Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI
   

Tân Hội viên - Nhà thơ Thi Sảnh: "45 năm, mấy chặng đường thơ"
Cập nhật: 10:58:00 17/1/2011

Nhà thơ Thi Sảnh
VanVn.Net - Thi Sảnh là một cây bút thơ quen thuộc ở Quảng Ninh. Tôi đọc và nhớ thơ ông từ những năm mình mới tập làm thơ. Bài thơ của ông tôi được đọc đầu tiên là bài Nét bút Bác Hồ vào năm 1969, khi Bác mất. Những câu thơ giàu cảm xúc khiến tôi nhớ mãi ''Con rưng rưng nhìn từng trang Bác đọc/ Nét chữ Bác ghi, nét chì Bác gạch/ Ôi đời Bác đau bao nỗi lo toan/ Vẫn không ngơi giây phút nghĩ về Than!”. Bài thơ này cộng với cái bút danh Thi Sảnh đẹp và độc đáo đã khiến tôi tò mò muốn tìm hiểu về ông...

Thi Sảnh là bút danh của nhà thơ Nguyễn Thanh Sỹ. Ông sinh năm 1941, quê ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Sau khi tốt nghiệp khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1965 ông ra Quảng Ninh công tác và sống ở Vùng mỏ từ đó đến nay.

Những tập thơ của ông đã xuất bản:

- Điều ước - NXB Hội Nhà văn -1983

- Cõi thiêng - NXB Hội Nhà văn – 2000

- Ngọn nguồn câu hát - NXB Hội Nhà văn – 2002

- Thức với dòng sông - NXB Hội Nhà văn - 2004

- Thơ Thi Sảnh (tuyển) - NXB Hội Nhà văn - 2005

- Đồng điệu - NXB Hội nhà văn – 2007

- Khi ta hát - NXB Hội Nhà văn - 2009

- Liên tưởng - NXB Văn học

- Đợi và tìm - NXB Văn học

- Hình bóng xưa - NXB Văn học

- Gương mặt bè bạn - Hội Văn Nghệ Quảng Ninh

- Bài thơ bên vách núi - Sở Văn hoá Thông tin Quảng Ninh

* 2 lần đoạt giải C - Giải Văn Nghệ Hạ Long cho 2 tập thơ Cõi thiêng và Điều ước

Thi Sảnh làm thơ từ những năm tháng còn học phổ thông. Quê ông ở bờ Nam sông Hiền Lương. Ngày ấy, dòng sông này chia cắt đất nước ta làm hai nửa. Ông đã xin cha mẹ cho vượt tuyến ra Bắc để tiếp tục được học tập. Lúc đó ông chưa đầy 13 tuổi. Nỗi xa nhà vất vả cộng với hoàn cảnh chiến tranh, hai miền Bắc Nam còn bị cắt chia đã đè nặng nỗi lòng cậu bé Thanh Sĩ. Nỗi nhớ cha mẹ quê hương, niềm căm thù giặc... đã khiến cậu lặng lẽ chép lại bằng những câu thơ trong sổ tay hay trên báo tường của lớp... 

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông về Bảo tàng Quảng Ninh công tác. Từ sự bền chí trong công tác nghiên cứu cộng với những xúc cảm thơ, những công trình lịch sử của ông và cả những tác phẩm thơ đã lần lượt ra đời. Rồi những năm ông làm Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin, bận nhiều công việc, ông vẫn làm thơ. Thơ ông vẫn thăm thẳm nỗi niềm, vẫn day dứt trước cuộc sống, mang đậm dấu ấn vùng than. Công việc nghiên cứu lịch sử cộng với công tác quản lý ở một Sở Văn hoá đã tạo cho ông có được nhiều bài thơ sâu sắc về lịch sử như: Cuộc trò chuyện cuối cùng giữa Trần Nhân Tông với các cung nữ dưới chân núi Yên Tử, Mặt trời trên Khuê Văn Các, Thì thào Yên Tử, Cõi thiêng, Tháp Chàm, Lời Nguyễn Trãi, Trước đình Trà Cổ, Nỗi đau Cốt Mìn...

Tiêu biểu cho loạt đề tài này phải kể tới bài Cuộc trò chuyện cuối cùng giữa Trần Nhân Tông với các cung nữ dưới chân núi Yên Tử. Ông đã dựng được một không gian thơ trong bối cảnh khó khăn nhất của việc một ông vua rũ áo bào đi tu. Bài thơ có lối viết giản dị bằng thể lục bát đằm thắm và da diết giữa lời thoại của Vua và các cung nữ: “- Để ta rũ bỏ bụi trần/ Thôi thôi cung nữ dừng chân nơi này/ Lui về thôn dã cấy cày/ Lấy chồng bù lại những ngày ở cung...''. ''-Chúng con có thể nào yên/ Để người lẻ bóng đêm đêm gió lùa/ Ai người nấu bát canh chua/ Nấu cơm nồi đất sớm trưa hầu Người... ''.

Thi Sảnh đã cho ra mắt 10 tập thơ với số lượng khoảng gần 600 bài. Thơ ông viết từ 1990 về trước lấy mạch cảm hứng ngợi ca, đó là nguồn cảm hứng của đông đảo nhà thơ giai đoạn này, vì vậy mà thơ ông ít có nét riêng. Đọc thơ ông, ta gặp nỗi nhớ nhung da diết về mẹ cha, bạn bè ở mảnh đất chôn nhau cắt rốn Quảng Trị và những đổi thay trong chiến đấu, sản xuất ở vùng đất ông công tác - vùng Than Quảng Ninh. Phần thơ ông viết sau 1990 có nhiều thay đổi trong tư duy, cấu tứ và cả nhạc điệu. Những nét cảm sâu thẳm trong tâm tư, những ranh giới mơ hồ của thật giả đã khiến ông trăn trở và viết thành thơ. Ở mạch thơ này phải kể đến các bài khá đặc sắc: Tuổi sáu mươi, Đang đi ngoảnh lại, Tự vấn, Tĩnh lặng, Mắt tôi sáng lại, Tuổi già, Hòn than tự sáng, Trên con đường ngược chiều... Ở đây nhiều trải nghiệm đã đi vào thơ. Đọc thơ ông, ta thấy cả những nỗi niềm và nhiều bài học quý của kiếp người:

Khi đến tuổi sáu mươi/ Dù chưa phải nấc thang cuối đời/ Ngẩng mặt trời xanh hun hút... (Tuổi sáu mươi). Hoặc: ''Không bão dông mà hơn cả bão dông/ Ánh lửa trên cây phụt tắt/ Không nhiệt kế nào đo được nhiệt độ xuống thấp/ Trong ruột cây già cô đơn! (Mùa đông khắc nghiệt).

Viết về thơ ông, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét:

“Thơ Thi Sảnh không cầu kỳ kiểu cách, nó giản dị và chất phác với nhiều day trở chân thành như con người anh. Dù đi vào đề tài lớn hay nhỏ, dù viết về thế sự hay riêng tư thì cái con người cá nhân - công dân của thi sĩ vẫn luôn luôn hiện diện. Những ngôn ngữ đời thường, những câu chuyện mộc mạc, những ngẫm nghĩ suy tư, những gặp gỡ thoáng qua trong thơ Thi Sảnh đều đem lại cho người đọc những rung động chân thành...''. Ngót chục năm nay ông nghỉ hưu, sống tại Cao Thắng TP Hạ Long - Đôi chân ông đau, đi lại khó khăn. Ông vẫn làm thơ. Thơ ông ở giai đoạn này sâu sắc và gắn với cuộc đời hơn. Bây giờ ông nghiêm túc nhìn lại thành quả thơ mình, có lúc ông đọc đi đọc lại trên 600 bài thơ ông đã viết và được in. Ông thấy chỉ còn được khoảng vài mươi bài... Ông cho rằng, nếu vài mươi bài đó được người yêu thơ chấp nhận thì cũng quý lắm rồi. Thơ làm thì dễ nhưng làm được thơ cho thật sự là thơ lại khó thay! Đó là những cảm nhận của Thi Sảnh, cũng chính là cảm nhận của những ai đã dũng cảm coi thơ như là cái nghiệp của đời mình...

Hơn chục năm về trước, Thi Sảnh đã có đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam. Với ông, một người cầm bút chân chính, không thể không khát khao được gia nhập Hội nhà văn, Hội của những người cùng một chí hướng là sáng tác văn học. Nhưng đã nhiều lần được biết Hội đã đưa trường hợp ông ra xét, nhưng vẫn rớt. Ông vẫn không nản, vẫn viết, và viết khoẻ hơn, hay hơn và vẫn hy vọng. Giờ đây, khi vừa vào tuổi70, ông thật sự vui mừng và hạnh phúc khi  được kết nạp vào Hội.

______________

 THƠ THI SẢNH

Nỗi niềm

Có khi thèm ở một mình

Trong căn phòng rộng lặng im như tờ

Không nhìn ngắm chẳng mộng mơ

Người như hoá đá trơ trơ giữa đời

 

Những khi ầm ĩ nói cười

Men say khói bốc mặt người ngả nghiêng

Những khi tiếng nhạc rung lên

Vòng tay mở bước chân chen chào mời

 

Nghẹt trong khói thuốc hơi người

Ta thèm có lúc thảnh thơi một mình

Giờ thì thừa thãi lặng im

Thừa ngày dài rộng một mình vào ra

 

Lại thèm nghe tiếng reo ca

Tiếng cười nắc nẻ như là bùa mê

Lại thèm được bước chân đi

Giữa dòng người tựa suối khe dâng trào

 
Lại thèm chung khói thuốc lào

Chung cốc rượu ngán hồng đào bùi thơm

Thèm ôm bạn ngủ ổ rơm

Thả phanh kể chuyện áo cơm vui buồn.

 

Đọc thơ Chế Lan Viên

Đánh giặc xong rồi

Thương nhà thơ vẫn hốt lá khô đun bếp(*)

Thế mà có kẻ cầm dao doạ giết(*)

Bởi ông là nhân chứng của sự bất công

                                   hay vì một nhúm lá khô?

6-2003

(*) Xem toàn tập Chế Lan Viên, bài Hốt lá và bài Từ thế chí ca

 

Mặt trời trên Khuê Văn Các

Nắng bao đời vẫn là ngọn nắng ấy thôi

Sao trong suốt chiều nay mới lạ?

Chiếu từ đâu? Mặt trời sau kẽ lá

Hay từ vầng dương chói lọi Các Khuê Văn?

Mỗi bia đá một gương mặt văn nhân

Đến Văn Miếu ngực phập phồng trống dội

Mải miết với câu văn quên chõng lều mưa xối

Chẳng hay cô gái Thăng Long thắt dải lụa đào

Từ quán xá e ấp trông vào

Suốt ngàn năm dựng xây và đánh giặc

Trống Tràng Thi vẫn dõng dạc rung trên đất Thăng Long

Dù đất nước có thời loạn lạc gian truân

Có thời liên miên mất mùa đói kém

Những tiến sĩ vẫn nối tiếp ra đi từ Văn Miếu

Cưỡi ngựa cưỡi voi cầm bút cầm gươm

Rồi trở lại nơi đây trong ánh vầng dương

Của mặt trời tròn xoe Khuê Văn Các

Bóng lung linh soi mặt hồ nước bạc

Hương sen bay và cá quẫy vầng trăng

Tôi gọi thầm những tên tuổi văn nhân

Trạng nguyên năm Giáp Dần quê Kinh Bắc

Rong ruổi biên thuỳ bỏ mình nơi trận mạc

Trạng nguyên năm Đinh Hợi mộ dân lập ấp khai hoang

Trạng nguyên thời cuối Lê đi sứ mòn gót chân

Ném vào mặt quân thù lời nói như lưỡi dao nhọn sắc

Đất nước này có thời nào mà văn nhân vắng mặt?

Tôi bồi hồi đứng dưới gác Khuê Văn

Trong ánh vầng dương như hồn non nước.

1986

Bóng mình

Mỗi bước bước về phía trước

ta lại ngoảnh lại phía sau mình

để thấy

không chỉ là bóng mình

mà giữa bóng

ẩn hiện một con người

ẩn hiện một cuộc đời

dẫu không nhìn rõ mặt

nhưng không thể lẫn ai khác

khi ta thưa vắng bạn bè

chỉ bóng mình là chung thuỷ

ngày ngày nhất động nhất cử

đồng hành cùng ta

chia sẻ cùng ta

thầm thĩ những điều không nói cùng ai được

cho lòng nhẹ nhõm cạn vơi

giữa cuộc đời đâu biết giả thật

ta biết tựa vào ai

tựa vào bóng mình

lặng im

không biến dạng

không đổi hình

là thật nhất

là chắc nhất

dẫu có khi bước cao bước thấp

dẫu có khi lửa cháy lồng ngực

bóng vẫn là bóng

vẹn nguyên

bóng vững như bức tường

dẫu cuộc đời ngả nghiêng

có khi ta ngoảnh lại

đột ngột bóng tiêu tan

ta đối mặt với mặt trời chói loá

bóng vượt lên phía trước

dẫn bước

như là đi ngược

về phía trời trẻ trai

bỗng thương mình đã già

bỗng thấy mình khát sống

có khi ta ngoảnh lại

hoàng hôn ập xuống

trong nháy mắt

bóng nhập vào ta

ta không còn bóng

bỗng thấy mình chơi vơi.

Nhà thơ Nguyễn Châu (giới thiệu)

1
2
3
4
5
6
7
8
9
Tin mới