Ông Võ Hồng Hải đã báo cáo những nét chính của mục đích yêu cầu của Lễ kỷ niệm đặc biệt này:

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, UBND tỉnh Hà Tĩnh và Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh đã thống nhất kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 245 năm năm sinh – 190 năm năm mất của Đại thi hào Nguyễn Du gắn với kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nhằm ca ngợi những đóng góp lớn lao và tôn vinh xứng tầm danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào dân tộc – người con của quê hương Hà Tĩnh nhưng được sinh ra và trưởng thành ở đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tuần Văn hóa – Du lịch “Quê mình quê thơ” với nhiều hoạt động phong phú sẽ được diễn ra trên địa bàn Hà Tĩnh từ ngày 27/10 đến 31/10/2010 do các đơn vị thuộc Bộ VH,TT&DL như Cục Văn hóa cơ sở, Tổng cục Du lịch, Viện Văn hóa Nghệ thuật… phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh và một số địa phương trong nước thực hiện là dịp để nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn về thân thế, sự nghiệp của một danh nhân văn hóa lớn, một Đại thi hào dân tộc với những áng văn chương bất hủ, đồng thời quảng bá cho những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của tỉnh Hà Tĩnh – vùng đất được khẳng định là “địa linh – nhân kiệt”.
Kết thúc Tuần văn hóa – du lịch là Lễ kỷ niệm lần đầu tiên được tổ chức tại Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du và được xác định là sự kiện quan trọng nhất kết thúc tháng cao điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nội dung chương trình nghệ thuật của Lễ kỷ niệm được bố cục thành 4 chương với 15 tiết mục nhằm tái hiện lại toàn bộ cuộc đời của Đại thi hào Nguyễn Du từ khi cất tiếng khóc chào đời trong nhung lụa, lầu son đến cuộc đời nhân thế phiêu bạt đầy biến cố, và đặc sắc nhất là Di sản văn hóa Truyện Kiều của ông.
Nguồn năng lượng và cảm hứng nuôi dưỡng tâm hồn thiên tài Nguyễn Du từ thủa thiếu niên, trước hết là quan họ Kinh Bắc qua lời ru của mẹ và âm hưởng của những điệu hò Ví dặm Hà Tĩnh quê cha. Tâm hồn ấy tiếp tục được trau dồi thêm trong suốt quá trình trưởng thành bằng những làn điệu ca trù cổ điển của kinh thành Thăng Long cổ kính.
Sinh ra trong lụa là, cuộc sống thời thơ ấu của chàng “Chiêu Bẩy” diễn ra chỉ như giấc mộng ngắn ngủi, 10 tuổi mồ côi cha, 13 tuổi mồ côi mẹ, 15 tuổi đã bắt đầu cuộc lưu lạc gian truân... Nhưng trên hết, trái tim chàng Nguyễn vẫn rạo rực xúc cảm trước tình đời, trước tình cảm mộc mạc, thắm thiết và tình quê hương thấm đẫm.
Với trái tim của một thi sỹ đầy khắc khoải và tình thương yêu, Nguyễn Du luôn cảm thấy đau khổ trước những tấn bi kịch, và những số phận bất hạnh của kiếp người. Nhưng Nguyễn Du vẫn lạc quan tin rằng, một ngày nào đó, cuộc sống sẽ hồi sinh trong tình yêu và sự vị tha… Bằng tài năng văn chương kiệt xuất, học vấn uyên bác và tình yêu, khát vọng tự do cùng với lòng tin vào những giá trị nhân văn vĩnh cửu đã trở thành động lực thúc đẩy Nguyễn Du viết nên một Truyện Kiều bất hủ – kiệt tác nổi tiếng nhất trong kho tàng văn chương Việt Nam.
Tác giả kịch bản – nhà văn Nguyễn Khắc Phục chia sẻ: “Toàn bộ đêm Nguyễn Du sẽ ca ngợi tình yêu thương con người, sự đồng cảm với những nỗi bất hạnh mà đỉnh cao nhất được thể hiện trong tác phẩm Nguyễn Du chính là chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc, được một thiên tài trác việt xây dựng và làm nên tác phẩm bất hủ trong lịch sử văn học Việt Nam”
Trích lược tiểu sử của Đại thi hào Nguyễn Du
Nguyễn Du sinh năm Ất Dậu (1765), niên hiệu Cảnh Hưng, tại Thăng Long. Dòng dõi thuộc về một gia đình khoa hoạn nổi danh ở làng Tiên Điền về thời Lê mạt. Trước ông, sáu bảy thế hệ viễn tổ đã từng đỗ đạt làm quan.
Đến thân phụ ông là Nguyễn Nghiễm (1708-1775), đậu Nhị giáp tiến sĩ, làm quan đến chức Đại tư đồ (Tể tướng), tước Xuân Quận Công dưới triều Lê. Ngoài là một đại thần, ông Nghiễm còn là một nhà thơ, một nhà nghiên cứu sử học. Ông Nghiễm có cả thảy tám vợ và 21 người con trai, Nguyễn Du đứng hàng thứ bảy, nên còn được gọi là Chiêu Bảy.
Mẹ Nguyễn Du là bà Trần Thị Tần (1740-1778), con gái một người thuộc hạ làm chức câu kế, người xã Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Bà Tần là vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm, trẻ hơn chồng 32 tuổi.
Thuở nhỏ Nguyễn Du sống trong nhung lụa, nhưng cuộc sống này kéo dài không quá mười năm. Vì 10 tuổi đã mồ côi cha, năm 13 tuổi, mồ côi mẹ, ông và các anh em ruột phải đến sống với người anh cả khác mẹ là Nguyễn Khản.
Năm 1780, khi ấy Nguyễn Du mới 15 tuổi thì xảy ra “Vụ mật án Canh Tý » với những biến động trong triều đình khiến anh em Nguyễn Du mỗi người một ngà.
Năm 1783, Nguyễn Du thi Hương đỗ tam trường (tú tài); trước đấy, một võ quan họ Hà ở Thái Nguyên, không có con nên đã nhận ông làm con nuôi. Vì thế, khi người cha này mất, Nguyễn Du được tập ấm một chức quan võ nhỏ ở Thái Nguyên.
Năm 1789, Nguyễn Huệ, một trong ba thủ lĩnh của nhà Tây Sơn đã kéo quân ra Bắc đánh tan hai mươi mấy vạn quân Thanh sang tiến chiếm Đại Việt. Nguyễn Du cũng chạy theo vua Lê Chiêu Thống (1766-1793) nhưng không kịp, đành trở về quê vợ, ở Quỳnh Côi, Thái Bình, sống nhờ nhà người anh vợ là danh sĩ Đoàn Nguyễn Tuấn
Được vài năm, Nguyễn Du về quê. Năm 1796, nghe tin ở Gia Định, chúa Nguyễn Ánh (1762-1819) đang hoạt động mạnh, ông định vào theo, nhưng chưa đi khỏi địa phận Nghệ An thì đã bị quân Tây Sơn do tướng Nguyễn Thuận chỉ huy, bắt giữ ba tháng. Trở về Tiên Điền (Hà Tĩnh), ông sống chật vật một thời gian dài cho đến mùa thu năm 1802, khi chúa Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long, ông được gọi ra làm quan cho nhà Nguyễn.
Năm 1802 – 1814 : Ông được phong lần lượt nhiều chức tước và nhiều lần được cử đi sứ tại Trung Quốc.
Năm 1820, Gia Long mất, Minh Mạng lên ngôi, Nguyễn Du lại được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc, nhưng chưa kịp lên đường thì mất đột ngột (trong một trận dịch khủng khiếp làm chết hàng vạn người lúc bấy giờ) ở kinh đô Huế vào ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn, tức 18 tháng 9 năm 1820, sau đưa về an táng tại quê nhà ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh