Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI
   

Vĩnh biệt Nhà văn Tiến sỹ Hoàng Ngọc Hiến
Cập nhật: 9:05:00 25/1/2011

Nhà văn Tiến sỹ Hoàng Ngọc Hiến
VanVn.Net - Vô cùng thương tiếc báo tin: Nhà văn Tiến sỹ Hoàng Ngọc Hiến đã trút hơi thở cuối cùng vào 23h ngày hôm qua, 24 – 1 – 2011 tại Bệnh viện Hữu nghị, Hà Nội. Nhà văn Hoàng Ngọc Hiến sinh ngày 21 – 7 – 1930 tại quê nhà Đức Phong, Đức Thọ, Hà Tĩnh; làm nghề dạy học từ 1949 đến khi nghỉ hưu, là người sáng lập Trường Viết văn Nguyễn Du và do đó, là thầy của nhiều nhà văn nổi tiếng. Nhà văn Hoàng Ngọc Hiến phụng sự văn học bằng nghiên cứu, phê bình; với rất nhiều phát kiến có tính minh triết; những phát kiến ấy thường để lại những dấu ấn tích cực trong dòng chảy của văn học sử nước nhà. Trong hơn 2 tuần lâm trọng bệnh, mặc dầu được các GS, BS và gia quyến hết lòng chăm sóc chạy chữa, nhưng vì tuổi cao sức yếu, ông đã vĩnh biệt gia đình, bè bạn và hết thảy thế gian trong những ngày giá rét tái tê. VanVN.Net xin đau buồn báo tin, xin chân thành chia sẻ với tang quyến, với đồng nghiệp và trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Văn Chinh, một trong nhiều học trò của nhà văn Hoàng Ngọc Hiến...

T h ầ y  H i ế n

   Công chúng văn học biết đến Hoàng Ngọc Hiến là một giáo sư, tác giả của thuật ngữ hiện thực phải đạo nhưng thực ra ông chưa bao giờ nhận học hàm này vì có lần người ta định đề nghị Nhà nước phong hàm Phó giáo sư, ông đã nhã nhặn từ chối. Tuy nhiên, giới đại học có lối thoát của mình và họ đơn giản gọi ông là thầy Hiến; tôi, tôi cũng cứ gọi người thầy uyên bác của mình như thế. Thầy Hiến! Trên thế gian này có hàng vạn người thầy, thầy giáo tên là Hiến có lẽ cũng đến con số nhiều trăm, nhưng giữa biển kiến văn mênh mông, cái tên ấy vang lên mà không kèm với địa danh và trường cấp  cụ thể, thì nó có nghĩa là Thầy Hiến chúng tôi đang nói tới. Và đó là niềm tự hào mà không phải học trò nào cũng có.

     Không tự hào sao được, khi đó là người không học qua đại học mà trở thành giảng viên xuất sắc của đại học. Sau 1954, trước đòi hỏi của phát triển đột biến các trường đại học; giảng viên thiếu trầm trọng, thầy Hiến đang là giáo viên cấp 3, được mời về đại học để dạy. TSKH Tâm lý học Phạm Hoàng Gia nói: “Tôi chưa thấy ai giảng Freud - một lý thuyết rắc rối và đầy rẫy sự đáng ngờ, mà giảng sáng rõ như anh Hiến.” Nhưng không chỉ có truyền thụ kiến thức, thầy Hiến biết thoát nhanh khỏi bình nguyên của truyền thụ kiến thức, đưa học trò trên đôi cánh trực thăng lên tầng cao thăm thẳm của triết luận, của nguyên lý. Ví dụ khi giảng Freud, thầy nói: Freud chẳng những hạ bệ từ người thành con, ông còn hạ bệ cả nghệ thuật; học thuyết của ông nói nghệ thuật chỉ là thăng hoa của tính dục. Là chuyên gia về văn học Nga Xô viết, khi được Thứ trưởng Bộ Văn hoá Hà Huy Giáp giao nhiệm vụ lập khoa Viết văn thuộc Đại học Văn hoá Hà Nội, ông hầu như chưa đọc văn học Việt Nam đương đại, “có loáng thoáng nghe tên Trần Đăng Khoa, Hữu Thỉnh…nhưng chưa hề gặp một ai là nhà văn trẻ” vậy rồi Hoàng Ngọc Hiến đã lập ra một giáo trình, trước hết là không giống với các khoa văn trước đó ở Việt Nam và sẽ khiến các giáo sư ở Học viện Viết văn mang tên M. Gorky phải kính trọng. Lý thuyết của thầy thật đơn giản: “Đại học là nơi  những người hiếu học đến để gặp những người tài giỏi; Khoá I Trường Nguyễn Du khai giảng vào những năm đói kém, mặt ai cũng xanh xao gầy gò, trừ đôi mắt; những đôi mắt cứ sáng lên niềm háo hức được gặp những người tài giỏi. Và đó là lý do vì sao khi lập giáo trình cho họ, tôi chỉ mời những chuyên gia hàng đầu; nhất thiết không thoả hiệp mặt trận.”

    Thầy Hiến đã nói như thế hôm Kỷ niệm 30 năm Trường Viết văn Nguyễn Du, nói vo. Nhưng đó chính là tâm niệm một đời của thầy. Hai mươi lăm năm trước, thầy cho tôi cùng đi xem kịch Vampilov, do đạo diễn Lê Chức đang học ở Liênxô về dàn dựng và coi như đồ án tốt nghiệp của anh.Vampilov là kịch tác gia độc đáo và rất kén khán giả, ông chuyên chú về nguyên nhân/ quá trình băng hoại đạo đức của thời đại; đặc biệt ông chuyên chở những vấn đề to tát và mới mẻ trên con thuyền đơn sơ cũ kỹ, hệt như thầy Hiến của tôi. Một kẻ nẩy ra sáng kiến rào cái lối mòn quen thuộc, bảo nó là con đường của bọn phong kiến cu lắc, bắt mọi người phải đi trên đường lớn, đi vòng. Và gần như cả đời y phải rào đi rào lại, vì con người với thói quen và bản ngã thích sự tiện lợi cứ xé rào mà đi, hết lần này đến lần khác và y đã uổng công một đời. Tôi ngạc nhiên thấy thầy Hiến cho cả cô con gái đang ở tuổi xem chương trình tivi Những bông hoa nhỏ đi xem những cái nan giải phức tạp và xương xảu như thế. Khi tôi thắc mắc, thầy Hiến đã đưa ngón tay cái lên và trịnh trọng nói: “Vampilov là một ưu tú, con trẻ phải hết sức nhanh chóng cho chúng tiếp xúc với cái ưu tú.” Tôi không rõ lắm cái nghệ thuật ưu tú có cải hoán nổi một người nghiện phim Hàn Quốc và truyện tranh Doremon hay không, nhưng tôi biết chắc cái làng nhàng thấp kém của nó thì đã qua tivi sách báo quảng cáo mà tràn ngập đời sống hiện đại, vâng, nguy hiểm ở chỗ là nó nhân danh hiện đại và nếu không cẩn thận, chính nó sẽ làm đảo lộn các giá trị chân chính không chỉ riêng nghệ thuật.

    Ở trên tôi có nói hệt như là bởi, thầy Hiến luôn nói những vấn đề có tính khai sáng bằng những câu văn hoặc đã lỗi thời, hoặc đã bị vứt đi hay nếu còn dùng thì cũng không còn là chính nó. Năm 1986, cái máy điện thoại của Trường hay bị mất tín hiệu. Tôi đã từng viết về ký sư Quang, bấy giờ phụ trách Tổng đài 4 của Bưu điện Hà Nội. Quang học ở Hung, là người đã hoà mạng thành công điện thoại từ thạch (tín hiệu chuông reng reng) với điện thoại số (tín hiệu tút tút) mở đầu cho hội nhập thế giới tele phon của Việt Nam. Vì có quen riêng, tôi được văn phòng cử đi nhờ sửa chữa. Có 3 thợ kỹ thuật đến sửa, có 4 bát phở Sinh hẳn hoi để cảm tạ, chúng tôi tin chắc máy sẽ không mất tín hiệu nữa. Nhưng thầy Hiến bảo nó sẽ lại hỏng, nó hỏng ở đâu ấy và rồi nó hỏng thật, sau hai ba ngày tút tút một cách gắng gỏi. Ôi, đường giây cũ kỹ chắp vá, lại ngoắc nhờ đường giây điện vốn đã bị ngoắc vô tội vạ bằng giây điện gia công để ăn cắp điện thì ai biết nó hỏng ở đâu? Nhưng nó hỏng ở đâu ấy thì hàm một nghĩa đã khác, rất khác!

    Ngay cái thuật ngữ hiện thực phải đạo đã gắn liền với tên tuổi Hoàng Ngọc Hiến cũng hầu như chẳng còn giá trị tự thân. Vào năm 1979, dân gian không ai còn nói phải đạo như thời Nho giáo vẫn độc tôn. Đằng khác, khi Nho giáo còn độc tôn, chữ phải đạo chỉ có nghĩa ăn ở sao cho phải, cho đúng với bổn phận làm con, làm vợ, làm bề tôi. Khái niệm hiện thực trong lý luận văn học vào năm 1979 đã có thêm hiện thực huyền ảo Mỹ Latin, còn hiện thực phê phán và hiện thực xã hội chủ nghĩa thì không mấy ai mặn mà nữa. Nhưng khi Hoàng Ngọc Hiến đưa ra nhận định cái mà chúng ta gọi là hiện thực XHCN thực chất chỉ là thứ hiện thực phải đạo, nó chung chung nhạt nhoà, dường như nó chỉ để cho phải với cấp trên, với cái mà ta tưởng thế; thì hiện thực phải đạo chợt sống động, lập tức nó soi sáng một quá trình tư duy, nó can dự để không một ai còn dám thản nhiên viết như từng viết nữa, dù để giữ vững lập trường, nhiều người đã phê phán ông. Người phê phán Hoàng Ngọc Hiến gay gắt nhất là Chế Lan Viên thì sau đó rút vào im lặng, dành hẳn 10 năm cuối đời để viết các tập Di cảo, viết khác hẳn trước để làm nên giai đoạn thơ thứ ba và là giai đoạn huy hoàng nhất của Chế.

     Nhưng dường như hiện thực phải đạo không chỉ có thế.

     Với riêng tôi, nó còn là văn hoá ứng xử với ít nhiều trung dung của Nho gia. Khi đưa ra thuật ngữ hiện thực phải đạo, thầy Hiến chưa nghiên cứu kỹ về phương Đông. Hơi lạ là thầy nghiên cứu Khổng tử, Lão tử qua các tác giả Pháp, Mỹ. Cuối thập niên 80 (XX) từ Mỹ về, thầy mang về một cái compute cũ; khi tôi đến thăm, thầy bảo tôi theo lên gác, mở máy, cài đĩa CD khoe với tôi về cuốn từ điển điện tử. Tôi còn nhớ như in vẻ mặt sảng khoái đầy háo hức khi thầy vừa nhấn chuột vừa nói: Để hiểu tóm tắt về Khổng tử, máy giúp anh tra cứu 10 bài; để hiểu sâu hơn, máy có ngay 100 bài cho anh đọc; nó sẽ làm thoả mãn mọi kẻ háu đói kiến thức. Rồi thầy bàn với tôi về đạo trung dung, với ví dụ là: Cứng cỏi như Chu Văn An xứng làm thành nhân đã vậy, nhưng mềm mại giữ gìn như Liễu Hạ Huệ cũng là thánh nhân! Vâng, chính là thầy Hiến chứ không phải ai khác đã giúp tôi đứng vững trước mọi chao đảo; tôi vồn vã với đổi mới nhưng không thấy ai trong quá khứ cần phê phán kịch liệt, cũng như không hùa theo những kẻ nhân danh đổi mới để mưu cầu lợi danh. Giả dụ bây giờ cho tự do viết, tôi vẫn sẽ viết như từng viết, dũng cảm trung thực nhưng mềm mại.

      Nhân nói đến cái đĩa CD từ điển, tôi chợt cắt nghĩa ra một điều: Vì sao thầy Hiến chưa học đại học mà lại dạy được đại học? Và, nếu như thầy Hiến đã đưa ra định nghĩa độc nhất vô nhị về đại học thì chính thầy cũng lại là một gợi ý để có một định nghĩa mới lạ về người thầy. Như chúng ta đều biết, nghề thầy từng bị ví với người lái đò ngang, từng có câu thơ: Chữ nghĩa mớm dần con trẻ hết/ Râu ria đâm mải cái già ra. Để chống lại quá trình bã hoá, người thầy luôn luôn phải tự đào thải bằng cách không ngừng nạp tri thức mới, như thế, thầy giáo chính là một học trò chuyên nghiệp và suốt đời. Nếu chỉ bằng lòng với kiến thức được nhà trường trang bị, thầy Hiến chỉ là một giáo viên cấp 3; cùng lắm ông là chuyên gia hàng đầu về Maiacovsky chứ làm sao lại có thể có phép mầu hiện thực phải đạo biến đổi hẳn một công nghệ sáng tạo bền chặt mấy mươi năm?  Làm sao có nổi cua giảng về Freud đến chuyên gia đầu ngành về tâm lý học Phạm Hoàng Gia phải khâm phục; có nổi tiểu luận Sức mạnh văn hoá và sự phát triển của văn minh gây sửng sốt giới văn hoá học Hoa Kỳ; làm sao có nổi lý thuyết ưu tú và đặc biệt là thầy Hiến làm sao có nổi hệ giáo trình Trường Viết văn Nguyễn Du lừng lẫy đến thế?

    Xin dừng lại một chút về hệ giáo trình Trường Viết văn Nguyễn Du. Có lần tôi đã viết, rất lạ là con của thầy Hiến thì du học Nga,  bản thân thầy cũng từng là lưu học sinh nhưng khi lập giáo trình để dạy các nhà văn trẻ, thầy lại dành tới 2/5 thời lượng cho Việt Nam học vào cái thời điểm mà thuật ngữ này còn chưa ra đời. Lạ hơn nữa là cho đến khi nhận việc lập khoa, thầy Hiến còn dường như là ngoại đạo với văn chương văn hoá Việt. Giải thích một cách duy tâm gượng, tôi chỉ có thể nói thầy có sao thiên lương vũ khúc chiếu mệnh; còn về mặt biện chứng gượng, tôi nghĩ, tự thân là một nhà sáng tạo, thầy Hiến biết cái gì cần cho những người sáng tạo văn chương và không ngừng tích tụ gia cố nền tảng văn hoá cho họ.

      Một trăm đêm đầu tiên tôi có mặt trên đời đã được ngủ trong ánh đèn dầu lạc. Khi đóng sách vở cho tôi đi học, cha tôi có giải thích người làm thế là để có tiêu điểm cho các sao văn xương vũ khúc và thiên lương biết lối đi về với đầu óc tăm tối của tôi và con người nói chung. Từ nay, tức là năm lên bẩy tôi sẽ phải tự thắp lấy ngọn đèn dầu lạc cho mình. Tôi tự thấy ánh mắt háu đói tri thức chính là ngọn đèn dầu lạc đời tôi và nhờ nó, tôi đã gặp được những người thầy giỏi, trong đó có thầy Hiến mà tôi học được nhiều hơn rất nhiều người đồng môn… 

       Ngay cả bây giờ thầy, khi đã không còn hiện diện trên cõi đời này, thì ánh áng của sao Văn xương, Vũ khúc mà thầy Hiến khúc xạ đến chúng tôi vẫn còn rọi sáng...

* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Maiacốpxki, con người, cuộc đời và thơ (khảo cứu, 1976); Maiacốpxki, hài kịch (dịch, 1984); Văn học Xô viết đương đại (khảo cứu, 1987); Văn học - học văn (tiểu luận, phê bình, 1990); Văn học gần và xa (tiểu luận, phê bình, 2003); Triết lý văn học và triết luận văn chương (tiểu luân, phê bình, 2006).

* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, 1985 cho tác phẩm dịch Maiacốpxki, hài kịch.

* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Những bài phê bình hay làm người đọc yêu văn học. Yêu văn học là yêu những giá trị tinh thần, sự khô cạn của tình yêu này đương là một trong những  sự khốn cùng của thế giới hiện đại. Cũng như các thể loại văn học khác, viết phê bình không thể thiếu cảm hứng. Người viết phê bình là người có những chủ kiến mạnh mẽ (về các vấn đề nhân sinh, cũng có khi là những vấn đề học thuật). Cảm hứng phê bình nảy sinh khi chủ kiến của nhà phê bình ngẫu nhiên cộng hưởng đâu đó với tác giả và tác phẩm nào đó. Nhưng chủ kiến của nhà phê bình là sản phẩm của sự suy nghĩ, có ý thức đồng thời có gốc rễ vô thức (có những kinh nghiệm cá nhân và những kinh nghiệm cộng đồng được tàng trữ ở đây)

Nhà phê bình không thể không tìm hiểu tác giả, tác phẩm mình phê bình, sự tìm hiểu này có thể làm thay đổi chủ kiến của nhà phê bình nhưng cuối cùng thì viết phê bình vẫn là bộc lộ chủ kiến của mình. Octavio Paz hoàn toàn có lý: "Đối với nhà phê bình, bài thơ là điểm xuất phát để đi đến một văn bản khác, văn bản của mình".

 

Văn Chinh

1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
Tin mới