Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?

   

Nghệ An tổ chức ngày thơ Nguyên tiêu lần thứ 9
Cập nhật: 10:28:00 15/2/2011

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam làm lễ xin đất tại vườn Bác ở làng Kim Liên
VanVn.Net - Với tôn chỉ mục đích là tôn vinh thơ và làm cho thơ ca góp phần tốt nhất vào sự nghiệp xây dựng con người và văn hóa dân tộc. Đồng thời, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ đi tìm đường cứu nước và 70 năm Bác trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (1911-2011). Ngày thơ nguyên tiêu năm nay tại quê Bác, được tổ chức với không khí tưng bừng náo nhiệt và qui mô hoành tráng hơn so với mọi năm

Ngày 14 tháng 1 năm 2011, là ngày khai mạc chính thức. Nhưng, ngay từ chiều ngày 13/1. Đoàn hội nhà văn Việt Nam, đơn vị đồng tổ chức đã có mặt tại thành phố Vinh (Nghệ An). Do điều kiện thời tiết xấu, nên chương trình khai mạc được di chuyển vào trong nhà  văn hóa lao động, thay vì được tổ chức ở quảng trường Hồ Chí Minh, như dự định ban đầu. Chính vì thế, mặc dù vừa kinh lý qua một chặng dài hàng trăm Km. Nhưng vừa chạm chân đến thành phố Vinh, đoàn xe của hội nhà văn do chủ tịch hội Hữu Thỉnh dẫn đầu đã thẳng tiến ra đến nhà văn hóa lao động tỉnh Nghệ An, để thực hiện các công tác chuẩn bị. Đích thân, chủ tịch Hữu Thỉnh đứng ra hướng dẫn khối các em học sinh PTTH tập luyện động tác thả thơ.

Do chương trình có sự thay đổi khá đột ngột, cộng với một lịch làm việc dày đặc nên ban tổ chức, đã thảo luận rất tích cực để đưa ra một kế hoạch thời gian hợp lý nhất, một kế hoạch được gạn lọc đến từng phút. Có người nói đùa, “thật chẳng kém gì một kế hoạch tác chiến”. Sở dĩ phải chắt, gạn đến vậy, là bởi vì, cùng trong chuyến công tác này, ngoài việc tổ chức đêm thơ nguyên tiêu cùng tỉnh Nghệ An. Đoàn công tác hội nhà văn còn cùng với tỉnh ủy, UBND tỉnh về thăm quê Bác và thực hiện lễ dâng hoa, dâng hương báo công với Bác và lễ xin và trao gói đất quê bác (đưa về lưu giữ tại bảo tàng hội nhà văn) và thắp hương tại mộ thi hào dân tộc Nguyễn Du. Sau đó lại trở về quảng trường Hồ Chí Minh để làm lễ dâng hoa trước tượng bác Hồ, rồi mới quay về nhà văn hóa lao động để làm lễ khai mạc ngày thơ nguyên tiêu. Điều đáng nói là bản thân chương trình thơ nguyên tiêu lại là một kế hoạch cũng rất câu thúc về thời gian. Với nhiều hạng mục như chương trình nghệ thuật tổng hợp chào mừng ngày thơ Việt Nam, chương trình khai mạc, giao lưu  giữa các nhà thơ Việt Nam với người yêu thơ xứ nghệ, rồi giao lưu thơ giữa nhà thơ xứ Nghệ với các nhà thơ Việt Nam và với khán giả….

Tất cả mớ công việc bộn bề đó được gói gọn lại trong buổi sáng ngày 14/1. Chính vì thế trưởng ban tổ chức Nguyễn Xuân Đường đã  nhắc đi nhắc lại kỷ luật thời gian, như:

Đúng 6h15phut sáng phải có mặt tại vị trí ăn sáng.

Đúng 6h30ph phải tập trung lên xe về quê nội Bác làm lễ dâng hương v.v… Như, có ý nhắc khéo các nhà thơ tham gia giao lưu đừng để cháy chương trình của nhà tổ chức.

Tuy nhà tổ chức lo lắng là vậy song, thực tế thì mọi việc đã diễn biến trôi chảy đến không ngờ. Các đại biểu hội nhà văn đã thực hiện kế hoạch với tác phong quân sự, các mốc thời gian đều được tuân thủ đúng qui lát, nên công việc diễn ra khá tuần tự, nhịp nhàng. Tham dự lễ dâng hương báo công và lễ xin gói đất, về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Trần Hồng Châu, phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HDND tỉnh, đ/c Nguyễn Công Nhuần chủ tịch UBND tỉnh,  đ/c Nguyễn Xuân Đường phó chủ tịch UBND tỉnh. Tại nội điện, nhà thờ chủ tịch Hồ Chí Minh ở quê nội làng Sen, Kim Liên của Người, chủ tịch Hữu Thỉnh đã đọc một bản báo công trước vong linh Bác với nội dung xúc động đến mức, khi buổi lễ kết thúc, ông đang trên đường đi ra xe, bỗng có một  nhà thơ đầu bạc trắng,  ôm chầm lấy ông mắt lệ nghẹn ngào.


                                        Lễ thả thơ tại Nghệ An

Có lẽ một trong những tiết mục trong chương trình khai mạc khiến ban tổ chức canh cánh nhất là nội dung  giao lưu của các nhà thơ, bởi như một thành viên ban tổ chức đã bộc bạch “vẫn biết, đọc thơ mà không có hứng thì không còn là thơ, nhưng có hứng….quá, thì lại lại chẳng còn …thời gian”. Ác nỗi là, ranh giới giữa cái hứng và hứng…quá, ở đây, lại mong manh quá, nên nhà tổ chức mới phải đau đầu ưu tư. Nhưng, những chủ thể trữ tình tham gia giao lưu cũng không khỏi lắc đầu ngán ngẩm khi thời gian khống chế cho mỗi người không được quá …2,5 phút. Tuy nhiên, tham dự, chương trình giao lưu là những nhà thơ tên tuổi đến từ Hội nhà văn, như nhà thơ: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trọng Tạo, Bằng Việt, Anh Ngọc, Trần Ninh Hồ (Hà Nội), Thạch Quì, Phan văn Từ (Hà Tĩnh), Mai Phương (Quảng Ninh). Và họ đã chứng tỏ được bản lĩnh văn học của mình, bằng cách cống hiến cho khán giả yêu thơ xứ Nghệ những giây phút  tràn đầy cảm xúc thi ca, với đủ cung bậc: hỷ-lạc…với sự ứng biến linh hoạt và sự lịch duyệt văn chương của MC Anh Ngọc, và những câu đối đáp dí dỏm của Trần Đăng Khoa,. Chương trình thực sự đã chinh phục được người yêu thơ xứ Nghệ, bằng những bài thơ, vần thơ đã đi vào tâm thức dân gian, như một phần tài sản tâm hồn của họ như “nhịp cầu nối những bờ vui” của (Phan Văn Từ) Hạt Gạo Làng Ta (Trần Đăng Khoa). Những bài thơ, dung dị, đằm thắm của Bằng Việt, Trần Ninh Hồ… nhà thơ Thạch quì đến từ Hà Tĩnh mở đầu với một bài tứ tuyệt về mùa xuân, lời tuy ngắn gọn, súc tích mà ý tứ mênh mang. Và nhà thơ Mai Phương khép lại bằng phần giao lưu đầy ấn tượng. Lão nhà thơ vừa tròn 79 tuổi, trước khi đọc bài thơ “Thế gian này chỉ riêng Bác mà thôi” đã phát biểu một câu..lạnh người: “khi làm xong bài thơ này, tôi tự nhủ: mình đã có thể chết được rồi!!”.  ông kể, bài thơ bất chợt  đến với ông, vào một đêm tháng 5/2001. Khi ông xem đoạn phim, trong bộ phim tài liệu lịch sử -Hồ Chí Minh, chân dung một con người- trong đoạn phim đó “bác Hồ cởi trần, mặc quần cộc, vai quảy một chiếc hèo, đầu ngọn hèo đó tòong teng, một chiếc áo may-ô vừa giặt ướt”, ông vội vã kiếm bút, cắm cúi viết liền một mạch với đôi mắt lòa nhòa ánh lệ. Và bài thơ đó đã khiến cho nhiều thế hệ khán giả trong hội trường “nhà văn hóa lao động” tỉnh Nghệ An, trong buổi sáng ngày thơ Nguyên Tiêu ấy, mắt lệ dưng dưng. Khi, nhà thơ đọc đến câu:

Con không nói được gì về bác nữa đâu

Người lớn rộng bóng trùm lên ngôn ngữ

Chỉ còn khóc nước mắt thay dòng chữ

Yêu kính người đến tột đỉnh vinh quang.

Thì một khán giả đầu bạc phơ (cũng là một nhà thơ) đã bước nhanh lên sân khấu, hai mái đầu bạc rung rung, xúc động nghẹn nghào, trong tiếng vỗ tay vang dội. Rõ ràng, thi ca, tuy có thể rất phong phú về hình thức thể hiện, nhưng nếu thiếu đi sự thổn thức tận đáy lòng, thì sẽ chẳng bao giờ tìm được sự cộng cảm của người yêu thơ. Dường như đó cũng chính là tâm sự của nhà thơ Hữu Thỉnh,  khi ông ưu tư đặt câu hỏi, trong lời khai mạc:

Nhà thơ có thể làm gì để cân bằng lại cái thế giới kỹ trị của chúng ta?

Ngày thơ Nguyên Tiêu đã khép lại với lễ thả thơ truyền thống, với hình ảnh tuyệt đẹp của 70 nữ sinh, tinh khiết trong nền trắng của bộ áo dài truyền thống, làm nổi bật những trái bóng đỏ chứa đầy khinh khí, có nhiệm vụ giúp những vần thơ trác tuyệt của thi nhân Việt cất cánh bay lên.

Trần Sáng

Pre
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
Tin mới