Vài dòng về Nam Ninh
Nhà văn Nam Ninh, tên thật: Lê Ninh
Nơi sinh: Quỳnh Phụ Thái Bình. Đã ngoài sáu mươi, các cụ xưa đã lên lão. Lão viết chậm mà chắc. Lão bảo cứ phải có tác động mạnh từ bên ngoài thúc ép lão mới chịu viết. Thế mà loáng cái láo đã có được 4 tập truyện ngắn và một tập tiểu thuyết. Cứ nghe lão đặt tên tác phẩm cũng thấy ngộ: “Căn nhà ở phố”“Dịch vụ tắm biển” “Máy in tiền”. Tuyện máy in tiền, lão viết rất hóm về chuyện làm ăn in tiền âm phủ, hay chuyện thuê gái tắm chung cho oai.
Từ ngày hưu lão mới viết khoẻ. Trước kia lão viết rất ít. Thi thoảng lão mới són ra được một cái. Nhưng cái náo cũng khá. Lần đầu tiên truyện ngắn “Căn nhà ở phố” ăn giải báo văn nghệ của lão được người ta in đi in lại mãi. Mấy năm nay lão làm cho báo “Người Hà Nội” đúng vào dịp cả nước chuẩn bị kỷ niệm ngàn năm Thăng Long. Lão cày khoán rất khoẻ cho chuyên mục mục “ngàn năm” mà lão cho là không hợp với tạng lão. Tạng lão chỉ hợp với truyện ngắn. Nhưng vì mấy triệu một tháng, vì danh dự “nhà” nên lão phải đọc đến toét mắt nhiều quyển lịch sử dày cộp. Động đến lịch sử đâu phải chuyện bỡn. Lão xác định thế. Gần đây nhất lão có tiểu thuyết Khoảnh khắc đời người được lọt vào vong chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của hội nhà văn suýt được giải, nghe nói đâu chỉ thiếu một phiếu. Lão bảo cái số lão không được nổi tiếng. Giống như Phạm Ngọc Tiến, viết truyện viết kịch bản phim nhưng chả ai biết tên, đến khi bị bệnh đái đường cả nước biết. Thế mới tức. Nam Ninh cũng thế. Viết truyện ngắn cũng vào loại có hạng,cứ tưng tửng như không mà hay. Hay nhưng ít người biết đến. Nhưng bù lại Nam Ninh lại oai và nổi tiếng ở ngành điện. Hôm xem ty vi thấy lão thay mặt bộ năng lương trả lời phỏng vấn báo chí về sự vụ “công tơ” gì đó mãi trong thành phố Hồ Chí Minh. Tôi bảo lão “sướng nhất ông, là thanh tra bộ “điên nặng” tha hồ được tung hoành trong Nam ngoài Bắc. Đến đâu cũng được trọng vọng. Lão nhăn mặt. “Sướng cái con khỉ! Méo mặt vì cái cơ chế này thì có. Lão bảo lão sẽ còn viết cả cuốn tiểu thuyết về cái gọi là ‘Cơ chế đèn cù” của chính sách kinh tế tập thể này. Nhiều chuyện cười ra nước mắt. Ai cũng biết, từ kỹ sư làng nhàng như lão đến ông thủ tướng cũng thừa biết cái “đèn cù” nó thế nào mà vẫn chịu bó tay. Nhiều lúc chuyện phiếm cười, xong lại thấy buồn, thấy đau. Trí thức cũng chịu thua cái lý Người Mèo. Thế mới là Việt Nam ta. Ngày Nam Ninh còn ở dưới Hạ Long Quảng Ninh. Hai thằng cùng ở phố Dốc Học một thời hồng son của phong trào,say sưa viết, háo hức viết. Có lần tôi và Nam Ninh cùng đi trại sáng tác(nghỉ tại gia).Hai thằng bảo nhau thi đua mỗi thằng phải viết một cái truyện cho ra trò. Thế mà sắp đến hạn nộp sản phẩm cả hai đều chưa vẽ được chữ nào. Tối đến hai thằng diễu phố bàn nhau ra quyết tâm thư lần này phải sáng tác lối tức thì. Vừa đi vừa nghĩ tìm tứ truyện. Sáng mai công bố cho nhau kết quả. Thế là đêm ấy về nằm cạnh vợ tôi thao thức trằn trọc cả đêm cố đẻ ra được cái gì đó để nộp trại. trại để thi đua với lão. Ai ngờ sáng ra bà xã nghi ngờ tôi có chuyện gì đã xông xuống nhà Nam Ninh tra khảo:”Tối qua hai ông đi với con nào mà ông Hướng nhà tôi cả đêm mất ngủ” Nam Ninh ớ người thanh minh cho tôi cái vụ Sáng tác tức thì ấy. Nhưng đàn bà họ đâu dể tin cánh đàn ông vụng trôm. Rõ khổ thế.Nhưng để bù đắp cho sự oan uống ấy tôi đã có cái truyện ngắn “Khoảng trời riêng” để nộp trại, sau in báo văn nghệ, còn Nam Ninh có truyện “Dịch vụ tắm biển” được chuyển thể thành phim.Nhà tôi và nhà Nam Ninh có thời được cảnh văn nghệ các nơi ghé thăm rất chi tình cảm, Từ các nhà văn tên tuổi khắp trong Nam ngoài Bắc như: Nguyên Ngọc, Nguyễn Kiên, Nguyễn Bản, Văn Thành Nho, Hoàng Minh Nhân,Phạm Ngọc Tiến, Ngô thị Kim Cúc…đến anh em văn nghệ trong tỉnh tụ tập rõ vui gọi đùa là trụ sở văn nghệ Hướng Ninh.Tôi và Nam Ninh thân nhau vậy mà chả viết về nhau bao giờ. Nay nhân đầu năm mới, Nam Ninh có được cái truyện hay tôi viết vài lời để giới thiệu cùng bạn đọc.
Dương Hướng
Truyện ngắn: Kẻ bố thí
Cánh cửa lầu ba của khách sạn mini An Khang từ từ hé mở. Một chút ánh đèn phớt hồng hắt ra soi tỏ một cái gói nhỏ vừa ném xuống. Ở dưới, một bóng đen tả tơi, đang hau háu hóng lên. Khi thấy cái gói nhỏ ném xuống đám cỏ tranh, hắn hí hửng bới tìm. Và kia, hắn đã chộp được. Hắn đưa lên mũi hít hít như con chó béc giê đầy vẻ mãn nguyện. Hắn ngửa cổ hướng về cái cửa sổ mờ sáng vừa ban phát cho hắn, nhưng cánh cửa đã từ từ khép lại. Mặt hắn cau có. Hắn giơ nắm đấm về phía lầu ba hằn học:
- Mẹ chúng mày, cuối cùng cũng chỉ sau ông. Cũng chỉ dưới ông. Nó đã qua tay ông rồi đây nhá! Rồi đây, ông cũng ngang ngửa với chúng mày. Ông cũng HIV, cũng hưởng tài trợ quốc tế, cũng USD... ông kém cạnh gì đâu nào.
Hắn lại quờ quạng lần tìm trong đám cỏ tranh vì vừa lại nghe tiếng rơi đánh "bộp" một cái nữa. Lúc ấy ở bên trong căn phòng lầu ba, trong ánh đèn điện phớt hồng, soi tỏ một con bệnh HIV không một mảnh vải che thân, đang õng ẹo ngả vào vòng tay gồ ghề cơ bắp của một thằng đàn ông đầy sinh lực.
Hắn mới được sống trong hy vọng từ chiều hôm kia, nhưng nó thuộc về năm ngoái. Đấy là chiều ba mươi tết, nhà nhà mâm cao, cỗ đầy. Hắn đi trong sự no đủ của thiên hạ. Hắn đi trong sự tẩy chay của thiên hạ, nhưng cái kiểu tẩy chay của ngày tết nó khác ngày thường. Trẻ con cũng lốc nhốc chạy theo, ném đất, ném đá sau lưng hắn. "Ê, thằng ăn xin!". Hắn quay lại, Chúng cũng dừng lại rồi cười hơ hớ, người hắn rúm lại. Còn người lớn thì cư xử với hắn khác hơn. "Ê, ăn xin! Tao bảo nhé! Hôm nay là ngày ba mươi Tết, tao cho mày xôi thịt, mày nốc cho no, ngày mai nhớ là đừng có mò đến. Mày có biết ngày mai là ngày gì không? Mồng một đấy, người ta kiêng bọn rác rưởi chúng mày. Mày mà ló mặt đến đây thì nhà tao dông cả năm nghe chưa? Mày mà vác mặt đến, thì ông vạc mặt". Hắn rúm ró nói: "Con cảm ơn ông, con cảm ơn bà, con cảm ơn cậu mợ dạy bảo. Con cũng biết chứ ạ, nên mới tranh thủ đi chúc Tết vào ngày hôm nay”. “Chúc tết, gớm nhỉ, mày cũng tử tế nhỉ, ờ nhỉ, mày cũng là một thằng đàn ông, tắm rửa sạch sẽ trông cũng ra con người”. Hắn lại khom người lại nói: “Nhân dịp sắp bước sang năm mới, con chúc ông, chúc bà, chúc cậu mợ giàu có, lại sống lâu muôn tuổi". "Được, thằng này không đến nỗi ngu đần. Có uống rượu không?". "Con xin ạ!". Cái bao tải của hắn mỗi lúc một nặng thêm. Giờ lại có thêm cút rượu nữa là đã đủ hương vị ngày Tết. Giá ngày nào cũng như chiều ba mươi Tết thì cái kiếp ăn xin của hắn cũng trở nên no đủ, cũng trở nên phởn phơ. Đã thế, hắn lại còn làm được một việc nhân đạo. Hắn quyết không đi xin của bố thí vào lúc giao thừa, vào cả ngày mồng một tết, vì sợ gia chủ dông cả năm. Ấy thế mà lúc hắn đang đi ngất ngưởng giữa những lô nhà cao tầng với cái bao tải nặng, có một bà mệnh phụ gọi hắn lại. "Mày có thích tiền không?". "Dạ con xin" - hắn chìa bàn tay cáu bẩn để bà đặt vào đấy một nắm tiền lẻ nhàu nát. "Thế này nhá - mắt bà ta liếc dọc liếc ngang như là để xem có ai thấy không- tao sẽ cho mày nhiều hơn, nếu đúng sáng ngày mai mày phục kích cho tao - ngón tay chuối mắn của bà chỉ cho hắn thấy lô nhà sáu tầng đồ sộ. Đấy, cái nhà có biển đề Đại lý các loại hải sản biển. Đúng lúc giao thừa, mày sẽ đứng ở cổng nhà nó, mày nói cho tao câu này: "Năm mới, năm me, con xin ông, xin bà.... đại loại, mày làm cái công việc của mày, nghĩa là chúc tết. Xong, mồng bốn Tết đến đây, tao sẽ thưởng tiền thêm cho xài cả tháng". Thấy hắn thuỗn mặt, bà ta lại tưởng hắn đã ưng ý ưng ý, nên nói nhỏ: "Nhưng đến lấy tiền công ở nhà tao thì đến vào buổi chiều, đến vào buổi sáng tao sợ dông cả năm đấy nghe chưa?" Hắn vẫn thuỗn mặt, lại nhấc thử cái bao, ý chừng xem sẽ sống được bao nhiêu ngày, trông mới thật đáng ghét. "Sao, mày có làm không đây?". Hắn lắc: "Con xin đội ơn bà, nhưng con ngại lắm!". Hắn sợ trả được cái thù của nhà bà này với chủ nhân của cái nhà sáu tầng kia, bằng cách mang cái tấm thân của hắn đi deo vạ, là chuyện bất lương, mà ngộ nhỡ họ tóm được đánh cho tuốt xương thì chả bõ. Bà mệnh phụ bực tức văng luôn: "Đồ ăn mày bẩn thỉu! Cút! Mày suốt đời chỉ là một thằng khố rách áo ôm cũng phải!"
Thì suốt đời hắn cũng chỉ là một thằng khố rách áo ôm đấy chứ. Nhưng hắn cũng làm được một việc nhân đức chứ có kém cạnh gì ai. Hắn cúi đầu chào bà mệnh phụ rồi hất cái bao tải qua vai, tong tưởi bước đi như trốn chạy. Giờ nghĩ lại, cũng nhờ cái việc nhân đức ấy mà bây giờ bỗng hắn sống có tương lai. Rồi đây hắn cũng sống ngang ngửa với khối thằng sang trọng, quyền thế. Hắn cũng HIV, cũng được hưởng tài trợ quốc tế, cũng USD... Cơ may ấy lại vào đúng cái đêm ba mươi Tết ấy. Vào lúc hắn lọ mọ về cái xó xỉnh của hắn ở góc bến ô tô. Lúc ấy hắn thảnh thơi trải manh chiếu rách ngồi xếp bằng tròn. Chai rượu đặt ở trước mặt. Khi no đủ, người ta trở nên khoáng đạt. Hắn cũng nhâm nhi. Thỉnh thoảng cũng ngửa mặt lên "khà" một cái để hưởng thụ cái thú vị của đêm tất niên. Mắt hắn lim dim, mơ màng, nghiêng nghiêng, ngó ngó. Hình như hắn nhìn thấy ở góc kia cũng có một người. Cổ hắn bươn dài để nhìn cho kỹ. Đúng, một người, một bà... chà... lại một mụ đàn bà! Sao ngày hôm nay hắn gặp lắm đàn bà thế, ban nãy là bà mệnh phụ, bây giờ thì ai đây? Bản năng bảo hắn lồm cồm bò dậy. Hắn khúm núm tiến lại gần:
- Con xin bà... Con xin cô... Thôi thì của ít lòng nhiều, cô thương cho kẻ sa cơ...
- Không có gì đâu.
- Thôi thì năm qua, xuân lại tới...
- Người ta đang chết đói đây này.
"Rắn như cái đinh". Hắn lầm rầm, rồi co ro trở về cái manh chiếu rách. Nhưng từ đấy bỗng dưng hắn không còn cái thú để "khà" nữa bởi vì con người kia cứ có một cái gì đó làm vẩn vơ trong cái đầu ngu muội của hắn. "Hay là..", hắn lại lồm cồm bò dậy. Bây giờ nhờ có ánh điện hắt vào soi tỏ, đó là khuôn mặt trắng nhợt loà nhoà của một cô gái, cô quá phong phanh và đang co rúm người lại vì rét.
- Thưa cô... hay là
- Là cái con khỉ gì đây?
- Nếu có nhỡ độ đường con xin mời cô ăn với con một miếng cơm bố thí.
-?
- Cô ơi, hay con mang lại đây.
- Kinh!
Cô gái quay mặt đi. Nhưng hắn vẫn nằn nì:
- Ngon lắm kia, xôi này, thịt này... Giá ngày thường con đâu dám mời cô.
Hắn nín thở, khi thấy cô gái từ từ quay mặt lại.
- Cô ơi, giờ này, ngày này có hàng quán gì đâu, nên con mới dám mời cô ăn miếng cơm nhạt.
Cô gái ngồi trầm tư một lúc, rồi mới nói:
- Ừ, cũng được, nhưng mà phải xem đồ ăn trước đã.
Chẳng mấy lúc, họ đã ngồi với nhau. Cô gái còn trẻ, chỉ quãng ngoài hai mươi, lại môi son, má phấn loè loẹt. Còn hắn thì lem nhem, bẩn thỉu, rách bươm, không sao có thể đoán nổi tuổi tác. Cô gái ăn uống ngon lành, chắc là đói lắm. Cô bảo vì vội tiếp khách nên lúc quay ra quên cả áo rét, lại không còn cái quán nào mở cửa nên phải chịu đói. Cô nguyền rủa cái ngày Tết chết tiệt này, nguyền rủa cả cái thằng cha nào đấy tiếc của giời mà cứ hùng hục dấn thêm, thành ra muộn, thành ra vội, thành ra quên cả cái áo rét. Ăn xong, hình như cô mới sực nhớ ra có hắn đang ngồi bên cạnh. Cô nói
- Rét nhỉ
- Hay cô mặc tạm cái áo khoác ngoài của con
- Kinh!!
- Hay cô ở lại đây để con đi chỗ khác.
- Ấy không đâu, sợ lắm. Đêm ba mươi tối đen thế này.
Bây giờ hắn mới ấp úng, muốn khám phá cái điều hắn đang ngờ vực.
- Cô ở đâu? cô làm gì? cô nhỡ xe hay là lỡ ..?
- Nhỡ vì Tết hiểu chưa? Người ta chỉ nhỡ vì ngày Tết - cô nói, nhưng xem ra hắn vẫn chưa hiểu, nên cô phải giải thích thêm -Vì ngày Tết, thằng nào nó cũng kiêng, nhà nào nó cũng kiêng nhất là ngày mồng một tết, nó không dám chứa, nó sợ dông cả năm hiểu chưa?
- Ra cô là gái... bán ... hoa..
- Thì đã sao nào. Kém hả?
- Không ạ, cùng một cảnh thôi mà!
- Cùng một cảnh, cô bĩu môi - Bẩn như ma mà cũng đòi cùng một cảnh.
Hắn dốc ngược chén tu một hơi dài bực tức. Trong bóng đêm, con mắt hắn trở nên sống động. Hắn lẳng lặng thu đồ ăn vào bao tải, từ từ đứng dậy.
- Ô kìa! Đi đâu? Cô hốt hoảng kéo hắn lại.
- Chê thì người ta phải đi chứ.
Cô cười hi hí, kéo hắn ngồi trở lại. Cô áp bộ ngực thây lẩy lên vai hắn, xoa đầu hắn, dỗ dành:
- Này, bảo cho mà biết nhá, chỉ cùng cảnh ngộ đêm nay với ngày mai thôi. Vì ngày Tết người ta đều kiêng bọn mình cả. Bảo nhé, đừng có đi. Đây cảm ơn rồi đấy. Đang đói cồn cào lại cho ăn. Giờ người ta cho ngủ nhé...
- Ngủ - hắn lúng búng.
- Người ta toàn ngủ trên giường đệm trắng tinh với người sang trọng, quyền thế đấy nhé!
Thế rồi, chúng ngủ với nhau. Xét cho cùng, muốn tồn tại thì sinh linh nào cũng phải ăn và phải ngủ. Cái giống đực thì chẳng thể nằm im khi cái mùi vị lạ lẫm ấy cứ xộc vào mũi vào mồm, vào óc. Hắn thọc tay vào cái thứ mềm mềm.. Rồi âu yếm vào tai cô:
- Có bị HIV không đấy cô em?
Cô cười rú lên, sặc sụa
- HIV? Giời đất ơi, cũng sợ HIV à? Ai bảo mà cũng biết?
- Cái loa ở bến ô tô suốt ngày nói về HIV, thì người tà phải nghe thấy chứ!
- Hí hí, này bảo nhé, được nhiễm HIV thì phúc tổ bảy mươi đời. Hết kiếp ăn mày, ăn xin. Có biết HIV là thế nào không? Là nhiễm HIV đấy. Mà nhiễm HIV không chết ngay đâu mà sợ. Kéo dài được ngót mươi năm gì đấy. Nhưng mươi năm đó là mươi năm được vào chỗ thiên đường đấy. Được điều trị với những người sang trọng có tài trợ quốc tế, tiêu bằng đô la... Nghe chưa?
- Thật à?
- Chứ còn gì. Bảo nhé, hôm nào nhìn người ta mở cửa xe, người ta đi trên tầng lầu, mà xem những người sang trọng đi theo người ta... những con bệnh HIV đấy
- Giời đất!
Hắn rên lên, cả đời đi ăn xin, giờ mới được làm một người "bố thí"... hắn bố thí cho cô được ăn, được ngủ trong cái đêm ba mươi Tết cổ truyền này. Trong con người hắn thấy chuyển hoá, rạo rực, lại có chén cay cay. Cứ như là con bệnh HIV tiến gần. Đêm ấy, hắn mơ thấy mình được nhiễm HIV.
Để thiên hạ khỏi phải bị tẩy chay, khỏi phải xúi quẩy, lại có sẵn của ăn của để, sớm ngày mồng một Tết, chúng rủ nhau lên đồi đốt lửa sưởi, ăn của bố thí do hắn kiếm được chiều ba mươi Tết. Chúng say sưa ngắm nhìn xuống thị xã, hãnh diện với phố phường đông vui vì chúng cũng có một khoảng trời biệt lập. Để tỏ lòng ngưỡng mộ, cô gái nói đã bố thí cho hắn một con bệnh HIV, mà nhờ đó hắn sẽ được sống trong hy vọng, hắn chớp chớp mắt đội ơn cô.
Sáng ngày mồng hai Tết, dù sao thiên hạ cũng bớt kiêng kị, cuộc sống cộng đồng kéo chúng trở về bờ biển. Để tỏ lòng biết ơn hắn đã nuôi cô trong mấy ngày khắc nghiệt vừa qua, cô bảo hắn, kể từ nay, hàng ngày cô sẽ tín hiệu cho hắn đến chỗ cô hoạt động, cô sẽ ném cho hắn ít của dư thừa. Hắn sung sướng vì vận may đã đến...
Cô đảo mắt tìm kiếm ở giữa các đám đông trên bãi biển. Chỉ một loáng, tài nghệ điêu luyện đã mang lại hiệu quả, cô đã kiếm được một tình nhân. Cô trở lại chỗ hắn để chia tay với vẻ mãn nguyện:
- Này, tạm biệt nhé. Nó đã đưa tình người ta kia rồi! Gớm mới mồng hai Tết đã có thằng dửng mỡ... Cứ thế nhé!... Bai bai!
... Bây giờ hắn chỉ được gặp cô sau cánh cửa sổ ở các tầng lầu. Khi cánh cửa kia hé ra là hắn biết mình được sống trong no đủ. Cô ban phát cho hắn cả đồ ăn, cả sự nhẫn nhục.
Mỗi lần nhẫn nại bới tìm cái gói nhỏ cô ném xuống, hắn lại hằn học giơ nắm đấm về phía cái cửa sổ chửi thề:
- Mẹ chúng mày, chúng mày cũng chỉ sau ông, cũng chỉ dưới ông. Rồi đây ông cũng HIV, ông cũng ngang ngửa với chúng mày...
Còn cô gái thì vẫn hi hí cười trong vòng tay của những thân hình phè phỡn.
Nam Ninh