Đưa tin xong về Lễ bế mạc Hội nghị Quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam, vẫn còn bồi hồi, ấy là dư ba của cảm xúc và ấn tượng. Tôi vốn lạc quan nhưng không ảo tưởng, nói như Đỗ Chu, chúng ta phải biết lễ phép, bạn khen là khen vậy, nhưng cũng chả nên lấy nhời khen của bạn là một khẳng định chắc chắn cho văn mình, làm thước đo cho văn mình. Xong mọi sự thì cúi xuống bàn mà viết, được hay không sẽ bàn sau, nhưng phải nỗ lực lắm mới mong có một chút gì giá trị. Vả chăng, để một tác phẩm hay ra được thế giới, đòi hỏi rất nhiều sự trùng khít: Dịch giả giỏi, NXB trọng cái hay của nhân loại, dám chơi, dám thua lỗ vì cái hay. Là vì, NXB bao giờ chả lấy cái lợi nhuận làm mục đích? Mà gu của bạn đọc thì ở đâu chả vậy, số đông ồn ào ở nước nào chả châu tuần xung quanh những tác phẩm hạng hai, phim Hàn Quốc dông dài và sướt mướt có tới già nửa người Việt ta xem hết ngày dài lại đêm thâu đó thôi!
Vẫn trong cái dư ba ấy là những bài báo phản ánh hội nghị với những nhận xét không hay. Hơn 20 năm làm báo, tôi biết, để nuôi cái tò mò và thích 5 chữ S của bạn đọc, báo chí rất cần ba cái vụ scandal lình sình, be bét, kém cỏi của anh này, ngành nọ. Mà trong các ngành cũng phải lừa lựa, nói cái xấu của công an coi chừng ra toà, nói cái xấu của ngành kinh tế thì có thể thiệt thòi, vậy cứ nhè ba cái hội nghề nghiệp, cái ngành giáo dục, văn hoá…họ vồn hiền lành và không mấy khi cự cãi.
Vậy thì một vài bài báo nói không hay về Hội nghị cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng điều không hay mà họ nói có đúng không?
Có cái đúng. Hoạ sỹ Giáng Hương, Chủ tịch UB toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT nhận xét: Hội Nhà văn ít người quá, hội nghị lại đông, sao tránh khỏi những thiếu sót. Nhưng hội nghị rất thành công, rất ấm áp. Tôi nghĩ sinh viên tình nguyện sinh ra để phục vụ, nhưng ra khỏi Hà Nội là BTC lại phải phục vụ các em. Chúng ta (gồm cả nhà văn, nhà báo) chả cổ suý cho sự phát triển cá nhân mãi đi. Vậy thì mỗi sinh viên là một cá nhân, nguyên cái sự ăn mặc sao cho hot, cho sành điệu đã mất hết thì giờ rồi, tình nguyện vào lúc nào?
Còn nhận xét “nghị” ít “hội” nhiều, chơi nhiều thì không khéo nhà báo sai, ở mấy nhẽ:
- Tôi từng dự hội thảo quốc tế tại một nước kia kéo dài 3 giờ, nhưng bạn dẫn đi tham quan nước họ tới 9 ngày, đến cả những nơi không dính gì đến chủ đề hội thảo. Bây giờ thì hoá ra mình đã yêu đất nước, văn hoá và lịch sử của họ, yêu sâu sắc đến mức, nếu có sinh ngữ của họ, thể nào tôi cũng dịch một vài ba tác phẩm, dù chỉ để trả món nợ ân tình mà thôi.
- Huống chi, tại Hội nghị ta đang bàn tới, có tới 4 cuộc hội thảo, kéo dài cả ngày, từ đầu mai đến cuối chiều vẫn ăm ắp ý kiến. Các ý kiến đều chụm, đều thiết thực và cái chính là hay.
- Huống chi, tôi từng dự quá nhiều hội thảo về giáo dục, văn hoá, văn học, kinh tế, đổi mới quản lý…ở trong nước. Mật độ các tham luận hay quá ít, đến chiều thì chỉ ai chưa đọc tham luận mới ngồi lại, các cử toạ khác đã…by!
Vâng, bài này viết chỉ dành cho các bạn đọc bình thường, nghiêm cẩn. Những bạn đọc bình thường và nghiêm cẩn thì đã hiểu điều tôi muốn nói, sau khi các bạn đã đọc những bài tường thuật về tình cảm của các nhà văn quốc tế, về các ấn tượng mà họ đã nói ở đây ở đó.
|