Bà Pratibha Patil, Tổng thống nước chủ nhà Ấn Độ, tham dự lễ khai mạc ICM 2010 và đích thân trao tặng Huy chương Fields cho Giáo sư Ngô Bảo Châu. Ba nhà toán học khác trên thế giới cũng nhận Huy chương Fields lần này là Elon lindenstrauss (Israel), Stanislav Smirnov (Nga) và Cedric Villani (Pháp)

Tổng thống Ấn Độ Patil trao giải thưởng cho giáo sư Ngô Bảo Châu. (Nguồn: AFP/TTXVN)..
Huy chương Fields do Nhà toán học Canada John Charles Fields sáng lập năm 1936, được trao bốn năm một lần cho các nhà toán học không quá 40 tuổi và có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực Toán học thế giới. Huy chương Fields được xem là “Giải Nobel Toán học”.
Giáo sư Ngô Bảo Châu nổi tiếng với nhiều công trình khoa học ý nghĩa, trong đó có công trình Chứng minh Bổ đề cơ bản Langlands. Tạp chí Time của Mỹ năm 2009 bình chọn công trình này của Giáo sư Châu là một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu năm 2009.
Sinh năm 1972 tại Hà Nội, Ngô Bảo Châu từng là học sinh Trường thực nghiệm Giảng Võ và trường THCS Trưng Vương. Sau đó, ông học tại khối chuyên Toán Trường Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Ngô Bảo Châu là người Việt Nam đầu tiên giành hai huy chương vàng Olympic Toán quốc tế.
Khi mới 33 tuổi, Ngô Bảo Châu được đặc cách phong hàm Giáo sư tại Việt Nam. Ông là Giáo sư toán tại Đại học Paris XI (Pháp) và làm việc tại Viện nghiên cứu Princeton, New Jersey (Mỹ).
Với sự kiện Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận Huy chương Fields, Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai tại Châu Á (sau Nhật Bản) có công dân được trao tặng giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực Toán học.
Giúp giữ một niềm tin nho nhỏ
Trả lời báo chí ngay sau cuộc họp báo, GS Ngô Bảo Châu nói:
“Nhân niềm vui này, tôi xin cảm ơn tất cả mọi người. Nhận giải thưởng, đầu tiên, tôi nghĩ đến những người đã đi xa, nghĩ đến ông ngoại tôi và một nhà giáo Pháp có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nhân cách của tôi. Nếu họ có mặt trong giờ phút này thì niềm vui sẽ trọn vẹn hơn.
Nhận được giải thưởng, nghiên cứu của tôi sẽ không thay đổi mấy. Tất nhiên, với giải thưởng này, tôi có thể làm được nhiều hơn cho toán học và khoa học Việt Nam. Đây có thể xem như một giải thưởng chung cho mọi người, giúp các bạn trẻ giữ một niềm tin nho nhỏ nào đó chăng, giúp mọi người hiểu rằng ai cũng có thể sống có ý nghĩa”.
Còn mẹ GS Ngô Bảo Châu, bà Trần Lưu Vân Hiền, trả lời phỏng vấn qua điện thoại phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, Trần Lưu Hồng Hạnh, đồng thời là dì ruột của GS Châu đã nói: “Khó nói lắm, chỉ thấy nước mắt chảy ra thôi. Cả mẹ, vợ, và ba con gái đều mặc áo dài trong lễ trao giải. Các đại biểu ngồi trên chiếc ghế dài. Người thân và đồng nghiệp Việt Nam có mặt tại khán phòng rất đông. Khi nghe xướng tên Ngô Bảo Châu, tất cả đứng dậy và nghẹn ngào. Điều đầu tiên nói với Châu ngay sau khi con nhận giải là chúc mừng con đã toại nguyện, làm được một việc lớn cho khoa học. Vinh dự, hạnh phúc này không chỉ cho gia đình mà cho thân nhân, bạn bè, cho toàn dân Việt Nam...
...Mỗi khi gọi điện thoại liên lạc với nhau, cha thường hỏi con giải toán đến đâu rồi, còn mẹ toàn hỏi con có khỏe không”.
Trong lịch sử 74 năm của Giải thưởng Fields , có 52 người nhận giải, trong đó có bốn người châu Á, ba người Nhật Bản và Ngô Bảo Châu của Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc mừng GS Ngô Bảo Châu
Nhận được tin Giáo sư Ngô Bảo Châu vừa được trao huy chương Fields, chiều 19-8, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi lời chúc mừng tới Giáo sư Ngô Bảo Châu.
Chủ tịch nước đánh giá cao thành tích và những cống hiến của Giáo sư Ngô Bảo Châu đối với toán học, mang về niềm tự hào và vinh dự lớn cho đất nước.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, giải thưởng mà Giáo sư Ngô Bảo Châu giành được cũng là phần thưởng lớn cho nền toán học Việt Nam và hy vọng rằng với tài năng và trí tuệ của mình, Giáo sư Ngô Bảo Châu sẽ tiếp tục có những đóng góp to lớn cho toán học Việt Nam và thế giới.
Theo TTXVN
QD,Võ Giang tổng hợp
Tienphong.vn