NXB Giáo dục
Tuyển tập văn xuôi do nhà văn Ma Văn Kháng chủ biên đã hợp thành bộ Tuyển tập văn học dân tộc và miền núi của Nhà xuất bản Giáo dục. Nói là văn xuôi nhưng Tuyển tập chỉ thu hẹp đối tượng tuyển chọn vào các thể tài ngắn là truyện hoặc kí. Tuyển tập đã cố gắng bao quát đội ngũ tác giả chủ yếu với những tác phẩm tiêu biểu của mảng truyện ngắn, kí dân tộc và miền núi từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay. Tác phẩm mở đầu là “Gốc gội xù xì” của Hà Cẩm Anh đã cho chúng ta thấy một lối kể chuyện điềm tĩnh, trong đó sử dụng ngôn ngữ ghi chép khách quan đến lạnh lùng, ẩn chức niềm xót xa phẫn uất. “Lỡ hẹn” của Kim Bình đã thể hiện sự am hiểu về tâm tư, tình cảm của nhân vật với những giận hờn trách móc đáng yêu ở một người phụ nữ giàu tình cảm, giàu lòng vị tha và gây thiện cảm với người đọc bằng chính sự chân thật, hồn nhiên của mình. Rồi “Ché mèn được đi họp” của Nông Minh Châu, “Ảo ảnh sông Bôi” của Bùi Minh Chức, “Đêm nguyệt thực” của Trung Trung Đỉnh, “Ké Nàm” của Hoàng Hạc… đều đem đến cho người đọc những cảm xúc chân thực, giản dị và chứa chan tình người. Tôi thích nhất là truyện “Người săn gấu” của Cao Duy Sơn không chỉ bởi câu chuyện tình cảm động của cô Phón chàng Thim đã gây xúc động cho người đọc, mà còn bị cuốn hút vào những trang tác giả đực tả cảnh săn bắt thú với nhiều chi tiết sống động. Cái tài của Cao Duy Sơn là anh đã mang đến cho độc giả một tình cảm thiết tha, gắn bó với vẻ đẹp hoang dã của núi rừng, muông thú, từ đó thức tỉnh ở mỗi người ý thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường, bảo vệ mọi giá trị đang tồn tại trong cuộc sống. Thành công của tuyển tập Văn học dân tộc và miền núi, đặc biệt là tập văn xuôi là đã có cho mình những tác phẩm hay, tiêu biểu, thể hiện được đặc trưng vùng miền rõ nét, giúp người đọc qua đó dễ dàng hình dung, cảm nhận chính xác hơn về những vùng đất xa xôi với bao câu chuyện đời người cảm động.
|