Đoàn Việt Bắc: Sinh nhật mình năm nay lạ lắm/ Năm trăm rau muống luộc nhai suông/ Em không còn thuở tết tóc đuôi sam/ Đuổi bươm bướm và hái hoa cúc dại
   

Hai bức ảnh tiêu biểu về Chu Dung Cơ
Cập nhật: 11:11:00 17/9/2010

 

VŨ PHONG TẠO

Chống tham nhũng phải đánh hổ trước, đánh sói sau. Đối với hổ, không thể vì lợi lộc mà dung dưỡng kẻ gian tham, phải chuẩn bị sẵn một trăm cỗ quan tài, trong đó cũng có một cỗ của tôi, không thể không một mất một còn, nhưng đổi lại được sự phát triển ổn định lâu dài của quốc gia và lòng tin của dân chúng vào sự nghiệp của chúng ta.

Sau khi điều tra ra vụ án tham ô và lợi dụng chức quyền của Trần Hy Đồng, nguyên Thị trưởng thành phố Bắc Kinh, nguyên Bí thư Thành uỷ thành phố Bắc Kinh, Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Chu Dung Cơ đã vô cùng phẫn nộ nói như vậy (ảnh 1).

Ông Chu Dung Cơ, người Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, sinh ngày 23 tháng 10 năm 1928. Chu Dung Cơ là cháu đời thứ 80 của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, vị hoàng đế khai sáng triều đại nhà Minh, là một trong mười vị hoàng đế nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Ông Chu Dung Cơ đã từng đảm nhiệm các chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước Trung Quốc: Thị trưởng thành phố Thượng Hải (1988-1991); Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (1993-1998); Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (1998-2003). Năm 2003, ông thôi chức vụ, nghỉ hưu, “làm một thảo dân” như ông đã khôi hài nói.

Ngày 5 tháng 9 năm 2009, Nhà xuất bản Nhân dân Trung Quốc đã xuất bản một bộ sách gây tiếng vang lớn ở Trung Quốc “Chu Dung Cơ trả lời nhà báo”.

Một “nhân vật gang thép” (như giới báo chí Trung Quốc và thế giới đánh giá) như vậy mà sau khi về hưu, ông Chu Dung Cơ đã khác rất xa khi đương chức đương quyền: Vẻ nghiêm khắc và nghiêm nghị trước đây đã dần dần nhạt đi, gương mặt ôn hoà và hiền lành không ít, nụ cười ngày càng nhiều hơn, nguyên tắc lớn nhất của ông là không bàn chuyện công tác với bất kỳ người nào, song thích nói chuyện với những người dân bình thường.


Hàng ngày, ông đọc sách, luyện thư pháp, kéo nhị (ảnh 2). Khi cao hứng, ông lại cùng phu nhân Lao An “vợ lĩnh xướng, chồng hát theo” (phụ xướng phu tuỳ) một vài đoạn Kinh kịch. Cuộc sống hàng ngày của ông tràn đầy hương vị hạnh phúc của một ông già hưu trí, di dưỡng tuổi già, vui đùa với cháu con.

Báo chí Trung Quốc giành không ít bút mục viết về bốn nội dung đặc sắc trong cuộc sống thường ngày hiện nay của ông Chu Dung Cơ: (1) Đóng cửa không tiếp khách, ở trong nhà đọc sách; (2) Nguyên tắc lớn nhất là không bàn công tác; (3) Văn hay chữ đẹp, trí nhớ rất tốt; (4) Thanh quan lưu danh, không vinh quy bái tổ.

Ông Chu Dung Cơ thường hay nhắc lại câu châm ngôn của thời đại nhà Minh khắc tại rừng bia Tây An:

Quan không sợ ta nghiêm, mà sợ ta liêm; Dân không phục ta tài giỏi, mà phục ta công tâm; Công tâm thìdân không dám chê, liêm khiết thì quan không dám khinh; Công tâm sinh ra sáng suốt, liêm khiết sinh ra uy tín

(Lại bất uý ngô nghiêm, nhi uý ngô liêm; Dân bất phục ngô năng, nhi phục ngô công; Công tắc dân bất cảm mạn, liêm tắc lại bất cảm khi. Công sinh minh, liêm sinh uy).

Ngắm nhìn hai tấm ảnh rất đặc sắc của cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ; Đọc đôi nét chấm phá về cuộc sống đời thường sau khi nghỉ hưu của một “nhân vật gang thép” trên chính trường Trung Quốc, mỗi người từ nhiều góc độ khác nhau sẽ rút ra được nhiều bài học về nhân tình thế thái trên thế gian rộng mênh mông này, không có biên giới, không phân biệt quốc gia, dân tộc nào!

VŨ PHONG TẠO

(Theo www.xici.net, 11-10-2009)


1
2
Tin mới