Truyện ngắn Pháp cuối thế kỷ XX là một chuyên luận của TS. Phạm Thị Thật (Đại học Quốc Gia Hà Nội). Trong mục Truyện ngắn và những trăn trở về kiếp nhân sinh, tác giả cho biết nhiều nhà văn Pháp tuyên bố “viết truyện ngắn là để phơi bày mặt trái của cuộc sống, thậm chí coi tính bi như một nét đặc trưng của thể loại văn học này”.
Truyện ngắn Pháp cuối thế kỷ XX có gam chủ đạo là màu tối. Các “vấn nạn xã hội” đặt ra là: nạn thất nghiệp ngày càng tăng, bạo lực hoành hành, lòng tin khủng hoảng, tình trạng bất an…
Bên cạnh những hiểm họa từ bên ngoài, con người đương đại còn phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn ngay dưới mái nhà của họ. Đó là sự xuống cấp của các mối quan hệ trong gia đình. Gia đình truyền thống tan vỡ, nhường chỗ cho gia đình hiện đại, khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng lớn. Mối quan hệ vợ chồng cũng mất dần sự bền vững và nạn loạn luân ngày càng gia tăng…
Những câu chuyện đau lòng chuyển tải trong truyện ngắn Pháp là hồi chuông cảnh tỉnh nhân loại về sự xuống cấp đáng buồn này.
Văn chương Pháp cuối thế kỷ XX lên tiếng cảnh báo nguy cơ loạn luân luôn rình rập các gia đình. Loạn luân, theo Freud, là sự chuyển hóa thành hành động một tình cảm mạnh giữa những người có cùng huyết thống. Điều này giải thích tính tiềm ẩn của mối quan hệ này.
Trong thực tế đã và đang tồn tại những bộ lạc và giáo phái khuyến khích quan hệ xác thịt giữa các thành viên trong gia đình. Mặc cho các hệ lụy tiêu cực của loạn luân đã được khoa học chứng minh, và bài học về những thảm họa của mối quan hệ huyền thuyết giữa vua xứ Thèbes (Edipe với mẹ là Jocaste được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, hiện tượng “Edipe” vẫn luôn là vấn nạn nhức nhối của nhân loại.
Không kể các tác phẩm về chủ đề này trong các số thường kỳ, việc Tạp chí TNM cho ra chuyên đề Loạn luân đủ cho thấy đây là mối quan ngại lớn của con người đương đại.
Từ đó, xảy ra những án mạng nghiêm trọng. Trong Bố từ Chicago về (Annie Saumont) truyện ngắn Pháp, số 19, tr.20-33, sau tám năm ngậm hận, cô thư ký trẻ 20 tuổi quyết định giết bố đẻ, kẻ đã xâm hại trinh tiết của cô khi cô mười hai tuổi.
Sự đơn giản của kết cấu tuyến tính và sự kiệm lời đã làm nên tính độc đáo của truyện ngắn Bố từ Chicago về.
Truyện chỉ gồm hai trang, được chia thành năm đoạn, tương ứng với năm biến cố trong quãng đời mười sáu năm của nhân vật Anne từ khi còn là cô bé 4 tuổi đến khi trở thành một cô gái 20 tuổi.
Trình tự thời gian của các biến cố được sắp xếp và đánh dấu theo tuổi của nhân vật chính qua các câu mở đầu mỗi đoạn. Toàn bộ diễn biến của câu chuyện về một gia đình đang rất hạnh phúc bỗng tan vỡ vì hành vi loạn luân của ông bố với con gái, được tái hiện bằng những câu ngắn gọn, có nội dung thông báo trung tính. Chẳng hạn, tác giả chỉ cần 26 từ để thuật lại một loạt sự kiện trong gia đình Anne (bố mẹ ly hôn, bố bỏ nhà ra đi, con gái ở với mẹ và đổi tên mới…).
Có thể thấy sự kết hợp nhuần nhị theo phép tĩnh lược, cách viết ngầm ẩn và kết cấu tuyến tính làm cho Bố từ Chicago về giống như một phác thảo kịch bản phim. Người đọc luôn luôn hình dung ngữ cảnh của mỗi phát ngôn trong truyện và tưởng tượng diễn biến hành động truyện qua một vài thông tin mang tính gợi ý. Vô hình trung, độc giả trở thành “đồng tác giả” của tác phẩm; cùng với việc phải thêm “da thịt” cho tác phẩm, anh ta còn phải tự mình nhận định đánh giá tính cách các nhân vật.
Vấn đề quan hệ loạn luân không một lần được tác giả chỉ mặt đặt tên, nhưng cách sắp xếp sự kiện theo trình tự diễn biến tăng dần đến kết cục kịch tính (từ một cô bé yêu quý bố hết mực, Anne trở thành kẻ sát thủ máu lạnh giết bố) đã góp phần thể hiện rõ chủ đề tư tưởng tác phẩm.
Bố từ Chicago về
ANNIE SAUMONT
Con bé lên bốn. Bố từ Franc-fort về.
Bố - mẹ, con có thể nằm giữa hai người được không?
Mẹ cười mắng, ra là con bé Nanou muốn cuỗm chồng của tôi đây.
Bố ngồi dậy, tóm lấy tay kẻ xin xỏ. Ê ốp, con bé đã nằm dưới những lớp ga.
Ta đang đói, ta sẽ ăn thịt ngươi.
Ông ta nói (bố).
Mẹ bảo không, vừa phải thôi chứ. Dù sao thì anh cũng sẽ không dám nhá con bé. Để em chạy đi lấy bữa sáng.
Con bé nép mình vào sườn bố, mồm thổi bóng, tóc xòa xuống mắt. Mùi bánh sừng bò nóng vừa ra lò, vị thơm ngậy của sô-cô-la đang sôi. Những ngón tay bố cù vào cổ. Thật tuyệt.
Con bé lên tám. Bố từ Nhật về. Bố đã hoàn tất các đơn đặt hàng. Bố sẽ có thể cho hai người đàn bà của mình những ngày nghỉ thú vị.
Ông ta bảo.
Bố mẹ con có thể nằm.
Chiếc giường cọt kẹt trong giây lát. Những tấm ga ấm tỏa mùi êm dịu ru ngủ.
Con giống như một cái kẹo, có lẽ ai cũng muốn liếm.
Ông ta nói.
Mẹ không nghe thấy. Lúc này mẹ ở trong bếp đang xếp những lát bánh đã kẹp nhân và nước cam vào khay.
Nanou chìa má ra. Bố liếm đi, chắc sẽ thích lắm. Những cô bé con có mùi vị quả phúc bồn tử, con đã đọc cái này trong một cuốn sách.
Ông ta bảo (bố), tôi đang bế trên tay một Nanou bé con mà đã biết khám phá cuộc sống.
Không phải Nanou. Con không còn là em bé. Bây giờ con lớn rồi phải gọi con là Anne, như thế hơn.
Con bé mười hai tuổi. Bố từ Illinois về.
Bố đã ký được một hợp đồng quan trọng. Bố bảo. Công việc rất chạy, sẽ không thiếu tiền cho việc nuôi dạy Anne, cho việc giải trí vui chơi của con bé.
Bố về hồi đêm. Sáng ra, bố nằm nán thêm. Mẹ dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng mang cho bà. Bà sống ở ngôi nhà bên cạnh. Mẹ bảo, một giờ nữa mẹ về.
Bố ơi, Anne hỏi, bố muốn con pha cà phê cho bố không?
Cái đó đợi chút cũng được, bố bảo. Trước tiên hãy đến đây với bố. Để bố con ta tình cảm sáng chủ nhật sau chuyến đi xa về. Bố mang cho con một món quà. Lại đây, con sẽ chơi trò đoán xem bố giấu gì trong vali.
Ông ta bảo (bố), bố thấy con mặc đồ ngủ trông rất xinh.
Nanou của bố, bố yêu con lắm, hay lẽ nào con đã có người yêu rồi? Hãy ôm nhau thật chặt rồi kể cho bố nghe.
Ông ta nói.
Bố.
Những ngón tay ông ta lần sờ. Chỗ này chỗ kia. Dưới bộ đồ ngủ.
Chiếc giường cọt kẹt. Mùi mồ hôi cay cay và mùi gì nữa gây gây là lạ. Đừng sợ, mình chơi đùa mà, bố bảo.
Lát sau khi trò chơi kết thúc, con bé chảy máu. Nó quay mặt dán mắt lên trần nhà. Nó nằm im không nói một lời nào.
Ông ta bảo, ô bố đã không cố ý. Ông ta bảo, không sao đâu, bố xin lỗi con.
Cô mười sáu tuổi. Cô lấy tên là Anita.
Cô bảo, bố tôi ấy hả? Ông ấy đi rồi. Mẹ tôi và tôi ấy à? Rất ổn.
Cô hai mươi tuổi. Cô là thư ký giám đốc.
Ông chủ của cô là Tổng giám đốc một công ty lớn. Ông ấy bảo rất tự hào về cô thư ký, rằng cô ấy đẹp, rằng ông thích gương mặt ngây thơ với đôi mắt có gì là lạ của cô. Rằng ông đoán cô là người quá nhạy cảm, dễ sợ hãi. Cô còn trẻ quá. Ông rất thích cô, ông sẽ cưới cô. Ở bên ông, cô sẽ phát triển toàn diện.
Ông ta từ Chicago về. Tất cả đều suôn sẻ. Chỉ có điều ông ta phải đi chuyến bay cuối cùng.
Ông ta bảo. Ông ta cũng muốn gặp Anne, để kể về chuyến đi, để kéo cô vào những dự án mới. Ông ta gọi điện, hẹn sáng mai gặp cô ở khách sạn Sofitel de Roissy.
Lúc 9 giờ cô vào phòng, ông ta vẫn còn nằm trên giường. Ông ta bảo, bố mệt quá. Anne, con gái của bố, mở cái va-li ở cạnh bàn ra. Có quà cho con đấy.
Cô dùng hai tay nhấc cái đèn bàn có đế bằng đá hoa cương lên. Đến gần giường. Đập.
Máu chảy. Ông ta không nói một lời. Đôi con ngươi đảo lộn rồi dừng lại như đang ngắm trần nhà. Máu chảy xối xả.
Cô nói, ồ con đã không cố ý. Không sao đâu. Con xin lỗi bố.
(Trong cuốn Không sao rồi sẽ qua thôi, NXB Julliard, 2001
|