Hưu, có gốc Hán Việt nghĩa là nghỉ ngơi, nghĩa là thôi. Ngày xưa khi mà một đôi vợ chồng nọ chê nhau rồi đâm đơn ra toà xin ly hôn. Khi toà xử cho ly hôn, nhân viên toà án gọi cả vợ lẫn chồng đến và nói: “Mời ông và bà đến nhận mỗi người một tờ hưu thư. Người công quyền, người ta tránh nói là tờ chứng ly hôn. Vì muốn sao nghe nó vẫn làm đau lòng người. Còn bây giờ thì tha hồ thoải mái muốn gọi thế nào cũng được.
Bấy lâu nay trong bàn dân thiên hạ, người ta vẫn chia ra làm hai loại người: Người còn đương làm tại tất thảy các công sở từ phường, quận, tỉnh (Thành phố) và các công sở cấp nhà nước, thì gọi là những người đương nhiệm, hoặc đang tại chức, và lĩnh lương nơi công sở để nuôi sống bản thân và có chăng thì một ít đồng cho con cái, chi dùng vào nhu cầu hàng ngày của đời sống bản thân người đó thì gọi là lương. Còn loại người từ sáu mươi tuổi trở lên cho nam và năm mươi lăm tuổi cho nữ thì được về hưu. Nghĩa là thôi mọi công việc ở cơ quan mà bản thân người đó vẫn làm trong suốt ba mươi năm, bốn mươi năm, cả năm mươi năm đi. Về nhà nghỉ ngơi, ấy tiếng là nghỉ ngơi, nhưng chỉ là nghỉ là thôi mà lại không thể là ngơi được. Vì cái từ ngơi nó hàm ý như thảnh thơi, thong dong, nhàn nhã v.v.
Vâng? Sao mà lại như thế? Các cụ nói ngụ ý: “Có thực mới vực được đạo”. Đạo ở đây là cái đạo ngơi với các nghĩa như trên. Những như tôi, tôi cũng đang hưu rồi, nghỉ và thôi làm việc nhà nước rồi nhưng cũng chẳng thấy ngơi một tẹo nào, vì như hết thảy mọi viên chức quèn của nhà nước, đồng lương khi đi làm đã thiếu rồi, khi về còn eo hẹp hơn, sống một cuộc sống so súi, nói cho tợn, những năm tháng dằng dặc trong cơ chế thì đồng lương mà ai ai cũng thu nhận được chỉ có tính chất như trợ cấp, chứ chưa bao giờ là lương với đúng nghĩa của nó. Vì nếu gọi là lương cho viên chức, thì số tiền đó là đủ nuôi bản thân với các chi phí cho các nhu cầu sống khác ngoài miếng cơm, sau đó thì nuôi được con, sau đấy thì còn nuôi được bố mẹ già, nhất là cái anh viên chức ấy lại là con trưởng nữa thì càng nặng gánh. Đằng này lương mà chỉ đủ nuôi bản thân... Đến khi hưu, lương lại bị trừ những hai nhăm phần trăm, để số tiền hai nhăm phần trăm đó làm kinh phí nuôi một cơ quan có tên là Bảo hiểm xã hội. Để rồi cái “ông” BHXH này làm gì, là “ông” ấy dùng để làm chi phí cho việc “ông” ấy đi lãnh tiền ở ngân hàng về cho cái nơi phát lương cho người đương hưu. Ôi chao, xin nói thực, “ông” ấy “ăn” hơi bị “dày”. Còn người viên chức ấy có ốm đi khám bệnh bằng thẻ của BHXH thì bệnh viện họ chỉ phát cho vài viên thuốc quèn, có uống cũng lâu khỏi là cái chắc. Còn thuốc tại các hiệu thuốc, đắt dần lên. Đầu năm một hộp thuốc có 1 vỉ 30 viên chữa huyết áp là 110 ngàn. Cuối năm 170 ngàn. Người già thì cần thuốc còn hơn cả cần cơm. Lương hưu cứ teo tóp dần vì giá cả phình to dần. Có ra chợ mới thấy giá trị thực của đồng tiền là thế nào. Nhất là rất “hoàn cảnh” cho cánh về hưu. Cạnh nhà tôi có mấy ông hưu đã lâu, sáng sáng rất chăm đi bộ. Gặp mấy ông ấy tôi đều reo lên: “Các vị thế này thì trường thọ. Sau khi các vị đi bộ và tắm rửa rồi vào làm bát phở cho bữa sáng, thật quả không gì bằng”. Tôi vừa dứt lời thì một trong các vị hưu ấy nói toang toang: “ấy chết, chúng tôi vừa đi bộ vừa ăn sáng đấy chứ!”. “Sao ạ?” tôi kêu lên: “Các cụ nói sao, mà tôi chưa được hiểu ạ”. Ông ấy tiếp: “Thôi thế này, để tôi nói cho ông nghe. Chúng tôi vừa đi bộ vừa ăn sáng có nghĩa là ăn qua đằng mũi ấy mà”. Tôi kêu lên vô cùng ngạc nhiên: “Chết, thế thì tôi không biết thật đấy ạ”. ông ấy tiếp: “Cái nhà ông này! Chúng tôi ăn đằng mũi là hít khí giời với vô số ô xi thay cho bữa ăn điểm tâm bằng ngọc thực!” “Ôi chao!” tôi kêu lên. Ông ấy tiếp “Với mấy đồng lương hưu còm mà lại còn định có phở cho bữa điểm tâm thì có mà… lấy đâu ra, nếu có đói lắm thì húp tạm bát cháo...”
Điều ông ấy nói làm tôi ngẫm nghĩ, giá như khi về hưu, viên chức và cán bộ chỉ phải bớt độ vài phần trăm thôi, hay là để nguyên cho họ về nghỉ hưu, thì chắc là có thể nghỉ ngơi được. Còn thế này a...
Nên chăng, học tập một số nước, như nước Anh, nước Đức, nước áo và các nước khác, ở những nước ấy người ta để nguyên lương cho người về hưu. Nghe bảo ở những nước ấy người cao tuổi đều có tỷ lệ tuổi thọ cao là phổ biến.
|