Tôi nằm lười trên giường, tay chân quắp chiếc gối ôm dài, mắt nhắm hờ, lơ mơ trôi đi trong thanh âm hân hoan và réo rắt từ một bản nhạc nào đó của Dvorak phát ra từ đầu CD. Đang dập dềnh nhởn nhơ như một khóm lục bình trôi sông như vậy thì một bản nhạc vừa dữ dội vừa da diết của Michael Jackson vang lên từ điện thoại cầm tay tôi vứt ở góc giường chặn phắt tôi lại. Quả là như cãi nhau!
- Gì thế bà chị? - Tôi vừa hỏi vừa ngáp dài.
- Mày biết không? Con Thuỳ chết rồi! - Giọng chị đồng nghiệp vẻ hốt hoảng.
- Thuỳ nào? - Tôi hẩy gối ôm ra, mở mắt.
- Con Thuỳ tạo mẫu tóc ý! Mày vẫn còn phưỡn trên giường đấy à? Chín giờ sáng rồi đấy, đồ chó lười!
- Hả? Làm sao nó chết?! - Tôi tỉnh hẳn.
- Nó nhảy từ tầng hai tiệm tóc xuống tự tử, ấy là tao nghe nói thế. Mày thân với nó mà chưa biết gì à? Cảnh sát đang bu đầy tiệm tóc của nó đấy! Mày có cách nào biết tại sao nó tự tử không?
Tôi trân trối nhìn vào màn hình điện thoại một lúc, như chưa tin hẳn vào những âm thanh vừa thoát ra từ cái máy nhận và phát thông tin vô tổ chức ấy? Cái gì thế? Thuỳ tự tử? Một cô gái trẻ trung, có tài, đầy năng lượng; kiếm tiền giỏi thế mà lại tự tử? Cuộc sống này lắm lúc chẳng thể giải thích nổi. Cái thứ logic cuộc sống người đời dày công tìm ra rồi lại cứ hồn nhiên lật úp là sao vậy?
*
Đi hết đường Nguyễn Du, tôi ngoặt trái chạy xe máy vào đường Lê Duẩn. Những cửa hàng với những đòn treo ưỡn ra đường giăng đầy quần áo, giày, tất, mũ bộ đội ở phố này luôn gợi tôi cảm giác về một thời hậu chiến. Nhưng tôi cũng chưa mua thứ gì màu xanh bộ đội nhan nhản bày ở đây, chỉ thỉnh thoảng ghé mua đôi giày múa cho con gái mà thôi.
Phía trên những màu áo bộ đội một tý, là tán mỏng manh của những cây giâu gia xoan trên mười tuổi. Khi xuân về, giâu gia xoan xoè những chùm hoa trắng khói, giống như dòng sương chảy mù mịt lẩn quẩn trên phố, thân và cành thì thẫm đen và ẩm ướt vì nước mưa xuân. Tại sao bây giờ tôi lại chú ý hơn đến quang cảnh trên phố này vậy? Phải chăng nó trở nên đặc biệt hơn sau khi Thuỳ đã chết, hay nó chứa đựng một câu trả lời nào đó cho cái chết của Thuỳ? Người ta không bỗng nhiên chết. Khắp người nổi gai và mắt ầng ậc nước. Tôi vội ngước lên để chặn dòng xúc cảm, ngạc nhiên khi bắt gặp tán lá bằng lăng ủ rũ trên đầu. Tại sao phố này vốn chỉ trồng giâu gia xoan, mà trước cửa tiệm tóc của Thuỳ lại có cây bằng lăng? Mỗi đầu mùa hè, hoa bằng lăng nở tím ngắt, đẹp sâu lắng nhưng buồn! Chợt nhớ, vài lần tới tiệm cắt tóc, tôi thấy mắt Thuỳ có màu tím, hắt lên từ chiếc áo lụa tím cô mặc, hay là từ màu hoa bằng lăng trước cửa, giờ thì tôi chịu không thể xác định rõ nữa rồi.
Di ảnh đen - trắng của Thuỳ đặt trên bàn thờ lui lại phía bức tường, nơi thương hiệu Thuỳ Hairdresser đã được phủ kín bằng một mảnh vải đen. Nét mặt Thuỳ trong di ảnh trông nghiêm trang và đôi mắt buồn ám ảnh. Hai tấm màn xô mỏng, nhẹ buông hai bên, nhang khói luẩn quẩn và chỉ còn có thế. Xác Thùy đã được đưa đi, người ta cần làm một số thủ thuật trên cái xác còn lại của cô, để hòng tìm ra một lý do cả. Người ta không ai có quyền chết mà không có lý do cả.
Tôi ngước nhìn lên tầng hai của tiệm tóc chật chội. Nói đúng ra thì đó chỉ là cái gác xép kiên cố mà thôi. Mấy lần leo lên gác xép đó để nhân viên của Thùy gội đầu cho, tôi phải rón rén vì cầu thang dốc và hẹp, thế mà tôi vẫn mấy lần va đầu vào trần nhà ở bậc thang cuối cùng lên gác xép. Thùy chỉ lao từ gác xép xuống mà chết được ư? Không có lý nào...
Khói của nén nhang vừa đốt làm tôi cay mắt.
- Cô là...? - Một người đàn bà to béo, ngoại ngũ tuần, đường chân mày xăm đen nhức, đôi mắt đầy oán hận, nhìn tôi dò hỏi.
- Cháu là bạn Thùy! - Tôi nói.
- Còn tôi là mẹ nó, mà nào có hiểu gì nó! - Bà cay đắng nói - Cô xem, con gái nó đây, mới 13 tuổi đầu. Bà đẩy lại gần tôi một bé gái, tóc xõa ngang vai, mặc áo đồng phục học trò trắng, bên trái tấm áo có đính tên trường trung học cơ sở T., nét mặt bé chỉ còn vẻ ngơ ngác đến hoảng loạn.
Tôi ôm lấy đầu bé gái vừa mất mẹ, xoa nhẹ lên trán bé, rồi không chịu đựng nổi, tôi rời khỏi đó như một kẻ hèn.
*
Tôi nhìn đi nhìn lại cánh cửa gỗ sơn xanh đã bợt màu vì thời gian, thanh gỗ tiếp giáp nền đất đã mủn ra vì không chịu nổi sự tấn công của thời gian và độ ẩm. Trông cánh cửa ấy chẳng có vẻ gì là niềm nở, và có lẽ người chủ của nó cũng thế. Tôi vẫn cương quyết đưa tay lên nhấn chuông.
Sau chừng năm phút với lần nhấn chuông thứ ba, tôi nghe ổ khóa chìm xoay lách cách vẻ miễn cưỡng và cáu kỉnh. Một người đàn ông trong bộ đồ nhàu nhĩ, râu thưa, tóc thưa, nét mặt căng thẳng, chán chường khó đoán tuổi nhìn tôi như nhìn vào chốn không người.
- Chào anh, tôi vào nhà được chứ ạ? - Tôi cố gắng tận dụng thời cơ, bởi tôi đã mất rất nhiều công mới dò được địa chỉ người đàn ông này.
- Nhưng chị là ai chứ? - Ông ta vừa nghiêng người lấy lối cho tôi vào nhà, vừa hỏi.
- Tôi là bạn thân của Thùy - Tôi nói rồi ngồi ngay xuống bộ tràng kỷ gỗ cũ kỹ âu sầu, tôi nhìn quanh, trong nhà âm u và hầu như không có lấy một tia sáng tự nhiên nào có thể lọt tới.
- Tôi đến đây là muốn giúp anh cùng cháu bé mà thôi - Tôi nói với vẻ chắc chắn, cốt để làm anh ta yên lòng, bởi tôi đã thấy rõ vẻ bất an mà anh ta cố giấu khi lập cập làm vãi tung hộp chè mạn ra sàn nhà.
- Tôi với Thuỳ li dị chục năm rồi, nên tôi không biết mấy về bạn bè cô ấy. - Người đàn ông vừa chuyên nước từ phích vào ấm pha trà, vừa giải thích.
- Công việc của anh vẫn ổn chứ, anh Nam?
- Có gì đâu mà không ổn, tôi lái xe hai chục năm nay cho Bưu điện, chẳng ai phàn nàn gì, chưa gây tai nạn bao giờ, mình biết việc mình, đều tăm tắp, lương đủ ăn.
- Anh sẽ đón cháu Trang về ở với anh chứ?
- Tôi định ngay sau bốn chín ngày của Thuỳ sẽ đón con gái về ở với tôi. Nhưng sẽ không dễ dàng thế đâu, dù trong di chúc của Thuỳ, theo như những gì đến tai tôi, thì Thuỳ muốn con gái về ở với tôi sau khi cô ấy qua đời.
- Tôi hiểu, người nhà của Thuỳ sẽ phản đối tới cùng đấy. - Tôi nhấp ngụm trà nóng, trà pha đặc, rất chát. - Tôi được biết tổng số tài sản gồm nhà, cửa hàng, tiền mặt... mà Thuỳ di chúc để lại toàn bộ cho anh, lên tới gần bảy tỷ đồng. Đàn bà một thân một mình vừa nuôi chồng con mà còn để lại khối tài sản lớn như vậy thì không phải loại vừa!
- Cô ấy là tuýp phụ nữ chăm chỉ, lo toan mà. - Chồng cũ của Thuỳ thở dài.
- Tại sao Thuỳ để lại hết tài sản cho anh, mà không phải là cho mẹ cô ấy, hoặc người chồng hiện tại hoặc cho bé Trang? - Tôi tranh thủ lúc anh ta chìm đắm trong tâm trạng, để hỏi luôn câu hỏi chính, vốn làm không chỉ tôi, mà bất cứ ai cũng thắc mắc.
- Chắc là vì con của chúng tôi. - Anh ta tự rót trà thêm cho mình.
- Lời giải thích theo hướng đó của anh dễ làm người ta yên lòng lắm. Nó hợp lẽ, nhưng mà...
- Nếu không phải là Thuỳ định chơi tôi! - Người đàn ông bỗng dằn tách trà xuống bàn, mặt xạm lại.
- Tại sao anh và Thuỳ li dị? - Tôi hỏi luôn, cố nén cảm xúc, bởi tôi sắp tìm ra được điều gì đó.
Tôi đã bắt đầu lờ mờ thấy có một điều gì đó ở đây, không như mấy đội cảnh sát, sau khi khám nghiệm tử thi, chỉ có thể kết luận là Thuỳ tự tử, tạm thời chưa có manh mối gì.
- Kể từ khi lấy tôi, cô ấy đã làm hỏng cuộc đời tôi! - Chồng cũ của Thùy nói một cách khó nhọc. - Kể cả linh hồn cô ấy có ngồi ngay đây, tôi vẫn nói thật như vậy.
- Hy vọng là tôi có thể hiểu được... Tôi căng tai ra để lắng nghe.
- Trước khi Thùy sinh bé Trang, cuộc sống của vợ chồng tôi có thể nói là hạnh phúc, nếu không có một rắc rối ngớ ngẩn.
- Rắc rối ư?
- Tôi không biết dùng từ nào cho chính xác hơn.
Người đàn ông chợt ngừng lại, nhìn tôi dò xét, có vẻ như ước lượng xem tôi có đáng tin cậy cho anh ta mở lòng. Rồi như đột ngột rút một cái chốt nào đó, dòng thác lũ ào ra.
- Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu làm sao mà lúc ngủ với chồng, cô ấy vẫn không chịu thả tóc ra. Một cái búi tóc lớn như vậy, rất không thoải mái. Tôi đã cho là vì búi tóc lớn sau gáy, mà người cô ấy cứng đờ trên giường, cô ấy không thể yêu đương quên trời đất. Có lần tôi bắt cô ấy đứng lên, quay mặt vào tường khi làm chuyện đó, như vậy búi tóc sẽ không gây cản trở nữa, nhưng kết cục thì vẫn không được như ý. Chuyện này, nghe có vẻ không bình thường, nhưng nó làm tôi suy nghĩ hằng đêm, kể cả khi cô ấy đã bỏ tôi để lấy chồng khác.
- Thuỳ có phản đối khi anh bắt cô ấy đứng, quay mặt vào tường khi hai người yêu nhau không?
Tôi hỏi sau khi cố gắng chọn từ ngữ sao cho không làm anh ta lo ngại và tụt vào vỏ ốc.
- Cô ấy đứng, hai tay chống vào tường, tóc búi cao, rất chặt. Tôi ôm cô ấy từ phía sau. - Người đàn ông nuốt nước bọt, nhưng tiếng nuốt nghe khô khốc! - Cô ấy không phản đối gì cả. Ngay cả khi tôi muốn các tư thế khác thì cô ấy cũng không phản đối, miễn sao cách ấy không động chạm và làm búi tóc tung ra.
- Hồi ở với anh, tóc cô ấy dài tới đâu?
- Nói ra thì thật tệ! Có lẽ tóc cô ấy dài quá hông, cô ấy chưa bao giờ để tôi nhìn thấy toàn bộ mái tóc, dù tôi có đánh chết cô ấy.
- Nhưng cô ấy phải gội đầu chứ?
- Cô ấy toàn trốn đi gội đầu ở một chỗ nào đó, tôi không được biết. Đến giờ tôi vẫn lẩn thẩn tiếc, lẽ ra tôi phải tìm hiểu xem vợ mình gội đầu, hong tóc ở đâu chứ!
Câu chuyện nghe được từ chồng cũ của Thuỳ rất có giá trị, nhưng nó cũng làm tôi bối rối thêm. Câu chuyện có thể là từ mái tóc, một mái tóc mà không thể để cho chồng, người gần gũi nhất về thể xác được nhìn thấy. Mái tóc ấy như thế nào chứ? Tôi cố lần mò trong ký ức.
Năm hay sáu năm trước, sau một cuộc họp với những thí sinh lọt vào Vòng chung kết cuộc thi “Cây kéo vàng” - một cuộc thi tạo mẫu tóc do tạp chí Mốt mà tôi làm việc kết hợp với hãng dầu gội tổ chức, tôi nhận được cuộc gọi từ một số máy lạ. Đó là Thuỳ - một thí sinh lọt Vòng chung kết cuộc thi ấy, cô nói mới gặp lần đầu nhưng đã rất quý tôi (của đáng tội là tôi không ấn tượng lắm về cô trong buổi họp ấy), cô đã xin bằng được số điện thoại của tôi để làm quen, và cô mời tôi đến tiệm tóc của cô ở phố Lê Duẩn để làm tóc.
- ờ, nhưng tóc chị có bao giờ làm gì đâu - Tôi tìm cớ thoái thác - Chị làm báo, bận rộn kinh khủng, chẳng có thì giờ chăm chút tóc tai.
- Chị cứ đến chỗ em. Lúc nào cũng được. Em luôn sẵn sàng đón chị. Em sẽ làm cho chị kiểu tóc thật phù hợp mà không mất công săn sóc!
Thuỳ vẫn kiên trì thuyết phục tôi với giọng nói trong trẻo, vui vẻ như đang cười.
Tôi hứa đại với Thuỳ một câu để ngắt cuộc gọi, rồi tôi cũng chẳng nhớ ra mà đến tiệm tóc của cô.
Tuần sau cô lại gọi nữa. Tôi tặc lưỡi thôi thì đến xem sao, một công đôi việc, vừa thử làm kiểu tóc mới, vừa đặt cô làm một bộ sưu tập tóc mới để in lên tạp chí Mốt vào mùa Thu. Đằng nào thì tôi cũng phải nộp bài mốt tóc mùa thu cho cái tạp chí đang trả lương cứng cho tôi, mà Tổng biên tập thì luôn cho mình cái quyền cấm tôi viết bài cho tạp chí khác.
Tôi không nhớ tóc cô ra sao, có lẽ vì cô che tóc đi bằng một cái khăn màu đen nho nhỏ, theo kiểu buộc khăn của hình ảnh cô gái quảng cáo trên hộp sữa “Cô gái Hà Lan”.
Nhưng tôi nhớ rất rõ cảm giác bàn tay cô chạm vào tóc, vào da đầu tôi, có vẻ những ngón tay thật khẽ khàng, nâng niu như chạm vào những sợi tơ mỏng manh, nhưng những ngón tay chia lớp tóc thật chính xác, gọn gàng, mềm dẻo và đẹp. Có cảm giác như cô đang múa kéo qua mái tóc của tôi. Mũi kéo hướng ngược, xuôi, tứ phía bay bổng chỉ bằng cái vẫy nhẹ ngón cái và ngón giữa trên bàn tay cô. Cắt tóc mà thật là thư giãn. Tôi đã khép nhẹ mắt.
- Chị chưa bao giờ chải duỗi, nhuộm màu hoặc uốn tóc phải không? - Thuỳ vừa cắt tóc, vừa hỏi.
- ừ, chị chẳng có thời gian. - Tôi đáp. - Với lại chị cũng không khoái làm tóc cầu kỳ.
- Tóc chị như thế này gọi là tóc trinh đấy!
- Tóc trinh á? - Tôi mở choàng mắt, hỏi lại Thuỳ.
- Nghĩa là sợi tóc còn trinh nguyên, chưa bị chút động chạm nào của hoá chất khi duỗi, uốn, nhuộm...- Thuỳ giải thích.
- Hoá ra là thế, tóc mình vẫn còn trinh. - Tôi nói và nhắm mắt.
- Không phải chỉ có mình chị đâu. Tóc em cũng vậy. Những người trong nghề làm tóc tụi em ai cũng lấy mái tóc mình ra thí nghiệm đủ kiểu trên đời, tuần này một kiểu, tuần sau đã kiểu khác, lắm người dùng hoá chất liên tục nên tóc chết ngắc. Riêng em từ thời cha sinh mẹ đẻ tới giờ, tóc thế nào vẫn giữ nguyên thế.
Tôi lại hé mắt, để nhìn xem tóc Thuỳ thế nào, nhưng nhìn không rõ, vì lớp khăn che kín.
- Nhưng để tóc vậy làm gì? - Tôi hỏi và lại nhắm mắt, những ngón tay của Thuỳ khéo léo quá, chúng khiến tôi lơ đãng trôi đi mà không để ý sâu sắc được hiện tại.
- Để giữ mái tóc trinh ấy mà! - Thuỳ đáp.
Tôi cũng chẳng để ý nữa, và quên đi, để đến bây giờ thì nhớ lại, cứ như hôm qua những ngón tay của Thuỳ còn vuốt ve từng lọn tóc của tôi.
Mũi kéo nhỏ, sắc biết múa hướng tới đâu, những lớp tóc theo hàng lối đổ tới đó như gió cuốn.
Nhưng lúc này đây, khi Thuỳ đi rồi, thì câu trả lời ấy của cô không thoả mãn được tôi. Giữa tôi và cô hình thành một khoảng cách xa vời, thiêng liêng theo một nghĩa nào đó, không phải bởi cái chết đẩy tôi và Thuỳ xa nhau vô tận, mà bởi ý nghĩa của cái chết.
*
Việc gặp người chồng thứ hai của Thuỳ không khó như người chồng đầu tiên, bởi anh ta đang cực kỳ bức xúc, và anh ta cần gặp mọi người để tỏ bày bức xúc ấy.
Tôi dẫn xác đến hứng trọn cái nút xả ấy. Tôi cần làm thế, và nỗi bất ổn do cái chết không bình thường của Thuỳ gây ra trong tôi rồi sẽ dẫn tôi đến đâu...
- Tôi cho rằng cần xem lại tính pháp lý của bản di chúc vợ tôi để lại. - Anh ta nhấn mạnh. - Cả gia đình nhà vợ tôi cũng đồng thuận như vậy.
Thuỳ đã cưới người đàn ông này và ở với anh ta khoảng bảy năm, nhưng họ không có con với nhau. Tôi đoán rằng họ không hạnh phúc, bởi Thuỳ chẳng bao giờ để lộ cho người ngoài biết về người chồng thứ hai này. Tôi cũng chỉ mới biết về anh ta sau khi Thuỳ chết. Nhưng thoáng nhìn vẻ bần bần, u lì toát lên từ toàn bộ dáng người, nét mặt, ánh mắt của anh ta thì tôi hiểu tại sao Thuỳ không sinh con cho anh ta, cũng không tìm được mối đồng cảm, mà anh ta vẫn bám lấy cô như thế.
- Cô ấy có biểu hiện gì bất thường không anh, nhất là thời gian trước khi chết?
- Không chỉ thời gian trước khi chết đâu, mà rất lâu trước đó. Cô ấy hẳn bị bệnh thần kinh, tôi nghĩ thế!
Anh ta vừa nói, vừa bồn chồn bẻ các khớp ngón tay kêu rôm rốp.
- Nếu dám nói vậy thì anh phải có bằng chứng cụ thể đấy? - Tôi khó chịu nói.
- Có chứ! Khoảng tháng trước, trong đêm cô ta như mộng du, tỉnh dậy giữa đêm tối đi quanh phòng lẩm bẩm: “Tôi đi cắt tóc đây, cắt tóc!”. Tôi không ngủ được, bực mình hỏi: “Cô đừng có điêu! Tôi biết cô chẳng bao giờ dám cắt tóc.” “Tôi sẽ cắt, nhưng anh đừng hòng biết khi nào tôi cắt!”. Cô ấy loạn trí như thế đấy!
- Anh có bao giờ nhìn thấy toàn bộ mái tóc vợ anh không? - Tôi dò hỏi.
- Không bao giờ! Kể cả lúc cô ấy chết rồi. Đúng là trước đó một tuần, cô ấy đã cắt mất mái tóc. Lúc chết, tóc cô ấy đã không còn.
- Cô ấy cắt tóc ở đâu?
- Tôi mà biết được ư? Ước gì tôi biết được tất cả về vợ tôi. - Anh ta giơ hai tay lên, tỏ vẻ chán nản.
- Hãy cho tôi biết đi, - tôi chồm tới, nhìn xoáy vào mắt anh ta. - Tôi thề giữ kín chuyện này, tôi biết anh không hài lòng khi cùng cô ấy trên giường, hãy kể cho tôi rõ hơn.
Anh ta nhìn tôi một lúc, rồi chừng như không kiềm nổi, lại ào ra.
- Chị đã biết thì tôi không giấu làm gì. Điều này cũng là biểu hiện bệnh thần kinh của cô ấy. Khi nằm với nhau, Thuỳ không nằm ngửa như những người đàn bà bình thường khác. Cô ấy chỉ chọn tư thế nằm nghiêng. Chỉ vì cái búi tóc to đùng chết tiệt sau gáy.
- Anh đã làm gì cô ấy?
- Tôi có thể làm gì? Giết vợ vì cô ấy nằm nghiêng sao? Mà động vào tóc thì cô ấy như beo cái! Nói thật với chị, sau vài tháng lấy nhau, cứ nằm nghiêng theo vợ như vậy, tôi thấy nhàm!
- Chỉ vì chuyện ấy thôi sao?
- Còn một chuyện nữa, tôi còn làm cô ấy giận một lần, chiến tranh lạnh tới cả tháng trời, tôi sợ luôn, không bao giờ chạm tới nữa.
- Chuyện gì vậy? Có liên quan gì tới tóc cô ấy không? - Tôi hỏi dồn.
- Có thể như vậy. Cách đây năm năm, hay sáu năm gì đó, tôi vì không chịu nổi, đã rình xem cô ấy trốn đi đâu để gội tóc, ai nhìn thấy tóc cô ấy? Và tôi không khó gì để phát hiện ra người chủ tiệm cô ấy tới gội tóc. Đó là thày dạy nghề của cô ấy. Tôi đã rất ghen, tìm gặp anh ta và nói anh ta nên chấm dứt quan hệ với vợ tôi.
- Anh ta nói gì?
- Anh ta phản đối, cho rằng tôi ghen tuông vô lý, anh ta chỉ là thày dạy nghề và sau đó làm dịch vụ cho cô ấy thôi, tuyệt nhiên không có chuyện trai gái gì?
- Anh ta là ai? - Tôi thấy máu dồn hết cả lên mặt, lên tay.
- Trời ơi! - Người đàn ông ngã ngửa ra phía lưng ghế, câu hỏi của tôi chừng như làm vỡ ra điều gì đó trong anh ta.
*
Tôi ngước mắt nhìn biển hiệu “An Hairdresser” bóng loáng rồi đẩy tấm cửa kính dày trên đó in lần lượt những thương hiệu sản phẩm tóc Toni & Guy, Davines... Có vẻ tôi không được vồn vã chào đón, khác hẳn khi tới tiệm tóc của Thuỳ. Một thợ tóc trẻ với mái tóc vàng chói dựng lên như cái mào trên đầu lịch sự hỏi tôi muốn dùng dịch vụ gì.
- Tôi muốn gặp anh An chủ tiệm. - Tôi nói và liếc mắt về phía người đàn ông trạc bốn mươi, cao và gày, vận bộ đồ đen tuyền với ống quần thiết kế đặc biệt, gài rất nhiều loại kéo to nhỏ, lược các cỡ trong đó...
Anh ta liếc qua tôi rất nhanh, ánh mắt lạnh lùng vô cảm.
- Có việc gì mà chị tìm tôi?
- Tôi là nhà báo, tôi muốn có thêm thông tin về Thuỳ... - Không hiểu sao trước người đàn ông này, tôi lại cứng lưỡi ra như vậy.
- Cảnh sát đã hỏi tôi rất đầy đủ! - Anh ta dừng tay kéo, nhìn tôi, nhưng có cảm giác anh ta nhìn qua đầu tôi, tới nơi nào ở xa - nhà báo đến sau mất rồi.
- Sau hay trước gì không quan trọng với tôi - tôi cố vớt vát - Tôi còn là bạn của Thuỳ. Chuyện xảy ra không phải lỗi tại anh, mà có lẽ...
- Chị nói gì vậy?- Anh ta hỏi giật giọng, ánh mắt nhìn tôi bớt vô cảm.
- Thuỳ chỉ đến đây gội tóc, chỉ có anh nhìn thấy mái tóc cô ấy. Và anh luôn đóng chặt cửa tiệm mỗi khi Thuỳ đến!
- Chị điều tra cũng ghê nhỉ?
- Vậy mà anh không nhận ra điều gì sao?
- Điều gì ư? - Anh ta chau mày - Lúc đầu tôi cũng hơi lạ với yêu cầu của cô ấy, rằng phải đóng cửa tiệm và xua nhân viên ra ngoài trong khi tôi gội tóc, sấy tóc khô cho cô ấy. Cô ấy luôn gọi điện đặt giờ và trả công cao. Nhưng hơn mười năm nay rồi, việc đó liên tục diễn ra, và tôi thấy chuyện này cũng bình thường thôi, tôi làm theo yêu cầu của Thuỳ, đã thành thói quen rồi, cứ làm như một cái máy, chẳng cần suy nghĩ.
- Nhưng anh là người đàn ông duy nhất nhìn thấy tóc cô ấy!
- Thì đã sao! - Anh ta nhún vai - Tôi không quan tâm! - Anh ta quay lại với mái tóc cắt dở cho khách.
- Anh mù rồi! - Tôi hét lên.
- Chị muốn chửi bới, la hét gì cũng được, nhưng đừng làm thế trong tiệm của tôi.
Tôi nén xúc động:
- Được, cho tôi hỏi câu cuối: Tại sao anh lại cắt mái tóc của Thuỳ?
- Ai nói với chị điều ngớ ngẩn đấy? Tôi không hề cắt một sợi tóc nào của cô ấy! - Anh ta dừng tay kéo, cao giọng, giọng anh ta có vẻ run, nếu tôi không lầm.
*
Tôi tạm bó tay trước sự bất hợp tác của người đàn ông thứ ba có liên quan tới Thuỳ. An là kẻ khó hiểu, anh ta vô cảm chăng, tôi khá nghi ngờ ước đoán này. Tôi vẫn cho rằng anh ta là cái chốt cuối cùng đóng cánh cửa bí mật ngăn tôi tiến lại gần sự thật cái chết của Thuỳ. Với pháp luật thì anh ta vô can, với tự tâm anh ta cũng vô can, bởi anh ta mù loà! Còn tôi thì không thể yên cho được. Cái chết đầy ẩn ức của Thuỳ ám cả trong giấc ngủ của tôi. Nhiều đêm tôi thấy Thuỳ về, nhưng dù tôi cố gắng cỡ nào cũng không thể nhìn thấy mái tóc thực của Thuỳ nó ra làm sao. Kể cả khi ở bên kia rồi nhưng Thuỳ vẫn cố giấu tóc. Chỉ có thể một người nhìn thấy mà thôi. Nhưng kẻ đó lại mù, thương thay cho Thuỳ! Mà cũng giận Thuỳ lắm, Thuỳ ơi!
Chạng vạng hôm đó, tôi nhận được một cuộc điện thoại, số lạ, nhưng tôi cũng bấm máy nghe.
- Chào chị Vân, chị là nhà báo, bạn của Thuỳ phải không?
Cái giọng không màu sắc gì, nhưng vừa lạ, vừa quen. Tôi lưỡng lự đáp.
- Vâng. Lạc Vân đây. Xin lỗi, tôi đang được nói chuyện với ai vậy?
- Chị không nhận ra tôi ư? Tôi tưởng chị có thể nhìn thấy mọi chuyện cơ đấy. Hoá ra chị cũng bình thường thôi. Nhưng làm sao chị lại thấy được tôi mù?
- à, anh An, nhà tạo mẫu tóc. Vì thế mà anh gọi điện cho tôi phải không?
- Không hẳn vậy, - người đàn ông ngập ngừng, giọng anh ta như trôi ra xa lắc - Tôi chỉ muốn nói với chị, rằng chị nói thật quá, làm tôi thức tỉnh. Và tôi cũng muốn báo để chị biết, là tôi đã đồng ý cắt tóc cho Thuỳ?
- Thế mà anh đã nói dối tôi, anh muốn lẩn tránh điều gì ư?
- Tôi không nói dối, vì lúc chị hỏi, tôi chưa hề cắt tóc cho Thuỳ. Tôi mới chỉ nhận lời cắt tóc cho cô ấy vào lúc sáu giờ ba mươi chiều nay.
- Cái gì? - Tôi choáng váng, tôi không tin nổi vào tai mình. Điện thoại đã bị ngắt. Tôi bấm máy gọi lại cho số cuộc gọi vừa nhận, nhưng chỉ thấy tiếng tút ngắn như máy đang bận. Tôi gọi lại không biết bao lần nữa mà không được. Tôi thử xem mình có tỉnh táo không bằng cách gọi từ máy di động vào số máy bàn nhà mình, máy reng bình thường. Liệu tôi có bị lẫn lộn trình tự thời gian không?
Tôi nhìn đồng hồ, sáu giờ hai mươi chiều. Tôi hấp tấp lao ra khỏi nhà, đến thẳng tiệm tóc An. Tôi vừa tấp xe đến vỉa hè, thì chiếc cửa cuốn tiệm tóc cũng vừa hạ sát đất.
Tôi vội vã đập vào cửa cuốn. Không ai mở. Sao giờ này ở đây không có ai hết thế nhỉ.
- Giờ này hàng tuần là cậu An tiếp khách đặc biệt, luôn kéo cửa xuống như thế, cô không gọi được đâu. Thánh cũng chẳng gọi được!
Bà chủ cà phê quán bên cạnh khuyên tôi như thế. Nhưng hình như vừa mới đây thôi tôi có nhìn thấy bà đâu?
Tôi hỏi bà, rằng nếu gọi cửa không được, thì có cách nào nhìn vào trong nhà không? Bà nhìn tôi hồi lâu nghi ngại, cho đến khi tôi đưa bà xem thẻ nhà báo, và kể vắn tắt câu chuyện của Thuỳ, thì bà bảo tôi vào trong quán cà phê. Bà kéo ra một cái thang, dựa vào bức tường chung giữa quán cà phê và tiệm tóc. Đây vốn là nhà của bà, có hai phòng thì bà cho An thuê một phòng làm tiệm tóc, một phòng bà tự kinh doanh quán cà phê. Bức tường giữa hai phòng có ba ô thông hơi trên cao. Tôi nhanh chóng trèo lên thang, nhòm vào tiệm tóc của An.
An mặc đồ đen giống như lần trước tôi đã nhìn thấy. Anh ta đứng cạnh một cô gái. Cô ngồi trên ghế cắt tóc, lưng xoay lại bức tường nơi tôi đang lén nhòm qua. Tóc cô buông dài, dài đến đâu thì tôi không nhìn thấy, vì tầm nhìn từ ô thông hơi trên cao chỉ đến thắt lưng cô mà thôi. Tôi rùng mình, nhắm mắt lại.
- Thuỳ định thế nào? - Tiếng người đàn ông rất dịu dàng.
- Thì cứ cắt đi thôi?
- Cắt đi thì tiếc lắm đấy!
- Tiếc cũng chẳng được. Em chẳng còn hy vọng được thêm nữa đâu. Em đau lắm, tít ở bên trong ấy. Tóc trinh giữ mãi chẳng để làm gì. Em cần một nỗi đau khác bên ngoài, để át đi nỗi đau kia, thử xem có được không.
- Dù gì thì tôi cũng xin lỗi.
- Muộn rồi, thôi anh cắt đi.
- Cắt đến đâu?
- Cắt hết đi, chẳng còn tóc nữa là được!
Cây kéo sáng loáng thoắt đưa lên mái tóc đen óng ả. Tôi muốn hét lên để ngăn lại nhưng tiếng hét dường như không thoát ra. Muộn thật rồi. Tiếng xoẹt lia ngang tim tôi, tôi bỗng trố mắt trước cảnh tượng kinh hoàng. Lưỡi kéo cắt đến đâu, máu túa chảy từ chỗ tóc đứt lìa đến đấy. An và lưỡi kéo dường như không thấy điều đó, cứ tiếp tục cắt. Tôi dùng hết lực để gào lên, nhưng máu làm tôi choáng váng, rơi khỏi chiếc thang như một bao gạo.
*
Chập chờn tỉnh lại, tôi thấy xung quanh là màu trắng miên man. Có bóng người lờ mờ bên cạnh, tôi cố mở to mắt, căng tai ra nghe. Người đó hẳn là người thân của tôi, tôi thấy tay người đó âm ấm nắm tay tôi. Người đó đang cố giải thích cho tôi hiểu. Rằng tôi đang ở bệnh viện, tôi đã bị ngã và chảy máu. Rằng khi tôi tỉnh lại, cảnh sát sẽ thẩm vấn tôi, vì có nhà tạo mẫu tóc tên An vừa tự tử chết, dùng kéo đâm vào cổ. Tôi phải cung cấp thông tin cho cảnh sát, vì tôi đã có mặt ở hiện trường.
Những điều ấy trôi qua tôi như thực, như hư. Tại sao tôi lại bị cuốn vào những chuyện như thế này nhỉ? Tôi phải giải thích với cảnh sát ư? Giải thích điều gì trong khi chính tôi còn chưa tìm ra được lý do thực sự của tất cả câu chuyện này.
Và tôi phải nói những gì với cảnh sát? Còn những điều gì cần giữ lại?
Tôi chỉ biết chắc rằng lòng tôi sẽ mãi không yên ổn nữa, Thuỳ ơi!
K.B.H
|