Tác giả: Lê Bích Phượng
“Hôn nhân, như cách anh nói, nó chỉ là cam kết về trách nhiệm chứ không còn là cam kết về tình yêu. Không còn tình yêu, những cuộc hôn nhân có thể vẫn tiếp tục. Người ta có thể sẽ ra tay cứu vớt nó theo như cách mà tôi đã nói với chị. Nhưng thực sự, tôi hiểu, tình yêu không dễ níu kéo đến như thế. Người ta có thể yêu một ai đó, yêu tới chết đi được ở một thời điểm nào đó. Nhưng tình yêu ấy có thể sẽ mất đi mà cố mấy cũng không giữ lại được. Người ta vẫn chấp nhận kéo dài cuộc hôn nhân, như cách chị nghĩ, là vì không muốn bọn trẻ bị tổn thương.”
Đó không phải là một phát ngôn gây sock của nhân vật chính “tôi” trong cuốn tiểu thuyết đầu tay “Trò chơi” của nhà báo Lê Bích Phượng hiện đang là phóng viên của báo Sài Gòn Tiếp Thị. Được nhiều người biết đến với các bút danh Tây Giang, An Khuê…trong giới báo chí nhưng đây là lần đầu tiên chị bước sang địa hạt văn chương với giọng văn khá ấn tượng.
Nhân vật chính “tôi” lao vào cuộc tình với một người đàn ông đã có gia đình và sẵn sàng rũ bỏ chàng trai đầu tiên của mình. “Tôi” không có lỗi, người đàn ông đó cũng không có lỗi. Họ yêu nhau như hai thỏi nam châm khác dấu mà chắc chắn nếu không gặp nhau “những ngọn lửa trong họ có thể sẽ âm ỉ mà không thể cháy bùng lên như thế được”.
Nhưng những ràng buộc bởi các hệ giá trị đạo đức đã không cho phép họ được yêu như bản năng tự do của mình. Sự tuyệt vọng của nhân vật “chị” với nỗi ám ảnh về gia đình đổ vỡ đã khiến “tôi” thêm dằn vặt. Mâu thuẫn được đẩy lên tới đỉnh điểm khi ở cuối truyện, tôi tình cờ phát hiện ra người tình của mình lại chính là chồng của “chị”.
Là người kể ra câu chuyện, cũng là người chứng kiến sự rạn nứt trong gia đình “chị”, “tôi” tưởng như bế tắc. Nhưng đúng lúc ấy, Dũng, cậu bạn thân nhất đã âm thầm đi cùng “tôi” trong suốt chiều dài câu truyện đã xuất hiện. Dũng thú nhận cậu là người đồng tính với nỗi cô đơn không thể chia sẻ của mình.
Không ai có lỗi trong những tình huống éo le của cuộc đời. Bởi chính nhân vật “chị”, người vốn coi gia đình là cả thế giới của mình cũng phải thừa nhận, gặp được một ai đó yêu mình và mình yêu người ấy tha thiết đã là một điều tốt, nó giống như một ân huệ của cuộc đời mà người ta nên tận hưởng.
“Cũng phải nhìn thẳng vào sự thật em ạ. Chị cũng không chắc được trong cuộc đời mình, nhỡ đâu lại gặp được một anh làm mình phát rồ lên, lúc ấy thế nào? Chồng chị cũng vậy, nhỡ đâu gặp một em nào đó, cứ phát rồ lên. Mà là yêu thật, thì làm thế nào? Tình yêu nó là tình yêu, ngăn cấm thế nào được. Hôn nhân thực chất là ràng buộc về trách nhiệm, đâu ràng buộc được trái tim, em nghĩ xem. Điều sợ nhất là làm gì tổn thương tới con cái…”
“Rõ ràng có sự bất ổn trong điều chị nói. Người phụ nữ ngồi trước mặt tôi yêu gia đình như người cuồng tín, tới mức hi sinh hết cả những gì thuộc về bản thân mình, hôm nay nói bằng một giọng đầy hoài nghi. Tôi mơ hồ thấy niềm tin của chị đang bị lung lay, thế giới của chị đang không còn vĩnh cửu. Chị vẫn nói, chị hài lòng khi mỗi ngày qua đi, tình yêu của chị thêm đầy đặn. Người đàn ông của chị, trừ những lúc đi công tác hoặc bận công chuyện đều trở về nhà, ăn những món chị nấu hoặc chơi với lũ trẻ.
Thế mà hôm nay, lần đầu tiên chị nói với tôi khác hẳn những điều ấy. Chị có thể đã thích một người đàn ông khác. Hoặc có những bất ổn mơ hồ từ cuộc hôn nhân của chị, tôi không chắc điều nào đúng. Nhưng với cách nói của chị, tôi thấy chị rất khác thường, không đơn giản chỉ là câu chuyện phiếm.”- Trích
Những tình tiết được kể một cách tự nhiên theo giọng tự truyện khiến cho câu truyện dễ đọc, dễ cảm nhận và người đọc có cùng trải nghiệm với tác giả. Không phán xét các nhân vật, kể cả với người đang sống phóng túng như Bích, người đọc bỗng dưng muốn nhìn lại tình yêu của mình, nhìn lại cuộc hôn nhân của mình.
|