Eliot (nhà thơ Anh gốc Mỹ): Cái xác anh trồng năm ngoái trong vườn/ Đã bắt đầu nẩy mầm chưa? Thanh Quế: Tôi như thấy những tháng năm đời mình còn lại/ Là những tháng năm vay mượn của các anh/ Những người đã khuất (Nói với một người anh - nhớ Lê Anh Xuân)

   

Hội thảo Nguyễn Huy Tưởng với Hà Nội
Cập nhật: 9:39:00 25/9/2010

Có thể còn chưa yên tâm khi nói Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960) là nhà văn kiệt xuất nhất thế kỷ XX của văn học nước nhà, chứ nói ông là quan trọng nhất thì hẳn bạn cũng đồng ý với chúng tôi rằng không cần bàn cãi. Quan trọng, bởi ông là người đầu tiên thành công về bi kịch cổ điển và Vũ Như Tô là tác phẩm có thể làm vinh quang cho mọi nền văn học; bởi ông là người sáng lập Nhà xuất bản Kim Đồng và nhờ nó, mảng văn học cho thiếu nhi của nền văn học phát triển rực rỡ và cuối cùng, với một nhân cách cao đẹp, kết tinh của văn hóa kẻ sỹ Thăng Long ngàn năm, Nguyễn Huy Tưởng là niềm tự hào cuả văn nhân Đất Việt. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày mât cuả ông (25 - 7 – 1960), Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với NXB Kim Đồng và Viện Văn học tổ chức cuộc Hội thảo Nguyễn Huy Tưởng với Hà Nội với lời khai mạc mang tính đề dẫn của Chủ tịch Hội, nhà thơ Hữu Thỉnh. Vanvn.net trân trọng giới thiệu chùm tham luận cuả các tác giả Dương Trung Quốc, Phạm Xuân Nguyên và Vũ Quần Phương

NGUYỄN HUY TƯỞNG, CỐT CÁCH CỦA NHÀ VIẾT SỬ

Dương Trung Quốc




Khi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng qua đời (1960) thì tôi đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, đang ở lứa tuổi say mê đọc các truyện ông viết cho trẻ em mà ấn tượng hơn hết là Lá cờ thêu sáu chữ vàng, tác phẩm cuối đời của ông.

Nay đã ở tuổi ngoại lục tuần, lại có dịp mang sách của Nguyễn Huy Tưởng cho cháu ngoại đọc, được cầm bút viết nhân nửa thế kỷ ngày mất của ông (1960 - 2010) tôi càng nhận ra con người và ngòi bút ông rất gần gụi với nghề nghiệp của mình. Tôi muốn nói Nguyễn Huy Tưởng cùng văn nghiệp của ông mang cốt cách của một người viết sử.

Nhà văn Tô Hoài từng coi Nguyễn Huy Tưởng là “cây bút sử thi hết sức hùng tráng” vì cái căn nguyên mà ông đã thừa nhận “tấm lòng đối với lịch sử và quê hương từ tiềm thức đã gắn bó và thôi thúc(Tô Hoài – Những gương mặt). Năm 20 tuổi, ông đã viết nên những câu chữ đáng coi là một châm ngôn sâu sắc với mọi người và đối với những người đồng nghiệp của tôi: “Người không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cày ruộng. Cày với ai cũng được, mà cày ruộng nào cũng được” (Nhật ký 13-1-1932).

Từ thân phận một công chức Sở Đoan (thuế quan), một trí thức tiểu tư sản trong thang bậc giai cấp, sống trong một đô thị thuộc địa tù hãm nhưng lại tiếp xúc với nhiều mới mẻ của thời tân học, Nguyễn Huy Tưởng đã sớm tìm đến những hoạt động mang tính xã hội của Đoàn Hướng đạo sinh hay Hội Truyền bá Quốc ngữ để nuôi dưỡng lòng khát khao được làm việc thiện cho Đồng bào và việc nghĩa cho Đất nước.

Bước vào tuổi “tam thâp nhi lập” ở những năm đầu thập kỷ 40 đầy sóng gió, sự chín chắn của nhân cách và phong cách gặp sự sôi động của thời cuộc đã trào tuôn trên ngọn bút của Nguyễn Huy Tưởng những tác phẩm đầu tay mà đã bề thế.

Sau những ghi chép cho riêng mình (Cái đời tôi - 1930) và những bài thơ, tuỳ bút nhỏ đăng báo ở tuổi hai mươi thì với Đêm hội Long Trì, An Tư và vở kịch Vũ Như Tô gần như được thai nghén chung rồi lần lượt được trình làng chỉ trong ba năm 1941 - 1943, Nguyễn Huy Tưởng đã lập được chỗ đứng của mình trên văn đàn như một nhà văn chuyên khai thác đề tài lịch sử. Với thời gian ngót bảy thập kỷ, giờ đây chúng ta hoàn toàn có thể xếp những tác phẩm đầu tay này như những mẫu mực cho một khuynh hướng sáng tác lấy thể tài lịch sử trong nền văn chương Việt Nam hiện đại.

Với ba tác phẩm đầu tay này, ngòi bút Nguyễn Huy Tưởng khai thác chuyện bên trong cung Vua phủ Chúa thời Lê - Trịnh, chuyện một nàng công chúa thời Trần hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn hay thân phận kẻ sĩ trong buổi triều chính suy vi… Cái tài viết văn của ông khiến những dòng viết ngắn ngủi và hoá thạch của sử sách về một sự kiện hay một con người trở thành cả một câu chuyện dài, sống động và gần gũi với người đọc hôm nay.

Nhưng điều đáng nói hơn là qua những tác phẩm của mình, Nguyễn Huy Tưởng không chỉ diễn đạt tri thức của ông về lịch sử cho người đọc mà ông còn gieo vào trong lòng họ những câu hỏi để mọi người cùng suy ngẫm tiếp với ông, tìm mối thông cảm với những con người trong câu chuyện xưa nay đã khuất nhưng theo cách hiểu của nhà văn.

Trong lời tựa từng gây nhiều cách hiểu của vở kịch Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng buông một câu hỏi: “Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết!”. Người đọc sách Cương mục thấy sử chép rằng: “Vũ Như Tô bị giết còn bị mọi người chỉ trích chê cười, có người nhổ nước bọt vào thây hắn”, còn trong tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng, ông lại viết về kẻ sĩ họ Vũ như một nhân cách lớn với đầy lòng thương cảm. Người đọc sách hôm nay của Nguyễn Huy Tưởng hẳn sẽ lại nêu câu hỏi: “Sách Cương mục đúng hay kịch của Nguyễn Huy Tưởng đúng?”. Lịch sử chỉ diễn ra một lần, còn viết lại lịch sử thì là việc của muôn thuở. Chính cái đó làm nên lý do tồn tại của sử học và làm nên sức sống của lịch sử.

Cho đến bộ sử thi Sống mãi với Thủ đô cùng một thử nghiệm về kịch bản phim: Luỹ Hoa và nhiều sách viết cho trẻ nhỏ trong đó có Lá cờ thêu sáu chữ vàng thì chân dung Nguyễn Huy Tưởng thực sự đã định hình là cây bút hàng đầu chứng thực một quan niệm cổ điển “văn sử bất phân”, đến mức nhiều hình tượng văn chương đã ăn sâu vào tiềm thức về lịch sử dân tộc qua những giai đoạn và nhân vật mà nhà văn thể hiện trong tác phẩm của mình.

Nó giúp ta liên tưởng đến một hiện tượng đã từng có trong quá khứ, khi nhóm Ngô Gia Văn phái đã thể hiện một thời kỳ lịch sử vẻ vang và sôi động ở thế kỷ XVIII qua Hoàng Lê Nhất Thống Chí để dựng lên cả một thời đại lịch sử hoành tráng bởi những biến cố và những nhân vật lớn của lịch sử mà tiêu biểu hơn hết là người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ. Ở đây những hình tượng văn chương đã hoá thân thành hiện thực lịch sử như đã từng có.

Nhưng nét sử thi trong tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng còn bắt gặp được những dấu ấn thời đại mà nhà văn đã sống. Nền tân học với những tri thức Tây phương còn mang lại cho Nguyễn Huy Tưởng những năng lực mà thế hệ cầm bút thuở xưa chưa thể có được. Đó là những giá trị nhân văn của thời đại dân tộc Việt Nam khao khát độc lập và tự do đang đi tìm con đường sống cho dân tộc từ thân phận thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Tây phương.

Đáng tiếc là Nguyễn Huy Tưởng tuy được sống và hoá thân vào một sự nghiệp vĩ đại của dân tộc đấu tranh cho độc lập và tự do, nhưng ông ra đi vào lúc mọi cái mới chỉ như bắt đầu, khi đặt ra câu hỏi sau nền độc lập, tự do giành đổi bằng biết bao xương máu mà vẫn còn dang dở thì cái con đường đi tiếp vẫn còn là những câu hỏi không dễ giải đáp…

Ở tuổi 20, trước ngưỡng cửa cuộc đời và sự nghiệp, Nguyễn Huy Tưởng từng băn khoăn đặt câu hỏi được ghi lại trong nhật ký của mình: “Ôi, tôi muốn sự nghiệp văn chương của tôi muôn đời đều xem đến. Nhưng tôi lại tin rằng: sau này, nhân loại hoà bình thì tư tưởng ái quốc sẽ không ai để ý đến. Vậy thì sách tôi còn ai đọc nữa?”.

Đã ngót 70 năm kể từ khi câu hỏi ấy đặt ra, thì cái “nhân loại hoà bình” mà ông dự báo vẫn còn ở đâu phía chân trời. Nhân dân vẫn còn cần đến những cuốn sách cổ vũ cho “tư tưởng ái quốc” của ông đã viết. Và cho dù sau này có ngày nhân loại hoà bình thì điều chắc chắn là tinh thần ái quốc sẽ hoá thân thành tình nhân loại, và những tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng cũng như của những người mang chí hướng như ông vẫn được muôn đời trân trọng.

Vì thế cái cốt cách của một nguời viết sử trong nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sẽ là một giá trị không dễ có và là niềm khao khát của nhiều người cầm bút muốn có được như ông.

Tháng Chín 2010




NGUYỄN HUY TƯỞNG, MỘT NHÀ VĂN HÀ NỘI
Phạm Xuân Nguyên



Cái đất khốn khổ này cần chúng ta hiểu thêm để yêu thêm

(Nguyễn Huy Tưởng)

Thế nào là một nhà văn Hà Nội?

Nhà văn đó có thể sinh ở Hà Nội hoặc không, có thể sống ở Hà Nội hoặc không, nhưng phải có viết về Hà Nội.

Nhà văn đó có viết về Hà Nội, nhưng cái viết phải có được chất Hà Nội.

Chất Hà Nội là gì?

Đó là chất kinh kỳ và kẻ chợ.

Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960) là một người con Hà Nội (ông sinh ở Dục Tú, Đông Anh), là một con người Hà Nội.

Và ông là một nhà văn Hà Nội. Đối với ông, Hà Nội – đất kẻ chợ và kinh kỳ, là một niềm tự hào, một lòng luyến tiếc, một nỗi xót xa, và một sự đau đớn.

Nguyễn Huy Tưởng yêu Hà Nội với đầy niềm tự hào và luyến tiếc lịch sử. Kịch Vũ Như Tô ông viết năm 1943 có nhiều tầng ý nghĩa, nhưng chắc chắn có một ý nghĩa nổi lên mà tác giả không giấu giếm: đó là nỗi buồn vì Cửu trùng đài đã không được xây dựng. Không có Cửu trùng đài, Thăng Long mất đi một vẻ đẹp kỳ vĩ, đủ để biến nó “thành nơi kinh kỳ lộng lẫy nhất trần gian” như lời Đan Thiềm nói với Vũ Như Tô. Nguyễn Huy Tưởng không biết “Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải?”, và tuy ông tự hỏi “Đài cửu trùng không thành, nên mừng hay nên tiếc” nhưng có thể thấy chắc là ông tiếc, vì ngay sau câu hỏi ấy là một câu so bì: “Tháp người Hời nguyên là giống Angkor!”.

Trong tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô, Nguyễn Huy Tưởng đã có những trang viết bàn luận sâu xa về Thăng Long - Hà Nội ở cảnh bữa tiệc sinh nhật của Tân với bốn người khách bất chợt được mời vào giữa lúc Pháp sắp nổ súng gây chiến. Một người là thầy giáo (Trần Văn), một người là học sinh (Vũ Minh), một người là nhạc sĩ (Thu Phong), một người là thợ ảnh (Benla). Một cuộc gặp gỡ lạ lùng của các nhân vật nhưng là một trường đoạn tiểu thuyết được nhà văn dựng lên để thể hiện tình yêu và những suy tư về Hà Nội của ông. Câu chuyện của năm người xoay quanh cuộc chiến sắp nổ ra và số phận của Hà Nội trong khói lửa chiến tranh đã đưa ra một cách nhìn, một thái độ như vừa yêu vừa giận của Nguyễn Huy Tưởng về Hà Nội. Trả lời câu hỏi của Thu Phong nếu Pháp nổ súng mà người Hà Nội không dứt điểm được chúng trong một đêm thì sao, Vũ Minh hùng hồn:

- Thì thiêu đốt kinh thành ra tro. Thành La Mã đẹp là thế mà thằng bạo chúa Neron còn đốt trong một trận điên cuồng kia mà. Huống chi là cái thành phố cổ lỗ này, xấu xỉ và bẩn thỉu, vá víu và lai căng, bé bằng cái hổng mũi, trơ trẽn như một con đĩ, cái thành phố đầy những cai Công, cai Mơ, những J. Dod, Kính què, những mụ cai đen, những mụ bé Tý, những đốc Sao, những Trịnh Thục Oanh, những Cả Vê, Hai Cua, còn gì nữa cái thành phố ấy, thì để làm gì mà không đốt nó đi để mà xây dựng một cái mới.

Trần Văn cãi lại:

- Hà Nội có chín trăm năm lịch sử. Ông nên nhớ cái vinh quang của Thăng Long, Đông Đô. Nó còn lâu đời hơn cái Paris lộng lẫy kia.

Vũ Minh:

- Vì Paris lộng lẫy nên thằng Pháp không đánh đã hàng. Hà Nội xấu xí cho nên ta đốt nó đi và cùng với nó đốt luôn cả thằng Pháp. Để xem dân tộc Pháp anh hùng hay dân tộc Việt Nam anh hùng. Vậy thì nâng cốc vì Tổ quốc, vì Cụ Hồ, vì thắng lợi, vì sự tàn phá của Hà Nội. Không nên để Hà Nội làm gì. Hà Nội xấu, Hà Nội ô nhục…

Trần Văn:

- Chúng ta không nên nói thế.

Vũ Minh:

- Xin lỗi ông, đau lòng đấy, nhưng là sự thật. Hà Nội xấu lắm. Hà Nội không có Acropole, không có Arc de Triomphe, không có Saint Pierre. Hà Nội nhục lắm. Đến cả cái đền Bạch Mã Hàng Buồm, thờ ông thành hoàng của chúng ta, mà cái tượng Mã Viện vẫn còn sờ sờ, vẫn có người lễ bái. Phát khóc lên được.

Trần Văn:

- Hà Nội không xấu đâu, ông ạ. Hà Nội thiếu lâu đài, nhưng không thiếu cảnh. Các cụ ngày xưa chả nói Hà Nội là đất của năm núi, hai mươi tám đảo, của Thăng Long đại bát cảnh đấy ư? Ở trên thế giới đâu có Hồ Gươm, Hồ Tây ở giữa thủ đô. Ở đâu có con sông nước đỏ chảy qua? Ta đừng trách Hà Nội mà trách những kẻ làm xấu, làm hại Hà Nội. Và Hà Nội cũng không nhục đâu, ông ạ. Nó có Đống Đa, có Đông Kinh nghĩa thục. Muốn hay không muốn, nó vẫn là Thủ đô toàn quốc.[1]

Cảnh bữa tiệc này là những trang viết tôi thích nhất trong cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Huy Tưởng. Các phát ngôn của nhân vật ở đây chất chứa lòng yêu, niềm tự hào và nỗi buồn đau của Nguyễn Huy Tưởng về Hà Nội, đất kinh kỳ – kẻ chợ. Ông vẫn tiếc Hà Nội không to đẹp với những lâu đài tráng lệ. Ông tự hào với quá khứ lịch sử của Hà Nội ở những giá trị tinh thần. Và ông lo lắng thấy Hà Nội bị xâm phạm cả xác và hồn bởi kẻ thù ngoại quốc, và bởi cả những người không biết yêu Hà Nội. Nhưng ông tin Hà Nội không chết, nước Việt không mất, vì mãi còn trong máu người Thăng Long, người dân Việt khí thế Diên Hồng. Hồn nước từ nơi hội tụ khí thiêng sông núi này luôn bừng thức mỗi lần non sông bị đặt trước nguy cơ tồn vong đến từ ngoại bang. Tiếng các cụ bô lão đời Trần hô “Quyết đánh!” trong điện Diên Hồng năm 1284 vọng đến tai chàng trai Nguyễn Huy Tưởng 29 tuổi năm 1941 giữa Hà Nội “như một nhời cảnh báo, hơn nữa, như một nhời đe dọa” kẻ thù. “Người ta chỉ biết ca tụng cái chiến công oanh liệt là Bạch Đằng. Nhưng không ai biết rằng trận Bạch Đằng không lạ; mà hội nghị Diên Hồng mới lạ, Bạch Đằng chỉ là cái kết quả tất nhiên của cuộc hội nghị có tính cách hoàn toàn dân chủ kia[2], đó là nhận thức sâu sắc có ngay từ hồi còn trẻ của Nguyễn Huy Tưởng về Hà Nội, về đất nước. Nhận thức này sẽ xuyên suốt các trang viết của ông: những con người bình thường, những người dân bình thường chính là những người làm nên lịch sử, không ai được phép chà đạp và lãng quên họ.

Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng sau ngày tiếp quản thủ đô (10/1954) càng cho thấy rõ niềm trăn trở đau đáu của nhà văn đối với cảnh và người Hà Nội. Kháng chiến chống Pháp thành công, Hà Nội hòa bình bắt tay kiến thiết xây dựng cuộc sống mới, nhưng ngay từ rất sớm, từ những ngày đầu về lại thủ đô, Nguyễn Huy Tưởng đã buồn và đau cho Hà Nội khi người chiến thắng đã có những biểu hiện thái độ thô thiển và thô bạo đối với vùng đất ngàn năm văn vật.

Ngày 8/6/1956 ông ghi: “Đi với Chế Lan Viên. Hồ Gươm lặng thầm. Chung quanh đèn điện mờ mờ. Thành phố không vui. Có cái tự hào của chủ nhân, nhưng không có cái say sưa, cái gọi là chắp cánh. Cảm thấy không có cái vui tươi. Một màu xám”.[3]

Ngày 25/9/1956 ông ghi nhật ký: “Hồ Hoàn Kiếm khuya. Ngọc [Trịnh Hữu] nói: Ở đâu phải đẹp đấy. Đáng nhẽ hai năm [sau giải phóng] phải đẹp lắm rồi. Nhưng xấu thêm. Ước ao bên hồ có nhiều chỗ giồng hoa, có những chuồng chim lạ, cá lạ. Trẻ em tung tăng bên hồ vui sướng biết bao. Chán phè với những hòm rác, những bảng trưng bày hình ảnh các nước bạn, nó làm xấu hồ đi, và chỉ là nơi muỗi ở, xấu mắt và ngượng quá cho Thủ Đô.”[4]

Nhật ký ngày 10/4/1959 Nguyễn Huy Tưởng ghi lại ý kiến của Nguyễn Tuân góp ý cho ông về kịch bản phim Lũy hoa nói về Hà Nội mùa đông 1946: “Ngoài việc chiến đấu, phải gợi lên cảnh Hà Nội. Cảnh Hà Nội thật nên thơ, thật cổ kính, của một thời kỳ đã qua. Nhưng rồi sắp hết trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải ghi lại những hình ảnh của Hà Nội, về người, về cảnh, về phố phường. Vì nó sắp mất. Mà nó sẽ có tác dụng ở trong nước. Ở ngoài nước. Ở Varsovie. Ở Khmer, khi đồng bào miền Nam tới xem: có thể có người khóc”.[5] Và Nguyễn Huy Tưởng cho biết thâm tâm ông đồng ý với lời khuyên của Nguyễn Tuân cả về việc tập trung cho kịch bản này, cả về việc trong kịch bản có chú trọng ghi lại những cảnh sắc Hà Nội. Bây giờ đọc lại những dòng ghi của ông, sau nửa thế kỷ, ta cảm nghe được nỗi lòng nhà văn Hà Nội ở Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân sâu nặng và day dứt biết bao. Con mắt và tấm lòng nhà văn ở họ như đã dự báo và nhắc nhở cho những ai có liên quan đến Thăng Long - Hà Nội.

Chính Hà Nội ấy, Hà Nội mang chứa trong mình Thăng Long lịch sử, Hà Nội sau tám năm tạm chiếm đón người chiến thắng trở về, Hà Nội trở mình thay đổi theo một định hướng mới, đã phơi bày những cái chưa được của người tiếp quản và làm chủ Hà Nội, rộng ra là làm chủ đất nước. Nguyễn Huy Tưởng nhìn Hà Nội những ngày sau 1954 như nhìn một con người, một con người văn hóa, và đòi hỏi cho Hà Nội phải được trân trọng và đối xử như một con người văn hóa. Ông bực bội, ông tức giận tất cả những cái gì áp đặt, choàng phủ lên thành phố thủ đô làm nó méo mó, xấu xí, khô cằn, kệch cỡm, xa lạ. Bài ký “Một ngày chủ nhật” (11/1956) chuyển tải những ý nghĩ, suy tư dằn vặt, lo âu của nhà văn trước thời cuộc trong nước và thế giới hồi bấy giờ, và không thể tách rời với những quang cảnh Hà Nội mà ông thấy chướng tai gai mắt. Đoạn nhật ký ngày 25/9/1956 nêu trên sẽ được ông viết dài ra trong bài ký này: “Tôi đi một vòng quanh hồ, mong tìm ở đây một chút khuây khoả. Tôi vốn yêu hồ vì cảnh đẹp, và cũng vì nó mang dấu vết của người anh hùng yêu nước mà trước đây tôi đã có ý ngợi ca. Nhưng Hồ Gươm đã mất nhiều vẻ đẹp lắm rồi. Nước hồ gợn váng, ven đầy rác rưởi. Bờ không được sạch, lủng củng những quảng cáo vụng về, bày vô tổ chức, những biển giới thiệu hình ảnh các nước bạn, hầu như không ai săn sóc, vì mặt kính không mấy khi sạch xác ruồi muỗi. Có cảm tưởng hồ bị bưng kín, và bé lại. Đường đi có nhiều chỗ lầy lội. Thùng rác như chiếc quan tài lù lù bên lối đi. Bàn tay cách mạng tới đâu là phải sửa sang, tô điểm thêm đến đấy. Hoàn cảnh hoà bình, thời kỳ kiến thiết đòi hỏi không được luộm thuộm. Nghĩ tới những đồng chí có trách nhiệm ở đây, vừa giận mà cũng vừa cảm thông. Không nghi ngờ gì cái ý tốt muốn phục vụ, muốn sửa sang, muốn đổi mới. Nhưng cái khổ là không biết cách làm. Bận túi bụi, chẳng cái gì làm đến nơi đến chốn...[6] Từ thủ đô, Nguyễn Huy Tưởng phóng chiếu cái nghĩ về lịch sử và cái nhìn vào hiện tại của công cuộc kiến thiết đất nước, ông thấy ra nhiều sự bất cập, sai lầm. Ông báo động một cách khẩn thiết: “Cách mạng hãy khắc vào cốt những sai lầm đã phạm phải, để không bao giờ, không bao giờ trở lại nữa. Chúng ta muốn đổi mới cho mau đến nỗi chúng ta muốn bỏ hết. Đến cả tên của nhiều làng, rất Việt Nam mà cũng rất thi vị, người cán bộ cũng bỏ đi, thay bằng những danh từ mang tính chất tuyên truyền chính trị. Không phân biệt được làng nào với làng nào với những tên đồng loạt: Tiến bộ, Hạnh phúc, Quyết tâm, Quyết tiến... rất ít âm hưởng trong lòng người. Có nơi còn rục rịch thay những tên xóm nôm na bằng những con số! Những niên hiệu các triều đại ghi trên hoành phi, câu đối của một ngôi đình cổ kính bị xóa đi bằng vôi trắng. Trên mặt tấm hoành phi treo giữa một ngôi chùa gần Hà Nội, người ta dán lên khẩu hiệu: Đảng Lao động Việt Nam muôn năm. Các đồng chí có biết không? Trong khi các đồng chí làm những việc kỳ dị ấy, thì Đảng lo khôi phục chùa Một Cột, kéo lại chuông lên gác chùa Keo! Hình như nhiều cán bộ quan niệm rằng cách mạng là xóa bỏ tất cả cái gì là quá khứ, là di tích, coi là phong kiến tất. Đừng đi quá nữa. Cuộc đời không phải chỉ có cách mạng, mà còn có lịch sử, còn có cái âm vang truyền qua các thời đại, những cái bây giờ tưởng là không dùng nữa, nhưng không có thì cuộc đời trở thành trơ trẽn, lạnh lùng...” Tôi muốn đọc to, đọc to lên, những dòng viết này của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ hơn năm mươi năm trước vào chính lúc này, giữa những ngày kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi. Bài ký “Một ngày chủ nhật” đã khiến nhà văn bị lao đao vì bị quy kết về tư tưởng, nhất là ông khi đó đã và đang là một yếu nhân của giới văn học. Nhưng “Người là thật, phải thật với người”, Nguyễn Huy Tưởng không thể dối lòng mình với nhân dân, với Hà Nội, với đất nước. Và ông đúng! Những điều ông lo lắng, cả lo sợ nữa, trước cái cách hành xử thô thiển và thô bạo đối với văn hóa Hà Nội, văn hóa Việt Nam cho đến nay vẫn còn, và còn không ít. Người ta đã thay tên gọi sân vận động Hàng Đẫy bằng “sân vận động Hà Nội”, ga Hàng Cỏ bằng “ga Hà Nội” từ hàng chục năm rồi. Trong dịp nghìn năm này, quan sát hành trình kỷ niệm thành phố, ta thấy có hai quá trình song song ngược nhau diễn ra. Một mặt tìm ra được chứng tích, dấu tích gì của ngàn năm trước thì mừng rỡ. Mặt khác, những dấu vết thời gian đang tích tụ hiện nay thì lại bị xóa đi. Cái nghìn xưa và cái nghìn sau như đang nhôm nhoam giữa Hà Nội nay.

“Mỗi lần đau, anh lại đến Tây Hồ / Chữa lành anh là hoa súng tím”, đó là Chế Lan Viên. Còn Nguyễn Huy Tưởng, ông đem cả tâm tư lòng mình soi vào Hồ Gươm. Những di tích quanh hồ im lặng, những cây xanh trầm lặng, mặt nước hồ xanh lặng lẽ, đối với ông, là chứng nhân của Thăng Long xưa, Hà Nội nay, là nơi kiểm nghiệm những thay đổi thời thế. Đó là chốn đưa lại sự yên tĩnh và tự tin cho ông khi trải qua những cơn sóng gió trong tâm tưởng. Hồ Gươm xấu xí, bẩn thỉu, ông buồn. Hồ Gươm vắng bóng trai thanh gái lịch, vắng bóng những sắc màu tươi vui, ông buồn. Hồ Gươm cô quạnh những cán bộ miền Nam tập kết, ông đau. Hồ Gươm có điện sáng đêm, ông vui. Hồ Gươm với những bóng hình phụ nữ dạo quanh trên bức sơn mài của Nguyễn Sáng bị mất vì họa sĩ không có gỗ vẽ đã phải phá đi tấm tranh làm rồi, ông tiếc (Nhật ký ngày 29/12/1959). Từ Hồ Gươm, Nguyễn Huy Tưởng yêu và xót Hà Nội. Hãy cùng nhà văn ngắm Hồ Gươm qua con mắt của người thầy giáo Trần Văn trước khi cuộc chiến nổ ra: “Lá rụng trên vai anh. Gió lạnh của Hồ Gươm phả vào mặt anh, làm cho anh dịu dịu. Nước hồ phẳng như gương, lá cây và váng nước xanh vẩn. Hàng liễu trên bờ phía Cầu Gỗ buông rủ những mành thấp thoáng như sương. Những con đường nhỏ lượn dưới bóng những cây cổ thụ quạnh hiu, cuốn bay vài tà áo màu còn sót lại. Cầu Thê Húc, khom khom, đã ngả màu hồng nhạt. Trấn Ba Đình ủ rũ thấp xuống như bị dìm. Tất cả đều im lìm, chờ đợi. Những con rùa lịch sử, chiến thắng và hòa bình, không thấy bóng tăm trên mặt nước. Cả đến đàn cò, từ năm này qua năm khác, không bao giờ rời cái cây gạo thân cao thẳng vút và trắng toát, cũng không xào xạc như mọi khi. Chúng đi đâu hay đã nằm im trong tổ. Cái hồ yêu dấu như cũng cảm thấy dân tộc đang gặp khó khăn, và lắng xuống lo âu”.[7] Đoạn văn tả này cho thấy nỗi niềm xao động của nhân vật và tác giả đối với thủ đô và đất nước ở những khúc quanh, bước ngoặt, điểm dừng. Đó là một khúc trữ tình trong bản hùng ca Hà Nội lũy hoa.

Nguyễn Huy Tưởng vĩnh biệt Hà Nội khi thành phố thủ đô vào tuổi chín trăm năm mươi. Ông đã viết nhiều về Thăng Long - Hà Nội, nhưng hình như điều sâu xa nhất ông vẫn chưa nói hết, nói trọn, nói xong. Ông ra đi, mang theo tất cả những trăn trở và ước vọng của một người con Hà Nội, một con người Hà Nội và một nhà văn Hà Nội cho xứ kinh kỳ – kẻ chợ đẹp hơn lên, văn hóa hơn lên, phong phú hơn lên, cả trên mặt đất và trong hồn người. Tưởng như bất cứ cái gì đụng đến Hà Nội hôm qua, hôm nay, và ngày mai, vẫn khiến ông xúc động và lo lắng, dù đã tan vào cõi thinh không nửa thế kỷ nay. Và những con chữ trên trang viết của ông về Hà Nội, cho Hà Nội, vì Hà Nội đọc lên dịp nghìn năm Thăng Long vẫn thấy động cựa, xôn xao. Trên tất cả, Nguyễn Huy Tưởng yêu Hà Nội, yêu những con người biết/dám sống và chết cho Hà Nội.

“Cái đất khốn khổ này cần chúng ta hiểu thêm để yêu thêm”, ông đã nói vậy.

Hà Nội 9.9.2010




NỖI NIỀM NGUYỄN HUY TƯỞNG
Vũ Quần Phương



 

Tôi coi kịch bản Vũ Như Tô là tác phẩm quan trọng nhất trong giai đoạn sáng tác đầu đời, trước 1945, của Nguyễn Huy Tưởng. Vở kịch hàm chứa mối trăn trở ngàn đời của người nghệ sỹ: khi điều kiện tồn tại của nghệ thuật không thuộc về nhân dân thì nghệ thuật đi về đâu. Nếu đi với nhân dân, như ý định đầu tiên của nhà kiến trúc và xây dựng Vũ Như Tô, thì sẽ không có Cửu trùng đài, không có chỗ cho nghệ thuật xuất hiện. Vũ Như Tô đã theo lời khuyên của Đan Thiềm: nghệ thuật chịu lụy cường quyền một thời để được xuất hiện và tồn tại vĩnh cửu với mai sau. Đó cũng là ứng xử của những họa sỹ Ý nổi tiếng thời Phục hưng đối với những đòi hỏi hà khắc của giới tăng lữ giàu có. Nhờ vậy mà lòng yêu trần thế của Raphael (1483-1520), của Miken Lăng (1475-1564) đã được các mái trần giáo đường Vatican gìn giữ và nhân loại được chiêm ngưỡng, qua hình ảnh các thần thánh, vẻ đẹp thuần khiết của tâm hồn và cơ thể con người do tài năng tuyệt diệu một đi không trở lại của Raphael, của Miken Lăng. Nhưng Vũ Như Tô thì thất bại: tác phẩm Cửu trùng đài bị đốt và kiến trúc sư Vũ Như Tô bị giải đến pháp trường. Kịch hết. Màn hạ. Nhưng nỗi lòng trăn trở của Nguyễn Huy Tưởng vẫn đang còn. Ông nói tràn ra ngoài vở kịch, trong Đề tựa. Lời đề tựa có mười câu, thì tới hai câu, ông dành để nhắc lại một câu hỏi này: Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Hai lần hỏi nhưng vẫn không lời đáp. Hình như đến nay câu hỏi vẫn còn nguyên đó. Nguyễn Huy Tưởng đã có sự chọn lựa lời đáp cho riêng mình. Ông chọn lựa vì không thể lẩn tránh. Với người nghệ sỹ, sống đồng nghĩa với việc trả lời câu hỏi này. Nhưng chọn mà không tự tin. Ông chưa dám lấy hành động Vũ Như Tô làm câu khẳng định do cái kết cục bi thảm của Vũ Như Tô. Tự hỏi là một cách mình nhủ với mình. Và rồi, như tự thú: Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm. Nguyễn Huy Tưởng chọn lối ứng xử của Đan Thiềm, của Raphael, Miken Lăng. Ông không coi đó đã là giải pháp tối ưu, dù khung cảnh lịch sử hiện đại đã xa khác lắm với thời Lê Tương Dực. Khác xa, nhưng hiểm họa vẫn còn. Nguyễn Huy Tưởng coi chọn lựa của mình chỉ như triệu chứng bệnh lý của nghề nghiệp, nghề yêu cái đẹp. Làm nghề ấy thì phải mang bệnh ấy. Như một nỗi đau của tổ nghề truyền. Đồng dạng với bi kịch Vũ Như Tô, còn bao nhiêu thảm án Ngục văn tự của nhân loại. Nỗi đau này chẳng của riêng ai. Càng không phải của một thời. Vở kịch lịch sử viết năm Nguyễn Huy Tưởng ba mươi tuổi đã đụng đến chiều sâu bản chất của chức năng nghệ thuật và lương tâm nghệ sỹ.

Thời cuộc khi Nguyễn Huy Tưởng bước vào văn chương là một thời cuộc bão táp, thời dân chúng đứng lên đòi quyền sống, quyền tự quyết. Đòi bằng bạo lực cách mạng. Nguyễn Huy Tưởng đã sớm tự nguyện làm người lính tiên phong của lực lượng cách mạng bão táp ấy. Lập trường nhân dân, hơn thế, lập trường cách mạng vô sản ở ông chắc chắn là sâu sắc, kiên định. Không thể dung thứ một ý đồ nào mà dân chúng đã phản đối. Không thể hòa đồng với bất kỳ một mưu toan hưởng lạc nào của thống trị làm hại đến lợi ích của nhân dân. Việc rất dễ xảy ra đối với một người viết “xuôi chèo cho mát mái” trong trường hợp này, là sáng tạo một chủ đề “tài năng đứng về phía nhân dân”. Rành mạch, rõ ràng ranh giới bạn thù, có tính giáo dục phổ cập. Nguyễn Huy Tưởng đã không làm thế. Không làm thế được. Cái chất tâm hồn, cái ngưỡng trí tuệ của ông hướng ông vào chỗ cao hơn, xa hơn, giúp ông đọc ra trong cốt truyện lịch sử Vũ Như Tô, một vấn đề của nghề ông, của nghiệp ông, của thời đại ông và của trách nhiệm ông đối với tiến trình phát triển văn chương nước nhà. Nó đã đi quán xuyến cả cuộc đời ông.

Tôi không dám sa đà vào những dòng trăn trở của ông trong nhật ký và cũng không dám bàn lạm vào những dòng riêng tư ông trao đổi với bạn bè. Chỉ xin nói tới một văn bản khác, một ghi chép như một bài báo, ròng ròng chất hiện thực đời sống thanh thiên bạch nhật và những trăn trở nội tâm chân thực, đau xót và đầy cố gắng của ông, bài Một ngày chủ nhật viết tháng 5-1956.

Cái năm 1956 ấy, người dân Miền Bắc nước ta đang say mê trong niềm vui thắng Pháp ở Điện Biên Phủ và ở hội nghị Genève, đang phấn chấn và tự hào sống dưới bầu trời độc lập tự do với niềm tin mênh mông vào cuộc sống hạnh phúc do chính tay mình sẽ tạo dựng... thì ập đến cải cách ruộng đất với những sai lầm khủng khiếp (Bác Hồ đã phải nhận định là tay phải ta chặt vào chính tay trái của ta). Rồi biến cố chính trị ở nước Hung, người ta từ chối chủ nghĩa xã hội... Và trong cuộc sống thường ngày, những điều trông thấy... Ngày lại ngày, những gì tốt đẹp cứ hao hụt dần. Những hao hụt ấy, cứ từng chút, từng chút, nhỏ bé thôi, người ta có thể chậc lưỡi, cho qua. Đã chết ai đâu! Nhưng Nguyễn Huy Tưởng thì thật sự lo âu. Cái nhỏ bé ấy không hề nhỏ bé, nó đã thành phổ biến và tần số xuất hiện ngày một mau hơn, tràn lan như vết dầu loang sang nhiều lĩnh vực đời sống. Là một cán bộ lãnh đạo văn nghệ của Đảng Cộng sản từ chiến khu Việt Bắc trở về, Nguyễn Huy Tưởng chắc chắn có đủ niềm tin và lòng vui như mọi cán bộ lãnh đạo khác. Ông hẳn thừa biết đâu là hệ quả tất yếu của cuộc đổi thay một thành phố tạm chiếm, “ăn bám” sang cuộc sống một thành phố lao động tự nuôi mình. Nhưng trong cảm quan bản năng của người nghệ sỹ Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng, “chín năm ròng lòng vẫn thủ đô” vẫn có một năng lực nắm bắt chân thực và rất nhạy thực tại đời sống Hà Nội. Một nhận xét nhỏ, ông thấy những người đi ngoài phố trong ngày chủ nhật ấy: Quần áo phần lớn màu tối, lạnh và khắc khổ, đồng loạt kiểu cán bộ. Hà Nội đã mất nhiều màu sắc. Biết tiếc những sắc mầu đặc trưng của Hà Nội chính là một phẩm chất văn hóa tinh tế và sâu sắc của người cán bộ này. Một tâm sự thành thật như tự thú, một đấu tranh nội tâm đầy trách nhiệm. Tôi nói: đầy trách nhiệm bởi những nhận xét kiểu này dễ làm người cầm quyền phật ý. Đầy trách nhiệm nên mới vượt qua lo âu cho bản thân. Vả lại Nguyễn Huy Tưởng, ở một cấp độ nào đó cũng là một thành tố cầm quyền. Ông muốn biện hộ những “xuống cấp” của cuộc sống mới, khi đứng ngắm Hồ Gươm. Nhưng ông lại muốn hơn một cái nhìn trung thực, tìm đúng bệnh của mình, để chữa: Tôi vốn yêu hồ vì cảnh đẹp, và cũng vì nó mang dấu vết của người anh hùng yêu nước mà trước đây tôi đã có ý ngợi ca. Nhưng Hồ Gươm đã mất nhiều vẻ đẹp lắm rồi. Nước hồ gợn váng, ven đầy rác rưởi. Bờ không được sạch, lủng củng những quảng cáo vụng về, bày vô tổ chức, những biển giới thiệu hình ảnh các nước bạn, hầu như không ai săn sóc, vì mặt kính không mấy khi sạch xác ruồi muỗi. Có cảm tưởng hồ bị bưng kín, và bé lại. Đường đi có nhiều chỗ lầy lội. Thùng rác như chiếc quan tài lù lù bên lối đi. Bàn tay cách mạng tới đâu là phải sửa sang, tô điểm thêm đến đấy. Tôi khâm phục sự lo âu rất sớm của nhà văn về cái hiện tượng hầu như không có ai chăm sóc ở tất cả mọi công trình xã hội. (Thực chất đó là thói vô trách nhiệm, là chủ nghĩa Mackêno, là dối trá, ăn cắp.) Nhưng điều tôi còn khâm phục hơn ấy là sự thành thật của ông. Thành thật đã trở thành dũng cảm. Hơn nửa thế kỷ đã đi qua tính từ ngày hôm ấy. Trong thâm tâm mỗi chúng ta đều đã có đủ độ lùi thời gian để thấy những lo âu của Nguyễn Huy Tưởng là có lý biết bao, thiết thực biết bao. Đó là những lo âu có tính “bản lề”. Nó có sức xoay chiều đóng mở thời vận một thể chế. Những ví dụ tiêu cực, tham nhũng nhỡn tiền hôm nay, “biết rồi , khổ lắm, nói mãi”, ai cũng thấy, to lớn và tràn ngập, chính là hậu duệ trực hệ của cái nhỏ bé làm Nguyễn Huy Tưởng lo âu.

Ông còn viết: Chúng ta muốn đổi mới cho mau đến nỗi chúng ta muốn bỏ hết. Đến cả tên của nhiều làng, rất Việt Nam mà cũng rất thi vị, người cán bộ cũng bỏ đi, thay bằng những danh từ mang tính chất tuyên truyền chính trị. Không phân biệt được làng nào với làng nào với những tên đồng loạt: Tiến bộ, Hạnh phúc, Quyết tâm, Quyết tiến... rất ít âm hưởng trong lòng người. Có nơi còn rục rịch thay những tên xóm nôm na bằng những con số! Những niên hiệu các triều đại ghi trên hoành phi, câu đối của một ngôi đình cổ kính bị xóa đi bằng vôi trắng. Trên mặt tấm hoành phi treo giữa một ngôi chùa gần Hà Nội, người ta dán lên khẩu hiệu: Đảng Lao động Việt Nam muôn năm. Các đồng chí có biết không? Trong khi các đồng chí làm những việc kỳ dị ấy, thì Đảng lo khôi phục chùa Một Cột, kéo lại chuông lên gác chùa Keo. Hình như nhiều cán bộ quan niệm rằng cách mạng là xóa bỏ tất cả cái gì là quá khứ, là di tích, coi là phong kiến tất. Đừng đi quá nữa. Cuộc đời không phải chỉ có cách mạng, mà còn có lịch sử, còn có cái âm vang truyền qua các thời đại, những cái bây giờ tưởng là không dùng nữa, nhưng không có thì cuộc đời trở thành trơ trẽn, lạnh lùng. Tôi thấy không cần bình luận gì thêm khi cuộc hội thảo này đã ở cận kề ngày Nhà nước ta làm đại lễ kỉ niệm nghìn năm Thăng Long. Và thấy cũng không cần trích thêm những nhận định tương tự về những lĩnh vực hoạt động của xã hội, trong bài báo. Giá ngày ấy tiếng than thống thiết này đến được những đôi tai tri kỷ của những ai có tâm và có tầm suy nghĩ; thì việc đời đã tốt đẹp bao nhiêu. Thật trớ trêu, Nguyễn Huy Tưởng đã bị phê bình nặng nề vì cách nhìn, cách nghĩ này. Theo quan sát mà tôi đã có về giới văn chương nước ta, tôi dám chắc hồi ấy, nhiều nhà văn đàn anh, đàn chị của chúng ta cũng có tâm bệnh giống Đan Thiềm. Nhưng cái câu hỏi đồng dạng với câu hỏi mà Nguyễn Huy Tưởng đã hai lần nhắc lại trong Đề tựa cho kịch Vũ Như Tô: “Chẳng biết Nguyễn Huy Tưởng phải hay những kẻ phê Nguyễn Huy Tưởng phải?” thì không thấy ai cất lên thành tiếng. Hôm nay, ôn cố để tri tân. Biết thời ấy, biết thế ấy, không ai nỡ trách các nhà văn hồi ấy. Nhắc lại chỉ cốt thấy được một mạch tư duy xuyên suốt đời văn Nguyễn Huy Tưởng. Từ buổi đầu cầm bút đến chặng cuối đời. Mạch nhìn, mạch nghĩ ấy đưa ta đến một chiêm nghiệm của nhà văn: dám tin vào mắt mình và phải tự mình nghĩ ngợi, nghĩ ngợi từ chính sự thực mình thu nhận, mà tìm ra nhận định, tìm ra giải pháp.

Và chân thành cất lên thành tiếng.

Hà Nội, 20-9-2010



[1] Sống mãi với thủ đô, in trong: Nguyễn Huy Tưởng, Toàn tập, tập IV, nxb Văn Học, 1996, trang 380-383.

[2] Tri Tân, số 17, đặc san về Trần Hưng Đạo, 3/10/1941. Dẫn lại theo: Nguyễn Huy Tưởng, Toàn tập, sđd, tập I, trang 771.

[3] Nguyễn Huy Tưởng, Nhật ký, tập 3: Nghệ sĩ & Công dân, nxb Thanh Niên, 2006, trang 100.

[4] Nguyễn Huy Tưởng, sđd, trang 145.

[5] Nguyễn Huy Tưởng, sđd, trang 429. Xin cung cấp một thông tin để thấy điều lo lắng của Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân nửa thế kỷ trước là có thật và nhìn xa. Theo trang mạng vnexpress.net (11.9.2010): “Tại cuộc hội thảo bảo tồn phố cổ Hà Nội ngày 10/9, ông Cesara Bieller, chuyên viên Đại sứ quán Italia cho biết, ông rất buồn khi mỗi lần trở lại Hà Nội lại thấy một số công trình bị phá hủy. Nếu người Hà Nội không ý thức bảo tồn nhà cổ thì 20 năm nữa sẽ phải xây lại những khu phố giả cổ ở ngoại thành. "Một trong những điều thu hút khách du lịch đến Hà Nội là có phố cổ chứ không phải những tòa nhà chọc trời. Nếu không có phố cổ thì khách nước ngoài đến đây làm ăn, họ sẽ không ở quá 1 ngày vì không có gì để xem. Phố cổ khiến Hà Nội khác biệt so với các thành phố khác", ông Cesara nói.”

[6] Năm 1992, viết kịch bản và lời bình phim chân dung về Nguyễn Huy Tưởng cho chương trình văn nghệ của Đài truyền hình Việt Nam (VTV1), tôi đã chia sẻ: “Hà Nội bây giờ phố cũ lên nhà mới / Chợ Đồng Xuân xây lại khác xưa nhiều / Quanh Hồ Kiếm vẫn còn rác rưởi / Thỏa lòng chăng, Nguyễn Huy Tưởng từng yêu?”

[7] Sống mãi với thủ đô, sđd, trang 69.


1
2
3
4
Tin mới
Liên kết website