Phạm Công Trứ hồi trẻ học Nguyễn Bính không giấu diếm: “Về quê ăn tết vừa rồi/ Em tôi áo chẽn em tôi quần bò.” Nếu xuất hiện cũng vào thời thị trường lần thứ nhất, Phạm có nguy cơ thừa; nhưng vào nửa thế kỷ sau, cái sự vừa gian díu vừa hờn dỗi với thị thành của hồn thơ Nguyễn Bính được ông tái khẳng định để trở nên muôn thuở tuy mỗi thời nó “mặc áo" khác nhau. Thế rồi Phạm trỗi vượt để thoát khỏi cái bóng đổ của quá khứ, thơ ông đắm đuối hơn với thôn dã và giễu cợt nhiều khi đến ngoa ngoắt với thị thành (Tễu). Phạm làm chứng rằng, hoá ra Nguyễn Bính chỉ hoài cổ nhưng không thoát nổi chiến lược chinh phục của thành thị, ông viết: Phố phường ngoảnh mặt thơ tôi/ Tôi mà chết sớm ai nuôi trăng vàng. Nuôi? Vậy ra trăng – chị Hằng và cái đẹp được nuôi dưỡng bằng tình yêu. Và nuôi cả cỏ may nữa, bông hoa đặc trưng của những bờ đê đã thành tên cả ba tập thơ ông (Cỏ may Thi tập I, II, III). Khi thì buồn bã: Trăng vàng hôm ấy bờ đê/ Có người ngồi gỡ lời thê cỏ may. Nhưng lại khi bất khuất với những giẫm đạp thói đời: Hội tan Thần - Phật về trời/ Cỏ may dập nát gượng ngồi dần lên. Phạm chết thôi với quê hơn, không chỉ hồn như Nguyễn: Nhà quê khí huyết tràn trề/ Tớ đi rung cả vỉa hè Đồng Xuân. Tưởng cũng cần thêm rằng, càng luống tuổi, Phạm Công Trứ càng phát hiện nhiều hơn vùng cảm thức dân gian tưởng đã bị quần nát mà vơi cạn: Tôi tin cái mây mẩy/ Của mùa xuân cũng hồng.
Làng
Đồng quê tràn ngập lúa khoai
Ngô đỗ bạt ngàn bờ bãi
Dọc ngang đỗi Nhất, đỗi Nhì
Cao thấp tùng Trên, tùng Dưới
Sông quê nước chảy rầm rì
Mặt sông sẫm màu nước vối
Gái quê đi làm đồng về
Kéo nhau ra sông tắm tối
Sớm ra vạn chài hành nghề
Rộn rịp vãi chài tung lưới
Đôi cánh buồm nâu ven đê
Mất hút vào miền chưa tới
Vài rặng núi xanh mờ xa
Thôi thúc một lời mời gọi
Đường quê lắm cát dễ đi
Thoang thoảng hoa xoan, hoa bưởi
Ngõ quê tre trúc rậm rì
Lập lòe hoa dong, hoa chuối
Lách chách chim sâu, chim ri
Thập thò quả dâu, quả ruối
Láo lơ rắn ráo, thằn lằn
Chung chiêng tổ kiến, tổ mối
Trai quê tán gái về khuya
Trêu nhau chạy như ma đuổi
Tỏ tình trước mặt người yêu
Thẹn thò như là thú tội
Người quê chân lấm tay bùn
Suốt ngày trên đồng cắm cúi
Chăm lúa như chăm con thơ
Rảnh rang đôi ngày lễ hội
Trai làng rước kiệu, múa cờ
Gái làng hát đúm, hát đối
Tháng năm vào vụ gặt chiêm
Dân làng ăn tết cơm mới
Trước là tạ ơn đất trời
Sau để cầu cho vụ tới
Tháng bảy lắc thắc mưa ngâu
Lễ gọi “vong nhân xá tội"
“Trần sao âm vậy” bảo nhau
Quỷ ma cũng không để đói
Tạnh mưa vừa độ trăng tròn
Trung thu lòng người thơ thới
Trẻ con đánh trống rước đèn
Chia nhau miếng bánh, múi bưởi
Người lớn tam cúc, tổ tôm
Phát bài chiếu trên, chiếu dưới
Tháng chín bước sang tháng mười
Cốm mới thơm mùi mời gọi
Rải đồng chim ngói từng đàn
Thôn xóm bước vào mùa cưới
Cô dâu nửa khóc nửa cười
Chú rể mong trời chóng tối
Lúa chiêm cấy hái xong xuôi
Tết Ta cũng vừa kịp tới
Nhà nhà gói bánh, đồ xôi
Giồng nêu, quét lại tường mới
Sân đình náo nức cờ người
Ao làng om thòm diễn rối
Thôn nữ váy ngắn nhún đu
Các cụ ngước nhìn không nói
Tháng giêng là tháng ăn chơi
Lũ lượt dân quê trẩy hội
Gần thì Cổ Lễ, Phủ Giầy
Xa tận Hương Sơn, Hà Nội...
Cảnh quê nghìn đời tiếp nối
Trâu bò gặm cỏ triền đê
Lông mượt vo ve ruồi muỗi
Nối đuôi từng đàn chiều về
Thậm thịch chìm vào ngõ tối
Mục đồng tóc gió vàng hoe
Sáo trúc lưng trâu nhẹ thổi
Bập bùng ánh lửa bên hè
Mùi cơm quyện vào mùi khói
Lấp ló trên đầu ngọn tre
Trăng non cong hình lưỡi hái
Dưới trăng trai gái nguyện thề
Thầm thì bãi dâu, ruộng cói
Vi vu suốt cả đêm quê
Sáo diều rót vào tận cửa
Làm tắt những tiếng ve ve
Xua tan một ngày nắng lửa
Đuổi nhau đom đóm nhập nhoè
Ôm nhau ếch nhái sấp ngửa
Cót két gió vặn thân tre
Tưởng tiếng dân nghèo than thở
Lấp loáng cánh dơi đi về
Mèo hoang từng hồi nức nở
Lửa chài thấp thoáng ven đê
Bờ bụi nhọc nhằn tiếng cú
Kẽo kẹt bên sông vó bè
Ma trơi trên cồn nhảy múa
Say rượu giọng ai lè nhè
Vu vơ đôi tiếng chó sủa
Đều đều mẹ kể con nghe
Cái thời ngày xưa ngày xửa
Bến sông trăng ném thia lia
Thôn xóm chìm vào giấc ngủ
Ngoài ngõ sương giăng đầm đìa
Trong nhà tiếng người nói mớ
Mảnh mai tiếng hạc về khuya
Chém màn đêm thành hai nửa
Thoạt tưởng tinh cầu đang rơi
Sau ngỡ bình vàng chợt vỡ...
Lời thề cỏ may
Thuở ấy tôi mới lên mười
Còn em lên bảy theo tôi cả ngày
Quần em dệt kín bông may
Ao tôi cúc đứt mực dây tím bầm
Tuổi thơ chân đất, đầu trần
Từ trong lấm lám em thầm lớn lên
Bây giờ xinh đẹp là em
Em ra thành phố dần quên một thời
Về quê ăn Tết, vừa rồi
Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò
Gặp tôi em hỏi hững hờ:
"- Anh chưa lấy vợ, còn chờ đợi ai?"
Em đi để lại chuỗi cười
Trong tôi vỡ một khoảng trời pha lê
*
Trăng vàng đêm ấy bờ đê
Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may.
1986
I.
Cởi trần đóng khố múa chơi
Hát rằng, giữa đất và trời có ta
Đất là mẹ, trời là cha
Chính danh gọi Tễu, tự là Thảo Dân
Gia tài độc một chữ "cần"
Trọng thực thường lấy chữ "ăn" làm đầu
Bạn thì những chó cùng trâu
Những bí cùng bầu, những lúa cùng ngô
Người ta bầu rượu, túi thơ
Mình thì khuya sớm bụi bờ đó đăng
Vui cùng con diếc, con măng
Buồn thì gõ bát hát nhăng giải sầu
Ra trận đành phận tốt đầu
Về làng thì lại cưỡi trâu ra đồng
Ai nhanh hoá hổ, hoá rồng
Ta tuy trâu chậm nhưng không sá gì
Kéo cày đã cực chai lì
Khi giương sừng nhọn hổ thì ngán ta
Đã cười, cứ phải ha! ha!
Đã hát, cứ phải í a... tình rằng
Đã ngắm, cứ phải Thị Hằng
Đã uống, cứ phải tính bằng hũ, ang
Giáo trò nhân lúc xuân sang
Tễu tôi xin được trình làng đôi câu
II.
Độc một mảnh khố che thân
Giấc mơ xuất ngoại đâu phần Tễu tôi
Ai ngờ dân giã lên ngôi
Thế rồi Tễu cũng được ngồi máy bay
Ngất ngư trên chín tầng mây
Giật mình nhòm xuống nhà Tây chọc trời
Lung linh mặt nước xứ người
Diễn ra đủ cả khóc cười xứ ta:
Mình voi lẫm liệt tướng bà
Rồng thiêng phun lửa, rùa già đớp gươm
Nào là đánh dậm, úp nơm
Cày bừa, tát nước, nhào rơm, cất nhà
Nào là đám cưới, đám ma
Hát chèo, đấu vật, chọi gà, đánh đu...
Miền "gà trống", xứ "sương mù"
Ngữ ngôn dẫu khác, gật gù giống nhau
Thì ra Tây cũng như Tàu
Cũng thèm của lạ, cũng giàu hồn nhiên
Thì ra lắm của, nhiều tiền
Cũng cười cùng Tễu cho quên sự đời
Cũ ta lại hoá mới người
Hồn quê “rối nước” một thời, kém ai!
Thực là có một, không hai
Tễu tôi xuất ngoại chuyện dài... hơn sông
III.
Dưới khố, trên áo gi-lê
Đầu mang mũ phớt Tễu đi xứ người
Âu-Tây gô-tích chọc trời
Âm dương ngói úp nghìn đời Á-Đông
Chán chê xúc-xích, dăm-bông
Màn-thầu, sủi-cảo cũng không lạ gì
Nơi nâng bát, chỗ cụng ly
Trả lời phỏng vấn rồi thì ôm hôn
Người rằng: “rối nước hớp hồn
Đã câu “giã bạn” liệu còn gặp nhau?”
Tễu rằng: “chắc cũng chẳng lâu!”
Chắp tay đáp lễ, nghiêng đầu gút-bai!
Người tung mũ, kẻ vẫy tay
Ngất ngư lại chín tầng mây trở về
Bỏ mũ phớt, cởi ghi-lê
Phất phơ giải khố ao quê thật mình
Này nước tre trúc lung linh
Này mây lồng bóng thuỷ đình gần xa
Này người dân giã quê ta
Cắc tùng nhịp trống, ối a điệu chèo
Trò xưa, tích cũ trong veo
“Trình-diễn”, “xếp-đặt” ăn theo ngập ngừng
Ngàn năm vận hội phục hưng
Tễu mang hồn Việt sánh cùng thế gian.
Đêm cổ tích
"Tự thời ngày xửa ngày xưa
Tự thời trái đất còn chưa có người..."
Bao cựu cổ tích cũ rồi
Thì tân cổ tích ra đời ở đây
Triền đê phơ phất bông may
Nguyệt liềm tháng chín tròn đầy từng đêm
Chàng thì chợt "nhớ" chợt "quên"
Nàng thì chốc chốc "bắt đền" khổ không!
Khuya rồi sao rụng đầy sông
Bầu trời thấp xuống, cánh đồng dâng lên
Dế giun bất chợt lặng im
Cỏ may được dịp xâu kim vào người
Với ai cổ tích lỗi thời
Với nàng cổ tích tuyệt vời là... đêm
Quỳnh hoa
Chờ cho dương thế lịm say
Gác Quan - Hoa mới thoảng bay hương quỳnh
Cõi quỳnh trắng, mộng quỳnh trinh
Chỉ vành trăng khuyết nghiêng mình tiễn hoa!
Lời thề đẻ rơi
Trăng vàng con của đồng quê
Thơ tôi con của lời thề đẻ rơi
Phố phường ngoảnh mặt thơ tôi
Tôi mà chết sớm ai nuôi trăng vàng?
Đố
Lá xanh nước khoả dập dờn
Búp trắng mẩy tròn hé lộ từng đôi
Chuồn đỏ điểm chấm ớt tươi
Đố ai biết được là người hay sen?
Nhại
Lưng ong, yếm giải, nón mê
Hiện đại “nhại” dáng chân quê thuở nào
Vai trần đẩy tóc lên cao
Váy nơm để gió cúi chào đùi non.
Thu cảm (I)
Mướp tàn, sen cũng đi tu
Lá tre đã thả một mùa heo may
Con sông không ốm mà gầy
Mắt em chưa tối đã đầy hoàng hôn.
Thu cảm (II)
Gió về tóc chảy thành sông
Mắt gợn thành sóng mênh mông bến Thiền
Mày trăng cong một dáng thuyền
Chở hồn thu quạnh qua miền sen khô.
Chiều
Chiều loang mái phố, chiều chầm chậm
Nắng tựa vai gầy, nắng nhấp nhô
Người như nước chảy vào thành phố
Ta nắm tay mình ngược ngoại ô.
Thuỷ mạc
Tuyết phơi trắng rợn chân trời
Trên cành cây cụt quạ ngồi rỉa lông
Con tàu trôi với mênh mông
Thấy tuyết, thấy quạ, mà không thấy...người.
Kiev - Matxcơva, 1992.
Hội tan
Hội tan Thần - Phật về trời
Cỏ may dập nát gượng ngồi dần lên
Chân nhang que đứng, que xiên
Gió lăn xác lá quét trên sân chùa.
Không đề
Thơ tàn, rượu giốc ngược chai
Run run lệ nến chảy dài chiếu hoa
Đùi mình đã sẵn đầu ta
Lặng câm xương cá, khóc oà vỏ chai!
Đính chính
Lịch sử, dù muộn màng, cũng đã đính chính cho ông
Bất kể có đại sử thần xem ông là “chó lợn”
Ông họ Trần chính danh là Thủ Độ
Chuyển đổi một vương triều chỉ bằng một chậu nước rửa tay.
Nói gì
16% dân số suy dinh dưỡng
15% dân số khác béo phì
(Thống kê của “Hu” về Việt Nam năm 2007)
Những con số trên nói gì?
Kiếp hoa
Bao người đã thức đợi quỳnh
Bao lời châu ngọc để rình tặng hoa
Những là đài các, kiêu sa
Những là thánh thiện, cùng là trắng trinh...
Còn quỳnh thì chỉ lặng thinh
Nở cho tàn kiếp, rũ mình mà đi!
Xuân
Nếu mùa xuân có môi
Tôi tin môi xuân đỏ
Nếu mùa xuân có má
Tôi tin má xuân hồng
Nếu mùa xuân có mông
Tôi tin mông xuân đẫy
Tôi tin cái mây mẩy
Của mùa xuân cũng hồng
Xuân có tin tôi không?
Đủ
Chân trần cỏ xanh
Em là tiên nữ
Vào bếp cơm canh
Em là thục nữ
Lên chùa chắp tay
Em là tín nữ
Lên giường tắt đèn
Em thành... quỷ dữ
Chỉ một em thôi
Đã là quá đủ!
11 - 2005
Khoả
Thoạt đầu khoả tay
Nuột nà tay trắng
Rồi thì khoả chân
Ngọc ngà chân thẳng
Rồi thì khoả ngực
Mởn mơ ngực hồng
Rồi thì khoả hông
Hông đầy ngồn ngộn
Bây giờ khoả rốn
Rốn tròn bây by
Rồi nữa khoả gì?
Gặp em hỏi nhỏ
Em cười quay đi!
7 - 2000
Huyền thoại mưa
- Tự thời ngày xửa ngày xưa
Tự thời trái đất còn chưa có người
Thì sấm sét đã có rồi
Động phòng giữa đất và trời, đó em
Sau mưa cây cối mọc lên
Lâu dần ếch nhái biến thiên thành... người
- Anh này chỉ giỏi bịa thôi
Em cười mắt nhắm e trời lại mưa!
Tổ ấm
Tổ ấm không chịu được lạnh
Lạnh quá tình yêu sẽ “đông”
Tổ ấm không chịu được nóng
Nóng quá tình yêu sẽ “ung”
Như chim, chúng mình tha rác
Tính xây một cái tổ chung
Thua chim, bởi là thợ vụng
Tổ ấm hoá… tổ bùng nhùng!
2 - 2008
Buồn (II)
Nỗi buồn của cái tốt
Là nhiều kẻ muốn nhận
Nỗi buồn của cái đẹp
Là nhiều kẻ muốn chiếm
Nỗi buồn của cái ngon
Là nhiều kẻ muốn chén
Nỗi buồn của cái ngai
Là nhiều kẻ muốn tiếm
Nói nhiều, làm mấy ai
Nỗi buồn của cái thiện
Nỗi buồn của nỗi buồn
Là chẳng ai thấy thẹn!
Hoa và bình
Chiếc bình gốm trên bàn
Đã biết bao hoa cắm
Mùa xuân là đào phai
Mùa hạ là sen thắm
Mùa thu là cúc vàng
Mùa đông là huệ trắng...
Bao đời hoa tàn rơi
Bình vẫn nguyên dáng cũ
Em thích là hoa tươi?
Hay thích là bình cổ?
Nhặt ở bờ rào
Có một chú chuồn ớt
* "Chuồn chuồn có cánh thì bay..."
Tiếng cười khúc khích lung lay bờ rào
Cánh chuồn lặn xuống đáy ao
Quả chuông tím phía bờ rào còn run...
1987
Ngày xưa
Ngày xưa
Kéo cưa lừa xẻ
Chẳng hám cơm Vua
Chỉ mong được thua
Về bú tí mẹ (!)
Ngày xưa
Mặc quần thủng đít
Chi chi chành chành
Quả khế quả chanh
Gốc ổi gốc mít
Ríu ra ríu rít
Ngày xưa
Đung đưa hoa bìm
Lim dim hoa khế
Sao mẹ đi chợ lâu thế?
Ngày xưa
Đi trốn
Đi tìm
Đống rơm, đống rạ
Góc bếp, cánh cửa
He hé mắt nhìn
"ù oà", "ù ập"
Thế là ú tim!
Ngày xưa rất bướm
Ngày xưa rất hoa
Nào thuyền gấp giấy
Nào trâu lá đa
Ngày xưa rất bạn
Ngày xưa rất ta
Lăn tăn cỏ chỉ
Rung rung cỏ gà
Ngày xưa rất sâu
Ngày xưa rất xa
Quanh quanh bể nước
Men men thềm nhà
Rón rén là rón rén ơi
Chú chuồn ớt mới đậu rồi, tóm ngay
Rón rén là rón rén này
Nàng bướm trắng lại vút bay mất rồi!
Nhờ em
Nhờ em mà tôi được thấy
Tháng tư trời xanh miên man
Cành me con ve thử giọng
Đêm đêm đom đóm chong đèn
Nhờ em mà tôi được biết
Có một loài hoa chụp đèn
Có một bàn tay con gái
Vườn đêm lật giở từng trang
Tháng tư em nghe sấm động
Nôn nao cơn mưa bay về
Để tôi nhìn qua hư ảo
Nàng Bân e thẹn ra đi
Mùa xuân ứ nhựa một đầu
Đầu kia bập bùng lửa hạ
Tháng tư em nối nhịp cầu
Tôi nghe vừa quen vừa lạ
Tháng mười em nghe lá đổ
Mơ hồ trong bước chân người
Sấu chín rụng đầy mái phố
Chợ chiều bông cúc vàng tươi
Lẽ nào tôi không cảm được
Tháng mười dòng sông mòn hao
Khoảng cách đôi bờ gần lại
Chỉ vì đôi bờ thương nhau
Trên những cánh chim mải miết
Mùa thu đi về phương Nam
Để lại vài ba tiếng hót
Chìm trong sương khói mơ màng
Lẽ nào tôi lại đi hỏi
Đêm đêm đám cỏ may nào
Môi tím trăng non run rẩy?
Chiều chiều khung cửa sổ nào
Em buông rơi tờ lịch ấy?
Mỏng manh chỉ là tờ giấy
Với em cũng có cuộc đời
Mỗi ngày một tờ như vậy
Đong đâỳ ký ức đời tôi!
Nghịch lý em
Gần thì lạnh nhạt
Xa rồi nhớ nhau
Bao nhiêu là chuyện
Không đuôi, không đầu
Em tô môi đỏ
Em kẻ mi đen
Mới đầu thấy lạ
Lâu dần thấy quen
Em ốp đầu Nhật
Em đánh móng Tây
Mới đầu thấy chướng
Lâu dần thấy hay
Em lên áo chẽn
Em diện quần bò
Mới đầu thấy thích
Lâu dần thấy lo...
*
Trăng non đầu tháng
Lửng lơ cánh diều
Lòng chùng dây võng
Lẽ nào mình yêu?
Viết nữa hay thôi
Chuyện như thể mới hôm nào
Người về, em gửi một hào hai xu
Chỉ vì thư chậm, dường như
Trách tôi em gửi tem thư theo cùng...
*
Bây giờ em đã có chồng
Con tem cũng đã trăm đồng, người ơi!
Lòng buồn tôi tự hỏi tôi:
Có nên viết nữa hay thôi, thơ tình?
1984
Ví von
I.
Nắng như anh - nắng trưa hè
Càng tươi lửa phượng, tiếng ve càng nồng
Nắng như em - nắng chiều đông
Cả ba tháng nắng mà không ấm gì.
II.
Mưa như anh - cơn mưa rào
Đùng đùng sấm chớp ào ào rồi thôi
Mưa như em - trận mưa rươi
Mưa qua tháng chín, tháng mười còn mưa...
Gửi A. Vôznhexenxki - RAYMON PAUL - ALLA PUGACHOVA
Anh thân yêu!
Em chẳng cầu anh như tay hoạ sĩ si tình trong bài hát ấy
chỉ vì một nụ cười
đã bán cả tranh, cả nhà để có một triệu triệu bông hồng như vậy
Với thời gian
triệu triệu bông hồng kia rồi héo quắt
nụ cười người đẹp rồi cũng tắt
người tặng hoa rồi cũng mất
thi sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ rồi cũng khuất
cả người nghe một thời cũng trở về với đất
Có chăng?
chỉ huyền thoại về triệu triệu bông hoa tình yêu là còn... "mãi mãi xanh tươi"
Một bông
với em chỉ một bông thôi
một bông óng ánh như K. Pautôpxki đã từng ao ước
Anh thân yêu!
Sao anh bỗng chết lặng người?
3 - 2005
Siêu
Vẽ tranh, nặn tượng mãn rồi
Sắp đặt, trình diễn để đời khác đi
Sắp đặt hàm súc, tế vi
Bên Tây còn lạ nói gì xứ ta
Trình diễn quảng bác, đại trà
Thính phòng chật chội thì ra ngoài trời
Chất liệu dung dị như đời
Lập trình ý tưởng lại thời cực siêu
Siêu là “sắp” ít, “đặt” nhiều
Nhìn hòn thấy núi, chỉ diều thấy trăng
Siêu là “trình” giáng, “diễn” thăng
Ngữ ngôn bất lực nói bằng lặng im
Siêu là lạ hoá thông tin
No nê bằng mắt phải nhìn bằng tai
Siêu là kết hợp Đông - Tây
Trên nền giấy dó múa tay sơn dầu
Siêu là trộn lẫn Ta - Tàu
Não bạt xủng xoẻng, đàn bầu tỉ ti
Trừu tượng, bí hiểm, xếch-xi
Bão hoà cảm giác vậy thì.... cực siêu!
10 - 2006
Nỗi oan Mầu Thị
Yếm thắm đôi giải đong đưa
Váy đen lơ lửng như vừa tắm xong
Chỉnh trang môi đỏ, má hồng
Thị Mầu con gái Phú ông lên chùa
Với ai chùa chốn tĩnh tu
Với Mầu là chỗ của chua đi rình
Với ai chữ “hiếu”, chữ “trinh”
Với Mầu chỉ một chữ “tình” mà thôi
“Thầy tiểu ấy, thầy tiểu ơi
Người đâu thấy gái lạ đời trốn đi!
Tụng kinh, gõ mõ được chi
Đào tiên nếm thử tiên thì thấy ngay
Nâu sồng, yếm thắm gặp đây
Xin Bụt nhắm mắt để ngày hoá đêm…”
Thất tình lửa đổ dầu thêm
Bí bài Mầu Thị bắt đền chú Nô
Ai ngờ trời phạt bụng to
Lỡm đời Mẹ Đốp diễn trò mõ rao
Phạt vạ, các cụ quyền cao
Bao nhiêu cáo buộc quy vào “chính chuyên” (?)
Cửa thiền đâu một oan khiên
Đời thương Thị Kính đừng quên Thị Mầu
10 – 2006
Không cần Now
Chẳng cần sự bầu chọn của NOW ta đã độc bản rồi
Ta chính là tự nhiên khoả thân giữa đất trời
Đó Thăng Long nơi rồng lên ngạo nghễ
Đây Hạ Long nơi rồng xuống…. quẫy đuôi
Chỉ một cái quẫy đuôi hoá nghìn đảo to, vũng nhỏ
Cái như loài thú hoang, cái tựa bóng hình người
Này là vũng tượng hình iôny tỏ mờ sương khói
Này là đảo tạo dáng linga chĩa thẳng lên trời
Hỡi những nhiếp-ảnh-gia khom lưng lựa chiều bấm máy
Hỡi những tay ca-mê-ra đang khi tiến khi lùi
Ta là vĩnh hằng các ngươi chỉ là khoảnh khắc
Hạ long bay tạo hoá sắp bày, NOW chỉ đáng một cuộc chơi!
* NOW: Viết tắt tiếng Anh của một Tổ chức đề xướng bầu chọn 7 kỳ quan mới của thế giới
3 - 2008
Ca trù đầu xuân
Đầu xuân đến với ca trù
Ngất ngư kẻ hát, gật gù người nghe
Chiếu hoa khăn đóng, áo the
Hoà đồng cà-vạt, com-lê cùng ngồi
Tom tom... chát đã điểm rồi
Tửng tưng... đàn đáy rước mời đào nương
Mắt đen, môi đỏ, má hường
Cổ kiêu khăn vấn giải buông đuôi gà
Nhịp nhàng tay gõ, miệng ca
Buồn vui từ thuở ông cha tìm về
Lỡ làng như cụ Dương Khuê
Cụ chê Tuyết bé, Tuyết chê cụ già
Nguyền thề thương bác Tản Đà
Non còn nhớ nước, nước mà quên non
Tam-nguyên tay vuốt râu chòm
ậm ờ giả điếc cụ còn lắng tai
Nghe Chu-tiến-sĩ trổ tài
Bầu Trời, cảnh Bụt hoạ bài Hương Sơn
Đầu trần kìa cụ Tú Xương
Từ ngày ô mất cụ dường khoẻ ra
Nguyễn Công một gánh sơn hà
Dối già còn hỏi tình là chi chi?
Tình từ Hà Nội tình đi
Tình qua Hồng Lĩnh, tình về Tầm Dương
Tình trầm mình cửa Tiền Đường
Tình phục sinh ở văn chương ca trù
Giao hoan giữa nhạc và thơ
Giữa "tom" và "chát", giữa mơ và đời
Tàn canh xuân rắc đầy trời
Khuya về lại nhớ cái người ứ ư...
Xuân sau còn hát ca trù?
3 - 2005
Thi Vân
Ăn để sống, sống để đi
Ngoài chuyện viết lách còn gì nữa đâu
Còn chăng thơ một đôi câu
Bạn đôi ba đứa bốc nhau "thiên tài"
Còn chăng báo một vài bài
Thoại vài ba mẩu, mẹo vài ba chiêu
Ước thì viết những Truyện Kiều
Mộng thì tơ tưởng ít nhiều Nô-ben
Chơi thì toàn chốn Đào Nguyên
Gặp thì những "Lý Trích Tiên" giáng trần...
*
Tuổi cao mộng lớn vỡ dần
Đặt chân đến đỉnh Thi Vân xế ngày
Sân rêu chi chít dấu giày
Thông reo xám núi, mây bay trắng trời
Hạc vàng đi hút mất rồi
Lầu thơ quạnh quẽ một thời khói hương
Tìm về chốn cũ đời thường
Trời đà sập tối đoạn trường ngút xa
Lờ mờ dăm bóng hiện ra
Thất kinh chẳng rõ là ma hay người?!
7 - 2004
Thi sĩ cuối cùng của đồng quê Nga
Tặng L. T. M.
" Tôi thi sĩ còn sót lại của đồng quê..."
Ông bảo thế
Chúng tôi tin thế
Thời gian biến thiên
Nhịp đời dâu bể
Ông khói lò cao nuốt chửng những cánh đồng
Những cánh đồng kiều mạch chín rưng rưng
Lũ ếch nhái vật mình trong cỏ rối
Vú bò cái rung vang đêm tối
Hạt sương đêm thở dài
Thấm nỗi buồn muôn thuở của đất đai...
*
Exênhin - Gã phù thuỷ
Kẻ bắt miệng vầng trăng phải nhai cọng rạ
Cái cọng rạ gầy gò bé nhỏ
Ngân bài ca không lời
Giữa bê-tông-sắt-thép
Chỉ một người cảm được mà thôi
Exênhin -
Tên du thủ
Kẻ thèm đái vào mảnh trăng non nghiêng vào cửa sổ
Đứa con trăng ngái ngủ
Mơ giấc mơ lên đường
"Chào bạn! Xin chào bạn!..."
Trong dịu dàng rình rập những tai ương
Exênhin...
Exênhin...
Exênhin... *
Ông,
Thi sĩ cuối cùng của đồng quê Nga
Người tự hoạ chân dung:
Một đống cỏ tươi
Bên một chiếc liềm ngà.
Nhân một trăm năm ngày sinh Xécgây Exênhin (1895 - 1995)
Tớp xuống phía bờ rào Có một thằng cu Tý Rón rén phía đằng sau Có một đôi bím tóc Thấp thoáng bên kia rào Lấp ló đôi mắt thỏ Trưa cánh bìm thiu thiu...
|