơ nói chung là để người không biết tiếng càng mờ mịt hơn, nhưng ngâm bằng thứ chất giọng và cách nhấn nhá nhả chữ của Trần Thị Tuyết thì khiến cho thơ gần âm nhạc hơn trong tai người ngoại quốc, tôi nghĩ vậy.
NSUT Vương Hà ngâm bài Mưa xuân (Nguyễn Bính) rồi hát nó lên bằng khúc thức của Huy Thục. Chưa điêu luyện bằng người trước, nhưng cái lẳng lơ xao xuyến giận hờn của người con gái trong khung cửi ngày xưa được chất giọng non trẻ làm bừng thức và nhân thể tái khẳng định cái muôn thuở của tứ thơ.
Nghệ sỹ Thuý Hoà trình diễn thơ qua hát ca trù, bài Anh giả điếc của Nguyễn Khuyến. Hát đấy, thật ngọt ngào thánh thót mà lại có thể khiến cho chất châm chọc trào lộng của Nguyễn tiên sinh cứ phảng phất thì tưởng cũng có thể nói là thần tình.
Thi sỹ Kevil Baue đọc bài thơ có cái tên rất lạ là Chơi bóng rổ với Việt Cộng (tặng Nguyễn Quang Sáng). Lần trước, tôi thua anh trong cuộc chiến tranh, 0 – 1; lần này, anh sang nhà tôi, ta chơi bóng rổ và lại thua anh, thua trên sân nhà. Nhưng cái mà cả hai cùng thắng, là tình người, tương kính nhau giữa những kẻ thù hôm qua.
Nhà thơ Ấn Độ Mamta Sagar đọc rất hay, theo lối diễn xướng bài Dòng sông của bà. Như một ví dụ, rằng nhà thơ thì ở đâu cũng đắm say quên mình, bà đọc bài Mẹ tôi mà nhà thơ Bảo Chân khi đọc lời dịch đã nấc lên trong nước mắt.
Mathar Colin (Mỹ) đọc bài Ơn trời dành tặng Hội nghị Quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam như là thượng đế tạo ra cơ hội (vòng tròn có thể có khúc nhưng không đứt gẫy) để chúng ta gặp nhau
Hilary Watts (Mỹ) đọc bài Thành phố Hà Nội chị vừa làm trong những ngày dự Hội nghị, một bài thơ rất hay, Quế Mai dịch: (…)Thành phố Hà Nội/ Người không đẻ ra tôi/ Nhưng người bế tôi/ Hát cho tôi nghe những bài ca tôi không thể hiểu/ Nhưng không thể không lắng nghe…
Nhà thơ Ba Lan Pavel Kubiak đọc bài Không gian vẫn dập dềnh trên đôi cánh em. Thơ giầu nhạc điệu đến nỗi, sau khi đọc lời dịch, nhà thơ Lâm Quang Mỹ cứ thế hát lên. Pavel Kubiak chính là người đã cùng Lâm Quang Mỹ dịch Thơ cổ điển Lý Trần và Hồ Xuân Hương còn thơm mùi mực in mà họ mang sang Hà Nội tặng Hội Nhà văn VN.
Có một chút mệt mỏi, vì mãi hơn 9 giờ đêm thơ mới bắt đầu. Cũng có thể còn có cả nỗi ấm ức vì đã chuẩn bị mà không được đọc vì hết giờ, đó là cái bức xúc rất đáng chia sẻ, như diễn viên đã son phấn xong, đã sắp lên sân khấu mà bị cắt tiết mục. Nhưng mặt khác, nó lại làm chứng rằng đêm thơ vẫn còn để một dư vị thòm thèm. Có lẽ vì vậy chăng mà sau 12 giờ đêm, khi đã trùm chăn để dỗ dành giấc ngủ, mà giấc ngủ không chịu đến. Giọng ngâm thơ, hát thơ cứ còn xao động, như ngoài kia Hạ Long xao động sóng, mơ hồ nhưng dai dẳng.
Chú thích: Ảnh đầu bài: Các nhà thơ ký vào phông Đêm thơ Quốc tế
2. Nhà thơ Ba Lan Pavel Kubiak , bên cạnh là nhà thơ, dịch giả Lâm Quang Mỹ
|