Nói ngồi lại vì trước Hội nghị đã ngồi cả buổi với bao nhiêu chuyện, rất nhiều câu hỏi, rất nhiều giải đáp. Cuộc gặp này tựa như một cuộc kiểm điểm “mừng công”.
Hội nghị đã thành công, rất thành công. Đó là đánh giá của các bạn, Ban Tổ chức chúng tôi chỉ là người nhắc lại thôi. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Ủy viên BCH Hội Nhà văn, Trưởng ban Tuyên truyền Hội nghị Quốc tế Giới thiệu Văn học Việt Nam nói với các nhà báo trong cuộc gặp chiều 20/1/2010.
Cũng như lần gặp trước khi vào Hội nghị, các báo chí đến khá đông, với tinh thần háo hức. Việc tổ chức giới thiệu văn học ra nước ngoài (xuất khẩu văn học theo đường chính ngạch) với một cái nhìn mới, một quyết tâm lớn, một quy mô chưa từng có đã thu hút báo chí bởi lâu nay chúng ta chỉ quen nhập khẩu, quen tự ti.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá cao nhiệt tình của các phóng viên đã bám sát từng hoạt động của Hội nghị để viết bài và lăn lộn cùng Ban Tổ chức để làm một nhiệm vụ chung rất đẹp là ngoại giao văn hóa. Ông tỏ lòng cám ơn các nhà báo, khẳng định chính các báo đã góp phần quan trọng cho thành công của Hội nghị.
Trong một tuần liên tục đã có hơn 30 tờ báo thông tin về hội nghị, với hơn 100 bài viết. Ngoài ra còn có vài chục báo ở các ngành, các tỉnh, các trang web của các thư viện, các nhà sách, các tổ chức của người Việt ở nước ngoài, các trang blog cá nhân cũng vào cuộc. Không mấy hoạt động văn hóa lại được thông tin dồn dập như vậy, trừ các cuộc thi hoa hậu hoặc liên hoan phim. Tuy nhiên thi hoa hậu thì hấp dẫn bằng những tấm hình phơi bày lồ lộ; phim ảnh thì câu nhau ở cảnh nóng… Còn đây là một hoạt động văn hóa cao cấp, nghiêm trang!
Nhìn chung là các báo đã có nhiều bài viết nhiệt tình, kịp thời và sâu sắc, đánh giá cao, coi đây là một hoạt động văn hóa lớn, một sự đột phá cho việc quảng bá văn học Việt Nam. Một số bài báo nêu những băn khoăn, e ngại về khó khăn trong việc chọn lọc tác phẩm, việc dịch thuật và làm cách nào thâm nhập thị trường nước ngoài? Một số bài báo nêu những thiếu sót về mặt tổ chức Hội nghị. Nhưng nêu thiếu sót không có nghĩa là bài bác, quay lưng lại. Mà đó là cách góp ý cho Hội Nhà văn làm tốt hơn công việc rất mới mẻ và khó khăn này.
Phát biểu trong cuộc gặp gỡ các nhà báo Hữu Việt, Nguyễn Hiếu khẳng định: Đây là một hoạt động văn hóa rất quan trọng, trách nhiệm của chúng tôi là phải thông tin, phải nêu được những vấn đề mà bạn đọc quan tâm, mong cho văn học nước nhà thành công trong quảng bá ra nước ngoài. Với một Hội nghị to lớn, rộng dài như vậy, khó mà không có những thiếu sót lặt vặt; Các nhà văn tổ chức đến thế là rất đáng khâm phục.
Thực ra thành công của Hội nghị không chỉ là những gì đã diễn ra trong các diễn đàn chính thức. Vấn đề là bằng những hoạt động bên ngoài hành lang, với những chuyến tham quan, những cuộc gặp gỡ tự phát của các đại biểu quốc tế với các nhà văn ta, chúng ta đã làm cho bạn hiểu rõ hơn về đất nước, văn hóa, con người, lịch sử Việt Nam. Nhiều nhà văn, dịch giả nước ngoài qua nhưng tìm hiểu, giao tiếp đã mang những tình cảm rất tốt đẹp về Việt Nam, thấy có trách nhiệm và hào hứng giới thiệu Văn học Việt Nam. Đó là những thắng lợi mà chỉ có các nhà văn, trên tinh thần đồng nghiệp nhân văn cao cả mới có thể làm được.
Nhưng, như nhà thơ Trần Đăng Khoa thay mặt Ban Tổ chức khiêm tốn khẳng định, thành công chỉ là bước đầu, là sự khởi tạo. Hội nghị đã kết thúc, nhưng công việc từ đây mới bắt đầu. Giới thiệu Văn hoc Việt Nam ra nước ngoài là công việc rất dài, rất gian khổ, đòi hỏi nhiệt tâm và trình độ tổ chức cao, nguồn kinh phí lớn và cả sự quảng bá mạnh hơn nữa của báo chí. Nhà thơ khéo léo ca ngợi hiệu quả quảng bá của các nhà báo bằng một ví dụ: “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Thị Ngọc Tư đã được đăng lần đầu trên báo Văn Nghệ. Nhưng chỉ khi báo Tuổi Trẻ đăng lại thì mới thành một sự kiện!
Cuộc gặp gỡ không dài, bởi hình như tất cả đã hiểu nhau, đã đồng thuận. Nhà thơ Trần Đăng Khoa kết thúc bằng cách chuyển lời cám ơn của Chủ tịch Hữu Thỉnh tới các nhà báo. Mong được hợp tác, với những công việc quan trọng sắp tới của Hội như kết nạp hội viên, xét giải thưởng, những công việc đã thành “truyền thống” quan tâm bình luận, mổ xẻ của báo chí, và đặc biệt là việc tổ chức Ngày Thơ lần thứ 8 (Ngày Rằm Nguyên Tiêu Canh Dần), hoạt động mở đầu Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
P.V
Ảnh kèm:
- Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong buổi gặp báo chí
|