Từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, khi “anh Gagarỉn bay vào vũ trụ” Mai Ngọc Thanh đã có thơ. Có người nhớ sự kiện ấy vì đó là đề tài bài thơ mà ông đã viết gửi cho báo Sao Đỏ, tờ báo của Quân đội Liên xô được phát hành ở ta, cùng với tờ Sự Thật cơ quan của Đảng Cộng sản và đã đọc vang lên trong lớp học cho lũ học sinh nghe thủa ông còn là một anh giáo dạy văn.
Rồi Mai Ngọc Thanh chuyển sang làm văn học chuyên nghiệp. Đã gần 50 năm rồi.
Ông viết thơ chuyên cần nhưng khá nặng nhọc. Những bài thơ mà cái tứ, cái ý được đặc biệt coi trọng. Có những nhà thơ không có những cú bay lượn, những sắc màu non tơ, sặc sỡ làm ngây ngất người đọc, cũng không đủ từ trường để tạo một vùng ảnh hưởng ồn ào. Nhưng trong rất nhiều bài thơ của họ, có một số vượt thời gian thành lũa như cổ thụ đại ngàn. Và như vậy cũng đủ để một đời với thơ.
Bài ca bạch đàn
Ta đi với bạt ngàn bạch đàn
Bạch đàn trẻ thế
Ta đi với chiều cao rất trẻ
Bám chặt vào bền sâu của đất
Bạch đàn lên ung dung
Thân ngời trắng đúc bằng ánh sáng
Của trời ta biếc trong
Ta đi trong rào rào lá vẫy
Ngoảnh nhìn đâu
cũng một dáng
bạch đàn!
Những đỉnh đồi cô đơn nghèo trọc
Hạt giống thuở đầu tiên…
đã hoá đại ngàn!
Ta gửi bạch đàn nuôi trong chiều cao
Tầm vóc cuộc đời ta đấy
Bạch đàn
Bạch đàn
Biết đánh rụng những cành vướng trái
Để dồn cho sức lớn chiều cao
Chẳng mượn gió khoe đâu
Bạch đàn thơm cứ thơm
Ôi mùi thơm sinh ra từ gốc
Ta bâng khuâng mỗi bước… lại đằm hơn
Bạch đàn bạch đàn.
Rượu uống
Nhớ NG. X. H
Anh ngã xuống trong cơn say
Như một trái còn xanh đã rụng
Chưa tới được ngưỡng năm mươi
Nhiều dự định hãy còn dang dở
Vợ bỗng goá
Mấy đứa con dại đã mồ côi
Những vành khăn trắng buốt
Những vành khăn thắt nghẹn cả lòng tôi
Đồng lương hẹp vợ chồng quen chân chỉ
Giận dỗi nghèo anh vào rượu tìm vui
Thử một chén
Lại thêm một chén…
Thoạt đầu đắng lâu dần thành ngọt
Ôi niềm vui chết một con người!
Thương anh
Nhưng chậm muộn quá rồi
Tôi gần gũi mà tôi thinh lặng
Từ lúc anh mới cầm một chén con thôi
Ta thù mày rượu ơi
Mày uống mất chồng của một người vợ
Mày uống mất bố của bầy trẻ thơ
Mày uống mất của ta một người bạn tốt.
Chị chờ
Kính tặng chị Mai Thị Khuyên
Bắt đầu là những lời đồn đại
Anh còn sống
Đang làm công vụ mật
Chị tin chuyện mười mươi là thật
Đêm bớt rộng dài tiếng dế bớt bi thương
Rồi từ đấy trong suy tư của chị
Hiện lên vô số những con đường
Con đường nào cũng bất ngờ gian hiểm
Con đường nhờ phúc ấm tổ tiên…
Năm tháng chị nơi dầu này khấn nguyện
Và bắt đầu là trong chiêm bao
Anh về giữa ngày con gái cưới
Đứa con chưa một lần miệng gọi “bố ơi”
Hành trang đơn sơ chỉ chiếc túi đeo vai
Đầy những lá thư hai mươi năm anh viết chưa
gửi được
Vẫn là anh ngồi đó - tuổi ba mươi
Rồi từ đấy mỗi khi chải tóc
Không bao giờ thấy chị trước khuôn gương
Cũng từ đấy mỗi khi chiều tắt
Chị lại đốt tâm tưởng mình lên những
nén nhang
Kiên nhẫn lắm… Niềm tin như sợi chỉ
Khâu thời gian liền lại Một Ngày…
Con chim khách vui chi mà liến láu
Chín lần kêu thì chín lần sai
Nhưng xin đừng ai nói điều như sự thật
Hết đợi chờ chị hoá đá mất thôi.
Hạ Long
Tôi không tin rồng nào đã xuống
Rồi hoá thân thành nghìn đảo trập trùng
Mà chính Hạ Long đã đẻ ra Rồng
Đẻ ra cả thơ Lê Thánh Tông bền theo tuổi đá
Đã rất nhiều định nghĩa Hạ Long
Mọi định nghĩa thảy đều cũ hết
Đã bao nhiêu đời và bao nhiêu người chết mệt
Với cảnh đặt bày của Tạo hoá đa đoan
Tôi đã tới, bây giờ lại tới
Để mắt nhìn được trở lại xanh non
Để được Hạ Long thanh lọc tâm hồn
Để lại được Hạ Long đánh lừa bằng sự thật
Huyền hoặc đảo
Huyền hoặc trời và bể
Tạm gác một bên những cực nhọc cõi người
Dạo miền cực lạc vài ngày chơi.
Khi ta không còn trẻ
Những lúc vui em thường nói trêu
- Trông anh sao mà già quá thể!
Đùa yêu thôi. Nhưng thật thế
Anh đâu còn những năm tháng trong
bức ảnh đang treo
Một thời yêu như chết đuối vào nhau
Anh đã già. Em cũng không còn trẻ
Điều ấy chẳng làm ta bận tâm
Bấy nhiêu năm biết bao là nếm trải
Chén ngọt ngào đã uống hết đâu em
Mặc thời gian đổi màu dần mái tóc
Cứ yêu say giống thể buổi yêu đầu
Một người đi thì một người ngóng đợi
Bữa ăn ngon chỉ ngon lúc có nhau
Con khôn lớn chúng xa vắng cả
Căn nhà rộng ra mà không quạnh quẽ
Mảnh vườn nhỏ xanh lá đầy hoa
Ta lại sống với nhau như ngày mới cưới
Vẫn tiếng anh tiếng em tự lâu rồi đã gọi
Trái tim yêu không có tuổi già
Dù trăm năm cũng là ngắn thôi mà
Cái hữu hạn đời người, ai có thể…
Yêu đến tận cùng mình, yêu nữa
Cũng vẫn là chưa đủ với nhau đâu.
Tây Thi
Lúc chăn gối với Phù Sai
Hồn về Phạm Lãi - Tình hai ngả đường
Cuộc chơi lắt léo khôn lường
Bắt làm vợ bắt phải thương giả vờ
Tình là vỏ bọc mưu mô
Nàng thành con cá nằm chờ dưới dao
Đẹp làm chi thế hoa đào
Tình yêu - thù địch buộc vào một em
Ván cờ Ngô - Việt đảo điên
Chờ khi tàn cuộc thì duyên chết rồi!
Thời giặt lụa Trữ La ơi
Biết ri, thà cứ làm người gái quê.
Tô Thị
Không vượt được nỗi buồn chờ đợi
Nàng hoá đá
Rồi đăm đăm đứng đấy
Đứng đấy để nhìn thấu chân mây
Người đi chinh chiến không trở lại
Đứng đấy cả bốn phương đều thấy
Một niềm riêng đau đáu góc trời
Vẫn biết chỉ mẹ và con chưa đủ gọi gia đình
Nhưng ngày đoàn viên vĩnh viễn là mộng mị
Thì hoá đá làm gì Tô Thị
Có bao giờ nhân gian này tuyệt tận nguồn vui
Vẫn biết chỉ mẹ và con chưa đủ gọi gia đình
Nhưng ngày đoàn viên vĩnh viễn là mộng mị
Thì hoá đá làm gì cả đứa con đang bế
Những nỗi đau của người lớn ta con trẻ
có thể chữa lành
Biên ải ngày xưa nhiều giặc quá
Để lây buồn cho những khách hôm nay
Khi tới viếng hình hài Tô Thị đá
Thôi chào em, tôi đi chợ Kỳ Lừa.
Tôi chỉ nghĩ thầm
Chỉ còn lại chiếc lồng đắt tiền treo đó
Và gương mặt buồn ông chủ
Ai đến thăm chơi ông cũng đôi hồi
Con bách thanh liến thoắng suốt ngày
Nhại tiếng sáo, tiếng chào mào giỏi lắm
Con hoạ mi mỗi lần ngân tiếng hót
Một mình nó là cả dàn hợp ca
Con chích choè ban mai lảnh lót
Ngỡ lá vườn rung là bởi tiếng chim
Thế mà rồi ba đời chim theo nhau bỏ lồng
Cái móc treo trở thành dấu hỏi
Chẳng tiện nói ra, tôi chỉ nghĩ thầm thôi
Lồng đẹp không nuôi chim sống được
Bởi chim vốn sinh ra để sống giữa bầu trời.
Con mèo như tôi thấy
Mấy con cá thằng cháu tôi mới câu được về
Đang thả bơi trong chậu
Con mèo đến ngồi bên hau háu mắt nhìn
Cứ chốc một lùa lưỡi ra liếm mép
Rồi giơ bàn chân trước lên toan tóm con mồi
Nhưng vội vàng lại rút về ngay
Ngồi như cũ
Và cái đuôi nhẹ nhàng ngoe ngoảy
Đang nghĩ suy một cách nào thật hữu hiệu chăng
Cá ở ngay dưới tầm bàn chân
Còn cách nào nữa mới là hữu hiệu
Nó dứ dứ thêm vài lần nữa
Rồi trở lại đĩa cơm đặt sẵn góc thềm
Ăn cơm ấy thì bàn chân khỏi ướt.
|